"Chim Kơ Tia bay tới, nghiêng cánh chào Đắkrông..."
ĐI TÌM CÁNH CHIM KƠ TIA
*Thái Bá Dũng
...
Trong các loài thì người nông dân sợ nhất là... chim kơtia.
Ôi trời, sao vậy? Vì loài này thường kéo theo từng đàn cả ngàn con, đến đâu cắn phá bắp, lúa đến đó. Anh Y Thứ, thanh niên Ê Đê ở buôn Pan, xã Ea Yông (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), cho biết: “Vào mùa lúa rẫy và mùa bắp, loài chim này thường kéo về thành từng đàn đông như châu chấu, cắn phá mùa màng của người dân. Người Ê Đê thường tìm cách bắt kơtia và coi đó là loài chim gây hại”.
...
Ama H’Loan là người lớn tuổi tại buôn Kroa B (xã Cuôr Đăng), ngoài việc trồng cà phê thì vào mùa bắp ông thường đem bẫy lên nương bắt chim kơtia. “Trước đây loài chim này nhiều vô kể, người dân ở các thôn buôn khó nhọc trồng lên hạt bắp hạt lúa nhưng nương rẫy này nằm sát rừng nên kơtia kéo về từng đàn cắn phá. Nương rẫy của người dân không bao giờ được yên tĩnh, nhiều người phải nằm lại rẫy để đuổi chim, bảo vệ mùa màng” - Ama H’Loan nói.
...
Bà H’Siu (ở xã Ea Yông) cho biết đối với người Ê Đê thì kơtia không phải là con vật linh thiêng mà ngược lại. Kơtia cũng không biết hót mà âm thanh loài chim này phát ra chỉ là tiếng kêu rất khó nghe. Loài chim này gắn liền trong cuộc sống của người dân với hình ảnh con vật gây hại, thường bay từng đàn và kêu inh ỏi náo động ở những nơi chúng đi qua.
Vậy chim kơtia là chim gì mà người Kinh lại yêu thích?
Ông Kpă Simon - phó giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây nguyên, người nghiên cứu về văn hóa Tây nguyên - cười rồi giải thích: “Tội của... mấy ông nhạc sĩ đấy, thật ra chim kơtia là con vẹt, con két - loài chim ám ảnh đối với mùa màng của bà con Tây nguyên”. Cũng theo ông Simon, có thể cái tên “kơtia khá dễ nhớ và gắn liền với hai bài hát cũng “đẹp” không kém là Ơi chim ktiă của nhạc sĩ Y Sơn Niê và Đắk Krông mùa xuân về của nhạc sĩ Tố Hải. “Ngày xưa khi mình còn sống trong buôn tại huyện Ayun Pa (Gia Lai), loài chim này cũng thường kéo về rất nhiều. Người dân tìm mọi cách đuổi kơtia, năm nào kơtia về đông thì năm ấy dân làng sẽ bị mất mùa”.
Cũng theo ông Simon, việc ra đời cây đàn t’rưng - loại nhạc cụ nổi tiếng của người dân tộc Tây nguyên - cũng có liên quan đến... loài chim kơtia. Ông cho biết ngày xưa khi chưa có nhiều cách để đuổi chim khỏi nương rẫy, người dân tộc Ba Na và người dân tộc Jarai thường dùng cành khô gõ vào ống cây lồ ô, khi gõ mạnh thì phát ra âm thanh lớn khiến chim hoảng sợ bỏ đi. Rồi dần dần người ta phát hiện chất liệu âm thanh đặc biệt của dụng cụ đuổi chim này và chế tác nên cây đàn t’rưng.
Hóa ra chim kơtia chỉ là con két thôi mà. Cái này “phiên” ra tiếng Kinh thì chắc phải hát là: “Kia con két bay tới, nghiêng cánh chào Đắk Krông...”. Nhưng Đắk Krông ở đâu?
Đắk Krông đâu có ở Tây nguyên?
Ông Kpă Simon cho biết hiện nay từ Đắk Krông trong bài hát Đắk Krông mùa xuân về có rất nhiều cách viết khác nhau ở hai từ Đắk Krông. Tuy nhiên xét về nghĩa và từ chính xác thì từ “gốc” của Đắk Krông là “Dă-Krông” - trong từ của đồng bào dân tộc có nghĩa là “nước lớn”.
Ông Simon khẳng định đây là một địa danh tại Quảng Trị, chứ Tây nguyên không có đơn vị hành chính hay thôn buôn nào tên là Dă-Krông. Theo ông Kpă Simon, ca khúc được sáng tác dành riêng cho Tây nguyên nhưng do có tên dòng “Đắk Krông” nên đã có nhiều sự ngộ nhận về địa danh khởi nguồn của bài hát. Tuy nhiên, theo ông Simon, trong bài hát có nhắc đến hình ảnh “chim kơtia bay tới” nên có thể hiểu bài hát này hát về Tây nguyên.
...
Thái Bá Dũng
(Trích đoạn trong bài "Đi Tìm Cánh Chim Kơ Tia" của Thái Bá Dũng đăng trên https://tuoitre.vn/di-tim-canh-chim-kotia-541490.htm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét