Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

NHỮNG CÂU HỎI NHỨC NHỐI

                                                    (Bài đăng trên báo tuổi trẻ)

Giáo sư - nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai vừa mới ra đi. Ông là một trong những giáo sư cuối cùng của thế hệ “trí thức vàng” đã về cõi vĩnh hằng. Thế hệ trí thức ấy trưởng thành trong Cách mạng Tháng Tám, họ được đào tạo trước năm 1945 và đảm đương trọng trách từ năm 1945, khi còn đang ở lứa tuổi 20.
Sau đó họ mau chóng trở thành những cây đại thụ trong nghề, làm rạng danh nền học thuật nước ta và đào tạo được nhiều học trò thành đạt. Đó là những giáo sư: Lê Trí Viễn, Đinh Gia Khánh, Trần Đình Hượu, Bùi Văn Nguyên, Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai... Chúng ta có thể kể ra đây một danh sách dài hơn nữa, đấy là chưa kể đến những “cây đại thụ” của Viện đại học Sài Gòn, Viện đại học Huế trước năm 1975.
Các giáo sư ấy đã lần lượt ra đi. Sự ra đi của các thầy để lại một khoảng trống lớn khó lấp đầy được. Nghề dạy văn ở các thầy sao mà mênh mông, sâu thẳm, sao mà thú vị và sang trọng thế! Trong khi đó chúng ta đang đối diện với những vấn nạn: học sinh sợ văn, học sinh chán văn. Tại sao đến nông nỗi ấy? Phải chăng cách đào tạo, cách học, cách thi cử của chúng ta quá khác các thầy?
Môn văn của các thầy là niềm say mê, còn chúng ta là gánh nặng và phương tiện? Môn văn của các thầy là khám phá những tri thức mới mẻ, còn chúng ta thì nhai lại và học thuộc lòng văn mẫu? Môn văn của các thầy là học làm người và truyền cảm hứng cho người khác, còn chúng ta thì học để thi? Các thầy chấm thi là để tìm tài năng, tìm tấm lòng, còn chúng ta thì đếm ý theo một đáp án khuôn mẫu cốt lấy điểm cao mà không cần sáng tạo? Thế thì làm sao học trò chẳng chán môn văn và quay lưng lại với chúng ta?
Nhưng chẳng lẽ tôi đang tâm quy kết trách nhiệm đối với hàng chục, hàng trăm ngàn giáo viên hằng ngày vừa phải khản cổ dạy học trò, vừa mệt nhoài vì bệnh thành tích mà phải nhận đồng lương không đủ sống sao? Tất nhiên là không! Thế thì trách nhiệm ở đâu? Tôi cho rằng trách nhiệm ở nền giáo dục của chúng ta. Nền giáo dục của chúng ta đang vận hành với nhiều căn bệnh trầm kha: bệnh thành tích, bệnh giả dối, bệnh phản khoa học, bệnh lười thay đổi...Chúng ta đang trả giá cho một chính sách ngợi ca ngành giáo dục về ngôn từ còn bạc đãi về chính sách (giáo viên là “kỹ sư tâm hồn” nhưng thực chất thì “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”). Chúng ta đang phát triển một nền giáo dục đại học giá rẻ mà không có chính sách ưu đãi thỏa đáng, khiến cho các trường phải chạy đôn chạy đáo “quảng canh” hạ thấp chất lượng. Về môn văn thì nó đã được vận hành, càng ngày càng xa mục đích của bản thân nó. Những thầy cô nào làm cho học trò yêu thích môn văn có khi lại bị tẩy chay vì dạy không theo văn mẫu!
Nghĩ đến các thầy, chúng ta càng băn khoăn: Nền giáo dục nào đã tạo ra các thầy? Không gian văn hóa nào đã truyền cảm hứng cho các thầy tận tâm với nghề và với học trò như thế?
Thế hệ các thầy là thế hệ vàng của trí thức Việt Nam. Sao thời của các thầy sinh ra nhiều người tài thế? Sao thời của các thầy nhiều người tài được trọng dụng thế? Sao thời của các thầy nhân tài trẻ như thế? Văn Cao (1923-1995) viết Tiến quân ca năm 22 tuổi, Lưu Hữu Phước (1921-1989) viết Tiếng gọi thanh niên năm 21 tuổi, Nguyễn Đình Thi (1924-2003) làm tổng thư ký Hội Văn nghệ cứu quốc năm 23 tuổi, Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) làm bộ trưởng giáo dục lúc 38 tuổi, Cù Huy Cận làm bộ trưởng canh nông lúc 26 tuổi, Võ Nguyên Giáp làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng lúc 34 tuổi... Thế mà làm đâu ra đó, đem lại niềm tự hào cho quốc dân và giúp cho đất nước vẻ vang khắp thế giới năm châu! Chúng ta không bi quan, vì nước ta “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có” như Nguyễn Trãi đã đúc kết, nhưng làm thế nào để cho một thế hệ vàng mới của trí thức Việt Nam như thời của thầy Mai lại xuất hiện để chấn hưng nền giáo dục nước ta, làm vẻ vang đất nước ta?
Đó là những câu hỏi gây nhức nhối, đã bật ra khi chứng kiến từng người thầy của thế hệ trí thức vàng Việt Nam lần lượt ra đi...
ĐOÀN LÊ GIANG



Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Lời cảnh tỉnh cần thiết

Lời cảnh tỉnh cần thiết

TT - Cách đây hai năm, tôi đến một vùng quê ở Kiên Giang và nghe câu chuyện: ở vùng biển thanh bình này có một dạo rộ lên chuyện trộm ghe, kẻ trộm còn tán tận cắt đứt lưới để dễ bề trộm cá.
Nhiều ngư dân vốn liếng đi biển cả năm bỗng thành mây khói. Các chủ ghe bàn nhau canh gác.
Cho đến một ngày, khi hai bóng đen đang cắt các mắt lưới để lấy cá thì thuyền của ngư dân ập đến. Hai người vội nhảy xuống biển trốn, nhưng do quá hấp tấp một người đã mắc vào lưới và bị chân vịt cắt chết. Người kia bị bắt tại chỗ. Ngư dân đưa anh ta lên đảo, dùng đá dần nát đôi tay rồi mới đem nộp cho biên phòng. Lý lẽ của người dân: nộp kẻ trộm cho biên phòng thì cùng lắm hắn đóng phạt rồi về, trong khi lưới cá của mình cả trăm triệu ai đền. Đánh vậy cho hết đường ăn trộm!
Ăn trộm tất nhiên phải bị xử lý. Tuy nhiên đã có phán quyết nào xác nhận tên trộm bị dần nát đôi tay là thủ phạm của bao nhiêu vụ mất cá và cắt lưới để từ đó có mức xử phạt hợp lý? Không có cơ hội cho anh ta thanh minh. Vắng bóng pháp luật, con người ta không có cơ hội bào chữa, xã hội thiếu vắng tính nhân văn cho con người ngã phục thiện. Câu chuyện về tên trộm ở vùng biển Kiên Giang nghe hao hao những kẻ trộm chó bị đánh chết. Câu chuyện cho thấy sự bất lực của luật pháp khi khởi tạo niềm tin cho người dân và cả sự bất lực trong thi hành chức trách của mình!
Trong xã hội, khi có mâu thuẫn mà đại diện Nhà nước không thể xử lý thì người dân sẽ tự tìm cách giải quyết mâu thuẫn đó. Những hành vi bạo lực tự phát để giải quyết các mâu thuẫn như thuê giang hồ thanh toán nhau hay tự mình dùng vũ khí sát thương người khác thường bắt nguồn từ việc cá nhân không còn lòng tin vào pháp luật hoặc bản thân kẻ đó vượt quá ranh giới quyền của một công dân, tự cho mình quyền định đoạt số phận của kẻ khác. Đây không phải là chuyện cá biệt ở một nhóm dân mà đã ăn sâu vào ý thức “có vay có trả” của nhiều người dân. Đây cũng chính là diễn tiến của “tình trạng tự xử trong dân” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại.
Đằng sau nỗi lo về tình hình tội phạm gia tăng do người dân tự dùng sức mạnh để giải quyết mâu thuẫn là nỗi lo về vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội. Sức mạnh của Nhà nước không đến từ sự độc tài hay chuyên chế (vì có chế độ độc tài nào tồn tại được lâu trước lòng dân), mà đến từ sự ủy nhiệm của người dân với bộ máy quản lý nhà nước. Nhà nước đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, người dân sẽ nghĩ đến pháp luật khi cần giải quyết các mâu thuẫn. Đó là khế ước tập thể của xã hội, mà Nhà nước chỉ làm chức năng đại diện để thực thi khế ước đó.
Với cách hiểu như trên, ta thấy chính việc xử lý không nghiêm của bộ máy nhà nước đã dẫn đến tâm lý muốn tự xử của người dân. Trước tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, âu cũng là một tín hiệu đáng mừng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 17-9-2013 đã tỏ ra lo ngại trước tình trạng manh động tự xử trong xã hội. Hi vọng nhận định này sẽ cảnh tỉnh cách hành động của các cơ quan công quyền khi sử dụng sức mạnh nhà nước để xã hội thật sự thượng tôn pháp luật, công dân thật sự “tâm phục khẩu phục” chấp nhận sống và làm việc theo pháp luật.

LAN HƯƠNG

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

NHỚ HAY QUÊN

  NHỚ  HAY  QUÊN




Ta nhớ hay ta quên
mái tóc dài vương vấn
Ta nhớ hay ta quên
ánh mắt sầu tình nhân

Năm nay ta bao nhiêu
để buồn phiền lấp kín
Ô hay bao tin yêu
chôn dấu cả đời tôi

Người ơi có nói hay
trong lòng cơn giông bão
Tình ta có đắm say
hồn này sao ngất ngây

Mắt sầu lên ánh trăng
Tóc buồn như suối băng
Dặm nát chốn thiên đường
Thì xin đừng yêu thương

Người hay là thê lương
Tình hay trời mưa gió
Mình hay lòng không có 
Nhung nhớ hay đau thương

Ta nhớ ... hay ta quên...


Phạm đình đạt.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

ÁM ẢNH

 Đăng lại từ Blog cũ...

          ÁM   ẢNH



 
Tôi thầm bảo lòng mình : đừng nhắc nữa
Thôi không buồn, không xa vắng, lặng bình yên
Quên đợi chờ, quên mong nhớ, nhẹ an nhiên

Nhưng sao hoài luyến tiếc...
Tà áo em ngày nào xanh một màu da diết
Hồn tôi lỡ tan vào tà mây biếc...

Như nói với em :  bản nhạc xưa ừ thôi đã chết
Chẳng còn em của những ngày hồng...

Không

Tôi vẫn mang em một thời thơ dại
...theo cuộc đời, theo những đổi thay
Mãi mãi  em còn trong tiềm thức
...trong cung đàn và khói thuốc bay

Tôi đã say em...bao ước mơ bừng dậy
Tôi đã yêu...
Như cánh diều mơ bầu trời mùa hạ
Như giọt mưa chờ rơi trên tượng đá

Tôi muốn làm mặt lạ...
...để làm gì hỏi lòng sao trống rỗng hoang mang
...để đón nhận nổi buồn xâm chiếm dịu dàng

Em là em
Em cũng không là em

Cớ sao hoài ám ảnh...


Phạm đình đạt.





Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU ĐỜI

NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU ĐỜI (Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoàng Khanh)


Nguyễn Hoàng Khanh
 
Dân miền Nam nói chung và dân Biên Hòa nói riêng, những ai bây giờ chừng 50 tuổi trở lên, chắc hẳn còn nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc tiểu học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt. Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do  các thầy cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách. Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là  vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có. Học trò, không phân biệt giàu nghèo, khi đến lớp chỉ được dùng một thứ bút duy nhất, là bút ngòi lá tre. Gọi là lá tre bởi vì bút có cái ngòi có thể tháo rời ra được, giống hình lá tre nho nhỏ, khi viết thì chấm vào bình mực. Bình mực, thường là mực tím, có một cái khoen nơi nắp để móc vào ngón tay  cho tiện. Thân bình bên trong gắn liền với một ống nhựa hình phểu dưới nhỏ trên to để mực khỏi sánh ra theo nhịp bước của học trò, vốn hay chạy nhảy tinh nghịch. Khi vào lớp thì học trò đặt  bình mực vào một cái lổ  tròn vừa vặn khoét sãn trên bàn học cho khỏi ngã đổ. Bút bi thời đó đã có, gọi là bút nguyên tử, là thứ đầy ma lực hấp dẩn đối với học trò ngày ấy, nhưng bị triệt để cấm dùng. Các thầy cô quan niệm rằng rèn chữ là rèn người, nên nếu cho phép học trò lớp nhỏ sử dụng bút bi sớm, thì sợ khi lớn lên, chúng sẽ dễ sinh ra lười biếng và cẩu thả trong tính cách chăng. Các loại bút máy bơm mực như Parker, Pilot cũng bị cấm, vì loại bút này khá đắt tiền, chỉ con em nhà khá giả mới mua được. Thầy cô không cho phép dùng các loại bút này vì sợ học trò nghèo không có tiền mua nổi sẽ tủi thân, tội nghiệp, còn con nhà giàu sẽ đâm ra hợm hĩnh, không tốt.
Mỗi lớp học chỉ có một thầy hoặc một cô duy nhất phụ trách tất cả các môn. Thầy thường gọi trò bằng con, và trò cũng xưng con chứ không xưng em với thầy. Về việc dạy dỗ, mỗi thầy có một kiểu dạy riêng chẳng ai giống ai, nhưng mục tiêu kiến thức sau khi học xong các cấp lớp phải bảo đảm như nhau. Thí dụ như học xong lớp Năm thì phải nắm hết hai mươi bốn chữ cái, biết ghép vần, đọc và viết những đoạn văn đơn giản, nắm vững hai phép toán cộng, trừ; lớp Tư thì bắt đầu tập làm văn, thuộc bảng cửu chương để làm các bài toán nhân, chia… Sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải thống nhất, nên không có lớp học giống lớp nào về nội dung cụ thể từng bài giảng. Cứ mỗi năm lại có các ban tu thư, có thể là do các nhóm tư nhân tổ chức, soạn ra những sách giáo khoa trên giấy mới trắng tinh, thơm nức, rồi đem phân phối khắp các nhà sách lớn nhỏ từ thành thị cho chí nông thôn. Như ở Biên Hòa chẳng hạn, cứ mỗi đầu năm học, cứ đến nhà sách Hùynh Hiệp ở gần chợ, sách gì cũng có. Các thầy cô được trọn quyền lựa chọn các sách giáo khoa ấy để làm tài liệu giảng dạy, miễn sao hợp với nội dung chung của Bộ Quốc Gia Giáo Dục là được. Tuyệt nhiên không thấy có chuyện dạy thêm, học thêm ở bậc học này nên khi mùa hè đến, học trò cứ vui chơi thoải mái suốt cả mấy tháng dài, đúng như một bài học thuộc lòng của tác giả Xuân Tâm trong sách giáo khoa hồi đó có nói:
Nghỉ Hè
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi, chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
 
Nói đến các bài học thuộc lòng, có nhiều bài ngồi chiêm nghiệm lại, thấy quả là rất tuyệt. Đó là những bài thơ, những bài văn vần dễ nhớ nhưng rất sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu thương loài vật, tình cảm bạn bè, tình nhân loại, đặc biệt là lòng tự tôn dân tộc Việt. Tôi còn nhớ rõ trong sách Tân Việt Văn lớp Năm có bài học thuộc lòng thật hay về bóng đá mà hồi đó gọi bằng một từ rất hoa mỹ, là túc cầu:
 
TRẬN CẦU QUỐC TẾ
Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân
Tiếng hoan hô vang dội khắp xa gần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng  ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và...đội nhà đã thắng
Ta tuy bé nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội...
 
Bài học thuộc lòng này, về sau tôi được biết, lấy cảm hứng từ chiếc cúp vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ của Việt Nam tại Đông Á Vận Hội  trên sân Merdeka của Malaysia cách đây gần sáu mươi năm, với những tên tuổi vang bóng một thời như Tam Lang, Ngôn, Cù Sinh, Vinh “đầu sói”, Cù Hè, Rạng “tay nhựa”… Tuy không biết chơi bóng đá, nhưng thằng bé là tôi lúc đó rất thích bài học thuộc lòng này nên tự nhiên…thuộc lòng luôn. Càng đọc càng thấm thía. Đây đâu phải là bài thơ chỉ nói về bóng đá mà thôi. Nó là bài học đoàn kết của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng gan lỳ, bất khuất khiến cho cả thế giới phải ngước nhìn bằng đôi mắt khâm phục. Lạ lùng chưa, chỉ một bài thơ ngắn nói về một thứ trò chơi thôi, mà lại chứa đựng biết bao nhiêu điều vĩ đại mà những lời đao to búa lớn ồn ào chắc chi đã làm được.
Nói về môn Lịch sử, hồi đó gọi là Quốc sử, đã có sẵn một bài học thuộc lòng khác:
GIỜ QUỐC SỬ
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc sử.
 
Thầy tôi bảo: "Các con nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thủa trước của giang san, 
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
 
Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này mong nối  chí tiền nhân.
Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân tộc Việt vẫn  là dân hùng kiệt.
 
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam .
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, vinh quang và máu thắm”
 
Hình ảnh ông thầy dạy Sử trong bài học thuộc lòng hiện lên, nghiêm nghị nhưng lại thân thương quá chừng, và bài Sử của thầy, tuy không nói về một trận đánh, một chiến công hay một sự kiện quá khứ hào hùng nào, nhưng lại có sức lay động mãnh liệt với đám học trò chúng tôi ngày ấy, đến nỗi mấy chục năm sau chúng tôi vẫn nhớ như in.
Lại có bài song thất lục bát về ông thầy dạy Địa lý, hình như của tác giả Chiêu Đăng, có tựa đề là “Tập vẽ bản đồ”, phía lề trái còn in cả hình vẽ minh họa của Quần đảo Trường Sa và Hoàng sa:

Hôm qua tập vẽ bản đồ,
Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng.
Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm,
Từ 
Nam Quan cho đến Cà Mau.
Từng nơi, thầy thuộc làu làu,
Đây sen Đồng Tháp, đây cầu Hiền Lương.
Biển Đông Hải, trùng dương xanh thẳm,
Núi cheo leo thầy chấm màu nâu.
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng...
Rồi với giọng trầm hùng, thầy giảng:
“ Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng, phế hưng,
Đem giòng máu thắm, bón từng gốc cây.
Làn không khí giờ đây ta thở,
Đường ta đi, nhà ở nơi này,
Tổ tiên từng chịu đắng cay,
Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta.
Là con cháu muôn nhà gìn giữ,
Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau.
Tóc thầy hai thứ từ lâu,
Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông !
Nay chỉ biết ra công dạy dỗ,
Đàn trẻ thơ mong ở ngày mai.
Bao nhiêu hy vọng lâu dài,
Dồn vào tất cả trí tài các con ...”
 
Giờ đây, mấy chục năm đã trôi qua, tóc trên đầu tôi cũng bắt đầu hai thứ như ông thầy già dạy Địa trong bài học thuộc lòng ngày ấy, nhưng có một điều mà tôi cứ làm tôi suy ngẫm mãi. Ông thầy đang dạy Địa, hay ông thầy đang âm thầm truyền thụ lòng yêu nước, lòng  tự tôn dân tộc cho đàn trẻ thơ qua mấy nét vẽ bản đồ? Lời của thầy thật là nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng thật là tha thiết, chạm vào được chỗ thiêng liêng nhất trong tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ vào những ngày đầu tiên cắp sách đến trường, nơi chúng được dạy rằng ngoài ngôi nhà nhỏ bé của mình với ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt, chúng còn có một ngôi nhà nữa, rộng lớn hơn nhiều, nguy nga tráng lệ, thiêng liêng vĩ đại hơn nhiều, một ngôi nhà mà chúng phải thương yêu và có bổn phận phải vun đắp: Tổ quốc Việt Nam.