Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi... (Trần Tế Xương)
LƯNG CHỮ CỤ, VÚ CHỮ TÂM
Trong truyện dài “Đứa con của thần linh”, nhà văn Trần Quang Vinh viết: “Ngày ấy bà được khen là cô gái đẹp nhất làng (...) những chuẩn mực thể hiện khả năng sinh con đàn cháu đống của người đàn bà như thắt đáy lưng ong, lưng chữ cụ, vú chữ tâm cũng hội tụ ở người con gái ấy”.
...
...
Phép xem “tướng lưng” [bối tướng 背相] cho rằng người mạnh khỏe hay bệnh tật; phú quý hay bần tiện; trường thọ hay yểu mệnh, đều biểu hiện qua tấm lưng. Lưng là “nền móng” của thân (bối vi thân chi cơ chỉ 背為身之基祉)...
Sách cổ về tướng pháp “Đỗng vi ngọc giám” [洞微玉鋻] của Tàu viết: “Lưng dầy mà không thô, dáng như lưng rùa mà bằng rộng, đầy đặn; nhìn phía trước như đang ngẩng, xem đàng sau tựa đang cúi, ấy là người có phúc tướng vậy” [背須得豐隆不俗, 如龜背而廣厚平闊,前看如昂, 後看如俯者,福相也].
...
...
Xét về mặt khoa học thì bất kể đàn ông hay đàn bà, tấm lưng đều là nơi gánh đỡ toàn bộ cơ thể, là chỗ dựa của lục phủ ngũ tạng, cũng là trung tâm chi phối sức mạnh của toàn thân...
...
Xét tự hình chữ “cụ” 具, trực quan rất giống một tấm lưng VUÔNG VỨC, CÂN ĐỐI của người ĐANG NGỒI (nhìn từ phía sau), trong đó, nét ngang dài dưới cùng, giống như mặt phẳng để ngồi, hoặc biểu thị phần cuối của tấm lưng. “Lưng chữ cụ” là tấm LƯNG THẲNG, CÂN ĐỐI, giống như hình chữ “cụ” 具, chứ không phải là tấm “lưng gù” (chữ “cụ” 具, chữ “ngũ” 五, đâu có gợi tả hình dáng cái lưng “gù”...
Vậy còn “vú chữ tâm” là kiểu vú thế nào? Nếu hình dung “vú bầu bầu”, “hơi bầu” như cách giảng của các nhà biên soạn từ điển, thì vú nào chẳng thế? ...
“Vú chữ tâm” là kiểu vú đẹp. Cơ ngực, tuyến vú “chữ tâm” phát triển đầy đặn, mô mỡ săn chắc mà mềm mại, hai bầu vú thây lẩy “ngoảnh” ra hai bên cân đối; vú vừa đủ lớn, mềm mại và săn chắc, nên chỉ hơi sệ; trong khi đầu vú vẫn hướng thượng, tựa nét “ngọa câu” (móc nằm) của chữ tâm 心. Nghĩa là bầu vú và đầu vú “chữ tâm” không hướng chính diện kiểu “vú bánh giầy” [vú không sệ do kém phát triển] hoặc thòng xuống dưới như “vú mướp” [vú nhỏ, dài, nhão, cơ ngực và mô mỡ kém phát triển]).
Như vậy, tục ngữ “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” đúc kết kinh nghiệm về “tướng lưng” [bối tướng 背相] và “tướng vú” [nhũ tướng 乳相] của nữ giới. Theo đó, phụ nữ đẹp phải có thân hình khỏe mạnh, cân đối, lưng thẳng, vai và eo lưng nở nang; bộ ngực săn chắc, căng đầy, vú thây lẩy ra hai bên theo chiều cho con bú. Đây chính là mẫu phụ nữ có khả năng về tình dục, sức sinh sản tốt, nhiều sữa nuôi con, lại đáp ứng được yêu cầu sức khỏe lao động.
Một tấm lưng thẳng, cân đối, sẽ đi đôi và tương xứng với bộ ngực săn chắc, đầy đặn. Đó chẳng phải là sự kết hợp hoàn hảo của tạo hóa hay sao! Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta ca ngợi, kén chọn cô gái đẹp có “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” mắn đẻ, khéo nuôi con về làm vợ, làm dâu con.
HOÀNG TUẤN CÔNG
(Trích đoạn trong bài "“Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” là trông thế nào mà hấp dẫn nam giới đến vậy?" của Hoàng Tuấn Công đăng trênhttp://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/)

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

THIẾU PHỤ NAM XƯƠNG

Nghi ngút đầu ghềnh khói tỏa hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương... (Lê Thánh Tông)
THIẾU PHỤ NAM XƯƠNG
Vũ Thị Thiết là người huyện Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) sống vào thế kỷ thứ 14. Bà vốn con nhà lương thiện, tình tình thùy mị, nết na lại có tư dung xinh đẹp. Khi đến tuổi lấy chồng, bà được cha mẹ gả vào gia đình họ Trương – một gia đình khá giả trong làng. Trương Sinh là người khỏe mạnh, yêu thương vợ rất mực nhưng có tính hay ghen. Vũ Thị Thiết biết vậy nên rất khuôn phép giữ gìn, chưa từng để vợ chồng phải bất hòa.
Vào cuối thời Trần, Chiêm Thành thường đem quân cướp phá Đại Việt. Triều đình nhiều lần động binh đánh Chiêm Thành nên thanh niên trai tráng bị bắt đi lính rất nhiều. Trương Sinh tuy con nhà khá giả nhưng vẫn phải tòng quân đánh giặc. Lúc bấy giờ, Vũ Thị Thiết đang mang thai sắp đến ngày sinh.
Sau khi Trương Sinh đi đươc mươi ngày, bà Thiết sinh được một cậu con trai đặt tên là Đản. Mẹ chồng bà vì thương nhớ con mà sinh bệnh. Con nhỏ, mẹ chồng ốm liệt giường, bà Thiết ngày ngày vừa làm lụng nuôi con vừa thuốc thang chăm sóc mẹ. Song bệnh tình ngày một trầm trọng, bà mẹ qua đời. Bà Thiết khóc thương lo việc ma chay cho mẹ chồng rất chu đáo.
Còn lại mỗi mình với đứa con bé bỏng trong ngôi nhà lạnh lẽo, mỗi tối ôm con ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét cháy, buồn tủi, nhớ chồng, bà Thiết lại chỉ vào bóng mình và đùa với con rằng ‘Cha về đấy’. Ngày qua ngày, đứa trẻ quen dần quen với bóng mẹ trên vách là cha.
Khi việc quân đã mãn, Trương Sinh trở về thì mẹ đã qua đời, con vừa học nói. Chàng ôm con ra viếng mộ mẹ, đứa trẻ khi nghe chàng xưng là cha thì ngơ ngác nói: ‘Ông không phải cha Đản, cha Đản đến đêm mới về’. Vốn tính hay ghen nên khi nghe con nói vậy, Trương Sinh không suy đi nghĩ lại mà đinh ninh vợ ở nhà hư hỏng. Từ đó luôn mắng nhiếc, đánh đuổi khinh bỉ vợ, không đếm xỉa gì đến lời phân trần van xin của bà, hàng xóm láng giềng khuyên can thế nào cũng không nghe. Bà Thiết không còn cách nào giải được nỗi oan khuất, quá phẫn uất gieo mình xuống sông Hoàng Giang mà chết.
Sau khi vợ mất, chỉ còn 2 bố con côi cút bên nhau. Một đêm khi đang ngồi cùng con bên đèn, đứa bé bỗng chỉ vào bóng cha trên vách rồi thốt lên ‘Kìa cha Đản lại đến rồi’. Bấy giờ Trương Sinh mới hiểu vợ mình bị oan. Ân hận thì đã quá muộn, chàng đang xót lập một đàn tràng bên sông ba ngày ba đêm giải oan cho vợ. Về sau dân trong vùng cảm động trước trước tình cảm của đôi vợ chồng đã cùng nhau dựng một ngôi miếu nhỏ bằng nứa lá tranh tre thờ bà bên bến sông.
Cuối thế kỷ 15, vào niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497), một hôm Lê Thánh Tông cùng trạng nguyên Lương Thế Vinh đi thuyền ngang qua miếu Vũ Thị Thiết, xúc động trước chuyện đời oan trái của bà đã đề một bài thơ Nôm như sau:
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng...
Bài thơ về sau được khắc trên biển gỗ treo trong đền. Qua nhiều năm sau, Nguyễn Dữ đem chuyện kể trong dân gian về Vũ Thị Thiết viết thành truyện ngắn Nam Xương nữ tử lục (Chuyện người con gái Nam Xương) trong tập sách Truyền kỳ mạn lục nổi tiếng của ông.
Dưới thời phong kiến, giáo lý Nho gia được đề cao, gương tiết liệt của Vũ Thị Thiết đã được sử dụng triệt để để làm mẫu mực về đức hạnh của phụ nữ. Miếu thờ bà được xây thành ngôi đền lớn tại thôn Vũ Điện (nay thuộc xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bà được linh hóa thành nữ thần và chuyện về cuộc đời bà được viết thành thần tích với nhiều chi tiết mang màu sắc huyền thoại. Trải nhiều triều đại, bà được phong tặng là Vũ Nương công chúa Thượng đẳng thần.
PNVN
(Trích bài "Chuyện người phụ nữ đức hạnh đất Nam Xương" đăng trênhttp://phunuvietnam.vn/)

Chuyện kể bằng tục ngữ, danh ngôn về phụ nữ... THẰNG ÚT HỎI VỢ

Chuyện kể bằng tục ngữ, danh ngôn về phụ nữ...
THẰNG ÚT HỎI VỢ
Thằng Út từ Sài Gòn về thông báo với gia đình việc nó đã có bạn gái và tính chuyện lập gia đình trong nay mai. Nó tổ chức bữa cơm mời tôi về dự cơm và bàn bạc. Biết tôi hay bi boa về phụ nữ chừng như am tường lắm nên nó tham vấn nhiều vấn đề về phụ nữ. Nó bảo để trang bị chút kinh nghiệm cho cuộc sống. Bằng kinh nghiệm bao nhiêu năm, và với những hiểu biết của mình, tôi vỗ ngực như “dạy đời” thằng Út trước giờ cơm. Dõng dạc như một nhà “phụ nữ học”, tôi bảo Út: “lấy vợ xem tông”(tục ngữ) nghe mày, không ẩu được đâu đấy.
Anh yên tâm, em sợ nhất là chuyện bếp núc, bởi em không nấu ăn được.
"Xem việc trong bếp biết nết đàn bà” (tục ngữ), vì thế chú mày nên cho cô ấy học nữ công gia chánh đi là vừa.
Theo anh, làm sao biết được lòng dạ đàn bà?
"Lòng người đàn bà là một biển thẳm, mà đáy biển còn có thể dò được, nhưng lòng dạ đàn bà thì không" (Riccoboni). Mãi mãi anh em chúng ta không thể biết đâu.
Làm sao biết được sự chung thủy của cô ấy hả anh?
“Gió thay đổi mỗi ngày, đàn bà thay đổi mỗi giây” (tục ngữ Tây Ban Nha)... Chú mày phải chăm cô ấy hàng ngày để giữ tình yêu luôn mặn nồng.
Lỡ cô ấy quá đáng, em có nên bạt tai không?
"Nếu đánh vợ thì người đời cho là vũ phu. Còn không trừng trị người đàn bà thì bị người đời cho là sợ vợ" (Scott Fitgérald). Chỉ có cách lựa lời mà sống với nhau cho thuận hòa chú ơi!
Đàn bà sợ gì nhất anh?
"Đàn bà thường vướng vào mình năm cái sợ: sợ già, sợ xấu, sợ nghèo, sợ bị bỏ rơi, sợ chết" (Montesquieu) . Vì vậy, lợi dụng những điều ấy mà dọa, chắc cũng có đôi phần lợi thế.
Nên khen cô ấy để cô ấy vui không anh?
"Khen đàn bà thì cứ tha hồ nói dối, họ sẽ tin hết mình" (danh ngôn Pháp) , nhưng "khen tặng người đàn bà khác trước mặt cô ấy là một sự sỉ nhục không thể tha thứ được." (De Stael) . Vì vậy chú phải cẩn thận.
Vũ khí lợi hại nhất của họ là gì anh?
"Đó là nước mắt. Khí giới của đàn bà là những giọt nước mắt." (Shakespeare). Nhưng chú cũng nên đề phòng vì "nước mắt đàn bà che giấu nhiều cạm bẫy" (Denys Caton) .
Làm sao để có được sự tha thứ của họ khi mình có lỗi?
"Đàn bà chỉ tha thứ sau khi trừng phạt xong" ( De Girardin). Vì vậy hãy bình tĩnh đón nhận hình phạt khi có lỗi chú à!
Đàn bà nổi điên khi nào?
"Trong đời người đàn bà chỉ có hai lần làm cho họ điên lên, đó là khi họ bắt đầu yêu và khi họ bạc tóc" (danh ngôn Ba Lan) .
Lỗi lầm lớn nhất của đàn bà?
"Cái lỗi lầm lớn của người đàn bà là luôn luôn tìm cách kết bạn với người đàn ông họ yêu, thay vì kiếm một người đàn ông yêu họ" (La Bruyere).
Làm sao quyến rũ và chinh phục được đàn bà?
"Người ta có thể quyến rũ người đàn bà bằng sự dối trá, nhưng người ta chỉ có thể chinh phục được họ với tấm lòng thành thật" (Krassovsky).
Làm sao để họ bớt lảm nhảm?
"Đối với đàn bà, im lặng là đồ trang sức đẹp nhất" (Jean Jacques Rousseau), nhưng họ chẳng bao giờ chịu im lặng cả. "Chim họa mi có thể quên hót, chứ đàn bà không thể quên nói" (tục ngữ Tây Ban Nha).
Họ sẽ khóc khi nào?
"Người phụ nữ cười khi có thể cười nhưng muốn khóc thì lúc nào cũng được" (ngạn ngữ Pháp).

Làm sao biết họ là người phụ nữ tốt?
"Người phụ nữ tốt được biết qua cái mà cô ta làm, người đàn ông tốt được biết qua cái mà anh ta không làm" (H.Roulend).
Họ thường nói về những điều gì nhất?
"Đàn ông nói điều mình biết, phụ nữ nói điều mình thích" (J.J. Rousseau). Mà chú biết rồi đấy, thời trang và mỹ phẩm, những “hot boy” chính là những điều họ thường thích!
Anh am hiểu về đàn bà thế, chắc chuyện trong gia đình anh êm ấm hạnh phúc lắm nhỉ?
Không chú à, biết vậy mà chuyện trong nhà thiên biến vạn hóa, không biết đâu mà lường. "Ai có thể cai trị được một người đàn bà thì người ấy có thể cai trị được một nước" (Honoré De Balzac), mà chú biết đấy, "ra ngoài trăm trận trăm thắng, về nhà không thắng nổi người đàn bà" (Napoleon).
Thế sao hôm nay chị không về cùng anh?
À ừ! … Thì tại sáng nay, anh chuẩn bị xong, chờ cả tiếng đồng hồ mà chị vẫn chưa xong, cãi nhau một tăng rồi anh về một mình đấy.
Ôi xời, tưởng sự am hiểu phụ nữ có thể hóa giải những cuộc cãi vã chứ. Đúng như anh nói, phụ nữ thật khó hiểu!
Đúng vậy, thế hệ chúng ta vẫn phải “nghiên cứu” phụ nữ. Thế hệ sau này cũng vậy chú à.
Cuộc tranh luận của anh em tôi đang hồi kết thúc thì mẹ cũng vừa dọn cơm xong. Mẹ gọi:
Mấy đứa ăn cơm thôi bây!
Ngồi vô bàn cơm, chưa kịp cầm chén, mẹ cũng tham gia câu chuyện của tôi và thằng Út. Mẹ bảo:
Mẹ cũng nên chuẩn bị chu đáo vì dâu vô nhà, mụ già ra ngõ. Còn thằng Út lo mà dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về. Người ta vẫn nói dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng. Mà thôi, còn tùy bởi có phúc lấy được dâu hiền, vô phúc lấy phải dâu dại. Thật ra con gái là con của người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về. Có thế nào đi chăng nữa, dâu dâu rể rể cũng kể là con, con dâu cũng là con trong nhà. Bậc làm cha mẹ, không ai bỏ con cái đâu các con à.
Lâu lắm anh em tôi mới lại nghe mẹ dạy bảo. Tôi tịt, không dám khua môi chuyện phụ nữ trước mặt mẹ nữa.
Thân Nguyễn Luận

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

LỄ THẤT TỊCH (MÙNG 7 THÁNG 7 ÂM LỊCH)

Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau... (Thu sầu - Lam Phương)
LỄ THẤT TỊCH (MÙNG 7 THÁNG 7 ÂM LỊCH)
Tháng bảy không chỉ là tháng cô hồn mà còn được biết đến ... lễ Thất Tịch là ngày lễ tình yêu được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch đôi khi được người phương Tây gọi là Ngày Valentine châu Á. Lịch sử về ngày này gắn bó với câu chuyện về Ngưu Lang Chức Nữ hoặc vợ chồng Ngâu với nhiều dị bản.
Đây là ngày hội truyền thống bắt nguồn từ Trung Quốc, được gọi là ngày lễ Qixi, bắt đầu từ thời nhà Hán (từ năm 206 trước CN đến năm 220 sau CN). Nhật Bản cũng kỷ niệm lễ hội này để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Orihime (tức sao Chức Nữ) và Hikoboshi (tức sao Ngưu Lang), gọi là lễ Tanabata. Tại Hàn Quốc là lễ Chilseok. Và khi du nhập vào Việt Nam thì nó thành lễ Thất Tịch.
...
...
Ở Việt Nam, đây còn gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”. Các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt.
Nếu trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 sẽ mãi mãi bên nhau.
Trong ngày này người ta thường đổ về Chùa Hà cầu tình. Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, thuộc phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Chùa Hà được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Sở dĩ chùa là địa điểm cầu tình là bởi sự linh ứng truyền tụng trong dân gian nhưng đồng thời cũng gắn với truyền thuyết thời Lý.
Vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Như vậy trên thực tế từ một truyền thuyết lưu tồn trong dân gian Châu Á, Ngày 7/7 với lễ trọng diễn ra tại Chùa Hà (HN), tính chất lễ hội mưa ngâu của Trung Quốc không chỉ được Việt Hóa thành lễ hội cầu tình mà còn gắn liền với một sự kiện lịch sử cụ thể về Vua Lý Thánh Tông.
SW2710 (Sưu tầm - Tổng hợp)

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Cánh hoa đồng nội... HOA TÀU BAY

Cánh hoa đồng nội...
HOA TÀU BAY
Tuổi thơ qua gói ghém trong miền ký ức sâu thẳm, có những kỷ niệm bất chợt hiện về khi ta bắt gặp những điều bình dị giữa đời thường. Lâu rồi tôi mới lại đi dạo một mình, bất chợt thấy một loài hoa gần gũi lắm, loài hoa mà văn chương gọi mỹ miều là hoa đồng nội, nhưng với tôi nó đơn thuần chỉ là một loại rau, rau của một thời khốn khó. Tự nhiên gợi nhớ hai câu thơ trong bài Đêm tháng năm của Văn Thảo Nguyên:
Cơm gạo mốc, mà tưởng cơm nếp mới
Rau tàu bay không muối cũng thành canh...
Và nhớ nhà da diết cái cảm giác hắc nồng đến tận sống mũi của rau tàu bay luộc, nhớ không khí sum vầy của gia đình mà từ lâu không còn nữa, bỗng thấy mình nhiều khi vô tâm quá.
Giờ đây, khi cuộc sống không còn chật vật, bữa cơm khó mà kiếm ra rau tàu bay làm canh, thì tôi đã là người xa quê. Tàu bay trở thành một loài hoa, một loài hoa mà không biết đã có ai gán cho nó một ý nghĩa? Chỉ biết nghe bố kể đó là loài hoa đã theo bố và đồng đội qua bao cuộc chiến, loài hoa đã làm ấm lòng tuổi thơ con và ướt đẫm những giọt nước mắt của mẹ. Hoa của miền ký ức.
THẾ BIÊN
***
Gọi là rau tàu bay vì khi có gió, hoa của nó bay phát tán trong không khí như “tàu bay”... Rau tàu bay có tên khoa học là Gynura crepidioides Benth. Họ cúc Asteraceac...Rau tàu bay mọc ở đồng bằng, trên núi, trong rừng, bên đường, bờ mương, ven suối.
Rau tàu bay có nhiều xơ gây nhuận tràng và giảm hấp thu chất béo, làm thức ăn kiêng cho người béo phì.
Một số vùng dân cư người ta quen dùng rau tàu bay phòng chống côn trùng, rắn rết cắn, bằng cách giã nhuyễn xoa đắp lên chỗ bị tổn thương.
Có người khoái mùi vị đặc trưng của rau tàu bay. Nhưng có ý kiến cho rằng ăn nhiều và thường xuyên rau tàu bay sẽ bị thiếu máu. Để khắc phục tình trạng đó thì cần làm toan hóa rau tàu bay bằng cách phối hợp chấm nước mắm chanh hoặc làm rau trộn có chanh hoặc giấm để tăng hấp thu sắt tạo huyết sắc tố.
...
Nấu canh rau tàu bay nên lắng bỏ phần dầu để khỏi bị có mùi hắc như mùi xăng rất đặc trưng của rau tàu bay, rồi mới cho gia vị vào, thì sẽ thơm ngon.
...

ĐI TÌM DẤU TÍCH NGÔI CHÙA CỔ

Ngày xưa, vùng này gọi chung là Khuê Ngọc Điền... giờ là huyện Krông Bông, ĐăkLăk.
ĐI TÌM DẤU TÍCH NGÔI CHÙA CỔ
...
Sau một tiếng 30 phút, leo đèo, vượt dốc, xe chúng tôi đã vượt một đoạn đường dài hơn 65 km từ thành phố Buôn Ma Thuột đến xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông...
Qua trao đổi của thầy Hải Định về việc đi tìm dấu tích ngôi chùa cổ ở vùng đất Krông Bông. Bác Hoàng đăm chiêu một lúc rồi kể lại: Vào khoảng năm 1959 - 1960, hơn chục hộ gia đình từ Tam Kỳ, Quảng Nam, Bình Định di cư lên vùng đất này để lập dinh điền theo kế hoạch bình định của chế độ Ngô Đình Diệm.
Đến năm 1962, một trong số các hộ di cư lên đây đã dựng lên ngôi chùa bằng gỗ lợp tranh để làm nơi thờ tự và lễ Phật theo truyền thống Phật giáo của dân tộc Việt Nam. Hàng năm cứ đến ngày rằm, mồng một, rằm tháng 4, rằm tháng 7, dân trong vùng thường đến chùa này dâng hương, đọc kinh, lễ Phật. Sau đó, đến năm 1966, do chiến tranh ác liệt, dân di cư ở đây phải chạy ... lánh nạn. Chùa bỏ hoang và bị cháy do bom đạn ...
Hiện nay dấu tích của chùa còn lại ở cuối thôn 5 của xã Hòa Lễ, muốn biết rõ hơn về ngôi chùa này, mời thầy và các anh đến gặp bác Troài ở thôn 5.
...
...
Đến nơi, bác Troài dẫn chúng tôi vào khu đất trước đây đã được xây dựng ngôi chùa cổ, và nói: Đây là khu đất của ngôi chùa rộng khoảng trên một héc ta. Trước đây, chùa được xây cất bằng khung gỗ có hàng cột gỗ lim chắc chắn, thưng bằng tre nứa, mái lợp tranh, dài khoảng 7 mét, rộng khoảng 4 mét, mặt quay ra một cái bàu lớn, sau này dân địa phương gọi là Bàu Chùa. Còn tên chùa thì không rõ. Chỉ nghe dân ở đây kể lại, trước kia thôn 5 được gọi là thôn Lễ Giáo. Chùa không có thầy chủ trì mà do người chủ xây chùa trông coi và tổ chức lễ tế Phật vào các ngày quy định của Phật giáo, nhất là các ngày rằm, mồng một, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, hàng năm nhân dân trong vùng đến lễ Phật rất đông với mong ước cầu cho “quốc thái, dân an”.
Đoàn chúng tôi lại tiếp tục theo bước chân của bác Troài đi thăm hết khu đất của chùa cổ, thăm Bàu Chùa, thăm gốc đa của chùa (nay chỉ còn lại một ụ đất). Về cây đa bên cạnh khu đất chùa: Theo người dân nơi đây kể lại, sau ngày thống nhất quê hương, cây đa to lớn đến 4 - 5 người ôm, cây cao tỏa bóng rợp cả mấy chục nóc nhà, chim chóc muôn nơi về đây làm tổ, hót vang suốt ngày, nhưng bây giờ chỉ còn trơ lại một gò đất nhỏ.
Một số hộ trở về trước có đến ngôi chùa để tìm kiếm những vật còn sót lại, trong đó có một cụ già đã lấy bốn tấm đá kê cột chùa về kê cột nhà mình. Thế rồi qua bao năm tháng, bốn tấm đá cũng không còn nữa mà nó đã trở thành huyền thoại về ngôi chùa cổ.
...
...
(Trích theo "Đi tìm dấu tích ngôi Chùa cổ ở Huyện Krông Bông - Đaklăk" của Trương Bi đăng trên http://voluongcongduc.com/di-tim-dau-tich-ngoi-chua-co-o-hu…)

KHÁM PHÁ CHỢ RAU "ĐẶC SẢN" Ở CƯ ĐRĂM

Chợ rau của đồng bào thiểu số huyện Krông Bông, Đăk Lăk...
KHÁM PHÁ CHỢ RAU "ĐẶC SẢN" Ở CƯ ĐRĂM
Chợ buôn Chàm xã Cư Đrăm (Krông Bông) được xây dựng năm 1998, phục vụ cho hơn 20 nghìn dân các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao. Những năm gần đây, đời sống được cải thiện, chợ buôn Chàm cũng có đầy đủ các loại hàng hóa từ những vật dụng, thực phẩm, lương thực sinh hoạt hằng ngày đến những hàng hóa đắt tiền. Song khi đến với chợ buôn Chàm, đã trở thành thói quen, nhiều người thường tìm đến ngay khu bán các loại rau, củ, quả rừng của đồng bào Êđê, M’nông mà vẫn được gọi vui là "gian hàng đặc sản của núi rừng Tây Nguyên".
Ban quản lý chợ buôn Chàm ưu tiên, dành riêng cho bà con đồng bào thiểu số một khu để bán các loại rau, củ quả tươi, non được lấy ở rừng, ở rẫy về như măng tươi, các loại rau, bầu, bí, dưa...; đặc biệt là một số loại rau, quả là các món ăn truyền thống của người dân Tây Nguyên như quả khổ qua rừng, cà đắng, đọt mây, lá bép... Quả khổ qua rừng có tên khác là Poh Pang (tiếng Êđê) là món khoái khẩu nhất của người Êđê, M'nông. Nó có vị đắng nhưng nếu ăn quen sẽ ngon hơn khổ qua nhà. Người mới ăn thì rất khó ăn vì vị đắng của nó nhưng ăn vài lần trở thành "nghiện". Cũng giống như khổ qua rừng, đọt mây (guôl) là món ăn được nhiều người ưa thích. Ngon nhất là món đọt mây nướng vùi dưới lớp than hồng sau đó bóc ra chấm với muối ớt hoặc nấu canh cùng lá bép. Món canh cà đắng (trong pi) cũng được nhiều người ưu chuộng. Những món ăn này đều có vị đắng khác nhau nhưng khi ăn vài lần đều cho ta cảm giác rất ngon miệng. Riêng món canh lá bép (lá lăng, lá nhíp) là một món ăn rất ngon, được nấu cầu kỳ với nhiều nguyên liệu. Món ăn này không thể thiếu trong những ngày lễ, tết, ma chay, cưới hỏi của người Êđê, M'nông. Tất cả các món ăn này đều rất dễ nấu. Các nguyên liệu nấu với chúng cũng dễ kiếm như cá suối, cua đồng, tôm, tép, cá khô, bột gạo, ngọn bí nhưng không được thiếu 2 loại gia vị là rau ngò gai và ớt xiêm giã thật cay. Sau này, các món này còn được nấu với cá hộp, thịt hộp, gân bò, xương heo, thịt khô, mực khô...
Giờ đây những món ăn mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên không chỉ có người dân tộc thiểu số tại chỗ ưa thích mà còn được nhiều người Kinh rất chuộng. Vì vậy, khi đi chợ buôn Chàm, nơi có chỗ bày bán những "sản vật của rừng" thì nhiều người không thể không ghé qua. Người thì mua dăm ba bó đọt mây, người thì mua vài bó lá bép, ngọn bí, vài ký măng tươi hay ít quả cà đắng, khổ qua rừng... đem về tự tay nấu những món ăn thật ngon và lạ miệng.
Tùng Lâm - Báo DakLak điện tử.

DẤU XƯA XE NGỰA Ở BAN MÊ

Thời gian tựa cánh chim bay,
Qua dần những tháng cùng ngày ... (Hoài Cảm-Cung Tiến)
DẤU XƯA XE NGỰA Ở BAN MÊ
Năm 1990, tôi tìm về thăm người thân Cư Jut (nay là thị trấn Ea T'Linh, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông), tới Ban Mê Thuột trời đã tối không còn xe đò, có người chỉ “ra quốc lộ 14 đón xe ngựa mà đi, giờ này xe chở hàng lên chợ bắt đầu về đấy.”
Tôi nghe lời, vì xe ôm chạy đêm họ ‘chặt’ quá đắt. Thật may mắn tôi vẫy cái đầu tiên, bác ‘tài’ lái xe ngựa đồng ý cho đi với giá hình như 500 đồng thì phải, chỉ bằng ¼ tiền đi xe ôm. Thùng xe trống hốc không chở gì vì bác tài bảo chở mướn đậu lên Ban Mê Thuột cho người ta, nhưng bác bảo tôi ngồi ở cái càng đằng trước đối diện cùng với bác.
Xe ngựa bấy giờ cũng có đèn pha chạy bằng bình ác quy rọi được một đoạn chừng mươi mét, có còi bóp nghe ‘bim, bim’, thế nhưng điều tôi thú vị hơn là tiếng vó ngựa ‘lộp cộp’ đều đều và riếng nhạc kêu ‘leng keng’. Vừa đi bác ‘tài’ vừa hỏi tôi đủ mọi chuyện từ gia đình, bản thân, công việc làm ăn, quê hương nơi tôi đang sống... Rôi bác kể tôi nghe chuyện bác làm nghề đánh xe ngựa.
Trước kia bác chuyên chở khách từ chợ Cư Jut lên Ban Mê Thuột, thời ấy mỗi chuyến chỉ chở nhiều lắm được 6 người, đi về là 12 khách mà thôi. Tôi hỏi:”Vậy thì phải là thùng xe khác, chớ thùng nhỏ thế này sao chở được ạ?”. Bác cười:”Nó cũng chỉ vậy thôi, vì có một con ngựa kéo, nếu là thùng to và cao hơn sẽ không an toàn.”
Thì ra, xe ngựa hoàn toàn không có ghế, mà chủ xe trải tấm chiếu rộng một mét hai để khách ngồi; người lên xe treo dép lên các móc đóng ở trên đầu, ngồi mỗi bên ba người, chân của người bên này duỗi ra thì đặt sát vào mông người đối diện. Còn nếu khách có mang theo bất kỳ hành lý gì cũng phải để trên cái giá đóng bên ngoài của hai bên thùng xe hoặc bỏ trên nóc chứ trong xe chật cứng chẳng chỗ nào bỏ được.
Xe chạy là khách đem chuyện cửa, chuyện nhà, chuyện con cái, chuyện xóm làng… ra kể đến tận bến vẫn chưa hết chuyện. Tôi nói:”Thế nghề đánh xe ngựa cũng vui quá bác hen.” Bác lắc đầu:”Vui gì, cực lắm cháu ạ. Sáng 3 giờ đã phải đi thả ngựa và trông chừng cho ăn, năm giờ rưỡi đã phải ra bến đợi khách. Nói cho đúng ra xe chỉ chở được năm, sáu người khách thôi nên chỉ nửa tiếng là khởi hành, nếu có thiếu thì trên đường đi bắt thêm. Tới bến xe trên Thị xã lại phải thả ngựa ra chỗ nào có cỏ và trông chừng cho ăn tiếp, chứ đến trưa ngựa đói thì nó chẳng chịu kéo khách về đâu. 10 giờ lại đưa ngựa ra bến để xếp khách, xếp hàng lên xe, 2 tiếng sau thì về tới bến nhà, nếu ai nhà xa bến mà có hàng nhiều thì đưa người ta về tận nhà nữa. Khẩn trương thu xếp công việc để 2 giờ chiều tiếp tục chạy thêm chuyến thứ hai, chứ mỗi ngày một chuyến kể như đói.”
Bác bảo, vất vả như vậy nhưng cả ngày chạy đủ khách 4 chuyến đi về mới mua được khoảng 10 kg gạo, trong khi đó phải mất tới ¼ số tiền ấy mua cám cho ngựa ăn, mặc dù cỏ thời đó có đầy, song có ăn cám thì ngựa mới khỏe để kéo xe được.
Sau đó thì xe lam, xe hơi, xe đò phát triển nhiều, chỉ những người quen và thân thiết lắm trong xóm nể tình mới đi xe ngựa, vì xe ngựa chạy nhanh cũng mất một tiếng rưỡi đồng hồ mới lên tới Ban Mê Thuột. Còn xe lam, xe hơi chỉ 30-40 phút là cùng. Đến năm 1988 thì hầu như không còn ai đi xe ngựa nữa nên bác và những người chủ xe ngựa trong khu vực phải chạy hàng hóa cho những người đi buôn từ huyện lên thị xã. Nghề chạy xe chở nông sản cực khổ trăm bề, 3-4 giờ dù mưa gió đi nữa cũng phải đánh xe vào tận rẫy để cùng chủ hàng chất lên xe, rồi tự mình ràng buộc sao cho đừng để đổ, rồi chạy vội ra thị trấn mua cái bánh mì vừa đánh xe vừa nhai, vậy thôi chứ làm gì dám ăn tô phở hay tô bún. Ấy vậy mà ngày nào chạy xe thì có tiền mua gạo và nửa ký cá, cùng lắm nửa ký thịt ba chỉ về cho vợ con ăn, ngày mưa gió hay thấy ngựa muốn bệnh thì kể như… đói.
Chuyện vui nên chẳng mấy chốc mà bác ‘tài’ bảo đây đã là Cư Jut. Tôi định sửa soạn xuống, nhưng bác bảo cứ ngồi im bác sẽ đưa đến tận nhà anh tôi, vì bác biết rất rõ. Tới ngõ, bác dúi vào tay tôi tờ tiền lúc tối tôi đưa trả tiền xe rồi bảo:”Ai chứ nhà ông này tôi quen mà, cứ vào bảo đi xe ngựa của ông Chín Râu là ông bà ấy biết tôi. Giá còn sớm thì vào chơi chút, còn giờ đã muộn rồi, phải về không có vợ con nó chờ cơm.”
Rồi mấy năm sau gia đình tôi chuyển lên định cư tại gần chợ huyện, lúc ấy có tìm được chiếc xe ngựa cũng không còn. Khi hỏi thăm về ông Chín Râu, anh tôi bảo:”Ông ấy mất rồi, nhưng có điều lạ là con ngựa cũng bỏ vào rừng sống luôn, lâu lâu người ta bắt gặp nó về bên mộ ông ấy một lúc rồi đi.”
K'SIM (ĐĂK NÔNG)
(Trích theo "Chuyến xe ngựa cuối năm" của K'Sim đăng trênhttp://www.saigonecho.com/)

CÀ PHÊ MÍT

Xứ sở cà phê Ban Mê Thuột...
CÀ PHÊ MÍT
Với lợi thế là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ và có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, khí hậu, cao nguyên Ban Mê Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt, mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác.
...
Đến năm 1931, tổng diện tích cà phê ở Ban Mê Thuột đã lên đến 2.130 ha (riêng đồn điền CADA chiếm 1.000 ha)... trong đó 51% diện tích là cà phê Arabica, 33% cà phê Robusta, còn lại là cà phê EXCELSA (CÀ PHÊ MÍT)
...
Cây cao 2m -5m. Thân, lá và quả đều to, do lá to, xanh đậm nhìn xa như cây mít nên gọi là cà phê mít là vì vậy. Cây chịu hạn tốt, ít cần nước tưới nên thường trồng quảng canh, tuy nhiên do năng suất kém, chất lượng không cao (Có vị chua) nên không được ưa chuộng và phát triển diện tích.
Cà phê mít thường nở hoa và thu hoạch muộn hơn các loài cà phê khác do đặc điểm là nở hoa nhờ nước mưa, quả thường thu hoạch vào tháng 12 âm lịch, sau khi các loài cà phê khác đã thu hoạch xong. Sản lượng của cà phê mít không lớn, hạt nhân to, thon dài trắng. Cây thường được trồng thuần loài hay làm đai rừng chắn gió cho các lô cà phê vối, thường trồng thành hàng với khoảng cách 5-7m một cây.
Do đặc tính chịu hạn và có sức chống chọi với sâu bệnh cao nên hiện cà phê mít được dùng làm gốc ghép cho các loại cà phê khác rất được các nhà vườn ưa chuộng.
Hạt cà phê mít thường được trộn vào với cà vối, cà chè khi rang xay để tạo hương vị.
Thông tin chưa được kiểm chứng: Cà phê mít thường hợp với gu của người châu Âu, các loại cà phê hòa tan theo gu châu Âu thường có tỉ lệ cà phê mít nhiều nên thường có vị chua đặc trưng.
Theo Wikipedia

LÚA MA HUYỀN THOẠI

Trước đây, ở các đầm lầy Buôn Trấp, cũng có loại lúa hoang dã luôn luôn vươn lên khỏi mặt nước... Giống lúaTrước đây, ở các đầm lầy Buôn Trấp, cũng có loại lúa hoang dã luôn luôn vươn lên khỏi mặt nước... Giống lúa này mọc rất nhiều ở Đồng Tháp Mười.
LÚA MA HUYỀN THOẠI
Là giống lúa mọc tự nhiên hoang dã, không cần trồng trọt nên người dân gọi là lúa trời. Người dân ở đây nói rằng lúa ma rất kỳ lạ, khi chín chúng rất sợ mặt trời. Lúa chín tới, nếu không có người đập thì khi mặt trời sẽ tự nhiên rụng, nên gọi là lúa ma (theo truyền thuyết ma sợ mặt trời)
Khi mùa mưa bắt đầu, lúa sinh sôi lẫn lộn cùng cây cỏ dày đặc tại những khu vực như Gò Trâu, Gò Tre, Gò Lao Vôi… nên người không quen đi vào đây không thể phân biệt đâu là lúa, đâu là cỏ. Đến khoảng tháng 8, lúc nước lũ dâng cao, lúa ma với sức sống mãnh liệt đã bỏ lại các loài cỏ thường khác để ngoi lên. Bất kể nước dâng tới đâu, lúa cũng vượt lên khỏi mặt nước để làm đòng, trổ bông… Kéo dài tới tháng 12, lũ rút, cũng hết một đời lúa.
Thân lúa cứng cỏi, lá to, phát triển đều đặn nhờ sương gió và mưa. Bông lúa dài, cứng hơn bình thường và khi chín không “cong trái me” mà thẳng đứng theo thân cây. Hạt lúa ma cũng dài gấp rưỡi bình thường.
Lúa chín chỉ vài hạt mỗi lần và khoảng 8,9h sáng là lúa lại rụng xuống nước, nên việc thu hoạch lúa ma cũng chỉ diễn ra trước khi trời sáng.
Thu hoạch lúa ma cũng không gặt, cắt mà phải dùng cây để đập. Vì lúa mọc giữa đồng cỏ âm u, lại chín ngay mùa nước lên nên phải thu hoạch bằng xuồng. Khi đập lúa ma cần hai người ngồi trên xuồng. Dụng cụ thu hoạch lúa ma được thiết kế đặt biệt. Mgười cầm sào chống, còn người kia điều khiển cần đạp nhịp nhàng làm bông lúa chín rơi vào tấm mê bồ đặt trên thuyền. Đập từ gà gáy đến khi mặt trời ló dạng là lúa rụng đầy xuồng.
Hạt lúa ma hơi ngà nhưng là loại gạo ngon nhất trên đời. Hạt gạo chắc, nấu rất lâu chín. Một nồi cơm gạo lúa ma nấu tốn thời gian gấp ba lần nồi cơm nấu gạo bình thường. Nhưng được cái cơm rất thơm, hạt béo, ngọt lạ lùng.
Gạo lúa trời còn được người dân nơi đây ưa dùng nấu cháo đặc, dùng đũa bếp quậy nhừ, sau đó đổ vào mâm lớn trông như chiếc bánh đúc khổng lồ. Khi ăn, bạn sẽ dùng dao cắt từng miếng, dùng cùng nước đường thắng kẹo, vị rất ngon.
Đó là câu chuyện của ngày trước, giờ lúa ma trở nên rất quý hiếm...
Có thể nói đó chỉ còn là huyền thoại , bây giờ, lúa ma chỉ có ở những nơi mà con người ít lui tới. Cả vùng Đồng Tháp Mười giờ chỉ còn thấy bóng dáng của loại lúa huyền thoại này ở VQG Tràm Chim.
(Trích theo "Câu chuyện độc đáo về lúa ma, Đồng Tháp Mười" do Băng Tâm tổng hợp lại đăng trên http://vanhoamientay.com/)