Mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ... ôi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời...
CHIM CHIỀN CHIỆN
* Trần Mộng Tú
Có người nói với tôi chim Sơn ca và chim Chiền chiện là một, chỉ khác vùng đất nó đứng hát véo von mà người ta gọi tên nó khác nhau. Nhưng thật sự không phải thế, tiếng Sơn ca nghe véo von mê hoặc và điệu bay của Sơn ca uốn lượn, trong khi đó tiếng chim Chiền chiện nghe thật thà không làm dáng và đường bay chẳng có gì là kiểu cách, mặc dù cả hai cùng thuộc về bộ Sẻ.
Chim Chiền chiện lớn hơn chim Sẻ và có phần lông phía dưới bụng màu vàng, có một hình chữ "V" đen trên ức và cánh trắng có sọc đen. Phần phía trên hầu như màu nâu nhưng cũng có sọc đen. Loài chim này có mỏ dài nhọn và đầu chúng có sọc đen và nâu nhạt.
Chim Sơn ca có mầu lông giống chim Sẻ và tôi thường nhầm chúng với nhau. Tuy nhiên tôi biết chim Sẻ nhỏ hơn và mầu nâu ngả sang sắc vàng, chim Sơn ca lại có mào trong khi đó chim Sẻ thì cái đầu tròn vo. Hồi còn ở Sài Gòn đi ra Chợ Cũ người bán chim chỉ cho tôi biết một loại chim nữa gọi là chim Bách linh, giống hệt Sơn ca nhưng to gấp rưỡi, tiếng hót lại không hay bằng Sơn ca. Người Trung Hoa tin là linh hồn người chết sẽ trở về trong tiếng hát của chim Bách linh, nên nhiều người vẫn nuôi chim này làm cảnh.
Tôi vẫn không hiểu tại sao tôi lại thích Chiền chiện và chim Sẻ hơn Sơn ca, có lẽ cái tên của chúng nghe dân dã, nghe có vẻ quê nhà nhất, cái tên đọc lên nghe như một nỗi ngậm ngùi. Chim Sẻ hay chọn bụi tre tụ tập đậu lại ca hát, và chúng cũng làm tổ, nuôi con trong bụi tre nữa. Còn chim Chiền chiện sanh đẻ làm tổ không ở trên cây mà trong những lùm cỏ dưới đất. Thấy Chiền chiện, thấy chim Sẻ là nghĩ đến nhà nghèo, xóm nghèo, làng nghèo, lan man nghĩ đến nước nghèo (Mà nước mình hồi đó kìa, chứ không phải bây giờ đâu).
Sơn ca cũng làm tổ và sanh sản trên mặt đất như Chiền chiện, nhưng nhờ cái tên quý phái của nó và tiếng hót ngọt ngào véo von, nó bị bắt đem nhốt vào lồng son mang giọng hát cho người đời mua vui, giải sầu, chứ không bị ăn thịt như chim Sẻ và Chiền chiện. Chim Chiền chiện bây giờ không có đất sống nữa vì những vùng đất chúng cư ngụ đã được người ta xây lên trên đó những nhà máy, hay những cao ốc.
...
...
Bây giờ không phải chỉ Sài Gòn mới vắng tiếng chim kêu mà ngay các tỉnh miền Tây tiếng chim cũng thưa thớt hẳn đi.Tội nghiệp những con chim bé nhỏ hiền lành, chúng là bạn của các trẻ em, nhất là trẻ em ở tỉnh nhỏ, ở thôn quê. Không biết hình ảnh một em bé trên lưng trâu, nghêu ngao hát bài đồng dao có còn không?
Con chim se sẻ
Nó ăn gạo tẻ
Nó hót líu lo
Nó ăn hạt ngô
Nó kêu lép nhép
Nó ăn gạo nếp
Nó vãi ra sân
Ơ láng giềng gần
Xua con chim sẻ. (Đồng Dao VN)
Không phải chỉ có chim Sẻ bị tuyệt chủng mà những con Chiền chiện cũng mất hút tăm hơi, chim Quốc gọi hè và Sơn ca cũng bị người ta săn lùng triệt để. Nuôi chim làm cảnh và ăn thịt chim đang là cái mốt thời thượng nhất ở Việt Nam...
...
...
Trước năm 1975, ở Sài Gòn thỉnh thoảng cũng thấy có những quán ăn bình dân bán chim Sẻ quay, nhưng số chim bị bẫy chẳng có nhiều đến nỗi trở thành một mối quan tâm cho những ai muốn bảo vệ muông thú.
Khi người ta đói thì người ta phải kiếm thức ăn, như các quân nhân VNCH đi tù cải tạo về kể chuyện, hay nói: “Con gì nhúc nhích là ăn”. Đó là một điều tự nhiên dễ hiểu của sinh tồn. Nhưng cái kiểu ăn óc khỉ, ăn nai bao tử, uống máu rắn, uống mật gấu và bây giờ lại đến cả máu chim là điều do trí tưởng tượng của kẻ dư thừa thức ăn, nghĩ ra để thỏa mãn chính mình và người buôn bán nghĩ thêm, khuyến khích cho sự thỏa mãn đó để kiếm sống. Chuyện bảo vệ chim muông, thú vật là chuyện của người khác.
...
...
... Nhưng cứ tưởng tượng ra từ thành đến tỉnh, trên những sợi giây điện thành phố, trên những bụi tre miền quê vắng mất những đàn chim Sẻ, những con Chiền chiện và đặc biệt là không còn dư âm của tiếng chim kêu thì buồn lắm!
Ôi con chim Chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay hứng về
(Thanh Hải)
...
...
TRẦN MỘNG TÚ
(Trích đoạn trong bài "Chim Sẻ và Chiền chiện" của Trần Mông Tú đăng trên https://www.diendantheky.net/.../tran-mong-tu-chim-se-va...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét