Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Khai bút đầu xuân

Biết viết gì đây
Thế sự nhiễu nhương
Nhớ thuở thầy Đương
Bố dạy chữ này...
CHỮ ĐỨC
Mỗi khi tết đến, không ít người tặng nhau các bức tranh chữ, hoặc đi mua về treo ở gia đình, công sở. Đó thường là các bức tranh 1 chữ thể hiện một đức tính cần có của con người như Tâm, Đức, Nhẫn, Hiếu… hoặc một ước mơ bình dị về cuộc sống như Phúc, Phú, Quý… Đầu xuân, xin có đôi lời mạn đàm về tranh chữ như một thú chơi tao nhã, một cách giáo dục đạo đức của người xưa.
...
Khác với hoành phi, câu đối, tranh chữ chỉ có 1 chữ nên nội dung cô đọng, súc tích hơn.
Ở các gia đình thường thờ chữ PHÚC... Đó là ước mơ ngàn đời của những con người lao động, không mơ sự giàu sang, phú quý, mà chỉ ước mơ một cuộc sống giản dị tốt đẹp, bền lâu mãi mãi.
...
Một số nơi lại thờ chữ NHẪN ..:
“Trong một trăm nết tốt
Chữ nhẫn đứng hàng đầu…
Người mà chưa biết nhẫn
Chưa phải là người hay”
...
Cũng có những gia đình hoặc ở công sở lại treo chữ TÂM . Tâm là trái tim, là tấm lòng. Chữ tâm như một con thuyền chở nặng hoài niệm, suy tư của cuộc đời...
Chữ ĐỨC xét theo lối chiết tự bao gồm ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là chữ mà những học trò đã từng theo “cửa Khổng sân Trình” phải thuộc lòng cách viết từ khi tóc còn để chỏm trái đào:
Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên, tứ dưới, nhất đè chữ tâm
Ở bên trái là bộ hành tức là làm. Bên phải ở trên là bộ thập ( + ) cần phải tu dưỡng đủ 10 nết tốt, phải có cái nhìn rộng rãi “chín phương trời, mười phương đất”. Tiếp theo là bộ tứ - cần bao dung, rộng rãi, không chấp nhất đối với kẻ thuộc quyền - “Tứ hải giai huynh đệ” (Bốn biển đều là anh em một nhà); chữ nhất (-) biểu thị lòng ngay thẳng, trung thực, không vụ lợi, không thay đổi thái độ, hành động trước mọi sự cám dỗ. Dưới cùng là bộ tâm - một trái tim, một tấm lòng vị tha, yêu thương con người. Có thể hiểu là chữ Đức diễn tả bản chất của một vị quan tốt. Khi làm việc công, đối với kẻ dưới quyền luôn bao dung rộng rãi, giải quyết công việc ngay thẳng nhưng có tình có lý, coi kẻ dưới như những người thân của mình, biết xót xa, đồng cảm cho những khổ đau mà họ phải gánh chịu. Chắc chắn vị quan đó sẽ hoàn thành tốt chức trách, được mọi người nể phục.
Mỗi chữ Hán được viết theo hình thức khác nhau. Do được viết theo lối tượng hình, nên khi chiết tự có nhiều ý nghĩa rất sâu sắc. Vì vậy, tuy chỉ là một chữ nhưng chứa đựng những bài học lớn lao, sâu sắc trong đạo lý làm người.
...
(Trích theo "Phong tục thờ tranh chữ" của nhà báo Nguyễn Bắc Ái đăng trênhttp://mynghedongdo.vn/)

Xuân đến xuân đi xuân lại lại... BA MƯƠI TẾT XA RỒI

Xuân đến xuân đi xuân lại lại...
BA MƯƠI TẾT XA RỒI
Về khuya, bắt tay bạn hữu ra về, đi thơ thẩn trên đường hoa một mình, anh thấy lòng anh cũng căng lên một thứ nhựa như cây cỏ và hình như có những bàn tay bé nhỏ mơn man trái tim anh lúc ấy đập mạnh hơn vì máu chảy dồn dập và nóng hổi.
Lúc ấy, nhà đã trang trí xong xuôi. Đèn nến thắp la liệt trên bàn thờ. Nhìn vào chỗ nào cũng thấy khói hương nghi ngút. Cây đào và những cánh mẫu đơn in bóng lên tường làm cho anh ngỡ mình đương đứng trước một bức tranh cổ của Tàu. Ở ngoài kia, có tiếng gì nhỏ bé như tiếng sóng xa xa mà lại như tiếng đàn hát của thần tiên, tiếng chuyển mình của sông hồ, của lộc cây, của giàn hoa thiên lí?
Người chồng ngờ đó là tiếng của mùa xuân, nhưng không nói cho ai biết, lẳng lặng mở bình Mai Quế Lộ, rót ra hai cốc nhỏ mời vợ một, còn mình uống một. Thỉnh thoảng, ở ngoài sân lại có tiếng tạch, tiếng đùng: ấy là lúc các trẻ trong nhà bắt đầu “đốt pháo một” tung lên trời. Mùi thuốc pháo thơm thơm bay vào trong nhà, lảm cho cả vợ cả chồng hơi ngột, nhưng ngột một cách du dương.
...
Chẳng biết lũ trẻ đi nằm như thế thì có ngủ được không, chớ người chồng mơ lại lúc mình còn nhỏ, nhớ mang máng rằng giấc ngủ đêm ba mươi tết chập chờn, không mấy khi ngon. Ấy là tại vào cái thuở thanh bình ấy, pháo đốt suốt cả đêm không ngớt một phút nào, người đi lễ đông nườm nượp, lại thêm có những người có lẽ vì vui quá cứ ngửa mặt lên trời đi ngâm thơ bô bô ở ngoài đường!
Ôi những đêm giao thừa xa xôi, những đêm giao thừa cực lạc, đi không bao giờ trở lại, ta chẳng còn thấy thần thánh xuống trần để vui cuộc đời trần tục, ta chẳng còn thấy Đức Tin ngời lên trong ánh mắt của muôn người… Cố nhân ơi, cố nhân đem theo biết bao nhiêu hương vị đậm đà của kiếp sống khiến cho những giao thừa còn lại chỉ là thừa mà thôi…
…Ôi, vườn dâu cũ ai cười đó,
Xào xạc bên sông tiếng chợ tàn.
Mưa bay đầy ngõ hoa đào rụng,
Này đã giao thừa pháo nổ ran…
...
Xa xa, tiếng súng nổ như điên.
Không đâu, năm nào đến tết cũng ngưng bắn vài chục tiếng đồng hồ: mình thừa đạn thì nổ thay pháo chớ không phải là diệt địch, cứ yên tâm uống rượu, và tán láo, đừng có sợ! Chao ôi, chơi bời láo lếu mà thấy an ninh được bảo vệ kĩ càng như thế, mình lại càng thấy yêu Sàigòn không biết chừng nào. Có những nhà hàng mở cửa suốt đêm. Có những quán cà phê bày bàn ghế ra hè nhiều gái chơi bời ngồi đợi khách hơn là khách vào uống rượu. Lại cũng có những phòng trà có ca nhạc hai ba giờ sáng mà vẫn có người vào nghe.
...
Đêm ấy, trên con gác nhỏ leo lét một ánh đèn mệt nhọc, có một người nhớ da diết giao thừa Bắc Việt, ngồi dở những trang sách cũ xem lại những tranh con gà con lợn. Tội nghiệp, sinh vào cái thời loạn, ở ngay trên chính đất nước mình mà không có lấy mấy bức tranh con gà con lợn thực để mà coi, phải dở đồ giả chụp lại đem ra ngắm! Tự nhiên anh cảm thấy có một cái gì làm cho da dẻ tê tê, gờn gợn lạnh. Đã mấy chục năm nay, anh ta không còn được trông thấy những bức tranh gà lợn thực, đưa lên mũi ngửi mùi giấy, mùi mực, mùi màu thực của những bức tranh ấy nữa. Đêm nay, nghe tiếng pháo của nhà ai nổ vang ở chung quanh, người tương tư Bắc Việt không biết làm gì, giở lại những bức tranh gà lợn giả lên coi, cảm thấy da dẻ tê tê, lành lạnh chính là vì anh thấy hiện lên ở trên những bức tranh chụp lại, vẽ lại đó không biết bao nhiêu kỉ niệm xa xưa đã được khâm liệm trong trí óc.
...
Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày cuối năm mẹ tôi đi sắm tết về cũng mua cho anh em chúng tôi một cuộn chừng chín mười tờ tranh vẽ trên giấy Đáp Cầu, dọc chừng một gang tay rưỡi, ngang chừng bốn gang hay hơn một chút. Những bức tranh ấy mang những hình vẽ khác nhau: hái dứa, gà mẹ gà con, chuột vinh quy bái tổ, Phúc Lộc Thọ, Thần Trà, Uất Luỹ, cóc đi học, Ngưu Lang Chức Nữ, Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng v.v… Bức nào cũng xanh đỏ loè loẹt, bức nào cũng có những nét hóm hỉnh mà ngây thơ, bức nào cũng làm cho chúng tôi thích thú. Và năm nào cũng vậy, anh em chúng tôi cũng tranh giành nhau những, bức tranh gà lợn đó, có khi đến đánh nhau; nhưng rút cục thì anh em thoả thuận dán đầy cả lên tường để ngắm chung và làm như thế thì nhà tôi, đương bình thường, vụt hiện ngay ra một quang cảnh Tết vui tươi khác thường, tưng bừng nhộn nhịp không chịu được.
...
Thì ra những bức tranh gà lợn đó không phải chỉ hoà đồng với tôi, nhưng hoà đồng với vợ, với con tôi như thế, có lẽ vì chúng tượng trưng cho tinh thần dân tộc Việt Nam mà chúng tôi không biết. Tường tết mà vắng những tranh ấy mình cảm thấy nhớ nhung. Tết mà không mua tranh ấy dán lên tường, mình thấy chưa phải hoàn toàn tết.
Tôi nhớ có nhiều khi cứ suy nghĩ vẩn vơ như thế và nói mãi cho con nghe ý nghĩa những bức tranh gà lợn, mình thành ra bị ám ảnh và đến lúc nhắm mắt ngủ thì nằm mê – mê thấy hiện ra những cảnh chuột đi hai chân như người thật, lợn con lội qua sông, mê thấy Đinh Tiên Hoàng đứng điểm binh như một ông tướng Đức, mê thấy cá chép đi cà kheo lộc cộc trên cầu Thê Húc. Tất chỉ những thứ đó hiện ra rồi biến đi trong một thế giới kì ảo lạ lùng mà người cảm thông với vật, chuyện trò thân ái với nhau chớ không có một tí ti gì là thù ghét…
Thôi rồi, bây giờ còn làm sao mà thấy lại được những giấc mơ thơ mộng như thế nữa, bao giờ mới lại được sống ngày thanh bình mà người ta lấy tay vuốt ve từng cái lá, nương gót chân đi sợ làm đau từng ngọn cỏ, mà cũng đến bao giờ Nam, Bắc mới hết qua phân để cho người li hương lại được trở lại quê nhà vui dưới mái nghèo, kể lại tình kiều tử mười mấy năm đằng đẵng và cùng nhau nhắc lại hồn quan sơn trong lửa đạn dãi dầu.
...
(Trích theo Thương Nhớ Mười Hai - Tháng Chạp của nhà văn VŨ BẰNG đăng trên http://www.vinadia.org/thuong-nh…/thang-chap-nho-oi-cho-tet/)

Mơ thành một làng quê... LÀNG ƠI !

Mơ thành một làng quê...
LÀNG ƠI !
...
Chợt thương cây lúa khi xanh non đứng chôn chân giữa đồng hoài thai hạt thóc. Khi mùa gặt, thóc vào cót, vào bồ, rơm dồn lại đùn lên thành cây nuôi trâu bò cả năm, còn thân rạ đắp lên mái nhà che mưa nắng, dư thì chất đống để dành nhóm bếp, thổi cơm. Làng ơi, tôi thầm gọi bờ tre ken dày như trường thành mấy nghìn năm bảo vệ hồn nước, giữ gìn một câu ca dao, một giọng hát ru, một làn chèo, điệu lý, câu quan họ, xẩm xoan, giữ gìn tiếng Việt truyền qua giòng sữa mẹ đời đời lấy tâm thức Nôm dân tộc mà tách dần tâm thức Hán ngoại lai.
Những hàng tre kẽo kà kẽo kẹt nhịp võng đưa trưa hè không phân biệt được đâu là cánh cò đâu là chấm nắng. Ra giêng, mưa phùn dắt tôi đi bộ qua làng, để lại sau dấu chân trần bé như lá mít vầng vầng cỏ nõn trắng ngời ngời giá đỗ.
Làng ơi, những con đường trốn tìm dung dăng bươm bướm, nghe chuồn chuồn bay thấp kéo cơn mưa. Những cơn mưa tháng bảy tuôn nước mắt vợ chồng Ngâu làm cá rô xót mắt róc lên bờ, ngúc ngắc trên đường làng xui trẻ con ra bắt.
Làng ơi, tôi gọi mùa thu gió heo may màu chim ngói, tiếng sáo diều mài vẹt vệt trăng non. Gió heo may rải đồng, rải hồn tôi ra khắp bờ mương, bụi lúa, rải niềm u uẩn khôn khuây khóm trúc đến tay các cụ già bước đi lá rụng. Cuối thu, cây bàng tự đốt mình thành đuốc dẫn mùa đông về moi hết len dạ đổ ra đường, đánh thức cả chăn bông cùng váy đụp dậy giúp người đi qua gió bấc.
Xa làng đi hết dãy Trường Sơn, đi hết những cánh rừng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đi qua hàng trăm ngôi làng xinh đẹp, nhưng sao lòng vẫn quặn thắt nhớ làng quê nơi mẹ sinh ra tôi. Làng tôi cũng giống như nhiều làng quê đồng bắng Bắc Bộ, cũng con sông nhỏ cuốn quanh làng, những đường tre che lọng lá trưa hè trâu nằm nhai gió, cũng hai bờ cỏ chạy song song đường làng rồng rắn, cũng bìm bịp hú nước lên, cũng bầy sẻ chí chách ngoài đống rơm nấm mối... mà sao có cái gì rất riêng, rất gợi, rất hồn vía cuốn quýt, chợt nghĩ đến đã gai người, đã rưng rưng xúc động?
Tháng ba, hoa gạo bừng mắt thả lửa xuống ngõ xóm, tôi chạy ra đường men các bờ tre nhặt rau má, soi qua các bờ cỏ lượm rau sam, mót rau dền dại, sững người nghe một tiếng cá quẫy dai dẳng, quằn quại, tuồng như là cá chép vật vã đẻ bên góc ao, hay ngoài mương nước?
...
Tuổi càng lớn, càng ngoảnh lại tuổi thơ, ngoảnh lại tìm kiếm làng quê nơi mình vịn chân giường, vịn tay cha mẹ tập đi, vịn hàng râm bụt tập đứng lên dần làm người lớn. Tuổi thơ ơi, làng ơi, bướm vàng hoa gạo ơi, tất cả đã lùi vào xa ngái, như có vạt mưa bụi mờ sương che phía chân trời ký ức. Tóc càng bạc con người ta càng khát khao về làng, về cội, để được qua cõi trăm năm cùng cha mẹ, ông bà mà hoá đất quê hương.
...
Tôi quay đầu giấc mơ, quay đầu trái tim về phía có làng quê yêu dấu mà tiếc nuối thiên đường tuổi thơ chừng đã mất? Tôi chợt tiếc số phận chỉ dành cho mình lối đi mà không để ngỏ một lối quay về. Cái gì con người khao khát, ước vọng thì dùng nỗi nhớ, niềm thương để bù đắp. Tôi càng gọi "Làng ơi" thì quê mẹ càng xa thẳm, càng khuất nẻo chân trời.
(Trích theo LÀNG ƠI của TRẦN MẠNH HẢO đăng trênhttp://www.tongphuochiep.com/)

Ngồi nhớ cái thời hát nhạc chế...

Ngồi nhớ cái thời hát nhạc chế... không ăn nhập gì với lời gốc, nhưng mà vui dễ sợ...
NHẠC NGOẠI LỜI VIỆT
1.
Hồi khoảng năm 196x, tui nghe tụi con nít (tức là cỡ tuổi tui á) hát bài này:
Cái đít Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy
Thằng nào dơ dáy, đá cho nó bay về Tàu
Tui nghe vui quá, nghêu ngao hát theo. Má, dì, cậu tui nghe được liền trừng mắt, biểu không được hát. À, bởi vì ông ngoại tui gốc Tàu! Mình con nít mà, nghe vui thì hát thôi, có biết gì đâu!
Sau này, tui hiểu rằng câu hát trên phần nào có ý nghĩa... chính trị. Số là thời tổng thống Ngô Đình Diệm, do lo sợ người Tàu khuynh đảo nền kinh tế miền Nam nên chính phủ ra sắc lệnh cấm họ kinh doanh ở nhiều ngành nghề quan trọng. Muốn làm ăn được thì phải đổi quốc tịch sang Việt Nam, hoặc phải có giấy phép đặc biệt, còn nếu không thì a-lê-hấp, phải cút về Tàu! Do vậy, có ai đó đã đặt ra câu hát trên. Câu hát đúng là:
Cắc chú Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy
Thằng nào không giấy, đá cho nó bay về Tàu
Biết vậy, nhưng từ bài hát gốc là gì để ra những câu hát này thì tui hổng biết. Mãi tới gần đây, nhờ bạn Thuần Nguyễn, tui mới biết bài gốc là một bài hát Ai Cập, có tựa đề là Mustapha ya Mustapha, rất thịnh hành vào thập niên 1950, 1960.
Từ nhạc Ai Cập, dân gian chuyển thành... cắc chú Ba Tàu, công nhận sáng tạo thiệt!
2.
Hồi xưa đi coi cải lương hay coi phim (coi ở rạp, hồi đó chưa có TV), mỗi khi hết tuồng, màn kéo lại là có một điệu nhạc quen thuộc cất lên. Trẻ con đứa nào cũng thuộc điệu nhạc này, và tụi nó (tụi nó, tức là tương đương với... ông nội của các bạn 9x bây giờ!) nghêu ngao chế lời để hát:
Ò e, Rô-Be đánh đu
Tặc-dzăng nhảy dù
Xe tăng bắn súng
Chết cha! Con ma nào đây?
Tặc-dzăng hết hồn
Thằn lằn cụt đuôi.
Còn trong các sinh hoạt đoàn thể, theo tui nhớ, mỗi khi kết thúc người ta thường hát như vầy:
Giờ đây, anh em chúng ta
Cùng nhau kết đoàn
Một nhà thân ái
Cách xa, nhưng ta hằng mong
Rồi đây có ngày
Mình lại gặp nhau
Sau này tui mới biết, đây là bài Auld Lang Syne nổi tiếng phát xuất từ nước Anh khoảng thế kỷ 18. Bài Auld Lang Syne được cất lên gần như trên toàn thế giới vào dịp giao thừa, với ý nghĩa báo hiệu một năm cũ đã trôi qua, năm mới vừa đến. Không có Tarzan hay con ma nào ở đây hết!
3.
Khoảng những năm 197x, điệu Cha cha cha rất thịnh hành (ở miền Nam). Trẻ con chế lời và hát như vầy:
Cha cha cha! Ma-ní lấy chồng Chà-và!
Cha cha cha! Ma-ní lấy chồng Chà-và!
Sau đó ít lâu, lại có lời mới (chắc không phải do trẻ con đặt) nghe phê hơn, như vầy:
Buông tui ra! Tui đã già rồi mà!
Tui không buông! Tui cũng già bằng bà!
He he, hồi đó tui nghe (và hát) thấy vui ghê, nhưng chưa thấm ý.
Bây giờ già rồi, ngồi lẩm nhẩm hát lại tui mới thấm ý và lấy làm khoái chí quá. Tui đứng lên nhảy và hát:
Buông tui ra! Tui đã già rồi mà!
Tui không buông! Tui cũng già bằng bà!
À, nhưng mà thiếu bạn nhảy!
(Bài của tác giả PHẠM HOÀI NHÂN đăng trên http://phnhan.vncgarden.com/)

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Lan man ngày cuối năm... NHỚ CHA



Lan man ngày cuối năm...
NHỚ CHA
Trong hình ảnh có thể có: đám mây, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên
4.
Về nhà.
Căn nhà của tôi trống hoác, bước chân vào tôi kinh ngạc. Tất cả mọi vật dụng của gia đình không cánh mà bay. Suốt ba tầng lầu hoàn toàn rỗng. Chị em tôi nằm lăn dưới nền gạch hoa, mẹ mua mấy chiếu mới. Tôi hỏi các nhóc tì, nhà mình sao vậy? tụi nhóc nói lúc em về, nhà mình làm nơi sinh hoạt thiếu nhi của phường, ba làm đơn xin lại.
Đồ đạc trước khi di tản ba gửi một người bạn, chỉ còn sót lại ba máy đánh chữ Olympia, cái tivi đen trắng, thùng chén đĩa Nhật của mẹ. Ủy ban phường tịch thu hai cái máy đánh chữ, còn một cái nhỏ để lại cho gia đình, sau này chị em tôi được ba dạy đánh máy chữ, làm nghề thảo đơn từ và đánh máy thuê. Lên lớp 8 tôi đã đánh máy thuê nhanh thoăn thoắt. Nhờ biết đánh máy chữ từ nhỏ mà sau này mấy chị em tôi được nhận làm thư ký cho các công sở.
Suốt con phố dọc nhà tôi, tất cả dường như đảo ngược. Nhà sách của chú Thiệu cửa đóng im ỉm, gia đình chú di tản vào Sài Gòn và không bao giờ trở về. Cánh cửa gỗ bị nạy hở một mảng, buổi chiều tôi thường đến nhìn vào trong, nhớ mùi sách cũ, thèm sờ vào những cuốn truyện thiếu nhi thơm mùi giấy mới. Tất cả hoàn toàn im vắng, những kệ sách trống rỗng. Chỉ có ánh mắt buồn bã của con mèo tam thể trên chiếc ghế gãy giương mắt nhìn tôi. Tôi chạy vào con hẻm bên nhà, tìm căn nhà Dũng, người bạn tuổi nhỏ chơi đồ hàng với tôi mãi mãi biệt tích. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn băn khoăn bạn còn hay mất.
Một buổi chiều, tôi ra biển sau nhà, thấy một con bé mặc chiếc áo bành tô lông cừu mà anh hai mua cho tôi khi anh học ở Đà Lạt, tôi chạy theo nó nhưng không dám nói một lời. Về nhà tôi khóc, con thấy con nhỏ đó mặc chiếc áo của con.
Những gia đình ở lại không di tản bỗng bất ngờ trở nên giàu có, những người bạn của ba mẹ tôi không còn ai, tất cả đã ra đi, một số người học tập cải tạo, đi kinh tế mới. Những ông giáo đáng kính, những người làm công chức cũ phút chốc thất nghiệp, ra đường đạp xích lô, bơm xe đạp, làm đủ mọi nghề. Ba mẹ tôi gầy xác xơ, bắt đầu gây dựng lại với hai bàn tay trắng khi tuổi đời của họ đã trên tứ tuần. Tôi nhớ những đêm khuya lạnh, khi chúng tôi còn ngủ say, tiếng cửa sắt bên hông nhà kêu ken két là tôi biết ba đang lách mình ra ngoài sương đêm để kịp lên rừng làm song mây, đi làm thủy lợi. Có nhiều khi tôi nghĩ, nếu là tôi trong thời loạn ly, tôi sẽ làm gì nuôi đàn con dại khi thời thế đổi thay, khi chung quanh không bạn bè chí hướng. Ba tôi, luôn là người đàn ông kiêu hãnh, đầy trách nhiệm.
Những ngày này, tôi nhớ ông nhiều lắm.
Nhớ bóng ba in trong chiều tà tỉ mỉ tỉa cành, chăm chút mấy cây mai vàng trên sân thượng, nhớ dáng ông loay hoay bên mấy chậu cây kiểng phòng khách, giọng ông reo vui nhắc đàn con treo những cánh thiệp xuân. Nhớ cái cách ba treo phong pháo đỏ nối dài từ tầng thượng xuống đất, cho pháo nổ giòn. Nhớ sáng mồng 1 năm nào lũ chúng tôi cũng thức dậy sớm mặc đồ mới đứng xếp hàng chờ ba lì xì, bao giờ ông cũng chúc tụi tôi ngoan, học giỏi. Con cái phải giữ nếp nhà.
Ngày chúng tôi khôn lớn, ông đã già, lúc đó tụi tôi còn vất vả, đứa nào cũng bươn chải trên đường đời, với nỗi lòng ngổn ngang. Thỉnh thoảng, buổi chiều tạt về thăm cha, ông căn dặn đi đường cẩn thận nghe con, nhớ giữ ấm. Ông dõi theo bước chân chúng tôi khi đã lập gia đình, tiếng thở dài ba nén lại, khi thấy cuộc sống con mình không vui.
Ngày nay, khi chúng tôi đã vững vàng, ông không còn nữa. Mong muốn đền ơn cha, nhưng biết làm sao. Nhiều khi, tôi ước gì ông còn sống, chỉ muốn nói với ông một lời “Con yêu ba nhiều lắm ba ơi”.
...
1.
Mảnh đất đó bỏ hoang 50 năm rồi, với biết bao biến động, thăng trầm của cuộc sống.
Hôm nay, chúng tôi trở về thăm lại nền nhà xưa của nội.

Ngày ba sống đã từng ao ước sẽ dẫn đàn con trở về thăm quê cũ. Bây giờ nếu ba còn sống, chắc ông sẽ hạnh phúc lắm.
Khu vườn của nội cây chằng chịt, nền đất cũ hoang tàn, ngôi nhà tranh vách đất của nửa thế kỷ trước vẫn đứng im lìm trong nắng sớm. Cây cổ thụ có một tổ ong to đang làm mật. Chu vi khuôn viên đã bị lấn chiếm nhiều.
Những hàng cột tiêu ai trồng giăng kín một góc vườn.
Chúng tôi bước sang một con ngõ khác, dẫn đến một cánh đồng rộng, bên cạnh là một hàng chuối đang trĩu quả. Anh Hai dẫn tôi đến căn nhà cũ của ba mẹ. Ngôi nhà đã phá bỏ thời chiến tranh chỉ còn nền nhà cũ, u già dựng tạm một căn nhà gạch ba cho ở đó trông khu vườn và mảnh ruộng trước nhà. Bước vào khu vườn, u già lưng còng cười móm mém không nhận ra ai. Anh Hai nói, u có nhớ con không, thằng Trinh đã về đây.
U nói, giống ông quá, thằng Trinh mà sao không biết.
Rồi tụi bay cũng trở về.
U nói: Muối mặn trăm năm sau vẫn còn mặn.
Câu nói bình dị của u già làm tôi sững sờ, sao u có thể nói được những lời thâm sâu mà chúng tôi có học mãi cũng không thốt nổi những lời như vậy...
...
(Trích trong "Người Cha" của Ban Mai đăng trên http://baotreonline.com/)
*Ảnh trên đỉnh dãy núi CHƯ YANG SIN ở ĐăkLăk.

HOA ĐỖ MAI TRÊN CAO NGUYÊN

Xuân đang đến gần...
HOA ĐỖ MAI TRÊN CAO NGUYÊN
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Hàng năm, khi mà tiết trời bắt đầu trở nên se lạnh, sắc hồng Đỗ Mai bắt đầu tràn ngập các con đường đất đỏ, dọc theo bờ rào, hay nép bên những ngôi nhà nhỏ là người dân Cao Nguyên biết rằng mùa xuân đã về trên đại ngàn.
Sau khi những rẫy cà phê thu hoạch xong thì cũng là lúc những cây Đỗ Mai dần dần trút bỏ lớp áo lá màu xanh, chỉ còn trơ lại những cành cây gầy guộc, trơ mình trong sương sớm và cứng rắng trong cái nắng chói chang giữa trưa. Vào khoảng thời gian đầu tháng chạp, những cành cây tưởng như khô héo ấy bỗng xuất hiện những chùm lớn cùng những nụ hoa bé nhỏ, sau đó cứ thế lớn dần rồi mới từ từ hé cánh. Khác với những loài hoa khác mau nở chóng tàn, hoa Đỗ Mai nở rất chậm và lâu tàn chứ không hề vội vã và chóng vánh. Vào thời điểm nở rộ, những chùm hoa sẽ phủ kín hết cành, từng chùm hoa Đỗ Mai dài nhưng không rũ xuống mà hướng nghiêng lên trời, đẹp tựa như hoa Anh Đào Nhật Bản, chính vì vậy người ta còn gọi nó là Giả Anh Đào.
...
Mặc dù là người Cao Nguyên nhưng cũng không có mấy người quan tâm rằng loài cây này đã hiện hữu trên vùng đất của họ từ bao giờ, nhưng có một điều chắc chắn rằng mỗi khi mùa xuân về, bên cạnh hoa cà phê thì Đỗ Mai là loài hoa đẹp nhất. Hai loài hoa khác hẳn nhau về số mệnh, một bên được chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo, kiêu hãnh khoe sắc, tỏa hương, một bên là sự hoang dã nhưng dịu dàng, e ấp. Cả hai cùng cùng đẹp, cùng quyến rũ, cùng tạo nên sự hấp dẫn của đất trời Cao Nguyên.
Hương Đỗ Mai không đậm đà mà nhẹ nhàng, kín đáo hoặc cũng có thể là do cái gió cao nguyên đã kéo nó vào với cái không gian bạt ngàn của cà phê và cao su. Chỉ người nào có tình với loài hoa này thì mới có thể cảm nhận được cái vẻ đẹp thầm lặng ấy.
...
(Trích theo nguồn http://cungbandulich.info/hoa-do-mai-tren-cao-nguyen-)
---*---
Theo các học trò kỳ cựu của trường Nông Lâm Mục Súc Bảo Lộc, cách đây hơn nửa thế kỷ, giáo sư Lê Văn Ký (vị giám học đầu tiên của trường, cũng là thầy giáo đầu tiên của ngành Lâm nghiệp) trong một lần hướng dẫn môn sinh trong môn phân loại thực vật có bảo: “Hàng cây đỗ mai trồng từ cổng trường Bảo Lộc về hướng Lưu Xá D là do thầy đem từ rừng về. Thầy đặt tên là đỗ mai vì trái nó giống trái đậu và bông nó giống như bông mai”.
Thầy Ký hiện đang sống tại Đồng Tháp và vẫn còn rất minh mẫn. Trong một lần về thăm cách đây trên mười năm, khi người viết hỏi về chuyện này, ông khiêm tốn trả lời: “Thầy chỉ đặt tên cho cây hoa ấy là đỗ mai. Còn các cái tên khác như đỗ đào, anh đào giả thì ai cứ yêu thích tên gì gọi tên đó. Quan trọng là cây hoa đẹp đã được biết đến và đang được phát triển rộng khắp...”.

Lá dong rừng ngày Tết ...
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người
...
Thường thì những người đi hái lá dong tập trung thành nhóm khoảng 5-10 người, bỏ lại những chiếc xe máy cà tàng ven bìa rừng rồi đi bộ vào sâu trong những cánh rừng già. Nhiều người ví lắm lúc đi tìm lá dong như đi tìm… sâm bởi có khi đi cả hai tiếng đồng hồ mới gặp được một bãi lá dong. Những người bản địa ở khu vực này cũng tham gia vào hành trình tìm lá dong bán kiếm tiền sắm Tết. Và khi cắt được bó lá dong, họ phải vác ra tận bìa rừng. “Phải bấm chặt ngón chân xuống đất, đường trơn ngã chổng gọng là bình thường. Vác được bó lá đến nơi bỏ xe, mệt muốn đứt hơi” - Chị Hlêu, một người bản địa tìm lá dong kể.
Người dân nhiều bản làng xa vắng đổ vào tìm lộc rừng trong tháng chạp này. Ngặt nỗi, dong thường mọc men theo bờ suối, nơi ẩm ướt. Và đây cũng là “địa hạt” của những đàn vắt khát máu. Để lá dong đến với người dùng, thân mình những con người này phải dầm trong giá lạnh, bị vắt, côn trùng cắn. Lá dong đưa về phố phải không rách, không héo. Và đây cũng là kinh nghiệm của những người cắt lá dong nhiều năm.
Đến độ này, nhiều thương lái đã chờ sẵn ở cửa rừng đón người cắt dong về. Theo các thương lái lẫn dân đi cắt lá dong thì lá dong vùng này xanh mởn, dày, khi gói bánh sẽ xanh và thơm hơn...
Lá dong ở khu vực này được vận chuyển đến các chợ đầu mối ở khu vực Tây nguyên và dọc dải miền Trung. Cuộc mưu sinh những ngày cận Tết đối với những con người trần lưng một nắng hai sương thật vất vả. Bù lại, họ được tưởng thưởng với những ngày Tết đầy đủ hơn.
Mưa rừng cuối năm vẫn đang rả rích. Trên con đường trơn nhẫy, những con người như chị Bình, H'Lêu…và hàng trăm lượt người khác vẫn vất vả tìm lộc rừng.
(Trích bài của Trần Hiếu đăng trên Thanh Niên Online)

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, ngoài trời và thiên nhiên

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và ngoài trời

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

TIM TÍM MÀU HOA RAU NGÓT NHẬT

Rau vườn nhà ...
TIM TÍM MÀU HOA RAU NGÓT NHẬT
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa, ngoài trời và thiên nhiên
Bất chợt, một sáng nắng ấm tôi đã nhìn thấy góc vườn nở đầy những bông hoa màu tím, tôi nhận ra là hoa của loài rau ngót Nhật.
Cây này có tên khoa học là Dicliptero chinensis (L.) Ness, thuộc họ ô rô – Acanthaceae.
Ở Việt Nam thường gọi là rau Diễn, cây Gan heo. Ngoài công dụng là cây thuốc, lá Diễn còn dùng nấu canh với thịt heo, ăn thơm ngon như rau Bồ ngót, không cần thêm bột ngọt mà canh đã ngọt nên có thêm tên rau ngót Nhật.
Cộng đồng dân cư trồng rau sạch đô thị đã phổ biến cho nhau trồng loại rau này trong vườn nhà, trên sân thượng, trước ban-công.
Rau Diễn nhân giống bằng cách giâm cành, dễ sống, nhanh ra rễ. Cây sinh trưởng mạnh, ra lá liên tục, có thể thu hoạch làm rau thường xuyên, do vậy ít ai thấy bông nở rộ.
Muốn cây rau ngót Nhật có bông nở nhiều và đẹp như một chậu hoa, cần phải để chậu hơn 2 tháng tuổi, không ngắt ngọn, không lấy lá làm rau, thì cây sẽ già và bật bông hàng loạt.
Ở Phương Nam cây lá Diễn có khả năng ra hoa quanh năm, không cần mùa vụ. Cây có thể trồng vào các chậu lớn, trồng nhiều cành, ra nhiều nhánh, lan rộng trên mặt chậu, hoa nở thành từng cụm như hoa Cúc, hoa Mười giờ… Cây có thể trồngvào chậu nhỏ treo lên cao, cành rũ xuống giống như Dạ yên thảo hoặc Dừa cạn rủ.

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa, thiên nhiên và ngoài trời

Thương nhớ mười hai... Tết ông Công ông Táo

Thương nhớ mười hai...
Tết ông Công ông Táo
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người
...
Thì ra mình trách vợ bận rộn về tết, ốm cả người, mà chính mình từ rằm tháng chạp trở đi cũng bận rộn, vất vả y như vợ vậy. Cái việc mua giấy hồng điều rắc vàng để nhờ ông Cả Nam viết câu đối dán ở cột trước cửa và ngoài sân; cái việc mua trầm để đốt trên bàn thờ; cái việc đi chọn pháo Công Tường Cát để đốt đêm giao thừa vào ba ngày tết, nhất định mình không đảm trách thì không được. Cũng không được, nếu sắm sửa tết tàm tạm xong xuôi mà mình lại không cùng với vợ đi thăm mộ gia tiên nội ngoại để viếng các cụ, đắp lại mộ các cụ và thắp nhang mời các cụ về ăn tết với con cháu nhà. Trước đây, làng Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh có cái lệ đi thăm mộ gia tiên hàng năm ấn định vào ngày ba mươi tháng chạp nếu là tháng đủ, hay hai mươi chín nếu là tháng thiếu. Nhiều làng khác cũng theo như thế. Nhưng sau này, đời sống xô bồ, có thay đi chút ít, người thành thị đi thăm mộ ông bà cha mẹ sớm hơn một chút, có khi trước ngày ông Táo lên chầu trời, có khi sau vài ngày.
*
* *
Thực tình, cái giống nhà văn, nhà báo có lúc đáng yêu thật, nhưng có một vài khi cũng làm cho đàn bà bực cả mình. Cái gì lại đem cả ông Táo ra chế nhạo là “đội mũ đi hia chẳng mặc quần”? Cái gì lại đề nghị bỏ tục lễ ông Táo mà cho như thế là dị đoan? Cái gì mà năm nào cũng nhạo ông Táo “lập bô” lên với Trời về các việc xảy ra dưới trần?
Muốn nói gì thì nói, người vợ, đúng ngày hai mươi ba tháng chạp, cứ phải đủ lệ bộ tiễn ông Táo lên trời thì mới yên lòng.
- Mình là người trần mắt thịt, biết thế nào là dị đoan hay không dị đoan, biết thế nào là Tây Phương có lí hay Đông Phương có lí? Ai bảo phản khoa học em chịu, ma ai bảo cái tục này do quan lại phong kiến đặt ra để ngu dân, lại cũng chịu luôn; nhưng lễ tiễn ông Táo vẫn cứ lễ tiễn như thường vì không làm như thế thì em ăn tết không ngon. Tội gì mình lại khổ thân mình như thế?
- Nhưng mà nó buồn cười, em ạ. Tiễn một ông vua bếp cưỡi ngựa cá chép lên chầu trời, còn có cái gì nực cười bằng?
- Nói như thế, thật hay, thật đúng. Nhưng mà ta cũng nên biết rằng ta thờ kính ông Táo có phải là ta thờ kính cái ông vua bếp cưỡi cá chép lên chầu trời đâu?! Cũng như ta trồng nêu, vẽ vôi bột, gói bánh chưng, dọn cửa lau nhà, kiêng cữ chửi mèo mắng chó, ta tiễn ông Táo là để chứng tỏ tính chất đồng nhất của xã hội, vì biết ăn tết tức là tầm mắt ta đã vượt được cái tổ chức thị tộc bộ lạc chật hẹp để sống với nhau rộng rãi hơn trong sự đoàn kết của nhiều thị tộc bộ lạc thống nhất với nhau về quan niệm, nghi lễ cũng như về thời gian.
Đấy là lúc tổ chức gia đình đã có cơ thay thế cho tổ chức thị tộc. Sự thờ cúng ông Táo và sự tiễn đưa ông Táo lên trời hôm hai mươi ba tháng chạp chứng tỏ rằng người mình lúc ấy đã tổ chức thành gia đình nhỏ, mà cái bếp của ông Táo là tượng trưng cho gia đình, cái bếp là đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Cái gia đình ấy, cái đơn vị ấy đồng nhất từ Bắc vào Nam cho nên không có kẻ nào chia rẽ được Nam với Bắc.
Nếu bảo tiễn ông Táo là mê tín dị đoan thì cả nước ta đoàn kết ngay cả trong sự dị đoan, mê tín: ông Táo ở Bắc, hôm hai mươi ba tháng chạp, lên chầu trời cưỡi một con cá chép thì cũng ngày ấy ở Trung, ông Táo cưỡi một con ngựa yên cương chĩnh chạc, còn ở trong Nam thì giản dị hơn, đồng bào ta cúng ông một cặp giò – cặp hia để cho ông đi lên Thiên Đình cho lẹ!
Người chồng đùa dai, chọc nữa:
- Người ta bảo là ông Táo tham nhũng lắm, chẳng biết có đúng không? Ai mà lễ ông chu đáo, ông tâu tốt, ai không có gì, ông truy…
- Đấy là nói đùa. Nhưng nếu căn cứ truyền thuyết mà bàn thì ông Táo nếu ăn tiền có muốn tâu bậy cũng không thể được. Là vì – lại theo thần thoại – các cụ ngày xưa chống tham nhũng triệt để chớ đâu có như bây giờ. Anh quên mất rồi ư? Tháng mười ta có lễ song thập là ngày lễ gần cuối năm, có tên là Hạ Nguyên.
Đó là theo tục lệ nhà Phật.
Nhưng theo truyền thuyết thì ngày song thập, tức là mồng mười tháng mười, trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng Thượng Đế sai một sứ thần tên là Tam Thanh xuống kinh lí trần gian để kiết toán những điều lành hay dữ trong một năm qua để làm biên bản tâu lên Ngọc Hoàng minh xét. Vì thế, vào ngày ấy, dân chúng lập bàn thờ hương án để rước điều lành, tránh điều dữ trong dịp thăm viếng của sứ thần Tam Thanh, đồng thời sửa cơm canh cúng ông bà cha mẹ qua đời và cầu Trời Phật phù hộ cho mạnh khoẻ, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi.
Như vậy là trước ngày ông Táo lên chầu Trời hai tháng thì đã có một phái đoàn điều tra xuống dưới trần để xem xét tình hình rồi, các ông Táo của các gia đình gan có bằng gan cóc tía cũng không dám khai gian nói bậy.
Nói câu này, nhất định có người sẽ bảo là mình nịnh vợ, nhưng có thế nào cứ nói thế, không sao: tôi thích nghe những truyện truyền kì như thế nhưng từ buổi di cư vào miền Nam ít được ai nói tới, thành thử lắm khi cũng nhớ, mà đời hình như cũng kém thơ mộng đi một chút. Có lẽ cũng chính vì thế mà ăn mười tám, mười chín cái tết ở đây, vào ngày ông Táo chầu trời, không thấy ai cúng cá chép, mình có khi cảm thấy như nhớ cái gì đẹp lắm mà mất đi không còn thấy nữa. Tôi nhớ Bắc Việt vào những ngày hai mươi ba tháng chạp, tiễn ông Táo lên Thiên Đình, cái không khí nó khang khác chớ không như thế này… Từ sáng tinh sương, chưa bước chân xuống giường, tôi đã nghe thấy rao ơi ới ở khắp các nẻo đường: “Ai mua cá ông Táo không?”, “Cá ông Táo không nào”. Nghe như thế, tự nhiên lòng mình bỗng nao nao vì biết rằng có cá ông táo là sắp đến Tết rồi. Không thể nào nằm được nữa. Mình ra xem thì thấy những bà bán hàng gánh hai cái thùng sơn đi vắt vẻo đôi tay, như chạy, để bán vội cho hết hàng, kẻo còn phải về sớm để sắm sửa tiễn ông Công lên chầu Trời tâu việc hàng năm của mỗi gia đình. Ông Công đó là thần Trương Đàn hay Tử Quách, chỉ phụ trách riêng về việc bếp núc, còn Thổ Địa trông nom việc nhà, Thổ Kỳ có nhiệm vụ coi về chợ búa và tăng gia sản xuất cho đàn bà.
Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ là ba nhân vật trong truyện truyền kì “hai ông một bà” mà dân gian đều biết: hai ông là Trọng Cao và Phạm Lang, còn một bà là Thị Nhi cùng chết trong một đống rơm. Để kỉ niệm ba người cùng chết một lần vào ngày gần tết, dân chúng làm cái bếp ghép bằng ba hòn gạch đều nhau bắt góc. Ở giữa, có để một hòn đá: đó là tên đầy tớ xông vào đám cháy để cứu chủ không được mà cũng bị chết lây. Thường thường, ai cũng tưởng lễ tiễn ông Táo là ngày lễ cuối cùng trong một năm, thật ra sau đó hai ngày còn lễ tiễn ông vải, lễ tạ trường và lễ tất niên.
...
(Trích trong "Thương Nhớ Mười Hai - Tháng Chạp của Vũ Bằng đăng trênhttp://nslide.com/…/bai-viet-thang-muoi-hai-thang-chap-thuo…)

Như loài hoa báo đông về trên cao nguyên... HOA DÃ QUỲ

Như loài hoa báo đông về trên cao nguyên...
HOA DÃ QUỲ
Trong hình ảnh có thể có: mọi người đang đạp xe, xe đạp và ngoài trời
Dạo ấy, trên những ngả đường từ Kim Châu, Hòa Đông, Đạt Lý hay Duy Hòa, Ea Pốk… đổ về Ban Mê Thuột đều nhuộm rực sắc vàng. Ngắt một đóa hoa lên ngắm nghía, bạn triết lý rằng: “Sống được như dã quỳ không dễ, bởi một lần được nở, thì cuộc đời thảo dã kia như vắt kiệt hết mình cho sắc màu chất ngất ấy. Đến lúc vàng phai thì gục xuống và tan vào trong đất, đợi đến kỳ đông tàn, xuân sang lại vươn mình đứng dậy, khoe một sắc vàng như không thể vàng hơn…”. Nhân sinh là vậy, nên khi ai biết được dã quỳ là sự hóa thân của một tình yêu thì sắc vàng kia không còn là màu mè nữa, mà đó chính là “lửa lòng” thổi bùng lên từ mối tình son sắt giữa chàng K’Lang và nàng H’Limh thuở nào...
...
Truyền thuyết có hay không và dưới tên gọi nào không quan trọng, chỉ sắc vàng “như không thể vàng hơn” mà bạn nói với tôi tựa một tuyệt tác của trời đất ban tặng cho Cao Nguyên vào mỗi độ cuối đông, đầu xuân về là điều rất thực. Nhìn hoa nở miên man giữa trập trùng lũng dốc thì không ai không dừng lại ngẩn ngơ…
(Trích theo "Nỗi nhớ dã quỳ" của Phương Đình đăng trên báo Đăk Lăk)
---
Dã quỳ là loài hoa “di cư” có hình dáng như hoa cúc vàng, mọc hoang trong rừng, thân cao hơn 1m do người Pháp mang đến trồng ở Đà Lạt vào đầu thế kỷ thứ 20 để trị bệnh ngoài da cho người và làm phân xanh bón lót cho các loại hoa trồng khác, rồi dần dần phát tán đến mức nhuộm vàng cả vùng đất cao nguyên. Dã quỳ có cái tên nghe buồn buồn, chúng mang thân phận ôsin cho người, cho hoa và cho đất. Mãi đến bây giờ người ta vẫn hái lá về nấu nước tắm trị ghẻ cho trẻ con. Còn người có tuổi, chiều chiều ra trước hiên nhà đứng ngắm để lòng mình ấm lại khi những đợt gió bấc thổi về. Hoa dã quỳ bỗng nhiên trở thành niềm an ủi cho những tâm hồn đi hoang... Đối với dân lao động hay những người dân tộc anh em có gốc Tây Nguyên nó là lộc của trời, các sơn nữ thường cài lên tóc để đồng hành với nắng gió. Đã bao đời nay, màu vàng rực của hoa dã quỳ như ngọn lửa nhóm lên trong lòng những cư dân xứ lạnh.
Tôi còn nhớ một nhà văn nói rằng “Hoa dại chỉ đẹp khi ở đồng nội”. Điều ấy có lý, ai cũng thấy hoa dã quỳ vàng, hoa mua, hoa sim, tím cả chiều hoang. Chúng mang vẻ đẹp hiền lành không se sua, đài các. Cũng giống như những loại hoa đồng nội khác vẻ đẹp của hoa dã quỳ là cộng hưởng, chúng chỉ trở nên nỗi nhớ khi tồn tại nơi quê quán của mình, nếu tách ra từng cành sẽ trở nên đơn điệu tẻ nhạt. Loài hoa dại mang cái tên buồn buồn mà người Tây Nguyên đã gán cho nó. Chuyện kể rằng Dã Quỳ là tên của một sơn nữ Jarai xinh đẹp, trót yêu một chàng trai khỏe mạnh cùng buôn làng, nhưng bị người mình không yêu thương bắt về làm vợ. Vì thế nàng trèo lên đỉnh núi quyên sinh để giữ sự trinh trắng của mình. Thân xác của nàng hóa thành tro bay đi theo gió, trở thành những rừng hoa đơm bông vàng rực như những giọt nước mắt của câu chuyện tình không có phần kết! Cảm động trước mối tình thanh khiết ấy nên người ta lấy tên của nàng đặt cho một loài hoa. Và hoa dã quỳ trở thành hình ảnh của những người con gái cao nguyên, dịu dàng mạnh mẽ, sống hết lòng cho tình yêu đôi lứa. Có lẽ từ truyền thuyết này mà Đà Lạt đã chọn dã quỳ làm biểu tượng cho Festival hoa trong mỗi lần tổ chức.
...
Đứng giữa các triền đồi và thảo nguyên mênh mông ngắm nhìn rừng hoa dại rập rờn theo gió. Nhất là những buổi chiều nắng vàng nhuộm lên, bạn sẽ thấy đất trời tĩnh lặng làm cho bạn có cảm giác cao nguyên này chỉ dành cho riêng mình. Lúc ấy bạn dường như muốn quên hết mọi vật vã đời thường, quên đi năm tháng, thậm chí quên luôn mình là ai. Đối với những người có thói quen sống hoài niệm theo bóng thời gian, khi nhìn cánh đồng dã quỳ khoe sắc dưới trời xanh mây trắng mới nhận ra được trên đời này ta còn nợ với thiên nhiên...
...
Con người chắc không ai vô tình trước vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa đồng nội, vì nơi ấy, không những là hồn đất, mà còn là kỷ niệm của một đời người. Khi người ta yêu con đường mình đi, ngôi nhà mình ở, cái cây mình trồng và yêu cả cánh đồng thời thơ ấu, người ta mới có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc. Tôi nhớ vào thời cấp I, được các thầy cô giáo bắt học thuộc lòng bài hát “Cái nhà là nhà của ta/Ông cố ông cha làm ra/ Chúng ta phải gìn giữ lấy/ Muôn năm nhớ nước, ơn nhà”. Ngày ấy suốt ngày bọn trẻ chúng tôi cầm tay nhau hát nghêu ngao mà không hiểu gì. Nhưng bây giờ thì khác...
(Trích theo "Mùa hoa dại ở Tây Nguyên" của Trần Đại đăng trên báo Lâm Đồng)

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, ngoài trời và thiên nhiên
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên

Rừng cao su ở Ban mê bắt đầu thay lá... MÙA TRỞ GIÓ



Rừng cao su ở Ban mê bắt đầu thay lá...
MÙA TRỞ GIÓ 
Trong hình ảnh có thể có: cây, thực vật, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên
...
Cảm giác những con gió ùa xuyên qua những vườn cà phê, qua cây cối, hơi lạnh, hơi miên man, gió lùa qua tóc khiến cho người ta có chút mát lạnh, có chút mơ hồ, chút hồi tưởng về những ngày cũ.....
Những cơn gió đưa những ký ức trở về...
...
Ngày đó đi học, cảm giác mỗi lần gió thổi ào ào, cuốn lấy cơ thể, có khi như muốn lôi mình bay đi, cuốn cả cát bụi đất đỏ, mùi trong gió phức tạp lắm, nhưng mà thích, có chút mùi hanh khô, có gì đó hơi nồng, đậm, mùi của cây cỏ, của cà phê, của đất,.......có khi có cả mùi khói bếp, tất cả mùi hương quen thuộc nơi này...
Đến bây giờ, mỗi khi tới mùa gió, tôi lại luôn muốn bước ra đường, để gió cuốn bản thân mình vào những hồi ức, những gì đó thân quen mà không thể diễn tả hết được, cái cảm giác cảm nhận được 1 thứ quen thuộc khiến ta bất giác cười một cái vu vơ, một nụ cười khờ nhưng chân thật nhất có thể.......Rồi tôi lại muốn lạc mình vào vườn cà phê, để gió rít len qua những cây cà phê xào xạc, cảm nhận mình đang chìm trong màu xanh, cảm nhận sự an toàn...
...
Tôi yêu nơi này, vì đây là nơi tôi sinh ra, lớn lên, là nơi cho tôi những xúc cảm mãnh liệt nhất, nơi này đã tặng cho tôi những cảm xúc, những giác quan, những cảm nhận đặc biệt cho cá nhân tôi, nơi này là nơi ba mẹ tôi đã gặp nhau, là nơi họ bám trụ, đổ mồ hôi, gây dựng nên gia đình, nơi họ nuôi anh chị em tôi lớn, nơi này là nơi tôi có những kỷ niệm đặc biệt, bước đi đầu tiên, lần đầu tiên đi học, lần đầu tiên bị điểm kém, lần đầu tiên biết hái cà, lần đầu tiên biết đi xe đạp,.......Vô số những cảm xúc dâng trào trong tôi lúc này, không biết làm sao có thể diễn tả, có lẽ chỉ những ai như tôi, lớn lên ở đây mới có thể hiểu hết được...
Tôi đang nghĩ, liệu bây giờ có bao nhiêu người như tôi, đang nằm nghe gió thổi và rồi hồi tưởng lại quá khứ đã qua, rồi tự mỉm cười với mình, cảm thấy mệt mỏi tan biến, chỉ lặng im, nằm nghe gió rít qua cây cối, qua khe cửa, có lẽ, còn có người điên giống như tôi đã từng điên đó là ra hẳn ngoài sân, ngồi nghe gió thổi, ngồi ngắm trời đất, ngồi đó cho gió ào ào ôm lấy mình.....
Nơi này lúc nào cũng thế, luôn có 1 cách riêng khiến ta không muốn rời xa....
(Trích trong "Buôn Ma Thuột, mùa trở gió..." của Đơn Ngư đăng trên
https://guu.vn/myguu/)

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

LAN RỪNG VỀ PHỐ

Ôm núi mưu sinh...
LAN RỪNG VỀ PHỐ
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, thực vật và ngoài trời
Lan rừng ở Dak Lak có hàng trăm loại, trong đó, có cả những loại lan quý như: nghinh xuân, tóc tiên, đuôi chồn, quế hương, bạch ngọc, hồ điệp trắng...
Nhưng những năm gần đây, người đi tìm lan ngày càng nhiều khiến loài thực vật này giảm dần. Muốn có lan đẹp, lan quý bán có giá thì người đi lấy lan rừng phải có tài đi rừng để vào tận rừng sâu, có khả năng leo trèo để trèo lên những thân cây cao lấy lan. Phong lan thường mọc ở những thân gỗ mục nên chuyện gãy cành, té ngã, bị bong gân, trật khớp là chuyện thường.
Vừa giới thiệu cho khách loại lan mới lấy về, chị H’Ết (thôn 4, xã Cư Êbur) nói rằng, những năm trước, lan rừng khá phong phú, mỗi chuyến săn lan rừng chỉ dài 1-2 ngày. Vài năm trở lại đây, để có lan đẹp, lan quý, chồng chị phải gùi cơm, gùi gạo vào tận những cánh rừng sâu ở các huyện Ea Súp, Krông Bông, M’Drak, thậm chí là sang đến tận rừng ở tỉnh Kon Tum và biên giới giáp Lào. Và những nguy hiểm trong các chuyến đi rừng của chồng chị là không tránh khỏi. Anh Y Lin – chồng chị H’Ết kể: Vào năm trước, anh cùng 2 người bạn chuẩn bị lương thực dự định đi săn lan khu vực rừng núi giáp Lào với thời gian 3 – 4 ngày. Nhưng trên đường về anh bị rắn cắn, phải băng bó, nằm cáng để bạn khiêng về Đồn Biên phòng. May được người dân, bộ đội Biên phòng cứu giúp kịp thời nên anh mới giữ được tính mạng. Toàn bộ vật dụng, số lan thu hái được phải để lại trong rừng, chuyến đi đó coi như mất trắng…
(Trích theo "MÙA LAN RỪNG XUỐNG PHỐ" của Minh Nhật đăng trênhttp://baodaklak.vn/)
---
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, thực vật, hoa và ngoài trời
Mười giờ sáng. Ðà Lạt nắng lạnh ngọt lành. Lâu rồi, Cil Trang (xã Tà Nung, cách Ðà Lạt khoảng 16 km) mới có lan rừng đem xuống phố. "Con rể và con trai xuống tận rừng giáp ranh Bình Thuận một tuần, mười ngày mới có chừng 80 giò lan mang về à. Vậy là đủ lo cho gia đình rồi" - Cil Trang thổ lộ. Hơn 20 năm "xuống núi" bán lan rừng, Cil Trang đã thuộc làu những góc phố Ðà Lạt, sành sỏi trong phân biệt chủng loại lan để "ra" giá, từ loài hồ diện đến lan kim điệp, ngọc điểm... Bao nhiêu năm như vậy, đường vào chợ Ðà Lạt, phố Quang Trung đã quá quen với họ, chỉ vài người xuống bán. Sáng đến chiều, kiểu gì cũng phải về, cho dù vẫn còn hàng ế, "mai lại xuống tiếp thôi".
...Giờ lan không nhiều nữa. Rừng gần đã cạn kiệt, phải vào tận rừng sâu. Vào rừng, nhiều hiểm nguy lắm, nhưng cũng phải đi thôi... Người Cơ Ho không còn mùa "nhàn rỗi" nữa. Lan tự nhiên ngày càng hiếm. Mỏi mắt, mỏi chân, vào tận những khu rừng giáp ranh Lâm Ðồng với Ðác Lắc, Bình Thuận, Khánh Hòa, lâu lâu mới gặp lan hiếm.
(Trích theo ""Xuống núi" mưu sinh" của Mai Văn Bảo đăng trênhttp://www.nhandan.com.vn/)
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, thực vật và ngoài trời

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

TRÁI RỪNG NGÀY XƯA

Nhớ rừng...
TRÁI RỪNG NGÀY XƯA
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa, thiên nhiên, món ăn và ngoài trời
...
Hồi ấy, rừng vẫn còn là một thế lực của thiên nhiên nghìn đời, u tịch, thâm nghiêm và huyền bí. Con người có thể phá rừng làm rẫy, chặt cây làm nhà, truyền đời tác động đến rừng để tìm kiếm miếng ăn, nhưng rừng vẫn tái sinh mạnh mẽ, và đến khi con người gối mỏi chân chồn thì rừng lại tiến sát như muốn nuốt chửng ruộng rẫy, nuốt chửng con người.
Hồi ấy, ngay trước nhà tôi là rừng. Cây cổ thụ vẫn hiên ngang đứng giữa làng, và người ta tin là có thần trú ngụ nên không ai dám hạ. Ba tôi phát một khoảnh để trỉa bắp, nhưng, để biến rừng thành rẫy là một công việc cực khổ trần thân. Phát rẫy xong, vừa tra hạt giống xuống thì chồi cây đã mọc lại. Muốn chiếm đất của rừng, phải còng lưng đào, đánh bật được gốc rễ thì hoạ may cây mới chết. Sức người có hạn, nên dù không có ai giữ rừng thì rừng vẫn trường tồn, vẫn mạnh mẽ vượt lên trên mọi khát vọng chinh phục của con người.
Rừng bao vây tứ bề, che giấu bên trong là hùm beo, là rắn rết, nên muốn an toàn, lúc nào trong tâm tưởng một đứa trẻ, là tôi, cũng muốn có được một sức mạnh siêu nhiên để đẩy rừng lùi xa.
Sợ rừng, nhưng cây trái của rừng thì tôi lại thích. Rừng bao la, lúc nào cũng sẵn bao nhiêu là hoa quả, có loại biết tên, có loại phải tự đặt theo ý thích của mình. Ngay trên đường đi học, bọn trẻ tuị tôi vẫn có thể hái được trái rừng. Mấy bụi vú bò mọc sát đường đi, thả những chùm quả vàng xuống ngay trước mắt. Còn cây trâm quả tím, ngọt thanh, là nơi mà mỗi lần đi học về bọn trẻ chúng tôi đều ghé. Trái cò ke khi chín ngả sang màu nâu thẫm, ngậm vào miệng là nghe vị ngọt thấm tê cả lưỡi, nuốt đến bụng rồi mà cái mùi thơm dìu dịu vẫn còn bám mãi bờ môi.
Tuổi thơ khốn khó, chẳng mấy khi được cho quà, nên mỗi khi ba đi rừng, tôi vẫn thường ra ngõ ngóng chờ; và bao giờ cũng vậy, dù vác cây trên vai nặng trĩu, ba vẫn không quên tìm hái cho chúng tôi một vài loại quả rừng nào đấy. Trái cây rừng thì nhiều, màu sắc, hình thù đa dạng, nhưng không phải thứ gì cũng ăn được. Ba phải hỏi nhiều người, và phải ăn thử rồi mới hái về cho chúng tôi. Trong các loại quả rừng, tôi thích nhất là trái gùi. Cứ vào độ tháng năm, khi những cơn mưa đã xối xả vào mùa thì trên rừng trái gùi cũng chín. Các anh tôi phải làm việc cật lực hơn, để xong muà trồng trỉa thì theo bạn lên rừng hái gùi. Sau này lớn lên, tôi cũng vài lần được đi theo, và với tôi, đó là những kỷ niệm đẹp không dễ gì quên được.
Sáng, khi chân trời phiá đông vừa phớt ửng, một đoàn lóc nhóc năm, sáu đứa con nít, mang gùi còn sệ đến mông, hăm hở gọi nhau lên đường. Đường rừng quanh co, lại nhiều ngã ba, ngã bốn, nên chúng tôi phải đánh dấu để còn biết đường về. Khó nhất là khi phải cắt rừng, bỏ đường này nhưng lại gặp đường khác là lúng ta lúng túng, đôi khi hoảng loạn, thảng thốt gọi để rồi hoang mang khi chỉ nghe thấy tiếng của mình vọng lại âm âm.
Gùi là một loại dây leo chắc khoẻ, thường bò trùm lên các loại cây khác để giành lấy ánh mặt trời, vì vậy, hái gùi là một công việc không hề đơn giản. Trái gùi khi chín rất mềm, chỉ cần rơi từ độ cao vài ba mét là nát bấy, nên không thể hái bằng sào được. Cũng may mà rừng rất nhiều gùi, nên chúng tôi chọn những cây nhỏ, đốn hạ để hái. Nếu gặp mùa gùi chín rộ, chỉ cần hạ một cây thôi cũng đủ cho bốn, năm người hái đầy mỗi người một giỏ. Trái gùi ngọt, không gắt, nên có thể ăn no mà không ngán. Đôi khi cũng có trái có vị chua, nhưng không nhiều.
Sau khi muà gùi hết thì cây trường trong chân núi cũng chín vàng. Do trường là loại cây lớn, trái nhiều, lại có nhiều nhánh, dễ trèo nên bọn trẻ tụi tôi rất thích. Hàng ngày, sau khi lên núi chặt củi, bẻ măng, bao giờ tụi tôi cũng ghé qua chỗ cây trường, leo trèo thoả thích rồi mới về. Trái trường nhỏ như ngón tay, ăn bùi bùi, ngòn ngọt, và có mùi thơm dịu.
Rừng mênh mông, nhưng các loài thực vật thì tùy theo sự thích nghi mà phân bố rải rác. Thanh trà và ươi thì mọc nhiều ở núi Ông. Cuối mùa nắng, trái ươi rụng đầy gốc, và chỉ cần một cơn mưa đủ lớn là nở bung, tạo thành một tấm thảm nhầy nhầy ngập lút cả bàn chân. Trái ươi ngâm nước, cho thêm ít đường, ăn rất mát. Còn thanh trà, về hình thù thì chẳng khác trái xoài là mấy, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, có vị chua chua, ngọt ngọt, mấy năm trước vẫn còn bán đầy chợ huyện. Ngoài ra, rừng Tánh Linh còn có trái viết, trái xay và rất nhiều hoa quả khác, vốn một thời là món quà thân thuộc và rẻ tiền của đám học trò nghèo nơi miền sơn cước.
Ba tôi không còn. Rừng cũng đã bị đẩy xa về phía núi. Bằng thuốc khai hoang, bằng máy cưa, máy ủi, con người đã khiến những cánh rừng phải run rẫy lùi xa...
Tôi đang nhớ rừng, hay nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu của mình, tôi cũng không biết nữa.
(Trích theo "Cây Trái Rừng Xưa" của Lương Văn Lễ đăng trênhttp://tanhlinh.vn/vi/news/)

Trong hình ảnh có thể có: trái cây và thực vật

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, thiên nhiên và ngoài trời


Trong hình ảnh có thể có: thực vật và món ăn

HOA XUYẾN CHI

Chỉ là một loài cỏ hoang dại mọc khắp nơi trên quê hương...
HOA XUYẾN CHI
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa, ngoài trời và thiên nhiên
Xuyến chi chỉ là một loài hoa dại nhỏ bé.Ta có thể bắt gặp nó ở những nơi nào hoang dã hay ở đường tàu, bờ ruộng. Xuyến chi gắn liền với tuổi thơ tôi từ những ngày còn cầm rổ đi đào rau má. Hồi đó, tôi đã rất thích loài hoa này, thấy nó dễ thương chi lạ. Hái hoa về cắm, chơi đồ hàng, rồi khi thích chí lại kết nó thành những vòng hoa đeo trên đầu để làm công chúa.
Chuyển về thành phố, tôi xa dần hoa xuyến chi, thỉnh thoảng cũng bất chợt bắt gặp nó ven đường nhưng cũng không có đủ thời gian để nhìn ngắm nó.
Tết vừa rồi mới có dịp đi dạo trên đồi và gặp lại ... xuyến chi.
Luôn như vậy, dù ở bất cứ nơi đâu. Vẫn màu hoa ấy , màu nhụy ấy. Dễ thương và trong sáng. Mảnh dẻ nhưng mạnh mẽ, đương đầu với gió mưa. Và cứ thế sức sống lan tỏa, hoa mọc ra hoa. Một đám hoa rồi sẽ thành một đồng hoa.
Và tôi nhận thấy một điều rằng : Ở đâu có hoa thì ở đó có sự sống.
Sự sống làm nên hoa? Hay chính hoa làm nên sự sống?
Không phải, mà là sự sống nảy sinh từ lòng dũng cảm. Dũng cảm đương đầu với khó khăn mà không phải loài hoa nào cũng có thể làm được.
Tôi ước mình có thể làm được điều mà xuyến chi bé nhỏ đã làm.
---
Em thách cưới một vòng hoa xuyến chi
Để tôi suốt trưa mải mê khắp triền đồi lộng gió
Bới tung từng bụi cỏ
Khấp khởi vui mừng khi tìm được một nụ hoa…
Cô dâu con con lộng lẫy kiêu sa
Cưỡi ngựa mo cau tôi đưa em về xóm nhỏ
Nơi đó nhà tôi lồng đèn dâm bụt treo trước ngõ
Cô dâu thẹn thùng cười – má đỏ bồ quân
Hai họ - con nít cởi trần gióng trống múa lân
Bày tiệc khế chua ổi xoài bắp nướng
Chú rể cô dâu nhìn nhau cười sung sướng
Hai họ chúc mừng: xứng lứa vừa đôi!
Cô dâu ngày xưa giờ ở chốn xa xôi
Tuyết trắng quanh năm xuyến chi đâu sống nổi
Tôi vẫn kết vòng hoa dù chẳng ai đội
Theo gió chạy lên đồi tìm vết cỏ ngày xưa…
(Hoa Xuyến Chi - Phạm Vũ Ngọc Nga)
---
Mưa tạnh từ lâu, chút nắng yếu ớt rải vàng lưu luyến trước khi về trời. Mắt tôi dừng lại ở một vạt hoa. Cành thấp cành cao chao nhẹ đùa vui trong gió mơn man. Ồ, phải rồi, trong bó hoa tặng tôi, có nhiều bông hoa này đây. Năm cánh màu trắng nở tròn như đồng xu xoay quanh nụ vàng thắm. Chúng cứ đong đưa nụ cười duyên đẹp đến nao lòng. Sao bấy lâu nay mình chẳng để ý tặng vật của trời dù có thể nhìn thấy khắp nơi.
Loài hoa thật kỳ lạ có thể mọc bất cứ chốn nào. Giữa vùng sỏi đá khô cằn, vô vàn bông hoa cứ vượt lên không dễ tàn lụi. Hồn nhiên khoe mình giữa nắng hạ chói chang, đắm chìm trong những cơn mưa xối xả mùa đông. Trong hơi lạnh buốt, hoa cứ nở bung tràn trề sức trẻ. Lặng lẽ sống hết mình giữa tất bật đời thường, mặc người thờ ơ.
Hoa hồng đài các thay lời tình yêu, hoa huệ trắng trong gợi lòng thành kính, hoa ly kiêu sa tỏ bày bè bạn...
Những bông hoa trắng sữa không chọn cho mình chỗ đứng nào và cũng chẳng nói với ai điều gì. Người ta hững hờ nhắc đến hoa cúc dại, hoa đường tàu... Không, đó là hoa xuyến chi. Cái tên đủ làm xao xuyến lòng người.
(Trích theo Ý NGHĨA CỦA HOA XUYẾN CHI đăng trênhttp://www.phununet.com/)
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa, ngoài trời và thiên nhiên

Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực vật, thiên nhiên và ngoài trời
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa, thiên nhiên và ngoài trời