Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Nhớ Ban mê... CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH & NGÃ BA HÒA BÌNH

Nhớ Ban mê...
CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH & NGÃ BA HÒA BÌNH
...
Những người con Chủng viện Lê Bảo Tịnh như đàn chim vỗ cánh bay đi khắp bốn phương trời, nhưng anh em vẫn liên lạc với nhau trong tình cảm thân thương dạt dào. Dù xa cách, dù cuộc sống khó khăn, nghĩa thầy trò, tình bè bạn, luôn chan chứa yêu thương. Tình thân liên đới này như một chất keo gắn kết anh em lại với nhau trong một mái ấm. Mái ấm ấy mang tên gọi: GIA ĐÌNH BAN MÊ LÊ BẢO TỊNH.
...
Ngày 25/03/1968, Đức Giám Mục Giáo phận Ban Mê Thuột Phêrô Nguyễn Huy Mai trao bài sai thành lập Chủng viện Lê Bảo Tịnh cho cha Giám đốc Augustinô Maria Nguyễn Văn Tra.
...
Biến cố 1975 đã xô đẩy những đứa con Gia đình Lê Bảo Tịnh ra đi tứ xứ. Ngày 23/6/1983, đúng ngày lễ kính hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, bổn mạng của Ðức Cha Chính, tất cả những chủng sinh còn lại đều nhận được giấy “cắt hộ khẩu khỏi Tòa giám Mục” trở về gia đình sinh sống "đợi ngày chiêu sinh". Xét về thủ tục hành chính, Chủng viện Lê Bảo Tịnh coi như chính thức bị giải tán từ đây.
...
Ý Chúa nhiệm màu! Tính đến nay, lần lượt 35 chủng sinh đã tuần tự bước lên bàn thánh... Những anh em cựu chủng sinh còn lại là những hạt cải Nước Trời vẫn đang sống xứng đáng với ơn gọi của mình giữa đời thường. Họ đã và đang đảm trách những vai trò tích cực trong xã hội và Giáo hội tùy theo từng khả năng và hoàn cảnh mỗi người.
...
GIA ĐÌNH BAN MÊ LÊ BẢO TỊNH hôm nay “không còn gói hẹp trong bốn bức tường Chủng viện hay 23 ha đất Km5 mà phải bay đi muôn nơi”. (lời của Đức cha Jos Trịnh Chính Trực).


Nhớ Ban mê ... NHÀ THỜ PHÚ LONG

Nhớ Ban mê ...
NHÀ THỜ PHÚ LONG
Nhà thờ Phú Long trước đây ở trên đoạn đường đi Cây Số 5, thị xã Banmêthuột. Nhà thờ làm bằng gỗ lợp tôn, hoàn thành vào năm 1965.
Bây giờ là Giáo xứ Phú Long thuộc Giáo hạt Chính Tòa
Bổn mạng giáo xứ: Đức Mẹ Chúa Trời
LM Chính xứ: G.B. Nguyễn Thành Tâm
Địa chỉ hiện nay: P. Tân Lập, Tp. Buôn Ma Thuột, Đak Lak.


Nhớ Ban mê... CHÙA DƯỢC SƯ

Nhớ Ban mê...
CHÙA DƯỢC SƯ
...
Kìa một chùa Dược Sư (phường Tân Lập) cách đây 40 về trước chỉ là một thảo am nhỏ của thượng tọa Viên Ðức dựng lên để tu tịnh Mật Tông, chuyển mình chậm chạp để trở thành một ngôi chùa không được bao lâu thì lâm vào nghịch cảnh phải hoá thân thành trụ sở dân phòng, rồi trụ sở của UBND Phường, cho đến năm 1993 mới được chính quyền trao trả lại, để từng bước vượt qua khó khăn khôi phục lại hình hài… Hôm nay, chùa đã trở thành một ngôi đại tự thật hoành tráng uy nghiêm với chánh điện nguy nga, Ðiện Quán Thế Âm ngoài sân sáng ấm, với Bảo Tháp Xá Lợi 7 tầng cao 19m, với Ni xá, giảng đường, nhà trù, nhà nghỉ cho khách thập phương… đều khang trang ngăn nắp, xinh xắn gọn gàng được bố trí hài hòa giữa trăm hoa khoe sắc, xứng danh là một cõi tịnh độ thanh khiết trụ vững ngay chốn phàm trần nhiêu khê nhốn nháo!
(Theo Thư Viện Chùa Dược Sư)
Chùa Dược Sư tọa lạc tại số 126 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak. Chùa cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 03 km về hướng Tây. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa do Thượng tọa Thích Viên Đức tổ chức xây dựng vào năm 1963 trên diện tích đất 3.900 m2. Chư vị trụ trì tiền nhiệm là : Thích Viên Đức (1963 – 1975), Thích Giác Viên (1976 – 1979). Chùa được Sư cô trụ trì Thích Nữ Chúc Tâm tổ chức trùng tu vào năm 1995 và năm 1996, thành ngôi đại tự trang nghiêm, thanh tịnh.
Có dịp đến Đắk Lắk, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Dược Sư, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.
(Nguồn : http://mytour.vn/ - Chùa Dược Sư Dăkăk)


THẦY TRẦN HUYỀN ÂN TÁC GIẢ BÀI CHUYẾN ĐI DÀI

Bài học thuộc lòng ngày xưa...
THẦY TRẦN HUYỀN ÂN TÁC GIẢ BÀI CHUYẾN ĐI DÀI
...
Anh cho biết bài thơ Chuyến Đi Dài của anh viết đến đoạn Hiền Lương và dừng lại thì người bạn thân của anh là Yên Hà – bút danh của anh Vũ Dzũng- anh Vũ Dzũng người Bắc viết tiếp đoạn sau mà theo anh Vũ Dzũng là cho đủ Chuyến Đi Dài chứ không dừng lại ở sông Bến Hải, theo anh Trần Huyền Ân bài thơ Chuyến Đi Dài viết năm 1960 được đăng trên Tuần báo Tuổi Xanh, năm 1961 đăng trên Việt Ngữ Tân Thư do Nhà Xuất bản Sống Mới phát hành và chỉ in đến …và chuyến đi lại tiếp.( như vậy bài thơ được đăng báo khi anh mới 23 tuổi).
Cũng theo tác giả Trần Huyền Ân, bài thơ anh viết mỗi tỉnh thành chỉ giới hạn 1 câu, vài chỗ chỉ có 2 câu nên ngắn và không đầy đủ lắm nhưng riêng anh Vũ Dzũng viết tiếp phần sau không hạn chế theo địa dư hành chánh nên thoải mái hơn.
Chúng tôi xin được đăng bản gốc của bài thơ CHUYẾN ĐI DÀI do anh gửi tặng chúng tôi:
Tuổi niên thiếu vốn giàu mơ lắm ước
Tôi đã nuôi trong trí chuyến đi dài
Biết bao giờ cho thỏa được lòng trai
Chân bé quá, không mang hài vạn dặm
Để ngày tháng vơi đôi phần thăm thẳm
Bản đồ đây tôi dự ước hành trình
………………………….
Giữa phương Nam biển dội sóng thanh bình
Tôi sẽ lấy Côn Sơn làm khởi điểm
Sau giây phút để tâm hồn mặc niệm
Lắng không gian nghe tiếng gọi tiền nhân
Đường thênh thang chí quyết cũng xem gần
Đây Phú Quốc mùi quê hương tỏa rộng
Hà Tiên với cảnh non chùa Thạch Động
Kiên Giang còn Nhật Tảo sáng ngàn năm
Mắt cô em Cái Sắn tựa trăng rằm
Bao la quá ruộng Cà Mau xếp gợn
Thuyền độc mộc xuôi trên dòng Cái Lớn
Xuyên kênh đào về trẩy hội Tây Đô
Lòng Hậu Giang bát ngát tận đôi bờ
Cùng hẹn với Sông Tiền trôi chậm rãi
Sen Đồng Tháp phơi màu tươi thắm mãi
Núi Điện Bà che rợp bóng tôn nghiêm
Trăng Sài Thành e thẹn dưới đèn đêm
Hai ngả nước ai Đông Nai – Gia Định?
Bờ Long Hải chiều êm rây nắng tịnh
Bưởi Biên Hòa ngọt liệm khách miền xa
Trà B’Lao sưởi ấm nếp môi già
Đà Lạt gió quyện vầng mây thác nước
Rừng Ban Mê suối đờn nai khẻ bước
Buồm lao xao Phan Thiết rộn niềm vui
Ngọn Tháp Chàm cô quạnh tiếc ngày trôi
Tàu vạn quốc về Cam Ranh chen chúc
Thùy dương rủ Nha Trang thêm hiền thục
Đá Bia còn nguyên nét triện người xưa
Bãi Tam Quan cát mịn ấp chân dừa
Guồng xe tưới Sông Trà gieo bụi trắng
Ngũ Hành ngắm mặt Hàn Giang phẳng lặng
Hải Vân đài cao vút tuyệt đường chim
Nửa khuya chuông Thiên Mụ vọng êm đềm
Cả Hương Ngự la đà theo nhịp trúc
Cầu Hiền Lương…
…sẽ nối tình Nam Bắc
Xóa nhòa đi dòng phân cách thương đau
Từ Nam Quan cho đến mũi Cà Mau
Liền một dải
…và chuyến đi lại tiếp
Men theo bóng dãy Trường Sơn trùng điệp
Sóng Thái Bình reo đón bước phiêu du
Qua Đèo Ngang nghe nhạc gió vi vu
Tới Thanh Hóa lúa vàng đùa trong nắng
Dân hoan lạc nhờ được mùa Nông Cống
Đem nén nhang vào lễ tạ Đền Sòng
Cầu Hàm Rồng chênh chếch bắc ngang sông
Trên dòng Mã nước in màu sông núi
Dìu dịu lúa non bình nguyện Nhị Thái
Tình ngọt ngào như nhãn trại Hưng yên
Gió Đồ Sơn xua sóng bạc dịu hiền
Cửa Nam Triệu nước hai dòng mặn nhạt
Chiều Hạ Long mây vương tình man mác
Với chân trời sắc nước lẫn màu xanh
Sóng nhấp nhô vờn khe đá chông chênh
Thuyền nhẹ lướt, phải đây miền nước nhược?
Động Đầu Gồ ánh chập chờn huyền hoặc
Hang Hanh nghe khoan nhặt nhạc âm vang
Đây Hòn Gai, đây Bái Tử Hạ Long
Mà đâu bóng rồng thiêng sa hạ giới?
Núi Truyền Đăng thơ đề còn in mãi
Ngược sông Thương lên trẩy hội Tam Thanh
Chàng ra đi theo tiếng gọi quân hành
Để thiếp phải tháng năm trong mòn mỏi
Nàng Tô Thị đứng trông về biên ải
Ngàn năm còn chờ đợi bóng chinh phu
Chim Hà Giang buông nhịp hót ” bắt cô”
Trên bến nước sông Lô còn tiếng hát
Nương bóng Hoang Liên cây cao bóng mát
Rồi xuôi về theo sóng nước sông Hồng
May chịu tang Yên Bái có còn không?
Và Yên Thế còn tấm gương Đề Thám?
Bắc Ninh đẹp nhờ cảnh chùa Long Giáng
Sơn Tây buồn vì mây quyện Ba Vì
Đền Hùng mờ sương khói tỏa uy nghi
Non sông Việt nhờ tay ai dựng lập?
Sớm Hòa Bình Chợ Bờ vui vẻ họp
Bến sông Đà dòng nước chảy cong cong
Thàng hai về xem trẩy hội Chùa Hương
Hay trở bước lên thăm đền Thánh gióng?
Về Hà Nội một ngày thu gió lộng
Cảnh núi Nùng sông Nhị dấu ngàn xưa
Sóng Hồ Tây gợn bởi bước Hai bà
Hay là bởi trâu vàng xưa nhớ mẹ?
Đống Đa kia mồ chôn muôn vạn kẻ
Hồ Gươm còn thức ngủ bóng rùa thiêng?
Cầu Long Biên mấy nhịp bắc trường giang?
Ô năm cửa mở đón chào lữ khách
Đây cố đô bụi đường ta rủ sạch
Sống với lòng đất Mẹ – với kiêu sa
……………………….
Bàn tay vỗ nhịp ta ca
Ca tình Sông Núi chan hòa lòng Trai
Tháng 7-8 năm 1960
Trần Huyền Ân và Yên Hà
...chúng tôi biết được anh Trần Huyền Ân không chỉ là tác giả bài Chuyến Đi Dài mà còn được làm quen với người Thầy đã từng biên soạn gần 80% trong sách Tân Việt Văn lớp Nhì, lớp Nhứt từ năm 1964 của Bộ Giáo Dục Miền Nam
.
(Trích trong NHững Ngày Xưa Thân Ái của TN K6 trường Đông Giang-Hoàng Hoa Thám)


Bài học thuộc lòng ngày xưa... CHUYẾN ĐI DÀI

Bài học thuộc lòng ngày xưa...
CHUYẾN ĐI DÀI
Tuổi niên thiếu vốn giàu mơ lắm ước
Tôi đã nuôi trong trí chuyến đi dài
Biết bao giờ cho thỏa được lòng trai
Chân bé quá, không mang hài vạn dặm
Để ngày tháng vơi đôi phần thăm thẳm
Bản đồ đây tôi dự ước hành trình
………………………….
Giữa phương Nam biển dội sóng thanh bình
Tôi sẽ lấy Côn Sơn làm khởi điểm
Sau giây phút để tâm hồn mặc niệm
Lắng không gian nghe tiếng gọi tiền nhân
Đường thênh thang chí quyết cũng xem gần
Đây Phú Quốc mùi quê hương tỏa rộng
Hà Tiên với cảnh non chùa Thạch Động
Kiên Giang còn Nhật Tảo sáng ngàn năm
Mắt cô em Cái Sắn tựa trăng rằm
Bao la quá ruộng Cà Mau xếp gợn
Thuyền độc mộc xuôi trên dòng Cái Lớn
Xuyên kênh đào về trẩy hội Tây Đô
Lòng Hậu Giang bát ngát tận đôi bờ
Cùng hẹn với Sông Tiền trôi chậm rãi
Sen Đồng Tháp phơi màu tươi thắm mãi
Núi Điện Bà che rợp bóng tôn nghiêm
Trăng Sài Thành e thẹn dưới đèn đêm
Hai ngả nước ai Đông Nai – Gia Định?
Bờ Long Hải chiều êm rây nắng tịnh
Bưởi Biên Hòa ngọt liệm khách miền xa
Trà B’Lao sưởi ấm nếp môi già
Đà Lạt gió quyện vầng mây thác nước
Rừng Ban Mê suối đờn nai khẻ bước
Buồm lao xao Phan Thiết rộn niềm vui
Ngọn Tháp Chàm cô quạnh tiếc ngày trôi
Tàu vạn quốc về Cam Ranh chen chúc
Thùy dương rủ Nha Trang thêm hiền thục
Đá Bia còn nguyên nét triện người xưa
Bãi Tam Quan cát mịn ấp chân dừa
Guồng xe tưới Sông Trà gieo bụi trắng
Ngũ Hành ngắm mặt Hàn Giang phẳng lặng
Hải Vân đài cao vút tuyệt đường chim
Nửa khuya chuông Thiên Mụ vọng êm đềm
Cả Hương Ngự la đà theo nhịp trúc
Cầu Hiền Lương…
…sẽ nối tình Nam Bắc
Xóa nhòa đi dòng phân cách thương đau
Từ Nam Quan cho đến mũi Cà Mau
Trần Huyền Ân (Quốc văn Toàn Thư lớp Nhất)


Tạm biệt dòng sông Ea H'leo... RỪNG CHIỀU EA SÚP

Tạm biệt dòng sông Ea H'leo...
RỪNG CHIỀU EA SÚP
Rừng chiều nghe lao xao tiếng lá non gọi gió.
Tôi đứng giữa ngàn xanh mà say trong hương rừng.
Từ làng quê xa xôi tôi đến đây với rừng xanh.
Rừng ơi có nghe nhịp rung lòng tôi...
Và đời lên mênh mông trong tiếng ca, tiếng ca rừng xanh
Niềm vui hát theo từng búp chồi non
Ngạt ngào hương hoa bay, tia nắng vương cành lá
Ôi bức tranh màu xanh mà tôi yêu từ ngày nào
Một màu xanh bao la theo bước chân người đi.
Vi vút đây hàng thông, kìa lao xao rừng bạch đàn
Từng hàng cây thân thương những tháng năm đã cùng tôi
Trải bao gió sương buồn vui rừng ơi
Rừng chiều nay mênh mông nghe gió reo khúc nhạc êm đềm
Khúc ca cây rừng ngân vang trong lòng tôi.....
( Rừng Chiều -Cẩm Vân
Sáng tác: Vũ Thanh • Album: Cẩm Vân )
Sông Ea H’Leo là một trong những chi lưu của sông Serepôk. Sông bắt nguồn trên địa phận xã Dliê Ya, huyện Krông Năng ở độ cao 800 m. Sông có chiều dài 143 km, chảy qua hai huyện Ea H'leo và Ea Súp trước khi hợp lưu vào sông Serepôk. Sông Ea H’Leo có một nhánh chính quan trọng là suối Ea Súp, trên dòng suối này hiện tại có hai công trình thuỷ lợi lớn là Hồ Ea Súp Hạ và Hồ Ea Súp Thượng.( Theo Wikipedia )


Tìm theo con sông Ea H'Leo... HỒ EA SÚP HẠ

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
HỒ EA SÚP HẠ
Hướng về hạ nguồn, dòng suối Easoup (Ea Súp) và Eangoch (Ea Ngóc) như những con trăn rừng khổng lồ đang trườn mình qua những bụi cây, ngách đá. Cách hồ chứa nước Ea súp Thượng 6km là hồ Ea súp Hạ. 
Khác với sự bao la, rộng lớn của hồ Easoup Thượng, Easoup hạ với nhiều ốc đảo nhỏ và có nhà dân bao quanh. Chính những ốc đảo nhỏ giữa hồ, vài chiếc thuyền độc mộc tròng trành giữa biển nước, bốn bề xung quanh là rừng nguyên sinh đã tạo nên một Easoup hạ vẻ thơ mộng, nét nên thơ và hết sức quyến rũ.
Ráng chiều ửng hồng, trên trời cao từng đàn chim sau một ngày kiếm mồi xếp thành từng đàn dập diều bay về tổ. Thấp thoáng sau những nhành cỏ dại ven hồ, vài cô cậu học sinh, nam thanh nữ tú thong dong nhịp cần câu dụ cá. Do có lượng nước lớn quanh năm, rộng và sâu nên cả hai hồ, Easoup Thượng và Hạ đều có rất nhiều loài tôm cá lớn.
Nhiều ngư dân địa phương khảng định đã bắt được những chú cá lớn (mà người dân gọi vui là cá voi) như mè, trấm, trôi… nặng trên 30 kg. Đến đây chúng ta có thể dễ dàng thuê chiếc thuyền nhỏ và lưới của ngư dân địa phương rồi dong thẳng ra giữa hồ mà thử cảm giác tròng trành trên mặt hồ để thử vận may với mẻ lưới.
Nằm ở vùng rừng núi hẻo lánh, dân cư còn thưa thớt lại cách xa trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (khoảng 70 km) và chưa khai thác du lịch nên hồ Easoup vẫn còn rất nguyên sơ, xanh sạch và thơ mộng.
(Du Ký- Góc ảnh lữ hành)

Tìm theo con sông Ea H'Leo... HỒ EA SÚP THƯỢNG

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
HỒ EA SÚP THƯỢNG
Ea Sup Thượng thuộc xã Chư Ma Lanh, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai ở Tây nguyên. Hồ hình thành do việc chặn dòng suối Ea Súp, với diện tích mặt nước gần 1.500 ha (lớn gấp 3 Hồ Lắk). Ngoài việc chiêm ngưỡng hồ, bạn còn có những lựa chọn hấp dẫn khác như tham quan công trình thủy lợi lớn thứ nhì Tây Nguyên, hay thuê chiếc thuyền nhỏ và lưới của ngư dân địa phương rồidong thẳng ra giữa hồ thử vận may với mẻ lưới. Vào ban ngày, hồ nên thơ với mặt gương soi bóng mây, rừng và từng đàn cò trắng bay là là để kiếm mồi. Khi hoàng hôn buông xuống, hồ trở nên thơ mộng với những đàn chim bay về tổ trong ánh sáng nhập nhoạng.
Nguồn Zing News
Khi hoàng hôn buông xuống, hồ Ea Sup thượng (rộng 450 km2) hiện ra rất nên thơ hữu tình và trầm lắng. Mặt hồ như tấm gương phẳng lì, rộng bao la, quanh hồ những rừng cây lá rộng nhỏ như cây tăm. Xa xa, từng đàn cò trắng bay là là trên mặt hồ để kiếm mồi. Người dân địa phương sau một ngày vất vả với công việc nương rẫy cũng tụ tập đến đây câu cá, hóng mát tạo nên cái không khí nhộn nhịp nơi đây.
(Du Ký- Góc ảnh lữ hành)


Xả stress chút xíu ... CÔNG CHÚA KÉN RỄ

Xả stress chút xíu ...
CÔNG CHÚA KÉN RỄ
Ngày xửa ngày xưa, từ hồi thần thánh, ma quỷ chưa… hiếm như bây giờ, vương quốc nọ có nàng công chúa rất xinh đẹp.
Hàng đêm, trước khi đi ngủ nàng cởi bỏ xiêm y và đứng trước gương thần hỏi:
- Gương kia ngự ở trên tường. Nhân gian ai đẹp được dường như ta?
Gương thần đỏ mặt, he hé mắt nhìn nàng mà đáp:
- Biết chết liền!
Sau đó, thấy gương thần ngắm thì chẳng ích gì, công chúa quyết định lấy chồng. Điều kiện cuộc thi là các ứng viên phải bơi qua hồ đầy cá mập.
Thật ra, cá mập đâu có sống trong hồ, chỉ là thông báo vậy để xem ai dám hi sinh bản thân vì công chúa hay không mà thôi.
Vì vậy mà khi đứng trên bờ, trước vạch xuất phát, giám quan hô: 'Một, hai, ba… nhảy' năm lần bảy lượt mà chưa có chú nào dám lao xuống hồ.
Nhưng đột nhiên một anh chàng trông rất mảnh khảnh lao vút xuống hồ, bơi như điên sang bờ bên kia.
Từ vua đến lính hò reo ầm ĩ, giám quan chạy ngay đến bên anh chàng kia vái lấy vái để:
- Xin chúc mừng! Phò mã thật dũng cảm! Nhân đây, xin hỏi khi lên làm phò mã rồi thì ngài sẽ làm gì?
Anh chàng gào lên:
- Ta sẽ chém cổ thằng nào vừa đẩy ta xuống hồ!
Sau khi kén rể lần đầu không được, triều đình tổ chức kén rể lần hai. Vẫn là cuộc thi bơi qua cái hồ ấy, nhưng ngoài đỉa ra không có con 'cá mập cá gầy' nào trong hồ cả.
Đã nghe thông báo nên các chàng trai lao ngay xuống hồ sau khi hiệu lệnh xuất phát đưa. Và để tìm người bơi hết sức vì mình, công chúa nghĩ ra một kế.
Nàng đứng phía bờ mà các chàng trai cần bơi đến, kê ghế đứng lên cho cao rồi… lần lượt cởi bỏ xiêm y.
Cởi mãi, cởi đến khi trên người nàng chỉ còn bộ đồ hai mảnh. Nàng hi vọng: 'Như thế này còn biết ai đang vì sắc đẹp của ta chứ!'.
Nhưng lạ chưa? Công chúa cởi bỏ xiêm y đến đâu, dưới hồ các chàng trai bơi chậm lại đến đó. Phải chăng vì sắc đẹp của nàng quá tệ?
Một lúc sau, tất cả các ứng viên đều… từ từ chìm xuống, nhưng họ vùng vẫy kêu cứu rất khoẻ!
Sau khi được vớt lên, lúc nhà vua hỏi lý do, các chàng trai đều có cùng một câu trả lời:
- Tâu bệ hạ, sức thì vẫn còn thừa để bơi. Nhưng không hiểu tại sao, lúc công chúa cởi hết xiêm y trên người ra thì thần thấy mình bị mắc vào rêu!?!
Theo Đất Việt


Tìm theo con sông Ea H'Leo... LÀNG ĐẤT ĐỎ GIỮA ĐẠI NGÀN

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
LÀNG ĐẤT ĐỎ GIỮA ĐẠI NGÀN
Ngôi làng này có nhiều cái đặc biệt, đặc biệt ngay từ cái tên gọi. Làng của “nữ chúa” Bàn Diệu An Kỳ, được người dân ở thị trấn Ea Súp gọi bằng nhiều cách khác nhau: Làng Bà Kỳ (vì bà Kỳ là trưởng làng), làng Đất Đỏ (vì làng ở trên vùng đất đỏ duy nhất của huyện Ea Súp), làng 265 (vì làng nằm trong tiểu khu rừng 265 thuộc Công ty lâm nghiệp Cư M’lan). Đặc biệt hơn cả là làng còn có tên là làng Bốn Không (vì làng không có trường học, không có bệnh xá, không có đường đi – chỉ đi theo lối mòn, không có điện thắp sáng).
...
“Nữ chúa” An Kỳ còn khá trẻ. Tuổi Giáp Thìn (1964). Thời thanh xuân có lẽ bà là một mỹ nhân. Khuôn mặt tròn. Da ngăm ngăm bánh mật. Đuôi mắt dài. Khóe miệng tươi, rất có duyên. Vừa chạm mặt bà, tôi nhận ra ngay sự từng trải, thông minh, nhanh nhẹn, biết nhiều chuyện. Bà Trưởng làng xởi lởi và đon đả, giọng ngọt, tíu tít chào hỏi khách. Bà nói được 6 thứ tiếng, gồm Mán, Mường, Tày, Nùng, Mông và Kinh.
Đã nhiều lần tôi có ý định tìm đường vào thăm làng của “nữ chúa” An Kỳ nhưng những người quen là người địa phương đã ngăn cản khi cho tôi biết: Vào mùa mưa, chỉ mỗi cách đi bộ. Mà phải đi cả ngày. Đường trơn trượt như đổ mỡ, ngoằn ngoèo, heo hút xuyên giữa rừng rậm. Hàng chục cây số không một nhà dân, không một bóng người. Mưa rừng luôn bất thường, nước suối dâng lên đột ngột, giăng kín mọi ngả, không nơi trú thân, sơ ý không kịp là lũ cuốn trôi.
Rừng nơi đây là rừng già nguyên sinh nên có nhiều thú dữ, người trong làng đi lại còn cảm thấy sợ hãi, chứ đừng nói anh lại là người lạ… Chỉ có mùa khô, có người dẫn đường, khi đó anh mới vào thăm làng được...
( Trich phóng sự "Ngôi làng làng lạ giữa Đại Ngàn" của Gia Bảo)
Hút sâu trong rừng già của huyện biên giới Ea Súp, có một làng còn đậm đặc sự hoang sơ, lạc hậu, đó là làng Bình Lợi (hay còn gọi là làng đất đỏ) ở xã Cư M’Lan, (huyện Ea Súp, Đắk Lắk). Cả làng không một bóng điện, không một lớp học, hầu hết người già chỉ biết điểm chỉ. Thủ lĩnh sáng lập ra ngôi làng này là bà Bàn An Kỳ. Bà được ví như “nữ chúa” của khu rừng già này. Cuộc đời bà như một bộ phim huyền bí.
...
Và rồi, như có cái duyên từ trước, ngay khi đặt chân đến khu rừng già hun hút của Ea Súp bà Kỳ đã cảm nhận rõ ràng, đây chính là nơi mình cần tìm đến, là bến neo đậu trong hành trình tìm kiếm suốt bao năm của mình. Rừng núi hoang vu, bốn bề mây phủ, nhìn đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn rừng già. Bà quyết định tìm chỗ đất trống, khai hoang làm rẫy. Lạ, mảnh đất này cứ gieo cái gì xuống cũng nảy nở rất nhanh, tươi tốt phì nhiêu, chẳng cần phân tro, tưới tắm gì. Bà Kỳ quyết định cưới chồng, phát quang sẵn một vùng đất trống và kêu ngọi nhiều người ở quê vào lập nghiệp. Chẳng bao lâu đã nên làng, nên bản.
Sau khi gọi nhiều người ở quê vào, cả khu làng của bà Kỳ đêm nào cũng canh cánh trong nỗi lo thú rừng viếng thắm. Người “nữ chúa” này lại làm công việc nặng nhọc là canh thú dữ cho buôn làng. Đêm nào bà cũng đốt đuốc sáng trưng ở giữa làng và để sẵn cung tên. Bà An Kỳ kể: “Hồi đó, đêm nào chúng cũng lang thang vào khu làng. Học được từ ngoài Bắc, tôi hái một số loại lá cây rừng làm thành dung dịch đặc biệt, loại dung dịch này nhiều loại thú dữ rất dị ứng, khi gặp sẽ bỏ đi ngay. Nhưng có nhiều loại như gấu, sói rừng chúng không hề sợ. Tôi đành nghĩ ra cách, làm các xác chết giả treo ngả nghiêng xung quanh đống lửa, khi nhìn thấy, chúng sẽ sợ và rút lui”.
Nhiều sáng kiến hay là thế, nhưng hầu như chẳng đêm nào bà Kỳ dám ngủ cho trọn giấc. Cứ nhớ mãi đêm ấy, khi vừa chợp mắt bà nghe tiếng gặm lọt xọt bên trái nhà, mơ mơ, tỉnh tỉnh nhìn ra thấy một chú gấu đang lù lù tìm cách chui vào nhà. Bà cùng chồng hốt hoảng thức dậy vật lộn với gấu cho đến sáng.
Xòe đôi tay còn hằn sâu mấy vết sẹo, bà nói: “Dù đã học hỏi được nhiều kỹ thuật tránh gấu từ những ngày ở quê nhưng tôi vẫn bị nó cào cho bươm bả, máu chảy ròng ròng. May không sao. Sau đêm đó, không còn thấy chúng xuất hiện nữa. Có lần, một đứa trẻ trong làng đi lạc, tưởng bị hổ bắt cả làng chia nhau đi tìm suốt đêm. Hình như thú dữ dần dần nó thấy sợ mình, có lúc đối diện nhau tôi chỉ cầm đuốc nhìn nó nhưng nó vẫn không dám tấn công. Có lần một con hổ to hơn người đuổi nhưng tôi kịp tót lên cây và xối dung dịch lạ (luôn mang theo người –PV) vào mặt nó, nó gầm lên một hồi rồi lao đi mất hút”. Sau vụ đánh nhau với gấu, bà rút ra kinh nghiệm làm thật nhiều thòng lọng bằng những sợi dây rừng để trang bị cho các gia đình trong làng. Khi gặp thú, càng giăng nhiều thòng lọng chúng càng dễ dính bẫy, mà dây rừng thì rất bền chặt.
Với giọng âm trầm chậm rãi, ông già người Nùng, Sùng A Rúa, một trong những người vào “làng đất đỏ” đầu tiên kể: “Phải, thung lũng này hôm nay khác xưa nhiều lắm. Ngày ấy nơi đây nhìn đâu cũng chỉ thấy núi. Nếu không có An Kỳ thì dân làng đã bỏ đi nơi khác hết vì sợ thú dữ rồi. Người phụ nữ này thật đặc biệt...
( Trích đoạn "Cuộc đời huyền bí, truân chuyên của “Nữ chúa rừng xanh” của Hà Đạo đăng trên báo Tuổi Trẻ)


Tìm theo con sông Ea H'Leo... VOI RỪNG EA SÚP

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
VOI RỪNG EA SÚP
Địa bàn huyện Ea Súp hiện nay có thể được coi như thủ phủ của đàn voi rừng. Theo phán đoán của các ngành chức năng, hiện đàn voi khu vực này còn trên 30 con, chia ra nhiều nhóm nhỏ, lẻ 3-5 con. Chúng tập trung chủ yếu tại vùng rừng núi các xã Ia Lốp, Ia Lơi, sát biên giới VN - Campuchia. Phải đối mặt với nguy cơ bị săn bắn trái phép, cộng với môi trường sống ngày càng thu hẹp, liệu đàn voi rừng ở Ea Súp còn tồn tại được bao lâu? (Phan Ba- TT online)
Mất rừng làm ông nổi giận
Theo PGS.TS Nguyễn Bảo Huy -Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Đại học Tây Nguyên, cường độ xuất hiện và không ngại gặp người dân của voi rừng thể hiện sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa chuyển đổi rừng lấy đất canh tác với việc mất dần nơi sinh sống của voi rừng.
Những cánh rừng đặc dụng và phòng hộ ít ỏi này đang dần bị thay thế bởi cây công nghiệp như: cao su, điều, keo lai…
Nguyên nhân đó làm cho voi rừng bị cô lập trong vùng, thiếu nước, muối khoáng và thức ăn trong mùa khô hạn, nên chúng tìm đến khu vực canh tác của những người dân mới đến khai hoang để tìm thức ăn, phá hoại mùa màng...
(Theo báo Tiền Phong)
Ngày đó, rừng ở Ea Súp rậm rạp lắm, còn rất nhiều cây to, thân cây năm, bảy người ôm không xuể. Trong rừng, voi cũng rất nhiều. Thỉnh thoảng, chúng lại kéo đàn, kéo lũ ra phá nương rẫy, nhà cửa, đe dọa tính mạng của bà con buôn làng.
Đội săn voi của người Êđê do Ama Kông dẫn đầu săn và bắt đưa về buôn thuần hóa được rất nhiều voi rừng hung dữ. Điều đó càng kích thích chú bé Ama Vé.
Dù mới 12 tuổi nhưng chú vẫn cố sức xin bố cho gia nhập đội săn. Thấy Ama Vé nằn nì mãi, ông Ama Kông đồng ý cho chú đi theo. Chân ướt, chân ráo vào nghề, Ama Vé phải chịu làm thợ phụ ngồi sau người thợ chính trên lưng con voi nhà, đến bữa thì lo phụ nấu cơm nước cho đội săn.
Cũng do là thợ phụ nên theo qui định cách ăn mặc của đội săn thì Ama Vé đóng khố, ở trần, không được ăn ếch, ăn cá màu trắng, màu đen; ngủ phải nằm thẳng, không được co chân...
Trước khi đi săn voi, thợ săn kiêng ngủ với vợ, không uống rượu. Lúc xuất phát, họ cúng dâng gà sống cho Giàng Ngach Ngoa cầu xin Giàng giúp để bắt được voi rừng.
Mỗi con voi nhà đi hai thợ săn, một chính, một phụ; chính ngồi trước điều khiển voi, phụ ngồi sau để đánh voi chạy cho nhanh. Vào rừng gặp voi, họ điều khiển voi nhà bao vây, rồi tung những cây sào dài đầu có thít cái thòng lọng được bện bằng da của 6 con trâu to nhất để thít chặt cổ và chân sau của con voi rừng dẫn nó về buôn thuần hóa…
Cứ thế, lăn lộn cực khổ với đội săn của Ama Kông cho đến năm lên 14 tuổi, chú bé Ama Vé được lên thợ chính và tự tay mình bắt được con voi rừng to, cao đến 1,6m ở rừng Ea R'vê.
Những năm sau đó, Ama Vé được mặc áo quần, đội mũ, được ăn thịt ếch, cá trắng, cá đen… vì số voi rừng ông săn được tăng lên 5, 10 rồi 15 con. Đến khi tuổi của Ama Vé đi qua 59 mùa rẫy, ông săn được con voi rừng thứ 37 thì "giải nghệ", bởi vì lúc này Nhà nước đã có chỉ thị cấm săn bắt voi rừng…
( Trích đoạn "Người thợ săn voi rừng Ea Súp" của Long Vân )


Tìm theo con sông Ea H'Leo... HOÀNG HÔN EA SÚP

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
HOÀNG HÔN EA SÚP
Tác giả: Đặng Bá Tiến
(ảnh chụp tại huyện Ea Súp 30.3.2009)
Khi nói về vùng đất cằn cỗi khắc nghiệt nhất Đắk Lắk, người ta thường nghĩ ngay đến Ea Súp. Nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng khộp bên Vườn quốc gia Yok Đôn, huyện biên giới Ea Súp "sở hữu" dải đá bàn khổng lồ và địa tầng đất sét trải dài từ Đông sang Tây. Do cấu tạo địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống sông, suối phức tạp nên hạn hán và ngập úng thường xuyên xảy ra... (Duy Phước-BP)
Ea Súp, Buôn Đôn là 2 huyện biên giới của tỉnh Đắc Lắc, có loại rừng đặc trưng nhất nước ta: Rừng khộp, với diện tích khoảng 350.000 ha. Ở đây phần lớn chỉ có các loại cây họ dầu lá rộng, rụng lá vào mùa khô, xen kẽ là những cụm bằng lăng trắng... Vào thời kỳ cao điểm của mùa khô (cuối tháng 3 hàng năm), rừng khộp thường trụi lá, ngỡ như là... rừng chết, không còn thấy màu xanh, chỉ thấy những thân cây sần sùi xám mốc, những cành nhánh khẳng khiu, trơ trụi lá và nắng như đốt bỏng da người...
Thế nhưng giai đoạn đầu của mùa khô thì rừng khộp lại rất đẹp, một vẻ đầy tâm trạng, rất dễ làm xao xuyến lòng người. Bởi sắc vàng lấp lánh miên man khắp cánh rừng. Bởi những chiếc lá vàng rụng chấp chới, ngập ngừng trong nắng nghiêng ban mai, hay trong nắng lửng cuối chiều. Bởi những chiếc lá vàng còn dan díu với cành, tựa bàn tay ai đang vẫy chào vĩnh biệt ai trên cao xanh kia. Bởi dưới bước chân ta là tiếng lá khô xạc xào... Tất cả khiến hồn ta ngỡ như có nàng tiên cảm xúc vỗ về, để ta được phiêu bồng, thăng hoa, được trăng mật với vô vàn cảm nghĩ... ( Đặng Bá Tiến)


Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Tìm theo con sông Ea H'Leo... CỔ THÁP BƠ VƠ

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
CỔ THÁP BƠ VƠ
...
Tôi chỉ còn trông cậy khả năng giải mã về công trình trên ở cơ quan chuyên sâu của địa phương, bởi đó là báu vật của địa phương họ không thể không hay biết. Và đúng như vậy, Bảo tàng Dak Lak đã khẳng định đó là tháp Yang Prong_ tháp Chăm độc nhất vô nhị còn hiện hữu ở vùng cao nguyên phía Tây xa cách biển Đông, Tây Nguyên, đến ngày nay_ nằm cạnh con suối lớn Ea H'leo thuộc lâm phận của Lâm Trường Rừng Xanh ở xã Ea Rok, huyện Ea Soup, tỉnh Dak Lak. Bảo tàng này giữ chu đáo hồ sơ khái quát về ngôi tháp, nhưng một bức tranh không gian đủ để hình dung rõ thêm về thân phận nó thì tôi phải lần tìm trong dân gian cùng hệ thống thư viện trong nước thôi. Qua cọ sát các nguồn chất liệu, tôi nhận ra ngôi tháp được dự đoán ra đời khoảng thế kỷ 11-13, một quá khứ đã quá xa, cách nay trên 700 năm. Tháp ở tình trạng hoang phế như tơi mục kích được phát hiện vào quãng những năm 1904 - 1911 bởi một vị “thực dân” nhưng cực si mê dân tộc học và ông ta đã bỏ nhiều thời gian vào nghiên cứu văn hóa miền Thượng của xứ Annam buổi đó. Ông ta tên là Henri Maitre. Thì ra Henri Maitre ! Lịch sử có những tréo ngeo đặc biệt khi vị “thực dân” này đã bị người Thủ lĩnh anh hùng của cao nguyên M’Nông_thuộc Dak Nông ngày nay_ là N’Trang Long hạ sát trong một phong trào nổi dậy nổi tiếng của người M’Nông. Henri Maitre vào đầu thế kỷ đã phát hiện ra tháp Yang Prong này và đã khảo tả ra công trình kiến trúc văn hoá thú vị này trong cuốn " Les Jungles Moi" xuất bản tại Paris năm 1912. Ở trang 200 trở đi của cuốn sách này, ngày đó Henri Maitre đã khẳng định đây là tháp của người Chăm từ đồng bằng duyên hải lên xây dựng, để thờ tín ngưỡng phồn thực: Linga và Yoni_ biểu hiện qua vị thần được gọi là Mankhalinga được khắc hình lên thực thể sinh thực khí ấy. Thì ra, Vương quốc Chămpa đã từng hiện diện và đặt ảnh hưởng lên Tây Nguyên. Chuyện lớn này chưa từng thể hiện trong chính sử, hay đưa rõ ra sách giáo khoa của Nhà nước đang quản trị đất nước VN ngày nay.
Và đây, vị Thần được đặt trong lòng tháp khi tháp còn “sống” thật cuộc đời tâm linh mà một nhà khám phá người Pháp đã chỉnh chu khảo tả để lưu lại và in vào một thư tịch vào 100 năm trước(ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Nghe đâu bộ ngẫu tượng Mankhalinga bị những người Pháp khi đó thuê người thượng trong vùng khiêng ra khỏi rừng, rồi chở đi khỏi VN kể từ quãng những năm 1940. Bộ linga-Yoni bí ẩn này đang ở nước nào cũng chẳng ai ở VN ngày nay nắm rõ.. Chỉ có cái vỏ công trình thờ nó, ngôi tháp giữa rừng này, là từ sau 1975, các cơ quan bảo tồn văn hoá ở Trung ương đã có hơn một lần đến đây thực hiện việc trùng tu.
Giữa một không gian văn hóa mà Rừng là trung tâm của đời sống con người và tâm linh, với một thế giới xã hội bán khai được dẫn dắt bởi nền văn minh thảo mộc của nhiều bộ tộc sơn nguyên, chưa có sự xuất hiện Nhà nước, không tiếp xúc với bên ngoài, hiện ra một công trình kiến trúc kỹ thuật cao siêu, đồ sộ, diễm lệ và theo thứ tôn giáo khá nguyên sơ của loài người là Bàlamôn thế này càng làm cho Tây Nguyên đúng là miền kỳ lạ, mơ tưởng, và huyền thoại. Nhưng cứ mỗi mùa khô trôi qua, tôi lại nghe cánh rừng nơi cổ tháp đang đứng thách thức thời gian và lịch sử kia lại teo lại bởi dân nhập cư. Người đến thì dĩ nhiên họ phải tìm đất để sống, bất kể đất đó có thiêng và đang chứa cái gì. Có những bản tin của chính hãng thông tấn thuộc Chính phủ còn loan báo nó có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi, bởi con suối bên mép rừng mà tôi từng lội ra ngắm nhìn giờ đã thành một con sông lớn. Suối đã bị xé thành sông, và hung dữ lên từng ngày. Người nhập cư liền đổ xô khai thác cát ngay trên dòng sông, đoạn ngay phía sau ngôi tháp. Địa chất toàn vùng đang sụt lún, cùng dòng sông Ea H’leo kia chỉa thẳng vào cổ tháp đất nung. Dòng sông tự nhiên và dòng sông trách nhiệm đang so găng với một ngôi tháp tàn phai. Cổ tháp ngồi đó, đã chết, chết như một dấu than, dựng ngược, nhưng vẫn đang suy tư trong xác chết./.
(Trích đoạn trong ký "Sự Suy Tư Của Cổ Tháp Giữa Rừng Già" của Nguyễn Hàng Tình đăng trên Văn học và Nghệ thuật)


Tìm theo con sông Ea H'Leo... RỪNG KHỘP EA H'LEO

Tìm theo con sông Ea H'Leo...
RỪNG KHỘP EA H'LEO
...
Cách đây chừng hai năm, khi có chuyến công tác qua đoạn quốc lộ này, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mê hoặc của những cánh rừng khộp chạy dài bất tận, nhưng nay nhìn mà não lòng. Những căn nhà lậu mọc lên như nấm sau mưa, khiến những cánh rừng khộp bị xóa sổ, đất đai khô cằn, hoang hóa.
Rừng khộp tập trung nhiều loài thú của châu Á như hươu, nai, voi, khỉ, vượn…, có cả thú quí hiếm nằm trong sách đỏ thế giới như bò xám (Bos sauveli), tê giác (Rhinoceros)… Tại Việt Nam, rừng khộp được phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ, trong đó Tây Nguyên có diện tích lớn nhất và đặc trưng nhất với khoảng 500.000ha phân bố từ nam cao nguyên Pleiku đến Tây Ninh.
Không chỉ là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm, rừng khộp còn có rất nhiều loài thực vật có giá trị.
Mỗi cây dầu trưởng thành khi khai thác cho từ 6 đến 7 kg dầu, như vậy hằng năm sản lượng dầu lỏng của toàn vùng là không nhỏ. Hàm lượng tinh dầu trong nhựa dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb) có tỷ lệ tới 50%, được sử dụng trong công nghệ sơn, đánh bóng gỗ; người dân địa phương thường dùng thắp sáng, sơn quét các vật dụng bằng tre, nứa. Quần thể thực vật họ dầu có ưu điểm phát triển chiều cao rất nhanh, khi tới 10 đến 15 mét thì chậm lại, vỏ cây tạo thành lớp dày cứng, có khả năng chống chọi với nạn cháy rừng.
Dưới tán cây họ dầu và cây lấy gỗ là các loài song, mây, tre, nứa… cùng thảm cỏ dày đặc làm nguồn thức ăn phong phú cho động vật móng guốc. Tại đây có 23 loài phong lan muôn màu sắc, hơn 150 loài cây cho lá và quả làm thức ăn cho người và động vật, 64 loài cây dùng làm dược liệu như: địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô, sâm bố chính, mã tiền… nhưng hiện Tây Nguyên chưa có kế hoạch khai thác, bảo vệ, nhân giống để phát triển, cung cấp nguồn dược liệu, hương liệu cho cả nước và xuất khẩu.
Rừng khộp Tây Nguyên đang bị tàn phá! Để cứu rừng, trước hết chính những người có trách nhiệm cần phải nhận thức đúng vai trò quan trọng của rừng khộp, tìm phương án bảo tồn và khai thác có hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.
( Trích " Trong Rừng Khộp Ea H'Leo" của Triều Dương đăng trên Blog's dhungcafe)