Một nét văn hóa cao nguyên xứ Thượng ...
CHÒI RẪY (SANG HMA)
Trước đây, ở mỗi ô rẫy của từng hộ gia đình đều có nhà chòi làm bằng tranh tre nứa lá hoặc bằng ván gỗ... Nhà chòi dùng làm kho chứa nông sản, đồng thời là nơi chứa dụng cụ lao động. Ngoài ra, đây cũng là nơi ở tạm trong những ngày làm việc trên rẫy. Nhà chòi còn là nơi chăn nuôi heo gà để cải thiện đời sống.
Ngoài sự tiện lợi trong sinh hoạt và sản xuất, nhà chòi còn cho ta cái cảm giác an bình của cộng đồng các dân tộc bản địa. Của cải không bị mất mát, không phải canh kẻ gian trộm cắp, nhà chòi cũng không rào giậu, không cần khóa cửa mà suốt mùa này qua mùa khác vật dụng của ai vẫn thuộc về người ấy. Đây cũng biểu hiện nếp văn hóa là sự tôn trọng của cải riêng tư của người khác. Điều này thể hiện tính cộng đồng của truyền thống lâu đời. Nói theo ngôn ngữ của người Kinh là “ đói cho sạch rách cho thơm”.
...
(Trích theo "Tây Nguyên vắng dần những nhà chòi" của Nguyễn Tấn Hỷ đăng trên http://baogialai.com.vn/)
***
Xưa kia, đồng bào Êđê sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy... Rẫy của người Êđê thường cách nơi cư trú của buôn làng khá xa, do đó chủ rẫy phải làm chòi để ở lại chăm sóc cây trồng (lúa, bắp, hoa màu…) và bảo vệ nương rẫy không cho chim thú vào phá hoại, nhất là vào mùa lúa chín.
Chòi rẫy (sang hma) ... được làm bằng các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng như: gỗ, tre, nứa, tranh, mây… Nhìn chung chòi rẫy gần giống như một nhà dài thu nhỏ. Trong chòi có kho đựng lúa, có nơi nghỉ ngơi, có bếp lửa, có bầu đựng nước, vài ba ché rượu nhỏ và các công cụ lao động (xà gạc, rìu, cào cỏ, cuốc, ống đựng lúa giống, cây chọc lỗ trỉa hạt…), cùng chiếc nỏ, cung, tên, giáo mác để hộ thân. Chòi rẫy của mỗi gia đình người Êđê thường cách nhau từ 500-600 m. Tuy cách nhau xa như vậy, nhưng trong những ngày phát rẫy, đốt rẫy, gieo hạt đến khi thu hoạch, các chủ rẫy thường giúp nhau cùng làm. Đặc biệt, những khi gặp khó khăn, hoạn nạn (đau ốm, tai nạn, hoặc thú dữ về phá rẫy), họ đều quan tâm, giúp đỡ nhau một cách chân tình như người trong một nhà.
Vào những đêm rỗi rãi, những người giữ rẫy thường tụ tập đến chòi rẫy của nghệ nhân có tài kể khan (sử thi) để được nghe kể các sử thi quen thuộc của dân tộc mình như: Dam San, Dam Ji, Sing Nhã…
...
Trong những năm gần đây, với sự tác động của tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, hầu hết các buôn làng của người Êđê đã chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác cây lúa rẫy sang canh tác cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao…), nên chòi rẫy không còn nữa...
...
(Trích theo "CHÒI RẪY - NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI ÊĐÊ" của Trương Bi đăng trên http://baodaklak.vn/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét