Người Việt Nam gọi chúng tôi là Voi. Tên Hán- Việt là Tượng.
NỖI LÒNG TƯỢNG TỘC
*Phạm Đình Lân
...
Tượng tộc chúng tôi là động vật to lớn với thân hình nặng nề; da dày nhưng không có lông; đầu to nhưng mắt nhỏ; hai tai to, có vòi và ngà dài. Vòi của Tượng tộc rất nhạy vì được cấu tạo bởi hàng trăm ngàn sớ thịt. Đó là mũi và là tay của Tượng tộc. Voi thở bằng vòi, lấy nước và lấy thức ăn, đào lỗ, xô ngã cây cối hay chiến đấu bằng vòi. Mất vòi tức là mất mũi, mất tay để đưa thức ăn và nước vào miệng. Tượng tộc có bốn chân rất to.
...
Người ta cho rằng Tượng tộc già yếu đi tìm nơi bí mật để chết. Ai tìm được nghĩa địa của Tượng tộc tức là tìm được kho tàng ngà Voi. Là đại diện Tượng tộc chúng tôi không được quyền đề cập đến việc này. Đó là bí mật của dòng tộc chúng tôi trên toàn thế giới.
...
Trong đời sống hoang dã Tượng tộc chúng tôi luôn luôn bị bọn Sư Tử, Cọp, Beo, Chó Sói đe dọa. Loài người lấn dần địa bàn cư trú của chúng tôi. Loài người không ngừng bắn giết chúng tôi để lấy thịt trong những năm đói kém và lấy ngà bán lấy tiền. Ngà của Tượng tộc là vật trang trí sang trọng trong các lâu đài của các ông hoàng bà chúa hay những người giàu có trong xã hội.
Loài người dùng Tượng tộc chúng tôi trong chiến trận (Tượng Binh)...
Vào thế kỷ III sau Tây Lịch bà Triệu mặc áo vàng và cỡi Voi chỉ huy nghĩa quân đánh nhau với quân Đông Ngô ở Thanh Hoá. Trong chiến tranh chống quân Nguyễn vào thế kỷ XIII anh hùng Trần Quốc Tuấn đã phải rơi lệ về một anh Voi bị lún sình và chết dưới sông Hoá khi trên đường đi đánh quân Nguyên trên sông Bạch Đằng.
Tượng binh của Chiêm Thành từng gây khiếp đảm cho dân Đại Việt vào thế kỷ XIV.
Vào thế kỷ XIX Tượng binh vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ kinh đô Huế dưới triều Nguyễn.
Dưới chế độ quân nhân ở miền Nam Việt Nam (1965- 1975) Tượng tộc xuất hiện trong ngày diễn binh mừng ngày Quân Lực 19-06 hàng năm ở Sài Gòn. Những anh Voi nầy gốc ở Cao Nguyên Nam Trung Bộ thuộc Vùng II Chiến Thuật.
...
Người Việt Nam nói nhiều về Tượng tộc chúng tôi. Có điều họ nói tốt. Cũng lắm điều họ nói xấu về chúng tôi. Họ ẵm con chun dưới bụng chúng tôi với hy vọng con của họ sẽ mạnh như Voi. Những người có bàn chân nứt giẫm vào phân chúng tôi với hy vọng bàn chân hết nứt . Những người nuôi Heo thường mua da Voi thái nhuyễn cho vào cám cho Heo ăn với hy vọng Heo to lớn và mập như Voi.
- Voi giày là hình phạt dành cho người phạm trọng tội. Nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái bị xử tội voi giày sau khi nhà Tây Sơn bị quân của Nguyễn Ánh đánh bại.
- Voi giày ngựa xé (tứ mã phân thây) là hình phạt ghê rợn thi hành dưới chế độ quân chủ chuyên chính.
- Người có chân to bị gọi là người có chân Voi. Có một thời thanh niên Sài Gòn mặc quần ống rộng gọi là quần ống chân Voi.
- Voi cày, chim nhặt : nhắc lại sự tích vua Thuấn thuở còn nhỏ đi cày trên núi. Voi trên núi thấy vậy chạy ra cày thế cho ông. Chim trên trời xuống nhặt cỏ cho ông hoàn thành nhiệm vụ do thân phụ ông giao phó. Sự thật chuyện này là gì? Ý muốn nói ông là người có chân mạng đế vương? hay là ước vọng có Voi thay ông cày đất và có chim nhổ cỏ thay cho ông, người hiếu để và lao động cực khổ?
- Voi không đẻ, nếu đẻ thì to: người có khả năng không làm thì thôi. Khi làm thì làm chuyện lớn.
- Voi thuộc Voi, Ngựa thuộc Ngựa: Giống nào ra giống nấy. Hạng người nào ra hạng người ấy không thể lẫn lộn được.
- Voi một ngà, đàn bà một mắt: Voi một ngà rất dữ. Đàn bà một mắt cũng vậy.
- Khi kẻ yếu tránh đụng chạm với kẻ mạnh, nhiều quyền thể và tiền bạc người ta dùng câu Tránh Voi có xấu mặt nào.
- Khuyên người ta đừng che giấu sự thật, đừng tránh né dư luận, người Việt Nam có câu: Lấy thúng úp miệng Voi.
- Tượng chết vì ngà, chim chết vì lông: sự giàu có, sắc đẹp, vật quí giá hấp dẫn lòng tham và sự ham muốn, ganh ty, suy bì của người khác. Đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết. Nên có câu:
Tượng dỉ nha nhi tự táng,
Quế dỉ hương nhi tự chiết
Tạm dịch:
Voi bị giết vì có ngà quí.
Cây quế bị đốn vì có hương thơm.
- Trời sinh Voi sinh cỏ: Đó là sự huyền nhiệm của đấng Tạo Hóa. Dù Voi ăn rất nhiều nhưng vẫn có đầy đủ cỏ để ăn. Gia đình đông con Hoàng Thiên vẫn ban đủ cơm để sống. Khái niệm này không được người Âu- Mỹ ở các quốc gia kỹ nghệ tán thành. Thị dân và người duy lý cho rằng đông con là một gánh nặng và một mối lo âu của cha mẹ, lo âu từ chỗ ở, sự sinh sống, sự ăn học và tương lai của thế hệ trẻ. Người duy tâm hỏi rằng: Có phải chăng nhờ không con hay ít con mà vợ chồng trở nên giàu có và hạnh phúc?
- Trong một khúc hát ru em ở Nam Bộ có câu:
Chiều chiều Vit lội, Cò bay,
Ông Voi bẻ mía chạy ngay vô rừng.
Vô rừng bứt một sợi mây,
Đem về thắt gióng cho nàng đi buôn.
Đi buôn không lỗ thì lời,
Đi ra cho thấy mặt trời, mặt trăng
Loài người bắt Tượng tộc chúng tôi xông pha trận mạc, làm mọi việc nặng nhọc và tàn nhẫn như việc dập nát thân thể nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái. Chuyện này làm cho Tượng tộc khắp thế giới ray rức trải qua nhiều thế kỷ. Tượng tộc Việt Nam bị Hội Đồng Tượng Tộc khiển trách nặng nề vì có hành vi tàn độc đối với vị nữ anh hùng có lòng trung nghĩa và gan dạ hiếm có trên thế gian.
...
Sao loài người vô lý thế? Chúng tôi ở trong rừng. Tại sao bắt chúng tôi rồi ép buộc chúng tôi phải hội nhập vào xã hội và văn hóa loài người? Giữa Tượng tộc chúng tôi và loài người có lằn mức rõ rệt. Loài người các ông ăn bánh mì, ăn cơm. Tượng tộc chúng tôi ăn cỏ. Các ông ăn tạp. Chúng tôi ăn thực vật. Các ông ăn bắp luộc. Tượng tộc chúng tôi ăn bắp sống. Khác nhau nhiều lắm. Các ông đừng dạy dỗ gì cả. Chúng tôi không cần học gì nơi các ông. Hỡi loài người! Chớ vội kiêu ngạo vì có ngôn ngữ, văn tự và trí khôn. Các ông đừng bao giờ nghĩ rằng các ông là kẻ bất bại. Các ông không sợ Cọp, Beo, Sư Tử, Voi...Cái gì có chữ Voi thì nói lên sự to lớn, khổng lồ như Cá Voi, Cá Tai Tượng, Lác Voi, Ốc Tai Tượng, bịnh Đầu Voi, cuốc Tai Tượng, Ruột Tượng. Đến ngày nào đó có một loại vi trùng dũng mãnh đầy nanh vuốt trông thấy bằng mắt trần làm cho loài người nơm nớp lo sợ: vi trùng Voi mang tên mới là Baccillus elephatus. Một trận đấu bất tương xứng về sức vóc, trọng lượng và trí tuệ diễn ra. Kẻ thắng lại là kẻ nhỏ bé và không có trí tuệ. Hy vọng loại trùng Bacillus elephatus này không bao giờ xuất hiện trên mặt hành tinh này khi đời sống tinh thần của loài người cải thiện rõ rệt.
Kính chào quí vị.
Trưởng lão Tượng tộc Elephas Ấn Độ, đại diện Tượng Tộc Thế Giới.
Phạm Đình Lân
(Trích đoạn trong bài Nỗi Lòng Tượng Tộc của Phạm Đình Lân đăng trên http://www.art2all.net/.../phamdinhlan_noilongtuongtoc.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét