Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

THẦY NAM (Tưởng niệm hương linh thầy Huỳnh Nam) *Phùng Ngọc Cửu

 

11 tháng 4, 2019 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Nhớ Ban mê... có trường trung học công lập...
THẦY NAM
(Tưởng niệm hương linh thầy Huỳnh Nam)
*Phùng Ngọc Cửu
Tôi còn nhớ bắt đầu học thầy năm 1967, năm tôi học đệ ngũ. Ngoài giờ học ở trường, tôi còn học thêm một cours thầy dạy kèm ở nhà riêng. Ngày ấy thầy còn độc thân, mướn một căn nhà ở gần cuối đường Y-Jut, kê vài cái bàn và băng ghế ở phòng ngoài cho bọn tôi ngồi học, còn phòng bên trong để ở. Bọn tôi không đứa nào dám bén mảng vào phòng này, chỉ đoán lờ mờ rằng bên trong được trang bị “xịn”, vì rằng trước khi vào lớp, đứng bên ngoài phòng bọn tôi đã nghe âm thanh giàn máy Akai vốn là máy thu phát băng thời thượng hồi đó, xập xình bài La Paloma…
Thầy đi dạy - gần như luôn luôn mặc áo trắng - bằng xe Mobilette, cũng đã là “oách” vào thời kỳ này rồi. Ít khi nào thấy thầy không có điếu Ruby trên tay, phòng học lúc nào cũng đượm mùi khói thuốc. Tôi nhận ra mấy đầu ngón tay thầy vàng ệch nicotine khi viết bảng. Đúng ra là tôi luôn theo dõi tuồng chữ viết của thầy mà phát hiện ra điều này. Chữ thầy nhỏ, gọn đều, tròn trịa, và đẹp lả lướt; những ai đã học thầy đều có nhận xét như vậy. Tôi mê môn vật lý thầy dạy, và cả môn toán nữa, cho dù dường như môn này là môn tay trái của thầy, nhưng thầy cũng dạy hay không kém. Chẳng hiểu phương pháp sư phạm thầy áp dụng hay hay chính vì cung cách thân mật, bông đùa khi truyền đạt làm cho một học sinh vốn tối dạ như tôi cũng chợt thấy rằng mình được khai hóa sau vài tháng học thầy. Tôi còn nhớ tiếng cười của thầy giòn và sảng khoái, phơi rõ hàm răng trắng đều. Thế nhưng ở lớp học chính khóa tại trường thì đừng hòng, đôi mắt sau cặp kính cận kia thường quắc lên; đứa nào tới số không học bài hay giải bài tập đều bị hứng trận mưa rào té tát không tiếc lời, bất kỳ là nam hay nữ sinh.
Rồi thầy dạy bọn tôi môn hóa học lớp 12, ban B, niên khóa 1970-1971. Năm cuối bậc trung học, sắp rời trường, tâm lý “đã là người lớn” khiến bọn nam sinh thích làm ngựa chứng: đa số vẫn chăm học (không học có mà chết!) nhưng cung cách vẫn tỏ ra nghênh ngang, bất cần đời, và thường xuyên nhảy cửa sổ giữa giờ học, chui rào ra ngoài đi uống café hay chơi lang thang. Nhiều thầy tỏ ra bực bội, bắt được là cấm túc nhưng vẫn không làm bọn nam sinh nao núng. Các thầy, có lẽ đã quen thuộc nên thông cảm, xem như chẳng có chi. Một lần thầy Tuấn đang giảng môn triết, viết gì đó trên bảng, bỗng nghe đánh “rầm” bên ngoài cửa sổ. Một nam sinh nhảy cửa sổ, hấp tấp thế nào té lăn cù bên ngoài cửa sổ, chắc là đau lắm! Mãi lát sau thấy thấp thoáng bóng một chàng chui rào chạy ra đường Hùng Vương. Thầy Tuấn giả tảng như không biết gì đã xảy ra, tiếp tục giảng bài, trong khi bọn con trai rúc rích cười. Thầy Nam cũng thuộc hệ cấp “không biết điều gì đang xảy ra”, không điểm danh nhưng vẫn duy trì nền nếp học tập nghiêm vì đây là năm thi. Thầy muốn tránh cho học trò căng thẳng thì đúng hơn. Tôi còn nhớ thầy thường vào lớp không mang sổ soạn bài, phong thái tài tử và dạy học như đùa: ngắn gọn, cô đọng, dễ nhớ. Có nhiều buổi học, sau mươi phút giảng và cho ghi tóm tắt bài, thầy tuyên bố: “Đứa nào lên đây đánh ca-rô với tao, còn những đứa khác, bọn bây muốn làm chi thì làm, miễn đừng làm ồn!”. Cả lớp chỉ chờ có thế là mở vở ra, lập “sòng” riêng. Hình như chưa đứa nào trong bọn tôi thắng được thầy ván nào, mặc dù thấy luôn nhường cho đi trước. Đây là tuyên bố mà bọn tôi rất thích, đơn giản vì đứa nào cũng chăm chỉ học hành, nhưng vẫn tỏ ra ta đây không “gạo”. Ba mươi năm sau, tình cờ đọc được câu nói của một vĩ nhân sư phạm, tôi hiểu ra vì sao mình thích học thầy Nam đến thế: “Good teaching is one fourth preparation and three-fourths theater.”
Ngày còn nhỏ có lần tôi được dẫn đi ngang trường Nguyễn Tường Tộ, tiền thân của trường Tổng Hợp Ban-Mê-Thuột. Tôi còn nhớ rất thích chiếc phù hiệu có hình con voi các anh chị học sinh đeo mà ngày ấy tôi có cảm tưởng rằng các anh chị rất lớn rồi, rất “quan trọng”. Anh trai tôi, Phùng Ngọc Long, cũng học trường này từ năm đệ thất đến năm đệ nhị. Ngày ấy tôi học trường tiểu học Nguyễn Công Trứ và luôn nhìn anh mình trong bộ đồng phục xanh dương bằng cặp mắt ngưỡng mộ. Sau này cũng đã nhiều lần đi qua con đường dẫn đến trường, dưới hàng muồng rợp lá xanh và hoa vàng. Còn nhớ rõ những dãy lớp trệt, nền cao, mái đen xỉn rêu phong, sân trường nhiều cỏ và phượng đỏ thắm hoa khi hè về. Tôi còn nhớ tấm hình anh trai tôi chụp chung với lớp năm đệ ngũ cách đây 42 năm (1963). Nếu có ai đó xa Ban-Mê-Thuột lâu, có dịp quay trở lại sẽ bàng hoàng vì những gì còn lưu lại trong ký ức sẽ phút chốc bị xóa sạch bởi những khối nhà bê-tông đồ sộ, nghễu nghện mái nhọn hoắt, đỏ chót; hoặc sân trường khi xưa mình chơi đùa nhảy nhót dưới tán cây cầy thì nay là dãy chợ san sát không ngờ. Hai vết tích giáo dục ngày xưa nay đã bị xóa mất. Đã từ lâu tôi mất đi cảm giác thân quen khi đi qua đây, hay bước vào sân trường Tổng hợp. Cố nhân còn lại không còn mấy ai. Cảm ơn trời đất còn để thầy Nam ở lại, để tôi còn có dịp đến thăm và gợi lại chuyện xưa, nhắc lại ngôi trường Tổng Hợp Ban-Mê-Thuột.
Đó chính là lý do tôi viết về thầy Nam, dẫu rằng còn nhiều thầy cô khác đã khai trí cho tôi mà tôi có bổn phận phải nhớ: cô Cầm, thầy Tùng, thầy Lô, thầy Dũng, thầy Sỹ, thầy Các, thầy Nội, thầy Sơn, thầy Lan, thầy Chi, … Khi rời trường lên đại học tôi ít khi gặp lại thầy cô cũ. Tết năm 1975 tôi đến thăm thầy Nam, lúc này ở bên hông trường Tổng Hợp, đường Nguyễn Công Trứ. Thầy đã có hai con: Alpha và Bêta - thật đượm màu toán học! Biết tôi đang học tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, thầy cười bảo: “Sau này về đây làm việc, anh giúp tôi làm giấy tờ, thủ tục hành chánh nhé!” Lúc đó tôi cứ ngỡ sau này sẽ giúp thầy làm chuyện vụn vắt ấy thật…
Bốn năm sau, khoảng tháng ba năm 1979, được tin thầy đang lao động tại nông trường Buôn Triết, cách huyện Lac vài cây số, tôi viết thư thăm thầy, kèm theo một vài món hàng mà những ai đã sống qua thời kỳ bao cấp, khó khăn, thiếu thốn đó đều rất “trân trọng”: thuốc lá, đường, kẹo, trà, vốn là những thứ cần thiết sau cơm độn, canh rau, cá khô, xem chừng như là hàng xa xỉ đối với ai phải lao động chân tay, vận hành cơ bắp. Tôi cũng đi lao động ở đây sáu tháng nhưng không gặp thầy, vì lúc đó thầy đã “mãn hạn”, trở về tiếp tục dạy học. Nghe nói trong trại lao động của thầy, có người nhớ con cái quá, giờ rảnh lấy đất sét nặn tượng chúng, rồi đề tên để ngắm cho đỡ nhớ… Riêng thầy Nam vẫn bầu bạn với cây đàn mandoline. Ngày còn học thầy, thỉnh thoảng nghe thầy độc tấu bài “Sơn nữ ca”, tiết tấu vui nhộn, dường như là bài ruột của thầy.
Cuối năm này tôi bỏ nghề dạy học, học nghề tiện kim loại, và làm nghề này trong mười hai năm. Tôi vật lộn với sinh nhai, không mấy khi gặp lại thầy sau đó, nhưng nghe mang máng rằng thầy đông con lắm: … Gamma, và tiếp theo còn nhiều, nhiều nữa, để sử dụng… cho hết mẫu tự Hy-Lạp! Thầy vẫn dạy ở trường xưa, nhưng kinh tế khó khăn lắm. Cô Nam cùng thầy nuôi con ăn học. Một hôm chợt thấy thầy xuất hiện trước cửa hợp tác xã nơi tôi làm việc. Gặp lại thầy tôi mừng vô kể. Thầy nhờ tôi chế cho thầy một cái búa tạ và một cái thang sắt để trồng tiêu: thầy trồng ít cây café và tiêu trong sân vườn để cải thiện kinh tế gia đình. Tôi thật vui khi làm việc này, thay vì giúp thầy làm giấy tờ hành chánh như ngày xưa đã hứa! Thầy với tôi ra quán cóc uống café. Thầy vẫn hút thuốc nhiều như ngày nào, có điều thay vì điếu Ruby sợi vàng thơm phức là gói Lao-Động sợi thô, đen xì, nặng gắt, được phân phối theo tiêu chuẩn tem phiếu. Thầy không bao giờ nói về khó khăn của mình nhưng nghiệm từ bản thân qua xã hội đương thời, và nhất là qua sắc diện của thầy ngày ấy: ốm, hom hem, xuống sắc, tôi hiểu được hoàn cảnh sống của thầy thế nào.
Năm 1991, hợp tác xã tôi làm việc phải giải tán do làm ăn thua lỗ, tôi thất nghiệp về nhà trồng rau, nuôi heo, nuôi gà để… thất bại! Sau đó tôi đi làm thuê, hàng ngày cọc cạnh đạp xe đến tận đài phát thanh. Lương bèo bọt, nhục nhằn, tôi bỏ việc. Vợ chồng tôi xoay qua làm bánh dầy, con cái vừa đi học, vừa bán rong: kinh tế sáng sủa chút ít, dẫu rằng vẫn chỉ đủ đổ vào nồi cái phải ăn để tồn tại. Tôi lại đi làm thuê, lần này chỗ tôi làm đối diện với nhà thầy Nam. Trên đường đi làm ngược chiều mỗi sáng sớm tôi thường gặp thầy, tôi đi bộ, còn thầy
dùng lại chiếc Mobilette cũ ngày nào để đi dạy. Thầy nhìn tôi cười gượng, ái ngại và thông cảm.
Thầy mở lớp dạy thêm ở nhà, đứng bên này nơi làm việc tôi biết được điều đó. Cuối tháng con gái lớn chúng tôi cầm phong bì học phí trở về, báo rằng thầy không nhận và dặn rằng không được làm như thế. Tôi trồng được cây chuối già hương, quả to, cắt nải đầu biếu thầy. Hôm ấy không gặp thầy, nhưng lần sau vừa thấy tôi thầy đã nói: “Cô nói với thầy rằng có người học trò cũ biếu nải chuối, nhà ở Suối Đốc Học, thầy nghĩ hoài không ra. Cuối cùng thầy đoán rằng chỉ có anh, dù chưa nghe nói anh trồng chuối bao giờ…!” Thầy lại cười khanh khách, nhưng lần này tôi chợt nhận ra thầy đã hom hem nhiều so với tuổi: hàm răng trắng đều ngày nào nay đã xiêu vẹo, móm mém. Tôi nghe nói thầy sống đạm bạc, kham khổ, dồn lực kinh tế cho con cái học hành. Các con thầy đều học hành chăm chỉ, ngoan, giỏi tại Sài-Gòn. Có lẽ bức xúc lắm, vì mới giữa tháng thầy đã nhắc khéo lũ học trò học thêm đóng học phí vì: “Tôi có ba Việt kiều phải nuôi ở xa…” Đó là cách trào phúng cố hữu của thầy.
Thời gian này vợ chồng tôi có điều kiện đến thăm thầy đều hơn, ngày nhà giáo và tết Nguyên đán. Nhiều lần đến nhưng không gặp thầy, cô bảo thầy đi nghỉ sớm. Sau này tôi biết rằng thầy đau yếu luôn: bệnh phổi và hen suyễn. Bác sỹ khuyến cáo thầy phải tuyệt đối cai thuốc lá. Thế nhưng lần nào đến thăm, thầy cũng chìa gói thuốc ra: “Anh hút với thầy một điếu!” Tôi rụt rè nhắc lại lời bác sỹ nhưng thầy lại cười khanh khách: “Thầy không chết vì thuốc lá đâu!” Quay ra sau tôi thấy cô Nam đứng đó từ bao giờ, ra hiệu …
Năm 1995, tổ chức AUPELF-UREF thuộc Cộng Đồng Pháp Ngữ hợp tác với Bộ giáo dục Việt Nam tổ chức các lớp song ngữ Pháp-Việt tại nhiều tỉnh, trong đó có Darlac, và tuyển giáo viên dạy tiếng Pháp và các môn toán-lý-sinh vật bằng tiếng Pháp để dạy cho các lớp song ngữ này. Tôi may mắn trúng tuyển dù đã đoạn tuyệt với bút nghiên hai mươi năm rồi. Nghe tôi báo tin này thầy rất mừng và chúc mừng tôi. Năm sau tôi tập huấn sáu tháng ở Pháp. Trở về đến thăm thầy, biếu thầy một lọ cắm hoa và một số bưu hoa. Thầy rất thích, nhưng cứ hỏi gặng: “Sao anh biết thầy thích chơi tem mà tặng?”
Giai đoạn này ba cháu đầu của thầy đã tốt nghiệp đại học, đi làm, thế nhưng thầy vẫn cặm cụi dạy học nuôi bốn người con sau tiếp tục học. Thầy thường tâm sự với tôi: “Ba phần bảy là chưa quá bán. Chừng nào vượt được tỷ số này thì thầy mới yên tâm!” Tôi phụ họa: “Em cũng năm đứa. Em đang học tập và bén gót theo thầy đây!”
Thầy đau yếu luôn, có lần phải chuyển đi Sài-Gòn cấp cứu. Thầy đi không được, học trò phải bồng thầy lên máy bay: thầy ốm và nhẹ như lông hồng. Sau trận đau kịch liệt này thầy bỏ thuốc lá theo chỉ định của bác sỹ. Những lần tôi đến thăm, thầy thường ho dài cơn và sâu, kèm theo tiếng khò khè trong cổ. Thỉnh thoảng thầy lại lấy chai thuốc suyễn bơm vào cổ. Thế nhưng thầy vẫn vui, chuyện trò và cười nói như bắp rang. Có bữa tôi ngồi nói chuyện với thầy hơn hai tiếng đồng hồ. Lúc chào thầy ra về, thấy tôi mặc chiếc áo sơ-mi phong phanh, thầy buộc tôi mặc áo len của thầy cho ấm.
Tết Nguyên đán 2001 tôi đến thăm thầy. Vườn nhà thầy đầy hoa. Cội mai già trước sân nở rộ, bông ơi là bông! Thầy hân hoan khoe với tôi vừa sửa lại nhà, mở rộng thêm mấy phòng để chuẩn bị đám cưới của Bêta. Thầy dẫn tôi đi thăm mấy gian phòng vừa “nâng cấp”. Chỉ mấy cọc hàng rào sắt còn mới nguyên nước sơn nhà binh còn lại từ thời chiến tranh gác lên trần để làm đà, thầy cười nói: “Anh biết không, thầy mua chúng từ khi mới dọn về đây, cất giữ mãi bây giờ mới đem ra dùng. Của quý hiếm đấy!” Tôi cảm thấy thương thầy, thương cách sống đạm bạc của thầy, trân trọng triết lý “biết đủ” mà thầy trải nghiệm.
Tết năm sau đến thăm nhưng không thấy thầy, cô nói thầy bệnh. Tôi xin phép vào phòng thăm thầy. Thấy tôi vào thầy ngồi bật dậy, tươi cười nói chuyện. Tôi ép thầy nằm nghỉ nhưng thầy không chịu. Tôi chưa bao giờ thấy thầy bi quan, dù chỉ một mảy may. Lúc ra về, tôi nắm lấy tay thầy, hứa sẽ thường xuyên đến thăm thầy… Cánh tay gầy guộc, trơ xương. Đó là lần cuối cùng tôi gặp thầy.
Qua tết độ đôi tuần thì nghe tin thầy mất. Tôi không ngạc nhiên, chỉ hối tiếc rằng thầy đi sớm hơn tôi nghĩ, và rằng tôi chưa thăm thầy thường xuyên hơn. Những gì còn làm được là thắp cho thầy nén hương và tiễn thầy về với cát bụi.
Tôi vẫn đến thắp hương cho thầy vào ngày nhà giáo. Vắng thầy, căn nhà vốn thường yên tĩnh, nay lại càng tĩnh lặng hơn. Cô kể cho tôi nghe những năm tháng khó khăn, có lúc thầy tính bán nhà và đất vườn để lấy tiền cho con cái học hành tốt hơn. Sau này, khi cảm thấy giai đoạn nghiệt ngã nhất tạm qua đi, thầy căn dặn phải giữ lại nhà vườn nguyên vẹn. Dường như thầy đã quyết định chọn Ban-Mê-Thuột làm quê hương thứ hai. Căn nhà nơi đàn con thầy ra đời, tựa lưng vào khuôn viên trường Tổng Hợp Ban-Mê-Thuột, nơi thầy làm việc và sống hơn nửa cuộc đời của mình, gieo mầm giáo dục “dân tộc, nhân bản, khai phóng” cho nhiều thế hệ, cho biết bao học sinh mà thầy không đếm xuể.
Những năm sau này, mỗi lần thăm thầy, hai thầy trò thường nói chuyện nhiều hơn về giáo dục và xã hội. Tôi có cảm nhận thầy lạc lõng trong ngôi trường mà thầy tiếp tục làm việc sau một thời gian dài. Thầy đã cố gắng, như thường tâm sự với tôi, làm việc cho trọn năm trọn tháng cho đến ngày về hưu, để có chút hưu niên khiêm nhường. Buồn thay, khi chính thức được hưởng hưu bổng trên giấy tờ được vài ngày thì thầy nhắm mắt, nhà nước không tốn một đồng nào để cưu mang thầy. Có lẽ thầy cũng không lấy đó làm tiếc nuối. Phần thưởng cho nhà giáo cũng mong manh và dễ bị quên lãng.
Ngày còn đi học tôi không bao giờ nghĩ rằng sau này mình cũng sẽ là nhà giáo. Xã hội đẩy đưa tôi đến với nghề này, ấy thế mà càng lúc càng thấy khó dứt bỏ. Dần dà tôi thấy thích nghề hơn, gắn bó với học trò hơn, cho dù vẫn thường tự vấn: dường như tình thầy trò ngày xưa khác nhiều với bây giờ. Phải chăng căn nguyên do bởi triết lý giáo dục: “Human history becomes more and more a race between education and catastrophe.”
Phùng Ngọc Cửu
Ban-Mê-Thuột, tháng 2-2005
Hung Kieu, Bạch Yến và 156 người khác
62 bình luận
15 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

62 bình luận

  • Chaihu Hai
    Cô Hòa dạy môn Toán phải không vậy các bạn ?
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Anh không rõ... để anh hỏi thăm cô giáo Hân Lê Thị Ngọc.
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Hân Lê Thị Ngọc
      Xứ Thượng dạ hồi đó có hai cô tên Hoà một cô Hoà dạy Văn( chị Hân ) một cô Hoà dạy Toán( hay đi chiếc xe BC ngày xưa) vì H không biết bạn ấy hỏi Cô Hoà nào nên H trả lời rõ nha Chaihu Hai và XT
      2
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Trần Đình Pháp
      Xứ Thượng ...Hình trên là Cô Hoà dạy văn còn Cô Hoà dạy toán mình năm lớp 8 ( đệ ngũ ) đó Xứ Thượng thuê nhà ở khu Công Chánh ( gần quán cafe Mây Hồng ) chồng sĩ quan không quân cũng tên Hoà đặt tên con cũng tên Hoà nên tụi mình hay gọi là Cô Hoà Tam Thừa .
      2
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Thanh Phan
      Cô Hoà trong hình là cô Hoà dạy Việt văn
      4
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Thanh Phan Anh được gặp Cô miết mà giờ mới biết đó e.
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
  • Nguyễn Thái
    Một ngườiraats gần gũi ,gắn bó với tưngf thế hệ hs, thầy rất tận tâm,tài hoa,tâm lý ,thừa năng lực giảng dạy ,chưa bao giờ thấy thầy giở sách ra nhìn mà cứ giảng thao thao bất tuyệt ,hs chép mệt nghỉ lời thầy giảng vô cùng sinh động ......ôi biết bao kỷ niệm thật đẹp về vị thầy đáng kính này .....em mãi tôn kínhvaf khg bao giờ quên công ơn Thầy
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Kha Nguyen Cong
    Mình học thầy Nam từ đệ tứ đến đệ nhất môn lý hóa, mình thấy thầy có 2 đặc điểm là viết chữ rất đẹp chữ tròn rất đều chưa thấy thầy nào viết trên bảng đẹp bằng thầy, thứ 2 thầy chơi đàn mandolin rất hay và hình như thầy cũng biết đánh trống.
    5
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Lê Văn Quang
      Hình như thầy Nam còn viết được khá đẹp bằng tay trái nữa đó!
      3
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
  • Phạm Thuy Huong
    Cám ơn anh XT...TH không có lời nào để diễn tả hết...nỗi nhớ thương một thời dưới mái trường xưa cùng bao hình bóng của các thầy cô đáng kính...Cũng cám ơn PNC... tác giả của bài viết da diết chân thành...một nén hương… 
    Xem thêm
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Đã chỉnh sửa
  • Ly Trinh
    Nhớ mãi những giờ học thầy, giảng bài hay, viết chữ đẹp.....
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Bảy Phạm
    Anh Cửu viết về thầy Nam hay quá!
    Cám ơn hai anh !
    3
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Cung Trọng Dũng
    Ty nam day ly dung anh cuu a
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Nhãn dán Meep Love, face with hearts for eyes
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Bùi Điệp
    " Dạy giỏi là chuẩn bị 1/4 còn 3/4 là hí trường ( tự do , thoải mái biến tấu...) Câu nói tuyệt vời gợi mình nhớ những giờ CDGD của thầy Quốc Hùng....
    2
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Đã chỉnh sửa
  • Thinh Nguyen
    Cám ơn anh Cửu viết về Thầy Nam HS học Thầy rất nhớ thầy & cảm ơn bạn Đạt
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Bùi Điệp
    “Human history becomes more and more a race between education and catastrophe.” Câu nói thâm thúy , ứng dụng trong nền giáo dục thảm hại ở VN bây giờ quá chính xác....
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Google dịch là "Lịch sử loài người trở thành một cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm hoạ"...
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Bùi Điệp
      Xứ Thượng Dạ ... dịch chính xác...và em cũng dựa vào đó để bình luận...
      1
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Chaihu Hai
      Câu này nghe ...khó hiểu wa ...
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Bùi Điệp
      Bạn cứ hình dung xã hội miền nam trước 75 và VN hiện nay là ra mà...
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
      • Đã chỉnh sửa
  • Lê Ngọc Việt Hùng
    Thời này tìm đâu ra những hình ảnh,phong cách sống chuẩn mực sư phạm của các thầy cô giáo mà lớp chúng ta đã từng được học! Đúng là tấm gương sáng để mỗi chúng ta phải noi theo và còn nhớ mãi...
    2
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • San Lê Thị
    Mãi nhớ và kính trọng
    Thầy,mãi nhớ những giờ học
    vui nhộn và thú vị của Thầy,mãi nhớ những lần bị Thầy phạt vì quá nghịch .
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Có bị phạt không đó trò San Lê Thị.
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • San Lê Thị
      Bị thường xuyên
      Đ ạ do Thầy hay chọc cười rồi nhóm bọn mình cười bò lăn bò lốc Thầy lại hỏi "cười cái gì mà cười ?".Vậy là thêm nhiều tràng cười nữa,cười không nín được-"xuống góc tủ đứng cười"bị phạt mà vẫn cười đó Đ.Còn nhiều và nhiều cái vui nữa có dịp sẽ kể nhưng nói chung mình rất thích giờ của Thầy-học ít hiểu nhiều,kiến thức luôn lưu giữ mãi trong đầu .Bạn biết không trong những lần lên lớp đôi lúc giảng bài xong mình tự mỉm cười: đây là cách của Thầy Nam,đây là cách của Thầy Sỹ...mà mình luôn nhớ và áp dụng cho HS của mình.
      1
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
  • Thanh Phan
    Sợ nhất khi Thầy coi thi, nhúc nhích là bị gọi số báo danh ngay
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Nhãn dán Inside Out Love, Joy with heart above head
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Tuyen Tran
    Thầy Nam viết chữ rất đẹp , mỗi lần đến tiết học Vật lý của Thầy Nam là mình rất chăm chú nghe lời Thầy giảng bài , Thầy vừa giảng bài dễ hiểu mà cách trình bày trên bảng đen của Thầy rất rõ ràng và rạch ròi , trên bảng đen Thầy thường chia đôi bảng ra làm 2 phần , phần bình thường Thầy viết bằng phấn trắng , phần cần chú ý Thầy viết bằng phấn vàng để làm điểm nhấn .. một thời để nhớ về những năm tháng trước biến cố 1975 và nhớ về những người Thầy giáo những nhà mô phạm chân chính có tâm có đức mà tôi luôn kính trọng và trân quí .
    3
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Vanna Cao
    Học dốt nhất lớp nên sợ nhất thày Nam và thày Sĩ .
    1
    • Haha
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Nhãn dán Những người bạn thân thiết OK, dog giving a thumbs up
    2
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Nguyễn Thị Mai Oanh
    Đố các bạn biết những chữ ký của thầy cô nào đây
    Không có mô tả ảnh.
    1
    • Wow
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Chắc là nhờ Mai Oanh giải mã luôn đi thôi...
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Nguyễn Thị Mai Oanh
      Đây là năm 1972-1973 chữ ký đầu tiên là của thầy Trần Đắc Hiền dạy môn Việt Văn ,thứ hai là thầy Nguyễn Quốc Hùng dạy môn Công Dân Giáo Dục , thứ ba là cô Dương Ngọc Sương dạy môn Sử Đja , thứ tư là thầy Huỳnh Nam dạy môn Lý Hoá ,thứ năm là thầy Tôn Thất Trai dạy môn Vạn Vật
      1
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Nguyễn Thị Mai Oanh
      Trung bình thôi bạn đúng như bạn nói năm đó thầy Nam dạy cả môn Toán nên chỉ phê môn Lý chứ mình dở Toán lắm
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Nhiều người giỏi Toán đều trả chữ cho thầy cô hết rồi... chỉ còn ai giỏi các môn khác thì còn ứng dụng trong cuộc sống...
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Nguyễn Thị Mai Oanh
      Xứ Thượng nhìn lại thời mình đi học quá ngoan so với hs bây giờ trong bọn trẻ khó mà tìm được đứa biết tôn sư trọng đạo như lứa bọn mình há
      1
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • San Lê Thị
      Xứ Thượng nhưng giỏi toán thì phải thông minh mà thông minh thì mần chi cũng được...
      1
      • Haha
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Xứ Thượng
      San Lê Thị Thời bao cấp thông minh như tiến sĩ còn phải nuôi heo... hỏi đến ổng bảo ... là lợn nuôi tiến sĩ ... hehe ... thông minh thật !!
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
  • Pham Kim Huong Bmt
    Chữ ký đầu tiên của thầy Trần Đắc Hiền
    Chữ ký theo thứ tự #4 là của thầy Huỳnh Nam dạy Lý Hóa
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Mình chỉ nhớ mấy thầy ký nhìn vào là biết tên luôn như thầy Bùi Dương Chi, thầy Nguyễn Giõng, thầy Phú Thành Sang...
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
  • Nguyễn Huu Quy
    Hay lắm anh Cửu ơi
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Phi Toan
    Bài viết về thầy Nam hay quá, Em được học môn Lý với thầy hai năm lớp 10 và 11 niên khóa 1977-1978. Cả thời học sinh, em kính trọng nhất thầy Nam và thầy Nhạc (cũng dạy Vật lý).
    4
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Hung Kieu
    Nói về Thầy Huỳnh Nam thì quả tình tôi cũng chẳng có một kỷ niệm gì đặc biệt, duy chỉ có tấm lòng thương mến thật sự mà thôi.
    Năm 1965, tôi học lớp Đệ Tam thì Thầy về trường phụ trách dạy môn Vật Lý.
    Thề có ông Thần đất của Trường Trung học Banmêthuột ngụ ở cây trâm trong sân trường làm chứng, tôi mà coi sự học làm trọng thì đã trở thành một ông Tiến sĩ như ai chớ không phải mang thân đi làm một thằng lính.
    Sau 3 buổi lên lớp, Thầy gọi tôi lên bảng để giải một bài toán Vật lý đơn giản. Tôi học hành đâu có giỏi giang gì? Chỉ được ông trời phú cho hai bàn tay có một đống hoa tay nên viết chữ đẹp và rõ ràng.
    Tôi giải bài toán Vật lý đơn giản ấy theo cái cách lãng đãng không giống ai lại khiến cho Thầy thích thú!
    Nghĩ ở đời không cái dại nào giống cái dại nào. Thầy lại nghĩ chắc tôi là một thiên-tài-tiềm-ẩn nên theo kèm cặp sát tôi và hay bị điệu lên bảng.
    Rõ khổ! Buộc lòng tôi phải bỏ bớt những trò vui trẻ con, đêm đêm ngồi vào bàn “tụng” để tránh rơi vào tình trạng xấu hổ vì lười học trong mắt của bạn bè cùng lớp.
    Cuối cùng thì năm đó tôi được lãnh thưởng hạng nhì của lớp.
    Tựu trường năm sau, lên Đệ nhị thì Thầy không dạy lớp tôi nữa.
    Thế là thoát nạn!
    Rồi tôi bị lùa vào lính và xa rời Thầy Cô bạn bè biền biệt cho tới bây giờ.
    Đó, kỷ niệm của tôi về Thầy Huỳnh Nam chỉ được có bao nhiêu vậy thôi.
    5
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Đã chỉnh sửa
  • Thiên Hồ
    Thầy Nam dạy lý
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Phi Toan
    BÔNG HOA CHO NGÀY 20/11
    Bông hoa cho ngày 20/11
    của mình
    là nén nhang
    thắp trên mộ phần
    của thầy Huỳnh Nam
    Năm học lớp 10, mình được thầy Huỳnh Nam làm giáo viên chủ nhiệm và cả quãng đời học sinh, hình ảnh thầy Nam và thầy Nguyễn Văn Nhạc (chủ nhiệm lớp 12) sẽ chẳng bao giờ phai nhạt. Và mình cũng tin chắc rằng cả lớp của mình ai nấy đều yêu quý và dành cho hai thầy những tình cảm kính trọng và chân thành nhất.
    Năm học lớp 10, nghĩ lại mình còn nhỏ và trẻ quá nhưng lại muốn làm người lớn cơ nên không chịu chấp nhận sự sắp đặt và khuôn phép...
    Mình nhớ thời đó(1976), trường dạy rằng thanh niên sống phải có lý tưởng nhưng bố mẹ mình có lý tưởng gì đâu mà vẫn sống tốt và sống đẹp nhất trên đời này!
    Những buổi đi lao động dài ngày, mình và Huỳnh Đình Thiện thường tâm sự với Thầy là tại sao, vì sao...Cho tới giờ, mình vẫn còn nhớ những lời Thầy đã nói: ”Em cứ sống và làm việc và đừng bao giờ hối hận về việc mình đã làm” Lúc đó mình chưa hiểu tại sao thầy không trả lời trực tiếp câu hỏi của mình, giờ nghĩ lại thấy mình đã làm khó cho thầy rồi,
    thầy ơi!
    Lời thầy dặn sẽ mãi là hành trang để em bước vào đời. Em sẽ luôn làm đúng theo những gì thầy đã dạy.
    Thầy viết chữ trên bảng rất đẹp và giảng bài rất hay, dĩ nhiên là với các bạn nữ thì.. hơi nhanh!
    Mình nhớ lúc đó lớp trưởng là Bùi Khắc Chính, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm vào Chủ nhật, Chính đứng trên bậc thềm đưa một tay ra bắt tay các phụ huynh đến dự (oai thế chứ!). Sáng thứ hai hôm sau thầy đã dành hẳn 20 phút để dạy cho cả lớp nghe về bài học bắt tay (mình sẽ không giải thích rằng bắt tay như thế nào vì chúng ta cũng đã hiểu hết rồi), và mình cũng đã nghĩ gần 30 năm qua đã có bạn nào được học bài học này chưa. Có lẽ thầy đã dự đoán trước rằng nhà trường sẽ không dạy bài học đơn giản này chăng?
    Xưa nay chưa bao giờ mình đến thăm thầy cô vào ngày 20-11 cả. Lúc đó có nhiều bạn đến nhà rủ đi, mình đã trả lời rằng nếu đã quý và nhớ đến thầy cô thì ngày nào đi thăm chẳng được.
    Đến nay đã 30 năm trôi qua và có lẽ mình cũng đã thay đổi và bông hoa đầu tiên trong đời của mình cho ngày 20-11 là nén hương cho thầy như các bạn đã thấy đó.
    Mấy hôm nay đọc blog của Hội lớp thấy bài của Diệm có nhắc nhiều đến thầy Nam làm mình bỗng nhớ đến thầy da diết, mình cũng chợt nhớ đến bài "Đứa học trò trở về" của Nguyễn Quyết Thắng...
    Một bông hoa nhỏ dành cho thầy, cũng là một tấm lòng thành của đứa học trò luôn nhớ về người thầy đáng kính - thầy Nam..
    T8/2010
    4
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Tháihồng Thông
    Còn chút gì để nhớ...thầy Huỳnh Nam!
    Có thể là hình ảnh về 4 người và mọi người đang cười
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét