Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

MÙA ĐÓT NĂM NAY

Lên rừng hái lộc...
MÙA ĐÓT NĂM NAY
(QNO) - Hằng năm, cứ đến đầu tháng Chạp, vùng cao lại nhộn nhịp cho vụ mùa thu hoạch đót. Trên những tuyến đường dân sinh, từng bó đót được phơi khô, chuẩn bị nhập hàng về xuôi.
Cũng như mọi năm, thời điểm này mùa đót lại về với đồng bào vùng cao ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn... Mặc dù, vụ mùa chỉ mới bắt đầu, nhưng trên khắp các làng bản, những bó đót đã được đồng bào hái về, đem phơi dọc các tuyến đường dân sinh, trước khi xuất hàng đưa đi tiêu thụ xuống đồng bằng.
Thông thường, mùa đót kéo dài khoảng hơn một tháng, tạo nguồn thu nhập thời vụ cho đồng bào vùng cao, giúp trang trải cuộc sống. Những năm trước, khi mùa đót bội thu, đồng bào chăm chỉ vào rừng hái đến cận Tết Nguyên đán mới nghỉ tay, chuẩn bị vui xuân, đón tết.
Tuy nhiên, theo nhận định của người dân địa phương, do thời tiết không ổn định nên năm nay có khả năng bông đót trổ ít hơn so với mọi năm. Do vậy, nguồn thu nhập của đồng bào ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
(Trích bài Mùa Đót Ở Vùng Cao của ALĂNG NGƯỚC )

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Ban mê ơi... NHÀ THỜ CHÁNH TÒA

Ban mê ơi...
NHÀ THỜ CHÁNH TÒA
- Nhà thờ chính tòa: là nhà thờ chính của giáo phận. Đây là ''nhà thờ mẹ'', nhà thờ của Đức Giám mục. Chính tại nơi đây có đặt một cái ghế của ngài: ''cái tòa'' và tại đây, Giám mục giảng dạy các tín hữu của ngài.
Nguồn gốc
Từ ngữ "Cathedral" xuất xứ từ chữ Hy Lạp kathedra (chữ Latin: cathedra), chỉ ngai tòa (chỗ ngồi, ghế ngồi) của vị Giám mục cai quản giáo phận, trong nhà thờ của mình. Từ này được dùng lần đầu để gọi nhà thờ chính tòa Taragona (vùng Catalonia, Tây Ban Nha) năm 516, với tên ecclesia cathedralis (nhà thờ mà Giám mục có ngai tòa).
Trong các nhà thờ chính tòa thời xưa, ngai (ghế ngồi, cathedra) của vị Giám mục cai quản giáo phận được đặt ở cuối gian cung thánh, phía trước là bàn thờ được đặt trên một bục cao hơn nền (thường là trên một nấm mộ của một thánh tử đạo). Trong ngôi nhà thờ lớn nhất châu Âu và nổi tiếng nhất thế giới là Nhà thờ thánh Phêrô ở Vatican, còn giữ một ngai của vị tông đồ trưởng...
(Theo Wikipedia)







LÀNG CÙ LẦN

Xứ Thượng...
LÀNG CÙ LẦN
...
Tôi may mắn là tôi không tạo gì ra làng Cù Lần cả vì đã có một cái làng của dân tộc K’Ho tồn tại từ đầu thế kỷ 20 nơi đây. Làng ở trong thung lũng tuyệt đẹp trong quần thể của Suối vàng và con Suối bạc nằm uốn quanh làng. Sở dĩ người ta gọi là Suối bạc vì mỗi dưới đáy suối có lớp đá sáng như meca (dân nơi này còn gọi là vàng non), khi ánh nắng chiếu xuống nó lấp lánh long lanh. Người dân làng sống bằng nghề chặt ngọn cây cù lần để làm con cù lần kiểu mỹ nghệ... Ngoài ra dân làng này còn sống bằng nghề vào rừng nhặt con cù lần bỏ vào gùi đem ra chợ bán cho người thành thị nuôi như thú cưng. Đây cũng là ngôi làng duy nhất lọt thỏm giữa thung lũng được bao phủ bởi hàng ngàn hecta rừng, dù không còn nhiều hộ nhưng vì làng đã lâu đời và ổn định nên Nhà nước cấp chủ quyền đất đai cho họ khai thác.
...
Không biết kiếp trước tôi có phải người dân tộc hay không nhưng tôi mê rừng, mê làng, mê người Tây Nguyên lắm. Cái gì của họ cũng đẹp. Một người bạn nói với tôi: “Mọi sự rắc rối bắt nguồn từ ham muốn sở hữu”. Người dân tộc thì chỉ mượn rừng chứ không sở hữu rừng. Tuy vậy họ cũng có sở hữu, tôi dám khẳng định như vậy. Trong những ngày này tôi đang xây dựng một cây nêu ở giữa làng Cù Lần có chiều cao 27m, quan niệm của người dân tộc rằng: nắng đổ vào bóng cây nêu đến đâu thì đất đai của mình nằm trong đó. Đó cũng là một thứ sở hữu nhưng cũng lại chỉ là một thời điểm, vô thường chứ không vĩnh cửu. Duy nhất với họ, rừng mới là thứ vĩnh cửu mà thôi.
...
Rừng chứa tất cả những điều đó, rừng có những người phụ nữ đẹp hoang sơ, những bản tình ca hay nhất cũng từ tiếng gió ca, suối reo đầy nhạc tính, đó là chưa kể tiếng cồng chiêng, những trường ca của những người con rừng (người dân tộc K’Ho) và rừng là một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ... Tôi yêu thiên nhiên và con người nơi này một cách tự nhiên như ruột thịt, như ở đâu trong tiềm thức giờ chỉ là sự trở về bản nguồn căn tính của tôi mà thôi. Từ đó, người dân tộc K’Ho ở đây cũng cho tôi lang thang cùng họ, ăn ngủ cùng họ, uống rượu cần cùng họ và thậm chí kể cho tôi rất nhiều câu chuyện về họ. Cũng nhờ đó, khi tôi tỏ ý chọn nơi này làm chốn cư lưu, họ đã đồng ý và giúp tôi xây dựng làng Cù Lần bây giờ. Và hiện nay dù họ không còn ở nơi này, họ vẫn luôn sẵn lòng giúp tôi khi tôi cần đến. Có lẽ với họ, đó cũng là sự trở về.
...
(Trích "Thăm Làng Cù Lần Của Văn Tuấn Anh" phỏng vấn của báo SGTT)

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

BAN MÊ MÙA GIÓ

BAN MÊ MÙA GIÓ
Gió ….. những làn gió còn nguyên mùi hoang dã bỗng ào ào, bỗng dừng lại, đang tinh nghịch làm tung làn tóc rối, lại hiền lành uốn lượn tà áo dài nữ sinh . Gió ơi mấy tháng mùa mưa gió du ngoạn nơi nào ? Paris? Cali ? Đèo Hải Vân hay biển Nha Trang ?.... Gió đi đâu gió về lại đại ngàn, gió tung bay hoang dã trên cao nguyên. Lại một mùa gió nữa trở về, về để đón Tét quê hương, ơi lại sắp tết rồi….
Nhớ xưa thuở bé con, mong tết quá chừng, sao lâu quá lâu , nay thì mau quá. Quay qua tết, quay lại tết. phải chăng thiên văn học có gì lầm lẫn, giả như trái đất đã quay nhanh hơn vậy. nói vui thôi chứ ai cũng bận rộn với công việc thì quỹ thời gian như ngắn lại vậy. xuân về , xuân mãi mãi trẻ còn người thì bị thêm một tuổi già !
….. “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, sẽ có ước muốn cho thời gian trở lại…” Những nốt nhạc thiết tha ắp đầy tiếc nuối, mỗi khi nghe lòng lại thấy rưng rưng….
……Thời gian trở lại ngày xưa ấy, dẫu nhiều khó khăn, nhiều thếu thốn, nhưng chẳng ai nhớ làm gì chuyện đó, mà chỉ nhớ ngày xưa thật hiền hòa , thật êm ả đường đến trường trong làn gió nhẹ ban mai. Nhớ cổng trường đơn sơ đứng lặng lẻ bên thềm đất đỏ, những tà áo trang đài, những petit garcon rụt rè nhưng nghịch ngợm.
...
Thường nhật cũng có những việc cắt vụn thời gian đời người, nhưng những cuộc gặp gở lẻ tẻ vài ba đứa luôn được ưu tiên, chỉ để tán gẩu cho vui. Lòng vòng rồi cũng trở lại ngày xưa ấy, nhiều khi bần thần ngơ ngẫn.. như một cuốn phim đen trắng. Những hình ảnh thầy cô, bạn bè trường lớp cứ êm êm trôi, mới mẻ và gần gủi như mới chỉ hôm qua thôi ....
Ban mê, sáng thì se lạnh, quán xá còn mờ mờ nhưng hương cà phê đã ấm, tối cũng se se, có gió nhiều hơn.Cà phê như đượm hơn, nóng hơn. Sau một ngày bận rộn nổi nhớ thường trở về bên ly cà phê, man mác, man mác, bâng khuâng, kỷ niệm ngày xưa.....
..... gió đấy, nắng đấy,
gió như say, nắng như mơ.....
(Trích trong " BAN MÊ MÙA GIÓ " của Ngô Thị Bình đăng trong Đặc San Kỷ Yếu, cựu học sinh Trung Học Ban Mê Thuột, phát hành năm 2010 )

"NƯỚC MÁT" CỦA NGƯỜI J'RAI

Xứ Thượng ...
"NƯỚC MÁT" CỦA NGƯỜI J'RAI
...
Thời tiết ở Ayun Pa những tháng cuối năm rất lạnh. Cái lạnh của cao nguyên theo những ngọn gió mùa Đông Bắc như muốn cắt nát chúng tôi bằng cái giá buốt se sắt. Nằm trong lán che sơ sài bằng những tấm bạt trên những tấm ván cốp-pha của công trường, chịu đựng màn sương dầy mịt cộng với cái lạnh từ đá núi quả thật không thể nào ngủ được. Cái mệt mỏi ban ngày làm việc cộng thêm những đêm trằn trọc đã lấy mất sức khoẻ và sinh khí của chúng tôi rất nhiều. Nó còn tồi tệ hơn thời gian tôi cải tạo trong rừng sâu Phước Long, đêm còn được nằm trong lán có mái che tương đối kín. Chỉ mong sao trời mau sáng để lết ra quán uống cà phê, rồi trời mau tối để ra các quán nhậu mọc theo đầy chung quanh công trường nhờ men rượu giải sầu và tán tỉnh phụ nữ cho vui.
...
Mỗi buổi sáng, tôi co ro một mình đi ra ngã ba uống cà phê, ăn sáng. Tôi hay chọn cái quán đối diện với con đường trong xa đâm ra. Quán tuy nhếch nhách, nhưng tôi thích ngồi ở đó quan sát những bóng người từ trong đám sương dầy mù mịt nhòa nhạt đẹp như một bức tranh thủy mặc xuất hiện phía cuối dốc rồi rõ dần. Khi ấy, tôi thích để trí tưởng tượng của mình lang thang mà mường tượng cái khung cảnh bên kia màn sương mờ cùng những con người đang sống ở phía đó. Tôi chẳng bao giờ muốn tìm hiểu về cái thực khi nắng đã lên cao. Đời sống vốn nhọc nhằn, sao ta không giành một chút mộng ảo cho tâm hồn mà đi tìm cái sự thật trần trụi làm chi? Quả thực những buổi sáng đó đã giúp tôi vượt qua dễ dàng cuộc sống gió bụi và lưu giữ mãi trong ký ức của tôi.
Sau lưng công trường khá xa có một dòng suối đỏ ngầu chảy qua và sâu hơn nữa là một buôn của người dân tộc. Chiều chiều tôi hay tha thẩn đến đó để tắm giặt đồng thời nhìn những cô sơn nữ tắm suối mà nhớ về một miền đất đỏ đã xa xôi. Nhưng sơn nữ bây giờ biết thẹn thùng rồi, cứ mặc nguyên quần áo mà tắm rồi gùi nước về nhà thay đồ, không cho tôi cơ may nhìn những bộ ngực trần nữa đâu.
Họ có cách lấy nước sạch sinh hoạt rất hay! Tôi nghĩ họ chẳng có cái kiến thức khoa học gì về việc lọc nước cả mà chỉ làm theo kinh nghiệm truyền đời. Con suối nước đỏ ngầu phù sa, họ khoét một cái hố nhỏ trong bãi bồi giữa suối. Qua lớp đất cát lọc chung quanh, nước ở đó trong vắt khi họ dìm những trái bầu khô đen nhánh làm đầy. Lần đầu tiên nhìn thấy hố nước, tôi phải tấm tắc khen thầm trí tuệ của họ.
...
(Trích đoạn trong bài "AYUN PA" của HÙNG BI đăng trên FB Hung Kieu)
Khi mặt trời đã xế bóng, dọc những dòng sông Ba, sông Tul... chảy qua một một số huyện phía đông nam Gia Lai như Phú Thiện, Ia Pa, Azun Pa…, những em bé, cụ già, thanh niên J’rai lưng đeo gùi với hàng đống chai lọ, men ra bờ sông lấy “nước mát” về ăn uống.
Đặt gùi xuống những bờ cát trắng, những đứa bé từ 5-8 tuổi dùng tay đào một cái hố sâu chừng 35 cm, đường kính chừng 40cm. Những cái hố này chỉ cách dòng sông vài chục cm, đủ để nước sông ngấm qua những hạt cát rỉ vào hố. Vài ba phút sau, khi hố bắt đầu có nước, các cô cậu bé dùng 1 cái cốc múc nước ở đó đổ vào chai. Đa phần là đổ trực tiếp, nhà nào cẩn thận hơn thì lọc qua một miếng vải mỏng; nước đó gọi là “nước mát” mà người dân nơi đây chuyên dùng để ăn uống.
(Theo phóng sự "Nước giếng để giặt, nước sông để... ăn" của Thiên Thư trên báo Dân Trí)

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Ra sau vườn nhà...

HÔM NAY CẤY LÚA
Tháng sáu mà cấy mạ già
Thà rằng công ấy ở nhà ẵm con
Tháng chạp mà cấy mạ non
Thà rằng công ấy ẵm con ở nhà
.Ca dao






CHUYỆN MỘT BÀI CA DAO CỔ

Nhớ bài học thuộc lòng ngày xưa...
CHUYỆN MỘT BÀI CA DAO CỔ
Phan Văn Cho
“Đi chợ tính tiền” là một bài ca dao lục bát. Bài đã được in làm bài Học thuộc lòng cho học sinh lớp “sơ đẳng” trong sách Quốc văn giáo khoa thư năm 1948, trang 114. Bài thơ kể chuyện một người phụ nữ đi chợ về, phải trình bày minh bạch, rõ ràng việc chi tiêu với chồng.
Ngày xưa khi học bài này thầy giáo chỉ nêu đại ý, đồng thời nêu bật tính đảm đang, khéo vén của người phụ nữ xưa..., sau đó yêu cầu học sinh học thuộc. Thầy không giảng về bài toán ẩn trong bài thơ, có lẽ vì thời thế đã khác (khoảng năm 1958, chưa được vào trường công lập, người viết học với một ông giáo ở khoảng giữa cầu An Cựu và lăng Vạn Vạn) đồng tiền cũng đã đổi thay, hoặc giải bài toán chắc chi những học trò nhỏ hiểu được.
Đã hơn năm mươi năm, bây giờ người học trò xưa đang ngồi ôm tóc trắng... một ngày mưa ngồi buồn chợt nhớ thầy đồ nơi xóm cũ ngày xưa chừ không còn, nhưng bài thơ vẫn còn đọng mãi trong đầu của bài học thuộc lòng thuở ấy. Bèn tìm giấy giải thử. Ngay câu thơ đầu tiên đã gặp ngay vấn nạn. “Một quan tiền tốt mang đi”. Một quan là bao nhiêu? Quan là đồng tiền cổ, những người muôn năm cũ giờ không còn, biết hỏi ai đây? Chợt nghe vang vang trong đầu một bài nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng:
Một quan là sáu trăm đồng.
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.
(Trăng sáng vườn chè - Thơ Nguyễn Bính).
Vận dụng cả 4 phép tính cộng trừ nhân chia, đảo xuôi ngược, lên xuống... mãi vẫn không đủ 600 đồng cho một quan tiền!
Lại phải đi tìm trong lịch sử. Trong một ngàn năm Bắc thuộc, dân Việt không có đồng tiền riêng. Mãi đến sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, dân Việt vẫn còn dùng đến đồng tiền của phương Bắc. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế với đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, niên hiệu Thái Bình. Năm 970 nhà vua đã cho đúc những đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Đây chính là những đồng tiền đầu tiên của người Việt. Từ đó tiếp đến những triều đại sau đều theo.
Đơn vị để tính tiền xưa gồm có: quan, tiền, đồng. Mỗi quan có giá trị là 10 tiền, mỗi tiền bằng bao nhiêu đồng tùy theo quy định của mỗi thời đại. Theo sử sách giá trị đồng tiền các thời đại như sau:
1. Năm 1225, vua Trần Thái Tông định phép dùng tiền. 1 quan bằng 10 tiền. 1 tiền bằng 70 đồng.
2. Năm 1428 vua Lê Thái Tổ cho đúc tiền Thuận Thiên. 1 quan bằng 10 tiền. 1 tiền bằng 50 đồng.
3. Năm 1439, vua Lê Thái Tông quy định 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng.
Như vậy 1 quan = 10 tiền = 600 đồng.
Từ đó các triều đại về sau, mỗi khi đúc một loại tiền mới đều theo tỷ lệ này (cho đến cuối triều Nguyễn năm 1945), chỉ có tên đồng tiền là thay đổi theo tên hiệu của vị vua khi đúc tiền.
Năm 1905, chính quyền bảo hộ Bắc kỳ cho phát hành loại tiền đúc bằng hợp kim kẽm. Loại tiền này mặt trước in chữ Pháp, mặt sau ghi chữ Hán, có giá trị tương đương các loại tiền đồng như Gia Long Thông Bảo, Minh Mệnh Thông Bảo, Thiệu Trị Thông Bảo và Tự Đức Thông Bảo.
Trong những đời vua sau của nhà Nguyễn còn có thêm hai đồng tiền khác là Khải Định Thông Bảo và Bảo Đại Thông Bảo, hai loại tiền này không đúc như những đồng tiền xưa mà được dập bằng máy dập nhập từ nước Pháp.
Đến đây chắc chắn là bài toán ẩn bên trong bài ca dao đã giải được. Ghi lại như sau, bên phải là các phép tính đã giải.
ĐI CHỢ TÍNH TIỀN
Một quan tiền tốt mang đi, 600
Nàng mua những gì chàng tính chẳng ra.
Thoạt tiên mua ba tiền gà, 3x60 = 180
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu. 60+30+3 = 93
Trở lại mua sáu đồng cau, = 6
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng. (1,5x60)+10 = 100
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ,sáu đồng chè tươi. 60+30+6 = 96
Ba mươi đồng rượu chàng ơi, = 30
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng. 30+20 = 50
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn,kẻo chàng hồ nghi. 2x7 = 14
Hăm mốt (21) đồng bột nấu chè, = 21
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan. = 10
CỘNG = 600
Trong sách QVGKT, bên dưới bài học thuộc lòng này có 3 từ giải nghĩa, ghi nguyên văn như sau:
"GIẢI NGHĨA: Tiền tốt =tiền tiêu được.
Vàng =đồ làm bằng giấy cúng rồi đốt đi.
Hồ nghi =ngờ vực,không biết rõ".
Những giải nghĩa này chỉ để giải thích cho lớp học trò tóc còn để chỏm, dễ hiểu, dễ nhớ. Đi chợ tất phải đem theo tiền, tiền phải có giá trị trong mua bán... là chuyện đương nhiên.
Nhưng sao gọi là tiền tốt? Một bài cao dao được lưu truyền, được in trong sách giáo khoa từ lúc ra đời (bản in đầu tiên năm 1927) đến lúc cải tiến thay đổi, không lẽ vì bí vần mà viết vụng thế sao! Thế là người viết phải đi tìm tiếp.
Có một giai thoại trong văn học về Bà Chúa thơ Nôm. Chuyện kể rằng Hồ Xuân Hương thiếu tiền bèn hỏi mượn của Chiêu Hổ 5 quan để tiêu tạm. Chiêu Hổ gởi tiền đến, đếm hoài vẫn chỉ thấy có 3 quan. Nữ sĩ bèn làm bài thơ trách người cho mượn tiền:
Sao nói rằng năm chỉ có ba.
Trách người quân tử hẹn sai ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt.
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.
Chiêu Hổ họa lại:
Rằng gián thì năm, quý có ba.
Bởi người thục nữ tính không ra.
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt.
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
Trong bài họa của Chiêu Hổ có chữ gián và quý. Đây là cơ sở dẫn người viết đi tìm tiếp. Đã có công tất... chồng không phụ, kết quả đã tìm được:
Khoảng thế kỷ 18, dưới triều vua Minh Mạng có hai loại tiền lưu hành song song. Đó là tiền quý và tiền gián, tỷ lệ như sau: 1 quan quý = 600 đồng. 1 quan gián chỉ bằng 360 đồng.
Khi hỏi mượn tiền, Hồ Xuân Hương chỉ nói mượn 5 quan, không nói là quan gì. Gặp lúc Chiêu Hổ chắc cũng đang túng, nên chỉ cho mượn số tiền thấp xuống, nhưng vẫn đủ 5 quan:
Quan quý: 3 x 600 = 1800 đồng.
1800: 360 = 5 quan gián.
Giá trị của các loại tiền xưa như thế nào? Đây là những số liệu về lương tiền dưới triều vua Minh Mạng.
- Quan Nhất Phẩm lãnh mỗi năm 400 quan, 300 phương gạo, 70 quan tiền Xuân Phục, tức tiền áo quần.
- Quan Chánh ngũ phẩm, hàng tri phủ mỗi năm lương 40 quan, 43 phương gạo, 9 quan tiền Xuân Phục.
- Lính, thơ lại, phục dịch... lương mỗi tháng 1 quan, tiền, 1 phương gạo.
Đồng quan ngày xưa nó to thế. Chẳng trách người ta bỏ... quan ra để mua phẩm hàm, chức tước... để được làm quan! Chẳng trách người phụ nữ “thời xưa” (tên khác của bài thơ Trăng sáng vườn chè) quên cả thanh xuân, gác tạm những ẩn ức, dồn nén để chờ một ngày chồng vinh qui về làng... cùng nhau trải trọn trong một đêm trăng!
Qua những số liệu vừa tìm được, ta có thể thấy rõ bài ca dao “Đi chợ tính tiền” xuất hiện sớm nhất phải từ thời Minh Mạng. Bởi từ lúc này mới có “Một quan tiền TỐT” mang đi. Tiền tốt chính là tiền quý, phân biệt với tiền gián có giá trị thấp hơn. Cũng thấy được, người phụ nữ trong một buổi chợ quê đã tiêu số tiền bằng lương tháng một người lính. Nhà nàng chắc phải có chuyện quan hôn, kỵ giỗ chi đây!
Thật thú vị, để giải bài toán ẩn bên trong bài ca dao, đã phải đi loanh quanh, lòng vòng, gặp những bài thơ hay, giai thoại đẹp, biết thêm vài điều về lịch sử... Cuối cùng sau hơn 50 năm, người viết mới giải được bài toán ẩn bên trong bài ca dao cổ!
P.V.C
(SH298/12-13)

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

LÁ DONG RỪNG

Lộc rừng tháng chạp...
LÁ DONG RỪNG
...
Thường thì những người đi hái lá dong tập trung thành nhóm khoảng 5-10 người, bỏ lại những chiếc xe máy cà tàng ven bìa rừng rồi đi bộ vào sâu trong những cánh rừng già. Nhiều người ví lắm lúc đi tìm lá dong như đi tìm… sâm bởi có khi đi cả hai tiếng đồng hồ mới gặp được một bãi lá dong. Những người bản địa ở khu vực này cũng tham gia vào hành trình tìm lá dong bán kiếm tiền sắm Tết. Và khi cắt được bó lá dong, họ phải vác ra tận bìa rừng. “Phải bấm chặt ngón chân xuống đất, đường trơn ngã chổng gọng là bình thường. Vác được bó lá đến nơi bỏ xe, mệt muốn đứt hơi” - Chị Hlêu, một người bản địa tìm lá dong kể.
Người dân nhiều bản làng xa vắng đổ vào tìm lộc rừng trong tháng chạp này. Ngặt nỗi, dong thường mọc men theo bờ suối, nơi ẩm ướt. Và đây cũng là “địa hạt” của những đàn vắt khát máu. Để lá dong đến với người dùng, thân mình những con người này phải dầm trong giá lạnh, bị vắt, côn trùng cắn. Lá dong đưa về phố phải không rách, không héo. Và đây cũng là kinh nghiệm của những người cắt lá dong nhiều năm.
Đến độ này, nhiều thương lái đã chờ sẵn ở cửa rừng đón người cắt dong về. Theo các thương lái lẫn dân đi cắt lá dong thì lá dong vùng này xanh mởn, dày, khi gói bánh sẽ xanh và thơm hơn...
Lá dong ở khu vực này được vận chuyển đến các chợ đầu mối ở khu vực Tây nguyên và dọc dải miền Trung. Cuộc mưu sinh những ngày cận Tết đối với những con người trần lưng một nắng hai sương thật vất vả. Bù lại, họ được tưởng thưởng với những ngày Tết đầy đủ hơn.
Mưa rừng cuối năm vẫn đang rả rích. Trên con đường trơn nhẫy, những con người như chị Bình, H'Lêu…và hàng trăm lượt người khác vẫn vất vả tìm lộc rừng.
(Trích bài của Trần Hiếu đăng trên Thanh Niên Online)

BAN MÊ VỀ ĐÊM

BAN MÊ VỀ ĐÊM
...
Khác với những rực rỡ đèn hoa, rầm rập người đi, ồn ào khói bụi còi xe của những thành phố đô hội như Sài Gòn, Hà Nội, Ban Mê Thuột khiến bước chân lữ khách ngạc nhiên đến ngỡ ngàng và…thích thú khi đêm cuối cùng của năm cũng như bao đêm bình thường khác. Phố núi vẫn chìm vào giấc ngủ thường nhật, vắng vẻ tiếng máy xe, tiếng người khi đồng hồ nhích đến 22h. Ngay cả quán cà phê khu quảng trường thành phố, gần 11 khuya, cái thằng tui đã trở thành những người khách cuối cùng rời khỏi quán trong sự im lìm đóng cửa tự lúc nào của những quán cà phê gần đấy.
...
Phố núi ngày cuối năm có những cơn mưa to nhỏ kéo dài suốt và khi vắt qua đêm khuya thì nhẹ và nhỏ hạt hơn, đổ từng cơn không đều trên bứơc chân du khách. Mưa làm ướt nhẹ nhưng cũng đủ tăng thêm cái lạnh se se của đêm, làm mặt đường loáng ướt. tiết trời lành lạnh, không gian quang đãng mà văng vắng, thiếu hơi ấm người nhưng lại hay hay, nó không khiến con người ta nghĩ ngợi hay buồn nhiều, chỉ thấy lòng thênh thang. Có lẽ vì đêm nay là thời khắc đầu của năm mới chăng?
(Trích theo "Cảm nhận BMT về đêm..." của nhà báo Lê Minh Hạ đăng trên Blog Hạnh Phúc Lang Thang)

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

MÙA HOA ĐỖ MAI

MÙA HOA ĐỖ MAI

Loài hoa dại mọc nhiều trên cao nguyên nắng gió này được con người ưu ái đặt cho những cái tên rất đẹp, rất mỹ miều như: Đỗ Mai, Đào Đậu, Hồng Mai hay Đậu Anh Đào,…
Sau khi những rẫy cà phê thu hoạch xong thì cũng là lúc những cây Đỗ Mai dần dần trút bỏ lớp áo lá màu xanh, chỉ còn trơ lại những cành cây gầy guộc, trơ mình trong sương sớm và cứng rắn trong cái nắng chói chang giữa trưa. Vào khoảng thời gian đầu tháng chạp, những cành cây tưởng như khô héo ấy bỗng xuất hiện những chùm lớn cùng những nụ hoa bé nhỏ, sau đó cứ thế lớn dần rồi mới từ từ hé cánh. Khác với những loài hoa khác mau nở chóng tàn, hoa Đỗ Mai nở rất chậm và lâu tàn chứ không hề vội vã và chóng vánh. Vào thời điểm nở rộ, những chùm hoa sẽ phủ kín hết cành, từng chùm hoa Đỗ Mai dài nhưng không rũ xuống mà hướng nghiêng lên trời, đẹp tựa như hoa Anh Đào Nhật Bản, chính vì vậy người ta còn gọi nó là Giả Anh Đào.
Người Tây Nguyên vốn dĩ quá quen thuộc với loài hoa dại này thế nhưng chẳng mấy ai để ý đến tên của nó. Chỉ biết rằng cứ mỗi sáng sớm, khi bắt gặp những chùm hoa màu hồng còn đọng giọt sương sớm hay mỗi buổi trưa, những cánh hoa dịu dàng khoe sắc dưới nắng gió mùa khô, nó lại làm cho người ta bỗng dưng trở nên ngơ ngẩn và có một nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi trong tâm trí.
...
...
Còn đến Dak Lak vào thời gian này, ta có thể gặp bất cứ nơi đâu sắc hoa Đỗ mai nở rộ, từ ven đường, len lỏi trong ngõ nhỏ, thấp thoáng bên hàng rào những ngôi biệt thự.
Đỗ mai có khả năng cải tạo đất rất mạnh, ngoài khả năng cố định đạm tự do của bộ rễ, lá và hoa khi rụng cũng làm tăng nguồn đạm đáng kể cho đất. Không chỉ thế, những nơi có cỏ tranh phát triển mạnh, khó diệt trừ, người ta trồng cây Đỗ mai thành rừng, sau một thời gian sẽ biến đất cỏ tranh thành đất canh tác nông nghiệp ...
Hiện nay, ở TP. Buôn Ma Thuột ngày càng vắng bóng cây Đỗ mai mà chỉ còn rải rác ở các huyện. Thiết nghĩ cũng nên đưa giống cây này vào hệ thống cây xanh đô thị để làm tăng tính đa dạng và tăng thêm tính mỹ thuật cho cảnh quan.
Theo baodaklak.vn

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

THÁNG CHẠP VỀ

THÁNG CHẠP VỀ
Tháng Chạp về rồi bé thấy không?
Cỏ nép trong cây vẫy lá mừng
Hồn anh vội vã giăng mưa bụi
Rơi xuống cho vừa lạnh nhớ mong
Tháng Chạp về rồi bé thấy không?
Một chút màu xanh một chút hồng
Một chút vàng mơ và tím nhạt
Chưa giao thừa đã Tết trong anh
Tháng Chạp về rồi bé thấy không
Gió thôi làm rớt lá sầu đông
Anh đem nhốt nắng vào đôi mắt
Nung chảy tim thành vạn giọt sương
Tháng Chạp về rồi bé biết không?
Guốc mới ai khua ngõ nội thành
Ðể cho rêu cũ – vàng son cũ
Thức dậy buồn lên đỉnh phố xanh
Tháng Chạp về rồi bé biết không?
Không dưng lòng bỗng thấy băn khoăn
Xé tờ lịch cũ vơi năm tháng
Tình có phai dần theo tháng năm?
Tháng Chạp về rồi bé thấy không?
Anh nằm dưới cỏ nghe Mùa Xuân
Nghe sông đổ nước xuôi ra biển
Nghe biển phụ tình quên nước sông
Tháng Chạp về rồi bé vui không?
Xuân đem rượu cất ở trong lòng
Trong men cứ ngỡ mình vừa thoáng
Thấy bóng ai về trong nắng hanh.
(Ngợi Ca Tháng Chạp_ Mường Mán)

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Góc riêng tư...

CON ĐI LẤY CHỒNG XA
Chiều hôm nào tiếng hát bay cao
Quỳ bên nhau truớc đấng tối cao 
Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời
Rồi mai đây kiếp sống có đôi
Đời buồn vui mãi mãi bên nhau ...
...
Mai sau đây gặp lúc phải âu sầu
Xin cho con đừng thể dễ quên lời ...
Lời thề hôm xưa cùng người yêu dấu tình thương tha thứ
Hay khi nào hạnh phúc đến dâng đầy
Xin cho con đừng thể dễ quên lời ...
...
(Trích Diễm tình ca 3 của Lm. Thành Tâm)




Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

CON GÁI LẤY CHỒNG XA

Saturday, January 9, 2016

Chúc mừng gia đình bạn Phạm Đình Đạt



***

Hình ảnh tiệc cưới từ phó nhòm Quách Lục

Các bạn trên ngõ vô nhà bạn Đạt

Dàn VIP trong ngày cưới.

Mỹ Hoa và các bạn nữ 74

Bạn nữ dùng Bia để có làn da hồng hào...

Quang Tâm vẫn "nhớ" Ban Mê.

Bắt được cái "tay gian" rồi nha !

Wao....đẹp dữ he ?

Đôi bạn tâm tình.

Chào mọi ngươi .Chúc vui vẻ ngon

Ca sĩ góp vui trong ngày cưới.

Khán giả tặng hoa cho ca sĩ.

Nhưng...đây là Mai Hoa.

Đến giờ ông chủ hôn mới "rảnh".

Ông chủ hôn Cà vạt chỉnh tề đến với các bạn.


Cư Jut giao lưu với Ban Mê.

Phó nháy hoạt động hết "công suất" để chớp lấy khoảnh khắc "zàng"

Còn đây nữa Phó nháy kiêm...."U CHỔNG".

Để gió cuốn đi...

Giờ "tàn cuộc".


May mà có "Trưởng nháy".

Dàn hợp " SƯỚNG " .

Trước khi chia tay "AI VỀ NHÀ NẤY".

***

Chúc mừng của Thầy Cao Bính

  Chúc mừng gia đình Phạm đình Đạt.
Chúc Cô Dâu Chú Rể trăm năm hạnh  phúc.


***

Chúc mừng của Thầy Nguyễn Giõng

Chúc mừng gia đình Phạm Đình Đạt có thêm Rể thảo
Thân chúc hai cháu Quyên-Long Trăm Năm Hạnh Phúc

Thầy,
Nguyễn Giõng, S.A.

***

Chúc mừng của Lê Thị Bạch Liên

Chúc mừng gia đình ban Phạm  Đình Đạt, chúc hai cháu trăm năm hạnh phúc.
Bạch Liên

 ***

Chúc mừng của Nguyễn Thị Hồng A

 Hồng chúc mừng tin vui cùng gia đình bạn Phạm Đình Đạt.

Mến chúc hai cháu Phương Quyên và Phi Long trăm năm hạnh phúc.

Hồng A
***
Chúc mừng của Phạm Kim Hương

Chúc Mừng Hạnh Phúc
Kim Hương mến chúc cô dâu và chú rể Trăm Năm Hạnh Phúc
Chia vui với gia đình bạn Phạm Đình Đạt nhé.
Kim Hương 

***

Chúc mừng của Huỳnh Thị Mùi

Cụng ly chia vui cùng gia đình bạn Phạm Đình Đạt.
Chúc hai cháu Trăm Năm Hạnh Phúc.

Huỳnh Thị Mùi

***

Chúc mừng của Trương Minh Trung

Minh Trung xin chung vui cùng gia đình bạn Phạm Đình Đạt nha.
Chúc mừng và chúc hai cháu gặp nhiều may mắn và hạnh phúc trọn đời.
 Chúc mừng, chúc mừng....

Minh Trung

***

Chúc mừng của Nguyễn Thị Hồng A

Hồng chúc mừng tin vui cùng gia đình bạn Phạm Đình Đạt.
Mến chúc hai cháu Phương Quyên và Phi Long Trăm Năm Hạnh Phúc.

Hồng A