Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Sử thi xứ Châu Sơn, Ban Mê Thuột... Trang 1 : VÀO NAM

Sử thi xứ Châu Sơn, Ban Mê Thuột...
Trang 1 : VÀO NAM
Nước Nam chinh chiến bao lần
Giặc Tây đô hộ ngót gần bách niên
Ngờ đâu Cách Mạng vùng lên
Toàn dân kháng chiến Điện Biên lẫy lừng
Mồ chôn giặc Pháp muôn trùng
Việt Minh lên nắm chính quyền trong tay
Ruộng đồng cải cách làm ngay
Đảng toan chấp chánh trong tay quyền hành
Đem ra đấu tố dân lành
Nghĩa tình tan tác xóm làng điêu linh
Kiếp người dâu bể cùng đinh
Nhà tan cửa nát gia đình tan hoang
Gặp khi hội nghị hiệp thương
Geneve hiệp định đôi đường phân ly
***
Triệu người miền Bắc ra đi
Vào Nam tìm chốn đổi đời nương thân
Sông La lịch sử sang trang
Kẻ Tùng, Yên Phú, Đông Tràng, Thọ Ninh
Cùng theo dòng chảy ra Vinh
Ba Lan, tầu Mỹ hành trình vào Nam
Ra đi lòng những mênh mang
Quê cha đất tổ muôn phần luyến lưu
Tre già rủ bóng chiều thu
Người đi kẻ ở lệ sầu chia ly
Ngậm ngùi đành đoạn chia phôi
Câu hò ví dặm buông lời nhắn đưa
Đừng quên quê cũ làng xưa
Nhớ về Hà Tĩnh quê nhà người ơi
***
Dừng chân bến cảng đổi đời
Xuân Trường lều bạt tạm thời dừng chân
Bơ vơ giữa chốn Sài Gòn
Phồn hoa đô thị vẫn còn ngẫn ngơ
Đường đời còn lắm nỗi lo
Tháng ngày trôi nổi đợi chờ định cư
Cuộc đời như lá mùa thu
Vèo trôi gió thoảng về đâu phận người
Ngược ra Mương Mán tạm thời
Ruộng đồng cằn cỗi đông người nương thân
Đang khi lòng những phân vân
Có người mách bảo lên miền cao nguyên
***
Sau đêm bàn tính thiệt hơn
Bàn đi tính lại chỉ còn liều thân
Các ông Hiển, Thận, Cầm, Mân
Bốn người tình nguyện ngược miền Ban Mê
Bước đầu còn lắm nhiêu khê
Thăm dò thực địa tưởng về tay không
Cha Khai giới thiệu lại dòng
Châu Sơn khổ hạnh là dòng Xi Tô
Nhà dòng đồng ý nhường cho
Ruộng đồng nằm giữa quanh co lối vào
Cao nguyên đồi núi hoang sơ
Đàn chim bay tới miền cao đại ngàn
Suối reo lau lách xanh rờn
Thắm màu đất đỏ vẫn còn nguyên sinh
Bốn người khấp khởi niềm tin
Quay về Mương Mán báo tin mọi người
Dân làng phấn khởi mừng vui
Họp hành bàn tính chuyển dời lên mau
***
(Trích đoạn Phần I . SỬ THI: CHÂU SƠN, ĐẤT NỞ HOA NHÂN SINH của tác giả DI TĨNH ĐẮC đăng trên http://www.tienducchauson.net/)

TRÁI VẢ

Ngòn ngọt, giòn giòn, nõn nà, mới cắn vào cảm giác không mùi vị lại còn chan chát nhưng nhai vài miếng thì mới cảm thấy cái hậu ngọt và bùi bùi...
TRÁI VẢ
...
Cây vả đó hồi xưa má tôi trồng. Tôi gọi cây vả nhưng ông anh họ của tôi đến chơi đặt luôn cho nó tên gọi là “đại hồng sung”. Anh nói kêu như vậy cho nó… quý phái. Nhớ hồi nghe anh kêu vậy, tôi mắc cười tới mấy ngày.
Cây “đại hồng sung” của má tôi mau lớn như thổi, trái sai oằn từ gốc lên trên. Hồi đó có những khi trời giông bão, mưa dầm không đi chợ được, bữa cơm của mấy má con chỉ có trái vả chấm mắm ruốc mà sao tôi thấy ngon quá chừng.
Nói mắm ruốc mới nhớ, đó là loại mắm ruốc Huế mà bà cô tôi từ đất thần kinh gửi vào. Tôi không biết diễn tả nó ngon thế nào nhưng chỉ cần dầm trái ớt vào rồi ăn với cơm nóng là ngon tê tái nơi đầu lưỡi. Trái vả chấm mắm ruốc là món ăn quen thuộc gắn chặt với tuổi thơ tôi những ngày còn má. Ngoài ra, quả vả muối chua cũng rất ngon. Nhiều khi muối nhiều quá, ăn không kịp thì má lại nấu canh cá nục. Bắc nồi nước lên, cho dưa vả vào, nêm nếm cho vừa ăn, cho thêm mấy lát ớt, sau đó thả cá vào. Cá chín thì tắt lửa, cho thêm rau ngò gai hoặc rau om là có nồi canh ngon tuyệt vời.
Nhưng món mà tôi thích nhất là gỏi trái vả với tép mòng. Món này làm dễ mà nhanh. Lần nào anh Hai gửi trái vả vào, tôi cũng làm để đãi mấy đứa bạn cùng phòng. Trái vả gọt vỏ, xắt mỏng, ngâm nước chanh cho trắng. Sau đó vớt ra để ráo, trộn đường, rau thơm và một muỗng mắm ruốc Huế. Tép mòng luộc chín, đổ vào trộn chung. Vậy là xong. Món này có thể xúc bánh tráng và ăn đến quên thôi.
Chiều nay nhớ má, tôi lại làm món gỏi trái vả. Mấy đứa bạn đi chơi hết nên tôi ăn một mình. Vừa ăn tôi vừa nhớ đến mùa mưa bão ở quê nhà. Ở đó có ba má, anh chị Hai và cây “đại hồng sung”...
(Trích đoạn "CHIỀU NAY NHỚ MÁ..." trên trang http://ongbachau.vn/)

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

CÔ BẠN HỌC NGÀY XƯA

Cũng nhờ trang mạng của lớp thbmt74 do thầy giáo Chung Phước Khánh khởi xướng, tôi gặp lại cô bạn hàng xóm sau 38 năm...
CÔ BẠN HỌC NGÀY XƯA
Đang buồn như con chuồn chuồn thì bắt được thư của Nam Đà, mình thích quá... có chỗ để xả... (không được giận nghe). Đạt đang định về Sàigòn chữa bệnh dài cổ đây. Khi nào về mình sẽ điện cho Hồng A và Nam Đà dẫn đi quán Hoa Vàng theo lời hứa trên BMT đấy.
Nam Đà à! Bạn có biết không... sau cuộc hội ngộ vui cùng Trần Dzung, cùng với nhiều bạn bè. Đạt được quen lại nhiều anh, nhiều chị... tưởng như quên mất rồi. Đúng là vui ơi! Trần văn Chấn, Nguyễn thị Hồng, Tạ thị Nam Đà, Nguyễn thị Ngọc Ánh... những người bạn khác lớp gặp lại đầy chất văn nghệ học sinh như bạn Thạch, bạn Thắng, bạn Nam... Rồi mình chợt nhớ đến những người bạn không có mặt hôm ấy. Một chút lắng đọng và Đạt đang viết về các bạn ấy... chỉ mong muốn tên của các bạn được hiện diện trên bảng thbmt74. Một mong ước nhỏ nhoi thôi mà!
Nam Đà có nghe mình nói không đấy! Đọc thơ văn các bạn làm, đúng là vừa bản lĩnh cũng vừa đẳng cấp nữa. Mình có làm thơ thì cố làm theo lối dự bị, chắc ngang mức này thôi (ngày trước đi học cũng học đến dự bị rồi xì tốp) không khá lên được. Mình kể cho bạn nghe, có một bài thơ viết rất thật làm mình nhớ đến con đường đi học của mình. Con đường ngày xưa ấy đi qua những giao thông hào,dọc đường giăng đầy kẽm gai, những hầm hố để tránh bom đạn... đi qua nhà cô bạn học (chung các mái trường... tiếc là lại không chung lớp). Cô bạn đó nhiễm vi rút quậy từ năm đệ ngũ gặp Nam Đà bệnh càng nặng thêm? Có nhớ ra chưa! Là Nguyễn thị Thanh Hương! Bài thơ "buồn và tôi" của Thanh Hương có những câu không phải tháp ngà đâu, mà là chứng nhân đấy:
"Buồn theo đạn, rít trên đầu
Mắt chưa tròn giấc gợn sầu chiến tranh
Đêm nghe đại bác cầm canh
Mai còn tôi dưới xanh xanh bầu trời"
Đạt còn nhớ như in tiếng rít của đạn 122 ly ngày ấy, dù đã trú ẩn dưới hầm, nhưng vẫn nghe rất rõ... chíu... chíu... chiiiiiiiiiiíu. Oooành... cứ như nổ trên đầu mình. Sợ lắm Nam Đà à! Xóm của mình bị rơi trúng, xóm của bạn Vũ An Dương sát xóm Thanh Hương cũng bị... Ừ thôi! không đùa được với chiến tranh.
Mình có làm bài thơ về cô bạn học ngày xưa đó. Nam Đà xem thử có làm tổn thương người ta không nhé. Phải thư gấp để mỉnh sửa lại nhé.
ngày xưa ai gọi bà già
từ mai xin gọi bạn là tiên cô
công phu tuyệt đỉnh thiên thơ
nổi buồn vây đánh không sơ sẩy gì
lạ thương thay chú mèo khờ
vô tâm... cũng đã thẩn thờ trống không
xưa ai ước có Từ công...
sao ta lại thích anh chàng từ quan
tình tiên một cõi... tình tang
hơi đâu vướng víu đa mang tình trần
có duyên có nợ có phần
không chung ta cũng mấy lần liêu trai
lên ngàn tìm củ khoai mài
không sùng không sượng dạ này khỏi chê
thôi thì cóp nhặt lời quê
xem qua nhấp nhẹ chén trà vô ưu.
Nam Đà ơi! Cái bệnh của mình là do ngóng thư của Thanh Hương nhà bạn đó. Nửa tháng rồi mà mình không biết "bà già ấy" tu tiên ở đâu, hay đang luyện công với mấy pho toán kíp bên trời tây của Dzung mít ướt... Nam Đà thì biết rõ hơn mình nhe.
Nam Đà không nên ưu ái cho mình điểm cao thế. Ngộp thở! Đạt chúc cô giáo luôn tươi xinh với nụ cười 8x. Vui nghe... ke... ke...
Thân ái,
Phạm Đình Đạt

Ra sau vườn nhà... ANH BÙ NHÌN

Ra sau vườn nhà...
ANH BÙ NHÌN
Quyền trọng ra oai trấn cõi bờ 
Một lòng vì nước há vì dưa
Lung linh trước mặt đôi vầng nguyệt,
Vùng vẫy trên tay một lá cờ.
Gặp giống chim muông xa phải lánh
Giận quân cày cuốc gọi không thưa
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa
Bài thơ này được đặt tên là Thằng bù nhìn, không rõ tác giả là ai. Người thì cho là của vua Lê Thánh Tông, người khác lại cho là của Hồ Xuân Hương, người khác nữa lại kết luận rằng bài thơ này là của người đời sau làm ( Hoàng Xuân Hãn, tập 3, Giáo Dục, 1998 ) .
Còn một thằng bù nhìn khác, gốc gác tương đối chắc chắn hơn, nằm trong Hồng Đức quốc âm thi tập ( Văn Học, 1982 ) . Bài thơ mang tên Cảo nhân, nội dung gần giống bài thơ chép bên trên.
Chỉ có thằng bù nhìn thứ ba mới đích danh là thằng bù nhìn, được chính Tản Đà ( 1889-1939 ) đặt tên:
Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ
Trần ai tri kỷ đã ai chưa?
Ba thu mưa gió người trơ mộc
Bốn mặt giang sơn áo phất cờ
Được việc thế thôi,cày chẳng biết
Khinh đời ra dáng,gọi không thưa
Lâu nay thiên hạ văn minh cả
Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư ?
( Thăm thằng bù nhìn )
Cả ba bài thơ đều tả thằng bù nhìn đứng ngoài cánh đồng, đuổi chim.
Xem vậy thì nhân vật bù nhìn đã có mặt tại nước ta ít ra cũng hơn năm thế kỉ rồi. Chúng ta lại được biết thêm rằng người xưa, đời Hồng Đức ( 1470-1497 ) , gọi thằng bù nhìn là Cảo nhân ( nghĩa là người làm bằng cành cây khô,hay bằng rơm rạ ) .
Ngày nay dường như chẳng còn ai nhắc đến tên Cảo nhân nữa. Mọi người, từ thành thị đến thôn quê, chỉ biết có thằng bù nhìn thôi. Biết mặt nhưng chưa chắc đã biết tên...
...
Bây giờ xin bàn đến nguồn gốc hai chữ bù nhìn.
Thằng bù nhìn bắt đầu có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam từ lúc nào?
Khó trả lời chính xác.
Một điều chắc chắn là hai tiếng bù nhìn đã có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam trễ nhất cũng là từ năm 1926, năm bài thơ Thằng bù nhìn được đăng trong sách Văn Đàn Bảo Giám ( Mặc Lâm, Saigon, 1968 ) của Trần Trung Viên.
Cũng vào thời kì này, năm 1928, Nguyễn Văn Ngọc soạn sách Tục ngữ Phong dao ( Sống Mới, Hoa Kỳ, 1978 ) , đã sưu tầm được thành ngữ "bù nhìn giữ dưa". Thành ngữ này nằm chung với nhiều câu tục ngữ phong dao cổ xưa của Việt Nam, khiến nhiều người nghĩ rằng bù nhìn cũng đã có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam từ lâu rồi ?
Rất có thể là như vậy.
...
(Trích theo Chuyện phiếm "Thằng Bù Nhìn, Thằng Phỗng " của Nguyễn Dư đăng trên http://89185.activeboard.com/t9189273/th7857ng-b-nhn/)

TẢN MẠN... NÔNG LÂM MỤC - NÔNG LÂM SÚC

"Trường cũ trò xưa mất hết rồi
Còn ta với nỗi nhớ khôn vơi
Đêm nay có kẻ ngồi ôm mặt
Dưới gốc sao già để lệ rơi !" (Trần Hoan Trinh)
TẢN MẠN...
NÔNG LÂM MỤC - NÔNG LÂM SÚC
Từ Nông Lâm Mục đến Nông Lâm Súc cái dây mơ rể má ấy nó đã dính với nhau mấy chục năm rồi, mà trong đó già nhất là 62 năm và trẻ nhất là bốn mươi mấy năm.
Xuất phát cái sự gắn bó này theo tôi là bắt đầu từ cái xứ “ rừng thiêng nước độc Bà lao-phẹc” này. Bởi vì cái nhiệm vụ của QG Nông Lâm Mục đến năm 1963 chấm dứt, vì nó đã mọc nhánh cao hơn là Cao Đẳng Nông Lâm Súc đã định cư ở 45 Cường Để Sài Gòn. Cái bảng hiệu QG Nông Lâm Mục Blao được thay bằng Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.. Sau năm 1963 một số trường TH NLS khác ra đời, như Cần Thơ, Huế, Bình Dương, Tây Ninh, DarLac…các trường này có dính dự với NLM đâu? Có lẽ từ Blao từ Bảo lộc qua quá trình học tập, ra trường được bổ về các trường khác nằm trong hệ thống Nông Lâm Súc thành ra các trường khác cùng chung dáng dấp của NLS Bảo lộc là xem như QG NLM là đàn anh là họ hàng..
...
Bản thân nó là trung tâm thực nghiệm canh nông lập sau Trung tâm thực nghiệm ( ferme ) nên có tên là Sở Mới. Bắt đầu nền đệ nhất cộng hòa tổng thống Ngô Đình Diệm đặt viên đá đầu tiên xây dựng QG Nông Lâm Mục Blao, sau 8 năm đào tạo các chuyên viên cấp kiểm sự như chừng đã đủ, nếu không vì chiến tranh thì các khóa Cao Đẳng sẽ không về Sài gòn và chưa chắc gì hệ thống Nông Lâm Súc sẽ tiếp nối cơ ngơi này và như thế thì bà con mình sẽ không có anh chị Nông Lâm Mục đâu. Bởi vì trên tấm Bảng Ghi Nhớ đăt trước cổng đã nói lên cái nhiệm vụ của trường là :….TRUNG TÂM ĐẠI HỌC NÀY ĐÃ ĐƯỢC XÂY DỰNG…nếu nó thuận buồm xuôi gió thì cơ ngơi đó sẽ là một đại học .
Nhưng tiến trình Trung Tâm Đại Học đó như các bạn đã thấy không diễn ra nên trường QG Nông Lâm Mục Blao, vào cuối năm 1963 tiễn sinh viên khóa 8 ra trường và tiếp nhận học viên thuộc hệ trung học Nông Lâm Súc đầu tiên...
...
Ngôi trường mà ngày xưa chúng ta đã sống, học tập và làm việc bây giờ không còn nữa, mất đi cái danh xưng của nó . Chúng ta vốn là người Việt mà cái gì thân thương, quí mến đã qua đã mất đi đều là những cái đáng trân trọng, cho nên người ta vẫn thường nói : " người phương Mỹ gặp nhau nói chuyện tương lai, người Tàu nói chuyện làm ăn còn người Việt mình thì nói chuyện quá khứ! "
...
Như chúng ta được biết ít nhiều , cơ ngơi này có tên là trường Quốc Gia Nông Lâm Mục năm 1955 ngày ấy các nhà cửa toàn là loại nhà cao cẳng vách ván lợp tôn mà một số anh chị khóa 1 NLM sau năm 1980 về thăm trường thấy những cơ ngơi như Đại thính đường,nhà học ,Câu lạc bộ... vẫn nghĩ là mới xây dựng sau năm 1975? thực sự nó bắt đầu xây dựng từ năm 1957 với hệ thống giảng đường, nhà giáo sư, văn phòng và 4 lưu xá A,B,C,D ,E và Đại thính Đường như các anh chị em hệ NLS đã thấy.
Đến 1963 thì trường QG Nông lâm Mục Blao đã xong 8 khóa Kiểm sự và 4 khóa Cao Đẳng Nông Lâm Súc thì chuyển sang Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Năm đầu tiên chỉ có Bảo lộc Tuyển Sinh lớp Đệ Tam , đệ tứ và đệ Ngũ. Sau đó lần lượt là các trường Cần Thơ, Huế...và cứ hằng năm mở thêm.
Năm 1975, hệ thống giáo dục NLS chấm dứt. Trong đó riêng trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo lộc còn được duy trì cho đến tháng 12-1976.Ngoại trừ các anh chị em đang học trong năm 1975,trong chúng ta đã có những người là cựu học viên NLS rồi. Nay cái tên ấy không còn nằm ở cổng vào của ngôi trường ngày nào, không có một học sinh mới nào của NLS nữa mà chỉ còn chúng ta : " Thần Dân NLS ". Nó nằm trong mỗi một chúng ta " Vì chúng ta quá ích kỷ, mỗi người đã thẻo đi một miếng, nó không còn ở cái xứ rừng thiêng nước độc ngày nào, bây giờ nó trải ra toàn nước, toàn tinh cầu này, nó là hiện tượng NLS, sự kiện NLS, Lịch sử NLS ..bởi vì bây giờ chúng ta vẫn là thành viên NLS . Chỉ có ở ngôi trường đó , gắn bó cuộc đời ta một cách kỳ lạ , Chỉ có một hệ thống giáo dục như thế mới kết nối chúng ta, anh chị từ Bảo Lộc? Tây Ninh, Cần Thơ, Huế, Định tường, Ninh thuận, DarLac ?... bạn là NLS ? ở đâu ? có học giáo sư X không ? có biết bạn Y không? ta đã thấy, từ một thầy giáo trẻ, một người học trò trẻ , giờ này vẫn người thầy đó vẫn người trò đó vẫn cung kính vẫn thương yêu như ngày nào. Ngày xưa thầy truyền tri thức ngày nay thầy truyền sức sống tình người, ngày xưa bạn bè vui tình thân ái, ngày nay thành bạn già sống với tính tương thân. Tình Nông Lâm Súc Ta là như thế ? quá quí quá lạ phải không? Cho nên tôi xem như chúng ta vẫn đang là những học viên NLS vẫn đang sống đang học trong ngôi trường ấy, nó sẽ vượt thời gian và không gian cho đến một lúc nào đó không còn một thần dân nào nữa !
...
(Trích đoạn "TẢN MẠN NÔNG LÂM MỤC - NÔNG LÂM SÚC" của
BÙI THO. TL 63 đăng trên http://www.nonglamsuctayninh.com/)

TRƯỜNG KỸ THUẬT BAN MÊ THUỘT

Ngôi trường đầu tiên dạy học...(Thầy Huỳnh Ái Tông)
TRƯỜNG KỸ THUẬT BAN MÊ THUỘT
...
Trường Kỹ Thuật Ban Mê Thuột có tên chính thức là Trung Học Kỹ Thuật Y-Út, được Mỹ xây dựng qua chương trình viện trợ Mỹ, được cất trong khu đất của Trường Tiểu Học Ban Mê Thuột, trước kia nó có một lớp dạy nghề, từ cơ sở đó xây dựng lên. Tưởng cũng nên nói thêm đây là khu đất rộng, nên năm 1957 chánh phủ có mở cuộc triển lãm tại đây. Trong lễ khai mạc ngày 21-5-1957 Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến chủ tọa, đã bị ám sát, ông Diệm thoát nạn, nhưng hình như ông Bộ Trưởng Canh Nông bị tử thương.
So với thành phố Ban Mê Thuột vào thời đó, Trường Kỹ Thuật Y Út là một công trình đẹp nhất tỉnh, những buổi lễ lớn có Tổng Thống chủ tọa, hoặc lễ của Quân Đoàn 2, hoặc của Tòa Tỉnh thường mượn Trường để tổ chức.
...
Trường mục đích ban đầu là xây cất dành riêng cho dân tộc thiểu số, các em học ở đây không đóng thứ tiền nào cả, ăn uống, quần áo, sách vở do chánh phủ cấp, cho nên học sinh của Trường gồm có các sắc dân vùng cao nguyên chủ yếu là Ra-đê, Chàm, Thái, H’mông, Ba-na, Cờ-ho, Sê-tiêng …
Khi đi dạy một thời gian tôi mới biết là người Ra-đê chủ yếu ở vùng Darlac và người Chàm là hai sắc dân có thể có cùng nguồn gốc vì học sinh Chàm nói chuyện với nhau, học sinh Ra-đê nghe hiểu họ nói gì, cũng như học sinh Ra-đê nói chuyện với nhau học sinh Chàm nghe hiểu họ nói với nhau về chuyện gì, đó chính là các em nói cho tôi biết.
Tôi có mua một quyển sách Học tiếng Ê-đê do Bộ Giáo Dục ấn hành, tôi cũng có học với các em học sinh tiếng Chàm, nhưng nói chung tôi không có khiếu về ngôn ngữ, tôi học từ lớp đệ thất đến đệ nhị Pháp văn, nay đến Pháp chắc tôi chỉ còn nghe và nói được Bonjour với Merci mà thôi ! Tôi học Hán văn bốn, năm năm, học đàm thoại một năm với bà giáo sư Khưu Thị Huệ, nay tôi chỉ còn nhớ :- Nị hạo ma ? - Tố xạo xẻn ? Ọa hện hạo. Và tiếng Chàm tôi học với các em nay chỉ còn nhớ: Ti nao ? (Đi đâu ?). Kao hóa ô ? (ăn cơm chưa?)
...
Là giáo sư chuyên nghiệp đệ nhất cấp, nên phải dạy 20 giờ tuần, tôi được phân phối dạy một số giờ cho các lớp đệ thất, đệ lục về Kỹ Nghệ Họa và Việt Văn. Thật tình mà nói, mới ra trường, lại không có sách giáo khoa, bắt tay vào dạy môn chính của tôi là Kỹ Nghệ Họa mới thấy khó, tôi phải bắt đầu dịch từ sách Pháp văn ra để dạy, còn môn Việt Văn thì dễ vì đã có sách giáo khoa, tôi cũng có học Văn khoa hai năm, nên dạy môn này cũng không khó lắm.
...
Trước khi đi dạy, tôi đã hút thuốc, nhưng lúc ở chung trong một phòng ông Huệ và ông Tuấn không ai hút thuốc cả, ăn sáng xong, uống một ly cà phê sửa phì phà vài hơi thuốc ở một nơi lạnh lẽo thật là tuyệt, tuyệt hảo cho tôi nhưng trong căn phòng nhỏ, khói thuốc làm khó chịu hai người kia, tôi quyết định bỏ thuốc và tôi dứt ngang, không có bỏ ừ từ, không có hút bớt lại, không có ngậm kẹo …, chỉ cần một chút ý chí, bỏ là bỏ. Một hai hôm đầu có nhớ đến thuốc, nhưng không hút nó không làm cho tôi khó chịu, không gây cho tôi chút xáo trộn nào về thể chất. Sau đó tôi về Sàigòn, bạn tôi nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu mời hút thuốc, tôi cho anh biết, tôi đã bỏ thuốc. Anh nói có một linh mục nói với anh, anh nói lại cho tôi để biết: “Bỏ thuốc dễ, nhưng hút thuốc lại lại còn dễ hơn”.
...
Trường Ban Mê Thuột còn xin được ngân sách tiền, để mở các lớp dạy nghề, đào tạo công nhân ngắn hạn, lớp mở dạy mỗi khóa 3 tháng, học viên là những người trong tuổi lao động, nhân đó ông Đống Văn Quang mở một lớp dạy Thợ Hồ, Thợ Hàn, Thợ Mộc. Học viên thợ hàn làm khung cửa sổ, thợ mộc làm cửa sổ, cửa cái, thợ hồ xây nhà. Riêng thợ hồ, ông mời một kiến trúc sư dạy. Và cuối khóa học, Trường có một ngôi nhà gạch, nằm trước mặt trường, mặt nhìn ra đường đi vào trường, lợp Fibro, có 4 phòng: một phòng khách, hai phòng ngủ và một phòng dùng làm nhà bếp, vệ sinh...
Về thành phố Ban Mê Thuột, vốn phát xuất từ Buôn tiếng Ê-đê là làng, Mê Thuột là đọc trại của Ama Thuot là tên của vị Tù trưởng, quyền uy, giàu có vùng này ngày xưa, cho nên người Ê đê gọi Buôn Ama Thuot là Làng của ông Ama Thuot, người Pháp gọi là Buon Ma Thuot, người Việt chúng ta gọi là Buôn Ma Thuột hay Ban Mê Thuột, nó là Tỉnh lỵ của tỉnh Darlac. Chữ Ban Mê Thuột, người ta diễn dịch ra xứ Bụi Mịt Trời, Buồn Muôn Thuở, Bánh Mì Thịt…
...
Từ phía sau Trường Kỹ Thuật có thể trông rõ Chùa Khải Đoan vì giữa chùa và Trường là một thung lũng, nên không bị cây cối che mắt, đêm đêm ở Trường nghe rõ tiếng đại hồng chung của Chùa những buổi công phu.
Có nhiều đêm nghe rõ tiếng súng đại bác, nghe được tiếng đạn bay và có khi tôi đếm tiếng bắn cho đến khi tiếng nổ từ một chốn xa xa.
...
Ban Mê Thuột là rừng, nên có nhiều bướm, nhiều màu sắc khác nhau, đến mùa, bướm bay khắp chốn, trước khi thành bướm, nó là sâu, ở Ban Mê Thuột có một loại cây, lá nó bằng ngón tay, đến mùa sâu đầy cây, mỗi con lớn hơn cọng chân nhang, dài cở hai lóng tay, toàn thân màu xanh, hình như nó là loại sâu đo, vì khi di chuyển, nó cong mình lại rồi búng tới một cái, thân nó di chuyển một khúc, người Thượng bắt sâu đó bỏ vào miệng ăn tươi, nuốt sống nó trông có vẻ ngon lành lắm, sâu này ăn chừng ba ngày là sạch lá của cây.
Một hôm, sau khi ăn cơm từ nhà ông giám thị Anh đi về phòng nghỉ trưa, tôi thấy có một số học sinh và trẻ con Thượng chừng 10 em, có đứa leo lên cây, có đứa đứng ở dưới chỗ mấy cây gần cột cờ, chúng bắt sâu ăn.
Đến giờ học buổi chiều, tôi đang ở phòng làm việc, chợt thấy chị Nguyễn Thị Lộc vợ ông Huệ, hớt hơ hớt hải, chạy đến phòng tôi, chị nói:
- Anh mau đến lớp, xem học sinh nghịch ngợm quá quắc !
Tôi đi mau đến lớp Đệ lục của chị Lộc dạy, học sinh đã vào lớp, thấy tôi đến, các em đứng lên, từ ngoài cửa, nhìn trên bàn giáo sư, tôi thấy 6, 7 con sâu đang bò, tôi hiểu chị Lộc sợ sâu, tôi hỏi:
- Em nào đã bỏ sâu lên bàn, dơ tay lên, hoặc thấy ai bỏ sâu lên bàn, chỉ cho tôi biết.
Tôi hỏi đến ba lần, không em nào nhận mình đã bỏ sâu lên bàn giáo sư, tôi biết ít ra phải có ba bốn em làm việc đó, nhưng không em nào dám nhận, tôi cũng giận, nên phạt các em:
- Không em nào nhận cả, cũng không em nào cho biết đã thấy ai bỏ sâu lên bàn, như vậy có người làm lỗi, có người đồng lõa giống nhau, bây giờ tất cả lấy cây thước hay cây bút chì ngậm vào miệng, quỳ gối lên, giăng hai tay ra.
Các em răng rắc làm theo tôi, và tôi đứng đó đến 15 phút mới cho các em ngồi xuống, và nói với các em:
- Tôi phạt để các em nhớ, từ nay không nên có bất cứ hành động nào vô lễ với giáo sư, người Việt chúng ta tôn kính thầy, cô trên cha mẹ. Cha mẹ các em, các em không đùa nghịch phá phách như vậy, tại sao lại làm cho cô giáo sợ mấy con sâu đó?!
Còn một việc nữa, tôi muốn nói với các em, ra đường nhiều em gặp giáo sư không chào hỏi, đó là việc thiếu lễ độ của một học sinh đối với Thầy, Cô giáo. Từ đây về sau, tôi khuyên các em, gặp giáo sư của Trường bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng phải chào, người ngoài nhìn vào sẽ khen học trò kỹ thuật lễ phép. Tôi biết, một số các em nội trú nghĩ rằng đi ra ngoài là phạm kỷ luật, tránh chúng tôi không chào, sợ chào giáo sư biết mặt sẽ bị phạt, nhưng các em thấy chúng tôi là chúng tôi đã thấy các em rồi, phạt hay không là chuyện khác, một học sinh lễ phép, giáo sư dễ tha thứ hơn là học sinh vô phép, hơn nữa các em nghĩ coi, các em cúi đầu chào chúng tôi, chúng tôi cũng phải cúi đầu chào lại, ai lỗ hơn ai ?
Từ lần tôi nói chuyện với các em đó, ra đường các em chào chúng tôi quá lễ phép, không phải chỉ cúi đầu mà thường các em đứng lại khoanh tay cúi đầu chào rồi mới đi, còn chuyện tôi phạt tập thể như vậy, đáng lẽ ra chỉ nên giảng cho các em hiểu về sự tôn kính các giáo sư, biết tự trọng và tự giác về những điều sai trái của mình, làm được vậy thì tốt hơn là phạt tập thể các em.
...
Trường Ban Mê Thuột là Truờng tôi dạy đầu tiên, ghi nhiều dấu ấn trong tôi về nghề giáo, nơi đây tôi bắt đầu sự nghiệp của mình.
(Trích theo " NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN TÔI DẠY" của Huỳnh Ái Tông đăng trên http://huynhaitong.blogspot.com/…/ngoi-truong-dau-tien-toi-…)

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Lời nói vần của người Êđê, M’nông...

Lời nói vần của người Êđê, M’nông...
TÌNH YÊU ĐÔI LỨA
Trong kho tàng văn hóa dân gian, lời nói vần của người Êđê (klei duê) và của người M’nông (nao m’pring) là một thể loại văn học đầy chất trữ tình...
...
Cũng như các dân tộc khác trên khắp mọi miền đất nước, phần lớn các bài ca của người Êđê, M’nông là những lời tâm tình của trai gái yêu nhau.
...
Hình ảnh bông hành, bông nghệ, chim giông tượng trưng cho tình yêu xa cách và mong ước gần nhau của nam nữ Êđê, M’nông:
Gửi bông hành, bông nghệ nhớ không thôi
Em mong anh đã lâu
Như em mong chim phí
Em đợi anh đã nhiều
Như em đợi chim giông
Tình yêu của trai gái Êđê, M’nông rất mộc mạc, thủy chung. Khi trai gái yêu nhau:
Một trái dưa chẳng quên
Một trái bắp cũng dành cho nhau
Và đặc biệt là chiếc vòng – mô típ quen thuộc và phổ biến nhất trong các bài ca dao về tình yêu:
Anh với em
Vòng đã trao
Lời thề giữ trong lòng…
Lúc xa nhau, trai gái Êđê, M’nông có chiếc vòng làm “vật tin”. Chiếc vòng tượng trưng cho sức mạnh tình yêu, là vật hứa hôn có nhiều ở các dân tộc. Đối với nam nữ Êđê, M’nông, chiếc vòng có một sức mạnh ràng buộc đặc biệt. Chiếc vòng là biểu tượng của tình yêu và lòng chung thủy sắt son của họ.
Người đi xa nhớ về buôn làng của mình:
Nhớ cây đa bên suối Êa Dông
Đàn ong đậu làm rung lá
Bến nước của người Êđê, M’nông cũng có vai trò như cái giếng đầu làng của người Việt. Đây là nơi gặp gỡ sớm chiều của các bà mẹ, các cô gái, chàng trai. Chàng trai Êđê, M’nông gặp bạn gái bên bến nước, lúc về nhà tơ tưởng không nguôi:
Củ nghệ vàng em tắm lúc chiều hôm
Đêm nằm anh càng thương, càng nhớ
Còn cô gái thì ngỡ ngàng:
Ở bến nước của nhà ai
Mà phía trên trong màu ngọc
Mà phía dưới đục màu chì
Như bến nước của Hơ Kung, Y Du
Và mong ước:
Anh lấy nước ăn trầu
Vẽ lên triền núi đen
Bầy chuồn chuồn màu đỏ mây chiều
Đàn bươm bướm màu sương buổi sáng…
...
Ở giữa núi rừng sâu thẳm hoang vu, tiếng hát, tiếng cười của trai gái đi rừng đã làm thức dậy cây cỏ muôn thú. Tiếng những cô gái hái rau xanh bên hai bờ suối nghe ríu rít như đàn chim sẻ. Giọng ca của họ cất lên mới êm ả làm sao, tạo thành một giai điệu tình yêu êm ả:
Hái rau phí anh hỡi
Dọc dòng Krông Bông
Hỡi chàng trai cưỡi voi lên núi
Hãy đợi em đi chặt nõn lơ pong.
Mỗi bước đi của họ, rừng núi lại hiện ra những nét đẹp lạ thường của hoa quả, cỏ cây, chim thú, như nâng niu tình bạn, tình yêu của trai gái buôn làng:
Rừng này sao đẹp quá
Bên trái dây cuốn, dây leo
Bên phải cây nhiều cành, nhiều dóng
Trên ngọn khỉ vượn đùa vui
Thơm nức mùi quả hơ đá
Rộn ràng tiếng chim bang bôi
Hát mừng mùa hoa quả chín.
Nhìn chung, lời nói vần về tình yêu đôi lứa của dân tộc Êđê, M’nông vô cùng phong phú. Nó phản ánh tâm hồn trong sáng, tình yêu cao đẹp và mong ước của họ về một cuộc sống hạnh phúc giàu đẹp của ngày mai.
(Trích theo Báo Đắk Lắk điện tử)

CẢ TRỜI QUÊ HƯƠNG THEO CÂY ỚT

Ngày xưa ở Ban mê có cây ớt mọc hoang với nhiều tên gọi...ớt rừng, ớt hiểm, ớt xiêm, ớt mọi, ớt chỉ thiên...
CẢ TRỜI QUÊ HƯƠNG THEO CÂY ỚT
...
Nghe bà nội tôi kể: ông Hoàng, em ruột của ông nội tôi, từ thời tuổi trẻ đã có máu phiêu lưu, lãng tử, nghệ sĩ. Ông cảm thấy đất thần kinh Huế nhỏ bé quá, lễ nghi của triều đình và giòng họ thời ấy lại khắc khe, còn ông thì ông thích bay nhảy, luôn muốn vượt ra ngoài những khuôn phép đã có từ hàng trăm năm tại kinh đô trầm mặc. Thế là một buổi sáng nọ dưới triều vua Thành Thái, ông đã đến từ biệt ông bà nội tôi để thực hiện giấc mộng phiêu lưu. Với một số thanh niên quý tử thời ấy, khi nói đến xuất dương hải ngoại thì người ta hay nghĩ đến xứ Pháp ở trời tây, hoặc HongKong kiêu kỳ. Nhưng với ông, ông lại chọn xứ Lào để đi. Ông bà nội tôi cũng không biết, không hiểu lý do tại sao ông lại chọn nước Lào mà không là nước khác. Mặc dù nước Lào ở khá gần kinh đô Huế, nhưng dường như dãy Trường Sơn cao sừng sững nằm giữa đã cách biệt hoàn toàn về văn hóa và cả địa lý giữa Việt Nam và Lào. Nói đến Lào tưởng như rất xa và cũng rất lạ. Bà nội tôi nói khi ấy bà muốn hỏi ông Hoàng thêm nhiều nữa, nhưng thấy ông có vẻ buồn, nên bà ngưng không hỏi tiếp. Bà vào buồng, xếp cho ông một tay nải hành lý, vậy là ông đi... Ông đi biệt tăm mấy chục năm, đã không ai có nhiều tin tức về ông, chỉ nghe nói ông làm ăn hình như phát đạt và thành công bên ấy. Ông bà nội tôi chỉ được tin chính thức của ông khi ông trở về Việt Nam, hình như khi ấy Pháp đã rút ra quân ra khỏi Đông Dương rồi. Ông trở về với bộ dạng đứng tuổi, râu dài đến ngực bạc phơ, cũng là áo dài gấm, khăn đóng nghiêm trang, lễ giáo như khi ông ra đi. Tuy nhiên ông đã không trở về Huế sống, mà lên tận Ban Mê Thuột mua đất mở đồn điền trồng trà và café. Thời ấy mà ông đã áp dụng nhiều kỹ thuật máy móc vào nông nghiệp với những chiếc máy cày, máy cắt... Tôi nghe nói đích thân ông đã ngồi điều khiển những chiếc máy ấy cùng với các công nhân đồn điền. Nền Đệ Nhất Cộng Hòa phát triển, miền Nam chan hòa nắng ấm, đất đai cao nguyên trù phú, con người chân thật, hiền lành và văn minh từ trong cư xử cho đến khoa học kỹ thuật. Ông và gia đình đã nhận miền cao nguyên là quê hương, hòa đồng cùng người dân địa phương và cả các sắc tộc Thượng, các bộ lạc, buôn làng từ trong các vùng thật xa xôi, ngút ngàn...
.
Trong khoảng thời gian này, ông được quen biết rất nhiều những vị tù trưởng từ trong các buôn làng. Họ ra vào giao tiếp và buôn bán, trao đổi với người Kinh. Họ biết ông là một công tử của đất Thần Kinh, tuy xa quê nhà, nhưng trong các bữa ăn của ông luôn phải có một quả ớt như là một hoài niệm, cho nên một vị tù trưởng, trong một lần ra thăm, đã đem theo một giống ớt rất quý, thật cay để làm quà cho ông. Ông rất quý giống ớt này, đã trồng nó quanh nhà và đem về trồng luôn ở căn nhà của ông ở Sài Gòn, nơi có các chú, các cô đang ăn học...Tôi còn nhớ ngày còn bé thơ, đi theo Ba Mẹ tôi đến ăn kỵ (giỗ) tại nhà ông, tôi đã nghe các cô chú bàn tán nhau về mấy trái ớt đặc biệt này được hái từ chậu trong sân nhà. Các cô, các thím hay hỏi nhau đã ăn thử “Trấy ớt cay vô hậu nớ chưa?”, rồi có tiếng O khác trả lời tiếp theo: “U chao ơi! Em thử rồi, dễ sợ quá đi tề!”....Khi ấy tôi còn quá bé, chẳng hiểu người lớn nói gì, và cũng không biết vị cay của ớt “dễ sợ và vô hậu” cỡ như thế nào...
.
Ngày 30-4-1975 đã đến rất bất ngờ và quá nhanh. Các cô, các chú đã theo đoàn người chạy loạn rời khỏi Việt Nam một cách tức tưởi, bỏ lại tất cả để ra đi. Chú Toàn, người con trai thứ của ông Hoàng, trước khi khóa trái cửa nhà ra đi, đã kịp hái một trái ớt vừa chín đỏ, cho vào túi áo rồi xấp ngửa chạy theo đoàn người di tản nháo nhào ra phi trường Tân Sơn Nhất...
.
Quả ớt cay từ một buôn làng vùng Cao Nguyên thượng du xa xôi, sau khi ra hoa kết trái ở Sài Gòn đã lại lên đường, và lần này nó theo đoàn người chạy loạn rời khỏi quê hương Việt Nam.....
.
Không biết quả ớt ấy đã theo chú Toàn đi đến những đâu, qua những trại tạm cư nào, được chú cất giữ bao lâu (?). Chỉ biết cuối cùng rồi thì chú Toàn cũng đã ươm được hạt và trồng được giống ớt này tại Hoa Kỳ. Trong cuốn phim Vượt Sóng của đạo diễn Hàm Trần, có cảnh một người đàn ông trồng một cây ớt mà giống đem theo từ Việt Nam. Khi xem đến đoạn phim này, tôi đã nhớ đến cây ớt của chú Toàn, không biết tác giả kịch bản có lấy ý tưởng từ gia đình chú tôi hay đây đúng là một hình ảnh khá phổ biến nơi những người Việt Nam đầu tiên di tản ra khỏi Việt Nam năm 1975 (?). Trong những năm sau đó, khi mà cộng đồng tỵ nạn ở Mỹ hầu như bị mất hoàn toàn liên lạc với quê nhà thì những quả ớt xanh đỏ của chú Toàn trồng tại Mỹ đã giúp bà con thân thích đỡ nhớ Huế, đỡ nhớ Việt Nam. Thời ấy, muốn nấu được một mâm cơm Việt Nam không phải dễ, phải mày mò đi tìm thực phẩm tươi ở các chợ Phi, chợ Tàu, tìm mua thực phẩm về chế biến ra những món ăn...na ná thức ăn Việt Nam. Sau này, khi Ba tôi qua Mỹ định cư theo chương trình bảo lãnh, chú Toàn đã kể với Ba tôi về những ngày đầu đến Mỹ: “Cơm thì có, nhưng đồ ăn Việt Nam thuần túy làm chi mà có, với trấy ớt ni, tụi em lấy muỗng xắn ra chén nước mắm, rứa là có cả một trời xứ Huế.... u chao, hắn cay ràn rụa con mắt, rồi mình không biết chảy nước mắt vì ớt hay đang khóc vì nhớ nhà nữa !!!”
.
Khi chú Toàn gặp lại Ba tôi trên đất Mỹ, chú đã đưa Ba tôi giống ớt này như là một món quà “Welcome To America” của chú. Đất California từng là đất đai của Mễ Tây Cơ, một dân tộc ăn ớt và trồng ớt rất nhiều, cho nên các cây ớt sau khi ươm hạt, nẩy mầm, có vẻ rất hạp với thổ nhưỡng tại đây. Giống ớt này có ít lá, cho nhiều hoa và trái. Khi trái còn non thì mang màu xanh, khi bắt đầu chín chuyển qua màu đen. Từ màu đen phải cần trên 2 tuần mới chuyển qua màu đỏ. Mỗi lần về Mỹ thăm nhà, tôi đã thử ăn những trái ớt xanh, ớt đen và ớt đỏ để có nhận xét về các mức độ cay khác nhau của nó. Trái xanh chỉ the the, đôi khi chẳng có vị lai gì cả, trái đen đối với nhiều người đã là quá cay. Trong thời gian 2 tuần sau cùng từ khi trái màu đen chuyển sang màu đỏ chính là thời gian để trái ớt tích tụ tinh chất cay “khủng khiếp” từ cây ớt. Với tôi, vị cay của giống ớt này không làm người ăn có cảm giác như bị xé lưỡi, không như bị rách môi, cũng không khiến bao tử ta bị quặn thắt như khi ăn phải ớt “lồng đèn” của Mễ. Vị cay của giống ớt này là một vị cay “quân tử”, nó khiến các tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn, giúp cho người ăn cảm giác thức ăn thật tuyệt. Ớt tuy cho ta cảm giác rất nóng, nhưng là cái nóng rần rần làm ấm cả lồng ngực và thân thể, tuy vậy không làm ta vã mồ hôi để khiến nhan sắc ta trở nên trông bạc nhược, xấu xí trong bàn tiệc. Người dùng giống ớt này, tuy luôn miệng kêu cay, nhưng vẫn cười nói, vị cay nồng khiến những cặp mắt trở nên ươn ướt tình tứ, những cặp má như thêm hồng đào e thẹn. Tôi đã cố ý quan sát ở những người không bao giờ biết ăn cay, khi họ ăn thử một tí tương ớt được chế biến từ ớt khô giã nhỏ, họ có bàng hoàng đó, có thảng thốt đó, nhưng chẳng một ai phải vụt chạy vào toilet để phun nhổ hay súc miệng cả...và phong cách, thần thái của thực khách vẫn được giữ nguyên, nếu không nói là trông quyến rũ hơn dưới ánh đèn của bàn tiệc. Từ khi chú Toàn đưa giống ớt này cho Ba tôi, tôi không biết giống này tên gì, có người bảo đây là ớt mọi, có người bảo ớt chỉ thiên....nhưng tôi vẫn đùa với gia đình rằng đây là “ớt quân tử”, bởi nó luôn giữ cho người ăn một thần thái trước sau như một, nó không làm cho người quân tử la rú bỏ chạy, nó không làm trôi lạt đi son phấn của các bà các cô. Nhưng mà nó rất cay, cay mà lại làm người ta thèm, cay mà lại khiến ai đó chỉ muốn ăn thêm tí nữa !!!
.
Ngày tháng thấm thoát trôi qua thật nhanh, mới đó mà tính tới năm nay đã là 40 năm người Việt Nam ra đi tỵ nạn ở khắp nơi trên thế giới. Với gia đình bên nội tôi, giống ớt này đã theo bà con, họ hàng qua Mỹ cũng đã 40 năm. Ông Hoàng đã buồn và mất ngay trong ngày CS chiếm Ban Mê Thuột, chú Toàn hay Ba tôi trên đất Mỹ nay cũng đã trên dưới bát tuần. Người Việt sống tại hải ngoại đã đến thế hệ thứ 3 rồi. Các em sinh ra ở bên này làm sao hiểu được tâm tư của thế hệ thứ nhất như chú Toàn. Bốn mươi năm trước, họ đã phải bỏ lại hết tất cả từ quê hương, người thân, kỷ niệm, cơ ngơi và sự nghiệp... bỏ lại tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng nhưng vẫn có một quả ớt thật tình cờ nằm trong túi áo năm xưa của chú Toàn. Nếu kể, không biết các em có hiểu không (?), về người lưu vong xứ Thần Kinh trong những năm đầu lưu lạc, chỉ cần một chén cơm nóng, xắn trái ớt cay thơm nồng, chỉ là nước mắm ớt chan cơm mà cả trời xứ Huế đã trở về !
.
Ai đó đã nói, chúng ta đi mang theo quê hương!!!
.
...
Viết tại Toronto 2014 – Tôn Thất Hùng
** Tên các nhân vật đã thay đổi vì muốn tôn trọng người đã khuất và người còn sống.
(Trích đoạn ""ỚT QUÂN TỬ" LƯU LẠC VIỄN XỨ của Tôn Thất Hùng đăng trên http://hoinhakythuat.blogspot.com/)

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Xứ Thượng... CẦU THANG CÁI

Xứ Thượng...
CẦU THANG CÁI
...
Với những nhà dài bao giờ cũng có hai cầu thang. Chiếc cầu thang cái to và đẹp được vạc liền từ một khúc gỗ lớn từ dưới lên trên có 5 hoặc 7 bậc, quan niệm của người Ê đê, số 5 và số 7 đều là số rất may mắn. Làm cầu thang cái không đơn giản, từ việc đi chặt khúc gỗ trong rừng đã phải cúng xin Giàng, rồi đưa gỗ về nhà phải cúng nữa thì người đàn bà là chủ nhà mới được cầm búa bửa một nhát đầu tiên, sau đó thì giao cho thợ. Thợ cũng kiêng cữ dữ lắm, suốt thời gian từ 3 đến 5 ngày làm cầu thang không được đùa giỡn, nói tục hay nói gì đụng phạm đến phụ nữ. Hình tượng 2 cái vú là bầu sữa mẹ và cũng chứng tỏ uy quyền của người chủ gia đình là phụ nữ, hay nói văn hoa hơn là ‘’nữ nhi thượng quyền’’. Bầu sữa nhìn vậy đó nhưng nghệ nhân giỏi cũng phải làm mất hai, ba ngày ròng, bởi hai bầu phải y hệt nhau từ cặp núm đến cặp bầu tròn trĩnh y như cùng khuôn đúc chứ to nhỏ chút xíu cũng không được. Cầu thang cái chỉ dành cho bà (mẹ vợ), cho vợ, cho con gái và khách thôi.
Chiếc cầu thang nhỏ hơn nằm bên hông... là chiếc cầu thang đực, của riêng chồng, con trai, con rể, nó cũng có thể là 3, 4, 5 hay 6 bậc đều được vì với cầu thang này không quan trọng nên không cần kiêng cữ. Nó thô thôi, không đẹp như cầu thang cái đâu và hoàn toàn không có hai bầu sữa.
Ngày xưa nếu ai đó bắt gặp đàn ông trong nhà, có nghĩa là chồng và con trai (đã trưởng thành) chỉ cần đặt chân lên cầu thang cái là bị đưa ra buôn phạt vạ về tội không tôn trọng ‘’quyền nhi nữ’’, ngoài việc phạt bằng hiện vật như tiền hay gà, heo… tùy theo lỗi nặng, nhẹ còn phải mất gà hoặc heo cúng cầu thang nữa. Thời nay hầu như bỏ việc phạt, nhưng ai cũng có ý thức về điều cấm kỵ này, ngay cả khách lạ, khách quen đến nếu có phụ nữ ở nhà họ sẽ mời bước lên bằng cầu thang cái, còn không thì chọn cầu thang đực mà lên thì mới phải phép lịch sự.
...
(Trích theo "Điều cấm kỵ từ chiếc cầu thang của người Ê đê" của Ama Trung đăng trên http://baotintuc.vn/)