Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

TRỞ THÀNH CÔ GIÁO THIỆN NGUYỆN

Câu chuyện thuyền nhân... ở trại tị nạn Pulau Bidong...
TRỞ THÀNH CÔ GIÁO THIỆN NGUYỆN
...
Chưa qua khỏi tuổi thơ... nhà tan, chúng tôi, không có thời mới lớn, tự động bước vào tuổi trưởng thành trước những khó khăn của Mẹ, vượt quá nỗi khổ của bà Tú Xương ở thế kỷ mười chín, vừa nuôi chồng trong tù cải tạo, vừa nuôi một bầy con dại còn ở Tiểu học hoặc ở những năm đầu Trung học. Từng đứa một, khi có điều kiện, Mẹ gởi chúng tôi ra đi.
Đến phiên tôi, Mẹ chỉ đưa được tôi ra bến xe liên tỉnh để đi Vũng Tàu. Cả hai mẹ con đều đội nón lá rộng vành để che những giọt nước mắt lã chã rơi không ngừng. Mẹ khóc nhiều hơn những lần đưa các anh em trai của tôi ra đi, vì tôi là con gái duy nhất trong nhà, thân gái dậm trường. Ngồi trên xe đò từ Saigon về Vũng Tàu, trong một góc xe đò, tôi úp nón lên mặt, để che đôi mắt sưng đỏ vì khóc của mình.
Gần một tuần lênh đênh trên đại dương, chỉ có trời và nước, xanh thẫm ban ngày, đen kịt ban đêm, không có cả một cánh chim, tôi nhớ Ba, nhớ Mẹ quay quắt, nhưng vẫn hài lòng với chọn lựa của mình. Hai ngày đầu, như mọi người trong lòng thuyền, tôi bị say sóng, nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là "mửa mật". Vậy mà chỉ hai ngày sau, quen dần với cảm giác bập bềnh của con thuyền nhỏ trước lực đẩy của nước ở đại dương, tôi tỉnh táo lại hoàn toàn với đầy đủ sinh lực của "tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu" mặc dù đã hai ngày không ăn uống. Khi thuyền ra hải phận quốc tế, chúng tôi được lên khoang thuyền hít thở không khí trong lành đầy vị mặn của đại dương, hình như có thoang thoảng mùi vị của tự do.
May mắn hơn những người tỵ nạn khác, chúng tôi đi bình yên, không gặp một thuyền nào khác. Trời êm biển lặng vào tháng sáu đầu mùa hè đưa chúng tôi đến thẳng đất liền của Mã Lai sau năm ngày sáu đêm lênh đênh trên biến.
Lên tới đất liền, cùng với chú lái tàu, tôi phải vận dụng vốn liếng tiếng Anh hạn chế đã tích lũy trong những tháng năm chuẩn bị vượt biên để giải thích cho nhân viên Cảnh sát Mã Lai biết chúng tôi là ai, tại sao chúng tôi đặt chân đến đây. Đó chỉ là lần đầu, một khởi đầu kéo dài mãi cho đến bây giờ, phải giải thích tương tự cho rất nhiều người khác nhau thuộc nhiều chủng tộc hiểu tại sao chúng tôi phải bỏ quê hương ra đi để sống đời lưu vong.
Những giờ phút đầu tiên trên đất liền, chúng tôi lại bị "say đất". Quen với trạng thái bồng bềnh, trôi nổi trên mặt nước; khi trở lại mặt đất bằng phẳng, mỗi lần đặt bước chân xuống, tôi có cảm giác mặt đất chao đảo như còn trên mặt sóng nhấp nhô. Sau hai ngày bận rộn với đủ thứ giấy tờ khai báo với cảnh sát địa phương Mã Lai, chúng tôi được đưa ra trại Pulau Bidong, trại tỵ nạn chính thức của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp quốc đặt trên lãnh thổ Malaysia để thành một người tỵ nạn chính thức có số căn cước thuyền nhân, chờ được phỏng vấn định cư ở một nước thứ ba. ...
Trại tỵ nạn Pulau Bidong đã được xây dựng tương đối đầy đủ khi chúng tôi đến đảo vào giữa thập niên 80, có đủ trường Tiểu học, Trung học cho trẻ em, trường huấn nghệ (Vocational School) cho người lớn, có thư viện, có cả Chùa, Nhà thờ trên "đồi tôn giáo", có Bệnh viện với cái tên khá ngộ nghĩnh và dễ nhớ là "Sick Bay". Chúng tôi được đón tiếp với những thùng mì ăn liền vĩ đại hãy còn bốc khói. ...
Lần đầu tiên ăn đồ cứu trợ, sống bằng lòng nhân đạo của người khác, một thân một mình ở trại tỵ nạn của một đất nước khác, nước mắt tôi lăn dài, nghĩ đến Ba vẫn đang mỏi mòn trong ngục tù cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc vẫn thiếu ăn, thiếu mặc; nghĩ đến Mẹ đang vò võ một mình ở nhà, chắc là vẫn đang cầu nguyện cho bầy con đã tứ tán mỗi đứa một quốc gia, một phương trời khác nhau, ở tuổi chưa đến hai mươi.
Tưởng là mình đã rất can đảm khi dám chấp nhận cảnh "thân gái dặm trường", không ngờ, ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, đến khu vực Cô nhi (Minor Refugees Residential Section), dành cho các em dưới mười sáu tuổi đến trại tỵ nạn một mình, tôi thấy em nhỏ nhất chỉ mới sáu tuổi.
Ở đó, có Hanh, chỉ mới mười một tuổi, thông minh, đầy cương nghị, có Bố đang bị "học tập cải tạo" - như Ba tôi - được Mẹ gởi đi vượt biển một mình trên một thuyền bị hải tặc, mọi người đói lả gần ba ngày trước khi đến được trại tỵ nạn. Ở trại tỵ nạn, cậu bé tuy mới mười một tuổi nhưng có sự khôn ngoan và nét chửng chạc cúa một người ngoài hai mươi học hành chăm chỉ, hết học Anh Văn lại quay qua học Toán, quanh quẩn cả ngày ở trường Trung học trên đảo Pulau Bidong.
Ở đó, có Huyên, một em gái mới mười ba tuổi, cả gia đình mất tích trên biển khi thuyền bị lật. Như một phép màu, Huyên bám được một thùng plastic rỗng, trôi nổi bồng bềnh giữa đại dương gần nửa ngày, trước khi được một tàu tỵ nạn khác đi ngang vớt lên. Người ta đã thấy cô bé Việt Nam nhỏ bé mắt nhắm nghiền, gần như hôn mê bất tĩnh. thân xác mỏng manh như chiếc lá khô, hai tay vẫn còn bám chặt cái thùng nhựa rỗng bồng bềnh trên đại dương.
Ở đó, có Việt, rất thâm trầm, dù mới mười lăm tuổi, nhà cửa bị tịch thu, Ba bị giam ở khám Chí Hòa vì "tội nhà giàu", Mẹ gởi em ra đi với nhà hàng xóm để thoát khỏi tương lai đen tối của giai cấp "tư sản mại bản".
Còn biết bao các em khác nữa. Mười một tháng sau đó ở Pulau Bidong, với vốn liếng Anh ngữ từ những năm ở trường Trung học, và những sách vở của thư viện trên đảo, tôi đã có cơ hội giúp cho UNHCR và cả các phái đoàn Mỹ, Canada, Úc trong việc thông dịch mỗi khi họ đến phỏng vấn thuyền nhân.
Mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác xót xa khi nhớ lại những lần thông dịch cho những người đàn bà, con gái Việt Nam bị làm nhục bởi hải tặc trên đường vượt biển, em nhỏ nhất chỉ mới mười hai tuổi. Hồi đó, Cao ủy trưởng Alan ở Pulau Bidong chỉ định tôi chuyên làm công việc thông dịch đàn bà con gái trong các cuộc phỏng vấn các thuyền vượt biển bị hải tặc. Đó là một công việc rất tế nhị và đầy xót xa. Đến một độ nào đó, nỗi đau vượt quá sức chịu đựng, người ta mất cảm giác. Nhiều người nữ thuyền nhân, mặt còn đầy nỗi kinh hoàng nhưng kể lại từng chi tiết ô nhục mà chính mình phải gánh chịu với giọng đều đều, thản nhiên, lạnh lùng như nói chuyện trời mưa, trời nắng, trong khi chính tôi và cô May, Cao ủy của UNHCR đã giọt ngắn giọt dài. Mỗi lần dịch hay viết xong một hồ sơ tàu tỵ nạn bị cướp, tay áo tôi ướt đẫm vì nước mắt. ...
Đó là khoảng thời gian rất bận rộn với công việc thông dịch ban ngày giúp cho nhân viên Cao ủy Tỵ nạn. Ban đêm, tôi còn dạy thiện nguyện cho các em , chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, ở trường Trung học trên trại Tỵ nạn. Trường chỉ dạy hai môn Anh văn và Toán. Sách học là những quyển sách đơn giản tương đương trình độ của bộ "English for Today" quyển I đến quyển III. Trước ngày ra đi, tôi chỉ mới học xong quyển IV ở Việt Nam , nhưng nhờ làm việc, tiếp xúc nhiều với các nhân viên UNHCR, và bằng long thương yêu các em chân thành như em ruột của chính mình, tôi mang hết kiến thức và hiểu biết của mình truyền lại cho các em, mặc dù tôi chưa hề được qua một trường lớp nào về Sư phạm. Chúng tôi, những người dạy thiện nguyện ở trường Trung hoc, vẫn đùa với nhau là mình đã theo một "trường phái sư phạm mới", lối dạy "mèo nhỏ tha chuột lớn".
Có lần, giải nghĩa cho các em một từ mới, "dignity" - có nghĩa là phẩm giá - tôi không biết làm thế nào để giảng cho các em hiểu, đành viết lên bằng câu thí dụ "We lost everything, but never lose our dignity". Viết đến đó, tự dưng nước mắt tôi lăn dài, các em ở tuổi mười bốn, mười lăm lúc đó cũng khóc theo. Những giọt nước mắt đó vẫn còn đọng trong tâm khảm tôi cho đến bây giờ, cùng có niềm tin ở một thế hệ trẻ lưu vong có đầy đủ đầu óc và trái tim Chắc chắn, các em học sinh lúc đó, trên bước đường tha hương sau này, sẽ nhớ và hiểu nghĩa chữ "dignity" hơn ai hết, và các em sẽ sống xứng đáng với lòng kỳ vọng của thân sinh các em, khi Ba Mẹ các em đã phải đứt ruột gởi con ra biển một mình.
...
...
NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG
( Trích đoạn trong bài "Vượt Biển Một Mình" của Nguyễn Trần Diệu Hương đăng trên https://ngoquyen.org/…/nguyen-tran-dieu-huong-chung-va-rien…)

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. (Ca dao)
TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO
Gia đình tôi hồi đó cùng nhiều người đi lên vùng kinh tế mới hẻo lánh xa xôi, xung quanh là rừng núi bạt ngàn. Người lớn có vẻ lo lắng trước tương lai bất định nhưng với bọn trẻ chúng tôi khung cảnh ấy thật giống thiên đường. Mỗi ngày buổi sáng đi học, chiều theo cha mẹ vào rẫy, khi rảnh rỗi thì xách ná vào rừng bắn chim hoặc vác cần câu ra suối. Rừng hồi đó chưa bị tàn phá nên rất đẹp và nên thơ...
Trường học cấp hai của chúng tôi nằm kề ủy ban nhân dân xã được xây dựng bằng sự góp sức của phụ huynh học sinh: nộp vật liệu tre, gỗ và công lao động. Các thầy cô giáo đa số tuổi từ 21-25, thầy hiệu trưởng “già” nhất cũng chỉ mới ngoài 30 tuổi. Đôi khi nhớ lại thấy thương các thầy cô hồi đó vô cùng. Tuổi thanh xuân của các Người trôi qua lặng lẽ trong cảnh thiếu thốn mọi bề. Duy có điều này an ủi: hầu hết phụ huynh đều giữ tinh thần tôn sư trọng đạo, rất lễ phép với các thầy cô dù lớn tuổi hơn các thầy cô nhiều.
Tôi nhớ một lần hình như là chiều thứ sáu, tôi được lệnh về báo cho ba mẹ biết cuối tuần thầy cô sẽ ghé thăm. Nghe tin ba tôi quyết định chiều thứ bảy không ra đồng để ở nhà đón tiếp. Mẹ tôi giặt lại chiếc chiếu cũ để trải trên sập cho thầy cô ngồi. Ba tôi nói chuyện với thầy cô một tiếng là dạ hai tiếng là thưa. Tôi thì đứng xớ rớ ở góc bếp coi giữ cho ấm nước luôn nóng để pha trà thêm. Thỉnh thoảng nghe thầy nói với ba là tôi học giỏi mà thấy sướng …
...
(Trích trên https://nguoitoicuumang.com/…/1045-mua-n-sang-thi-ba-c-ca-u…)
*** / ***
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc Cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Hai câu trên rõ ra lời ru con - lời ca dao yêu thương, ngậm ngùi, kể lể. Mẹ bồng con đi dọc bờ sông vắng. Muốn sang sông nhưng: "Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo". Mẹ than cùng con, mẹ than đời mẹ. Giọng giãi bày, nghẹn ngào, ấm ức.
Hai câu dưới, hiển nhiên là tục ngữ nối theo, kết tinh bao trải nghiệm đắng cay suốt cuộc đời nổi nênh của mẹ. Có người hiểu câu 3: muốn sang trọng thì bắc cầu đẹp (lộng lẫy). Một số ý kiến khác: muốn sang (qua) sông thì phải bắc (làm) cầu để qua. Đặt trong vǎn mạch cả 4 câu. Chúng tôi nghiêng về cách kiểu thứ 2. Từ "sang" (động từ ) ở câu này đồng nghĩa cùng loại với từ "sang" trong câu đầu. Bởi mơ ước suốt đời của rmẹ là đứa con được sang bờ bên kia, vượt thoát dòng sông mênh mông đói nghèo, dốt nát.
......
"Cầu Kiều" là chiếc cầu cao ("kiều", tiếng cổ còn có nghĩa là "cao") để cho đò dọc, đò ngang đều qua lại được. Cần phải cao, chắc để con bước lên đường học tập vững vàng.
.....
(Trần Hồng Quang - Vǎn Đường _ Về một lời ru chia ba_ hanoi.vnn.vn)
*** / ***
Câu ca dao trên rất nhiều người đã biết.
Nếu đọc rồi hiểu theo nghĩa của từng chữ thì sẽ có 2 cách hiểu khác nhau: sang là động từ và sang là tính từ. Lướt sơ trên mạng cũng thấy nhiều bài viết nêu ra hai cách hiểu đó bởi nhiều tác giả, có vị là giáo sư nữa. Đó là điểm đáng buồn vì cứ theo cái đà này mai mốt đọc ca dao chỉ toàn là đoán nghĩa thôi. Trong khi lẽ ra, dù có bao nhiêu cách hiểu đi nữa thì cũng phải chọn một vì tác giả không sáng tác ra để ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tất nhiên là chỉ có một cách hiểu đúng ý tác giả.
Những người hiểu “sang” là “đi qua” dựa vào hai cơ sở sau: thứ nhất, họ cho rằng qua sông ở đây giống như vượt qua một bến mê còn con người thì cần phải học mới sống tốt được; thứ hai, họ dựa vào hai câu trước của bài ca dao: “Bồng bồng mẹ bế con sang/ Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo/ Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”. Rõ ràng chữ sang trong câu thứ nhất có nghĩa là “đi qua” nên chữ sang trong câu thứ ba cũng phải như thế chứ không thể khác.
Nhưng sự thật thì không phải như thế.
Ngày xưa dưới thời phong kiến, “Sĩ Nông Công Thương” là 4 giai cấp trong xã hội trong đó Sĩ là cao quý nhất. Cái học được coi trọng vì người học giỏi thường ra làm quan. Cái “sang” đi theo sự đỗ đạt một cách hiển nhiên nên mới có “vinh qui bái tổ” hay “ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau”.
...
(Trích theo HMHai đăng trên https://nguoitoicuumang.com/)

TRƯỜNG TÌNH THƯƠNG VINH SƠN

Ở Ban Mê Thuột... có một nơi dành cho những em thiếu nhi cơ nhỡ, gia đình nghèo...
TRƯỜNG TÌNH THƯƠNG VINH SƠN
Nằm gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), hơn 20 năm qua, Trường tiểu học tình thương Vinh Sơn (do Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn thành lập và điều hành) là nơi gieo mầm và vun đắp ước mơ của nhiều em nhỏ.
Chúng tôi đến trường vào một buổi chiều muộn những ngày cuối năm học. Dạo quanh một vòng, dì Anna Phạm Thị Bích Nga, phụ trách trường tình thương thoáng chốc lại chỉ tay và kể về hoàn cảnh của từng em: đứa là người dân tộc, đứa mồ côi cha mẹ, đứa khác gia đình khó khăn... Tất cả có một điểm chung là gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi việc học. Thay vì được đến trường như chúng bạn, chúng ngày ngày phải bươn chải kiếm sống và phụ gia đình với những công việc như nhặt ve chai, bán vé số, đánh giày…
...
Ngoài dạy các môn văn hóa theo chương trình, trường tình thương Vinh Sơn còn chú trọng đào tạo về đạo đức, nhân bản, lễ giáo bằng những tiết học riêng để giúp các em sống tốt, biết yêu thương nâng đỡ nhau, cùng chung tay bảo vệ môi trường. Dù nguồn kinh phí còn eo hẹp nhưng vào mỗi dịp lễ tết, nhà trường vẫn tổ chức cho các em vui chơi với nhiều hoạt động đa dạng cũng như các chương trình ẩm thực phong phú, những em cuối cấp còn được đi dã ngoại.
Được chăm sóc bằng tình thương, dạy dỗ với tất cả sự nhiệt tình nên học sinh ở trường rất cố gắng và chăm ngoan. Các em cũng được dạy rằng việc học tập là con đường giúp thăng tiến cho bản thân và gia đình. Nhà trường trở nên một nơi chốn thân thương, gắn bó nên nhiều đứa khi lên cấp hai vẫn thường xuyên về thăm trường...
Phần lớn giáo viên của trường đều là những người gắn bó lâu năm. Điều đáng quý là ngoài những người dạy học ăn lương, còn có các thầy cô, đa phần là giáo viên về hưu, sẵn sàng gác lại công việc cũng như những lời mời cộng tác với mức lương tương đối, đến đây dạy học miễn phí. Tất cả phát xuất từ tình thương. “Giúp các em được giáo dục đủ đầy, cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống, với chúng tôi, như vậy đã mãn nguyện”, cô Hà gắn bó với trường từ nhiều năm nay chia sẻ.
...
Trường tình thương Vinh Sơn giống như một gia đình ấm cúng!
PHÚ THỊNH

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

TẤM LÒNG VỊ CHỦ TRÌ CHÙA BỬU THẮNG

Ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh ĐăkLăk có một nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh...
TẤM LÒNG VỊ CHỦ TRÌ CHÙA BỬU THẮNG
Chùa Bửu Thắng nằm tọa lạc tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, được nhiều người biết là nơi che nắng, che mưa của những mảnh đời cùng cực, bất hạnh. Bên trong đó là tấm lòng bác ái của sư cô Thích Nữ Huệ Hướng (SN 1961), trụ trì chùa Bửu Thắng.
Sư cô Thích Nữ Huệ Hướng cho biết, bản thân mình có duyên gắn bó với những mảnh đời bất hạnh là do trước đây sư cô cũng là một đứa trẻ mồ côi, bố mẹ đã rời xa cô vì bom đạn chiến tranh. Một mình còn lại trên cõi đời nên cô thấu hiểu được sự cô đơn, tủi khổ thiếu thốn tình cảm của gia đình. Chính vì vậy, năm 30 tuổi cô xuất gia đi tu và nhận nuôi những hoàn cảnh éo le mà mình gặp được.
Từ ngày đó, sư cô luôn dang rộng vòng tay để chào đón những đứa trẻ bất hạnh, không nơi nương tựa. Như trường hợp của bé Mỹ, sau khi ba mất đi, mẹ bị điên loạn, 5 chị em Mỹ côi cút, không ai chăm sóc nên được chính quyền đưa về chùa Bửu Thắng nương nhờ chốn cửa Phật. Tại đây, sư cô chăm sóc rồi cho các em đi học. Hiện nay, 5 chị em Mỹ đã trưởng thành và có thể tự lo cho cuộc sống của mình.
Theo sư cô Huệ Hướng, có những đứa trẻ lành lặn, kháu khỉnh nhưng vẫn bị những bậc làm cha, làm mẹ ruồng bỏ khi chỉ mới vài ngày tuổi. Rồi nhiều trường hợp các em bị khuyết tật nên gia đình nhẫn tâm bỏ rơi. Như trường hợp của cháu H.T.P không có hai tay nên bị gia đình bỏ lại tại một vườn cà phê. Sau đó, người dân phát hiện được và đưa về chùa nhờ sư cô chăm sóc.
“Lúc mới đưa về, cơ thể cháu rất yếu nên thường xuyên phải vào bệnh viện thăm khám. Nay đã lên 3, cháu đã ổn định về sức khỏe nên rất ngoan và đáng yêu”, sư cô Huệ Hướng tâm sự.
Không được may mắn bằng cháu P., cháu H.P.H sau khi bị người nhà bỏ rơi trước cổng chùa thì mọi người vô cùng xót xa khi hay tin cháu mắc căn bệnh não úng tủy, mù cả hai con mắt.
Đến nay, sau quá trình chữa trị 10 năm, mọi sinh hoạt của H. vẫn diễn ra tại chỗ. Cháu H. không thể nói, thậm chí vẫn phải ăn cơm xay. Gần đây, sư cô còn nhận một trường hợp tương tự cháu H., nhưng đi khắp các bệnh viện, bác sĩ đều lắc đầu trước căn bệnh quái ác. Không chùn chân, sư cô vẫn đưa cháu bé về chùa nuôi dưỡng suốt 2 tháng qua.
Không chỉ nuôi dưỡng những đứa trẻ, sư cô còn chăm sóc những người già neo đơn, không nơi nương tựa. Như trường hợp của cụ Khoai, do đi lạc và không nhớ đường về nên đã bị một người dân mang về làm nương rẫy. Đến khi sức khỏe cụ yếu, người này đưa cụ về chùa rồi bỏ đi. Đồng cảm với nổi cơ cực của cụ, sư cô đã báo chính quyền và đưa cụ về phụng dưỡng như bố mẹ của mình. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh tâm thần, bị bại não, tim, đao… cũng được sư cô đón nhận vào chùa.
Tính đến nay, chùa Bửu Thắng đã nhận hơn 210 hoàn cảnh bất hạnh về chăm sóc. Hàng tuần, các bác sĩ đều đến để thăm khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, người già và những người bị bệnh tâm thần. Cùng với đó, để tiện cho các em học chữ, sư cô đã xây dựng các lớp học từ mẫu giáo đến cấp 3 ngay trong chùa.
Chăm sóc những người bình thường đã khó, đối với trẻ em, người già, người bị tâm thần lại càng khó khăn gấp trăm lần. Nhưng với cái tâm, tình yêu thương vô bờ bến đã giúp những sư cô trong chùa Bửu Thắng vững tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đưa nhiều em nhỏ đến gần hơn với cánh cửa Đại học, trưởng thành ngoài xã hội và có những gia đình thực sự.
...
TRANG ANH
(Theo Đời sống & Pháp lý)

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

BUÔN BỊ BỎ RƠI! * Amai H'Blan

Xứ Thượng... ở vùng đất Cheo Reo, Phú Bổn...
BUÔN BỊ BỎ RƠI!
* Amai H'Blan
Phùm Gi cách buôn Nu khoảng sáu cây số thôi nhưng có tới hai kiểu đường. Hai cây số đầu là đường nhựa láng o, khoảng bốn cây số sau thì lởm chởm đá, ổ gà và mịt mù bụi bặm. Buôn nằm cạnh quốc lộ 25, bên cạnh con đường rách nát y như bản thân mình vậy. Đi ngang qua nhìn vào buôn, sẽ thấy những ngôi nhà sàn nhỏ bé đứng cạnh nhau, rúm ró, buồn bã và nín nhịn. Cả buôn có khoảng 70 nóc nhà. 99% là người Jrai và một gia đình người Kinh đến bán tạp hóa giữa làng. Những buôn khác gọi Phùm Gi là dân Israel. Trong Kinh Thánh, dân Israel là dân riêng của Chúa, là dân được Chúa tuyển chọn. Còn ở đây, Israel tức là dân bị bỏ rơi. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì ngày xưa, những người vi phạm luật lệ của buôn Nu sau khi bị đuổi ra khỏi buôn (hình phạt nặng nhất của người Jrai) đã tụ về đây và gầy dựng nên buôn này.
Vì nguồn gốc bất hảo ấy, nên Phùm Gi nằm tách biệt ra hẳn mọi buôn khác. Mặt quay hướng nam nhìn về những buôn anh em như nuối tiếc, còn lưng thì tựa vào dãy đèo Tôna cao vút bên dòng sông Pa. Mấy năm trước, người dân của các buôn gần đấy còn rất sợ Phùm Gi đến mức chỉ cần nghe thấy tên là họ đã lảng tránh đi nơi khác, không muốn nói chuyện. Họ sợ vì họ cho rằng Phùm Gi là hang ổ của trộm cắp, bùa chú và đủ thứ xấu xa khác. Có phải vì quá khứ xa xưa nên trông Phùm Gi cứ đìu hiu lặng lẽ một mình? Hay vì bóng hình cao lớn của dãy núi sau lưng mà Phùm Gi đã nhỏ bé, lại càng nhỏ bé hơn? Nơi đây không có chợ búa hay nhà thuốc gì cả. Muốn mua gì, họ phải đi vào Ia R’siơm cách đó chừng bảy cây số. Bán cái gì cũng rẻ hơn vài giá so với nơi khác.
Giữa buôn có trường làng, chỉ một phòng học. Lớp một học buổi sáng. Lớp hai học buổi chiều. Lên lớp ba thì qua học ké Phùm Ang cách đó chừng hai cây số. Lên lớp sáu thì phải vào Ia R’siơm học. Cả buôn từ trước đến nay chưa có ai tốt nghiệp lớp 12.
Cũng như những buôn khác, Phùm Gi sống bằng nghề nông. Trước kia họ trồng lúa, còn bây giờ chuyển qua trồng mì vì mì có giá hơn. Họ cũng trồng thêm lúa, mè, bắp, hột dưa và nuôi bò dê tăng thu nhập. Nương rẫy Phùm Gi nằm bên kia sông pa, dưới dãy núi cao ngất, vì đất bên này bán cho người Kinh hết rồi. Muốn lên rẫy, họ phải vượt sông bằng chiếc ghe nhỏ, hai tay hai mái chèo bơi đi như vịt, trông rất nguy hiểm. Rẫy xa, bố mẹ đi làm từ sáng đến chiều mới về, mấy đứa nhỏ ở nhà tự tìm cái ăn. Nấu cơm được thì ăn, không thì chạy qua nhà hàng xóm ăn ké. Có bữa tôi thấy tụi nhỏ ăn xoài trừ cơm. Bí quá không kiếm được cái gì bỏ vào miệng thì nhịn. Ăn uống thất thường, thiếu chất, nên đứa nào đứa nấy cũng bụng ỏng đít beo, không lớn lên được mà cứ quắt lại. Người Jrai thương con vô cùng nhưng lại không biết cách chăm sóc con cái. Họ để quần áo chúng rách rưới, đầu tóc dơ bẩn, mặt mày lem luốc. Mỗi chiều tắm xong, đám trẻ đứng trên những tảng đá cao ngóng bố mẹ từ bờ bên kia chèo về như những con chiên lạc không người chăn dắt.
Cả Phùm Gi không có lấy một cái giếng. Đất nơi đây toàn đá, đào giếng rất cực mà chẳng có nước, nên tất cả mọi sinh hoạt đều dùng nước sông Pa. Sáng sáng, trước khi lên nương, những cô gái trong buôn đeo gùi ra sông lấy nước. Họ vét một hố cát, ngồi chờ nước thấm vào, rồi múc từng gáo nước đổ vào quả bầu khô gùi về nhà. Nước để nguyên trong quả bầu, không nấu nướng gì hết. Khi nào uống cứ việc xách quả bầu lên tu một hơi căng bụng đã đời. Ai chịu khó hơn thì chèo thuyền qua sông, tìm tới những con suối trên núi. Người ta nói nước suối uống ngon nhất, sau đó mới tới nước sông, nước giếng xếp hạng ba.
Cứ chiều đến, tôi lại ra sông nhìn người dân từ bờ bên kia chèo thuyền về. Nắng vàng trải xuống lòng sông sóng sánh như lụa. Trời cao xanh. Núi ngút ngàn. Cảnh tượng trông bình yên đến lạ. Con nít giờ đó cũng ra sông tắm rửa, mong ngóng bố mẹ. Phụ nữ tranh thủ lấy nước, giặt giũ quần áo. Bến sông trở nên nhộn nhịp hẳn. Cũng ở đây, tôi nghe người dân kể về sông Pa với giọng điệu tiếc nuối. Họ nói: “Ngày trước sông Pa trong xanh lắm, lại có nhiều cá nữa. Gần đây có một cái thác rất đẹp gọi là thác tiên. Bây giờ thì hết rồi”. Mấy năm trở lại đây, sông Pa bắt đầu đục ngầu vì ô nhiễm, nhưng người dân đâu còn cách nào khác là cứ phải tiếp tục uống thứ nước đó. Nguồn nước ô nhiễm kéo theo bệnh tật. Viêm khớp, đau thận, đau bao tử là những bệnh ít người thoát được. Theo họ, thà chết từ từ vì bệnh còn hơn là chết ngay tại chỗ vì khát.
Trong buôn hầu như không có người già bởi lẽ đâu ai sống thọ tới 60. Phân nửa học trò của tôi mồ côi cha hoặc mẹ từ khi còn rất nhỏ. Trước kia, khi còn rừng, người Jrai không cần tới những viên thuốc Tây của người Kinh. Trong rừng đầy thảo dược, lúc bị đau, họ chỉ việc đi ra rừng tìm loại cây chữa bệnh đó đem về. Tùy loại bệnh mà ăn, sắc nước hay đắp. Họ rành thảo dược như ta bây giờ ra tiệm mua thuốc vậy. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Rừng chẳng còn và thảo dược cũng hết luôn...
Cuộc sống của họ nếu cứ thế trôi qua thì cũng đã bần cùng lắm rồi. Thế mà một ngày kia... Công ty Hoàng Anh Gia Lai lập dự án xây thủy điện. Để có đất xây thủy điện, chính quyền lấy đất của dân lại mà không hề đền bù một xu, rồi bán lại cho Hoàng Anh Gia Lai. Kết quả, dự án đó nuốt hết một nửa buôn Phùm Gi và nuốt luôn cả sự linh thiêng ở đây.
...
...
Amai H'Blan

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

MÙA HOA DÃ QUỲ

Đường vào Buôn Trấp... hoa báo đông đã khoe sắc vàng...
MÙA HOA DÃ QUỲ
Ban mê rực rỡ dã quỳ
Hóa thành bức họa tình si riêng người
Vàng hoa để lại cho đời
Nửa nghiêng bóng núi, nửa vời đam mê
Kim Hương (thbmt 67-74)
*** / ***
Nghe đâu trong không khí mùi ngai ngái của hoa dã quỳ – hoa báo đông chỉ nở duy nhất một lần trong năm, hoa nở vàng rực rỡ, mạnh mẽ ven đường, trong nương rẫy như chính cái tên của hoa, một màu vàng quyến rũ đến mê say.
Lại đến mùa hoa dã quỳ hay còn gọi cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại, hướng dương Mexico, cúc Nitobe… là loài thực vật trong họ cúc nở rực rỡ hai bên đường quốc lộ, hay trồng làm hàng rào vào nương rẫy.
Những nơi khác mùa đông thường buồn bã, cành cây khô khẳng khiu trong gió nhưng mùa đông cao nguyên Ban Mê vàng rực rỡ trên các triền đồi và nẻo đường quê. Mùa Dã Quỳ ra hoa báo hiệu mùa khô đã tới, cánh hoa màu vàng cam tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy của nàng H’linh dành cho chàng K’lang.
(Trích theo "Ban mê mùa hoa cỏ" của KALLABMT đăng trênyourfashionyourway.wordpress.com)
Du khách ưa ngắm dã quỳ trong khung cảnh hùng vĩ và thơ mộng, cao nguyên đất đỏ Buôn Ma Thuột sẽ là lựa chọn tuyệt vời. Hoa dã quỳ vùng này vào mùa “trễ” hơn Đà Lạt, thường nở rộ vào tầm giữa tháng 11 và có thể kéo dài cho đến tận tháng 2 của năm sau. Trên con đường dẫn đến vùng đất cao nguyên đầy nắng gió này, hoa dã quỳ mọc chen chúc thành những cánh đồng, mỗi khi gió thổi, từng lớp từng lớp sóng hoa cuồn cuộn, dập dờn xô nhau tạo nên cảnh tượng rất khó quên. Sắc hoa vàng ruộm trong nắng trong và nhẹ, vừa kiêu sa lộng lẫy vừa hoang dại, cuồng nhiệt khiến người ngắm không khỏi choáng ngợp, say mê. Mùa này, thời tiết Buôn Ma Thuột dịu mát, phảng phất những cơn mưa nhẹ cuối chiều, thích hợp cho các chuyến du ngoạn. Đến đây, du khách còn bị buốn hút bởi những con sông, những dòng thác hùng vĩ ẩn hiện trong rừng già huyền bí với những cái tên đã trở thành huyền thoại của đại ngàn như thác Dray Nur, Dray Sap…

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

CÂY SEN ĐẤT

Đêm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen (Ca dao)
CÂY SEN ĐẤT
Hiện ở chùa Bối Khê có 3 cây sen đất, 1 cây tổ cao chừng 5m, trồng cạnh Hậu cung thờ Thánh và 2 cây con cao khoảng 2m được chiết từ cây tổ và trồng gần Tam quan. Cây sen đất thân mộc. Lá cây mặt trên xanh bóng, mặt dưới có lông mịn màu nâu nhạt. Hoa sen đất từ khi đơm nụ đến khi bung cánh đều có hình dáng rất giống với hoa sen nước. Mùa hoa sen khoảng từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch, hoa nở 1-2 tuần mới tàn và có mùi thơm. Đứng dưới gốc cây, có thể ngửi thấy mùi thơm rất dễ chịu.
Không ai biết chính xác cây sen tổ được trồng từ khi nào. Theo lời người bảo vệ già trong chùa thì khi ông sinh ra, trong khuôn viên chùa đã có sự hiện diện của loài sen kỳ lạ này. Những người già trong làng truyền lại rằng cây sen tổ có nguồn gốc từ nước ngoài, được những người dân trong vùng đi buôn bán ở nơi xa đưa về trồng trong chùa.
Người dân Việt Nam đã quen thuộc với câu ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Trong khi hầu hết mọi người cho rằng “cành hoa sen” đó chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng phong phú cho câu ca thêm phần lãng mạn, bởi hoa sen làm gì có cành; thì người dân làng Bối Khê lại tin rằng cành hoa sen được nhắc tới trong câu ca dao chính là cành cây sen đất trong khuôn viên chùa.
Trên báo chí đã có ý kiến cho rằng cây sen đất thực ra không phải là cây hoa sen (lotus) mà là cây mộc lan (magnolia) thường gặp ở xứ lạnh...
(Trích từ SonTM (Tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau) đăng trênhttp://www.studentkgu.vn/)
***/***
Nghệ thuật khác xa hiện thực
...
- “Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng/ Ước gì anh lấy được nàng...”. Thực tế có đám mây nào màu sắc, hình thù như vậy không?
- “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”. Đang bận bịu như vậy, sao phải chạy lên chùa “bẻ một cành sen” rồi mới về ăn cơm, đi cấy?
...
- “Gần nhà mà chẳng sang chơi/ Để anh bắc ngọn mồng tơi làm cầu”. Có loại “mồng tơi” thân gỗ có thể bắc cầu không?
Trong ca dao - dân ca, có các “thể” như: phú, tỉ, hứng. Phần lớn những câu mở đầu chỉ mang tính chất đặt vấn đề, mở đầu cho việc thổ lộ tâm tình, đôi khi bỏ qua tính logic của hiện thực. Tính tượng trưng, ước lệ đến mức phi thực tế không chỉ thấy trong văn học dân gian mà còn có cả trong văn học nghệ thuật thành văn.
...
Chỉ là cái cớ
...
Có thể nói 2 câu “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” chỉ là cái cớ để chàng trai bắt chuyện, thổ lộ tình cảm với cô thôn nữ mà mình đã thầm yêu trộm nhớ; đồng thời, nhân đó tự giới thiệu “lý lịch bản thân” một cách hết sức tự nhiên: anh đây người yêu lao động; cần cù một nắng hai sương; hãy còn chưa vợ; nhà có mẹ già... Cái khôn khéo của chàng trai là mở đầu bằng chuyện đi tìm áo nhưng đã không khiến cô gái phải chú ý, bận lòng vào “chiếc áo” giả tưởng kia, để rồi chàng tiếp tục ướm hỏi, “đi xa” hơn nữa...
Một khi chuyện “bỏ quên chiếc áo” không có thật thì cớ gì phải băn khoăn đi tìm loại “cành hoa sen” có đủ độ cứng để có thể vắt được chiếc áo?
(Trích theo "Tìm “cành hoa sen” mà chi!" của HOÀNG TUẤN CÔNG đăng trên https://myweb.pro.vn/thoi-bao-hom-n…/tim-canh-hoa-sen-ma-chi)

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

CA DAO HAY THƠ BÀNG BÁ LÂN

Vẻ đẹp của ca dao..." hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi "...
CA DAO HAY THƠ BÀNG BÁ LÂN
...
Trăng Quê
Trời cao , mây bạc , trăng tròn
đê than hiu quạnh , tre buồn nỉ non
diều ai gọi gió véo von
cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
...
Bàng Bá Lân có thể tự hào là một trong những nhà thơ Việt Nam đầu tiên biết hưởng thú quê .
Hai câu kết của bài Trăng quê ở trên , lâu nay đã được dân gian hóa thành ca dao :
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Như ta đã biết : ca dao là thơ dân gian , có nội dung trữ tình (và trào phúng) , ta có thể hát , ngâm , đọc ... ở câu thơ này chữ "ánh" xem ra có vẻ phi lý , nhưng nó lại làm cho hình tượng thơ đẹp hẳn lên - mà đẹp lại là tuyệt đỉnh của thơ.
Có ý kiến cho rằng thêm chứ "ánh" làm non hẳn bài thơ , nhưng còn giữ được chữ múc nghĩa là còn giữ được gần trọn thi vị hai câu thơ này .
Tất cả duyên dáng và thi vị là ở chữ múc và đổ , nó giúp ta hình dung được những động tác ( tát nước đêm) , gợi cho ta cái tiếng xịch xòm . Bài thơ bốn câu trên là tả cảnh sáng trăng ở thôn quê để xuống dưới có thể hạ chữ múc trăng mà không đột ngột . Chữ lại tỏ ý trách móc: Trăng đẹp thế mà sao cô lại vô tình múc đổ đi ?
Ta hãy trở lại xem xét hai câu thơ độc đáo này
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc ....?
đọc đến đây , theo tư duy thuận chiều là đã tát nước ở câu lục (6) , nên ta dễ nghĩ vế tiếp theo chữ múc thường hạ chữ nước - Thế nhưng nhà thơ đã không viết xuôi như vậy mà là : trăng vàng đổ đi ?
thì có sự vênh hẳn khỏi sự đoán trước thông thường, Bàng Bá Lân đã dùng trăng vàng đặt đắc địa vào chỗ vốn là của nước , làm cho sự ước đoán (của bạn đọc) bị hẫng - và do đó lượng thông tin dành cho từ này thật là to lớn , chúng ta (bạn đọc) thì bị bất ngờ và cái kết hợp giả định đó (múc + trăng vàng) đã cho ta sự hứng khởi (hồn chữ có cánh) để thưởng thức một hình tượng thơ Đẹp của một sự mới mẻ múc trăng vàng - một cảm xúc đầy tính thẩm mỹ của thơ.
Bàng Bá Lân , Nguyễn Nhược Pháp đều đã đi vào thiên cổ , nhưng thơ còn mãi với đời ... theo lẽ công bằng thì: " Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar " 4 chữ múc ánh trăng vàng , vừa là của nhà thơ vừa là của dân gian , Đẹp - để cho ta bâng khuâng với hồn dân tộc , âu cũng là cái độc đáo của Thơ Việt nam là thế chăng?
Góc thành Nam Hà Nội ngày 26-12-2006
NGUYỄN KHÔI
(Đình Bảng)

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

BÀ MẸ QUÊ *Phạm Duy

Bà mẹ quê Buôn Trấp... mùa lũ...
BÀ MẸ QUÊ
*Phạm Duy
Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu
Bà bà mẹ quê !
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê !
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười con, và đồng quà ngon.
Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều nắng nhiều thì phơi lúa ra
Bà bà mẹ quê ! Đêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê ! Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.
Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà, cháu bà ngủ ngon giấc say.
Bà bà mẹ quê !
Chân bước ra đời cõi xa
Bà bà mẹ quê !
Từ lúc quê hương xóa nhòa
Nhớ về miền quê, mà giọt lệ sa
Phạm Duy.
...
*Ca sĩ Như Quỳnh thể hiện https://nhac.vn/ba-me-que-nhu-quynh-sowX8Kv
...
*Ca sĩ Ánh Tuyết :
Tôi nhớ, ngày bé thơ, mới học lớp 2, lớp 3, tôi đã nghêu ngao hát Tình hoài hương của nhạc sĩ Phạm Duy. Những bài hát của ông đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương trong tâm hồn bé thơ của tôi.
Đó là quê hương với những điều bình dị nhất, gần gũi nhất: là những luống rau, là con đường làng, hình ảnh người nông dân úp mặt xuống ruộng, là những bà mẹ quê, là em bé với đàn trâu…
Tôi đã nghe những ca khúc Tình ca, Bà mẹ quê, Em bé quê… và lớn lên cùng với những ca khúc ấy.