Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

CHỬI KIỂU HUẾ

“Đồ mi là đồ mi phá, ba mi về là ba mi la”... quả là nghe như hát !
CHỬI KIỂU HUẾ
Hay về giai điệu, chất nhạc, chửi kiểu Huế còn rất mực văn hóa ở nội dung chửi. Không có kiểu chửi chì chiết, tiếng bấc tiếng chì nặng nhẹ, riết róng, thóa mạ, mà chủ yếu là chửi yêu chửi nịnh, chửi lúc này là tỏ tình thương yêu. Một câu chửi như “mả cha mi” người nghe còn hình dung kèm theo tiếng chửi là một cái bẹo má. Hay người mẹ Huế chửi con “mi là đồ con tinh”, “đồ con tinh le le”, là nói zậy mà không phải zậy.
Có lẽ lời chửi có nội dung nặng ký nhất của xứ Huế là “đồ vô hậu”. Điều này xuất phát từ sự chịu ảnh hưởng lâu đời của đạo Nho, xem không có con nối dõi là bất hiếu. Vì vậy khi người Huế chửi ai đó là “đồ vô hậu”, là chửi vỗ mặt, chửi đến cùng. Nhưng chữ “vô hậu” còn có nghĩa rộng của nó chứ không chỉ dừng lại ở nghĩa hẹp không có con nối dõi. “Vô hậu” còn là không có tương lai (như ở chữ mai hậu - mai sau, là tương lai).
Chửi “mắng yêu” là một trong những sắc thái khá đặc sắc của văn hóa chửi kiểu Huế. Vì vậy rất khó diễn đạt trên giấy mà phải là trong ngữ dụng của nó mới có thể hiểu hết các sắc thái nghĩa của một câu chửi cụ thể. Khó có thể mô tả lại câu chửi “à cái mặt coi hay chưa tề” nếu như không được nghe từ một hoàn cảnh nhất định. Con gái Huế thường chửi hay hơn con trai, đàn bà chửi hay hơn đàn ông, người già chửi hay hơn người trẻ, nông thôn chửi hay hơn thành thị... Cái hay hơn ở đây là vốn từ để chửi phong phú hơn và cách chửi dễ chịu hơn.
Từng là cái nôi của trung tâm văn hóa, người Huế thích ăn nói văn hoa, sử dụng nhiều từ Hán Việt cho nên chửi kiểu Huế cũng nằm trong tầm ảnh hưởng này. Một kẻ đa nghi sẽ bị chửi là “đồ đa nghi như Tào Tháo”. Có biết nhân vật Tào Tháo trong Tam Quốc Chí thì mới hiểu được nghĩa của lời chửi. Cách dùng các điển cố, điển tích trong nội dung chửi đã làm nhẹ đi sắc thái đụng chạm của lời chửi, đó là một cách “chửi vòng” rất văn hóa mang đặc trưng kiểu Huế. Đại loại ta chửi mà mi không biết, thâm sâu đó mà nhẹ nhàng, không gây hấn, thúc bách đẩy người bị chửi đi đến chỗ nổi cục nổi hòn, xô xát làm hư việc.
Câu chửi của người Huế thường hay bắt đầu từ chữ “đồ” như một tiếp đầu ngữ. Tính chất định tính chứ không phải là định lượng của chữ “đồ” làm người bị chửi “hoang mang” một cách dễ chịu. Có thể hiểu câu chửi nặng sau đây “mi là đồ chó”, nghĩa là “đồ chó” chứ không phải là “chó”. Dường như ở một số vùng của miền Trung cũng có kiểu chửi này nhưng không đặc trưng như ở Huế.
Dù muốn hay không thì hành vi chửi vẫn cứ tồn tại một khi còn có con người. Vì vậy tìm một nét văn hóa trong hành vi chửi kiểu Huế chính là để nhận thức sâu hơn điều gì ở nền tảng văn hóa đã tác động đến hành vi đó, làm cho chửi trở thành một lời mắng yêu. Tức tối đó mà dịu dàng đó, chửi mà không mạ lỵ, tục mà thanh tao, Và nếu chửi là một lời mắng yêu, lời khen phi văn bản thì tại sao chúng ta lại không mong ước được nghe chửi suốt ngày?»
Vâng, người Huế, nhất là mấy o, mấy mệ thì ưa ăn nói văn hoa chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa . . . làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dông nói dài . Thêm vào đó, phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì "tụng" mới phê ! Cái phong cách noái lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẻ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thúy hơn nữa.
Để mô tả cái sự lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm . Người Huế ít khi dùng chữ lắm hay chữ quá mà dùng điệp ngữ: Cái con nớ, lanh cha lanh chanh ! Mấy mụ o giọn (nhọn) mồm tức mấy bà chị chồng mỏng mép của Huế vẫn đôi khi chê em dâu: Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè !: Sao mà nó vô phép quá vậy!
Về màu sắc, người Huế thường có lối nói điệp ngữ để nhấn mạnh: xanh lè lè, đỏ lòm lòm, đen thùi thui, vàng khè khè, tím giắt giắt (tím ngắt) .
Bởi, cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn !: Vậy đó, tà tà, lè phè vậy mà đòi làm rể ! Còn nữa, để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy o ngồi chỏ hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: Mưa chi mưa mưa thúi đất thúi đai !.
Vietnews sưu tầm trên mạng!
(Trích từ nguồn http://viet4rum.vn)

MƯA HUẾ

Ngày xưa mưa rơi thì sao
Bây chừ nghe mưa lại buồn ...
MƯA HUẾ
Mưa Huế vốn dùng dằng, rơi mãi không chịu thôi. Nhiều người lấy đó làm phiền phức bởi làm gì cũng khó khăn, đi đâu cũng ẩm ướt. Thời áo trắng, nam sinh lấm lem ống quần vì đất ẩm, nữ sinh phải thắt lưng tà áo dài thướt tha, sân trường lạnh lẽo, ướt sũng những nước.
Dù là nơi chợ quê hay phố thị, người buôn, kẻ bán ủ ê vì cá vẫn đầy thau, rau vẫn đầy sạp, người bán nhiều hơn khách mua. Chốn sông nước mênh mang, những gia đình vạn đò nhìn trời, nhìn nước chỉ thấy phận mình thêm lênh đênh.
Chẳng lẽ người Huế ai cũng ghét những cơn mưa ấy? Tất nhiên là không. Những cụ già ngồi trước thềm nhà với ấm trà xanh khói mờ tỏa, nhìn hạt mưa tưới xanh hàng rào hoa ngâu hoài niệm về những ngày xưa.
Những thi sĩ, nhạc sĩ nghe mưa bên quán nhỏ mà lòng xao xuyến nảy ra được tứ thơ, ý nhạc. Và bao đôi lứa hàn huyên, tâm sự bên chén chè bắp nóng dẻo bên Cồn.
Tất cả họ đều yêu mưa. Bởi mưa Huế không ồn ào nên người Huế biết cách lắng nghe, bởi mưa không vội vàng nên người Huế biết cách cho lòng mình nghỉ ngơi lắng đọng. Mưa đã dạy người Huế rất nhiều thứ lúc nào không hay, mãi đến khi xa nó, người ta mới nhận ra.
...
Tôi thèm được ngồi ở nhà cùng mẹ rim tôm, cùng ba lau lá chuối để chiều đến, cả nhà có một nồi bánh lọc trong vắt, chấm với nước mắm biển dăm ớt chỉ thiên đỏ, cắn một miếng nghe đủ mùi nước phá Tam Giang.
Tôi thèm được cùng lũ bạn đạp xe thong dong trên đường Lê Lợi… khi những cơn mưa vừa tạnh để được tận hưởng cái trong lành của phố phường.
Sau khi đạp xe mệt nghỉ thì cả lũ ríu rít tấp vào một gánh hàng bên đường, thưởng thức cái vị cay xé lưỡi của ớt, beo béo của bì lợn và đậu phụng, chua chua của khế, đậm đà của ruốc. Nghe những thanh âm vừa thổi, vừa húp thứ nước đục đục và tất cả được bày biện đẹp mắt trong tô bún hến nhỏ.
...
Mưa suốt ngày cho người nặng những nỗi suy tư, mưa suốt tuần phố phường như hấp hối, mưa suốt tháng cho năm thêm tai ương.
Lê Thị Hồng Vân
(Trích trong "Nhớ từng giọt mưa Huế" của Lê Thị Hồng Vân đăng trênhttp://vnexpress.net//tro-ve-que-huong/)

QUÁN CƠM O HUẾ

Hình ảnh của người phụ nữ Huế hiện ra với bao vẻ đẹp đời thường...
QUÁN CƠM O HUẾ
Làn sương mờ mịt trên đỉnh Bastogne ẩn hiện phía ngoài trại tù. Xung quanh đều mờ sương vào sáng sớm, giờ đi lao động. Trại tù gồm mười dãy nhà tranh song song, những liếp nhà ở giữa hai lớp hàng rào cao bằng thép gai, phía trong còn đặt bùng nhùng “concertina” của Mỹ. Cái chòi trước cổng cao ngất, phía trên một công an áo vàng cầm sổ điểm danh từng đội tù lần lượt ra khỏi cổng…
...
Những người ở lại cố ngoái đầu dặn dò những người được về sáng nay cho lại những thứ cần dùng. Chiều nay khi họ đi làm về thì chúng tôi, những người được gọi tên sáng nay, đã rời trại mất rồi.
Cái kim may, khúc chỉ, cái lon gô, cái chén cơm, cái bi đông nước…thậm chí cái bào sắn ra sợi…mọi thứ đều là “bảo bối” trong tù.
Tôi để lại cái mũ đi rừng, cái gô đen lại cho thằng Thu nằm cạnh tôi. Hắn dặn tôi thật kỹ trước khi bước ra cổng. Đầu hắn cứ ngoái nhìn lại, ánh mắt khẩn cầu. Nhà Thu ở Huế, tôi thì ở tận Bình Tuy nên hắn chẳng cần dặn trước tôi gì, tương tự tôi cũng chẳng dặn trước hắn gì nếu Thu về trước.
Những người ra trại hôm nay đa số là gốc Huế. Những thằng bạn tôi có thể nhắn về gia đình như Côn như Huấn, thì ra tù tại Ái Tử, sớm hơn mấy năm.
Tôi bỏ vội cái gô và cái mũ vào cái ba lô của Thu phía trên sạp nằm. “Chia gia tài” là giây phút này, tình bạn cũng thể hiện giây phút này. Kẻ về người ở. Những cục đường, những lát khoai luộc, mấy thứ linh tinh đều bỏ lại. Một thứ tình cảm chân thành hay an ủi nhau ở phút này. Về và ở những đồn đoán lao xao trong trại, không ai biết ai đi ai ở để nói chuyện, để nhắn trước. Cuộc chia tay không bao giờ được trại cho biết vì “an ninh “ hay do này nọ…
Cái tầng cấp bước lên những căn nhà cán bộ phía trước trại sao hôm nay tôi bước nhẹ hều. Những bước chân lâng lâng sung sướng, cảm giác duy nhất từ hơn năm năm tôi mới có. Trong phòng cán bộ đi ra, tôi là người được trại cho số tiền lớn nhất, ba mươi hai đồng bạc, gia đình tôi ở tận Bình Tuy cách xa đây hơn một ngàn cây số!
Tôi không nhớ rõ có ngoái lại nhìn cái cổng, cái chòi gác cao của trại một lần cuối cùng hay không, ngoại trừ một hình ảnh tôi nhớ rõ, đó là anh “tăng gia sản xuất” đứng tần ngần bên mấy luống rau xanh nhìn theo chúng tôi. Khỏi đoán, tôi biết anh đang nghĩ gì.
Thôi, xin giã từ mấy công việc lấy “phân tù” trộn băm với lá rừng làm nguồn bón cây. Anh “tăng gia” kia còn mãi công việc “chẳng đặng đừng” – hòa tưới phân người lên mấy luống cải xanh đang mọc nhanh “phơi phới.” Cũng giống toán thợ rèn làm ra cuốc rựa, ba “lạng” mì tươi “bồi dưỡng,” đó là phần thưởng của trại tặng thêm cho họ trong ngày.
Giờ toán chúng tôi cất bước ra về. Tự do thoải mái – khó diễn tả nỗi háo hức bên trong mỗi người, nhưng tất cả đều chung một ý: ĐI MAU VỀ NHÀ.
Mấy trảng đồi đang phủ màu xanh của sắn Bình Điền. Bao công sức của người tù tạo dựng nay xin bỏ lại phía sau.
Trước mắt chúng tôi hiện lên hình ảnh xóm làng Kinh Tế Mới của dân mới lên vùng này. Người Huế lên đây không biết khi nào. Họ lên lập nghiệp hay sao? Cảm giác chúng tôi thật lạ! Ngày đó vùng này là rừng, là nơi của chiến tranh, mịt mùng khói súng, “Mặt Trận Tây Nam Huế” ngày ngày tin chiến sự in đậm trên mặt báo. Chỉ sáu năm thôi tất cả đều đổi thay, như một giấc mơ, thật sự là mơ?
Những trảng đồi đốt cháy nham nhở. Hai bên con đường đất đỏ vài cái quán tranh sơ sài. Trong kia là mấy trại tù. Những năm xa cách không ngờ người dân cũng “đổi đời” như chúng tôi cùng “đáo sơn tầm thực.” Tù thì trồng sắn, dân cũng chẳng khác chi tất cả đều lên đây, phá rừng trồng cây lương thực thay cho lúa gạo.
Chúng tôi không ai bảo ai đều sà vào cái quán cơm bình dân bên đường trong lúc chờ xe đò từ Huế lên.
O bán cơm đon đả mời chào chúng tôi:
– Rứa là sướng quá rồi mấy eng ơi, dưới nhà chắc mừng lắm hỉ!
Mấy anh và tôi “dạ dạ” luôn miệng, thật lòng cảm tạ lời chúc mừng của o. Lạ gì, thấy chúng tôi, người dân biết ngay tù mới được tha. Nhiều lần như vậy rồi. Cứ nhìn những chiếc áo vằn vện, sọc ngang dọc ai mà chẳng đoán ra. Phải kể mấy cái ba lô nữa, đủ hình dạng, nhưng tất cả đều nhẹ hều. “Gia tài” của tù đều bỏ lại cho bạn, có gì quý đâu ngoại trừ cái mạng về với gia đình.
– Mấy eng ăn cơm cá dưa kho hỉ?
– Mấy đồng rứa o?
Tôi chỉ hỏi giá, còn chọn lựa thì không. Cơm là “nhất trên đời” và cũng là thứ hàng “độc nhất vô nhị” trong cái quán này.
– Hai đồng eng nờ!
– Thế là miềng còn 29 đồng…
– Còn đón xe hàng về Huế nữa – tôi thầm nghĩ.
Gần sáu năm trời, hôm nay tôi mới ăn đọi cơm “ngon nhất” trên đời. Đọi cơm trắng, O đơm khá đầy, cộng thêm hai con cá nục kho cùng mấy lát dưa hường kho ngon và thấm. Cái vị giác của tôi lúc này đang “liên hoan” cùng cái tài kho nấu của o bán hàng người Huế. Cái bao tử cùng sẵn sàng tiếp nhận những gì từ miệng tôi sau khi “thưởng thức” và đưa xuống. Tất cả đều thoải mái, không còn những lúc chần chừ lưỡng lự…hình ảnh mới ngày hôm qua…những củ khoai, sắn phải chia đều trong trại…những củ sắn chia phần ăn nhanh thì sợ hết, tôi phải để dành về đêm trước khi đi ngủ, ăn dằn bụng và ngủ cho êm.
Hầu như mọi người đều có lộ phí và ăn tô cơm cá dưa kho của o bán hàng.Những cái đầu gật gù những lời nói chuyện râm ran, những hẹn hò gặp nhau sau ngày về với gia đình. Chúng tôi không quên nhau, Ái Tử-Thanh Hóa-Bình Điền biết bao kỷ niệm buồn vui.
O bán cơm bận áo bà ba trắng, tuy nước da sạm đi vì nắng Bình Điền nhưng không che đi cái “chất Huế” từ dưới thành phố lên đây. Dáng nhanh nhẹn, giọng mời ngọt ngào bao lâu mua bán dưới Huế. Giờ lên đây o cũng bán mua, nhưng là hàng cơm và thức ăn bình dân hạp với dân vùng kinh tế.
– Mấy eng về chị có đen thì đừng có chê nghe mấy eng!
Câu nói ra bất ngờ của o làm mấy anh không ai bảo ai đều ngước lên nhìn.
Có thể mấy năm trước o từng chứng kiến cảnh túng bấn của bao người vợ tù gian nan, tất tả ngược xuôi. Những người vợ, người mẹ hay con dâu này bán hết những cái gì bán được trong buổi “giao thời.” Từ vòng vàng, nhẫn cưới kỷ niệm, cái máy hát, rồi tủ bàn và áo quần nào còn đẹp, tất cả lần lượt ra đi do cái thiếu đói của bầy con, sau ngày ba chúng đi tù.
Trong nhóm tôi là đứa em, cấp bậc nhỏ nhất, lại độc thân. Tôi chưa thấm thía những cảm xúc bằng các anh, những người bao đêm quay quắt nhớ vợ thương con.
Những đọi cơm hôm nay o xúc đầy hơn, không tính toán. O mừng các anh. O nói thật lòng. Năm tháng chịu đựng gian truân, thiếu thốn từ vật chất lẫn tinh thần, những người vợ tù đáng quý biết bao! Sao mà chê “đen” được các chị ở nhà? “Thân cò lặn lội” gần xa, bao dặm đường gian nan tìm ra hạt gạo nuôi con, phần lo bới xách cho chồng trên trại… Hình ảnh đoàn người thăm tù hằng hai tháng, những người đàn bà nay quần thô áo vải, theo bước đi vội vàng, hai cái túi xách đu đưa hai đầu đòn gánh…
Chiếc xe hàng từ Huế lên rồi. Từ xa đám bụi vàng bốc cao. Chúng tôi trả tiền cho o bán cơm vừa khen vừa cám ơn o về đọi cơm sao ngon quá. Ánh mắt o long lanh, những niềm vui hôm nay chan hòa cùng nhau. Vội vàng từ giã cái quán tranh của o, sau lưng tôi áng chừng câu nói kia còn vẳng vẳng theo sau:
– Mấy eng về chị có đen thì đừng có chê nghe mấy eng!
***
Chiếc xe Bình Điền thả chúng tôi xuống gần Ga Huế thì trời chưa chiều lắm. Mấy anh em hối hả chia tay nhau. Ai cũng muốn tìm mọi cách nhanh nhất về nhà.
...
Đinh Trọng Phúc
(Trích trong "RA TRẠI" hồi ký của Đinh Trọng Phúc đăng trênhttp://vannghequangtri.blogspot.com/)

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Về Huế thưởng thức món ngon tiến Vua ...

Về Huế thưởng thức món ngon tiến Vua ...
BÁNH ƯỚT CUỐN TÔM CHUA
Không phải món ăn nào của Huế cũng được nhiều người biết đến như món bánh bèo, bún bò... bởi trong số đó có những món ăn dùng để dâng Vua và sau một thời gian dài, món ăn cũng không còn trở nên phổ biến. Một trong những trường hợp “Ngon nhưng ít người biết” đó chính là món bánh ướt cuốn tôm chua - một món ngon dễ làm, dễ ăn.
Cách làm thật tỉ mỉ: một thức một tí, chú ý nhẹ tay trải từng chiếc bánh ướt ra trên một cái dĩa, sắp rau sống, khoai lang và bún vào, cuốn tròn bánh lại gọn gàng, cắt thành từng miếng, độ dài khoảng bằng hai lóng tay, xếp lên dĩa, kiểu dáng…, để lên trên mặt miếng cuốn một lát thịt heo ba chỉ (còn gọi là thịt phay) và một con tôm chua...
Dĩa bánh sẽ có đầy đủ màu sắc: xanh tươi của rau, vàng mơ của khoai, trắng trong của bánh, hồng thắm của tôm chua… Quả là người Huế thật tinh tế khi thích ăn bằng mắt – như là tự thưởng thức cái đẹp trước, tìm cảm giác ngon miệng sau, cái trước – sau này người ẩm thực thêm niềm vui ăn uống.
Thường mỗi loại bánh có một thứ nước chấm riêng, với bánh ướt tôm chua thì nước chấm rất đặc sắc, cũng là của ít công nhiều – nay đây: khoai lang nướng chín, lột vỏ, quết thật mịn, trộn với ruốc để một lúc cho thấm gia vị. Bỏ vài muổng dầu ăn vào chảo bắc lên bếp, dầu sôi thả tỏi giã nhỏ vào cho thơm, rồ đổ khoai lang, ruốc, đường và chút xíu nước lã vào khuấy đều tay, khi nước chấm vừa sết lại đúng chuẩn vừa độ để ăn. Nước chấm màu vàng sánh óng rất hấp dẫn.
Một dĩa bánh, một chén nước chấm, gắp một cuốn bánh, rón rén chấm vào nước tương, nhỏ nhẻ nhai mà thấm thía vị ngọt đậm đà và nét duyên của người Huế về cái ăn sự uống đời thường.
...
...
Trong hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo có quán ăn khuya còn bán bánh ướt cuốn tôm chua nhưng hình như người biết thưởng thức đang ít dần...
(Trích đoạn "CÁC LOẠI BÁNH ƯỚT HUẾ" của Tiểu Kiều đăng trênhttp://www.voque.org/)

Nhớ một thời xem phim bãi ngày nào...

Nhớ một thời xem phim bãi ngày nào...
"ĐI CHUỒN" ...Ở MỘT LÀNG QUÊ HUẾ
Sau biến cố năm 75, ba tôi đưa cả gia đình từ thành phố về quê. Cuộc sống vất vả nhưng quá nhiều cái mới lạ nên đầu óc con nít của tôi khi mô cũng thấy háo hức.
Những ngày đầu ... , phong trào cổ động rộn ràng. Đêm mô con nít, thanh niên cũng đốt đuốc lên xếp hàng đôi kéo nhau đi khắp làng hô khẩu hiệu. Rồi cả làng bắt đầu làm quen với phim bãi. Ở phố kêu là đi coi xi-nê, chừ ở quê lại kêu là đi coi phim, rồi sau cũng bắt chước mấy anh chiếu phim gọi là “đi xem phim”. Quê tôi thuộc trung tâm xã và cụm xã, lại sát nách Huế, nên đoàn chiếu phim lưu động hay về, gần như tháng mô cũng có. Những tháng đầu sau thời cuộc 75, cả làng được xem phim miễn phí. Bãi chiếu đầu tiên là ở sân trường tiểu học. Ban đầu có phim hoạt hình phục vụ bọn con nít, sau đó toàn chiếu phim tài liệu. Bọn con nít coi không hiểu chi mấy, buồn ngủ thì kéo nhau vô kê bàn học lại trèo lên ngủ, có đứa ngủ vạ vật hành lang, cho đến khi hết phim có người kêu mới choàng mắt lật đật chạy về. Về sau chiếu phim trong sân trường làm hư hại trường nên chuyển qua mảnh ruộng vừa gặt xong làm bãi. Cũng có khi màn hình dựng ở ngã ba múi cầu, đêm trăng sáng vằng vặc, các ngả đường đông đặc người từ các xã lân cận đổ về xem, toàn đi bộ, có đến hàng ngàn người.
Đến những năm đầu thập niên 80, khi xã lấy một vườn phủ công chúa nhà Nguyễn làm sân vận động, bãi chiếu phim mới cố định, và cũng từ đó, việc bán vé bắt đầu được để ý thực hiện, chỉ đến khi gần hết phim mới xả cửa “ân huệ” cho những ai không có tiền mua vé vô xem cho đỡ ghiền. Thời đó mấy ai có ti vi, đời sống văn hóa tinh thần còn nghèo, chỉ chờ đoàn chiếu phim lưu động, đôi khi vài lần trong một năm đoàn văn nghệ xung kích hay cải lương, hát bội về diễn.
Ban đầu vé xem phim chỉ vài xu, sau vài hào, vài đồng, rồi theo năm tháng tăng dần lên đến lúc bọn con nít không chịu nổi “kinh phí” thì bắt đầu chúng đi chui, gọi là “đi chuồn”.
Đi “chuồn”, là tìm cách vào sân bãi không mất tiền mua vé. Sân vận động có hai lũy tre chắn hai đầu, một phía là ruộng trống, một phía nữa là nhà dân, khoảng giữa hai xóm nhà dân là cổng vào sân được rào chắn để soát vé. Bốn bề đều có dân quân và kiểm soát vé cầm đùi đứng canh, đứa nào thò đầu vô nếu nhanh chân chạy thoát thì tốt, nếu không may bị bắt thì ôi thôi rồi, trước hết là một roi quắn đít, sau nhẹ thì bị xách tai dắt từ trong sân ra đến cổng đẩy ra ngoài thiếu đường rách cả tai, nặng thì bị gõ vào đầu gối mấy đùi thiếu đường nứt xương đến mấy ngày sau còn phải lết chân mà đi… Đau thì đau, nhưng nhà nghèo làm chi có tiền mua vé, phim thì quảng cáo hấp dẫn như rứa, xin xỏ đàng hoàng thì không chỉ bị lắc đầu mà có khi còn bị vài roi của dân quân vì tội “quấy rối cán bộ”, chờ xả cửa thì còn chi là phim, thôi đành phải cứ liều. Thế cho nên để “đi chuồn” thành công, bọn con nít cũng phải tính toán đủ thứ, cũng có họp “ban tham mưu” như một cuộc chiến. “Cuộc chiến” có khi thành công, lắm khi thất bại, nhưng cuối cùng cả bốn bề sân vận động đều có dấu chân của những kẻ chuồn vé.
Một trong những nguyên tắc đầu tiên là không được chuồn vô sân quá sớm, khi đó còn ít khán giả, có vào sân được thì cũng không trà trộn vào đám đông được. Cái này thằng Khuynh Lác bị rồi, phải chịu xách tai đuổi ra ngoài.
Phía ruộng trống coi như không thể chuồn nên không được bàn đến trong những đợt đầu tiên. Phải đến sau này, khi các ngả đều “bị lộ”, bất đắc dĩ phải chuồn qua ngả ruộng, muốn chuồn phải nép men bờ ruộng, rồi bất ngờ cả bọn chạy ào vào khiến kiểm soát viên trở tay không kịp. Nhưng cách đó cũng chỉ được một lần, những hôm sau đã thấy nè tre rào chắn.
Cách nhẹ nhàng nhất là đi qua vườn nhà ông Dợt, rồi núp ở hàng rào bụi bông cẩn sát sân vận động, chờ du kích gác đi xa một chút là nhảy vô một cách nhẹ hều. Nhưng có hôm không biết đứa mô đi chuồn thấy mấy trái ổi trong vườn ngon quá vạt luôn. Ông Dợt ban đầu còn thương tụi con nít, lơ cho qua, nay thấy bị phá quá bèn kéo tre rào lại luôn, rứa là hết đường.
...
Gian nan đến rứa, nên cũng có nhiều đứa cho đi chuồn trót lọt là chiến công hiển hách. Hồi nớ bộ phim “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt” của Liên Xô rất “hót”. Coi xong phim đó hễ đứa mô đi chuồn vào được trong, tìm được nhau trong sân bãi lại vỗ ngực “Những kẻ đi chuồn không bao giờ bị bắt”…
Nhiều đứa có tiền cũng không chịu mua vé, cứ thích “đi chuồn” bởi nó có thể giúp mỗi đứa hóa thân thành một lính đặc công tưởng tượng.
Nắng cũng như mưa, hễ có tin đoàn chiếu bóng lưu động kéo xe bò đem phim về là cả bọn tìm nhau. Túi ni đi đường mô bây? Đi ngả ông Dợt hay ngã ông Thiền? Có đêm mưa, thằng Siêng đi răng đó dẫm phải con rắn độc bị cắn cho một phát, hắn kêu oang oang trong bụi, người ta kéo hắn ra rách cả tấm ni lông đi mưa. Người nhà cõng Siêng lên thấu bệnh viện cấp cứu thì người hắn đã tím tái tự bao giờ…
Đến khi tôi lên Huế học, tuổi thiếu niên vẫn còn giăng mắc. Bấy giờ bọn đi chuồn lại kháo nhau: “Túi ni đi Thành mời hay đi Xã mời bây?” Hỏi cho oai rứa thôi, chứ Thành mô Xã mô mà mời. Thành ở đây là trèo thành, Xã ở đây là xả cửa. Rứa là nhao nhao, tau đi Thành mời. Mấy đứa nhát gan: thôi tau đi Xã mời. Ui chao, thời khốn khó, thành phố với nhà quê, tụi con nít thì có khác chi nhau.
Có lần tôi đi “Thành mời” ở Nhà Thiếu nhi Huế, nhảy từ trên tường rào xuống, trẹo cả chân, hôm sau sốt hầm hập, đau suốt tháng. Từ đó, giã từ “Thành mời” lúc nào không hay…
Thời gian nan ấy, nhờ đam mê phim ảnh, chúng tôi được xem nhiều bộ phim hoạt hình Việt Nam: “Đáng đời con cáo”, “Cây đa chú Cuội”, “Con một nhà”, “Chú thỏ đi học”, “Chiếc vòng bạc”… và cả bộ phim màu đầu tiên “Bài ca trên vách núi”, “Con sáo biết nói”… Cũng từ các sân bãi ấy, chúng tôi được xem gần như hầu hết các phim truyện Việt Nam: “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Vợ chồng A Phủ”, “Nổi gió”, “Rừng Xà nu”, “Cô giáo vùng cao”, “Đường về quê mẹ”, “Cánh đồng hoang”, v.v.
Phim truyện ngày xưa đa phần là phim đen trắng, nhưng vẫn đáng xem hơn khối phim trên truyền hình bây giờ.
Chao ôi, xưa chúng tôi vẫn hay nức nở nhắc “Bao giờ cho đến tháng mười” theo tên gọi một bộ phim, nay thì thi thoảng vẫn ước ao, làm sao để được một lần đi xem phim bãi.
Lần này nếu mà có cơ hội, chắc sẽ không còn “đi chuồn”, nhưng biết đâu đấy…
Hoài Mục.
(Trích theo " Đi Chuồn" của Hoài Mục đăng trênhttp://www.tapchisonghuong.com.vn/)

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

EM LÀ GÁI TRỜI BẮT XẤU

Những năm thuộc thập niên 60, thi đàn miền Nam Việt Nam xuất hiện một cô gái Huế với giọng điệu thơ da diết sầu tình... Đó là nhà thơ nữ LỆ KHÁNH.
EM LÀ GÁI TRỜI BẮT XẤU
Việc nhà xuất bản Khai Trí danh tiếng chấp nhận in thơ của một cô gái chưa có tiếng tăm gì trên văn đàn lúc bấy giờ cũng được dư luận quan tâm. Có dư luận cho rằng sở dĩ ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà xuất bản Khai Trí in thơ Lệ Khánh nhiều như thế là vì hai nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt và Hoàng Trúc Ly, cố vấn văn học của ông Nguyễn Hùng Trương rất "khoái" thơ Lệ Khánh.
Nhưng cũng có dư luận cho rằng chỉ vì tên tập thơ hấp dẫn người đọc và thơ của Lệ Khánh đơn giản dễ đọc, ai đọc cũng có thể xúc động, cũng có thể thương cảm, cũng có thể rớt nước mắt và thơ loại ràn rụa nước mắt như vậy in chắc chắn bán chạy...
Chúng ta hãy đọc bài thơ của Lệ Khánh được người đọc yêu thích lúc bấy giờ:
"Giận anh những sáng sương lên áo
Tôi tủi thân đi giữa lạc loài
Sương ướt tóc mềm môi trở lạnh
Nghẹn ngào tôi vẫn nhớ thương ai
Sương nhé, đừng rơi ướt áo tôi
Đừng rơi người cũ bỏ đi rồi
Lấy ai phủi giọt sương trên áo
Sương thấm trời ơi lạnh quá thôi
Tôi sợ sương sa, tôi vẫn đi
Anh ơi lành lạnh gió mai về
Sương rơi ướt áo tôi nhiều quá
Lạnh lắm hồn tôi lạnh tái tê
Anh giờ chắc hẳn vui duyên mới
Quên hẳn người đang mặc áo sương
Đi dưới trời sương, sương thấm lạnh
Ướt cả hồn tôi ướt vệ đường"
Thơ Lệ Khánh là cuộc tình ngang trái và chính cuộc tình ngang trái đó đã tạo nên những vần thơ "Em Là Gái Trời Bắt Xấu", là những buồn tủi, nước mắt của tình yêu. Là những khắc khoải, dằn vặt, đớn đau bi lụy của những kẻ khổ vì yêu.
Lệ Khánh sống ở Đà lạt thành phố sương mù, thành phố của tình yêu nhưng lại khổ vì tình, lụy vì tình, Nhưng nhờ yêu Lệ Khánh đã có những vần thơ để đời, có thể nói là sánh ngang tầm với hiện tượng thơ TTKH.
...
(Trích theo "LỆ KHÁNH – Em là gái trời bắt xấu" của La Ngạc Thụy đăng trên http://datdung.com/)
***
Em Là Gái Trời Bắt Xấu
Tác giả: Lệ Khánh
Chiều chúa nhật đợi chờ anh mãi mãi
Sao trễ giờ cho chua xót anh ơi
Hẹn hò chi ? Chừ lỡ dở cả rồi
Tình mới chớm đã vội vàng lịm tắt
Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Liệu người ta đáp trả lại hay không
Đến bao giờ dẫm được xác pháo hồng
Áo cưới đỏ cười vui cô dâu mới
Anh hẹn đúng hai giờ anh sẽ tới
Nhưng sao chừ trời đã tối... anh đâu
Mưa hôm nay êm như tiếng mưa ngâu
Anh lỗi hẹn nên chiều buồn rứa đó
Tôi gục mặt khóc thầm bên cửa sổ
Mà cô đơn trời hỡi vẫn cô đơn
Nơi xa xôi, anh có biết tôi buồn
Anh có biết tôi cười mắt ngấn lệ
Anh lỗi hẹn hay là anh đến trễ
Cho chiều nay đường phố lạnh mưa thu
Và đêm nay thành-thị ướt sương mù
Người con gái gục đầu thương mệnh bạc
Chuyện thủy-chung biết lấy gì đổi chác
Khi tôi nghèo, bằng cấp trắng bàn tay
Sao yêu anh cho đau khổ thế này
Thà câm nín như ngày xưa anh nhỉ ?
Vì Thượng-Đế đày tôi làm Thi-Sĩ
Nên tâm tình trào ngọn bút thành thơ
Dâng riêng anh anh nhận lấy, hững hờ
Tôi hổ thẹn bực mình đem đăng báo
Thiên hạ đọc bảo nhau rằng tôi láo
Đẹp như tiên vờ nói xấu vô duyên
Buồn không anh ? Một số kiếp truân chuyên
Làm con gái không bạc vàng nhan sắc
Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Người ta sao ? Không nói chuyện ân tình
Hẹn hò rồi còn nỡ để một mình
Tôi đứng đợi suốt chiều mưa chúa nhật
Lần sau nhé bận gì anh cứ khất
Xin sẵn sàng đứng đợi vạn mùa đông
Bạn bè đi qua trao vội thiếp hồng
Tôi vẫn mặc để chờ anh trọn kiếp
Lệ Khánh (1965)
***
CŨNG ĐÀNH
Tác giả: Lệ Khánh
Bao giờ em hết làm thơ
Để mà đừng khóc duyên hờ chị ơi
Mấy lần… bài cuối đây rồi
Mà sao chưa cuối những lời thơ đau
Vẫn từng khuya vẫn nghẹn ngào
Xót thương nằm đếm từng sao để buồn
Bao giờ cho hết nhớ thương
Để đừng nước mắt trong hồn quanh năm
Em về… gặp chị mấy lần
Mấy lần… định sẽ phân trần lại thôi
Đời em… rứa đó chị ơi
Không bao giờ nhận những lời ấm êm
Gạt lừa dẫn tới cho em
Thôi thì… thơ viết chị xem đủ rồi
Phải chi em đẹp như người
Thơ tâm sự chẳng mang lời xót thương
Chị ơi cay đắng trong hồn
Trọn đời em chị vẫn buồn… hay sao?
Bao giờ mới hết thương đau
Để em đừng khóc nhạt màu mắt xanh
Nhiều lần chợt nghĩ: “Cũng đành
Mình vô phước quá nên thành dở dang”.
Lệ Khánh

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

LÀM DÂU XỨ HUẾ (Truyện vui của Thùy An)

Giọng Huế chi lạ rứa...
LÀM DÂU XỨ HUẾ
(Truyện vui của Thùy An)
1. Quen Khanh đã ba năm, tôi không hề biết anh là người Huế. Anh nói tiếng Nam ngọt xớt. Những danh từ rất Nam bộ như “hưỡn”, “xí xọn”… anh đều hiểu rõ và đôi khi còn áp dụng vào những câu chuyện khôi hài rất có duyên. Cho đến khi tình cảm hai đứa chín muồi, Khanh ngõ ý:
-Ba me anh muốn biết mặt em.
Tôi theo Khanh về nhà trong tâm trạng vô cùng hồi hộp. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi vẫn cảm thấy bối rối, chân tay thừa thải trước tia nhìn vừa dịu dàng vừa soi mói của mẹ Khanh. Đó là người phụ nữ ngoài năm mươi, gương mặt tròn trịa, nước da trắng mịn phảng phất vài nếp nhăn nơi đuôi mắt. Tóc bà nhuộm màu nâu đen, được bới cao, cài trâm đồi mồi trông rất quí phái. Bà trang điểm nhẹ nhàng, một chút phấn hồng và môi son màu nhạt.
-Thưa mẹ, đây là Kiều Tiên, bạn gái của con.
Nụ cười của bà thật tươi:
-Kiều Tiên à? Cái tên dễ thương hí. Ngồi chơi đi cháu. Chờ bác một chút.
Bà đứng dậy đi vào trong, để lại tôi ngơ ngác sau khi nghe một loạt âm thanh líu lo như chim hót. Khanh nheo mắt:
-Sao? Không hiểu à? Anh đã nói rồi, gia đình anh người Huế, vậy mà không tin. Em có phải là chắt nội của Tào Tháo không đó?
Mẹ Khanh ra, trên tay bưng một cái dĩa hình bầu dục tráng men xanh. Bà đến gần tôi, đặt dĩa lên bàn:
-Ăn đông sương với bác cho vui.
Đông sương? Không phải. Đó là những miếng thạch dày khoảng hai phân, được cắt thành từng miếng hình thoi bằng ba ngón tay. Rải rác giữa lớp thạch trong suốt là những khối vuông nhỏ màu trắng, đen, nâu, cam và xanh lá cây.
Mẹ Khanh nhìn tôi chăm chú. Hình như bà đang nghĩ, con nhỏ này câm chắc? Và tôi cũng nghĩ, Kiều Tiên, hãy nói một câu gì đi chứ.
-Cháu cám ơn. Ô, thạch của bác làm đẹp quá.
Mẹ Khanh vui vẻ:
-Người Huế gọi thạch là đông sương cháu à. Cháu ăn đi, đừng sợ, bác không dùng màu thực phẩm mô –rồi bà lấy tăm ghim miếng thạch lên săm soi –cháu coi màu nì, màu trắng là sữa, đen là cà phê, nâu là cà phê sữa, lục là nước lá dứa, còn màu gạch là nước cà rốt.
Màu “gạch” là màu “cam”! Tôi lại học được một từ đặc trưng của Huế. Miếng thạch ngọt thanh tan trên đầu lưỡi, thấm vào lòng tôi những cảm giác dịu êm.
Cổng nhà Khanh bỗng mở toang. Một người đàn ông trung niên,giống Khanh như tạc phóng xe máy vào. Ông đứng trước thềm, tươi cười nhìn mẹ Khanh rồi chỉ tay vào giỏ xe: một chậu hoa dâm bụt vừa nở hai nụ hàm tiếu màu vàng. Mẹ Khanh đến gần, ngắm nghía:
-Mình mới mua hả? Ôi bông cẩn vàng, đẹp thiệt đó.
Tôi tròn mắt. Khanh ghé vào tai tôi:
-Người Huế gọi “Hoa dâm bụt” là “bông cẩn”.
Ba Khanh bước vào phòng khách, mẹ Khanh theo sau bảo Khanh:
-Con bưng chậu hoa xuống rồi đi cất xe cho ba.
Tôi đứng dậy, vòng tay:
-Cháu chào bác ạ.
-Cháu là bạn gái của Khanh phải không? Bác gái nói cho bác biết rồi.
Ba Khanh ngồi đối diện tôi, hỏi han ân cần. Giọng ông ấm áp, tuy âm sắc hơi nặng, có nhiều từ tôi không hiểu rõ, chỉ lờ mờ đoán ra. Nhưng ánh mắt ấy, cử chỉ ấy đã nói lên một tình cảm chân thành.
2. Tôi nhận lời cầu hôn của Khanh, mặc cho những lời bàn ra tán vào của đám bạn. Thật ra cũng vì thương tôi, nên chúng nó mới đề cao cảnh giác nhiệt tình như thế. Nào là: “Công dung ngôn hạnh mày có được bao nhiêu mà dám uống thuốc liều hở?”, “Làm dâu người Huế khó lắm, mày chịu được sao?”, “Chúng tao khuyên mày nên đi học vài khoá nấu ăn, làm bánh mới đủ sức đối phó.”…
Tôi bịt hai tai, hét:
-Chúng mày có im hết đi không? Tình yêu của Khanh đã cho ta đầy đủ mười thành công lực.
Nói thì oai lắm, nhưng lòng tôi cũng hơi run khi nghe ba Khanh bảo:
-Đám cưới xong, Khanh nên đưa Kiều Tiên về Huế thăm mệ và mấy O. Xa xôi quá, không ai vào chung vui cùng hai con được. Ba nghĩ là họ rất mong thấy mặt con dâu của ba.
Tôi lại càng run. Cái gì “mệ”, cái gì “O”?
Khanh lại “phụ đề Việt ngữ”:
-Mệ là… bà nội của anh đó. Còn O là hai người em gái của ba.
-Như vậy “O” có nghĩa là “cô” phải không anh?
-Đúng. Cho em 10 điểm. Còn “mệ”?
-Mệ là… bà nội chớ gì.
-Mệ là bà thôi. Mệ nội, mệ ngoại, là bà nội, bà ngoại.
-Sao hồi nãy anh nói mệ là bà nội? Tiền hậu bất nhất, cho anh zéro điểm là vừa.
-OK, anh chịu thua em 1 – 0 đó, bây giờ nghe anh nói tiếp nè.
-Bộ anh muốn em loạn thần kinh hả?
Khanh dỗ dành:
-Nếu em không chịu cho anh truyền thêm nội công thì làm sao ứng phó với bà con nội ngoại của anh ngoài Huế chứ.
Có lý. Mặc dù tôi chưa quen nghe giọng Huế, nhưng nếu tôi hiểu được những từ người Huế thường dùng, thì sự đồng cảm giữa tôi và “giang sơn nhà chồng” sẽ dễ dàng hơn. Tôi lấy tờ giấy và cây bút:
-Được rồi, anh nói đi. Em sẽ ghi và học thuộc lòng.
Khanh phấn chấn ra mặt:
-Em ngoan quá –rồi tằng hắng –Anh bắt đầu nè. Người Huế từ “mô” là “đâu”, ví dụ “anh đi mô?” có nghĩa là “anh đi đâu?”, “bên ni” là “bên này”, “bên nớ” là “bên kia”, “răng” là “sao”, “rứa” là “thế”, “kiệt” là “hẻm”, “tra” là “già”, “ăn kỵ” là “ăn giỗ”…
Đầu óc tôi lùng bùng, tay chân tôi quờ quạng. Khanh đặt câu hỏi:
-Đố em, “ôn” là gì?”
Tôi xếp giấy lại, thở phào:
-Anh hết vốn rồi hả? Đố như anh, con nít cũng biết. Ôn là ôn tập chớ gì.
Khanh kí vào đầu tôi:
-Cho em xuống học lớp Lá là vừa. “Ôn” là “Ông”. Gặp các ông già, người ta thường “Thưa ôn”, cũng như đối với các bà lão, người ta thường “thưa mệ”…
Khanh tiếp tục đưa tôi vào mê hồn trận:
-À, anh nhắc em điều này, nếu thấy một người đàn ông được gọi là “Mệ” thì em cũng đừng ngạc nhiên, vì đó là những người trong hoàng tộc…
Tôi hét lên:
-Cái gì? Ôi em bị tẩu hoả nhập ma rồi.
3. “Giang sơn nhà chồng” của tôi toạ lạc giữa một khoảng vườn xanh tốt trong thành nội, gồm ba căn nhà trệt lợp ngói rộng rãi, ngăn cách nhau bởi các dãy hàng rào bằng cây thấp, lá nhỏ, quấn quít những sợi dây leo màu vàng. Khanh nói:
-Bà nội anh rất thích chăm sóc vườn tược. Hàng rào chè tàu này còn già hơn tuổi của anh nữa đó, còn kia là những dây tơ hồng. Em thấy có đẹp không? Ngày trước, nhà anh chỉ có một căn thôi, sau này hai O lập gia đình, bà nội mới xây thêm hai căn nữa, của hồi môn ấy mà.
Có tiếng reo:
-Khanh, cháu Khanh đó phải không?
Một phụ nữ khoảng trên dưới năm mươi, mặc quần tây nâu, áo hoa sặc sỡ, từ căn nhà bên phải chạy ra. Tóc bà uốn cao, nước da trắng, miệng cười có má lúm đồng tiền.
-Đây là O Hương của anh.
-Cháu chào… O ạ.
O Hương tiến đến gần, vuốt má tôi:
-Vợ thằng Khanh đây hả. Chà, hai đứa xứng đôi lắm đó nghe –rồi bà kéo tay tôi và Khanh về phía căn nhà giữa –Mạ ơi, vợ chồng Khanh về tới rồi nì.
Khanh nhìn sang căn nhà bên trái cửa khoá ngoài. O Hương nói:
-O dượng Hoà về làng ăn kỵ rồi. Chắc là mai mới lên.
Nãy giờ tôi cố ý lắng nghe. Eureka, tôi đã nhớ. “Ăn kỵ” là “ăn giỗ”, còn “mạ”? Chắc là “mẹ” rồi. Xem ra tiếng Huế đâu có khó gì, khỏi cần Khanh làm thông dịch.
Bà nội của Khanh rất đẹp lão. Mái tóc bà bạc phơ, gương mặt hồng hào, phúc hậu. Bà đang ngồi trên chiếc ghế mây cạnh ngưỡng cửa, miệng cười móm mém, âu yếm nhìn Khanh đi bên tôi.
-Chúng cháu chào mệ.
Bà gật đầu rồi đưa tay níu lấy vai Khanh:
-Đỡ mệ vô nhà.
Bà nhỏ bé trong vòng tay Khanh, bước chân bà khập khiểng. Khanh lo lắng:
-Mệ, mệ bị sao vậy?
O Hương đỡ lời:
-Hôm qua mệ ra vườn tưới cây, mệ bị bổ.
-Im đi, tau bớt rồi –bà nhìn O Hương từ đầu đến chân –mi bận cái áo chi mà loè loẹt rứa? Tra rồi, gần làm mụ gia rồi, còn bày đặt diện.
Tôi nói nhỏ với Khanh:
-Em hiểu từ “tra” rồi, nhưng “bổ”là gì? Còn “mụ gia”?
-“Bổ” là “té”, còn “mụ gia” là “mẹ vợ” hoặc “mẹ chồng”. Xứ Huế anh có câu: “Thương chồng mà khóc mụ gia, chớ tui với mụ chẳng bà con chi.”
Tôi che miệng cười. Bà nội Khanh ngồi trên sập gụ, vẫy Khanh và tôi lại gần. Bà vuốt tóc tôi:
-Mệ có coi bóng đám cưới, trông cháu đẹp hơn trong bóng nhiều. Biết hai cháu sắp ra thăm mệ, đêm mô mệ cũng nằm chộ.
Khanh thông dịch ngay:
-“Bóng” là “hình”…
Tôi ngắt lời:
-Còn “nằm chộ” là “nằm mơ”, đúng không?
-Very good, em thông minh thật đấy.
Bà nội Khanh có vẻ thích tôi. Bà kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, từ chuyện làng xóm, đến chuyện những người trong họ tộc, chuyện gia đình Khanh… giọng bà nhẹ nhàng, thân ái. Vì đã ôn tập trước, nên những từ rặt Huế như răng, mô, tê, rứa… tôi hiểu dễ dàng. Và càng lúc, tôi càng thấy gần gũi bà, thương yêu bà hơn.
-Cháu biết không? Chồng của cháu rất thích ăn chè thịt quay.
Chè thịt quay là gì? Tôi nhìn quanh tìm Khanh. Nhưng thôi, khỏi cần thắc mắc, chẳng qua cũng chỉ là món chè bình thường, cứ ăn vào là biết ngay thôi mà. Bà gọi:
-Hương ơi, lấy cà mèn đi mua chè thịt quay cho các cháu ăn đi con.
O Hương bảo Khanh:
-Cháu qua nhà dắt dùm chiếc xe ra cho O.
-Để cháu chở O đi.
Khanh đến bên tôi:
-Em ở nhà với mệ được không?
Tôi vênh mặt:
-Anh khỏi lo. Mệ nói gì em cũng hiểu hết.
*
Tôi đi thơ thẩn trong vườn. Nắng chiều dìu dịu, gió chiều êm ái. Lòng tôi rộn vui theo tiếng chim hót chuyền cành. Hình như bà nội gọi:
-Vợ thằng Khanh mô rồi?
Tôi hấp tấp chạy vào:
-Mệ sai cháu gì ạ?
-Cháu ra ngoài “cươi” lấy cái “chủi”, “xuốt” dùm mệ cái “dà”.
-!!!
Lần này thì tôi thua thật. Khanh ơi, mau về cứu em.
THÙY AN

Kính chào Huế rất sương mù...

Kính chào Huế rất sương mù...
TRỞ LẠI HUẾ
( Mường Mán )
Vẫn mù sương phố sông này
về nghe vàng lạnh xuống đầy mấy vai
không em đầu ngõ trúc mai
phượng bay rối bước chân tôi ngập ngừng
nghìn trùng nắng chết mênh mông
người lên tiếng gọi vọng không âm thừa
quán ngồi chưa mỏi lưng trưa
đã vai chiều lệch so vừa bóng thu
kính chào Huế rất sương mù
mình tôi dọc phố âm u lặng thầm
thơ nào vừa lã giọng ngâm
rượu nào vừa rót tay không đưa mời
bạn bè ơi Huế tôi ơi
chìm theo chiếc lá vàng rơi tan mùa.
(Việt nam 30/9/1982)
...
Sáng nay, chuẩn bị cho một tác phẩm mới, tôi gặp lại trang báo Việt Chiến này trong hồ sơ cũ. Đọc lại, bồi hồi. Muờng Mán và tôi có cùng những điểm tương đồng. Chúng tôi đều trưởng thành ở Huế. Chúng tôi đều lưu lạc về Cần Thơ. Sau 1975, chúng tôi cũng có chung những cánh đồng hay những vùng đất trích. Mường Mán đi chăn vịt. Còn tôi thì làm thợ phụ cất nhà lá, hay đấp nền, khuân gạch từ lò lên ghe và từ ghe lên chỗ cất nhà. Sau đó tôi đổi nghề, đi bán cà rem. Mường Mán vẫn tiếp tục chăn vịt. Chiều nào Mường Mán cũng ghé lại nhà tôi, kêu tôi ra ngồi quán cốc, nhâm nhi rượu đế và khô… Cho đến một ngày Mường Mán không còn thấy tôi nữa. Tôi vượt biển, bỏ vợ con lại nhà. Mường Mán đến như thường nhật, hỏi tôi đâu. Y. dấu, nói anh ấy đi bán cà rem chưa về. Mường Mán vẫn ngồi chờ trên băng đá. Vợ tôi kể là Mường Mán rất lo, bâng khuâng về việc tôi về quá trễ…
Sau đó, anh không còn đến nhà tôi nữa.
Có lẽ anh đã biết về việc tôi đào thoát.
Bây giờ, không còn ai bâng khuâng về ai nữa. Ai cũng có một số phận an bài. Thời ấy đã xa xưa. Giờ là hoài niệm. Đọc lại thơ bạn, mà rưng rưng. Hôm qua nghe lại Huế gọi tôi về do hai nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và Nhật Ngân cùng sọan chung. Và sáng nay đọc bài thơ bạn viết về Huế mà Nguyễn Công Minh đã mang theo trong chuyến vượt biển bỗng thấy nhớ Huế da diết Vâng, chúng tôi có một thành phố để gởi đến trái tim. Riêng tôi: thành phố mù sương, phố cổ mù sương:
Có một giòng sông mềm như dải lụa
Có hai ngôi trường như đôi tình nhân,
Có một con đường mỗi ngày hai bận,
Anh theo em về, qua bến qua sông.
Có một chiếc cầu bắc qua thành phố.
Thành phố mù sương, phố cổ mù sương.
Có anh tội tình như loài cổ thụ.
Em đậu trên cành, làm anh bâng khuâng.
Có buổi trời mưa, trời mưa không ngớt,
Có em xăn quần, bên đập chờ ghe,
Không biết nhìn lên hay là nhìn xuống,
Thôi thì quay về, để khỏi u mê.
Có một ngôi nhà, muốn vào không dám.
Có một nỗi buồn cứ bám chung thân.
Con sóc dại khờ gặm hoài trái đắng,
Và anh dại khờ nên mới yêu em.
(Huế gọi tôi về – Trần Hoài Thư)
...


Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

KỴ HÚY DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN

Nghe chuyện kinh thành Huế...
KỴ HÚY DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN
Người Đàng Trong kỵ húy các chúa Nguyễn nên đọc biến âm một số từ ngữ:
Tên chúa Tiên là Hoàng nên đổi họ Hoàng thành Huỳnh, chữ "hoàng" cũng đọc là "huỳnh" (lưu huỳnh).
Nguyễn Phúc Khoát là "Vũ Vương", nên người họ Vũ ở Đàng Trong đổi thành họ Võ.
Chữ "Phúc" đọc thành "Phước" để tránh chữ "Phúc" trong họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
Chữ "Cảnh" là tên Nguyễn Phúc Cảnh (con cả Nguyễn Ánh, người được Ánh đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh Tây Sơn) đọc là "kiểng", nên "cây cảnh" gọi là "cây kiểng".
Chữ "Kính" là tên Nguyễn Hữu Kính, người khai lập Sài Gòn phải đọc chệch là "kiếng" nên "tấm kính" gọi là "tấm kiếng".
Chữ "Tông" là tên Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị (cháu nội Nguyễn Ánh), phải đọc là "tôn".
Do đó một loạt sử sách chép miếu hiệu các vua như Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Trần Thái Tông, v.v... đều ghi là Lý Thánh Tôn, Lê Thánh Tôn, Trần Thái Tôn, v.v... Đến tận sau này một số sách sử thời hiện đại vẫn bị ảnh hưởng này và chép miếu hiệu các vua từ "Tông" thành "Tôn".
Các tên đường phố tại miền nam Việt Nam, mà tên gọi là miếu hiệu các vị vua, hiện nay cũng đa phần ghi Tông thành Tôn. Chẳng những thế, một dòng họ hoàng tộc, cũng vốn phải đọc là "Tông Thất", nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên phải đọc thành "Tôn Thất".
Chữ "Thì" là tên thời nhỏ Nguyễn Phúc Thì của vua Tự Đức nên đọc thành Thời.
Chữ "Nhậm" là tên chữ Nguyễn Phúc Hồng Nhậm của vua Tự Đức nên đọc thành Nhiệm.
Ngoài ra còn nhiều chữ kiêng húy nữa nhưng ít ảnh hưởng đến đời sống xã hội hơn.
Nhà sử học Lê Văn Lan.