Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Học văn để làm gì?

Phải công nhận Bộ Giáo dục & Đào tạo rất tài tình; chỉ bằng một động tác thay đổi cách tuyển sinh đại học là bộ này bắt cả xã hội phải thao thức với câu hỏi muôn đời: Học văn để làm gì?


Với ngành y tế thì câu trả lời dường như có sẵn: Dùng môn văn xét tuyển ngành y?

Lý do được người đứng đầu ngành y tế lý giải rất gọn: “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được” (Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến).

Bà Tiến nói quá chính xác và đó cũng có thể là lý do để hàng ngàn ngành nghề khác đòi hỏi người dự tuyển cần giỏi văn bởi không chỉ riêng bác sĩ, y tá cần viết đúng ngữ pháp, không sai lỗi chính tả mà hàng ngàn ngành nghề khác cũng cần.

Nói đâu xa, ngay cả Mark Zuckerberg mà có quyền ở Việt Nam, ắt anh ta sẽ yêu cầu người nào muốn tham gia cái mạng Facebook do anh điều hành phải viết sạch nước cản, diễn đạt rõ ràng, không viết lung tung như gã ngọng. Nói cho cùng anh chàng Mark này đang làm tờ báo khổng lồ trong đó mọi người dùng là kẻ viết bài liên tục cho anh ta, còn nhân viên của Facebook chỉ việc lo bán quảng cáo kiếm tiền. Viết bài cho Mark mà sai ngữ pháp, sai chính tả, ai mà chịu.

Nhưng, khoan đã! Những kỹ năng nói ở trên là kỹ năng ngôn ngữ, tức là môn tiếng Việt chứ đâu phải môn Văn?

Môn Văn nó phức tạp hơn nhiều. Ví dụ nhà văn  William Faulkner nổi tiếng (Giải Nobel Văn chương năm  1949) chuyên viết những câu văn đọc muốn bể cái đầu, dài như cọng rau muống, câu dài nhất ông này từng viết trong cuốn Absalom, Absalom! dài đến 1.288 chữ. Thế mà khi lên nhận giải Nobel ông nói như thế này về sứ mệnh nhà văn và qua đó gián tiếp nói về vai trò của văn học: “Tiếng nói của nhà thơ không chỉ để ghi lại câu chuyện con người, nó còn là cột chống, trụ đỡ để giúp con người trụ lại và vượt qua”.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đồng tình là cần dùng môn văn để tuyển bác sĩ tương lai, không phải vì chuyện chính tả mà cao sang hơn, là mong muốn người bác sĩ giỏi văn sẽ không chơi ép bệnh nhân, kê thuốc không vì chữa bệnh mà vì tỷ lệ hoa hồng. Mong muốn của họ là văn sẽ giúp hình thành nhân cách con người, kể cả lòng tự trọng, nói chung là cái người ta thường gọi là y đức.

Nhưng, hượm đã! Cái đó là chuyện đạo đức, hiện được giao cho các môn như giáo dục công dân chứ đâu phải môn văn? Còn nếu môn giáo dục công dân đi dạy các chuyện xa vời như “phủ định siêu hình”, “phủ định biện chứng”… đó là chuyện của môn này, không bàn ở đây.
Nhà phê bình Dana Stevens viết trên tờ New York Times để lý giải người ta cần văn chương làm gì. Cô viết: “Văn chương là kẻ sinh đôi thất lạc từ lâu của cuộc đời, là kẻ đóng thế xấu xa, là tấm lót mượt như nhung, là hồn ma than khóc của cuộc đời”. Ý cô muốn nói văn chương ghi lại tất cả những gì còn lại từ cuộc đối thoại của mọi nhân chứng cuộc đời, giữa những người đang còn sống và mọi kẻ quá vãng về đam mê, thương yêu, thù hận, giận dữ, nỗi buồn, niềm vui… Còn có ai dạy cho ta biết về những điều đó ngoài văn chương. 

Chính ở đây mà chúng ta mới hiểu vì sao những nhà khoa học, những nhà toán học, kể cả những bác sĩ tài ba, hầu như tất cả đều đam mê văn chương, rành rẽ về văn chương – và chính ở đây mới tồn tại niềm hy vọng những người bác sĩ tương lai, nếu từng học được lòng trắc ẩn, sự cảm thông, lòng tự trọng, sự phù du của đồng tiền mới tự miễn dịch chống lại mọi lề thói xấu xa đang bao bọc lấy anh ta. 

Điều đáng buồn, môn Văn ở nhà trường hiện nay chưa làm được ngay cả mức độ thấp là trao cho người học kỹ năng ngôn ngữ để đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ. Ở mức độ rung lên từng sợi dây cảm xúc của học trò để những cái như lòng cam đảm, đam mê, hoài bão, nói chung là mọi xúc cảm cần thiết để làm người trọn vẹn thì môn Văn đang bế tắc, đang giết lần giết mòn những rung cảm còn sót lại ở học sinh vì sự khô cứng, khuôn mẫu và gò ép. 

Vậy, phải chăng đừng hỏi “Học văn để làm gì?” – hãy hỏi “Học văn thế nào”, mới chính là câu hỏi đúng.


Nguyễn Vạn Phú/ Quê Choa 

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Ngược dòng Krông Ana ...
Đến cầu Giang Sơn
Cầu Giang Sơn, là cây cầu huyết mạch nằm trên tuyến quốc lộ 27, nối liền hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Cầu xây từ năm 1995 và được các ngành chức năng xác định là cây cầu yếu, được xây ở địa hình dốc. Mùa mưa lũ nước sông Krông Ana chảy xiết và dâng cao, khiến cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng.(Theo BMTvn.com)

Ngược dòng Krông Ana ...
Cá sấu Xiêm
Vào khoảng những năm 40, một nhóm ba người Miên sang Bạc Liêu đánh bạc với các công tử. Thua bạc trắng tay, không còn tiền về quê, nhóm người này bèn rủ ông Năm Niên lên cao nguyên… đánh cá! Sẵn máu giang hồ, ông Năm Niên gật đầu đi theo. Họ đưa ông lên cao nguyên, dẫn tới một vùng đầm lầy hoang vu không khác đồng Tháp Mười. Đấy chính là cánh đồng buôn Triết rộng hơn 1.000ha. Thuở đó, buôn Triết hoang vu không một bóng người. Nhóm người Miên được ông Năm Niên trả tiền “chỉ điểm” về quê. Một mình ông quyết ở lại vùng đất này lập nghiệp. Tên gọi Eo Đờn mang đậm chất Nam Bộ xuất phát từ ông Năm Niên. Đó là một bàu nước thông ra dòng Krông Ana. Ông Năm Niên nổi tiếng với tài nghệ bắt cá sấu còn truyền tụng cho đến bây giờ. Năm 1979, tại hồ Eo Đờn, người đàn ông Nam bộ này đã bắt được một con cá sấu nặng trên ba tạ, mình đóng đầy rêu khiến người dân địa phương khiếp vía... ( Trích đoạn "Đồng Tháp Mười trên Cao nguyên" của Nguyễn Minh Sơn )
Ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với đoạn sông Krông Ana, một trong hai chi lưu của sông Sêrêpôk dồi dào tôm cá, dào dạt chảy dưới tán rừng bốn mùa hoa lá muôn màu. Phía thượng nguồn, giữa um tùm lau lách có một đầm lầy khá rộng gọi là Bàu Sấu. Ở đó, mỗi sáng hàng trăm con cá sấu trườn lên bờ ghếch mõm tựa lên tấm lưng sần sùi của nhau phơi nắng. Bầy trẻ nghịch ngợm mấy cũng chẳng dám lại gần, chỉ len lén trèo lên ngọn cây tít xa ngó lại, chỉ thấy những tảng vảy nâu đen lổm ngổm xê dịch như đống củi mục biết bò.
Bàu Sấu bình yên chẳng bao lâu thì những công nông lâm trường mọc lên quanh vùng. Sau mỗi tiếng mìn nổ phía bàu, bao giờ cũng có những nhóm người khiêng hoặc gánh những con cá sấu nặng hàng tạ, đuôi dài thõng thượt vào xóm làng rao bán. Kèm theo đó còn có rùa, rắn, ba ba, nhiều loại đặc sản khác như cá lăng đuôi đỏ, cá trà sóc, sọc dưa, mõm trâu, loài nào thịt cũng thơm ngon, dai giòn, trắng mịn …
Ba mươi năm trôi qua, khi xã hội đã ngấm dần ý thức phải ngăn chặn các kiểu khai thác mang tính hủy diệt như ném mìn, rà điện, đánh lưới dày mắt, khai thác vào mùa sinh sản v.v…thì nhiều đoạn sông đã chẳng còn loài đặc sản nào tồn tại.
Bảo tàng Thiên nhiên VN khẳng định: cá thể cá sấu Xiêm cuối cùng trên đất Việt đã bị giết chết tại bàu Hà Lâm huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên từ cuối năm 2012. Có nghĩa là loài cá sấu Xiêm hoang dã đã bị ít nhất một cơ quan chức năng tuyên bố công khai là tuyệt chủng trên mọi vùng miền đất nước ! Ngay tại những vùng quy hoạch bảo tồn mà Chính phủ phê duyệt từ lâu dự kiến sẽ xây dựng trên Tây Nguyên như Bàu Sấu, hồ Lắk, loài cá sấu Xiêm cũng đã biến mất hẳn trước khi khu bảo tồn hội tụ đủ điều kiện để được công nhận.( Trích đoạn " Tìm đường sống cho cá quý nước ngọt" của Hoàng Thiên Nga )



Ngược dòng Krông Ana ...
Hồ Lăk
Năm 1935 Saurin, nhà địa chất Pháp nổi tiếng về những công trình nghiên cứu địa chất Tây Nguyên, đã chứng minh hồ Lăk hình thành trong một đợt phun trào núi lửa dữ dội thời tiền sử. Một dòng dung nham nóng chảy tràn xuống chắn ngang thung lũng của một nhánh sông Krong Ana (sông Cái), nước ứ lại ở vùng thượng lưu của con đập thiên nhiên ấy tạo thành hồ Lăk. Định vị trên độ cao 500m, Hồ Lăk rộng gần 600ha giống như một bầu nước lung linh, chung chiêng giữa bầu trời.
Trong sâu thẳm lịch sử của người M’nông huyện Lăk, những ngày tháng rùng rợn của đợt phun trào núi lửa vẫn còn tươi rói, lý giải sự ra đời của hồ Lăk. Đợt phun trào được mô tả như cuộc chiến khủng khiếp giữa nước và lửa trong những câu chuyện cổ M’Nông: “Lửa thè ra hàng trăm ngàn lưỡi đỏ, ào xuống sông,làm nước sông sôi lên sùng sục, cây to cháy xém, cây nhỏ thành than, núi đồi đồng ruộng khô nẻ. Cuối cùng, khi nước cạn khô phải trốn vào ống nứa, vào ống tre lồ ô, tre a lê hay chui xuống đất, thì lửa co mình vào trong các tảng đá. Để lấy lửa, người M’nông phải đập vỡ các tảng đá còn đang nóng bỏng...”.( Trích trong "Vùng đất núi lửa Tây Nguyên vẫn đang cựa quậy" của Vũ Đình Hòe)
Một làn sương hư ảo nhả xuống mặt hồ. Dãy núi vòng cánh cung rộng thênh làm hậu cảnh vĩnh cửu cho con hồ ở phía xa ấy khói sương cũng giăng phủ, kéo rê đi, chỗ đậm chỗ nhạt theo sắc trắng xám của sương. Các buôn làng M’nông lâu đời tít bên bờ bên kia của hồ bị sương “ngậm” mất, chưa thể thấy le lói ra vào lúc này. Những sợi nắng đầu ngày tinh khiết như màu mật ong đục thủng những màn mây xám ban sớm để rót le lói ánh sáng xuống con hồ mênh mông.
Một chiếc thuyền độc mộc M’nông của người tần tảo xẻ sương và ánh vàng ngọt lịm ấy hiện ra. Đó không phải là cảnh dàn dựng kỳ công của đạo diễn bậc thầy nào đó cho một bộ phim về miền hoang dã, mà là những gì bày ra thật mỗi sớm bên hồ Lak. Khi hoàng hôn về, hồ phơi ra cũng tương tự, chỉ có là sắc màu và giai điệu khác đi theo sự phối vẽ vạn vật thực chất của trời cao kia.(Trích đoạn" Xứ Lak, hồ đẹp đến hơi thở cuối cùng " của Nguyễn Hàng Tình).





Ngược dòng Krông Ana...
Cánh đồng buôn Triết
Từ ngã sáu ngược dòng Krông Ana đi vào buôn Triết trong mùa nước nổi. Hai bên bờ lau sậy, năn, lác vẫn còn hoang vu. Từng đám lục bình nở bông tím quạnh hiu trôi xuôi chầm chậm. Lũ vịt trời, gà nước, bìm bịp… nghe tiếng động cơ vụt bay hoảng hốt. Chạy ngược dòng hơn hai tiếng đồng hồ, một mái nhà đơn độc sát mép nước hiện ra. Anh Lê Đình Bảo, người ở buôn Trấp dẫn đường của chúng tôi cho ca nô chạy chầm chậm lại. Từ giữa sông anh nói vọng vào nhà: “Xanh ơi! Trưa cho xin bữa cơm nghe! Nhớ có cá rô kho tiêu!”. Nói xong rồ máy chạy đi.
Chừng nửa tiếng sau, ca nô tấp vào một cánh đồng ngập cạn có bến thuyền. Hàng trăm người dân đang gặt lúa chạy lũ. Anh Bảo hỏi “Đây là buôn Triết à?”. Một người dân xởi lởi trả lời, “Đây là cánh đồng buôn Triết nhưng không phải buôn Triết. Buôn Triết ở tận trong sâu”...(Trích trong "Đồng Tháp Mười trên cao nguyên" của Hoàng Minh Sơn)
Đây là “Cánh đồng Buôn Tría-Buôn Triết” nằm ở tả ngạn dòng sông Krông Ana, do thanh niên xung phong và đoàn viên các trường đại học, cao đẳng, cán bộ các cơ quan trong tỉnh Đắc Lắc khai hoang từ đầu năm 1978, rộng tới hơn nghìn héc-ta, có hệ thống đường và mương thủy lợi nội đồng. Sau khi khai hoang, cánh đồng Buôn Tría-Buôn Triết được giao cho Nông trường 8 tháng 4 tổ chức sản xuất. Nhưng do cung cách quản lý lỏng lẻo, ý thức của người lao động còn yếu kém, nên trong đầu tư sản xuất thì bị bớt xén; trong thu hoạch, vận chuyển bị thất thoát sản phẩm dẫn tới nông trường làm ăn thua lỗ, phải giải thể và đến năm 1984 thì cánh đồng Buôn Tría-Buôn Triết bỏ hoang cho cỏ mọc.
Cánh đồng bỏ hoang đã hơn 10 năm, nên chẳng khác nào rừng rậm, cỏ tranh ngập đầu người, những bụi tre, le đã um tùm, lợn rừng kéo về từng đàn. Mương thủy lợi bị bồi lấp, đường nội đồng hư hỏng. Vì vậy, việc trồng tỉa hơn hai chục ha lúa vụ đầu tiên (đông xuân năm 1994) các anh không chỉ tốn nhiều công sức khai khẩn lại mà còn “gặt hái” thất bại do chim trời, chuột đồng, lợn rừng và sâu bệnh phá hoại...(Trích đoạn "Vua lúa bên dòng K rông Ana" của Kiều Bình Định)
Thuộc địa bàn hai huyện Krông Ana và Lak, cánh đồng Buôn Triết đang từng ngày mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Vậy nhưng ít ai ngờ, mảnh đất này vốn hoang vu với bạt ngàn lau sậy. Không khí lao động hăng say vẫn còn in đậm trong ký ức của những người một thời đi khai hoang, mở đất cánh đồng Buôn Triết những ngày sau giải phóng. (Theo báo DakLak online)




Ngược dòng Krông Ana ...
Lục bình theo lũ
Dòng sông Krông Ana, tiếng Ê - đê có nghĩa là sông Mẹ, chảy ôm một phần huyện được gọi theo tên dòng sông. Con sông tắm mát tuổi thơ bao người, sông đưa người qua lại trên đường mưu sinh.
Mùa khô, dòng sông thu nhỏ, nước sông cạn dần trở thành nơi đùa chơi tắm mát của những mục đồng. Sông như người mẹ chăm sóc cho lũ con thơ dại. Người lớn lặn ngụp trong dòng nước dùng cái cào đan bằng tre miết vào đáy sông bắt những con hến vỏ vàng rộm ...
Ở đoạn sông sâu, nhiều lão nông thư giãn với cần câu, những con cá tươi ngon thỏa thú tiêu dao và góp chút hương vị trong bữa ăn gia đình.
Mùa mưa, nước lên cao dần. Dòng sông cuồn cuộn chảy mang về những đám lục bình nở hoa tím cả một quãng sông...(Trích đoạn "Ký Ức dòng sông" của Lê Quang Thọ)
Xã Quảng Điền thành lập vào năm 1977 là một xã với người dân gốc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được đưa lên Tây Nguyên đi vùng kinh tế mới sau 1975 sinh sống. Dòng sông chở nặng phù sa không chỉ giúp người dân nơi đây nhanh chóng ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu, mà non nước hữu tình cũng đã làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Chia tay xã Quảng Điền, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình. Ven bờ, lục bình kết thành từng bè từng mảng dập dềnh, hoa tím ngắt. Những bờ lau sậy phất phơ. Chấp chới những cánh cò trắng. Vài chiếc thuyền đang bập bềnh trên sông...(Trích trong "Huyền thoại một dòng sông" của Giang Nam)



Ngược dòng Krông Ana...
Cây lúa ma
Thuở hoang sơ, lưu vực sông Krong Ana được ví như Đồng Tháp Mười trên cao nguyên, có rất nhiều bầu, láng...nước ngập quanh năm. Người dân khai phá những nơi có thể làm ruộng được. Thường đợi lũ về nước dâng, mới chặt từng mảng cỏ cho rời ra, rồi đẩy trôi theo dòng nước. Trong đám cỏ đó có lẫn những cây lúa trời, mà nhiều người vẫn gọi là lúa ma ! Để hiểu thêm về cây lúa này, mình phải quay về miền Tây Nam Bộ...
Nhìn chúng ẻo lả theo con nước không ít người lầm tưởng chúng là cỏ hoang gây hại chứ đâu ngờ đó là hạt gạo thuần khiết ngon lành. Lúa ma thân dài khoảng 2,5m nhưng lũ lớn chúng có thể kéo lóng cho thân dài hơn 5m. Chúng có đặc điểm kỳ lạ, lũ lên nhanh lóng lúa sẽ co bóp lại cho thân dài thêm, lúc này lóng lúa lẹp kép, còn khi lũ nhỏ hay nước lên chậm lóng lúa ngắn và co lại có hình tròn. Dựa vào lóng lúa ma người ta biết nước lũ lên nhanh hay chậm. Hiện nay diện tích lúa ma còn lại rất ít, chỉ có Tràm chim Tam Nông ở tỉnh Đồng Tháp là còn nhiều lúa ma. So với các giống lúa ma vùng lũ ĐBSCL và thậm chí các cây lúa ma ở Bắc Thái Lan, Miến Điện lúa ma Tràm Chim có đặc điểm nổi trội hơn các cây lúa ma vùng khác là nước lũ cao đến đâu thân lúa cao vượt nước đến đó. Do ưu điểm này mà lúa ma được chọn làm nguồn gien quý tạo giống mới cho bà con trồng trong mùa nước nổi. (Theo Thanh Dũng trong bài "Thuần khiết lúa ma" đăng trên báo Thanh Niên)
"Lúa ma", cơm thật
“Ai ơi về miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn…”.
Cây lúa trời trong câu thơ trên còn được gọi là "lúa ma". Cho tới nay không ai biết vì sao lúa ma lại hiện lên để dân đồng ngập nước có cái ăn. Huyền ảo tới độ, cứ nước lên là lúa vượt nước ngoi lên đón ánh mặt trời. Hằng năm từ tháng 8 đến 12 âm lịch là mùa thu hoạch. Cơm lúa ma có vị béo, bùi, hơi cứng cơm, nhưng của trời cho, bạn đừng phàn nàn. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, hiện nay lúa ma vẫn được bảo tồn với diện tích gần 1.000 ha, được coi là tài sản thiên nhiên vô giá, một bằng chứng về lịch sử của một vùng đất ngập nước có thần nông.(Theo trang TTĐT Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng)
Còn gọi là lúa ma vì loại lúa này rất kỳ lạ., rất... sợ mặt trời. Lúa chín tới, nếu không có người đập thì khi mặt trời lên chúng cũng tự nhiên rụng…Thu hoạch lúa ma cũng không gặt, cắt như các loại lúa khác mà phải dùng cây để đập. Vì lúa mọc giữa đồng cỏ âm u, lại chín ngay mùa nước lên nên con người không tài nào lội vào khu vực lúa ma để thu hoạch mà phải vào đây bằng xuồng. Khi đập lúa ma người ta cũng ngồi trên xuồng. (Trích đoạn "Lúa trời" của Đinh thị Mỹ Lan)


Ngược dòng Krông Ana...


Đường vào Ea Chai
Khu vực Ea Chai là nơi đặt Trạm bơm 3 , rất quen thuộc với những ai từng công tác khai hoang cánh đồng Buôn Trấp. Nay đã thành thôn 6, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana. Đường giao thông đi lại không thể tốt hơn đường bờ ruộng, phải chịu đựng nước lũ về hằng năm...Ra ngoài xã nhờ chiếc cầu phao cũ, nguyên là cầu phao Buôn Trấp chuyển lên sau khi có dự án xây cầu mới. Học sinh đi học đi đường này vừa xa vừa khó, nên thường đi phà tắt qua gần hơn...


Ngược dòng Krông Ana

Vất vả sang sông
Khoảng một tuần trở lại đây, các bến phà qua sông Krông Ana lúc nào cũng tấp nập người, xe. Từ sáng sớm đến tối khuya, hàng đoàn xe chở lúa từ cánh đồng Krông Ana sang thị trấn Buôn Trấp nối đuôi nhau qua phà.( Phóng sự ảnh của Giang Nam đăng ngày 11/5/2014 trên ĐăkLăk online)








Ngược dòng Krông Ana

Khai hoang cánh đồng Buôn Trấp.
Buôn Trấp 27/3/1977. Đó là một ngày không thể quên được đối với 14 anh em lớp Vô Nhiễm đi “nghĩa vụ lao động” ba năm.
...
Những ngày sau đó mỗi người được cấp một dao rựa để chặt tre, cắt lá tranh làm nhà. Tre ở đây nhiều quá sức! những cây tre gai óng mỡ cao vút trời xanh. Làm lán trại bên bờ suối Ea-Chai, chỉ là chỗ ở tạm nên cuộc sống vẫn rất vất vả. Ngày tranh thủ giờ rãnh ra suối bắt cá, bắt ốc... đưa về chị nuôi nấu ăn thêm, còn đêm về lại cảnh cá hộp chim lồng chen chúc, bây giờ thêm cái khổ nữa là bọ chét, tối ngủ gãi rần rần... sáng ra đứa nào cũng nổi những cục đỏ đầy người. Sau đó vài tuần khi ra đóng quân ngay sát dòng Krông Ana, chỗ cây đa bến phà lúc mới đến, thì mọi thứ mới tạm ổn.
Từ đây cuộc sống đi vào khuôn khổ, sáng có kẻng thức dậy... ăn qua loa, vì hồi đó hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước nên buổi sáng hầu như ăn vài cái bánh mỏng tờ làm bằng bột mì Canada viện trợ, buổi trưa và tối mỗi bữa khoảng 2 chén cơm. Thức ăn cũng được tính toán dè sẻn lắm. Vai vác rựa, còn nước uống đã có chị nuôi cung cấp, mọi người nhanh chóng tập trung đi phà qua bên kia sông phát lau sậy, khai hoang cánh đồng. Nối 2 bờ sông Ana là một dây cáp lớn, dùng làm điểm tựa cho phà di chuyển qua lại 2 bên. Vì đông tới vài trăm người, họ phân chia thành 2 đại đội, đến trung, tiểu đội như quân sự vậy. Thanh niên thị xã BMT lập thành C2, còn C1 là thanh niên địa phương, đa số là người Đà Nẵng cùng với gia đình vào kinh tế mới buôn Trấp, nên sáng trưa và chiều phà phải di chuyển nhiều chuyến.
...
Vào một đêm trăng vắng lặng, trời đã khuya lắm! bỗng có tiếng hò văng vẳng từ ngoài sông. Mình len lén chạy ra bờ sông và thấy một hình ảnh đẹp quá sức: chiếc xuồng nhỏ ẩn hiện trong sương mù, nơi có tiếng hò nhặt khoan êm ái. Cần gì phải ra sông Hương để nghe tiếng hò Huế. Ở đây trong khung cảnh thâm trầm hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, trong bầu khí tĩnh mịch có gió man mác... với ánh trăng khuya mờ ảo, được thưởng thức tiếng hò ru thật không gì hạnh phúc hơn, có lẽ cả đời mới có một lần. Tiếng mái chèo khua nhịp lách bách như giúp cho giọng hò thêm lung linh huyền ảo. Khi tiếng hò à ơi của chị lái đò xa dần... xa dần mình thẫn thờ bâng khuâng nhìn theo, tiếc nuối...Mình nhớ đến buôn Trấp à ơi là như thế đó.
(Trích trong Hồi Ký:BUÔN TRẤP NGÀY ẤY của Gia đình Lê Bảo Tịnh)

Ngược dòng Krông Ana

Ngã sáu Buôn Trấp
Nơi đây chính là hợp lưu của hai dòng sông Krông Ana (sông Cái) và Krông Knô (sông Đực). Đúng theo bình thường phải là ngã ba. Nhưng trước khi âm dương hòa hợp, vợ chồng gặp nhau...để nên một dòng Sêrêpôk hùng vĩ. Thiên nhiên đã tạo nên một vùng đầm lầy mênh mông không khác chi sông nước miền tây Nam bộ. Ai đến đây lần đầu vào mùa nước lũ, đều ngạc nhiên kỳ thú đến không tin được, có một vùng lau lách bạt ngàn trên cao nguyên (sau cải tạo thành cánh đồng Buôn Trấp). Khi mùa lũ qua đi, hai dòng sông đã cắt bãi bồi thêm ra những doi đất, đếm được sáu cửa dòng nước chảy...