Ban mê xưa... xứ buồn muôn thuở!
BAN MÊ ĐI DỄ KHÓ VỀ...
*Nguyễn Ngọc Chính
Học hết 2 năm Đệ Thất và Đệ Lục tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt tôi theo gia đình về thành phố Ban Mê Thuột (BMT). Khác hẳn với Đà Lạt, thành phố mộng mơ, BMT là thành phố ‘nắng bụi hồng, mưa bùn đỏ’ nên mới có tên Bụi Mù Trời. Đây cũng là một thành phố được mô tả là Buồn Muôn Thuở và còn một cái tên khá ngộ nghĩnh là Bánh Mì Thịt do học sinh chúng tôi đặt ra! Tuy nhiên, một khi đã gắn bó với thành phố này người ta bỗng cảm thấy nó gần gũi và thân thương một cách kỳ lạ.
Về phương diện quy hoạch, có thể coi Ngã 6 (người BMT gọi nôm na là Cột đèn ba ngọn) là trung tâm thành phố để từ đó có 6 con đường tỏa đi khắp BMT...
Con đường đẹp nhất BMT là Đại lộ Thống Nhất, lúc nào cũng rợp bóng cây phượng vĩ, vào mùa hè hoa phượng đỏ một góc trời. Đường xuất phát từ Cột đèn ba ngọn, nơi có nhà thờ cũng được gọi nôm na là Nhà thờ ba ngọn vào sâu tới tận Buôn A Lê A và Cầu 14. Đây là cửa ngõ phía Nam của thành phố với nhiều dinh thự như Biệt điện Bảo Đại, tòa nhà Hội đồng Tỉnh, câu lạc bộ sĩ quan mang tên Biên Thùy, Bưu điện BMT, Bộ chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc, Ty ngân khố, Trường trung học Hưng Đức, công viên, dân y viện BMT và đồn điền cafe của ông Tôn Thất Hối.
Đường Lê Lợi, nối từ Cột đèn ba ngọn bọc theo Câu lạc bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, và dẫn lên trường Trung Học Ban Mê Thuột. Đây là con đường dốc thoai thoải mà mỗi ngày học sinh từ phố chợ phải vượt qua để đến trường. Có hôm trời trở gió, các cô nữ sinh tay ôm cặp, tay giữ nón mà gió lại thổi rất mạnh nên nổi bật hết đường cong vốn được dấu kín trong tà áo dài trắng. Trước cảnh này, tôi có lần ‘ứng khẩu làm thơ’ và đọc cho bạn bè nghe mấy câu thơ thuộc loại… con cóc:
Gió thổi..
Rùa nổi,
Than ôi con người
Biết bao nhiêu tội!
Đường Phan Chu Trinh chạy ngang qua trường nữ trung học Vinh Sơn cho đến Tòa Giám Mục BMT. Đại lộ Tự Do, cũng nối từ ngã 6 với bến xe ở Cây Số 3 là cửa ngõ phía Bắc của thị xã. Tại đây rất nhiều Ty, Sở, và Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia, đối diện bên kia đường là Phi trường L.19.
Con đường Hàm Nghi dài hun hút, nối Phan Chu Trinh đến đường dẫn vào xã Châu Sơn. Đường Phan Bội Châu, cũng từ Phan Chu Trinh, cắt Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Y Jút, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết chạy dài cho đến Chùa Khải Đoan, trường Trung Học Bồ Đề và doanh trại Thiết đoàn 8 Thiết Giáp, cửa ngõ phía Tây Thị Xã.
Ngày đó, BMT có các nhà hàng, khách sạn, rạp xiné như Anh Đào, Hồng Kông, Hoàng Gia. Khu Quang Trung-Hai Bà Trưng có ciné Tường Hiệp, Khu chợ Y Jut có rạp Lô Đô, Ngân Hàng Đại Á, Sàigòn Tín Dụng, và nhà hàng Thanh Thế nổi bật trên đường Ama Trang Long.
Trên đường Y Jut-Quang Trung còn có những tiệm buôn nổi tiếng một thời như Trúc Lâm, Minh Sơn, Thăng Long, Ngô Phúc Vinh, Dân Thiên Đường. Biết bao của ngon vật lạ ở nhà hàng Mỹ Cảnh, Vĩnh Thuận, Hoàng Vinh, Tân Cao Nguyên, và Le Blanc de Neige, Le Souri Blanc nơi các ông tây đồn điền thường lui tới.
Những cảnh vật và sinh hoạt đó không dễ gì phôi pha trong tâm trí những người dân BMT. Những phồn hoa của phố thị thuở nào, mà mỗi người, một đời đã sinh ra và lớn lên ở nơi này, hoặc đã một thời được sống trong sinh hoạt phố phường, chắc chắn không thể nào quên được BMT với những kỷ niệm riêng tư của đời mình. Ban Mê đi dễ, khó về!
Tang thương dâu bể đã khiến phố phường tấp nập xưa chỉ còn lại trong ký ức của những người ngày nay trên đầu đã hai thứ tóc, trong đó phần muối nhiều hơn tiêu. Sáu mươi ngàn dân BMT thuở nào bây giờ đang phiêu bạt khắp thế giới. Nào ai biết ai còn, ai mất... nhưng trong tim sâu thẳm của mỗi người đã từng là dân BMT sẽ còn đó những kỷ niệm thời xa xưa, vui buồn cùng năm tháng.
...
Nguyễn Ngọc Chính
(Trích đoạn trong "Hồi Ức Một Đời Người" Của Nguyễn Ngọc Chính đăng trên https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../ban-me-i-de-kho-ve.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét