Ban mê... ngày ấy !!
(Đăng lại bài viết của Trâm Anh có phần 1,2,3,4... nay thêm Phần 5 và 6)
LẠI NHỚ VỀ THÁNG BA
*Nguyễn Vũ Trâm Anh
-Thân tặng các bạn học cũ đã sống tại Ban Mê Thuột trong những ngày lửa đạn.
- Và để tưởng nhớ những người bạn học đã mất trong chiến tranh.
PHẦN 1:
Vào năm con trai tôi học lớp Năm, cô giáo cho cả lớp bài thuyết trình về đất nước. Mỗi học sinh tự bốc thăm để chọn một quốc gia trên thế giới cho bài thuyết trình của mình. Mọi chi tiết về quốc gia đó, học sinh được phép tra cứu tài liệu liên quan trên mạng hoặc tham khảo sách tại thư viện.
Cô giáo yêu cầu phải nêu rõ: Diện tích, dân số, lá cờ, tôn giáo, chữ viết, tiền tệ, phong tục, giải trí, thể thao, nông nghiệp, công nghiệp…. Con trai tôi thật may mắn bốc thăm về đề tài nước Việt Nam cho bài thuyết trình với thời hạn nộp bài trong vòng một tháng.
Những ngày kế tiếp, tôi vẫn theo dõi con làm bài để giúp khi cần. Sau khi hoàn tất, con trai đã đưa cho tôi xem lại toàn bộ bài thuyết trình và hỏi tôi:
“Mẹ ơi! Tại sao nước Việt Nam lại có hai lá cờ?”
Con trai tôi hãy còn nhỏ chưa đủ để hiểu mọi chuyện nên tôi chỉ giải thích ngắn gọn với con rằng:
“Con ơi! Nước Việt Nam có một cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo dài trong 30 năm đã đưa đến sự phân chia hai miền Nam Bắc tại vĩ tuyến 17. Hệ quả chính trị là hai lá cờ khác nhau tiêu biểu cho mỗi miền Nam và Bắc.”
Câu hỏi của con trai như nhắc tôi nhớ đến một giai đoạn khó quên và đó lại là một câu chuyện cuối tuần tôi đã kể cho các con nghe...
Thị xã Ban Mê Thuột, tháng Ba năm 1975…
Thông thường cứ mỗi chiều Chủ nhật, Bố Mẹ và các chị em tôi tụ họp tại căn nhà đối diện với bưu điện thị xã. Căn nhà đó là của ông chủ người Pháp tên là Del Fante. Ông ta đã lập ra đồn điền CHPI ở cây số Ba và mời Bố đến khám bệnh cho các nhân viên làm việc tại đây mỗi tháng một lần. Vì thế ông ta cho mượn căn nhà đó để mở phòng mạch.
Căn nhà làm bằng gỗ nâu bóng có hai tầng: Tầng dưới mở phòng mạch, tầng trên có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và phòng tắm cho gia đình. Chị lớn nhất và hai em của tôi ở chung với Bà ngoại tại phòng mạch, còn lại 5 chị em tôi thì ở với Bố Mẹ tại căn nhà trong khu cư xá sĩ quan Độc Lập.
Khu cư xá gồm nhiều căn nhà gạch, xây theo kiểu cứ hai căn chung nhau một bức tường nhưng mỗi nhà có cổng riêng. Khu này nằm ở phía sau nhà thờ Quân đội và trường Trung học tư thục Hưng Đức và gần một chi nhánh của Quân Y Viện và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh. Căn nhà mà Bố được cấp thì nằm ngay sau lưng của nhà thờ Quân đội, cách nhau bởi một khu đất nhỏ trồng rau lang có hàng rào kẽm gai khá cao bao bọc xung quanh. Còn mặt trước của nhà thờ nằm trên Đại lộ Thống Nhất.
Chiều Chủ nhật mùng 9 tháng 3 năm 1975, Bà ngoại gói bánh dợm (loại bánh làm bằng bột nếp giữa có đậu xanh trộn chung với hành phi và thịt mỡ thái hạt lựu và gói theo kiểu bánh ú mà người Nam gọi là bánh ít). Gói xong, Bà ngoại xếp bánh vào chõ để hấp, mấy chị em tôi quây quần bên bếp lửa chờ bánh chín.
Qua nét mặt của người lớn, nhất là sau khi Bà ngoại ra phố trở về buổi trưa hôm đó, tôi có cảm tưởng như bên ngoài không khí chiến tranh trở nên ngột ngạt lắm thì phải. Bà ngoại và Bố Mẹ tôi ngồi gần đó đang nói chuyện về tình hình chiến sự. Bố quyết định sáng ngày hôm sau sẽ mua vé máy bay cho Bà ngoại, Mẹ và tám chị em tôi về Sài Gòn trước.
Với cương vị người Chỉ huy trưởng Quân Y Viện Ban Mê Thuột trong 7 năm qua, Bố không thể nào rời hàng ngũ khi danh dự trách nhiệm của người sĩ quan là trên hết. Hơn nữa với lương tâm của người thầy thuốc, Bố không thể bỏ các thương bệnh binh đang cần điều trị tại Quân Y Viện được. Cả tháng nay, số thương bệnh binh gia tăng, phần lớn được tải thương về từ các mặt trận ở Quảng Đức, Đức Lập, Phước An, Buôn Hô…
Sau khi bánh chín, Bố Mẹ và năm chị em tôi đem bánh dợm về lại nhà ở khu cư xá. Việc đầu tiên về đến nhà là Mẹ bắt các chị em bỏ vào túi tay nải: một cái chăn dù (Bố đã mua và đặt thêu tên của từng chị em chúng tôi ở đầu góc chăn), mấy lon đồ hộp của quân tiếp vụ và vài bộ quần áo. (Mỗi tháng tất cả các quân nhân đều được nhận thêm lương thực quân tiếp vụ là một phần phụ trội gồm những đồ hộp như: cocktail, súp, thịt bò hầm, bánh ngọt, …). Tay nải do Mẹ đã may cho các chị em tôi trước tết Mậu Thân 1968. Trong khi đó, Mẹ lo sắp xếp giấy tờ cần thiết, giấy khai sinh của cả nhà và mấy bộ quần áo của Bố Mẹ vào hai va li nhỏ.
Lệnh cấm trại 100% ban hành trên toàn thị xã nên Bố quay vào chi nhánh của Quân Y Viện gần nhà ngay tối Chủ nhật (9/3/1975).
PHẦN 2:
Xin được giải thích ở đây là cuối năm 1967 khi Bố nhận chức Chỉ huy trưởng với cấp bậc Đại úy thực thụ, Quân Y Viện chính nằm gần Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, và một chi nhánh thì nằm gần kho đạn Mai Hắc Đế. Sau này chi nhánh không đủ chỗ, và khu đó họ đòi lại nên Quân Y Viện chính được dời xuống đường Hùng Vương nằm cùng con đường dẫn đến trường Trung học Tổng Hợp Ban Mê Thuột. Và Quân Y Viện nằm gần Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 lại trở thành chi nhánh mà thôi. Để dễ nhớ, chị em tôi quen gọi là Quân Y Viện cũ và mới.
Ngày 19/6/1968, có nghĩa là sau tết Mậu Thân, Bố đã được thăng cấp Thiếu tá.
Năm 1970, Bố được thăng cấp Trung tá. Những trách nhiệm đè trên vai Bố nhiều hơn khiến thời gian dành cho con cái cũng ít hơn so với trước. Tuy vậy, Bố vẫn để dành nửa tiếng hoặc một tiếng đồng hồ buổi tối mỗi ngày để dạy chị em tôi học.
Đã nhiều lần Bố phải đem phim X-Ray về nhà, thức khuya đọc phim và ghi chú sẵn cho ngày hôm sau chuyển lại cho các bác sĩ trong các khoa nội, ngoại thương. Những ngày như thế, qua lời Mẹ kể thì tôi cũng biết thương bệnh binh được chuyển về rất nhiều.
Khi dọn về khu cư xá sau Tết 1968, Bố cho làm hầm chìm có hai cửa: một cửa thông ra vườn sau, và một cửa trổ ngay phía gần nhà bếp. Mấy năm sau sợ rắn rít bò vào nhà và hầm cũng ẩm thấp quá nên Bố lại cho người lấp đi và làm hầm nổi gồm những bao cát chất xung quanh và trên nắp hầm. Vài năm sau đó thì Bố lại bỏ hầm nổi luôn.
Khuya hôm đó, tiếng pháo kích bắt đầu ầm ầm, lúc đầu còn ít càng lúc càng nhiều hơn. Mẹ vội đánh thức các chị em tôi dậy và chui xuống gầm giường cùng với tay nải. Chị em tôi ngủ vật vờ ở gầm giường cho đến rạng sáng thứ Hai, ngày 10 tháng 3, thì Bố từ Quân Y Viện trở về nhà cho biết tình hình nguy ngập lắm rồi và có nhiều khả năng khu này sẽ bị pháo kích nặng nề vì ở quá gần Sư đoàn 23 Bộ binh. Sau này tôi mới hiểu khi tấn công vào nước nào thì đối phương thường tìm cách hủy diệt những mục tiêu chính mà trước nhất là các kho đạn và các bộ tư lệnh chỉ huy tác chiến.
Bố mặc nguyên trang phục quân đội: Bộ quần áo nhà binh, đầu đội nón sắt, băng đạn đeo vòng quanh thắt lưng cùng với khẩu súng lục. Lần đầu tiên tôi mới được ngắm Bố mình thật oai phong. Mấy chị em tôi líu ríu theo Bố Mẹ lên chiếc xe Jeep do chú tài xế Y Đúc chở đến nhà bác Nghĩa là chủ tiệm thuốc tây Khỏe, nhà bác nằm trên đường Hùng Vương và có hầm chìm). Lúc xe băng ngang qua đường tắt phía sau dinh Tỉnh trưởng thì một đường đạn đi xẹt ngang sát phía trước kính xe. Cả Bố Mẹ và chú tài xế giật thót tim vì chỉ tích tắc thì đạn đã làm người nào trong xe bị thương rồi. Ngồi im thin thít vì quá sợ hãi nhưng khi nghe Mẹ nhắc, chị em tôi vội niệm Phật. Thói quen đọc kinh Phật đã được Mẹ dạy từ khi chị em tôi còn nhỏ tại căn nhà ở đường Hàm Nghi.
PHẦN 3:
Trên đường đi, xe Jeep ghé ngang phòng mạch của Bố để đón Bà ngoại cùng với chị và 2 người em tôi. Cổng nhà thì mở nhưng cửa nhà đã khóa trái. Cả Bố Mẹ đều thốt lên: “Có thể Bà ngoại đã dẫn các cháu chạy ra phố rồi vì Tiểu khu ở ngay sát cạnh”. Thời gian cấp bách quá nên Bố Mẹ không thể đi tìm Bà ngoại trong lúc này.
Đến nhà bác Nghĩa, chỉ có Mẹ và chị em tôi vào còn Bố xuống Quân Y Viện Tăng Cường. Bác trai ngồi ngay tại cửa hầm. Trong căn hầm tối om chỉ có một ngọn nến leo lét, có gia đình bác sĩ M.(đồng nghiệp và là hàng xóm của Bố Mẹ tôi) và cô Phiên (chồng cô là Trung úy cũng làm trong Quân Y Viện) cũng vừa mới đến. Bác sĩ M. đã kịp thay băng cho bác trai, tôi được biết bác ấy vừa mới mổ ruột thừa cách đây hai ngày nên đi đứng còn đau lắm.
Tiếng pháo kích vẫn dội đến từ xa xen kẽ với những tràng liên thanh ở gần nghe rát tai. Thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng lao xao của những người hàng xóm chung quanh đó. Đột nhiên có nhiều tiếng chân rầm rập đi trên nắp hầm, bác Nghĩa vội vàng thổi tắt nến, mọi người trong hầm im phăng phắc và dõi mắt nhìn ra cửa hầm. Giây phút lo sợ đã trôi qua khi chúng tôi nghe được tiếng chân mỗi lúc một xa dần. Một người chui ra khỏi hầm thăm dò và cho biết đó là lính quốc gia.
Trời bắt đầu ngả về chiều, tiếng pháo kích và tiếng súng giảm bớt. Lắng nghe êm êm, vợ bác Nghĩa và chị giúp việc ra khỏi hầm vào bếp nấu cơm. Cơm chín, bác mang cả nồi cơm xuống hầm, xới mỗi người một bát cơm nhỏ chan nước mắm. Đây là lần đầu Mẹ và chị em tôi ăn cơm với nước mắm. Gần 15 con người trong tâm trạng lo sợ, ăn cho có ăn, không thấy ngon miệng và chẳng còn biết đói là gì. Mẹ có ý đợi nhưng không thấy Bố quay trở lại nhà bác Nghĩa nữa.
Ngồi dưới hầm mà tôi chỉ cầu mong cho mau được trở về nhà vì bài luận trong giờ Việt văn của cô Bê phải nộp vào sáng thứ Tư mà tôi vẫn chưa viết xong phần kết luận. Thời gian ngồi dưới hầm chỉ mới vài tiếng mà sao tôi cứ ngỡ như là mấy ngày rồi. Nỗi lo sợ đã át hẳn khái niệm thời gian. Lúc này tôi mới thấy nhớ nhà quá đỗi. Tôi có một cái chăn màu xám của Bà ngoại may cho từ bé và không rời nó khi đi ngủ. Hôm chạy loạn quên mang cái chăn đi, bây giờ tôi cứ mong về lại nhà việc đầu tiên là gối đầu lên cái chăn xám và ngủ một giấc bình yên trên giường.
Màn đêm ập xuống, tiếng súng dứt hẳn, mệt mỏi và sợ hãi khiến mọi người trong hầm thiếp dần vào giấc ngủ với tư thế ngồi. Một đêm dài vô tận.
PHẦN 4:
Hừng sáng ngày 11 tháng 3, tiếng súng rộ lên đã đánh thức mọi người ở trong hầm. Đợi cho sáng hẳn, đoán chừng êm tiếng súng, vợ bác Nghĩa lên khỏi hầm và cho biết những nhà hàng xóm đã chạy đi hết rồi. Mẹ và cô Phiên quyết định dắt năm chị em chạy về hướng Quân Y Viện chính để tìm Bố tôi. Cô Phiên cũng đi để tìm chồng.
Mẹ dắt em Khôi (5 tuổi) và em Quỳnh (7 tuổi) chạy trước, tôi dắt em Khiêm (4 tuổi) cùng với em Vân (10 tuổi) chạy theo sau. Cô Phiên chạy cuối cùng. Dọc đường, từng tốp người chạy ngược xuôi, nỗi thất thần hiện trên từng gương mặt, thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe Honda hoặc xe Jeep vụt ngang qua. Chạy khoảng chừng 50 mét thì em Khiêm tuột mất một chiếc dép, chị em tôi loay hoay chưa biết làm sao. Em Khiêm đang định quay lại tìm dép thì cô Phiên không cho và kéo em Khiêm chạy tiếp. Cám ơn cô Phiên đã nhanh trí nếu không thì gia đình tôi đã lạc em ngày hôm đó. Thế là em đã chạy chân đất trên suốt đoạn đường dài hơn 500 mét đến Quân Y Viện. Con đường Hùng Vương quen thuộc hằng ngày bỗng trở nên dài dằng dặc trong tầm mắt tôi ngày ấy.
Đến nơi thì cả Mẹ và cô Phiên mới hay cổng đã bỏ ngỏ, không còn chú lính gác đứng ở đồn trực như thường lệ nữa. Lác đác vài người thương bệnh binh vẫn còn mặc quần áo bệnh nhân đứng trước cổng với vẻ mặt thẫn thờ. Mẹ tôi hỏi thăm thì mấy chú chỉ tay về phía con dốc trước mặt và cho biết Bố tôi đã chuyển những anh em thương bệnh binh đi theo hướng đó rồi.
Chỉ qua một đêm mà gia đình tôi đã lạc mất nhau. Giờ này không biết Bà ngoại và các chị em tôi ở nơi nào? Bố đang ở đâu và có bị bắt không?
Phần thì mệt, phần thì khát nước, Mẹ đi thẳng vào văn phòng để tìm nước uống. Nhìn thấy một chai nước ở ngay cạnh cửa, Mẹ nếm thử không có mùi gì và đưa cho các chị em tôi, mỗi người nhấp một ngụm cho đỡ khát và quay về nhà bác Nghĩa. Em Khiêm vẫn tiếp tục chạy chân đất. Chẳng ai nghĩ đến chuyện cõng em, vì người nào cũng đang đeo túi tay nải trên vai.
Nhờ trời thương mà suốt đoạn đường chạy đi và về hơn một cây số, lác đác tôi mới nghe tiếng súng nổ nhưng ở rất xa. Lúc gần đến nhà bác Nghĩa, Mẹ tôi gặp lại gia đình bác sĩ M. đang đứng ở nhà sách Tiên Dung nói chuyện với thầy Dũng (là Thầy giáo dạy môn Toán của trường Trung học Tổng Hợp Ban Mê Thuột và vợ Thầy là chủ nhân nhà sách này). Mẹ ghé vào thì bác sĩ M. cho biết là sẽ trở lại nhà bác Nghĩa luôn vì nhà thầy Dũng không có hầm. Trước khi rời nhà, thầy Dũng còn pha cho mỗi người một tách sữa nóng. Thế rồi bác sĩ M. chở tất cả mọi người quay về lại căn hầm của bác Nghĩa và việc đầu tiên là bác sĩ M. thay băng cho bác trai.
Sau khi bàn bạc, những người lớn quyết định rời khỏi nhà bác Nghĩa càng sớm càng tốt, tránh cho việc pháo kích sẽ rơi vào khu này.
PHẦN 5
Cả hai xe của bác sĩ M. và bác Nghĩa chở mọi người ngồi chen chúc nhau cùng hướng về đường Hùng Vương cũng chính là đường dẫn đến Quân Y Viện Tăng Cường. Bác sĩ M. còn đang lúng túng, chưa biết đi đường nào lên cây số ba để lánh nạn. Bất ngờ phía trước là chiếc xe máy cày nhỏ không mui do người phụ nữ lái chở theo lố nhố trẻ con. Người phụ nữ ngoắc tay ra dấu cho hai xe đi theo. Khi xe chạy đến gần, nhận ra vợ của bác Thành đang lái chiếc máy cày, thế là mẹ và chị tôi chuyển qua xe đó. (Bác gái là mẹ của bạn Lệ Hằng, bạn học cùng lớp với tôi). Sở dĩ mọi người phải tìm đường vòng để đi vì nếu đi đường chính có thể bị phe kia chặn lại, không ai lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra dù lúc đó bác sĩ M. đã mặc quần áo thường dân.
Đến được đồn điền CHPI của ông Del Fante ở cây số ba, tất cả mọi người tản mác ra, tự động tìm nơi để trú ngụ. Trong khuôn viên này, người ta nằm ngồi la liệt dưới các hàng hiên của những căn nhà xây bằng bê tông, là nơi làm việc của ông chủ và các nhân viên.
Ông chủ cho biết bố tôi đã xuống đây từ chiều hôm qua rồi. Hiện thời bố tôi đang giúp băng bó cho những người dân bị thương ở quanh đây. Một nhân viên dẫn mẹ và chị em tôi lên căn phòng ở trên lầu chờ bố.
Căn phòng nằm gần phòng ăn. Sau khi mẹ và các chị em tôi tắm rửa xong, không chờ đợi được, mẹ vội đi tìm bố. Chú đầu bếp vừa tính dọn cơm gà ra bàn cho các chị em thì nghe tiếng mọi người la lên: "Pháo kích, pháo kích". Năm chị em tôi vội vàng xách tay nải chạy xuống nhà, bỏ lại hai vali quần áo của bố mẹ trên lầu. Căn phòng dưới nhà đầy chật người với vẻ mặt hốt hoảng, chẳng ai nói lời nào cả.
Sống trong thời chiến tranh, bố ở trong quân đội, nên tôi thường nghe bố mẹ nhắc nhở khi nghe súng bắn thì nhớ nằm sát xuống sàn nhà để tránh đạn. Chính vì vậy tối mới dắt các em xuống tầng trệt và ngồi ở góc cầu thang, dù gì dưới nhà cũng đỡ hơn trên lầu. Tuy là một căn nhà nhưng cấu trúc theo kiểu Pháp nên bức tường thật kiên cố, dày gần hai tấc, giống như một cái hầm nổi. Không cần chờ đợi lâu, trong tích tắc có nhiều tiếng người lao xao phía ngoài cửa. Chị em tôi sợ quá thu người lại và chẳng biết chuyện gì đang xảy ra ở bên ngoài căn nhà.
Trong khi mẹ tìm được bố ở khu nhà kế cận thì nghe tiếng pháo kích rớt trúng căn nhà có chị em tôi. Thế là bố mẹ hớt hải chạy về. Thoạt đầu tiên, mẹ chạy vội lên lầu, tim đập thình thịch khi thấy buồng tắm bị sập một góc. Nhìn gương mặt hốt hoảng của mẹ, chú đầu bếp vội cho biết là có nhìn thấy mấy chị em líu ríu dắt nhau xuống tầng dưới nhưng không biết chỗ nào. Nhà nào, phòng nào của ông chủ cũng chật kín người ở khắp nơi chạy về lánh nạn. Mẹ liền chạy xuống nhà dáo dác tìm các con.
Thấy bóng mẹ, chị em tôi mừng quá, vội vã xách những tay nải theo mẹ lên lầu. Nhìn thấy mấy bộ quần áo của chị em tôi vừa thay ra chưa kịp giặt đã bị đạn thủng lỗ chỗ, bố mẹ tôi không nói gì nhưng chắc cùng một suy nghĩ: Cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Chiến tranh thật đáng sợ. Mọi người chỉ biết cầu nguyện và an ủi nhau bằng câu nói thường tình là sống chết có phần số.
PHẦN 6
Trong bữa cơm tối đó, có bố mẹ và năm chị em tôi, tuy đói bụng nhưng hình như cả nhà ăn cơm chẳng thấy ngon. Bố mẹ lo lắng không biết bà ngoại dẫn ba chị em của tôi hiện trú tại nhà nào và có bình an không.
Bố bắt đầu kể...
Để lại mẹ và năm chị em tôi tại nhà bác Nghĩa, chú tài xế Y Đuk chở bố xuống Quân Y Viện. Tại đây, ngay từ sáng ngày 10.3.1975 các đường dây điện thoại hữu tuyến đã bị cắt đứt. Như vậy Quân Y Viện đã không thể liên lạc được với bất kỳ đơn vị nào trong thị xã Ban Mê Thuột. Bố bèn dùng máy vô tuyến gọi về đơn vị chỉ huy trực tiếp là Thiếu tá V., Trưởng ty An Ninh Quân Đội tỉnh Darlac, chỉ huy trưởng Yếu Khu 6 nhưng chỉ có tiếng u.. u... không ai trả lời. Bố lại gọi sang cấp chỉ huy cao hơn là Tiểu Khu Darlac và các vùng phụ cận) nhưng cũng không có ai trả lời.
Trong khi đó, Quân Y Viện Ban Mê Thuột vẫn tiếp tục tiếp nhận, phân loại các thương binh từ các nơi chuyển đến và tiếp tục công việc giải phẫu, chữa trị bình thường.
Khoảng 10 giờ sáng Thiếu tá T. (Quận trưởng kiêm Chỉ huy trưởng Chi Khu Phước An) đã dẫn đoàn quân bản bộ Chi Khu của ông ta đang hành quân bộ trên đường Hùng Vương, ngang trước mặt Quân Y Viện. Vừa đi, Thiếu tá T. gọi với vào trong: " Anh ơi! Em nhận lệnh Tiểu Khu Darlac đem quân Chi Khu Phước An về cứu nguy Ban Mê Thuột đây. Lát nữa, khi quay ra, em sẽ tìm đưa vợ con em và chị cùng các cháu ra (ý nói mẹ và các chị em tôi), có được không anh?"
11 giờ 30 sáng, Thiếu tá Cảnh Sát T., chỉ huy phó Ty Cảnh Sát Darlac xin sang Quân Y Viện gặp mặt bố để bàn luận tình hình. Ty Cảnh Sát Quốc Gia Darlac đóng ngay phía sau lưng Quân Y Viện, tức là quay ra con đường tỉnh lộ lớn là Quốc lộ 14, thường được gọi là "đường qua phi trường L19". Con đường này đi đến cây số 3 sẽ tách ra hai ngả: Một ngả lên Buôn Hô, Phú Bổn và Pleiku. Một ngả tiếp tục đi đến cây số 5, rồi lại tách thêm một lần nữa: Một hướng đi Phước An, Dục Mỹ, Ninh Hòa, Nha Trang và một hướng đi Phi Trường Phụng Dực, Kim Châu. Lạc Thiện.
Thiếu tá Cảnh Sát T. nói với bố: "Bên tôi, từ tối qua không thấy Trung tá V., Chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Darlac đâu cả, cho nên tôi phải tạm thời chỉ huy thay thế. Tôi có liên lạc với Thiếu tá V. bên Ty An Ninh Quân Đội mà không ai trả lời. Nay vì không nhận được lệnh của bất kỳ sếp nào, tôi đành phải cho lệnh rút quân. Vậy tôi xin phép bác sĩ cho tôi rút toàn bộ quân số của tôi đi theo lối Quân Y Viện Ban Mê Thuột vì trước mặt tôi, Quốc lộ 14 có phi trường L19 đang bị pháo kích dữ dội lắm!"
Bố đành đồng ý để cho một đơn vị bạn, một đơn vị tác chiến thực sự... mượn đường rút quân ra đi...!!!
TRÂM ANH
Xuân Kỷ Hợi 2019
*Trích từ nguồn www.ninh-hoa.com/TramAnh-LaiNhoVeThangBa/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét