Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

MƠ ĐI TẮM SUỐI MƯỜNG


Nhớ thuở mường xưa...
MƠ ĐI TẮM SUỐI MƯỜNG
Vào cái khoảng tháng từ này đây, trời bắt đầu nóng, ngày nào mình cũng đi tắm suối ở xứ Mường và cho đến nay vẫn còn ghi ở trong lòng biết bao nhiêu kỷ niệm xanh một màu núi tím, nước xanh.
Cứ vào giờ ngọ, trai gái dắt nhau đi tắm, máng nước bắc từ trên đỉnh núi xuống. Con gái Mường, con trai Kinh vẫy vùng trong những vũng nước ở chân núi, trông xa y như thể là thần tiên cổ Hy Lạp tả trong tập “Tiếng hát nàng Bilitis” của Pierre Louis: nước thì xanh, núi thì tím, hoa trên sườn núi đỏ màu cánh sen mà các cô nàng thoát y lại trắng như ngó sen, tóc rủ xuống lưng, đen như mực tàu…Người con trai Kinh lạc loài vào giữa các tiên nữ ấy, thoạt đầu thấy ngượng ngùng, nhưng sau quen đi cảm thấy ghiền tắm suối và không ngại đùa giỡn và té nước vào các cô nàng vây lấy anh ta như trong một hội hoa đăng trên thượng giới.
...
Muốn cách gì, cứ đến trưa là phải lo sửa soạn đi tắm rồi, không thế thì không chịu được: Tắm như thế không phải là tắm cho cái thân thể tục tằn này mà là tắm luôn cho cả đôi mắt, tắm nốt cả cái tâm hồn phiền toái của mình vì vừa tắm, vừa ba lơn, vừa trò chuyện, mình mới thấy cô gái Mường đáng yêu biết chừng nào, chân thực biết chừng nào.
...
Cô nào cũng muốn tắm cho anh và cô nào cũng có một đôi ba điều để chỉ bảo cho anh biết: chỉ có người Mường tắm thế này thôi, chớ người Mán không có tắm nhiều... mà cả cái phép tắm bằng sữa, tắm bằng dầu thơm của các ông hoàng bà chúa hiện nay không là gì...so với các cô nàng cao cấp người Mường ngày trước: đi tắm, các cô có chừng mười, mười lăm nữ tì đi theo, kẻ mang quần áo, người mang gương lược. Cái suối tắm được vây kín lại. Tắm xong thị nữ đưa cô nàng vào một nhà mát dựng lên gần đó, đặt lên một cái ghế cao bằng trúc mà chỗ ngồi có đục sẵn những lỗ thông hơi. Trong khi kẻ chải đầu, người xoa nắn, một vài thị nữ khác đã sửa soạn sẵn một lư hương cổ đặt ở dưới ghế; trong lư hương, có đốt trầm, rễ nhang bài và nhiều thứ hoa thơm khác phơi khô, tất cả cháy riu riu, âm ỉ, đủ cho một ngọn khói nhẹ nhàng bốc lên, lọt qua ghế trúc để thấm nhuần vào da thịt, vào lông, vào tóc của cô nàng.
…Ngày nào tắm, cũng cứ phải đủ nghi thức ấy. Lần lần, toàn thể da thịt, lông tóc của cô nàng thành ra một thứ trầm hương thực thụ đến nỗi không cần phải “thực thi”, chỉ nghĩ thôi, mình cũng đã thấy người đẹp trầm xông xạ ướp đó mát rời rợi đến chừng nào và bất cứ ngửi vào đâu cũng thơm biết ngần nào…
Nghĩ đến thế, không tài nào ngủ được, mà lại càng thấy người mình đã nóng, lò
ng ruột mình lại càng nóng thêm lên. Bao nhiêu chuyện xa xưa vớ vẩn ở đâu kéo lại, giăng tơ trong óc mình như mạng nhện.
...
(Trích trong THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI-Tháng Tư- của nhà văn Vũ Bằng đăng trên Việt Nam Thư Quán)
.Tranh sơn dầu Các Cô Gái Dân Tộc Đang tắm Suối của Hoàng Tâm.

Tranh sơn dầu trên trangwww.DoDungArt.com.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

CON GÁI NHÀ LANG

Nhớ thuở mường xưa...
CON GÁI NHÀ LANG
Do xê dịch ngẫu nhiên của số phận, tuổi thơ Tôi lớn lên ở mường Cự Thắng, châu Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Mường Cự Thắng! Một thế giới của những mái nhà sàn thông thênh có thể tập xe đạp trên gác, bao quanh chân núi Sụ có bàn cờ Tiên bên dòng suối Cái xanh rêu mướt mát.
Cây hoa dây bướm. Trái đũm hương. Gai mây, gai mái, gai phù quân. Ruồi vàng, muỗi hổ u u bay rối, vắt lá nhảy bước tán cây. Ve sầu núi cánh mỏng lụa kêu inh inh nắng gắt cuối hè. Khói cơm lam, cá sáp nướng và canh rau rớn phơi tái nấu mẻ với cá trình mun trong gác Mường đã đắp bồi tưới tốt dáng hình Tôi.
Tuổi thơ Tôi tha thủi bên những cối gạo nương thậm thịch đọc Alphonse Daudet, một trong món hành trang còn sót lại trong tay nải của Cha . Nghe tiếng mõ trâu khua lốc cốc, ngỡ hẳn sắp có thiếu nữ Mường nào đó, chốc lát thôi sẽ bước từ trên đỉnh núi Sụ nắm tay Tôi dắt lên mây trắng tơi tả quấn dọc sườn non cuối dãy Hoàng Liên Sơn, nghe già Đông Chắt kể chuyện nhà Lang.
Già là ông nội người bạn Mường thủa thiếu thời của Tôi.
Già gân guốc bất ngờ như khúc gỗ lũa mới moi lên từ đáy rừng già. Trầm tư và dứt khoát, già chiêu nước cây tiêu thực bằng bát lớn. Ngọn lửa đêm đông, củi sồi đen, than hồng, tro xám trắng vùi sắn nếp bở tung, khoai lang ngọt bùi rồi bung bỏng ngô, bỏng hạt cao lương bên dưới gác bếp treo chứa từng xâu nhái, từng xấp tên nỏ còn dính máu khô của mãnh thú rừng già.
Tôi nhấm nháp sắn khoai nhấp nhổm lo sợ ảo giác rằng loạt mũi tên trên đầu kia bất ngờ cắm vào đâu đó thịt da mình. Vị canh măng chua nấu nhái khô băm nhuyễn nồng nàn suốt tháng Ba năm trước tới tháng Ba năm sau. Thứ canh bổ dưỡng có thể khiến người say rượu sắn bừng tỉnh đủ sức lên nương kiếm củi. Lạ lùng bao nhiêu năm, trong Tôi còn roi rói âm điệu chất giọng Mường cổ khê khê dấp dính sắc thái Kinh của già.
Ừ, con gái nhà Lang xinh đẹp tắm suối Cái sợ đỉa, nồng nỗng bắt già cõng mãi trên lưng. Phải, nhà Lang cho người phục kích cướp súng Tây ... Hứng lên già còn hát Đúm hát Giang với người đẹp tưởng tượng nào đang ngồi trước mặt. Thiếu nữ Mường khăn, yếm trắng, áo kiểu cánh dơi, váy lĩnh đen óng bó hông, vác liền hai ống nước dài, vung tay như múa. Vòng tay, ánh mắt già ngây ngây men rượu tuổi tráng niên. Giai điệu tha thiết khiến lòng Tôi thê thảm:
Lúa mường Trời
Con gái mường Trời
Thơm đẹp như nhau
Sao không nhìn tôi đi
Sao không đạp lên tôi đi
Tôi cõng em một lần sang con suối nhỏ
Mà tôi phải địu em trên lưng cả đời.
Tình tôi đếm bằng từng ấy lá cây rừng Lưỡi Hái
Tình em đếm một ngón tay.
Con gái nhà Lang cành bạc quả vàng
Sao chỉ hé cho ta quả mòng quả ngọt.
...
(Trích theo CHÚT HỒI ỨC VỀ MIỀN THƠ ẤU, Tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế đăng trên Tạp chí văn nghệ Đất Tổ)

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

LỄ CƯỚI CỔ TRUYỀN

Thăm làng mường Hòa Bình ở Banmê...
LỄ CƯỚI CỔ TRUYỀN
Rời xa quê hương Hòa Bình từ những năm 1954, nhưng tới nay người dân tộc Mường đang định cư tại xã Hòa Thắng vẫn còn giữ gìn nguyên vẹn văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Văn hóa Mường là một nền văn hóa đã sớm khẳng định bản sắc riêng, qua lối sống, nếp sống và phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống. Trong đó tục cưới xin của người Mường là một nét văn hóa đặc sắc, có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển gia đình, dòng tộc dân tộc Mường qua hàng nghìn năm lịch sử.
Lễ cưới truyền thống của người Mường có nhiều tập tục như: Lễ dạm ngõ, Lễ ăn hỏi, Lễ cưới, Lễ xin dâu, Lễ lại mặt.
Việc dạm ngõ diễn ra vào lúc chiều tối, với mục đích hỏi nhà gái có đồng ý gả con, xin ngày hỏi, cưới và quà cưới. Lễ cưới của người Mường có nhiều tập tục, quy định khác với đám cưới truyền thống của các dân tộc khác.
Độc đáo nhất là việc nhà trai “mặc cả” để được nhà gái đồng ý mở cổng tơ hồng cho vào nhà làm lễ. Cụ thể, nhà gái giăng dây tơ hồng trước cổng nhà. Khi nhà trai đến, những chàng trai, cô gái nhà gái tay cầm đãi trầu đứng hai bên cổng ở phía bên trong dây tơ hồng để chào nhà trai xin lễ (tiền) vào cổng. Việc “mặc cả” diễn ra cho đến khi nhà trai đưa đủ 6 quan tiền vào cửa, lúc ấy họ nhà gái mới mở cửa tơ hồng để đón họ nhà trai vào nhà làm lễ gia tiên.
Một điểm độc đáo nữa trong Lễ cưới truyền thống của người Mường, ngày hôm sau, nhà trai đến nhà gái xin rước dâu. Đến nhà chồng, nhà trai cử một bà mụ dâu dắt cô dâu từ ngoài đường vào nhà, đến chân cầu thang (hoặc bậc thềm), nhà trai để sẵn một lu nước và một cái gáo múc nước, bà mụ múc nước rửa chân cho cô dâu. Sau khi rửa chân xong, đội nón cho cô dâu và dắt thẳng vào bếp. Ở đó nhà trai để sẵn mộ
t mâm cỗ trên một chiếc chiếu, cô dâu ngồi xuống chiếu, đầu vẫn đội nón và lạy vua bếp (ông táo).Ý nghĩa của việc này: về làm dâu nhà chồng trông nhờ vào ông vua bếp chỉ bảo để lo cơm canh cho gia đình chồng được êm ấm, hạnh phúc.
Mặc dù lễ cưới của người Mường xưa còn tồn tại nhiều hủ tục đặc biệt là tục thách cưới. Vậy nhưng, nó vẫn thể hiện được nét đẹp văn hóa của người Mường xã Hòa Thắng.
(Trích PHỤC DỰNG LỄ CƯỚI TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC MƯỜNG (XÃ HÒA THẮNG, TP. BUÔN MA THUỘT) của Nguyên Hoa đăng trênhttp://baodaklak.vn/)


Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Nghe đọc văn tế tang ma của người mường...

Nghe đọc văn tế tang ma của người mường...
THÔNG GIA NGHE KÈN
Hỡi các anh trưởng!
Hỡi các anh trưởng!
Nay khi vong linh Đức cụ (mẫu) người đây.
Người nhân sinh bách tuế, tất hóa quy trần.
Ngoảnh mặt về tây. Về quy Tây Trúc.
Người bước xuống cõi trần. Thăng lên cõi thọ.
Ai ai cũng mong cho tuổi thọ bách niên.
Chẳng may Nam Tào số định cho vong linh Đức cụ (mẫu) người đây.
Trưởng hiếu trong nhà, thiếu nghĩa phụ mẫu tình thâm. Có cơi trầu xanh trình ủy viên chức, chẳng đến kiếm chi cho trưởng hiếu trong nhà. Hiếu là hiếu trung. Trung là trung hiếu.
Nơi chúng tôi đây là thân ly chi tình, nhị tòa thông gia chi nghĩa như cây dây cuốn, như cành dây leo. Chẳng có gì. Gọi là cơi trầu xanh, nâng lên hạ xuống cho thấu cửu trùng thiên. Mai đâu hiệu nhật vong linh Đức cụ (mẫu) về đây. Về phần âm mộ phù hộ cho các anh trưởng . Sinh nam đắc nam. Sinh nữ đắc nữ. Đa tử đa tôn đa phú quý. Sinh con trai thời đèn sách văn chương. Sinh con gái kim chỉ theo đường cung nga. Thiên thời ngàn trúc. Bước xuống ngàn hoa. Lưu sinh con cháu đa đa thọ trường.
Hỡi các anh trưởng. Anh trưởng! Rồi mai Đức cụ (mẫu) về đây phù hộ cho các anh trưởng. Sinh nam đắc nam. Sinh nữ đắc nữ. Đa tử đa tôn đa phú quý. Sinh con trai thời tống chi nhạc lệ. Sinh con gái có thể hòa phong. Thế mới gọi là trai binh hùng thỏa chí nhất phương.
Hỡi các anh trưởng. Anh trưởng! Cũng nhờ cơm cha áo mẹ, đi học đức thánh hiền. Thầy dạy truyền khuyên bảo chỉ. Nào là lưu thủy. Nào là thập âm. Đưa mộ đi. Dẫn mộ về. Cho tới linh và tới chốn.
Hỡi các anh trưởng. Anh trưởng!
*(Làng mường Phú Đức-Buôn Trấp)
'''



CỖ LÁ MƯỜNG

CỖ LÁ MƯỜNG
Người Mường quan niệm, miếng ăn là để tỏ lòng đối với đất trời, vì thế, trong các ngày lễ quan trọng, nhất là ngày Tết, thì mâm cỗ phải được sửa soạn đặc biệt. Cái đặc biệt trong mâm cỗ của người Mường chính là “cỗ lá'' với món ăn đặc trưng là thịt lợn...
...
Sau qúa trình chế biến là khâu xếp cỗ. Không phải ai cũng biết cách xếp vì phải tuân theo đúng trình tự và quan niệm của người Mường. Người xếp cỗ không phải chỉ xếp sao cho đẹp mà còn phải xếp sao cho “cỗ lá” nói lên được ý nghĩa tâm linh - trời đất giao hòa và lòng biết ơn của người đối với đất, trời, rừng núi. Đối với “cỗ lá”, từ mâm cỗ đến các chi tiết đều có ý nghĩa nhất định. Mâm để xếp cỗ được làm bằng gỗ tròn hoặc vuông tượng trưng cho trời và đất... Lá dùng để xếp cỗ phải là lá chuối rừng, loại bánh tẻ, vì lá chuối rừng mềm, lại thơm tượng trưng cho rừng núi. Mỗi mâm cỗ xếp một ngọn lá và một mang lá được xếp ở trung tâm tượng trưng cho đất và rừng. Trong quan niệm của người Mường, đất, rừng là người mẹ nuôi sống con người, vì thế ''cỗ lá'' thường mang hương vị của rừng được thể hiện ở các món ăn và cách xếp cỗ.
Khi xếp cỗ, phần ngọn của mang lá - nơi trời đất giao hòa - là chỗ để xếp bộ lòng gồm gan xếp ở ngọn mang lá, tiếp theo phía dưới là dồi, sau đó đến dạ dày và ruột, mỗi thứ một hàng và chỉ đủ 6 miếng không hơn. Tim gan là phần quan trọng, cùng với bộ lòng thì sườn, nạc thăn và thịt nườm (thịt ba chỉ bụng thái dài, mỏng) là những thứ quý nhất trong con lợn, do đó, mỗi mâm cỗ chỉ xếp đủ 6 miếng cho 6 người ăn với ý nghĩa sẻ chia. Sau khi xếp bộ lòng ở ngọn mang lá, người ta xếp thịt nạc thăn dọc theo hai bên mang lá, ở giữa xếp thịt các loại trên cùng là xương sườn. Mỗi mâm cỗ được xếp thêm một bát tiết canh. ''Cỗ lá'' phải thế hiện đầy đủ các phần của một con lợn, từ xương, thịt, bộ lòng, tiết canh... để tượng trưng cho sự no đủ, hoàn chỉnh.
...
Sau khi xếp cỗ, việc bày mâm cũng rất quan trọng. Người bày phải chú ý sao cho phần ngọn của mang lá là nơi bày bộ lòng phải quay về phía voóng (cửa sồ), vì voóng được coi là nơi đón ánh sáng, tinh hoa của đất trời. Các mâm cỗ sẽ được bày lần lượt xoay về các hướng ''voóng cái'' (cửa sổ chính), voóng bang'' (cửa sổ bên).
Với người Mường, lễ nghĩa đặc biệt được coi trọng, vì thế khi ngồi mâm cỗ phải ngồi theo ''vai vế'', tức là theo thứ tự cao, thấp trong gia tộc. Người có ''vai'' cao nhất sẽ được ngồi ở ''voóng cái''. Đàn ông khi ăn ngồi xếp bằng tròn, đàn bà ngồi xếp “mái''. Trước khi ăn, người có “vai'' thấp nhất trong mâm sẽ rót rượu, chia bát tiết canh ra làm 6 phần mời cả mâm ăn và uống rượu, sau đó tráng sạch bát, dùng đũa gắp mời mỗi người đủ bộ lòng, gắp cho người có ''vai'' cao nhất trước và chỉ gắp một lần duy nhất, sau đó mọi người sẽ tự gắp ăn. Người Mường khi ăn cỗ thường ngồi rất lâu, vừa ăn vừa nói chuyện và để thưởng thức hương vị của các món ăn.
''Cỗ lá” là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi. Thưởng thức ''cỗ lá”, không phải chỉ đề cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với ''muối hại dổi”, mà ta còn cảm nhận được tình cảm mộc mạc, chân thành của con người thông qua cách bày cỗ, cảm nhận được lễ giáo, phép tắc thông qua cách ngồi, cách ăn… của người Mường.
(Theo tạp chí Hà Nội mới)

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Xem hội làng Mường... TRÒ CHƠI ĐÁNH ĐU

Xem hội làng Mường...
TRÒ CHƠI ĐÁNH ĐU

*Huyền tích Mường Vôi truyền lại rằng, Thành hoàng của bản là 2 anh em họ Bùi có công khai rừng, mở lối đưa người Mường tới định cư ở mảnh đất này, rồi dạy bà con cách đắp hồ Đồng Rược, đưa nước từ Khụ Rác về cánh đồng Thung Búng để gieo hạt lúa, trồng cây ngô, cây khoai.
Cái ăn đã đủ, thấy đời sống tinh thần của người Mường còn thiếu quá, hai ông nghĩ ra trò chụng đu (đánh đu) rồi dạy bà con vui chơi vào những dịp lễ Tết, nông nhàn. Từ đó trở đi, Lễ hội Chụng đu trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của bản làng, sau một năm làm việc nặng nhọc.

*Người Mường ở Văn Chấn vẫn giữ được nhiều tập quán truyền thống trong đó có tục chơi đu ngày xuân...
...
Người chơi đu chỉ có trai chưa vợ và gái chưa chồng. Người Mường xưa có quan niệm gái có chồng mà hò đu với con trai hoặc ngược lại thì là điều không thể chấp nhận được.
...
Đặc biệt có một nguyên tắc mà bất cứ ai ngồi lên đu hò ví cũng phải nhớ được nhiều câu hò. Không nhớ được nhiều câu hò thì không theo được cuộc vui. Giọng hò hay và nhớ nhiều câu, sẽ bộc lộ mình hiểu biết rộng, ứng đáp linh hoạt, bộc lộ được nội tâm tình cảm và cái tài, cái giỏi của người con trai con gái mỗi mường…Ai mà vô tình buông ra câu hò không được tế nhị sẽ bị kẻ ngồi đu trên, người đứng dưới đất đối lại những câu mỉa mai thì chỉ còn cách rời khỏi đu chuồn cho sớm.
Xin đưa ra một thí dụ về cái tế nhị, lịch sự… Ở đây như trường hợp một cô gái trong mường khi ngồi đu thấy đu có trai mường khác đến thì cô sẽ hò:
Đồn rằng khách lạ đến mường
Để em xin bắc cầu vàng sang chơi
Người con trai lạ phải biết hò chào mọi người mường lạ, nhưng cũng ngầm ý chào lại cô gái đồng thời giới thiệu về mình. Sau đó anh ta có thể bộc lộ ý định của mình, có thể vần điệu chưa chỉnh, nhưng bao hàm trong đó là tâm tình gửi gắm:
Đồn rằng mường có suối trong
Có có gái đẹp tiếng bay xa gần
Dù có cách núi cách sông
Thì tôi cũng quyết một lòng đến thăm.
Nếu mến nhau, câu hò câu hò của họ ví quện lấy nhau như hỏi thăm gia đình, thăm dò ý tứ, đố vui bằng câu hò…

ỐNG SÁO ÔI (Ôống ôiI)

Truyền thuyết xứ Mường ...
ỐNG SÁO ÔI (Ôống ôiI)
Chuyện kể rằng: “Vua Dần lấy nàng Ngần, nàng Ngà làm vợ đã sinh hạ được hai người con là Tu Dịt, Tu Dàng. Một đêm không ngủ được, trằn trọc, thao thức mãi vua mới hỏi nàng Ngần, nàng Ngà:
- Thương nhiều, thương lắm em ơi! Đứa rớ (nhân tình) với thằng chồng ai người thương hơn?
- Thương đứa rớ được cái vòng đồng, thương thằng chồng được gióng que củi nặng.
Lời chửi, tiếng mắng không lìa lỗ tai.
Tức giận khi nghe lời tiếng ấy, vua Dần đùng đùng bỏ nhà ra đi. Khi đến con suối nhỏ trong mát, vua ngồi nghỉ. Đang mung lung suy nghĩ về gia cảnh, vợ con nên đi hay về, về hay đi... thì trong không gian vẳng lên tiếng róc rách của suối ngàn, tiếng vi vu, rì rào của gió núi càng làm cho vua Dần xốn xang cõi lòng. Cạnh con suối có một khóm nứa tép, vua liền chặt lấy một gióng nứa làm ôống thổi bắt chước tiếng suối reo, gió thổi cho đỡ buồn, đỡ thương, đỡ bồn chồn trong dạ. Lúc đầu, vua khoét một lỗ rồi hai lỗ vào thân ống nứa, đưa lên môi thổi vẫn chưa giống tiếng non ngàn... chỉ thành tiếng ôi...! ơi…! Của tiếng lòng bâng khuâng với cảnh ngộ.
(Trích trong cuốn “Đẻ đất, đẻ nước” và phong tục, đạo lý, nhân văn Mường - Nxb Văn hóa dân tộc 2015).
Những năm gần đây, trong dân gian Mường cũng truyền cho nhau nghe câu chuyện về sự tích ra đời của cây sáo ôi (ôống ôi): Cách ngày nay hàng ngàn năm, có một chàng trai tên là Côi đi vào rừng lấy củ chẳng may ngã xuống vực sâu. Mệt lả ngủ thiếp đi, trong mơ Côi nghe tiếng từ một đoạn nứa tép phát ra tiếng vi vu rất lạ. Khi tỉnh giấc, Côi dùng vỏ ốc khoét lỗ vào thân ống nứa, đưa lên miệng thổi, ống nứa phát ra những âm thanh như than, như gọi người thân. Nhiều người vây quanh nghe Côi thổi ống nứa phát ra tiếng than, tiếng gọi người thân thương đã đặt tên cho ống nứa ấy là ống sáo ôi (ôống ôi) và suốt ngàn năm qua đến thời đương đại, người Mường vẫn nâng niu, trân trọng và sử dụng cây sáo ôi thần diệu. Sáo ôi, người Mường gọi là ống ôi, ông ôi, ống than thở, ống gọi bạn, gọi tình, gọi người yêu đương thương nhớ. Tiếng sáo ôi là “tiếng lòng” thân thương trìu mến đối với những đứa con do mình dứt ruột sinh ra.
(Trích đoạn trong "Tiếng sáo ôi linh hồn của múa" của Bùi Chí Thanh đăng trên http://www.baohoabinh.com.vn/)

HOA VĂN MƯỜNG

HOA VĂN MƯỜNG
Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi (Trần Từ) dành gần như trọn đời khoa học của mình để đi tìm câu trả lời về nguồn gốc của người Việt. Trong điều kiện phần lớn các yếu tố văn hóa của tộc người này từ lâu đã bị phủ lên một lớp văn hóa Hoa - Hán khá dày đặc sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, để tìm được câu trả lời trên, ông phải đi đường vòng: tìm các yếu tố “nguyên bản” của văn hóa Việt từ tộc người láng giềng thân cận. Đó là người Mường. Trong hơn 10 năm, ông lặn lộn ở các vùng Mường để thu tìm tư liệu mà một trong những hướng, khâu mang tính “đột phá” là từ chiếc cạp váy của người phụ nữ Mường.
Trong cuốn Hoa văn Mường, từ những đo vẽ tỉ mỉ, ngẫm nghĩ và so sánh đa chiều, ông đưa ra nhận xét, hoa văn cạp váy Mường có phần lớn các điểm tương đồng với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn - sản phẩm mang tính tiêu biểu nhất, tượng trưng cho nền văn minh nông nghiệp - thủ công nghiệp của người Việt cổ; từ đó đưa ra kết luận: chủ nhân của trống đồng Đông Sơn chính là chủ nhân của hoa văn cạp váy Mường; hay trống đồng Đông Sơn phần lớn có nguồn gốc bản địa (Trần Từ, 1978). Trong một bài viết cách đây hơn 40 năm được tìm thấy trong kho Di cảo của ông, được giới thiệu trên Tạp chí Bảo tàng & Nhân học số 1 năm 2014, Từ Chi một lần nữa chỉ ra “cái chung nổi bật giữa nghệ thuật Đông Sơn và nghệ thuật “đầu váy” Mường”, thể hiện ở bố cục dải kín, bố cục thành ô, bố cục khối trụ, bố cục nhìn nghiêng của các mô típ trang trí và đặc biệt là ngôi sao hình mặt trời trên trống đồng và trên cạp váy Mường.
(Trích đoạn "Bàn về "Nguồn gốc người Việt, người Mường" của Bùi Xuân Đính đăng trên http://www.vanhoanghean.com.vn/)

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Nghe chuyện xứ Mường ... LỄ ĐẦY THÁNG VÀ ĐẶT TÊN CHO CON TRẺ

Nghe chuyện xứ Mường ...
LỄ ĐẦY THÁNG VÀ ĐẶT TÊN CHO CON TRẺ
`Lễ đầy tháng hay còn gọi là lễ “ăn mừng thôn”. 
...
Qua lễ đầy tháng này chúng ta được biết thêm những phong tục đẹp của người Mường đó là khi những người được mời đến dự buổi lễ sẽ đem những thứ quà tặng đến để mừng cho cháu bé và gia đình. Quà tặng thường không phải là những gì quá xa xỉ, tốn kém mà là những thứ tự làm ra: Vải do gia đình tự dệt ra để may quần áo cho bé, gà, gạo nếp để cho mẹ bé tẩm bổ. Đối với những người hiếm muộn hoặc khó khăn về đường con cái thì những người thân thích trong gia đình sẽ đem tặng cho bé một chiếc vuốt hổ, tự tay đeo nó vào cổ cháu bé để trừ tà và giữ vía cho bé. Khi cho quà, người ta sẽ lại chỗ bé nằm, buộc một sợi chỉ màu đỏ vào tay bé và đọc lời chúc như sau.
Đối với bé gái:
“Án con cái cả cho chóng
Án ti cách tắc, bễ mùm, bễ cúi
Án ti là pò ông, là phải
Với chí dạ ụn bảy”
(Được con gái lớn cho nhanh
Để đi hái rau, lấy măng, lấy củi
Biết làm bông dệt vải
Với mẹ con nhé)
Đối với bé trai:
“Cá cho chóng
Án ti câu ka, tánh chim
Cho pộ, cho chí ăn”
(Hay ăn chóng lớn
Được đi câu cá, bắt chim
Cho ông bà, bố mẹ con nhé)
Trong buổi lễ này ông bà nội, ngoại hai bên sẽ tặng vòng bạc cho cháu. Nhà nào giàu có thì có thể tặng cho cháu vòng bằng vàng.
Đối với người Mường ngày lễ đầy tháng cũng chính là ngày lễ đặt tên cho trẻ. Theo phong tục thì ông bà nội sẽ là người đặt tên cho trẻ.
...
Sau khi đã chọn được một cái tên phù hợp cho trẻ...Bố đứa trẻ hoặc ông nội đứa trẻ sẽ dâng hương để báo với tổ tiên, thánh thần rằng đứa trẻ đã có tên chính thức và từ đó gia đình sẽ gọi tên đứa trẻ theo tên này, (trước đó họ gọi đứa bé đó theo tên mụ như con trai thì gọi là thằng cu, con gái thì gọi là cái cún, cái đĩ, cái đẹn... tên mụ cho trẻ con thường là những cái tên xấu xí để cho ma quỷ không nhòm ngó và quấy phá). Cũng từ đó nếu đứa trẻ là con đầu lòng thì cha mẹ nó sẽ được gọi theo tên của nó. Ví dụ: nếu đứa bé tên là Hùng thì người ta sẽ gọi bố của nó là bố Hùng và mẹ của nó là mẹ Hùng.
(Trích đoạn "Quan niệm sinh đẻ của người mường" đăng trênhttp://www.muong.org/)

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Phụ nữ Mường... SINH CON



Phụ nữ Mường...
SINH CON
Theo tục lệ của người Mường, khi người phụ nữ mang thai họ vẫn đi làm bình thường nhưng tránh làm các công việc nặng nhọc và không được với tay quá cao.
...
Khi người phụ nữ mang thai họ phải tránh các loại quả sinh đôi không được ăn để đứa trẻ sinh ra không bị kết dính có nghĩa là sinh đôi, tránh ăn thịt các con vật đã chết vì sợ khi sinh sản phụ sẽ bị thiếu máu và băng huyết, không ăn các loại ốc, hến, trai, sò vì sợ đứa trẻ sinh ra nhiều dãi dớt. Người thai phụ không được uống nước đựng trong ống bương mà bị chặt vát đầu vì sợ đứa trẻ sinh ra bị sứt môi.
...
Khi sinh con người phụ nữ Mường phải ăn kiêng hết sức kham khổ. Thức ăn chính của họ trong suốt thời gian này là lá vông (một loại lá cây rừng) đem về giã nát rồi chộn với muối, gói lại sau đó đem nướng trên bếp than cho tới khi cháy thành than, hàng ngày dùng thứ này ăn với cơm. Thịt gà mái tơ được mổ và làm sạch, lọc lấy thịt hoặc lọc qua nước tro sau đó cho vào một cái nồi, đổ vào một chén rượu sau đó rang cho thật khô lên, ăn với cơm. Cơm cho sản phụ ăn cũng phải nấu riêng vào một cái nồi đất và chỉ được bới cơm ở giữa nồi. Trong vòng một tháng ở cữ, sản phụ chỉ được ăn các loại thức ăn trên. Sau đó có thể ăn uống bình thường nhưng tránh các loại thịt sau: Kiêng thịt trâu trong một năm, thịt chó trong vòng sáu tháng, kiêng ăn lạc (đậu phộng), quả cọ…
...
Ngày đầu tiên sau khi sinh sản phụ phải uống hai nồi nước thuốc (cây huyết dụ), để tiêu huyết. Vào những ngày sau đó phải uống các loại nước thuốc từ các loại lá lấy từ trên rừng vào trước và sau mỗi bữa ăn. Ngoài ra sản phụ còn uống mỗi ngày một ly rượu cẩm (trong có ngâm một quả trứng gà) đã được hạ thổ ít nhất là ba tháng, trước khi uống rượu đã được trưng cách thủy.
...
Khi trong nhà có người sinh nở người Mường có tục cắm cữ. Đây là dấu hiệu báo cho dân làng biết, nhất là người lạ biết rằng trong nhà này có người mới sinh em bé thì không được vào. Người ta lấy chín nắm rơm nếu là con gái và bảy nắm nếu là con trai kết thành một chiếc “đòn nọt” và đem cắm ở trước cổng nhà với nguyên tắc “trai bên trái gái bên phải” và nếu là con trai thì mỏ của “đòn nọt” quay vào trong, nếu là con gái thì mỏ của “đòn nọt” quay ra ngoài. Tới hết thời gian ở cữ (trai bảy ngày, gái chín ngày) thì tháo xuống.
...
Đứa bé sau khi sinh không được đưa cho mẹ nó ngay mà sẽ được tắm rữa sạch sẽ. Sau đó được đặt vào trong một cái nia, trong nia lót một tàu lá chuối đã hơ qua lửa mà người Mường ở đây gọi là “Rùng cóong”. Nếu đứa trẻ là gái người ta lấy một cái hông đồ xôi bằng gỗ đặt bên cạnh cái nia vừa gõ vào cái hông đồ xôi và nói “hỡi con gái dậy mà kéo tơ, chăn tằm, dệt vải”. Nếu là con trai người ta lấy chiếc chài đánh cá cũ đặt cạnh cái nia rồi đập xuống sàn nhà nói “hỡi con trai dậy mà đi kéo chài kiếm cá”. Gọi và đập như thế vài ba lần cho tời khi đứa trẻ khóc thật to họ mới bế nó dậy, mặc áo quấn tã và trao cho bà mẹ cho nó bú.
(Trích đoạn "Quan niệm sinh đẻ của người mường" đăng trênhttp://www.muong.org/)

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Bùa ngải xứ Mường... NÈM CHÀI

Bùa ngải xứ Mường...
NÈM CHÀI


...
Theo “Cổ sử Việt Nam” của Đào Duy Anh thì Vua Hùng chính là người Lạc Việt có nhiều phép thuật, quyền năng, phục được các bộ lạc, làm thủ lĩnh mà xưng là Hùng Vương. Xứ Mường Thanh Sơn, đất bản bộ của Vua Hùng còn in đậm phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, chế độ thổ tù lang đạo, ruộng đất nhà lang…, đặc biệt, những truyền thuyết dân gian về vua Hùng, về Thánh Tản Viên còn rất nhiều. Pháp thuật thần bí của người Lạc Việt mà sử sách thời Trang Vương bên Tàu gọi là phương thuật hay Việt phương nay còn sót lại ở xứ Mường chính là nèm chài, bùa mê ngải lú… Cách đây bốn năm, trong hội nghị giữa nhóm các nhà khoa học của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia với Sở văn hoá Phú Thọ bàn về vấn đề “nghiên cứu văn hoá Mường Phú Thọ”, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã tha thiết đề nghị cần nghiên cứu sớm phương thuật của người Mường để làm sáng tỏ bức màn tâm linh kỳ bí này song rất tiếc, cho đến nay, vẫn chưa ai đoái hoài tới. Riêng tôi, lặn ngụp mấy ngày ở xứ Mường Thanh Sơn để viết phóng sự này, không có ý tuyên truyền về những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan… mà đơn giản chỉ là kể một cách trung thực những điều mắt thấy tai nghe đang lưu truyền trong dân gian để các nhà khoa học và bạn đọc tham khảo. Chuyện thuật nèm chài linh nghiệm đến đâu, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đối chứng, tìm hiểu trong thực tế…
Trích đoạn "Bùa ngải xứ Mường " theo Phóng sự của Hoàng Anh Sướng đăng trên http://www.phathoc.net/)



Sử thi dân tộc Mường... TE TẤC TE ĐÁC (Đẻ Đất Đẻ Nước)

Sử thi dân tộc Mường...
TE TẤC TE ĐÁC (Đẻ Đất Đẻ Nước)
… Thuở ấy, khi đất còn pạc lạc (xơ xác, rời rạc), nước còn pời lời (bùng nhùng), trời còn puổng luổng (mung lung), bỗng “mưa dầm mưa dãi”, nước ngập bao la núi đồi, 50 ngày nước mới rút, tự nhiên mọc lên một cây xanh có 90 cành, có một cành chọc trời, biến thành ông Thu Tha, bà Thu Thiên...
...
Giọng mo ca... trầm vọng, thâm cung, rằng: “Vào Cửa Khổ, Rằng Khò – Một bận qua núi Làn Ai – Hai tháng qua nơi Van Chiếng – một hôm đến núi Khao Da – Ba hôm qua đồi Vận Chiếng – Chín đêm mười ngày đến đồi nhà ông Cai Da – Đến núi sau nhà Đạo Ký, ống – Trông đi, ngó lại – Thấy sáng cả trời… Có đàn gấu đứng chầu – đàn trút, đàn hoẵng đứng đón – chớp đỏ, rồng vàng leo lên, leo xuống – Hoa vàng bảy, trái vàng ba – Lá và hoa kêu ra nhạc ngựa – Rõ là cây bằng đá – lá bằng đồng – bông bằng thau – quả thì bằng thiếc…
...
Tiếng lòng của đồng bào dân tộc ở Mường ống, Mường Ai, Mường Khô, Mường Rặc, Mường Phấm, Mường Dồ, Mường Khang, Mường Khến, Mường Vó, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Khọi… hòa cùng bài ca rước tang lễ vào không gian, thời gian vô bờ bến. Trường ca từ bi ai đến nhộn nhịp, từ khóc than đến trường thiên lịch sử nhân loại và cuộc sinh nở của vũ trụ là một chuỗi dài hoành tráng của sân khấu đời Người, đời Vũ trụ bao la vĩnh hằng.
...
Việt Nam đã có sử thi Đẻ đất đẻ Nước vén màn rừng núi về góp mặt trong kho tàng Văn nghệ dân gian. Không phải trường ca về chiến tranh ILiát, cũng không hoàn toàn là trường ca về cuộc sống thanh bình như Ô đixê, mà Đẻ đất đẻ Nước là một Sử thi đồ sộ, là một sự kết hợp khéo léo các nguồn thần thoại với những biến cố chính trị, biến cố xã hội để sáng tạo nên tác phẩm; là một niềm say mê vô tận để quan sát và tái hiện cuộc sống, là một chuỗi diễn trình tỉ mỉ mọi sự kiện thời đại, để qua đó; nhìn thấu cái chân lý sống vẫn in hằn trong những thế kỷ xa xưa…
(Trích theo Vương Anh: Sử thi Đẻ đất đẻ nước và hội nhập)
Điểm nổi bật nhất và chung nhất của tất cả các thần trong "Đẻ đất đẻ nước" là không một vị thần nào có mặt mũi kỳ dị, thân hình đáng sợ như Thiên Lôi của Trung Quốc chẳng hạn. Thần Lúa là người con gái dịu hiền. Thần Chăn nuôi Lợn, thần chăn nuôi Gà, cũng là những phụ nữ nhân hậu. Một đặc điểm nữa trong "Đẻ đất đẻ nước": đa số thần là phụ nữ. Mụ-Da-Dần sinh ra người và dạy người dệt vải. Thần Lúa chắc phải xinh đẹp khi mang tên Tiến-Tiên-Mái-Lúa, thần Lợn, thần Gà là Mụ-La, Mụ-Húng. Làm công việc hái lượm cho nhà Lang là Mụ-Rấp, Mụ-Rưởi. Người được nhà Lang cử đi gặp các nữ thần để xin giống lúa, giống lợn, giống gà cũng là một phụ nữ: Nàng-Dặt-Cái-Dành, Lành-Con-Khôn-Cái-Khéo. Phụ nữ là mẹ của muôn loài!
(Trích theo TƯ DUY BIỆN CHỨNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG TRONG MO "ĐẺ ĐẤT ĐẺ NƯỚC" của Hoàng Tuấn Phổ)

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

NGHỀ DỆT VẢI

Nghe chuyện xứ Mường...
NGHỀ DỆT VẢI
...
Người con gái Mường từ khi lên bảy, lên mười tuổi đã được các bà, các mẹ truyền dạy cách quay tơ, dệt vải và phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp để làm của hồi môn khi đi lấy chồng...
...
Người Mường có truyền thống trồng bông, ươm tơ, dệt vải phục vụ nhu cầu gia đình. Bộ công cụ nghề dệt chủ yếu gồm: Dụng cụ cán bông, xa quay sợi, khung dệt dùng bàn đạp và go luồn sợi. Khung dệt cạp váy có cấu tạo khác đôi chút, đặc biệt có nhiều go, hòa văn càng phức tạp thì số go phải dùng càng lớn.
...
Sản phẩm dệt gồm nhiều loại: vải may mặc, mặc phà làm chăn và đệm, nhưng độc đáo nhất là chiếc cạp váy. Cạp váy dệt bằng sợi tơ tằm với nhiều loại hoa văn trang trí hoa văn động vật ( phổ biến nhất là các mô - típ rồng, phượng, hươu, rùa, cá, nhện) hoa văn thực vật (hoa sen, hoa cà) và hoa văn hình học. Kỹ thuật dệt cũng như cách trang trí được tiếp nối theo hình thức mẹ truyền cho con gái. Do vậy, mẫu hoa văn khá đa dạng và thể hiện những nét riêng nhất định của mỗi cá nhân, mỗi mường. Bên cạnh mô típ truyền thống chung của dân tộc. Trước kia, nghệ thuật dệt cạp váy là một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm hạnh của từng người phụ nữ.
...
Cạp váy Mường trong bộ trang phục của người phụ nữ Mường vừa giản dị, kín đáo, không phô trương mà lại nền nã, hấp dẫn và không kém phần đặc sắc. Một điều đặc biệt là rất nhiều hoa văn trên cạp váy Mường cũng là các mô típ hoa văn phổ biến trên trống đồng Đông Sơn. Điều này cho thấy các hoa văn cạp váy Mường có giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn lịch sử, liên quan đến một thời kỳ rực rỡ của văn minh Việt Nam...
(Trích đoạn trong "Nghệ thuật dệt thổ cẩm đặc sắc của dân tộc Mường" của Tiến Minh-Liên Huyền đăng trên http://www.ngoclacntv.com/)



Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Vào thăm đất mường... YÊN Ả LÀNG QUÊ

Vào thăm đất mường...
YÊN Ả LÀNG QUÊ
Nó đâu chỉ là lối đi được hình thành bởi “đi nhiều thì sẽ thành đường” (nói như nhà văn Lỗ Tấn) mà còn là con đường của lứa tuổi (con đường đến trường, con đường chăn trâu, cắt cỏ), con đường của mỗi cộng đồng làng bản với cảnh sắc tự nhiên hội nụ nét văn hóa trong lao động, sinh hoạt ngàn đời. Thân thương lắm những con đường mòn cỏ xanh yên ả dẫn vào những bản Mường với nhà gác (nhà sàn) nhấp nhô gợi ký ức của một thời văn hóa Việt – Mường.
Không tọa lạc ở những con dốc cao, đồi vắng, không xuống quá thấp những bãi bồi phù sa, người Mường thường dựng nhà ở những sườn thoai thoải gần nguồn nước để canh tác lúa nước. Người miền xuôi lên đây sẽ thấy cảm giác gần gũi, ấm cúng như những làng Việt dưới đó bởi màu xanh của lúa, bởi những con đường vào làng cũng bằng phẳng thân quen với những cảnh con trâu, con bò đang nhẩn nha gặm cỏ, với đàn gà tung tăng kiếm mồi.
Nhưng độc đáo nhất, cũng là nét khác biệt để người khách đường xuôi nhận biết với các bản làng vùng đồng bào Thái phải là những hàng cau cao vút đón nắng sớm mai. Người Mường vẫn giữ tục ăn trầu, miếng trầu mời khách trong những dịp tang ma, cưới hỏi hay làm nhà. Theo những con đường có hàng cau chỉ lối, cau mọc hai bên như hàng lan can thẳng tắp, bước đến bên nhà gác sẽ gặp nụ cười của những bà cụ có hàm răng đen nhánh. Hương cau phảng phất trên những con đường, trong sạp hàng ngôi lán chợ quê nghèo đầu xóm thôn...
(Trích trong "Nét riêng trên con đường vào với bản Mường" của Bùi Việt Phương đăng trên báo Đất Việt)




Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Nhớ thuở mường xưa... CỐI XAY LÚA

Nhớ thuở mường xưa...
CỐI XAY LÚA
Lâu lắm rồi không nghe tiếng xay lúa, nhưng đôi khi nghe tiếng xe chạy lại mường tượng ra cái âm thanh ù ù ùy ùy của cối xay lúa một thời.
Xưa kia, cái cối xay lúa dùng để biến hạt thóc thành ra hạt gạo, vì thế nó là vật dụng không thể nào thiếu được của người dân thôn quê. Bất đắc dĩ lắm mới phải đi xay nhờ hàng xóm, chẳng hạn như cối nhà bị hỏng mà chưa làm kịp.
Làm một cái cối xay lúa thì cầu kỳ và không dễ chút nào, phải là những ông thợ chuyên nghiệp gọi là ông phó cối...
...
Cái cối xay trong nhà cũng là hình tượng biểu thị tính cách của từng gia chủ. Cối làm cầu kỳ thường là sở hữu của những chủ nhân cẩn thận, căn cơ. Cối làm cẩu thả, rách nát phản ánh lối sống của những anh tạm bợ, qua quýt. Cối hoạt động đều đặn, thường xuyên cho biết gia đình này kinh tế dư dả, sung túc. Nhà không có nổi cái cối xay thì chắc rằng cũng chỉ suốt đời ăn đong, vay nợ.
Lại nữa, nghe tiếng xay lúa biết được tính cách, nết người. Tiếng quay đều đều là người chăm chỉ chứ không thẽo thợt, dựa dẫm. Tiếng quay như giông bão là của người xốc nổi, thiếu kiên trì; hoặc của các bà xa chồng đêm đêm đổ trấu vào xay!!! mà xay kiểu ấy thì dễ hỏng cối lắm. Người yếu, người khỏe tiếng cối nghe cũng khác nhau.
Thóc xay xong lại phải sàng sảy cho hết trấu, chỉ còn gạo lật để giã. Việc sàng sảy thóc thường của đàn bà, con gái chứ đàn ông ít người làm và biết làm. Những công việc ấy thông thường phải tranh thủ về tối, sáng sớm hoặc là những ngày mưa không đi làm đồng được.
Thương cho các bà, các mẹ, các chị em ta đầu tắt mặt tối, hết việc đồng áng, rơm rạ về nhà lại còn xay lúa, bồng em…
...
Không răng mà cắn nát nhừ
Miệng to họng nhỏ từ từ nuốt vô
Bụng không có chỗ chứa đồ
Cho nên em phải đổ ra liên hồi.
...
Thời nay, cái cối xay thóc không nhà ai còn nữa ...
Bâng khuâng, cảm hoài một chút về cái cối xay tre ngàn đời gắn bó cùng người nông dân.
(Trích đoạn "Cối Xay Lúa" của Đặng Kích đăng trên Làng Cổ Duy Tinh)




NÉM COÒN

Trò chơi dân gian trong các lễ hội Mường...
NÉM COÒN
Tiếng trống hội vang lên, dàn cồng chiêng được các bà, các cô, các chị phối hợp hòa tấu nhịp nhàng cùng tiếng sáo, tiếng nhị réo rắt. âm hưởng của đất mường hội tụ về đây. Nụ cười cụ già, niềm vui em nhỏ, trò chơi ném coòn vẫn thu hút những cô gái Mường trong bộ trang phục dân tộc cùng những chàng trai khỏe mạnh, đang tung những quả coòn tình tứ se duyên…
Ném coòn xưa gọi là đánh coòn, đây là một trò chơi đặc biệt của những vùng Mường và một số dân tộc khác. Trò chơi này được lưu truyền từ thời Hùng Vương nghĩ là từ khi còn có các quan lang và các cô Mị Nương. Coòn là một trò chơi quý phái của các tiểu thư con của các lạc hầu lạc tướng.
...
Ngày nay ở vùng Mường, Đất Tổ Phú Thọ cũng chỉ còn lại hai làng duy trì tục ném coòn với đầy đủ ý nghĩa văn hóa bản địa của mình. Đó là làng Tất Thắng và làng Xuân Sơn huyện Thanh Sơn. Cũng chỉ thấy ở hai làng còn vài nghệ nhân biết khâu quả coòn đúng tiêu chuẩn.
Quả coòn tượng trưng là dương ném chui qua vòng (lỗ) là âm. Dân ta làm lúa nước trọng hướng đông và nam là hướng có nước. Trong âm dương thì hướng đông, hướng nam là dương. Ta vì trọng nước mà trọng về dương hơn âm. Nhưng nếu dương không có âm cũng không phát triển được, vì thế ta quan niệm tốt nhất là trong dương có âm, trong âm cũng có dương. (Dân tộc ta sung mãn là nhờ sự kết hợp của hai giống rồng tiên. Lạc Long Quân làm chồng là dương nhưng ở biển thuộc âm, bà Âu Cơ, vợ là âm nhưng ở rừng thuộc dương). Tục ném coòn thể hiện rất rõ tư tưởng triết lý ấy. Quả coòn là dương nhưng người ta khâu múi tạo ra 4 góc để có hình âm. Vỏ màu đen là âm khâu các nẹp xanh, vàng, đỏ là dương: Chứa bên trong ruột nó một nửa là gạo tẻ xay từ hạt lúa nước là âm còn phần nửa hạt muồng mọc trên rừng là dương. Cái lỗ cho quả coòn chui qua là âm nhưng nó cũng tích dương bởi được uốn hình tròn, hình mặt trời là dương. Vòng tròn bưng giấy bản cho quả coòn dễ chọc thủng chui qua. Màu giấy đỏ vừa dễ nhìn ở không gian núi rừng và nền trời lóa nắng vừa thể hiện có yếu tố dương trong cái lỗ - âm.
Ở làng Tất Thắng xưa mỗi kỳ tế thành hoàng xong ông từ lại bưng đĩa quả coòn vào đình thắp hương cúng thành hoàng xong mới tung ra cho trai gái ném.
Mở đầu bao giờ cũng là các cặp trai tân gái làng (nam thanh nữ tú) đang có ý hẹn ước trăm năm vào để ném với nhau. Thông thường mỗi lần ném là ba cặp nam nữ. Cứ lần lượt từng cặp một thay nhau ném để không lúc nào không có quả coòn đang bay trên trời xanh trong tiếng vỗ tay reo hò của dân làng. Mỗi cặp nam nữ lần đầu tung quả coòn chui qua vòng tròn thì họ trao cho nhau kỷ vật làm tin...
(Trích theo "Tục ném coòn: Di sản của dân tộc" đăng trên tranghttp://dulich.chudu24.com/)