Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

NGƯỜI RAGLAI TẬP ĐI CHỢ *Lương Vũ

Ôi! Raglai! những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn Chapi. Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi... (Giấc Mơ Chapi- Trần Tiến)
NGƯỜI RAGLAI TẬP ĐI CHỢ
Đã hơn 1 năm đi chợ nhưng dường như những phụ nữ người Raglai ở huyện Bác Ái, Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa quen được không khí ở chợ, nhất là với tư cách bán người hàng.
Họ rụt rè mang đến chợ những thứ “không đẹp đâu”: Hoa quả trên rẫy, rau rừng, cua núi, ốc suối và cả cây đàn Chapi… Những sản phẩm không đẹp ấy lại thường được người nội trợ chọn mua để hết rất nhanh. Người mua vui vì mua được món hàng ngon và rẻ, người bán “mừng hết biết”, bởi giá bán dù thấp cũng ít cao hơn ít nhất 50% so với việc bán hay đổi hàng cho thương lái. Còn mừng vì những thứ tưởng không bao giờ bán được chuyển được thành tiền.
Đã có hai chợ phiên họp tuần 1 lần ở xã Phước Tiến (huyện Bác Ái) và Lợi Hải (huyện Thuận Bắc) cho những người Raglai được hình thành từ sự giúp đỡ của Chương trình “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế tại Ninh Thuận” do Oxfam thực hiện.
Hàng trăm phụ nữ vượt qua sự ngại ngùng để, như lời Cha Ma Lé Thị Hép (27 tuổi) ở thôn Đá Bàn xã Phước Tiến: “Không sợ đi bán hàng nữa đâu, bán được nhiều cái dại, mua được nhiều cái khôn, kiếm thêm tiền cho con, cho cả chồng nữa”.
Theo Lương Vũ

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Xứ Thượng... DÂN TỘC MẠ

Xứ Thượng...
DÂN TỘC MẠ
Dân tộc Mạ có gần 33.000 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Người Mạ có tên gọi khác là Châu Mạ và có các nhóm địa phương: Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngăn. Tiếng Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer.
Người Mạ sống thành từng bon (làng), mỗi bon có từ 5 đến 10 nhà sàn dài (nhà dài là nơi ở của các thế hệ có chung huyết thống). Đứng đầu bon là quăng bon (ông già trưởng làng).
Người Mạ làm nương rẫy trồng lúa và cây khác như ngô, bầu, bí, thuốc lá, bông… Công cụ sản xuất thô sơ, có các loại dao xà gạc, cuốc xà bách, rìu, gậy chọc lỗ. Ở vùng lưu vực sông Đồng Nai (huyện Cát Tiên) có làm ruộng nước bằng kỹ thuật lùa cả đàn trâu xuống ruộng để trâu giẫm đất đến khi sục bùn thì gieo lúa giống (xạ lúa). Người Mạ nuôi trâu, bò… theo cách thả rông, lùa vào rừng sống thành đàn, chỉ khi cần giết thịt hoặc giẫm ruộng mới tìm bắt về.
Phụ nữ Mạ nổi tiếng về nghề dệt vải truyển thống với những hoa văn tinh vi hình hoa lá, chim thú với nhiều màu sắc. Nghề rèn sắt nổi tiếng ở nhiều làng. Họ tự luyện quặng lấy sắt để rèn các công cụ sản xuất và vũ khí như dao xà gạc lưỡi cong, lao… Ở vùng ven sông Đồng Nai, người Mạ làm thuyền độc mộc để đi lại, vận chuyển và đánh cá trên sông.
Trang phục cổ truyền: phụ nữ Mạ mặc váy uấn, dài quá bắp chân, nam giới đóng khố. Mùa làm nông, nhiều người ở trần, mùa rét choàng tấm mền. Có tục “cà răng, căng tai”, đeo nhiều vòng trang sức. Nhà trai chủ động trong hôn nhân, nhưng sau lễ cưới chú rễ phải sang ở nhà vợ, đến khi nộp đủ đồ sính lễ cho nhà gái mới được đưa vợ về ở hẳn nhà mình.
...

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

DẤU TÍCH CƯ DÂN CỔ TRƯỚC NGƯỜI MẠ

Blao theo dòng lịch sử...
DẤU TÍCH CƯ DÂN CỔ TRƯỚC NGƯỜI MẠ
Đứng trên đỉnh Spung nhìn về, ta khó mà tưởng tượng được từ mấy ngàn năm trước, đã có con người sinh sống, tồn tại giữa vùng đồi núi đại ngàn, mà mới ít chục năm về trước, cây rừng còn phủ khắp, đường đi, lối lại còn lẩn khuất giữa các cánh rừng già, dây leo chằng chịt đan kín, không cho ánh mặt trời chiếu xuống đất, là vùng đất của cọp gầm, vượn hú và sốt rét kinh niên hoành hành dai dẳng.
Vậy mà, những con người của rừng ấy, đã có đời sống tinh thần phát triển, có sự giao lưu với các tộc người lân cận và có khi còn vượt ra khỏi vùng rừng núi hiểm trở này nữa, mà một số dấu tích còn lưu lại đến ngày nay.
Dấu xưa còn lại
Năm 1983 một di chỉ mộ táng được khai quật ở ven suối Đạ Brlan, mà người địa phương gọi là suối lớn, các nhà khảo cổ gọi là Đại Làng, nằm trên địa giới giữa phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc và xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Vùng đất này vốn thuộc rừng du canh của buôn B’Su Mrăc, nhưng già làng buôn này cho rằng đó không phải đồi ma của buôn họ, mà đã có từ thời xưa rồi.
Hiện vật khai quật được có đồ gốm, đồ sành, đồ kim khí và đồ trang sức. Các nhà khảo cổ cho rằng, khu mộ táng này có niên đại khoảng thế kỷ XVII. Các hiện vật đồ gốm, đồ sành sứ phát hiện được có nguồn gốc từ nhiều nơi: Thái Lan, Trung Quốc, Chăm Pa, Việt Nam, chứng tỏ cư dân bản địa có sự giao thương rộng rãi với bên ngoài.
Dựa vào hiện vật tùy táng, cách thức mai táng, kiểu dáng gò mộ của di chỉ có thể thấy, chủ nhân của các ngôi mộ là một trong các tộc người, mà hậu duệ của họ hiện còn sinh sống trên cao nguyên, tộc người đó không thể có ai khác hơn người Mạ. Họ chính là những người đã cư trú trong vùng cả ngàn năm nay và vẫn còn một số phong tục còn bảo lưu đến bây giờ như tục chia của cho người chết, tục chôn người chết thành nhiều lớp.
Như vậy, vào thời kỳ của di chỉ Đại Làng, trên vùng trung lưu sông Đồng Nai đang hiện diện một trung tâm văn hóa, phát triển trên nền của văn hóa bản địa, được các nhà khảo cổ gọi là nền văn hóa sông Đồng Nai, phải chăng đó chính là nền văn hóa đặc trưng của người Mạ, cư dân bản địa trên đất Blao. Các nhà khảo cổ còn cho rằng phạm vi ảnh hưởng của Đại Làng lan xuống cả vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Năm 1993, khu mộ táng Đại Lào, ở phía nam thành phố Bảo Lộc, được khai quật. Di chỉ này vốn là đồi ma cũ của buôn Blao, thuộc vùng rừng du canh của buôn Blao S’re, nhưng theo những người già của buôn này, họ không thấy người buôn họ chôn người chết ở đấy bao giờ, có lẽ đồi ma này đã bỏ hoang từ lâu.
Di chỉ có nhiều hiện vật bằng đồng, chủ yếu là đồ trang sức, hiện vật bằng sắt có vũ khí, công cụ sản xuất, đặc biệt, hiện vật bằng gốm có số lượng lớn được sản xuất ở nhiều nơi khác nhau và có cả hiện vật bằng gốm thô sản xuất tại địa phương.
Di chỉ Đại Lào có niên đại từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX càng khẳng định về sự hiện hữu của nền văn hóa bản địa, mà trước đó, từ nền văn hóa này đã hình thành một vương quốc mà một số nhà sử học gọi là vương quốc Mạ.
Nhưng có lẽ, vương quốc Mạ chỉ tồn tại dưới dạng cộng đồng cư dân, chịu sự hướng dẫn của những ông thầy cúng, các bơju có uy tín lớn trong vùng, không phải dưới dạng một triều đình dù còn sơ khai chăng nữa. Vì cho đến khi người Kinh đặt chân lên đất Blao, sinh hoạt của người Mạ còn dưới dạng các công xã thị tộc nguyên thủy, chỉ có đơn vị buôn là cao nhất, người Mạ chưa có ý thức về quốc gia, với họ buôn là nước rồi.
Tuy người Mạ có ý thức về sự thống nhất của dân tộc mình, họ có thể hình thành liên minh một số buôn với nhau để chống lại người Khmer, người Brum hay các dân tộc khác trên cao nguyên đến tấn công họ, nhưng các chiến binh chỉ chịu sự điều khiển của già làng buôn mình và sau cuộc chiến, người ở buôn nào lại về buôn ấy. Các già làng cũng ít ảnh hưởng đến nhau và mối liên kết tộc người của họ chính là tập quán kết nghĩa giữa buôn này với buôn khác hay giữa các cá nhân trong các buôn với nhau, mối quan hệ giữa các buôn là bình đẳng, không có quan hệ trên dưới, vua tôi, nên một vương quốc kiểu như nhà nước Chăm Pa, Chân Lạp là điều không thể có.
Nhưng trước đó, có những nhóm cư dân nào đã sống trên đất Blao.
Cho đến ngày nay, trên vùng đất Blao xưa, các nhà khảo cổ chưa tìm được dấu vết của những nơi có người cổ cư trú. Trên quá trình du canh, du cư, người Mạ bản địa thỉnh thoảng nhặt được những công cụ bằng đá, mà họ cho là có nguồn gốc từ trời.
Ông K’Xả, một người lớn tuổi, thuộc dòng tộc trưởng ở buôn Blao S’re kể: Ngày xa xưa, khi buôn mới dời đến phát rẫy ven suối Đạ L’nghịt, ông K’Brịp nhặt được một cái cuốc đá. Mọi người bảo ông ấy đem vào cúng chỗ thờ Giàng nhưng K’Brịp không nghe, đem ra dùng làm đá mài xà gạc. Chưa đến mùa suốt lúa, ông K’Brịp đi tìm rau trên núi bị ngã xuống vực đá chết. Ông bơju cho là ông K’Brịp bị Giàng phạt, không tôn trọng vật dụng từ trời, nên gia đình ông ấy phải kiêng một mùa rẫy. Từ đó, khi gặp những đồ đá ấy, mọi người trong buôn thường tránh đi, giả như không thấy. Nếu ai lỡ nhặt lên, để tránh bị Giàng phạt, phải bỏ mảnh rẫy tìm thấy đồ đá ấy, không được trồng cấy gì.
Quan sát các công cụ lao động bằng đá, đã khai quật được tại Lâm Đồng và vùng Blao xưa, dễ nhận thấy chúng được làm bằng nguyên liệu tại chỗ, kỹ thuật chế tác đá khá tinh xảo, ở hậu kỳ đồ đá mới, niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm.
Ở huyện Cát Tiên, bộ hiện vật di chỉ Phù Mỹ chứng tỏ đời sống cư dân cổ đất Blao đã phát triển khá cao. Họ biết làm gốm, xe chỉ, biết đúc đồng đỏ, biết đúc rìu đồng có hoa văn để phục vụ nhu cầu thẩm mỹ hoặc tín ngưỡng, di chỉ này có tuổi khoảng 2500 năm về trước, là giai đoạn chuyển tiếp từ thời đồ đá sang đồ đồng.
Khi nhu cầu vật chất đã tạm được thỏa mãn, khi đó nhu cầu tinh thần phát sinh, người xưa trên đất Blao đã biết chế tác đá thành nhạc cụ, biết chế tác các loại đá kêu thành đàn đá, mà người Mạ bản địa gọi là lú gông – cồng đá. Năm 1979, tại buôn B’Dơr, xã Lộc Bắc, đã phát hiện bộ đàn đá Blao có niên đại khoảng 3500 trước ngày nay. Chứng tỏ rằng cách đây hơn 3000 năm, vùng đất Blao, cư dân đã có đời sống kinh tế - xã hội tương đối phát triển, đã đủ ăn, không còn bị cái đói đe dọa thường trực nữa, từ đó đời sống tinh thần mới phát triển phong phú để có thể chế tác, sở hữu những thanh đàn đá ấy.
Như vậy, những ngày xa xưa, đã có một tộc người sinh sống trên vùng Blao, có thể họ là tổ tiên của những người Mạ hiện nay, nhưng điều này cũng cần kiểm chứng lại, vì có người cho rằng, người Mạ gốc phía bắc sông Tiền lên đến vùng Bà Rịa, Xuân Lộc, Đồng Nai và Lâm Đồng. Khi Phù Nam lập quốc, một bộ phận người Mạ mới rút lên cao nguyên dọc theo sông Đồng Nai và các chi lưu của nó, nơi đã có các bộ tộc đồng chủng với họ cư trú từ trước.
Như thế người Mạ có thể có mặt ở Blao khoảng đầu công nguyên, còn những cư dân trước đó là ai, họ đã đi đâu, hậu duệ của họ bây giờ còn không, nếu còn, có phải chính là người Mạ trên đất Blao hiện nay không? Vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Ghi chép: NINH THẾ HÙNG

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

DẤU XƯA XE NGỰA... *Ngô Khắc Lịch

Đà Lạt trong kỷ niệm ... và còn đó trong lòng người những chuyến xe thổ mộ gập ghềnh gõ nhịp...
DẤU XƯA XE NGỰA...
*Ngô Khắc Lịch
Ngày ấy Đà Lạt còn hoang sơ lắm, chưa có các loại phương tiện giao thông hiện đại như bây giờ, trong ký ức của những bác xà ích, Đà Lạt là một thành phố vừa trang trọng lại vừa cổ kính, với những toà biệt thự ẩn mình trong tán thông xanh. Hằng ngày, có những đoàn xe ngựa chở đầy hàng hoá, hoa và hành khách lộc cộc đi về trên phố giữa sương mù bao phủ. Thế nhưng, giờ đây nó chỉ còn là những hình ảnh đẹp của một thời đã xa…
Không ai nhớ rõ xe ngựa ở Đà Lạt xuất hiện từ khi nào, những người lớn tuổi ở đây chỉ cho biết là có từ thời rất xa xưa, khi Đà Lạt còn là một thị tứ. Thời đó, Đà Lạt hoang vắng, những con đường sỏi khúc khuỷu uốn lượn quanh co theo những sườn đồi thông thoai thoải, sáng sáng, chiều chiều lại có những đoàn xe ngựa thồ nối đuôi nhau chở đầy rau xanh, hoa quả, nông phẩm từ ngoại ô trở về thành phố. Thời hoàng kim, vào những năm 70 của thế kỷ trước, Đà Lạt được xem là vương quốc của xe ngựa với khoảng 500 chiếc. Lúc ấy, các bác xà ích làm ăn rất thịnh vượng, đi cả ngày, ngựa chạy đến chồn cả chân mà làm vẫn không hết việc. Những chiếc xe ngựa gắn bó với người Đà Lạt như một phương tiện lao động không thể thiếu và trở thành một nét đặc trưng của miền đất này.
...
Thành phố ngày càng phát triển, các phương tiện giao thông hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều, để đảm bảo công tác ATGT đường bộ và ATGT đô thị, UBND thành phố Đà Lạt ra quyết định số 921/ QÑ-UB ngày 23-8-1999 “V/v thực hiện biển báo cấm xe thô sơ và súc vật vào trung tâm thành phố Đà Lạt và hồ Xuân Hương”, không ít chủ xe ngựa coi đây là “định mệnh” trong cái nghề chạy xe ngựa của đời mình. Năm 1995, chỉ còn 40 người là quyết tâm sống chết với cái nghề đã được xem ra đã đến lúc hết thời này. Cho đến nay, toàn thành phố chỉ còn chưa đầy trên 20 chiếc xe ngựa. Các bác chạy xe ngựa không có bến bãi đành làm một việc bất đắc dĩ là “đứng chui”, làm ăn kiểu “dù”! Nhưng hình như, nhiều bác tài coi việc chạy xe ngựa là cái nghiệp gắn với cuộc đời mình thì phải.
Chia tay các bác xà ích trong một chiều mưa cuối tháng 8, không hiểu sao trong tâm hồn tôi chợt vọng về hai câu thơ đầy tính hoài niệm của bà huyện Thanh Quan: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
Ngô Khắc Lịch

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

HOA "MIMOSA" ĐÀ LẠT – LẠI THÊM "NGỘ SỰ VĂN HÓA" *Nguyễn Đình Hòe

Có đến 2 loài hoa được gọi chung tên là Mimosa ở Đà Lạt nhưng đều thuộc chi Keo Acacia, không thuộc chi Trinh nữ Mimosa.
HOA "MIMOSA" ĐÀ LẠT – LẠI THÊM "NGỘ SỰ VĂN HÓA"
*Nguyễn Đình Hòe
1.Chi Trinh nữ (danh pháp khoa học: Mimosa - có nghĩa là Trinh nữ) là một chi khoảng 400 loài cây thân thảo và cây bụi, thuộc phụ họ Trinh nữ (Mimosoideae) trong họ Đậu (Fabaceae), lá kép hình lông chim với các tên gọi dân dã như xấu hổ, trinh nữ, mai dương v.v. (1). Loài được biết nhiều nhất là Mimosa pudica với tên gọi dân dã là cây xấu hổ hay cây trinh nữ bò lan do các lá của chúng khép lại khi bị chạm vào. Nhiều loài khác cũng khép lá lại vào buổi chiều. Trinh nữ có nguồn gốc ở miền nam Mexico và khu vực Trung Mỹ nhưng đã phổ biến rộng khắp như là một loài cây cảnh được trồng trong nhà trong các khu vực ôn đới và ngoài vườn trong các khu vực nhiệt đới. Năm 1947 Thailand còn mắc sai lầm khi nhập cây mai dương về để cải tạo đất vì chúng là cây họ đậu. Việc trồng ngoài vườn đã làm cho Mimosa nhanh chóng trở thành một loại cỏ dại và một số loài trong đó trở thành loài xâm hại nguy hiểm ở nhiều nơi .
2.Chi Keo (danh pháp khoa học: Acacia) là một chi cây thân bụi và thân gỗ gồm khoảng 1.300 loài, có nguồn gốc tại siêu lục địa cổ Gondwana, ở Nam bán cầu, nay đã bị vỡ ra thành nhiều mảnh như Châu Phi, Ấn Độ, Châu Úc, Nam Cực và một số khu vực Đông nam Á. Chi Acacia có khoảng 950 loài phát sinh ở Australia. Acacia cũng thuộc phụ họ Trinh nữ (Mimosoideae), họ Đậu (Fabaceae), lần đầu tiên được nhà thực vật học Linnaeus mô tả năm 1773 tại châu Phi. Một số loài keo có hoa đẹp được trồng làm cảnh, phổ biến nhất có lẽ là Acacia dealbata (keo bạc) có các lá từ màu lục xám tới màu bạc và các hoa màu vàng sáng. Keo bạc đôi khi còn bị gọi sai thành "trinh nữ" (Mimosa) tại một số khu vực có trồng cây này (chẳng hạn tại Đà Lạt, Việt Nam) .
3.Khi nhắc đến Đà Lạt hầu như mọi người đều nghĩ ngay đến thành phố hoa và không quên nhắc đến một loài hoa được gọi là Mimosa. Hoa “Mimosa Đà Lạt” có thân gỗ cao đến 10m. Gắn liền với những câu chuyện tình không kém xúc động, hình dáng mảnh dẻ thanh thoát, màu hoa vàng kiêu sa lộng lẫy, hoa “Mimosa” Đà Lạt thường được các ca khúc, các thi phẩm gọi là “em”, là biểu trưng của các sơn nữ, là biểu tượng của các mối tình si.
Nhưng Đà Lạt không chỉ có 1 mà có đến 2 loài hoa cùng được gọi chung tên “Mimosa” : đó là Keo lá tròn Acacia podalyriaefolia Cunn.ex G.Don và Keo bạc Acacia dealbata Link, đều thuộc chi keo Acacia, thoạt nhìn rất giống nhau, đều có bông màu vàng sáng hình cầu như chùm tia nắng, nhưng có thể phân biệt rất dễ qua hình dạng và cấu trúc lá. “Mimosa Đà Lạt” đâm bông từ khoảng tháng 10 dương lịch đến mùa xuân năm sau, nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân, tạo nên một nét riêng cho Đà Lạt . Ở Việt nam cũng chỉ có Đà Lạt là có các loài hoa này nên nhiều người coi “Mimosa” là loài hoa biểu trưng cho thành phố hoa và sương mù.
4.Cho đến nay không rõ ai là người đầu tiên gọi hoa Keo vàng là Mimosa. Tại vì nó cùng họ (nhưng khác chi) với chi Trinh nữ Mimosa chăng? Tại vì hoa của chúng rất giống nhau chăng? Hay là vì cái loài hoa biểu tượng của tình yêu đẹp đến thế thì đương nhiên phải được gọi là Trinh nữ (Mimosa) chứ không thể có cái tên xấu xí là Keo được (?!) Cho rằng sự nhầm lẫn này là rất …có duyên, nhưng lại làm cho hàng loạt nhầm lẫn khác phát sinh, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và truyền thông về đa dạng sinh học. Vấn đề này sẽ thực sự là …vấn đề khi có quan điểm cho rằng cần chọn hoa biểu trưng của Đà Lạt là “Mimosa”. Bởi vì khi đó danh có chính thì ngôn mới thuận được.

Hai loài Keo Acacia hoa vàng ở Đà Lạt đều được gọi chung là hoa Mimosa
Đến Đà Lạt ngắm hoa “Mimosa” du khách lại nhớ đến Hồ Gươm Hà Nội có “cụ” Giải thuộc chi Rafaetus họ Baba nhưng ai cũng thích gọi là “Rùa” để minh họa cho truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa thần. Giới khoa học cũng tranh luận suốt là nên trả lại tên cho “cụ”. Nhưng thói quen vẫn chiến thắng.
Đến Quảng Yên – Quảng Ninh ngắm 2 “cụ” cây Muồng ngủ, nhưng lại được gọi là hai “cụ” Lim để minh chứng cho rừng lim xưa tại vùng này đã từng cung cấp cọc lim Bạch Đằng vào các năm Ngô Vương Quyền (938), Lê Đại hành (981) và Trần Hưng Đạo (1228) đại phá giặc phương Bắc (theo Hội đồng Cây di sản Việt Nam VACNE).
...
Thế mới biết cái sai nhiều khi có sức mạnh hơn cái đúng rất nhiều! Nhưng chả lẽ những chi tiết đắt giá ấy của một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” lại được xây dựng dựa trên những “ngộ sự văn hóa”?
Loài Keo Acacia hoa vàng mượn cái tên rất nữ tính “Mimosa” cũng đã đi vào ký ức người Đà Lạt và du khách xứ sương mờ. Chúng cũng đã đi vào nhiều thi phẩm và ca khúc, ví dụ bài hát Mimosa của nhạc sĩ Trần Kiết Tường vốn cũng đã kịp nằm lòng những cặp tình nhân cả mấy chục năm qua. Bản tình ca nổi tiếng này là một trong nhũng “chứng chỉ” khẳng định cái tên “Mimosa” cho hoa Acacia Đà Lạt.
Mi-mô-sa! Từ đâu em tới ?
Mi-mô-sa! Vì sao em tới đất này ?
Đà Lạt đồi núi chập trùng
Đà Lạt trời mây nước mênh mông ...
“Hữu sắc tự nhiên hương”, chắc rằng những bông Keo Acacia hoa vàng kiều diễm của xứ sương mù sẽ vẫn nổi tiếng và được yêu quý mà không cần phải mượn tên Trinh nữ Mimosa làm “nghệ danh”. Cần trả lại tên cho “em” !
Tác giả xin chân thành cảm ơn PGS.TS Trần Văn Thụy, Chuyên gia Thực vật học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đọc và thẩm định bài báo nhỏ này.
Nguyễn Đình Hòe - VACNE

TRẠI PHONG DI LINH *Nguyễn Hàng Tình

Cao nguyên Di Linh trải dài từ chân đèo Bảo Lộc đến đèo Prenn...
TRẠI PHONG DI LINH
*Nguyễn Hàng Tình
Cao nguyên Di Linh bạt ngàn cà phê đã là vùng đất dung nạp sớm nhất những con người bất hạnh mắc bệnh phong. Cái cõi riêng ấy đã tồn tại suốt gần 80 năm qua. Thật khó hình dung khu dân cư thanh bình, sạch sẽ, ẩn dưới cây xanh với đường đi lối lại uốn lượn và được trồng nhiều hoa này lại là một trại phong nổi tiếng, đã có từ năm 1927.
“Làng cùi” - cái tên chỉ còn trong quá khứ ấy - gồm nhiều nóc nhà rải ra, nhấp nhô trên nhiều cung bậc của khu đồi rộng chừng 40ha thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ngôi làng đặc biệt ấy chỉ cách thị trấn Di Linh một thung lũng trồng lúa nước, chừng 500m theo đường chim bay nhưng là một thế giới khác hoàn toàn với những sôi động ngoài kia.
Dân làng có đủ mọi lứa tuổi, nhiều gia đình có lẽ đã trải qua đến 3-4 thế hệ chung sống tại đây. Trên những khoảng sân có những ông lão, bà cụ đang trầm tư ngồi, đây đó là dăm ba người đàn bà đang cho lũ trẻ ăn cạnh cầu thang, dưới những mái nhà mang phong cách kiến trúc pha trộn biệt thự kiểu Pháp với nhà sàn Tây nguyên.
Trong những căn nhà trên đỉnh đồi - khu điều trị bệnh - những người bệnh đang được chẩn trị, chăm sóc chu đáo. Lại có một khu khác cho người bệnh đã giảm tịnh dưỡng. Còn ven các sườn đồi, quanh các mái nhà là những mảnh vườn cà phê nho nhỏ đang ra bông trắng ngào ngạt hương, với khá nhiều dân làng đang canh tác. Cũng không khó nhận ra khu khám chữa bệnh, khu phục hồi thể hình cho bệnh nhân, rồi trường mẫu giáo, nhà ăn... Và có cả một nghĩa trang riêng của làng với hàng ngàn nấm mộ.
Dưới chân đồi, ngay lối vào làng là tấm bảng ghi “Trung tâm điều trị phong Di Linh”, chỉ rõ cái cộng đồng cư dân ở đây.
Nhưng ở đây tôi còn gặp những người khỏe mạnh, đã hết bệnh vẫn chung sống với người đang bệnh. Tôi còn biết có người không hề mắc bệnh vẫn lập gia đình với người từng bị bệnh nhưng đã được chữa trị và con cái họ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Người ta cũng kể với tôi về những mối tình đi đến hôn nhân giữa những cô gái Kinh với các chàng trai người thiểu số K’ho ngay tại ngọn đồi này, hay những chàng trai sống bên ngoài làng phong yêu và cưới các cô gái trong làng...
Làng phong Di Linh trong quá khứ gắn với “ông Tây” bác ái nhân từ J.B.Casaigne. Năm 1973, khi ông mất đi, trách nhiệm điều hành ngôi làng bỗng chốc đặt lên vai soeur Mai Thị Mậu, khi ấy vừa 32 tuổi và đã sống ở làng được năm năm. Thế là người nữ tu trẻ tuổi đến từ Sài Gòn tiếp tục công việc đầy vất vả, khó khăn: chữa trị bệnh, chăm nom những công dân của làng.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, khó ai bình tâm để chú ý đến những người mắc bệnh phong thân tàn ma dại ở vùng cao hẻo lánh, nhưng soeur Mậu vẫn tiếp tục tìm kiếm trên cao nguyên Lang Bian những người mắc bệnh để đưa về ngôi làng cô quạnh trên ngọn đồi. Những năm đầu (từ 1968) khi mới đặt chân lên đây, người nữ tu đã trải qua trường y ấy đã tâm nguyện: “Nếu không được cứu kịp thời chắc chắn những con người bất hạnh ấy sẽ chết trong quằn quại đớn đau một cách oan uổng giữa rừng”.
Có lúc bà đi một mình, có lúc đi cùng những người phiên dịch (tiếng K’ho), trên vai họ là những chiếc gùi đựng gạo muối, rau xanh, thuốc men... Ai mắc bệnh nhẹ bà chữa trị ngay tại buôn làng, người bệnh nặng được đưa về làng phong để điều trị nội trú. Không ít buôn làng khi ấy vẫn còn sống trong tình trạng bán khai, người dân lại tự kỷ, sợ người lạ nên nhiều bệnh nhân thấy soeur Mậu là bỏ chạy.
Bởi phần lớn bệnh tật bà con làng buôn đều đổ cho “con ma lai”, huống chi thứ bệnh tàn phá cơ thể khủng khiếp như vậy. Và hễ ai mắc bệnh phong là bị đuổi khỏi làng, vì lũ làng cho rằng đã có “liên lụỵ” với con ma hoặc đã “thành ma!” rồi. Muốn cứu họ soeur Mậu phải tìm vào những khu rừng “biệt xứ” kia. Lúc đi bộ, lúc đi xe đạp, rồi xe Honda, có khi phải lên tận vùng Lang Hanh thì soeur phải nhảy xe đò Sài Gòn - Đà Lạt...
Bà kể: có một lần trên đường đi Sài Gòn, xe nghỉ ăn trưa ở Định Quán, bất chợt thấy nhóm người lam lũ ở quanh đó mà bà dễ nhận ra dấu hiệu của bệnh phong trên thân thể của họ, thế là ngay khi trở lại Di Linh bà đã đánh xe xuống Định Quán đưa họ lên Di Linh chữa trị... Cứ thế cho đến nhiều năm sau, khi không còn đủ sức để băng rừng, thêm công việc cần phải giải quyết hằng ngày tại làng phong quá nhiều bà mới thôi đi, tập trung điều hành mọi hoạt động chữa trị bệnh, tổ chức cuộc sống cho dân làng. Trong số những con bệnh, có người khi lành bệnh đã xin ở lại luôn nơi đây, bởi với họ bây giờ ngọn đồi cô quạnh này thật ấm áp ân tình.
Dành trọn cuộc đời cho những bệnh nhân của làng phong Di Linh, soeur Mậu không hề ngại va chạm ngay cả những vết lở loét trên cơ thể họ, bà còn chăm nom giấc ngủ, lo từng bữa ăn hằng ngày cho họ. Trái gió trở trời đau nhức cơ thể họ cũng gọi bà, một phụ nữ nào đó trở dạ sinh con vẫn cứ phải có bàn tay “mẹ Mậu” hay có ai đó qua đời cũng bà lo tang ma... Con cái những người dân làng đi học, mọi thứ giấy tờ, thủ tục cần cho chúng cũng đến tay bà. Người ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi mà ngay từ năm 1973 bà đã nghĩ đến quĩ đất dành cho những người khi hết bệnh, sinh con đẻ cái có chỗ để ra riêng.
Đó là khu đất rộng 53ha ở xã Gia Hiệp, cách ngọn đồi này 9km, mà bà đã mua rẻ được khi chữa lành bệnh cho một điền chủ người Đức quốc tịch Pháp. Khi ông ta muốn trả ơn thì bà chỉ yêu cầu cho mua rẻ lại ít đất để lo cho tương lai con cái của bệnh nhân làng phong. Hiện soeur Mậu đã chia đất cho những người lành bệnh cùng con cháu họ và hằng ngày khi xe chạy ngang khu đất cạnh đường 20 này người ta dễ thấy một ngôi làng mới hình thành với những căn nhà nho nhỏ sơn màu tím đỏ ẩn trong màu xanh của vườn cà phê.
Suốt mấy mươi năm qua “mẹ Mậu” âm thầm gánh vác công việc ở cái làng có đến 150 nhân khẩu (57 gia đình) cùng 152 bệnh nhân già trẻ khác đang “thường trú” tại làng phong... Dù “làng cùi” nay đã thuộc sự quản lý của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng (thuộc Sở Y tế Lâm Đồng), nhưng thật ra mọi công việc ở đây chủ yếu vẫn do các soeur lo toan dưới sự điều hành của “mẹ Mậu”...
Năm 2006 này soeur Mậu đã 65 tuổi nhưng bà vẫn tiếp tục công việc của một “kiến trúc sư trưởng” Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh (tên gọi mới) dù dưới hình thức gọi là “hợp đồng lao động”. Bà nói: “Những thân phận đáng thương ở đây không cho phép tôi nghỉ hưu. Chừng nào họ cần đến tôi, chừng ấy tôi cần phải ở bên họ, chăm lo cho họ”. Tôi hỏi soeur Mậu: suốt một đời gắn bó với “thế giới người cùi” ấy, lúc nào bà hoan hỉ nhất?
Bà cho biết đó là khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các cơ sở y tế từ nay phải tiếp nhận các bệnh nhân phong, và các trường học phải tiếp nhận học sinh tiền sử có bệnh phong! Trong lòng của bà vẫn không quên những cái chết oan uổng của người bệnh phong ở làng này khi họ mắc thêm những thứ bệnh khác nhưng không được nhập viện chữa trị (như ruột thừa, tim mạch...): “Được hòa nhập, đối xử từ tâm và bình đẳng là niềm an ủi lớn lao nhất của những ai đã mắc bệnh phong. Vì họ cũng là con người!”
NGUYỄN HÀNG TÌNH

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Đà Lạt hiền hòa một thời ai cũng nhớ ... PHỤ NỮ DỊU DÀNG

Đà Lạt hiền hòa một thời ai cũng nhớ ...
PHỤ NỮ DỊU DÀNG
Đà Lạt là một thành phố được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu mát mẻ, trong lành làm cho ai ai cũng cảm thấy dễ chịu. Chính sự mát lạnh của Đà Lạt tạo nên trang phục của người Đà Lạt luôn kín đáo, trang nhã; trong giao tiếp luôn giữ được thái độ ôn hòa lịch thiệp, cởi mở.
...
Về trang phục được kết hợp rất hài hòa giữa Âu và Á. Trước đây, mỗi khi bước ra đường chiếc áo dài truyền thống được người phụ nữ Đà Lạt sử dụng ở mọi nơi mọi lúc, chị bán hàng rong cũng với chiếc áo dài nâu quần đen hoặc trắng, nữ sinh từ khi bước vào lớp 6 phổ thông đã quen với chiếc áo dài đồng phục dù trời mưa hay nắng.
Đặc biệt hơn nữa, phụ nữ Đà Lạt khi mặc áo dài bao giờ cũng mặc thêm chiếc áo khoác bằng len hoặc bằng dạ được thợ đan, thợ may ở Đà Lạt khéo léo tạo nên.
Kể cả may một chiếc veston kiểu Âu rất phù hợp tôn thêm vẻ đẹp khi đi cùng với chiếc áo dài truyền thống, trang phục này tạo sự kín đáo cần thiết nhưng không làm mất đi sự duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ. Vào mùa lạnh phụ nữ còn khoác ngoài áo dài chiếc măng tô sang trọng. Chiếc áo dài làm người phụ nữ vốn đã dịu dàng càng dịu dàng hơn, đã thanh lịch càng thanh lịch hơn …
Đức tính hiền hòa, kín đáo của người phụ nữ Đà Lạt được thể hiện qua cách ứng xử, giao tiếp, tình yêu đối với thiên nhiên làm người phụ nữ có tấm lòng vị tha, yêu cái đẹp vì vậy họ rất yêu hoa, cây xanh có mặt bốn mùa… và sự dịu dàng cũng có mặt từ đây, vì lẽ đó họ không thích sự ồn ào, to tiếng.
... “Ngày xưa rất ít gặp cảnh phụ nữ Đà Lạt mắng chửi nhau ở những nơi đông người, không có cảnh phụ nữ ngồi ăn tại những hàng quán bên đường, cười giỡn ngoài đường”. Chợ là nơi dễ gây ra cảnh ồn ào vì không phải lúc nào cũng giữ được việc thuận mua vừa bán, người bán hàng nói thách, người mua hàng trả giá và thế là xung đột xảy ra.
Nhưng tiểu thương chợ Đà Lạt trước đây bao giờ cũng nói đúng giá bán mặc dù không ai ép buộc nhưng họ làm thế vì niềm tin đối với khách hàng, sự tôn trọng giữa người bán và người mua…Và nếu chẳng may gặp khách hàng thích trả giá nên không bán được ngay đúng thời điểm “mở hàng”, tuy buồn bực thật nhưng không thể buông những lời nặng nề vì họ là “Tiểu thương chợ Đà Lạt”.
Đến Đà Lạt du khách rất vui khi gặp bất cứ người phụ nữ Đà Lạt nào khi hỏi đường, với giọng nói nhè nhẹ, tận tình trong hướng dẫn, khi đi đến nơi về đến chốn có lẽ không ai có thể quên được …điều này thể hiện họ là những người mến khách.
...
Theo Lâm Viên (Báo Thanh Niên, 21/9/2017)

HOA LƯU LY

Rất lâu trước đây, Đà Lạt là nơi luôn ngập tràn sắc tím của loài hoa này...
HOA LƯU LY
Hoa Lưu Ly hay còn gọi là “Forget me not” ( xin đừng quên tôi) đây là loài hoa dại mọc rất nhiều ở Đà Lạt. Bạn để ý sẽ thấy hoa mọc rất nhiều nơi ở lề đường và ven hồ Xuân Hương.
Với ý nghĩa khơi gợi quá khứ, lưu ly luôn làm người ta cảm thấy bồi hồi, xúc động khi nhớ về một lời hứa, một ước hẹn, một tình yêu, một kỉ niệm ... qua vẻ đẹp mộc mạc nhưng kiêu sa, đơn giản nhưng tinh tế của mình.
Mỗi loài hoa đều mang trong mình một ý nghĩa riêng hoa lưu ly cũng vậy. Nhắc đến hoa lưu ly người ta vẫn hay thường nghĩ đến thông điệp Forget Me Not “Xin Đừng Quên Tôi” . Vì thế khi bạn nhận đươc một bó hoa lưu ly có nghĩa là người gởi tặng muốn bạn đừng quên người đó đấy.
Ngoài ra hoa lưu ly còn tượng trưng cho một tình cảm nhẹ nhàng, nồng nàn và lãng mạn. Hoa tuy đơn giản nhưng màu sắc lại tinh tế và ẩn chứa những nét đẹp bí ẩn, không quá kiêu sa và rực rỡ nhưng có sức hút từ chính vẻ đẹp chân thật mà mộc mạc.
Nếu một lần lạc chân vào Đà Lạt bước vào dàn hoa lưu ly mộng mơ với màu xanh tím bắt mắt bạn sẽ nhớ mãi loài hoa nhẹ nhàng mộc mạc mà dễ thương này như cái tên của nó vậy.

NHỮNG GÙI CỦI ĐÀ LẠT

Củi ngo, tức lõi của cây thông lấy nhựa hay còn gọi là thông 2 lá dùng để nhóm bếp củi...
NHỮNG GÙI CỦI ĐÀ LẠT
Hồi ấy, lấy củi ngo đem bán chủ yếu là những đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những buôn làng xung quanh thành phố Đà Lạt. Thường là vào sáng chủ nhật những người dân tộc xuống phố, luôn luôn đi thành hàng một rất trật tự- thói quen của những người chuyên đi trong rừng- họ đi theo nhiều hướng, từ hướng Thái Phiên ra thì đi thành hàng bên bờ hồ Xuân Hương, từ hướngLangbiang ra thì thành hàng trên con phố xưa Phan Đình Phùng, từ Tà Nung ra thì theo trục đường bên thác Cam Ly, ngang qua nhà thờ Con Gà rồi rẽ xuống dốc, qua cầu ông Đạo vào chợ, những chiếc gùi trên vai của họ bao giờ cũng nặng trĩu cây củi ngo. Có hai loại củi ngo: một là loại củi ngo được chẻ nhỏ cỡ cồ tay, dài chừng 2 gang tay và được bó lại bằng dây rừng thành từng bó gọn gàng; hai là những tảng ngo to dày cỡ chừng 2 cục gạch được đồng bào dùng rìu đẽo gọt tròn trịa, láng mướt.
Ngày ấy, bùng binh chợ Đà Lạt là nơi đồng bào dân tộc tập trung ở đấy bày bán ngo, hoặc họ gùi những gùi ngo như thế len lỏi vào trong chợ, đi qua những dãy phố, ai cần thì gọi mua.
Đa phần dân địa phương chọn mua những bó củi ngo cho tiện nhóm bếp; còn những tảng củi ngo đã được đẽo gọt tròn trịa thì du khách mua nhiều hơn cho dễ mang đi xa, những khối củi ngo đưa về xứ khác cũng chỉ dùng vào việc nhóm bếp, và những người dân ở xứ không có cây thông gọi đấy là củi Đà Lạt.
Những buổi chiều đông lành lạnh, khi nhiều nhà cùng nhen bếp nấu cơm, mùi củi ngo bốc lên thơm phức, khói ngo, khói than tỏa ra góp thêm chút bảng lảng cho những buồi chiều…
Nhiều năm đã trôi qua, cuộc sống đã khác đi, những bếp than bếp củi giờ chỉ còn lác đác trong thành phố, củi ngo cũng dần dần bị quên lãng, cũng chẳng mấy khi thấy những chiếc gùi đựng củi ngo đi trên phố nhiều như ngày xưa nữa.
...
Hoàng Liên