Sự tich về khèn bầu sáu ống của người Ê Đê...
NHẠC CỤ ĐINH NĂM
*Bá Thăng
...
Sự ra đời của Đinh năm được truyền tụng ở các nhóm tộc người thuộc dân tộc Ê đê (Kpă, Adham, M’dhur, Krung…) kể lại như sau: Có hai vợ chồng người Êđê đã sống với nhau qua bảy mùa rẩy mà vẫn chưa có mụn con nào. Họ ước ao có một người con để trông cậy lúc về già. Một lần đi rẩy, người vợ khát nước quá vội đi tìm nơi có nước. Vượt qua một quả đồi, ba con suối cạn, chợt bắt gặp một vũng nước trong veo trong hốc đá, chị liền uống một hơi cạn sạch. Uống xong chị cảm thấy người khoan khoái, tỉnh táo lạ thường.
Từ ngày đó, người vợ có thai. Đến mùa rẫy sau chị sinh ra được sáu người con gồm ba trai, ba gái rất xinh đẹp, chúng giống nhau như hoa pơlang nở cùng một lứa. Càng lớn chúng càng giống nhau như đúc khiến cả cha mẹ cũng nhầm lẫn. Người cha liền vào rừng chặt sáu ống nứa dài, ngắn khác nhau rồi nói: Ống dài là chị, là anh, ống ngắn là em, là út, rồi trao cho các con. Các ống thứ nhất, thứ hai, thứ năm trao cho con gái. Các ống thứ ba, thứ tư và thứ sáu trao cho con trai. Người con trai út rất thông minh và khéo tay. Chàng lấy sáu ống nứa đẽo gọt cho đẹp, gắn lưỡi gà làm từ cật tre và các ống. Chàng gắn sáu ống nứa đó vào sáu quả bầu khô làm kèn để thổi tạo nên âm điệu thánh thót rộn ràng. Nghe âm thanh cao thấp ấy mà cũng phân biệt đâu là anh, là chị, đâu là em, là út.
Chẳng may cha mẹ đột ngột qua đời. Sáu anh chị em mang các ống kèn ra thổi để tỏ lòng tiếc thương cha mẹ. Việc mỗi người thổi một ống quá bất tiện bởi lấy ai nấu cơm, nấu nước, tiếp đãi khách khứa, thế là chàng trai út lại nghĩ ra cách lấy một quả bầu to rồi gắn cả sáu ống kèn vào. Với ý thức mẫu hệ, chàng đặt các ống của các chị ở trên, của các anh và mình ở dưới. Sau khi dùi lỗ bấm, chàng trai thổi lên khúc nhạc lúc réo rắt, lúc buồn thương. Nhờ thế đám tang của cha mẹ được chu toàn. Vừa có người nấu cơm, khiêng rượu tiếp khách và đặc biệt là có điệu nhạc trầm buồn tiễn đưa cha mẹ về với thế giới ông bà. Từ đó chiếc kèn được mọi người sử dụng và lan truyền khắp các buôn làng Êđê. Họ gọi là đinh năm.
...
Gọi Đinh Năm là “khèn bầu 6 ống”, bởi loại nhạc cụ họ hơi (sáo) khá phổ biến trong cộng đồng một số dân tộc ở Tây Nguyên này được cấu tạo bởi 6 ống nứa dài ngắn khác nhau, kết thành 2 bè (mỗi bè 3 ống), đường kính mỗi ống từ 1,5 - hơn 2 cm. Một đầu các ống nứa có mắt bịt kín, đầu kia cắm xuyên qua vỏ trái bầu khô, mối nối được hàn kín bởi sáp ong ruồi, phần xuyên qua để lộ 6 đầu ống. Thân các ống nứa có lỗ thoát âm và lỗ để điều chỉnh âm thanh, để người thổi bấm ngón tay, kết hợp hơi thổi ra, phát thành các âm thanh trầm bổng: đồ - rê - mi- pha- son - la… Người thổi ngậm miệng vào đầu cuống của quả bầu (cũng nạo rỗng) và thổi. Với cấu tạo và cách sử dụng này, Đinh Năm còn được gọi là “sáo”. Âm thanh của Đinh Năm lúc trầm lúc bổng, vang vọng, thiết tha, mang âm hưởng trầm buồn và cả nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.
...
Bá Thăng
(Trích đoạn trong bài "Huyền thoại về nhạc cụ Đing năm ở Tây Nguyên" của Bá Thăng đăng trên báo http://baodansinh.vn/huyen-thoai-ve-nhac-cu-ding-nam-o...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét