Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

NGUYÊN VĂN BỨC THƯ (06-6-2015) CỦA THẦY PHẠM VĂN ĐỒNG (Cựu Hiệu trưởng Trường Trung học BMT, từ 1958-1962)

 

Mới đây, anh Phu Nguyen có gửi cho tôi hình chụp bức thư viết tay của Thầy Phạm Văn Đồng (Cựu Hiệu trưởng Trường Trung học BMT, từ 1958-1962). Trong bức thư này, có nói về sự ra đời của Trường [Trung học] Nguyễn Trường Tộ và Trường Y-Jút...
Để các bạn quan tâm đến đề tài này có thêm tí tài liệu, tôi xin chuyển nội dung bức thư trên sang dạng word.
Trong bản word/text này, tôi giữ đúng cách viết (chữ hoa, chữ thường...) của Thầy Phạm Văn Đồng...
Mời các bạn tham khảo
-------------------------------
NGUYÊN VĂN BỨC THƯ (06-6-2015) CỦA THẦY PHẠM VĂN ĐỒNG
Cựu Chánh Văn phòng Nha Học chính Cao nguyên Trung phần (6/1955 – 11/1955).
Cựu Hiệu trưởng Trường Trung học Banmêthuột (1958 – 1962).
-------------------------------
Trung học Banmethuột
Đoàn kết – Tự trọng
Kỷ niệm 60 năm thành lập
Thân gửi quý Thầy Cô đồng nghiệp và các bạn Cựu Học sinh thân mến,
Tự biết không còn đủ sức khỏe để đi xa, tôi buộc lòng phải viết thư này để xin lỗi anh chị em hết thảy về sự vắng mặt rất đáng tiếc của tôi trong kỳ đại hội long trọng này
Tôi chân thành kính chào thăm và chúc mừng Đại hội thành công tốt đẹp trong hân hoan, đoàn kết.
Tiện đây, tôi xin kể lại nguồn gốc phát sinh hai trường Y-Jút và Nguyễn trường Tộ và vài nét đặc biệt đánh dấu sự ra đời của trường TH-BMT.
- Trường Y-Jut là hậu thân của Collège Sabatier do người Pháp thành lập để huấn luyện người Thượng làm việc cho họ. Người đổi tên Sabatier thành Y-Jút là cụ Đốc học Phạm Xuân Độ, lúc đó (1956) giữ chức Giám đốc Nha Học chính Cao nguyên Trung phần. Y-Jút là một tộc trưởng uy tín của đồng bào Ê-đê.
- Nguyễn trường Tộ là tên cũng do Cụ Độ chọn cho trường Trung học Việt đầu tiên tại Banmethuột, vì Nguyễn trường Tộ là một hiền tài, giàu sáng kiến và tinh thần cải cách, đặc biệt thích hợp cho đồng bào di cư lúc ấy. Cũng chính Cụ Độ đã lặn lội đi về nhiều lần giữa Dalat và BMT để chọn ra vị Hiệu trưởng đầu tiên cho trường Nguyễn trường Tộ, là thầy Đỗ trọng Thạc, lúc đó là Hiệu trưởng của một trường Tiểu học có uy tín ở Dalat.
Riêng thầy Đỗ đức Riệu được Bộ Giáo dục tuyển bổ thẳng từ Saigon cho trường Y-Jút.
Công lao của cụ Độ còn có sự trợ lực tận tình của cụ Lê văn Quế, một cựu giáo học giàu kinh nghiệm từ đất Bắc di cư vào BMT.
Tôi được biết những chi tiết này, là do lúc ấy tôi là Chánh Văn phòng của cụ Độ – tuy chỉ vỏn vẹn 5 tháng, trước khi tôi được chuyển về dạy tại trường Quang Trung Dalat, từ tháng 11/1955 đến tháng 9/1958.
Như vậy, hai Cụ Phạm xuân Độ và Lê văn Quế thực sự là những người đã thai nghén dự án thành lập trường Nguyễn trường Tộ cho học sinh Việt tại BMT.
Cụ Phạm xuân Độ mất tại Pháp cách đây 20 năm.
Cụ Lê văn Quế về sinh sống tại Sai-gòn, sau một thời gian dài, lại trở về BMT lúc tròn 100 tuổi và mất tại BMT, hưởng thọ 104 tuổi, an táng tại chùa Khải Đoan.
Đề nghị mỗi người chúng ta yên lặng một phút để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các Cụ.
Trân trọng kính chào: Đoàn kết – Tự trọng.
Saigon, 06-06-2015.
(Thầy Phạm Văn Đồng đã ký tên)
Bạch Yến, Đinh Thị Thơ và 8 người khác
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét