Nhớ về núi rừng ngày ấy...
KÝ ỨC KHOAI MÀI
Tôi còn nhớ như in cảnh cả nhà ngồi há miệng nghe chính cậu em tôi là thanh niên xung phong trở về từ Đắc Lắc sau đợt đi khai hoang chuẩn bị đưa dân lập vùng kinh tế mới kể chuyện.
Chuyện hấp dẫn y như trong trong truyện phiêu lưu với những cánh rừng bất tận đủ các loại cây, với cỏ hoa muông thú đủ sắc màu, cả những hiểm nguy rình rập. Mấy chị em gái phục lăn khi nghe một thư sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 ốm o trói gà không chặt kể việc đốn cây dựng nhà, phát rẫy khai nương, chuyện sinh hoạt văn nghệ bên đống lửa đốt giữa rừng già và cả chuyện vất vả nhọc nhằn ốm đau bệnh tật. Thích nhất là cảnh cả tiểu đội hì hụi đào khoai mài, đào mãi đào mãi và cuối cùng “rinh” lên một củ bự chác dài hơn cả mét để lại một hố sâu quá đầu hay cảnh mọi người nhốn nháo vì tiếng cọp gầm vọng lại quên cả mớ sắn vùi trong lửa cháy khét. Cứ như mình là người trong cuộc, các em tôi không ngớt xuýt xoa.
Tôi cũng nhớ như in cảnh thành phố Huế nô nức, bịn rịn tiễn những gia đình vào Đắc Lắc xây dựng vùng kinh tế mới cuối xuân 1977...
(Trích trong "Có một Phú Xuân..." của Tôn Nữ Ngọc Hoa đăng trên http://tapchisonghuong.com.vn/)
---oOo---
...
Ngày trước đói, cả bản, cả mường, không ai là không vào rừng để đào khoai mài ăn trừ bữa. Những hố khoai mài ở trong rừng có khi sâu đến lút đầu người… đã tạo nên ký ức đói nghèo của một thời, không bao giờ có thể quên được. Ký ức sống nhờ rừng, sống dựa vào rừng là chính, gắn bó với rừng mật thiết hệt như cá với nước vậy!
...
Người đi đào khoai mài bây giờ phải gói cơm đi rừng rất xa, tìm kiếm và đào suốt cả ngày, may lắm cũng chỉ được chừng ba, bốn cân khoai là hết sức rồi. Ba, bốn cân khoai mài đem ra chợ bán, không cần tiếp thị mời mọc, người ta cũng tranh nhau mua.
...
...rằng chỉ vài năm nữa thôi là khoai mài trong rừng sẽ hết sạch, nó không còn gốc để lên mầm nữa. Nhưng con người thì cứ muốn ăn khoai mài mãi mãi, vì nó ngon, bổ…
(Trích theo "Ký ức khoai mài" của Thái Tâm đăng trên báo Nghệ An)
--- oOo ---
...
Cùng với nỗi nhọc nhằn, núi cũng mang đến cho chúng tôi nhiều ký ức ngọt ngào. Từ lúc sinh ra, trong tâm trí chúng tôi núi đồi luôn là mảnh vườn chung mênh mông hoa trái. Chúng tôi đã lớn lên với rất ít bánh kẹo nhưng đầy thức quà của núi đồi với khoai mài chống đói, với sim, mua, muồng nhuộm tím tuổi thơ và mít, dứa cùng những quả quýt thơm lừng hương núi... Để đến bây giờ khi đã đi đến nhiều chân trời, thưởng thức bao của ngon, thức lạ vẫn không bao giờ quên đặc ân của núi đồi.
Núi rừng cũng là nơi mưu sinh của rất nhiều người làng tôi. Trong đám trai tráng của làng dạo ấy, anh trai tôi cũng đã ngược ngàn chặt nứa rồi kết thành bè, trầm mình giữa mưa nắng theo dòng Ngàn Phố về xuôi. Những cây nứa bán chẳng được mấy mà thấm trải bao nỗi nhọc nhằn của những đêm luồn núi bị vắt cắn, của những ngày vượt thác, vượt ghềnh về xuôi. Mùa nào thức nấy, núi rừng luôn là nơi có thể mưu sinh. Mùa măng lấy măng, mùa nứa chặt nứa, Tết thì đi lấy lá dong, ống giang… Xa lắm rồi những ngày cực khổ ấy nhưng bây giờ mỗi lần về làng nghe chuyện người này, người kia sắp luồn rừng, luồn núi mưu sinh chúng tôi lại rưng rưng thương nhớ. Nhớ về quãng đời không có tuổi thơ để thương hơn những kiếp đời lam lũ…
(Trích đoạn "Chung chiêng nhớ núi" của Anh Hoài đăng trên http://baohatinh.vn/van-hoc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét