Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Nghe nhạc mùa thu

Câu Chuyện Âm Nhạc : Những nhạc phẩm bất hủ về mùa thu
cập nhật 11:38 20-09-2013
Bài : Nguyên Minh
Audio : NGV.
  
‘Nhìn những mùa thu đi’, ‘Con thuyền không bến’ hay ‘Gửi gió cho mây ngàn bay’ đều là những tuyệt phẩm viết về mùa thu mà khi được cất lên, giai điệu của chúng có thể khiến bao thế hệ người nghe vỡ òa cảm xúc.
( Xin click chuột vào tiêu đề của mỗi bản nhạc để nghe phần audio )

Inline image 1
 
 “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay” (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh)
 
“... Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng, từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...”
Mùa thu với bao vẻ đẹp nên thơ của đất trời đã gieo cảm xúc khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết nên những giai điệu làm say đắm lòng người. Lá đổ muôn chiều, Chuyển bến hay Tà áo xanh đều được coi là những kiệt tác của âm nhạc VN. Trong số những tác phẩm viết về mùa thu của Đoàn Chuẩn, không thể không nhắc tới Gửi gió cho mây ngàn bay. Một bức tranh sinh động về thu Hà Nội đã được cố nhạc sĩ gửi gắm trong từng nốt nhạc và ca từ đầy lãng mạn .
Đó là một mùa thu “lá vàng từng cánh rơi từng cánh” khiến tác giả “thấy hối tiếc nhiều” vì “thuyền đã sang bờ, đường về không lối”. Trong suốt cuộc đời, Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều nắm giữ vị trí quan trọng trong trái tim người yêu nhạc VN hơn nửa thế kỷ qua. Năm nay, khi Hà Nội tròn 1000 năm tuổi cũng vào mùa thu, giai điệu của Gửi gió cho mây ngàn bay một lần nữa lại vang lên như đem “mùa thu trần gian” năm nào trở về. Khánh Ly, Tuấn Ngọc hay Thu Hà đều là những nghệ sĩ thể thiện ca khúc này thành công. 
 
Inline image 2
 
 “Thu Cô Liêu” (nhạc sĩ Văn Cao)
 
“... Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều, ta yêu thu, yêu mùa thu
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thi, một mùa thi
Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng...”
Dường như mùa thu có mối duyên nợ kỳ lạ với cố nhạc sĩ Văn Cao. Khi sinh thời, ônh từng tâm sự rằng: “Những kỷ niệm về mùa thu thì có quá nhiều trong cuộc đời, không chỉ mùa thu cách mạng mà còn cả mùa thu tình ái. Mùa thu gợi một cái gì đó về nam nữ, có lẽ là mùa cưới. Mùa cưới của chúng ta cũng lại vào mùa thu. Cái lành lạnh của mùa thu và những chiếc lá thay đổi màu cũng khiến tâm tính con người trở nên khác lạ”.
Là một trong ba tác phẩm viết về thu của cố nhạc sĩ Văn Cao, Thu cô liêu mang giai điệu êm đềm, dịu dàng giống như tâm hồn tươi trẻ của một cô thôn nữ đang khám phá vẻ đẹp của buổi chiều thu. Mùa thu là mùa đem tới những xúc cảm bâng khuâng, khơi gợi tình yêu giữa đôi lứa. Hình ảnh ca sĩ Hồng Nhung duyên dáng cất cao tiếng hát trong trẻo giữa một bãi cỏ lau đu đưa trong gió đã trở nên gắn liền với nhạc phẩm Thu cô liêu trong suốt bao năm qua . 
 
Inline image 3
 “Mùa Thu Lá Bay” (nhạc Hoa, lời Việt)
 
“... Mùa thu lá bay anh đã đi rồi
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau...”
Có một thời, nhạc phẩm Mùa thu lá bay đã tạo nên hiện tượng lớn đối với đông đảo công chúng yêu nhạc VN. Trong các buổi biểu diễn âm nhạc ngày trước, khi người dẫn chương trình giới thiệu nữ ca sĩ hải ngoại Kim Anh bước ra sân khấu thể hiện ca khúc này, ở phía dưới khán giả là những tràng pháo tay giòn giã không ngớt. Mùa thu lá bay đã làm nên tên tuổi của Kim Anh hay ngược lại, là điều mà chưa ai dám khẳng định. Chỉ biết rằng từ lâu, mỗi khi câu hát “Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời” vang lên, người nghe chỉ biết nín lặng và chìm đắm trong giọng ca đầy mê hoặc của Kim Anh . 
Mùa thu cũng là mùa của sự biệt ly, chia lìa lứa đôi. Giai điệu mang nhiều tâm trạng của Mùa thu lá bay để lại cho người nghe nỗi khắc khoải và chạnh lòng khi nghĩ tới những kỷ niệm xưa cũ. Người con gái trong ca khúc tự gặm nhấm nỗi xót xa và mong một ngày được đoàn tụ với người mình yêu ở kiếp sau, khi đó tình yêu là “thiên thu”. Lần đầu tiên Kim Anh trình diễn Mùa thu lá bay là vào năm 1977. Sau hơn 30 năm, chị đã có dịp trở về quê hương và đứng giữa khán giả thể hiện lại ca khúc này với chất giọng trầm ấm như chưa từng bị mai một, trong đêm nhạc Tuấn Vũ - 10 năm hội ngộ diễn ra hồi cuối tháng 8 ở Hà Nội.
Inline image 4
 
 “Mùa Thu Cho Em” (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên)
 
“... Anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và anh có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân, mang tình yêu tới
Anh có nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé...”
Khi mùa hè với cái nắng gay gắt qua đi, mùa thu đến đem theo những cơn gió heo may dịu dàng, những con đường tràn ngập lá vàng rơi và cả khúc yêu thương của những trái tim “vương màu xanh mới”. Đó chính là lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gửi gắm trong ca khúc Mùa thu cho em. Lời ca bay bổng, giai điệu ngọt ngào mang âm hưởng những năm 1970 mỗi khi vang lên như khẽ nhắc nhở người nghe rằng mùa thu đã sang rồi.
Tình cảm dành cho mùa thu được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thể hiện vừa lãng mạn, lại vừa kín đáo nhưng vẫn có sự nồng nàn trong các tình khúc của mình. Cô gái trong bài hát đã nhờ vẻ đẹp “má hồng”, “môi em thơm nồng” của mùa thu để bày tỏ tình yêu của mình một cách ý nhị. Khi thiên nhiên, đất trời thay áo mới, con người cũng khoác lên mình một tâm hồn mới, đầy ắp yêu thương và hy vọng. Lệ Thu và Ngọc Lan  là hai nghệ sĩ thể hiện Mùa thu cho em thành công nhất.
 
 “Con Thuyền Không Bến” (nhạc sĩ Đặng Thế Phong)
 
“... Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”
Là một trong số ít ỏi ba ca khúc của nhạc sĩ bạc mệnh Đặng Thế Phong, Con thuyền không bến cho đến nay vẫn được xem là tác phẩm bất hủ nhất của tân nhạc VN. Từng giai điệu tê tái, não nề của ca khúc này đã để lại dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí người yêu nhạc VN suốt gần 70 năm qua. Con thuyền không bến được Đặng Thế Phong sáng tác dành tặng riêng cho cô Tuyết - người yêu của ông khi đó. Trong một đêm trắng mùa thu trên sông Thương, chàng nhạc sĩ trẻ đã biến nỗi nhớ thương người yêu nơi xa thành một tuyệt phẩm.
Con thuyền không bến là một hình ảnh đậm chất thơ. Thuyền trôi lờ lững trên dòng nước mênh mang trong một đêm thu chớm lạnh cùng “heo may”, “sương lam mờ chân mây”, “ánh trăng mờ chiếu”. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã diễn tả tâm trạng khắc khoải, nhung nhớ của những thanh niên trẻ trong thời chiến. Tình yêu của họ bơ vơ, lạc lõng cũng giống như con thuyền trôi bên con sông mùa thu, không biết đâu là bến bờ. Giọng hát khàn đục đặc trưng của nữ ca sĩ Khánh Ly đã thổi hồn và đem đến sức sống mãnh liệt mãi trường tồn cùng thời gian cho nhạc phẩm Con thuyền không bến .
 
Inline image 5
 “Không Còn Mùa Thu” (nhạc sĩ Việt Anh)
 
“... Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm
Không còn lời ru, mơ trên môi mềm
Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu
Anh làm mùa thu, cho em mơ màng...”
Ngoài vẻ đẹp quyến rũ làm xao xuyến lòng người, mùa thu với những lời ru, ánh trăng thề, những con đường hiu quạnh còn đem lại cảm giác buồn man mác. Đó là sự hoài niệm về những gì đã qua, về mối tình cũ đã chìm trong quá khứ. Mùa thu đến và đi quá đột ngột, cũng giống như chuyện tình dang dở của cô gái trong ca khúc Không còn mùa thu, để lại bao nuối tiếc và thương nhớ. Những ký ức về cuộc tình cũ cứ hiện về trong tâm trí của cô gái ấy mỗi độ thu sang.
Không còn mùa thu gắn liền với tiếng hát của nữ ca sĩ được mệnh danh là giọng ca "mùa thu Hà Nội" - Thu Phương . Giai điệu trữ tình cùng chất giọng nồng nàn, tha thiết của Thu Phương gợi cho người nghe một cảm giác xao xuyến, bồi hồi. Nhắc tới mùa thu, hầu như ai cũng hình dung ra sắc vàng. Đó là màu của những chiếc lá rơi bên thềm, của ánh trăng khuya và cũng là màu vàng tê tái của những ký ức tươi đẹp đã qua, chìm khuất tận nơi chân trời.
Inline image 6
 
 “Thu Quyến Rũ” (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh)
 
“… Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi…”
 
Ra đời từ năm 1950 nhưng cho đến nay, những câu hát ngập tràn cảm xúc của Thu quyến rũ vẫn khiến bao thế hệ người yêu nhạc VN đắm chìm vào một không gian lãng mạn mỗi độ thu về. Vẻ đẹp của đất trời khi “ngả màu xanh lơ”, khi đàn bướm vui đùa trên những bông hồng, khi “mây bay về nơi cuối trời” đã khiến người nhạc sĩ “tức cảnh sinh tình”. Thu trở nên quyến rũ và đẹp hơn bao giờ hết qua lời kể của một chàng lãng tử si tình đã “trót yêu” tà áo xanh rực rỡ mà mùa thu tự khoác lên mình.
Đoàn Chuẩn nổi tiếng với tính cách phong lưu, hào hoa và ông đã đem cái “chất” ấy vào trong các tác phẩm của mình. Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều nhưng mỗi bài hát của ông lại gắn với một giai thoại khác nhau và chủ yếu là về mùa thu vì “đó là mùa của tình yêu”. Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, Thu quyến rũ vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Cao Minh và Tuấn Ngọc được coi là hai ca sĩ thể hiện được rõ nhất sự “phiêu bồng” của Thu quyến rũ.
 
 “Buồn Tàn Thu” (nhạc sĩ Văn Cao)
 
“… Nghe bước chân người sương gió
Xa dần như tiếng thu đang tàn
Ôi người gió sương em mơ thương ái bao lần
Và chờ tin hồng đến
Đêm mùa thu chết…”
 
Buồn tàn thu là sáng tác đầu tay của cố nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1939 với lời tựa dành cho nhạc sĩ Phạm Duy: “Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn”. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là người đầu tiên trình diễn ca khúc này trong thập niên 1940. Giai điệu buồn da diết với nhịp điệu chậm rãi của Buồn tàn thu thể hiện nỗi sầu thương của một người thiếu phụ mòn mỏi chờ đợi người yêu để rồi chết cùng mùa thu.
Nỗi vấn vương của người thiếu phụ trong bài hát cứ bay theo những chiếc lá vàng. Ngồi trong nhà đan áo, nàng nhắn nhủ gió, mây và những cánh chim uyên đưa duyên tới người tình trong sự vô vọng. Năm tháng cứ thế trôi qua và trong một đêm mùa thu chết, tình yêu của nàng đã “rơi theo lá vàng”. Những giọng nữ cao như Thái Thanh, Kim Tước hay sau này là Ánh Tuyết đã thổi hồn cho Buồn tàn thu.
Inline image 7
 
Mùa Thu Ru Em” (nhạc sĩ Đức Huy)
 
“… Hôm mùa thu gió hát bài ca cũ
Mùa thu bay lá vàng
Anh ru em ngủ, bài ca dao ta vẫn hát
Lúc còn ấu thơ
Nắng vàng ấm suối tóc dệt mây thu
Mùa thu ru phím đàn…”
 
Những khán giả yêu mến nữ ca sĩ bạc mệnh Ngọc Lan hẳn vẫn còn nhớ đến video clip Mùa thu ru em của cô vào đầu những năm 1990. Trong vai một cô gái chăn cừu áo rách tả tơi rong ruổi khám phá vẻ đẹp của núi rừng mùa thu, diễn xuất của nữ ca sĩ đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem lúc bấy giờ. Lời ca trong sáng, dịu dàng đã được thể hiện qua chất giọng mượt mà, điêu luyện của Ngọc Lan .
Mùa thu trong nhạc phẩm của Đức Huy đầy rực rỡ, mộng mơ với những lời ru tình yêu, “bờ môi nhớ thương” và đặc biệt là “bài ca dao ta vẫn hát lúc còn ấu thơ”. Dù cho nữ ca sĩ mang tên một loài hoa đã ra đi quá vội vàng, tiếng hát du dương của chị vẫn sẽ mãi như lời ru của mùa thu - e ấp, hiền hòa, vun đắp cho những tình yêu chớm nở, khiến lòng người đắm say trong những giấc mơ “dài cơn mê thương yêu ấy, những ngày ái ân”.
Inline image 8
 
 “Nhìn Những Mùa Thu ĐiNắng Thủy Tinh” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
 
“… Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”
“… Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Màu nắng bây giờ trong mắt em…”
Nhìn những mùa thu đi và Nắng thủy tinh đều là hai nhạc phẩm bất tử về mùa thu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho kho tàng âm nhạc VN. Đều lấy hình ảnh là một buổi chiều thu, nhưng nếu như Nắng thủy tinh là một “chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm” thì buổi chiều trong Nhìn những mùa thu đi lại “đơn côi bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ”. Trong cuộc đời của mỗi con người, ai rồi cũng sẽ phải đón nhận những mùa thu đi qua và “nghe tên mình vào quên lãng”. Mùa thu đến và đi để lại bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi.
Khoảnh khắc hai nữ ca sĩ Khánh Ly và Lệ Thu cùng nhau đứng trên sân khấu thể hiện Nhìn những mùa thu đi và Nắng thủy tinh là một hình ảnh đẹp đã in sâu vào ký ức của công chúng hâm mộ nhạc Trịnh . Những hoài cảm sâu sắc của biết bao người nghe đã, đang và sẽ vẫn trào dâng mỗi khi những giai điệu êm đềm ấy được ngân vang. Mùa thu cũng là lúc để chúng ta hoài niệm về quá khứ, để tâm hồn mình “buồn dâng mênh mang” và lắng đọng theo từng nốt nhạc xưa cũ. 
 
…..Và ca khúc dành cho “Mùa Thu trong Vườn CVA 5461” : "Dấu Yêu"
 
Sau khi chúng ta đã đọc bài viết của tác giả Nguyên Minh và được ôn lại những kỷ niệm cũ qua mười ca khúc bất hủ viết về mùa Thu, thì nguời phụ trách bài xin kết thúc với phần giới thiệu đến các bạn, một ca khúc của mùa Thu mới nhất vừa được sáng tác, để dành tặng cho tất cả các bạn của Vườn CVA 5461, đó là ca khúc “ Dấu Yêu “ của CVA Nguyễn Ngọc Phúc 

Với Phúc thì mùa thu dường như luôn mang đến cho ta một tâm trạng như mãi đợi chờ một điều gì , đợi chờ một mối tình chưa đến, đợi chờ một tà áo lụa ngọc ngà đã hẹn . Nhưng rồi  ánh  hoàng hôn đã vàng úa như lá thu, và cánh chim vẫn bay cao… Để rồi mỗi mùa thu :
Chơ vơ con tim
Dấu chân nồng ấm
Hãy quay về chốn này
 
Nâng niu thư xưa
Thầm thì trên môi
Tìm một dấu yêu
 
NGV.
Tuyển Tập Mùa Thu Trong Âm Nhạc
cập nhật 08:50 30-09-2013
 Sưu tầm & Thực hiện : NGV.
 
Inline image 1
 
 
 
 
 

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Diễn đàn “Chấn hưng giáo dục”


Con người tự do hay con người công cụ?

19/10/2013 08:30 (GMT + 7)
TT - Giáo dục đang rẽ vào khúc ngoặt với đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục”. Vì thế, cần thiết phải nhìn nhận chân xác hơn những vấn đề lớn mang tính định hướng của giáo dục.
Một trong những vấn đề như vậy là: Tìm lối thoát cho giáo dục ở chỗ nào?
Tự do hay công cụ
Tuy có nhiều quan điểm khác nhau về con người với những phẩm tính cụ thể, nhưng về đại thể có thể chia thành hai trường phái lớn: con người công cụ và con người tự do.
Con người công cụ là con người không có hoặc có rất ít bản sắc cá nhân, được coi như một bộ phận nhỏ bé trong cả một hệ thống lớn, hướng đến một mục tiêu lớn, thường là rất trừu tượng. Vì thế, cách đào tạo chủ yếu là nhồi nhét một chiều. Phương pháp đào tạo lấy giáo viên và giáo trình làm trung tâm, dạy và học theo kiểu đọc chép. Không có phản biện, không có sáng tạo, không có lật ngược vấn đề.
Các nội dung đào tạo cũng không cần phải là kiến thức khả tín, mà có thể cài cấy các nội dung ngoài lề, thường là tuyên truyền một chiều và thường nhấn mạnh vào đạo đức, trách nhiệm... thay vì khai mở khả năng phản biện, xử lý thông tin, tìm hiểu thế giới để tìm ra sự thật.
"Nếu nền giáo dục muốn có những con người công cụ thì không cần phải đổi mới toàn diện, triệt để, vì hệ thống hiện tại đã đáp ứng được những tiêu chuẩn này"
Ngược lại với con người công cụ là con người tự do, theo nghĩa họ được tự do lựa chọn các giá trị mà mình theo đuổi, hành động mà mình thấy phù hợp. Trong giáo dục thì đó là tự do học thuật, theo nghĩa: tự do học, tự do dạy và tự do nghiên cứu.
Tất nhiên khi đã tự do lựa chọn thì anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Vì thế con người tự do không chỉ tự định đoạt số phận của mình mà còn tự chịu trách nhiệm với chính nó nữa.
Cũng nhờ đó mà con người tìm ra ý nghĩa đời sống của mình, vì họ được sống thật với điều họ muốn, cái mà họ theo đuổi, thay vì sống theo các tiêu chuẩn áp đặt từ bên ngoài, dù các tiêu chuẩn đó được truyền tải trong hệ thống giáo dục chính quy đi chăng nữa.
Chỉ bằng cách đó con người mới có khả năng phát triển tốt nhất phù hợp các đặc điểm sinh học và văn hóa của riêng mình, và do đó hoàn thiện được mình ở mức cao nhất có thể. Thông qua đó, anh ta sẽ đóng góp cho xã hội ở mức lớn nhất có thể.
Nếu là con người tự do, anh ta cũng sẽ có xu hướng bảo vệ tự do của mình và tôn trọng tự do của người khác. Đây là một sự tương tác kiểu “có đi có lại”, vì chỉ có bằng cách đó tự do của anh mới được người khác tôn trọng. Trong trường hợp có xung đột, hai bên sẽ bàn thảo và thỏa hiệp để có giải pháp chung.
Bằng cách đó, gốc rễ của một xã hội văn minh được hình thành. Ở đó, con người cá nhân được tôn trọng và bảo vệ. Giải pháp thì được tìm thấy thông qua thảo luận. Hành vi được giám hộ bởi thỏa thuận, hoặc rộng hơn là pháp luật. Con người công dân được hình thành một cách tự động.
Từ đây con người văn minh, độc lập và sáng tạo - nguồn gốc của phát triển - sẽ được hình thành. Tập hợp những con người này sẽ tạo ra một xã hội văn minh, độc lập và sáng tạo, tức một xã hội phát triển. Bằng cách đó, chính giáo dục chứ không phải cái gì khác, đã trực tiếp định hình sự phát triển của một dân tộc.
Cần tạo ra con người tự do
Nếu hệ thống giáo dục được thiết kế để tạo ra con người tự do thì ngay lập tức toàn bộ cơ cấu và cơ chế của nó sẽ được thiết kế sao cho phù hợp với mục đích này.
Có thể hình dung ngay những điều hiển nhiên sau: thay vì lấy thầy cô và việc dạy làm trung tâm, lớp học sẽ xoay quanh học trò và bản thân việc học. Các em sẽ được tự do thảo luận và phản biện giáo viên. Người dạy khi đó chỉ còn là người hướng dẫn việc học, thay vì là hiện thân của chân lý.
Cũng sẽ không còn một bộ sách giáo khoa duy nhất, thay vào đó là nhiều bộ sách giáo khoa trên cơ sở một khung chương trình chung. Các giáo viên sẽ được tự do chọn không chỉ sách giáo khoa mà còn nội dung bài giảng sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Tư duy phản biện và sáng tạo tất nhiên sẽ được phát triển.
Giáo dục khi đó sẽ hướng tới từng cá thể, có bản sắc riêng, hoàn thiện tốt nhất năng lực của riêng mình, thay vì tạo ra những con người giống hệt nhau trong nhận thức và cá tính.
Đây chính là sự đổi mới toàn diện, triệt để chương trình giáo dục hiện hành. Tất cả đều xuất phát từ một điểm duy nhất: tìm ra lối thoát cho giáo dục từ việc hình dung về sản phẩm đầu ra của hệ thống giáo dục. Cụ thể là hình dung về con người mà nền giáo dục hướng tới.
Do đó, nếu thực lòng muốn đổi mới giáo dục thì không còn cách nào khác là thay đổi đích đến của giáo dục: giáo dục cần tạo ra con người tự do, chứ không phải con người công cụ.
Chính việc hình dung rõ ràng về đích đến này sẽ quyết định triết lý giáo dục nào được sử dụng. Vì phát biểu về đích đến chính là phát biểu về triết lý giáo dục, thứ mà chúng ta vẫn tìm kiếm suốt mấy chục năm qua.
Chỉ khi nào chúng ta làm rõ được điều này mới có hi vọng đổi mới giáo dục một cách toàn diện, triệt để như mong đợi.
TS GIÁP VĂN DƯƠNG
 ------------------------------------

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Bài học thuộc lòng ngày xưa

MỒM  VÀ  TAY  CHÂN

Tay chân làm vất vả
Mồm vui hưởng một mình
Chúng nghĩ ta dại quá
Tội chi nuôi thằng ranh
Nó ăn rồi nói dóc

Ta khổ ai thấu tình
Nghĩ rồi mọi việc đình
Mồm đói đành ngồi khóc
Nhưng được vài ba hôm
Tay chân đều mệt lã
Lại phải làm nuôi mồm
Mới hồi sức như cũ

Chiêu Đăng.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Chữ NHẪN hay chữ NHÂN


Chữ NHẪN hay chữ NHÂN

                                                     Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hoàng Minh Tường

           
 
 Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi và đám tang của ông đã mấy ngày nay là đề tài bàn luận sôi nổi khắp cả nước. Các cựu chiến binh và người về hưu, những người từng có thời gian là “ lính Tướng Giáp” hoặc từng gặp gỡ Đại tướng,  càng có nhiều chuyện giãi bày.
            Ngẫm lại cuộc đời của Đại tướng, người ta bàn nhiều đến chữ “Nhẫn”.
            - Ông sống được với các đồng chí của mình cho đến tuổi Trời 103 là nhờ ông biết thờ chữ  “ Nhẫn”. Kiên nhẫn. Nhẫn nhịn. Nhẫn nại. Thậm chí  Nhẫn nhục.
            Mở đầu cuộc bàn luận trong  buổi thể dục sáng của các cụ về hưu trong khu dân cư của tôi, là chuyên đề về Tướng Giáp và chữ “Nhẫn” .
            - Chữ  “Nhẫn” trong chữ Hán gồm chữ “Đao” ở trên và chữ “Tâm” ở dưới. Đao thọc vào tim mà vẫn sống bình thường là người biết tự kiềm chế, biết nhẫn nhịn lắm - Một cụ nói.
            Cụ khác chữa lại:
            - Trong các loại từ điển Hán - Việt, từ Khang Hi tới Từ Hải, tới Đào Duy Anh đều giải thích: chữ “Nhẫn” gồm chữ “ Nhận”( chứ không phải “Đao” ở trên, chữ “Tâm” ở dưới. “Nhận” tức là mũi dao nhọn.
            Giáo sư  Nguyễn Đình Chú, nhà Hán học thâm thuý, nhà sư phạm tài danh, từ nãy chỉ tủm tỉm cười, giờ mới nói:
            - Không phải chữ “Nhận” mà cũng không chỉ có chữ “Đao”. Các vị nhìn tinh ý mới thấy một nét phẩy của bộ 丿“phiệt” dưới chữ  “Đao” không? Đó là chữ ()“Nghệ” ẩn. “ Nghệ” tức là tài giỏi, là trị vì, được dân yêu.Vậy chữ “Nhẫn” gồm ba chữ ,(),“Đao”, “Nghệ”, “Tâm” hợp thành. Giáo gươm đâm vào tim thì đau đớn, nhưng biết cách chế ngự, có tài nghệ vượt qua thì được dân tin, dân yêu…
            Mọi người gật gù tâm đắc, cho là kiến giải cao sâu.
            Một cụ nói:
            - Thế thì chữ “Nhẫn” này hợp với Đại tướng. Nhưng theo thiển ý của tôi, nếu nói về Ông thì chỉ một chữ “Nhân” , tức là chữ Người Viết Hoa là đủ …
            Đợi mọi người ra về, giáo sư Nguyễn Đình Chú kéo tôi lại, nói nhỏ:
            - Hôm qua hội 翹學“Kiều học” bọn mình vừa đến 30 Hoàng Diệu kính viếng Đại tướng. Người đến viếng đông hơn sức tưởng tượng. Ông biết mình đã ghi vào sổ tang thế nào không?
            - Dạ - Tôi không dám trả lời mà chú ý lắng nghe.
            - Tất nhiên ngoài cảm xúc tiếc thương, ngưỡng vọng, lúc ấy tôi chợt nghĩ đến những biến cố lịch sử của đất nước, như Cải cách ruộng đất; Nhân văn giai phẩm; Chiến dịch Mậu thân 1968; Thành cổ Quảng Trị 1972, Cải tạo tư sản ở miền Nam, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, phá nhà Quốc Hội, khai thác Bôxite ở Tây Nguyên  vv…, những sự kiện mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (武元甲大將) không được trực tiếp tham gia, hoặc bị vô hiệu hoá, hoặc có ý kiến không đồng tình... Tôi có viết một câu thế này: “ … Trong những công lao vĩ đại của Đại Tướng với Đất nước, còn có công lao này:  Ông là người đứng ngoài mọi sai lầm của lịch sử”.
            Tôi chắp hai tay lạy vị  giáo sư, hậu duệ của Đại công thần triều Lê, Nguyễn Xí , một nhà Hán học uyên thâm và mẫn tuệ bất chấp tuổi tám mươi.
                                                                           
         Hà Nội, 9/10/2013
              HMT       

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Bài học thuộc lòng ngày xưa...

ÓC VÀ TAY CHÂN

Óc ngồi điều khiển trên cao

Tay chân làm việc xiết bao nhọc nhằn
Một hôm tay bàn với chân
Chúng ta cực khổ phải cần đấu tranh
Tội chi để óc sai mình
Cần chi đến nó việc mình mình lo
Thế rồi hai chú tự do
Chân đi bừa bãi tay quờ lung tung
Chân vấp trẹo tay đụng sưng
Lại gây đổ bể tứ tung trong nhà

Chiêu Đăng.