Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

CHỮ NÀNG TRONG TIẾNG MƯỜNG

Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng,
dệt mấy cung yêu thương ... (NCSC_Tô Hải)
CHỮ NÀNG TRONG TIẾNG MƯỜNG
Từ Mỵ nương, chúng ta thường gặp trong truyền thuyết lịch sử, như là tên của nàng công chúa. Theo chuyện Hồng Bàng, Mỵ nương là danh từ chung để gọi những người con gái Vua Hùng. Nhiều tác giả cho rằng “Mỵ Nương” là phiên âm hai từ “mệ nàng” trong tiếng Việt. Nhưng hiện nay, ta chỉ dùng từ “mệ” để gọi bà già theo tiếng địa phương bắc Trung Bộ. Tuy vậy, ta có thể tìm hiểu từ này qua những ngôn ngữ anh em. Trong tiếng Mường có từ mại là “người con gái”; trong tiếng chàm ca-mái, tiếng Ba-na (Tây Nguyên) mai đều có nghĩa là “con gái”... Trong tiếng Việt, từ mái hiện nay chỉ dùng để gọi loài chim thuộc giống cái như “gà mái”, “chim mái”. ...
Như trên đã nói, từ nàng và chàng trong tiếng Việt cổ có vẻ trang trọng hơn bây giờ, tên huý các vị thần con cháu Hùng Vương đều được truyền tụng để khấn khứa khi cấu cúng với từ “nàng và chàng”. Trong tiếng Mường gần đây danh từ mại chỉ dùng để gọi những người con gái thường dân, còn vợ và con gái nhà Lang thì được gọi là NÀNG.
Đối lập với từ nàng, để gọi người phụ nữ quí tộc, người con trai, đàn ông quý tộc trong ngôn ngữ Mường...gọi là LANG, do đó mà dòng họ quý tộc thì gọi là nhà Lang. Tên 18 người con trai Hùng Vương, theo các thần phả sao chép lại, đều có từ lang và trong ngôn ngữ thờ cúng truyền miệng thì gọi là chàng như đã nói trên.
Từ quan trong từ ghép quan lang được nhiều tác giả giải thích bằng tiếng Hán là từ chỉ quan chức. Nhưng theo truyền thuyết thì từ quan lang đã có từ lâu đời trong thời Hùng Vương: trước khi người Hán sang. Hơn nữa quan lang được đặt đối lập với từ mỵ nương và còn nói rõ là dùng để gọi con trai và con gái các vua Hùng. Những điều truyền thuyết ghi lại khá phù hợp với tài liệu so sánh ngôn ngữ về từ mỵ nương như chúng ta vừa thấy: mỵ được phiên âm từ dạng tương tự như còn thấy trong các ngôn ngữ dân tộc anh em: mái, mại, mai, me; nương là do từ nàng, đang.
Vậy cả hai từ mị nương có nghĩa là “con gái”, “phụ nữ”, “giống cái”, duy chỉ khác nhau ở sắc thái tu từ học. Từ thứ nhất có nghĩa thông dụng rộng rãi hơn, từ thứ hai có vẻ trang trọng, quý phái hơn. Trong từ ghép quan lang thì từ lang có nghĩa là “đàn ông” và cũng được dùng với vẻ trang trọng, quý phái trong các ngôn ngữ Mường...
(Trích theo "Vài nét về tổ chức của xã hội Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ học Hoàng Thị Châu" đăng trên http://butnghien.com/)

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

LANG ĐẠO NGÀY XƯA

Xứ Mường “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” ...
LANG ĐẠO NGÀY XƯA
Mường là đơn vị tổ chức xã hội, tập hợp nhiều làng trong cùng một thung lũng, hay nhiều thung lũng, liền kề nhau. Đơn vị tổ chức này đặt dưới sự cai quản của một dòng họ quý tộc mà người Mường vẫn gọi là “nhà Lang”.
Tầng lớp thống trị nhà Lang hợp thành những dòng họ phụ hệ, mỗi dòng họ chiếm lĩnh một Mường. Dòng họ Lang tự phân biệt với các dòng họ khác không chỉ bằng Mường họ chiếm lĩnh mà còn bằng một tên họ.
Ở Hoà Bình các dòng họ nắm quyền thống trị lâu đời là các họ: Đinh, Quách, Bạch, Hà, Hoàng. Trong các họ này thì họ Đinh, họ Quách là những họ có thế lực mạnh nhất.
Bộ máy lãnh đạo đứng đầu là quan Lang, các quan Lang gồm có Lang Cun và Lang Đạo là những người thuộc dòng họ quý tộc. Lang Cun là Lang có uy thế và quyền lực lớn các Lang Đạo khác phải phục tùng. Lang Cun thường cử người nhà đi làm Lang đạo ở các xóm trong Mường. Trước đây ở Hòa Bình có 4 Lang Cun có thế lực lớn nhất là:
Lang cun ở Thạch Bi tức Mường Bi ( Tân Lạc)
Lang cun ở Trung Hoàng tức Mường Vang ( Lạc Sơn)
Lang cun ở Mường Thàng ( Cao Phong)
Lang cun ở Vĩnh Đồng tức Mường Động ( Kim Bôi)
Chức Lang được truyền lại theo hình thức cha truyền con nối. Khi Lang Cun chết nếu không có con trai, vợ Lang Cun có thể lên thay chồng cho đến khi không thể làm nổi chức vụ. Đến lúc này họ hàng nhà Lang cùng với những người tin cẩn chọn một người trong họ đưa lên làm Lang Cun. Cũng có khi chức Lang Cun được trao cho người rể của nhà Lang, trong trường hợp này, người con rể phải bỏ họ nhà mình và lấy họ vợ.
Truyền thuyết Mường kể rằng: Xưa kia vua Dịt Dàng cử bốn vị thần của mình xuống để cai quản các vùng Mường lớn, nên họ là người đại diện cho dân tiếp xúc với thần thánh. Chính vì vậy, người dân vô cùng kính trọng họ, mọi của cải đất đai đến cả bản thân mỗi con người đều thuộc về Lang, nó tồn tại như một sự tất yếu trong xã hội truyền thống Mường…
(Theo Không Gian Văn Hóa Mường http://muong.vn/)


Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

XEM NGÀY...QUA BỘ LỊCH CỔ MƯỜNG

Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới...(Tục ngữ Mường)
XEM NGÀY...QUA BỘ LỊCH CỔ MƯỜNG
Bộ lịch cổ ấy được gọi là lịch Đoi, là một giá trị văn hóa tuyệt vời còn sót lại cho đến ngày nay. Bộ lịch này hiện vẫn còn được giữ gìn trong những gia đình trí thức truyền thống của người Mường và các gia đình tầng lớp thầy Mo. Tuy vậy, bộ lịch này của người Mường cũng ít còn được áp dụng ngoài việc ma chay hiếu hỉ.
...
Lịch pháp Mường thiên về âm lịch dựa vào sự quan sát chuyển động của mặt trăng cũng như sự vận chuyển của sao Đoi để phân định ngày, giờ, tháng, năm. Từ đó chế định ra 12 thẻ tre, mỗi thẻ là một tháng. Trong đó có số ngày trong tháng ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt xấu, đại cát, xích khẩu.
...
Việc tính toán các ngày xấu, tốt trong tháng cũng được dựa trên việc quan sát sao đoi và trăng. Trong mỗi tháng được chia thành 4 tuần là tuần đoi, tuần cối, tuần cây, tuần lồm. Trong mỗi tuần, ngày nào sao đoi đứng ở phía trước mặt trăng là ngày nóng, đứng sau mặt trăng là ngày mưa, có ngày trăng lặn, ngày sao mờ... đó là những ngày xấu. Khi sao đoi đứng ở vị trí sát bên mặt trăng, ánh sao sáng rõ, nền trời trong thì đó là dấu hiệu của ngày tốt.
...
Trên lịch đoi, nếu thấy vạch nào hình chữ vê (V) thì gọi là ngày cá, vạch nào có một chấm ở trên thì gọi là ngày tiểu hao, hai chấm thì gọi là ngày hao, vạch hình mũi tên là ngày mưa bão. Số lượng và mật độ của các ngày này thay đổi theo từng tháng. Tháng nào thấy có nhiều vạch hình mũi tên thì tháng đó rất nhiều mưa bão, nếu gieo mạ, cấy lúa... vào những ngày mưa bão thì sẽ bị hư hỏng hết. Nếu vào ngày cá thì người dân đi đánh cá, mò cua bắt ốc sẽ được nhiều.
...
"Lịch đoi còn có tên gọi khác là lịch Mường, lịch đá. Đây là loại lịch của người Việt cổ, có lẽ xuất hiện từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 4.000 năm. Lịch đoi không chỉ có ở xứ Mường Bi mà có cả ở Mường Vang, Mường Thàng, Mường động. Tuy nhiên đến nay chỉ còn đất Mường Bi giữ được phong tục cổ xưa này vì ở Mường Bi còn duy trì được một lực lượng đông đảo các thầy mo, thầy cúng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Lịch đoi chậm hơn lịch âm khoảng 15 ngày. Chính vì thế mà hiện nay người Mường ăn tết hai lần, một lần Tết Nguyên đán theo lịch âm, và một lần ăn tết theo lịch đoi. Đợt ăn tết thứ hai sau đợt Tết Nguyên đán khoảng 15 ngày gọi là ăn tết lại, tết đoi. Lịch đoi có ý nghĩa rất quan trọng đối với văn hóa Việt, nó thể hiện tài chiêm tinh của người Việt cổ thông qua việc quan sát sao, trăng để đoán ngày lành tháng tốt, thời thế, vận mệnh. Lịch đoi cho con người chỗ dựa niềm tin tạo thành sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn, rủi ro".
TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Khoa Văn hóa Phát triển)




NGÂY NGÔ MỘT THUỞ

Còn một chút gì để nhớ để quên...
NGÂY NGÔ MỘT THUỞ
Cho tôi xin... một ước mơ dài
Để ngàn đời ru ngủ tình em
Cho lòng tôi một lần ấm lại
Trôi êm đềm như suối tóc em
Cho tôi xin... say bóng em hoài
Khi tỉnh dậy không còn nhớ nữa
Dù khi ấy khiến lòng tôi tựa...
Cả bóng chiều lẫn ánh nắng mai
Trái tim ơi ! sao cứ xé làm hai
Cho đôi tai đỏ bừng dòng máu lạ
Cho đôi mắt xa xăm mờ bóng ngã...
Để những bước... chân dài lại vướng gai
Nhún đôi vai em làm tôi ngơ ngẩn
Chiếc mũi thừa chẳng biết bỏ đi đâu
Môi ấm ớ nói mà chẳng ra câu
Cho hồn tôi một lần theo thơ thẩn
Những ngón tay lại một lần lầm lẫn
Vuốt mái tóc chải gọn tự bao giờ
Liếc mắt sang sao em vẫn hững hờ
Nghe tê tái đang vào tim xâm lấn
Trên thân tôi như vật gì đè nặng
Nói câu nào...lại một lần cố gắng
Một lần cắn môi...sẽ nói câu nào
Trong im lặng...cứ thầm hỏi tại sao
Thương biết bao tôi xin làm ngu thánh
Gom cuồng si lấn dần niềm kiêu hãnh
Nhún nhường thêm thú tội biến thành lời
Cho anh xin...rồi nhìn em chờ đợi
Em quay lại mà như xa vời vợi
Mím đôi môi như thầm bảo tại tôi
Rồi...bỏ đi dáng ra vẻ bất cần
Một lần nữa hồn tôi theo thờ thẩn...
phạm đình đạt.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Thăm làng Mường ở Ban mê... BÍNH BOONG, BÌNH BÍNH BOONG...

Thăm làng Mường ở Ban mê...
BÍNH BOONG, BÌNH BÍNH BOONG...
Đến xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) một lần được nghe tiết mục diễn tấu chiêng của đội chiêng Mường ngân lên với những cung bậc khác nhau trong mỗi dịp lễ, hội của bản làng, không khỏi làm xao xuyến lòng người. Hòa Thắng là một trong những địa phương còn lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường trên Cao nguyên.
(Theo baodaklak.vn)
-------
...
Các bài tấu chiêng trong lễ hội dân gian khá phong phú, nhiều giai điệu, mỗi một vùng mường cụ thể trong từng lễ hội có nhiều bài khác nhau, song có một đặc trưng quan trọng và ở đâu cũng giống nhau đó là tiếng “khầm...” hoà âm của nhiều tiếng chiêng to có âm thanh trung hoặc trầm cùng tấu lên một tiếng như một điểm nhấn, sự khoá đuôi một đoạn, một giai điệu song đó cũng là sự nâng lên, đẩy lên âm thanh trầm hùng lan xa trong thung lũng núi đá vôi, dội vào vách đá, mái đồi lại vọng trở lại tạo nên thứ âm thanh giao thoa cùng đất trời. Tiếng “khầm..” như làn sóng, như sức mạnh xua đổi ma quỷ, xua đuổi cái xấu, song cũng có lúc tiếng khầm lại như tiếng sấm gọi mưa xuống cho người làm mùa. Khi tiếng khầm... nổi lên, người nghe có cảm giác như có luồng gió một sức mạnh vô hình. Sự thiêng liêng của chiêng được dồn tụ chính là tiếng “khầm..”, nó chính là biểu tượng, loại biểu tượng vô hình (phi vật thể) mang đa ý nghĩa. Việc diễn tấu chiêng sắc bùa trong hoạt động đầu xuân, lễ hội, tín ngưỡng dân gian Mường còn mang ý nghĩa tượng trưng cho tiếng sấm cầu mưa, xua đuổi ma quỷ, cầu yên lành cho dân Mường. Như vậy, từ xa xưa, chiêng được người Mường sử dụng rất nhiều trong lễ hội mang dáng dấp của ban nhạc lễ phục vụ cho các nghi lễ và có chức năng giao thông với thần linh. Chiêng được sử dụng xua đuổi ma quỷ mang điều lành về cho con người. Rõ ràng chiêng Mường là loại hình văn hoá và cũng là loại hình nghệ thuật còn rất đơn sơ, ít biến đổi vẫn còn giữ khá nguyên gốc như trong quá khứ xa xưa nó đã hình thành.
(Trích theo "Cồng chiêng trong đời sống người Mường" của Bùi Huy Vọng đăng trên http://www.baohoabinh.com.vn/)
...
Dàn cồng chiêng đủ bộ của người Mường có 12 chiếc, to nhỏ khác nhau. Con số 12 là biểu tượng cho 12 tháng của 1 năm, tính theo vòng quay của mặt trăng. Người Mường không đặt tên từng chiếc chiêng như các dân tộc ở vùng Tây Nguyên mà đặt tên theo từng chức năng họat động của chúng trong bản nhạc. Ví dụ chiêng Dàm âm trầm, dùng để đánh các chồng hòa âm ở cuối câu nhạc. Chiêng Đom là tiếng thanh hơn, dùng để đánh giai điệu chính của các bài bản. Chiêng Bòng Beng âm thanh cao, dùng để đánh thêm vào giai điệu cho âm nhạc phong phú về tiết tấu và cao độ.


Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

THÀNH CÔNG NGAY BỨC HỌA ĐẦU TIÊN

Chúc mừng sinh nhật Cam Dao TA...
THÀNH CÔNG NGAY BỨC HỌA ĐẦU TIÊN
Tên tôi là Đào Muscat và tôi đến từ Việt Nam. Năm 1981, tôi đến Úc với tình trạng tị nạn - Tôi là một trong những thuyền nhân.
Trong cuộc sống của tôi, tôi đã luôn luôn có một niềm đam mê để làm một "tranh sơn dầu" và mong muốn một ngày nào đó tôi sẽ có thể vẽ một bức tranh trong dầu. Tháng 11 năm 1999, tôi đã đi đến Pháp cho một kỳ nghỉ và chị dâu của tôi chỉ cho tôi làm thế nào để làm một bức tranh acrylic với "The Flowers trong The Vase" hình ảnh, và tôi hoàn thành nó!
Khi tôi trở lại Úc, tôi bắt đầu làm một số bức tranh, nhưng tôi không thể làm điều đó, bởi vì tôi không biết các kỹ thuật như là một người mới bắt đầu cho bức tranh sơn dầu, vv, vv ,. Sau đó, tôi đi ra ngoài và nhìn cho một giáo viên nghệ thuật mà kết quả là tôi có tổng cộng chín bài học tất cả cùng nhau ......... và tôi đã trở thành một nghệ sĩ khi tôi đã bốn mươi tám tuổi. Đối với tôi đó là một phép lạ cho cuộc sống của tôi từ lâu muốn trở thành sự thật, nhưng tôi vẫn còn có rất nhiều điều để học hỏi và tạo ra những điều mới.
Năm 2000, tôi trở thành một thành viên của Hiệp hội Armadale Nghệ sĩ và triển lãm đầu tiên của tôi tại thành phố Belmont, tôi đã bán một trong "Hoa Iris" của bức tranh của tôi trong dầu và sau đó tôi đã bán một một người bạn của tôi. Nó làm cho tôi cảm thấy như tôi đã đạt được một cái gì đó trong cuộc sống của tôi và tôi rất tự hào về nó. Tại thời điểm này, tôi có rất ít thời gian để thưởng thức sở thích của tôi và tôi coi bản thân mình nhiều hơn là một nghệ thuật Lover hơn một nghệ sĩ nhưng tôi luôn mong muốn rằng cảm giác của bức tranh nghệ thuật sẽ được trong trái tim tôi mãi mãi ......... .và ....... không bao giờ.
Dao Muscat
(Bài và ảnh bức tranh "Hoa trong Vase" đăng trênhttps://www.armadalesocietyofartists.com.au/our-…/dao-muscat)

Truyện thơ Mường... MỐI TÌNH ÚT LÓT - HỒ LIÊU



Truyện thơ Mường...
MỐI TÌNH ÚT LÓT - HỒ LIÊU

"Trời ơi, là vía!
Có ai ngờ gặp tiên giữa bái
Gặp người bạn gái vóc ngọc mình ngà
Như cành cây hoa
Trời đưa ra cho con người ta ao ước"
...
Truyện thơ “Út Lót - Hồ Liêu” là một trong những truyện thơ được người Mường nhắc tới nhiều nhất. “Có thể nói từ khi còn ở trong nôi, mỗi người Mường đã được nghe hát về Út Lót - Hồ Liêu. Đến tuổi bắt đầu biết nhận xét ít nhiều về cảnh vật xung quanh, họ lại được bà mẹ kể cho nghe về sự tích đàn bướm lạc tháng Ba, năm năm lại tái sinh và bay dập dờn, đông vô kể ở các nẻo rừng, về con cày cun nằm rũ rượi, buồn bã đáng thương như muốn tiếc nuối điều gì đến trọn kiếp” ... Truyện thơ “Út Lót - Hồ Liêu” được coi như là “Truyện Kiều”của người Mường. (nguồn chiasedoan.com)
-------
Người xưa kể rằng... nàng Út Lót vừa xinh đẹp, vừa thông minh, là con gái thứ ba của đạo Tu Liêng và Tu Ó. Nàng thấy bố buồn phiền vì nỗi không có con trai thay mặt mình đi chầu vua kẻ chợ, nàng xin giả trai đi làm việc đó. Dọc đường đi, nàng gặp Hồ Liêu, con của một lang đạo khác cùng đi chầu vua. Hai người kết làm bạn (chung lương, chung bộ, chung cỗ, chung phòng).
Trong những ngày ở đất kinh thành, không những Vua Kẻ chợ mà ngay cả chàng Hồ Liêu cũng không biết nàng là gái giả trai. Hết hạn chầu vua, trên đường về quê, Út Lót mới cởi bỏ lốt cải trang, trở lại là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, lộng lẫy. Và hai người yêu nhau, hò hẹn trên dòng suối để được gặp nhau. Dòng suối thơ mộng đó đầy ắp tình yêu là điểm hẹn hò những lời thề vàng đá.
Hai người về sau đã không lấy được nhau vì sau khi hết hạn chầu vua, Hồ Liêu trở về nhà thì gia đình đã cưới vợ cho chàng. Bởi quá yêu nàng Út Lót mà không lấy được nên chàng Hồ Liêu u buồn, đau ốm rồi mất. Nàng Út Lót cũng se lòng héo hon chờ đợi chàng trên dòng suối - nơi đã cùng chàng Hồ Liêu hẹn hò, rồi mất theo. Linh hồn hai người đã trở thành đàn bướm trắng dập dờn bay trên dòng suối tháng tư âm lịch hàng năm...
...
(Trích theo "Nơi nàng Út Lót, chàng Hồ Liêu hẹn thề" của Kim Dung đăng trên http://thanhtravietnam.vn/)

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Về thăm làng Mường ở Ban mê... HỌC TIẾNG MƯỜNG

Về thăm làng Mường ở Ban mê...
HỌC TIẾNG MƯỜNG
- Một số điều lưu ý :
+ Tiếng mường chỉ có tiếng nói "chưa" có chữ viết...
+ Đây không phải bài viết chính thống, vì người Mường có nhiều vùng miền chưa thống nhất được cách gọi...
- Một số từ tiếng Mường cơ bản -
Dựa vào phiên âm tiếng Mường (một số vùng cơ bản), có nhiều cách nói khác nhau tùy vào từng vùng miền...
Bố = Bố/ Eng
Mẹ = Mạng
Chị = Chị/ Cải
Em = Ún
Tôi , mình = Ho ( Tôi ( mình) đang học bài = Ho tang học bài
Mày, Bạn, = Ja ( mày đi đâu thế ?= Ja ti no à ? , Mày ăn cơm chưa = Ja ăn cơm jua, ....)
Nước = Rác ( tác ...) vì tùy vùng miền
Ruộng = Rọng
Con Trâu = Con Qlu ( khó đọc không? :)) . nôm na tách ra là Con "cờ lu" nhưng đọc nhanh lên nha âm "cờ" giống như chữ Quờ ấy. Con Qlu , Con Chu :))
Cái lược = Cái Khảo
Mệt = Nhọc ( Tao mệt lắm = Ho nhọc lắm)
Đi chơi = Tii dộng ( Tao với mày đi chơi đi ? = Ho phải Ja ty dộng bầy?)
Nước = Rác ( Uống nước = Óng rác)
Con lợn = Con Cúi ( nhà mày nuôi nhiều lợn không? = Nhà Ja chiếm từ CÚI chăng?
đầu gối = Cố lại
ăn cơm = ăn cơm
đi ngủ = Ty tảy ( Tao đi ngủ đây ? = Ho Ty tảy rá)
Mặt trăng = mặt tlăng
Buổi chiều = Khuộng
đi = Ty ( mày đi đâu thế? = Ja ty no à
đẹp = Thốcch (Em đẹp lắm = ún Thốcch lắm
Rượu = rạo
Uống = óng ( mày uống rượu không? Ja óng rạo chăng. bao giờ câu hỏi của người Mường cũng kèm theo từ chăng). ( Cháu mời bác uống nước ạ = Cháu mời bác óng rác ạ)
Bà = Mệ ( Cháu chào Bà = Cháu Chào Mệ)
ông = Ông
Cháu = Cháu/ Thôn
Anh = tứa ( đứa, eng từ eng này nếu chuẩn ra là từ bố nhưng một số vùng dùng từ Eng gọi là Anh, và gọi Bố = Bố như tiếng kinh )
Nhiều thế = (Từ nồng)
Bụng = lzộng

- Ghép từ như tiếng kinh : các bạn học được các từ Bố mẹ v.... và các từ khác có thể ghép lại thành câu hoàn chỉnh.
1/ Học Từ ANH YÊU EM Tiếng Mường
Tiếng Kinh: Anh yêu Em
Tiếng Mường: Tứa ưa ún (một số vùng có thể gọi như sau: đứa ưa ún, eng ưa ún)
(Ngoài ra còn một số từ đồng nghĩa với từ Anh yêu Em tiếng Mường nhưng dùng từ trên là nhẹ nhàng và sát nhất. Các bạn có thể nghe qua như: Ho háo ja chẳng hạn, nhưng từ này có vẻ hơi mạnh một chút.
Vậy tổng kết từ Anh yêu Em tiếng Mường sẽ có 2 từ để thể hiện
- Nhẹ nhàng tình cảm : TỨA ƯA ÚN (ĐỨA ƯA ÚN)
- Mãnh liệt : HO HÁO JA
Từ này tùy vào vùng miền sẽ có nhiều cách nói và phát âm khác nhau...
(Theo trang facebook hội những người thích nói tiếng mường
https://www.facebook.com/tiengmuong/)

ĐỘC ĐÁO ÁO VÁY MƯỜNG

Về thăm làng Mường ở Ban mê...
ĐỘC ĐÁO ÁO VÁY MƯỜNG
...
...vô tình nhìn thấy một thiếu phụ đi giữa trời xuân trong trang phục Mường độc đáo bởi màu đen trắng .Tôi ngỡ ngàng vì váy áo của thiếu phụ, tưởng chừng đứng trước một bông hoa trắng điểm giữa màu xanh của đại ngàn, làm bừng lên trong tôi khát vọng khám phá nét đẹp của váy áo Mường
...
Trái ngược với sự “…kín cổng cao tường,” tạo duyên thầm khoe độ dài đường cong “phom” người của chiếc váy đen mang đặctrưng âm tính, chiếc áo cực ngắn, người Mường gọi là áo pắn (áo cóm) .Từ gấu áo lên đến nách chỉ chừng vừa đủ một gang tay, với cách dùng khuy băng cúc bấm để đóng hờ trước ngực khoe ra mảnh yếm đào căng ninh ních của vòm ngực thanh tân thiếu nữ hay bầu ngực “mùa xuân chín” phập phồng của thiếu phụ hừng hực sức xuân . “Quần một ống, áo một gang” được nối liền nhau bằng bộ cạp váy nhiều hoa văn với cách thức mặc váy áo cầu kỳ chính là đỉnh cao của sự kết hợp âm dương hài hòa đẹp đến từng …“xen ti mét”. làm phấp phỏng trái tim khách đa tình trước sự phát lộ duyên dáng mà độc đáo trong váy áo truyền thống của người phụ nữ Mường…
Nhìn tổng thể trước bộ trang phục của phụ nữ Mường đã không khỏi nao nao trước nét đẹp gợi cảm sức thanh tân, nhưng khám phá từng chi tiết mới khâm phục nét thâm trầm sâu lắng chứa đựng nhân văn của người Mường...
Trong trang phục của người Mường, ngoài váy áo cạp váy ,đai lưng chạc tét với những hoa văn và tua dây xanh đỏ cầu kỳ còn có thêm bộ xà tích quả đào, vòng bạ. Đồ nữ trang này có trong trang phục của người Mường dành cho các mạng nàng con lang cun nhằm tôn vinh nét đẹp , sự sang trọng, quí phái mà trước đó chỉ có những người phụ nữ thuộc dòng dõi qui tộc… mới có (giống tiểu thư của các gia đình quyền quý của người kinh). Bộ xà tích là chi tiết đẹp tôn thêm giá trị đẳng cấp của con gái Mường với một ý nghĩa xã hội sâu sắc...
...
(Trích đoạn "ĐỘC ĐÁO VÁY ÁO MƯỜNG" của Hoàng Xuân Hiến đăng trênhttp://nguoixudoai.com/)

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

TRÒ CHƠI BỎ KHĂN

Vẫn là tuổi thơ...
"Bỏ khăn khăn nổi khăn chìm
Ba cô bốn cậu đi tìm cái khăn..."
TRÒ CHƠI BỎ KHĂN


...
Thằng Tứ dùng dằng ngồi bệt xuống dưới gốc cây cụt. Nó chẳng còn hứng thú gì để nhập bọn vui chơi. Hết “đập lon”, “u mọi”, rồi “cút bắt”. Hôm nào cũng lặp lại chừng ấy trò chơi quen thuộc nó đã bắt đầu nhàm chán. Không có thằng Tứ tham gia, thằng Hiếu và thằng Lu cũng mất hứng, chúng kéo nhau ra rìa cỏ ngồi tán dóc. Trong sân chỉ còn lại một túm con gái đang chơi trò “bỏ khăn”.
Con Thơ, em thằng Hiếu tay cầm một nhánh lá giả làm khăn bước vòng quanh đám con gái đang ngồi chụm đầu như cái nấm rơm, miệng nó ngân nga:
“Bỏ khăn khăn nổi khăn chìm
Ba cô bảy chú đi tìm cái khăn”
Vừa đọc, con Thơ vừa thả “cái khăn” rớt sau lưng một đứa nào đó. Nếu nó đọc dứt câu mà đứa kia chưa phát hiện ra, nó sẽ lượm “cái khăn” quất túa lua xua vào mông đứa đó. “Nạn nhân” của nó giật mình vụt đứng lên chạy một vòng rồi quay về chỗ cũ. Còn ngược lại nếu như “cái khăn” bị phát hiện thì đứa kia sẽ rượt đuổi và nó phải nhanh chân ngồi thế vào chỗ vừa bị bỏ trống. Cuối cùng, đứa nào nhanh tay lẹ mắt thì cái mông ít bị “hỏi thăm”.
...
(Trích trong truyện dài "Cỏ Dại" của Hồng Thủy đăng trên
http://tuoimuctim.net/)

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Trò chơi dân gian và đồng dao... RẢI GIANH

Trò chơi dân gian và đồng dao...
RẢI GIANH
Rải gianh
Trồng chanh
Vun chanh
Xới chanh
Bẻ cành
Hái ngọn
Chọn đôi
Chọn ba
Chọn bốn...
Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải khéo léo khi uốn bàn tay cho cong, rải những viên sỏi cho đều để sao cho khi nhặt và khi chọn (đôi, ba, tư) không bị va chạm vào những con khác. Nếu không khéo rải nó bật ra xa quá xa sẽ khó chơi, nhất là khi đã nhặt hết những viên sỏi riêng lẻ rồi, giờ phải tiến hành chọn (đôi hay ba) mà hai viên sỏi cần chọn lại ở cách nhau quá xa (đặc biệt những con cuối cùng) sẽ rất khó vơ được...
------
Là lớp 6/4 toàn nữ của niên khóa 68-75 đó các bạn... Mình cũng bồi hồi nhớ lại những ngày đầu bước chân vào trường Tổng Hợp Ban Mê Thuột, sau một kỳ thi tuyển đối với lứa tuổi mình lúc đó thật là gay go.
Năm đó nhà trường thiếu phòng, và chuyển lớp tụi mình qua Trung Tâm Tu Nghiệp Công Chức ở gần đó học tạm. Có lẽ vì Nhà trường cũng suy nghĩ cân nhắc, lớp 6 mới vào trường và toàn con gái chắc ngoan lắm nên cho bọn mình lưu vong yên tâm hơn các lớp khác . Không ngờ đám tụi mình nghịch không dở, chả biết “ đứa nào “ bày ra cái trò chơi giải gianh, sau đó lan ra cả lớp. Là cái trò chơi với mấy chục cục đá, mỗi lần thảy lên úp tay lại là ăn được một cục đá và cứ thế đến hết. Mình giải thích là cho mấy bạn nam thôi chứ đám lớp mình mà nghe nói đến trò này thì không đứa nào khỏi phì cười. Chỉ tội cho mấy đống đá ở Ty Công Chánh gần đó ngày một hao mòn, thì mấy chục đứa mà mỗi đứa hốt một cặp đá mà sao không hao hụt. Mình còn có sáng kiến chọn những viên tròn trịa dễ chơi bỏ trong cặp đem về nhà rửa thật sạch bỏ sẵn trong cặp.
Có một lần Cô Suối Kiết bắt đem tất cả cặp sách lên cho cô kiểm tra, eo ơi cô phát hiện ra toàn một cặp đá là đá. Sau đó bọn mình không bỏ trong cặp nữa, mà chơi xong tìm một xó nào trong sân giấu đi, rồi hôm sau lên lấy ra chơi tiếp. Đá rửa sạch rồi nhưng mỗi lần chơi là ngồi chồm hổm rải đá trên hè xi măng, rồi bốc lên bốc xuống sao cho không bị dơ...
Đến chuông reo vào lớp, tuy bọn mình cũng nghe vì bên Trung Tâm với Trường chỉ băng qua một con đường , song giáo viên phải lóc cóc từ Trường qua Trung Tâm cũng mất vài phút, nên tụi mình còn say mê chơi nấn ná thêm. Đến lúc có tên nào đó la lên “ cô tới “ là vội vã đứng dậy, hốt đá cất rồi chạy ù tới lu nước mưa của nhân viên thọc mấy chục bàn tay vào đó, xong chùi vào hai tà áo dài nhàu nhĩ vì ngồi lâu quá rồi chạy ù vào lớp học. Vậy mà cô không nổi giận kiểm tra cặp sao được nhỉ...
Lúc đó mình không biết ai là kiện tướng giải gianh , chỉ còn nhớ là mình và Thúy Liễu là hai con nhóc chơi tệ lắm, lúc nào hai đứa cũng ngồi méo mặt nhìn Nguyễn Thị Loan và Trịnh Thị Lý đi một hơi là ăn gần hết đống đá . Có lẽ còn nhiều vụ nghịch ngợm nữa nên lớp mình đâm ra nổi tiếng. Không biết sau đó trường đã sắp xếp được lớp học hay tụi mình bị Trung Tâm than phiền nên nhà trường cho 6/4 hồi cung... một năm học cũng đã trôi qua , đám con gái bây giờ lên lớp 7/4.
...
(Trích đoạn "LỚP CON GÁI NGÀY XƯA ẤY" của Lê Thị Bạch Yến đăng trênhttp://bachyenbmt.blogspot.com/)


Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

CÂY CÀ QUẸNG

Trên nương rẫy Buôn Trấp mọc nhiều cây cà gai leo... Người Mường ở đây rất quen thuộc trong các món ăn của họ như rau đồ hay muối chung măng le...nhưng với cái tên khác...
CÀ QUẸNG
Người Mường gọi là cà gai leo là cà quẹng, một loại cây hoang mọc quanh năm, khắp nơi ở rừng núi Tây Nguyên...
...
Cà quẹng thường mọc tự nhiên trên những vùng đất ráo, thích hợp nhất ở những nơi đất tốt và nhiều ánh nắng như vệ đường, bờ rào nương rẫy, hoặc trong những khu rừng thấp có nhiều nắng. Rất ít khi thấy cây mọc dưới tán cây khác hoặc nơi trũng thấp. Cà quẹng chịu hạn rất tốt, cây xanh tươi quanh năm, ra hoa từ tháng 4 đến tháng 9, đồng thời cũng ra quả song song trong suốt thời gian sinh sống. Toàn thân cây có gai màu vàng. Cây có vị đắng nên ít khi bị súc vật, trâu bò gặm nhấm.
Cà quẹng được người Mường sử dụng nhiều để làm thuốc trị các bệnh như đau nhức cơ thể, sốt rét rừng, vàng da do suy gan, dị ứng, ngộ độc rượu, ho lâu ngày, ho sản hậu… Qủa của nó còn làm thức ăn hằng ngày để nâng cao sức khỏe, nhất là phụ nữ sau sinh. Họ ăn quả cà gai quẹng ngâm muối, mà theo họ phục hồi sức lực nhanh , mẹ khỏe con ngoan, da dẻ hồng hào…Rất nhiều công dụng hữu ích mà cà cà quẹng mà cà quẹng đã mang lại cho con người.
Gần 40 năm qua, tôi được sống trong một làng Mường. Tôi rất ấn tượng về văn hóa Mường ngay từ đầu tiếp xúc. Dân cư trong làng có nét văn hóa đặc trưng, tương thân tương trợ, tự nguyện giúp đỡ nhau với tinh thần đoàn kết cao. Nếu ai ốm, làng sẽ đến thăm và hướng dẫn đi điều trị, trước tiên là dùng thuốc lá cây sẵn có của các bậc tiền bối trong làng. Các món ăn của người Mường cũng là một nét văn hóa đặc biệt mà ít nơi nào cũng có. Bởi hầu hết đều là món ăn vị thuốc, đa phần có vị đắng như món cà quẹng ngâm muối, ăn riết rồi cũng ghiền bởi vị đắng “ngọt ngào” của nó.
...
(Trích theo "Kinh nghiệm sử dụng cà gai leo để chữa bệnh theo cách nhìn của chuyên gia" đăng trên http://www.thaoduocducthinh.com/)

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Những mái trường tuổi thơ Ban mê...
TRƯỜNG TIỂU HỌC HƯNG ĐẠO
Trường Hưng Đạo (tên đầy đủ là Trường Tiểu học Cộng đồng Hưng Đạo) là trường cấp I công lập đầu tiên của khu Trần Hưng Đạo (dân ở đây thường gọi là khu Ba-toa, do có 1 lò mổ heo ở giữa chợ - Chợ Ba toa). Còn Trường Công lập cấp I thứ nhì (Trường “Ấp chiến lược”) nằm ở khu “Trại Tàu” phía Đền Ông Cảo đi lên đồi khoảng 500 mét. Trường “tư thục” thì có trường “Ông Giáo Thặng”, ”Ông Giáo Vàng” nổi tiếng.
Trường Hưng Đạo là nơi học tập chính cho các cháu người Kinh và người Tày, Nùng trong vùng. Các bạn người Thượng sẽ học tại Trường Tiểu học Sắc tộc Nguyễn Du, cạnh Biệt điện.
...
Trường Hưng Đạo là một trường nhỏ tí, nghèo xơ xác với khoảng 15 phòng học vách ván, mái tôn, nền ximăng, gồm 5 khối lớp (Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất), mỗi khối lại chia thêm thành lớp A, B,... học sinh Tày Nùng học chung lớp với học sinh Kinh (Bắc 54 là chính). Chương trình học cũng như các trường khác: Đức dục (Công dân giáo dục), Quan sát (sau này lên Trung học gọi là môn Vạn vật), Toán, Việt Văn (trước có học cả Quốc văn giáo khoa thư, sau đó là Tân Việt văn), Sử ký, Địa lý, Thể dục, Thủ công, Kỹ thuật - chủ yếu là nông nghiệp. Khoảng 1965-1968 có cả sách “Em tập tính tốt”, “Em bé tôi” cho phần Công dân giáo dục nữa. Mỗi giáo viên dạy một lớp sáng & một lớp chiều (dạy tất cả các môn), học sinh chỉ học 1 buổi, buổi còn lại đi ... bắt dế, bắn chim, bắn bi, hớt cá, làm vườn, làm rẫy hoặc đi làm linh tinh kiếm sống.
Trường có nhiều khu vui chơi rất tuyệt vời (ít nhất là đối với lứa tuổi lên mười) như sân banh (cả trường có duy nhất 1 trái banh da te tua), khu hầm bí mật, hàng cây hoa Đại, sân đất đỏ (khoét lỗ bắn bi hay chơi nắp keng chọi lô...) rất đã và cả suối bà Kền trước mặt nữa. Mỗi khi mưa lớn thì khỏi học (do mái tôn ồn quá), học sinh nhào ra tắm mưa trên sân lầy đất đỏ... Mãi sau này trường mới có đồng phục áo trắng quần soọc xanh/quần dài đen (nhưng chỉ mặc vào Thứ Hai chào cờ), trước đó thì mặc sao cũng được; có gần nửa lớp đi chân không đi học nữa kìa. Khoảng năm 1965-1966, trường Hưng đạo mới có máy “u-bẹc-lơ” phát nhạc vào giờ ra chơi qua cái loa bằng sắt to đùng, có mi-cờ-rô để Thầy Hiệu Trưởng nói “cái gì đó” vào buổi chào cờ. Gọi là nói “cái gì đó” bởi nó cứ rè rè, tậm tịt có nghe được cái gì đâu. Có một thời gian ngắn, học sinh còn được uống “sữa Mỹ” tại cổng trường rồi mới vào lớp, đôi khi có cả nửa ổ bánh mì + sữa bột nữa. Phòng học được trang hoàng theo từng tổ (lúc đó gọi là toán). Khu trang hoàng riêng biệt cho từng toán ở trên tường, được dán đầy giấy “xúc-xích”, hoa xanh đỏ, bài viết bài vẽ màu mè hoặc cả hình thủ công như trái chuối, cái hộp, con chim, con kỳ lân nữa.
Tuổi nhỏ ham chơi, ít khi để ý đến Thầy Cô, chỉ nhớ đã từng học với Thầy Cát (lớp Năm, lớp 1 bây giờ), Cô Nhạn (lớp Tư)... Thầy Trương Công Trứ (lớp Nhất).
Hiệu Trưởng trường trước là Thầy Chu Duy Thiều, rồi đến Thầy Trương Công Trứ (khoảng 1968), cùng các Thầy Cô khác... các anh chị, các bạn có ai biết hiện giờ các Thầy Cô ra sao ? Năm mươi năm trôi qua... những người muôn năm cũ ở đâu bây giờ...
...Vết trường xưa
Viết, sợ rồi sẽ quên...( CTV)

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

TRƯỜNG SOEUR VINH SƠN BAN MÊ THUỘT

Những mái trường tuổi thơ Ban mê...
TRƯỜNG SOEUR VINH SƠN
...
Tôi còn nhớ lớp Mẫu giáo đầu tiên tôi theo học, đó là trường của các Soeur ở thị xã Ban Mê Thuột. Tôi đi học ngoan lắm, tôi nghe cha mẹ tôi khen thế. Tôi còn nhớ như in những buổi học vui vẻ ấy, các Soeur rất dễ thương và rất hiền ( chả thế sao người ta lại nói " hiền như ma Soeur" ). Các Soeur thường mỉm cười với tôi luôn, lớp có nhiều giờ học khác nhau, ngoài các Soeur còn có những cô giáo khác dạy vẽ, dạy múa, dạy hát... thật là vui. Bài tập đem về nhà thường là những trang tập đồ những con số, và những hình vẽ bông hoa chim cá để tôi tập tô màu. Các Soeur và các cô giáo của tôi đều còn rất trẻ. Tôi còn nhớ trong lớp, có những bạn khi về nhà không chịu làm bài tập, các Soeur đã mời Soeur Hiệu Trưởng xuống lớp răn đe, có bạn còn bị phạt ( hình phạt là Soeur sẽ giữ hình Thánh Chúa khi nào ngoan thì Soeur sẽ trả lại. Tôi nhớ là các bạn ấy khóc quá chừng, rồi hứa với Soeur Hiệu trưởng là từ nay sẽ không dám tái phạm nữa.). Cha tôi nói trường ấy kỷ luật rất khắt khe.
Có lần các Soeur cho chúng tôi làm bài tập trong lớp, đó là giờ tập vẽ. Tôi không biết các bạn làm bài ra sao. Nhưng riêng tôi vẽ mãi không được, lòng thì thấp thỏm lo âu, không dám nhìn ai cả. Tôi thì cứ nghĩ thầm: lát nữa các Soeur phạt tôi như thế nào đây vì gia đình tôi đạo Phật, không có hình Thánh Chúa để các Soeur lấy. Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi thấy các Soeur cứ đi qua đi lại các dãy bàn của chúng tôi mà cười khúc khích, có Soeur thì cười mỉm thật hiền lành dễ thương.
Cuối giờ học ngày hôm ấy, các Soeur bảo chúng tôi mang tờ giấy vẽ hình về cho cha mẹ chúng tôi xem. Cha tôi thường hay đón tôi về học nhưng tôi muốn khoe với mẹ tôi hơn nên đã dấu im tờ giấy trong cái cặp mỏng te. Xe cha tôi ngừng ở sân Ty Hiến Binh, tôi chạy vội về nhà để khoe mẹ. Sao lạ thế, tôi thấy mẹ tôi cũng cười như các Soeur. Mẹ tôi cũng trẻ như các Soeur nên cười cũng dễ thương như các Soeur vậy. Đến bữa cơm ngày hôm ấy gia đình được một trận cười vui vẻ, và cha mẹ cùng 2 anh tôi ai cũng khen là tôi vẽ cái bàn đẹp quá. Đúng là cái bàn có 4 cái chân !!!
Tôi phải học Mẫu giáo 2 năm mới đủ tuổi vào Tiểu học. Cuối năm Mẫu giáo ấy, cả nhà chuẩn bị cho tôi học thi !! Thi vào lớp Năm trường Tiểu học Ban Mê Thuột, vì đó là trường công lập, ở ngay thị xã của tỉnh Ban Mê Thuột. Năm Mẫu giáo thứ hai ở trường các Soeur, tôi đã được học viết, học làm toán những con số đơn như là 1+4=5 ; 4+2=6. Bài thi thật là đơn giản, làm 10 bài toán cộng, toán trừ những số đơn như thế. Sau đó là nhìn lên bảng mà chép vào giấy một đoạn văn ngắn. Và tôi thi đậu, điều ấy cũng dễ hiểu thôi, vì ở trường các Soeur còn cho toán khó hơn và viết bài dài hơn.
Thú thật với các bạn, lúc mình còn nhỏ quá, bảo đi thi thì mình đi, vào phòng thi cô giáo bảo làm toán thì mình làm, bảo viết bài trên bảng vào giấy thì mình viết. Rồi khi biết tin đậu thì cha mẹ mình theo dõi và mừng chứ mình có biết ý nghĩa của việc thi cử là gì đâu mà mình mừng. Chỉ nhớ là đầu niên khóa 60-61, tôi vào học lớp Năm trường Tiểu Học Ban Mê Thuột. Cũng ở ngôi trường này tôi có một kỷ niệm thật là khó quên. Các bạn cũng biết kỷ niệm nào cũng đẹp, cho dù đó là kỷ niệm vui hay kỷ niệm buồn. Nhưng kỷ niệm này của tôi không phải là một kỷ niệm vui, mà cũng chẳng phải là một kỷ niệm buồn. Mà chắc chắn với bạn đó là một kỷ niệm đẹp, tôi ghi nhớ suốt đời không bao giờ phai nhòa trong ký ức.
Cha mẹ nào mà không thương con, nhưng cha tôi nét mặt rất nghiêm nghị, còn mẹ tôi thì hiền từ mềm mỏng. Nên tôi thường hay vòi vĩnh và làm nũng với mẹ tôi hơn. Ngày khai trường năm đầu tiên của bậc Tiểu học ấy, cha tôi chở tôi đi học và đón tôi về. Tuy trường ở ngay trong thị xã, nhưng vì tỉnh lớn, nên cũng khá xa nhà. Lúc đón tôi về học, ngồi trên xe cha tôi hỏi chuyện lớp học ra sao, thầy cô thế nào, có quen bạn bè ngồi cạnh chưa.... Cha tôi cũng khá ngạc nhiên là tôi chỉ im lặng, ngồi trên chiếc xe Jeep nhà binh cạnh cha tôi, tôi không nói hay cười, khác hẳn với hàng ngày. Cha tôi nghĩ hẳn nhiên là phải có vấn đề gì rồi, tôi mới hờn mát ( giận lẫy ) như thế.
Xe vào đến sân Ty Hiến Binh, tôi xuống xe, không nói không rằng tay ôm cái cặp mỏng te, chạy vội chạy vàng về phía mẹ tôi đang đứng chờ tôi ở trước nhà. Còn vài bước nữa thì tôi không nén được mà khóc nấc lên, oà vỡ ra vì đã cố nén từ lâu lắm, từ sáng sớm nay cơ, từ trong lớp học đầu tiên năm ấy.
- Mẹ ơi, cô giáo con già quá !!
Mẹ tôi lau nước mắt cho tôi và vuốt tóc tôi an ủi:
-Thôi nín khóc mẹ thương. Vào nhà kể mẹ nghe nào.
Lúc ấy cha tôi cũng vừa bước đến, tôi thấy cha mẹ tôi đưa mắt nhìn nhau, cha tôi khẽ bảo:
- Khổ quá đi mất.
Năm ấy tôi sáu tuổi, nên những ai lớn hơn các Soeur ở trường Mẫu giáo hay lớn hơn mẹ tôi thì tôi đều thấy họ già !! Sau này những khi nhớ lại, tôi cứ thầm xin lỗi các cô giáo của tôi mãi.
...
(Trích trong "Những kỷ niệm bọc bằng nhung" của Phạm thị Nhung đăng trên
http://trinhhoaiduc.netfirms.com/sangtac/nhungkyniem.)

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN CÔNG TRỨ BMT

Những mái trường tuổi thơ Ban mê...
TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN CÔNG TRỨ
Em chỉ muốn nhìn lại những con đường êm ái thời thơ ấu, thăm cây đa khổng lồ yêu dấu trong vòng tay ôm của những cô cậu học trò nhỏ bé của sân trường Tiểu học. Cây đa ấy đã từng là chỗ nấp tuyệt vời cho bọn nhỏ chơi trốn tìm không biết chán kể từ năm mới vào trường, từ năm lớp Năm cho đến hết lớp Nhất. Em nghe kể lại, cây đa đã gục ngã vì bom đạn vô tình giữa khuya trong ngày loạn lạc. Rất lặng lẽ, trái tim chợt buồn mênh mang ...
(Bụi Đỏ Chân Em_Như Thương)
------
...
Mình học ở trường Nguyễn Công Trứ 3 năm đầu cấp 1. Ở đây, buổi sáng dành cho học sinh nam, buổi chiều là học sinh nữ, nhưng lúc đó tên trường là “Trường Nữ Tiểu học I”. Bây giờ, nhiều khi đi qua đây, mình như nhìn thấy lại hình ảnh giờ tan trường ngày ấy: hai hàng học sinh đứng hai đầu đường, ra hiệu cho các loại xe đang lưu thông phải tạm dừng, ưu tiên cho học sinh, tất cả các xe cộ đều nhường bước... Một nét văn hoá dễ thương.
Không hẳn là thời ấy học trò ngoan quá, nhưng chắc chắn là các cô giáo Trường Nữ Tiểu học I rất mẫu mực, được yêu kính nên học trò luôn biết vâng lời các cô. Trong ký ức mình, hình ảnh cô Hiệu trưởng và các cô giáo khác hoà vào nhau thành một hình ảnh chung duy nhất là Cô giáo, vừa nghiêm, vừa hiền lại giỏi nữa. Mình không nhớ được hình ảnh riêng của cô giáo nào, không nhớ lần nào cô rầy ai việc gì, có lẽ vì không có chuyện đó để mà nhớ.
Trường mình là trường có tiếng ở Ban mê nhưng cũng chỉ có mấy căn nhà trệt, xếp thành hình chữ U, đơn sơ thân thiện. Góc sân bên phải- phía đường Quang Trung- có một cây Đa thật to, tán lá rộng phủ mát cả một vùng sân trường. Giờ ra chơi hầu hết học sinh đều kéo về phía gốc Đa, chạy nhảy, nô đùa, nào là nhảy dây quay, dây căng, lò cò, trồng nụ trồng hoa, vừa chạy vừa “u u” …Cũng có nhiều bạn không chơi môn gì, chỉ đứng xem mọi người chơi không chán mắt. Cây Đa che mát ban ngày nhưng khi đêm về thì…tiếng lá xạc xào trong bóng tối nghe rất âm u, dám chắc người lớn cũng phải sợ khi đi ngang qua gốc Đa già ấy.
...
Ngôi trường Nguyễn Công Trứ đến năm 1978 thì không còn nữa. Người ta dời bến xe lam từ cuối đường Tôn Thất Thuyết về sau lưng trường, (ở đường Nguyễn Thái Học ) và toàn bộ diện tích của Trường trở thành khu chợ khang trang. Cây Đa sân trường thì còn được lưu giữ vài năm sau đó nhưng rồi cũng bị hủy đi để tránh tai nạn do cành cây rơi gãy nơi đông người.
...
Bây giờ, cây Đa to chỉ còn thấy mờ mờ trên cung trăng những đêm trăng tỏ, ngôi trường xưa chỉ còn trong ký ức – đó là Bảo tàng trong tôi, nơi ấy“bể dâu” không thể nào động tới …
(Trích trong "Có một nhà bảo tàng trong tôi" của YBinh Mlo đăng trênhttp://www.trunghocbmt68-75.com/)



Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

NHỚ TRUNG THU XƯA

Mười lăm tháng tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang...(ns Lê Thương)
NHỚ TRUNG THU XƯA
Ngày xưa. Trung thu là đêm được trẻ con chờ đợi nao nức nhất trong năm. Lũ trẻ con thường rủ nhau đi ngắm đèn ở những tiệm bán đèn hàng tuần lễ, trước khi quyết định chọn chiếc nào. Những chiếc đèn bướm, cá, thỏ, sao xanh đỏ là niềm mơ ước của trẻ con nhà nghèo. Nhưng không sao.
Không tiền mua thì tự làm đèn: cái lon sữa bò cắt uốn rất khéo được gắn trên lõi cuộn chỉ bằng gỗ với cái nắp phéng làm đế nến (nắp chai nước ngọt) rồi cắm vào cái cây dài đẩy đi kêu loong coong vừa vui tai mà ánh sáng “chớp chớp như đèn xe cảnh sát”. Rằm. Lũ trẻ xóm tôi tập trung nhà bà Khoan, cuối xóm vì nhà bà có cái sân nhỏ để sắp xếp đội hình rước đèn. Nhưng hơn cả là vì năm nào bà cũng để dành bánh Trung thu đãi đoàn rước, trước khi bọn nhỏ rồng rắn ra đường.
Mùi nến thơm, vị bùi của bánh dẻo, bánh nướng, vị ngọt của nước trà xanh pha đường cùng câu chuyện chú Cuội, chị Hằng bà kể khiến lũ trẻ nghe say sưa (dù năm nào bà cũng kể có bấy nhiêu). Cái sân nhỏ (được bà tắt hết đèn) trở nên lung linh và ấm áp vô cùng trong những đêm Trung thu.
Ăn uống xong, đoàn rước sắp đội hình ra khỏi cái sân nhỏ. Cu Đạt đẩy cái đèn lon sữa bò được cậu Thắng làm cho kêu rất to đi đầu, “xe cảnh sát dẫn đường mà”. Kế đến là cu Đô với đèn ông sao năm cánh đỏ rực rất to. Giữa đoàn rước là những bạn nhỏ với đủ thứ đèn: cá, thỏ, rồng, bướm và cu Pi đi “khóa đuôi” (vì cao nhất đoàn rước) với chiếc đèn xe tăng thiệt to được dì Thược dán bóng kiếng xanh lá, rất lạ mắt. Đoàn rước vừa đi vừa hát vang xóm nhỏ: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”, “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu…”… Đi ngang nhà ai chúng cũng hóng miệng vào gọi: “Mai ơi, đi rước đèn?”, “Tý, rước đèn không”… Đi loanh quanh các con đường trong xóm đến khi nắm nến trong tay đốt hết sạch, bọn nhóc quay về “ăn Trung thu” ở nhà mình.
Có năm, mới ra đến đầu đường trúng cơn mưa: thỏ rụng lông, bướm xệ cánh, cá rớt vây, rồng cụp mắt… bọn nhỏ chạy lúp xúp về nhà khóc như ri. Tất cả là kỷ niệm ngọt ngào chẳng thể phai trong lòng những ai đã từng có những mùa Trung thu thơm mùi nến, lung linh ánh đèn lợp bóng kiếng đỏ, xanh với những câu hát đồng dao đi suốt những con đường ký ức tuổi thơ xưa.
(Trích trong "Nhớ Trung thu xưa" của Phương Thục đăng trênhttp://www.baomoi.com/)

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

CHẢ CUỐN LÁ BƯỞI

Hương thơm xứ Mường...
CHẢ CUỐN LÁ BƯỞI
...
Lá bưởi dùng để làm chả, không được non quá, nếu không sẽ bị đắng, cũng không được già quá để khi cuốn với thịt lá không bị rách. Lá bưởi khi hái về được rửa thật khéo, sao cho không bị dập nát.
Nguyên liệu quan trọng của món chả lá bưởi là thịt lợn, mà người ta quen gọi là lợn Mường. Lợn được nuôi thả rông, tuy lớn chậm nhưng thịt thơm, ngon, rất ít mỡ. Muốn làm món chả lá bưởi, phải chọn thịt ba chỉ ngon, thái con chì, ướp mắm, muối, tiêu, hạt dổi.
Thịt lợn sau khi ướp xong được gói với lá bưởi, xiên vào những que tre đã vuốt nhọn và nướng trên than hồng. Mỡ lợn nhỏ xuống than hồng, lá bưởi se lại chuyển sang màu tím. Chả thơm ngào ngạt. Mùi thơm của thịt hòa quyện với hương thơm của lá bưởi, của hành, tiêu, hạt dổi…
...
Chả cuốn lá bưởi là món ăn hấp dẫn nhất, ăn ngon nhất khi ngồi quây quần bên bếp lửa, nướng đến đâu, ăn ngay đến đó. Người ăn sẽ cảm nhận rõ mùi thơm của thịt quyện với mùi thơm đặc trưng từ tinh dầu từ lá bưởi. Do được nướng nên thịt không ngấy nhiều, ngược lại, còn săn và đậm ngọt. Khi ăn, cắn một miếng chả, thấy lá bưởi giòn tan hòa vào hương vị của thịt làm cho người ăn không còn cảm giác ngấy. Nuốt miếng chả xong còn thấy tê tê đầu lưỡi, không hẳn là cay, không gây khó chịu mà ngược lại, khó quên vô cùng.
(Trích theo "CHẢ LÁ BƯỞI – MÓN ĂN HẤP DẪN CỦA NGƯỜI MƯỜNG" đăng trên http://buoidaxanh.vn/)

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Thăm nhà thờ trong phố Ban Mê... GIÁO HỌ DUY LINH

Thăm nhà thờ trong phố Ban Mê...
GIÁO HỌ DUY LINH
Dưới ánh nắng ban mai êm dịu của những ngày cuối thu, từ trên dốc cao phía Bắc thành phố Buônmathuột , người ta có thể nhìn thấy dòng người đổ về thung lũng Suối Bà Hoàng, để “lên Đền”.
Bên kia thung lũng, một ngôi thánh đường giáo họ vừa mới được hoàn thành, với tháp chuông vươn cao vút trên nền trời xanh thẳm, chung quanh thánh đường có những hàng cây tùng bách thẳng tắp. Những lá cây bên đường lung linh trước gió như đón chào quan khách. Những dải cờ đủ sắc màu giăng mắc đó đây, tiẽng nhạc thánh ca từ những loa phóng thanh ngân vang xa càng làm cho lòng người thêm rộn rã. Bà con giáo họ rất hân hoan.
Theo kỷ yếu giáo phận Banmêthuột, từ năm 1948 thị xã Banmêthuột được mệnh danh là “Hoàng triều cương thổ” (Domaine de la couronne). Sở dĩ có biệt danh này là vì từ khi vua Bảo Đại lên ngôi, ngoài những lần sang Pháp để bàn quốc sự, khi trở về Việt Nam, vua thường ở Banmêthuột hơn là ở kinh đô Huế. Vì thế công chức và quân đội cùng gia đình của họ được đưa lên sống tại Banmêthuột. Ngoài ra, sau 1954 số người di cư đến đây lập nghiệp cũng khá nhiều…Vì thế năm 1962, trước khi giáo phận Banmêthuột được thành lập (1967), cha cố J.B Trần Thanh Ngoạn, Chính xứ giáo xứ Thánh Tâm, kiêm Hạt trưởng hạt Banmêthuột, đã thai nghén ý định lập một Họ đạo nằm bìa rừng phía Bắc của thị xã.- một thung lũng với dòng suối trong xanh hiền hòa lượn khúc, rất tiện lợi cho việc trồng trọt hoa màu. Nơi đây có một số gia đình công giáo di cư từ Bắc đến đây lập nghiệp. Họ là những nông dân cần cù, chân chất, quen lề thói quê cũ nên rất siêng năng kinh sách ở nhà thờ. Từ sáng sớm họ đến nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm dự lễ, phải đi qua những đoạn đường đất đỏ, vượt một con dốc cao dài khoảng 01 cây số. Vào mùa đông, những luồng gió thổi mạnh cuốn theo bụi đất mù mịt, nhiều lúc phải quay người ngược chiều gió để bụi khỏi tạt vào mặt. Mùa mưa đường dốc trơn trượt như bôi mỡ, việc đi lại rất khó khăn. Thế mà họ vẫn siêng năng đi dự lễ mỗi buổi sớm. Đối với họ Thánh Thể là lương thực tinh thần không thể thiếu được.
...
Sau khi được sự đồng ý của giáo quyền và chính quyền, ngày 11/04/2008 giáo họ khởi công xây nhà thờ mới với diện tích 742m2, ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa cử hành nghi thức đặt Viên đá đầu tiên vào ngày 28/10/2008...
Từ tiền đường nhà thờ người ta có thể nhìn thấy những vườn rau xanh tươi dưới chân đồi, tạo nên một khung cảnh yên tĩnh, thanh bình. Phóng tầm mắt qua thung lũng, nhìn lên đầu dốc là mặt sau của những dãy nhà xây đủ kiểu dáng san sát nhau của một khu thành phố ồn ào xe cộ. Tuy nhiên vẫn không làm mất vẻ trang nghiêm và thanh bình của ngôi thánh đường giáo họ Duy Linh . Có lẽ vì yêu thích vẻ thanh tịnh mà nhiều người từ nơi khác cũng đến đây dự lễ vào những chiều chủ nhật.
(Trích theo "LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ DUY LINH" của Anh Thư đăng trênhttp://www.giaoxugiaohovietnam.com/)

Ban mê xưa...nay... TỊNH XÁ LỘC UYỂN

Ban mê xưa...nay...
TỊNH XÁ LỘC UYỂN
ĐC: 84 Phạm Ngũ Lão, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Năm thành lập: 1968. Người sáng lập: TT. Giác Xuân. Trụ trì: ĐĐ. Giác Tuệ.
...
Lộc Uyển theo tiếng Phạn là Mrigadaya hay Mrgadava, đây là tên xưa kia của Sarnatha bây giờ, có nghĩa là Vườn Nai. Còn tên Sarnatha hiện nay, theo các nhà ngữ học, có lẽ nó xuất xứ từ một từ kép của tiếng Sanskrit cổ là “Saranganatha,” có nghĩa là nai chúa hay lộc vương. Theo thời gian tiến hóa của ngôn ngữ, từ này được giản lược thành “Sarnatha” mà người ta đang dùng trong ngôn ngữ Prakrta hiện nay tại Ấn Độ. Đây là một khu đất rộng với nhiều sân cỏ và những nền phế tháp rải rác khắp nơi.
...
Lộc Uyển trở thành Thánh địa kể từ ngày Đức Thế Tôn cất tiếng “sư tử hống” khởi chuyển Pháp Luân tại khu vườn này. Tuy nhiên, theo truyền thuyết Phật giáo thì Lộc Uyển không chỉ là nơi Đức Thích Ca Mâu Ni thị hiện chuyển bánh xe Pháp thời đó, mà cả ngàn chư Phật trong hiền kiếp cũng đã và sẽ chuyển bánh xe pháp tại đây.
...
Ngày nay Lộc Uyển vẫn còn dáng vẻ thơ mộng, nhưng không còn nhộn nhịp như thời vàng son của nó nữa. Vào khoảng năm 1856, nhà khảo cổ Cunningham đã đào được tại khu Lộc Uyển hơn 300 tượng Phật, mà nét nghệ thuật của những pho tượng này đã lôi cuốn hàng ngàn sinh viên cũng như các nhà nghiên cứu đổ xô về đây tìm thêm tài liệu về lịch sử cũng như mỹ thuật Phật giáo qua các thời đại. Hầu hếu những pho tượng này đều bị cháy nám, chứng tỏ những tự viện hay chùa tháp đã từng bị đốt cháy.
(Trích trong Thánh Tích Phật Giáo đăng trên http://tuvienquangduc.com.au/)