Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Xứ Thượng... NGƯỜI S'TIÊNG

Xứ Thượng...
NGƯỜI S'TIÊNG
- Dân tộc S’tiêng còn có những tên gọi khác như: Xa Điêng, Bu Lơ, Bu Đíp, Bu Đển, Bu Lanh, Rang, Tà Mun, Bà Rá, Dalmen, Rong Ah, Bu Le.
- Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer (ngữ hệ Nam Á), có nhiều gần gũi với tiếng M’nông, Mạ, Chơ ro.
- Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê qua kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc S’tiêng ở Việt Nam có 85.436 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương.
Ngày nay người S'tiêng ở nhiều nơi đã định canh định cư, từng gia đình làm nhà ở riêng. Họ Điểu là họ phổ biến khắp vùng S'tiêng. Làng S'tiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một già làng am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng. Mức giàu được tính bằng tài sản như: trâu, bò, chiêng, cồng, ché, vòng, trang sức và còn rất nhiều thứ khác nữa.
Nhà ở của người S'tiêng không đồng nhất giữa các khu vực. Chẳng hạn ở Bù Lơ người S'tiêng sống trong nhà đất dài với gia đình lớn theo chế độ phụ hệ; ở Đắc Kia người S'tiêng cư trú trong nhà sàn, nha nua va nhà đất ngắn với gia đình nhỏ; ở Bù Đeh người S'tiêng lại sống trong nhà sàn dài với gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ.
Về trang phục, nam giới đóng khố, mình trần, mùa lạnh mặc áo cổ chui đầu. Phụ nữ mặc váy, để ngực trần. Phụ nữ, nam giới đều để tóc dài búi gáy, cà răng căng tai, xăm mình. Đồng bào ưa dùng lược ngà voi; đeo vòng tay vòng cổ bạc, đồng, nhôm. Ngày nay, đa số nam nữ thanh niên trẻ không còn cà răng, căng tai, đóng khố, búi tóc xăm mình như trước.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

BỘ NGỰC TRẦN TRÊN VÙNG ĐẤT ĐỎ

Khuya như huyền thoại thẳm sâu
Em ơi trăng thẹn … ngực mầu da nâu
Men rừng rượu ủ đã lâu
Núi cha suối mẹ một bầu sữa trinh...(Bầu Ngực Núi Rừng_Như Thương)
BỘ NGỰC TRẦN TRÊN VÙNG ĐẤT ĐỎ
...
Tây Nguyên những chiều sương giăng mờ thì cảnh tượng vô cùng ngoạn mục, vừa xa lạ, bí ẩn và lãng mạn.Có lẽ nhiều người sẽ giật mình đến ngỡ ngàng khi bắt gặp những bầu ngực không che đậy giữa đại ngàn. Nhưng đối với người dân Tây Nguyên, đó là một tập tục đẹp, trong sáng đến lạ kỳ. Thấp thoáng trong những lùm cây hay trên nương rẫy ẩn hiện những bộ ngực trần đẫy đà của những người phụ nữ, những cô gái trẻ tràn trề sức sống, cũng như những bộ ngực trần sạm màu nắng gió của những người đàn ông.
...Họ ngạc nhiên không phải vì những bộ ngực trần, mà tưởng chừng một vùng xa xôi hẻo lánh này có những dân tộc mà nền “văn minh” đã đến trước cả họ, hoặc nơi đây còn tồn tại những bộ tộc lạc hậu từ thuở xa xưa.Trước đây phần nhiều các cô gái chưa chồng cởi trần, làn da nâu chắc lẳn, chân dài quấn váy hờ đúng như sử thi Tây Nguyên đã tả. Những đôi vai tròn, ngực săn, cặp vú nhô lên chắc lẳn và mềm mại cứ ngời ngời lên trong sáng bình minh hay buổi chiều tà. Tây Nguyên thật bình yên và trữ tình là vậy!
...Hòa mình vào chốn buôn làng người ta mới cảm nhận được hết những nét độc đáo của nền văn hóa Tây Nguyên. Bên bếp nhà sàn những chiều Tây Nguyên hay những đêm trăng sáng. Các cô gái buôn làng thường tụ tập nhau cùng giã gạo đan lát thêu thùa. Chẳng phải nơi đây nền văn minh đã đến trước như các nước ở châu Âu mà sự khỏa thân của người phụ nữ trở thành một cái mốt, một thứ nghệ thuật. Cũng không phải họ là những con người còn hoang dã. Họ sống như người ta vẫn sống, hồn nhiên như cây rừng và sáng trong như nước nguồn buổi sớm.Các dân tộc Tây Nguyên sống gần gũi với núi rừng trong mọi sinh hoạt từ lúc sinh ra, làm ăn, vui chơi cho tới khi nằm xuống, họ lại trở về với đất rừng, với cỏ cây hoa lá. Toàn bộ những vật dụng xây cất nhà cửa, cho đến rau cỏ hàng ngày đều do rừng núi cung cấp. Sống trong núi rừng hoang vu, lấy nông nghiệp trồng trọt làm nguồn sống chính, các dân tộc như Brâu, Xê Đăng, Ba Na, Xtiêng…chọn cách ứng xử hai mặt trước thiên nhiên để đối phó và thích ứng với nó, tức là hòa mình vào thiên nhiên để thích ứng...
...Tục phụ nữ để ngực trần là một tập tục đẹp, vẫn được các cộng đồng người ở Tây Nguyên duy trì cho tới ngày nay. Trước đây các tộc người ở Tây Nguyên sống chủ yếu trên những cao nguyên được núi rừng bao bọc qua nhiều thời kỳ. Hình ảnh sinh sôi nảy nở của Nữ thần Mặt trời, Mẹ lúa đã ăn sâu vào tiềm thức của người Tây Nguyên trở thành một huyền thoại.
Do vậy, quan niệm về cái đẹp cũng bắt nguồn từ thuở ấy và bầu vú người phụ nữ được phô ra như những gì rực rỡ nhất của núi rừng.Giờ đây, tục để ngực trần ở các buôn làng Tây Nguyên vẫn lưu giữ nhưng không còn phổ biến nhiều, nhưng những di sản văn hóa Tây Nguyên còn ghi đậm dấu ấn như tượng nhà mồ khắc hình người phụ nữ mang thai với bầu vú căng tròn khỏe khoắn, trên những nét khắc họa của kiến trúc nhà dài ở Tây Nguyên. Tây Nguyên hoàn toàn không hoang sơ như người ta tưởng, mà nó chứa đầy trong mình những trầm tích văn hoá, được hiểu như sự tích tụ những giá trị vật chất và tinh thần do người Tây Nguyên tạo ra từ hàng ngàn năm nay. Hình thức sống của con người ở đây được lưu giữ trong bề dầy văn hoá đầy bản sắc này.
(Trích đoạn theo "Bộ ngực trần trên vùng đất đỏ" của NGUYỄN THÀNH được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 1+2/2015)
*Thiếu nữ K’Ho với nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Hữu Thành


Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Nhớ thuở học trò mê thơ Mường Mán ... CHUYỆN TÌNH RĂNG RỨA

Nhớ thuở học trò mê thơ Mường Mán ...
CHUYỆN TÌNH RĂNG RỨA
Không biết ai đã từng nghe qua nhà thơ Mường Mán chưa, còn tôi, tôi chỉ biết khi đặt chân đến Huế được một thời gian và đọc qua vài bài thơ của ông viết về xứ Huế. Qua những vần thơ ấy, tôi dường như đắm chìm vào khung trời Huế xưa, một Huế duyên dáng và e ấp như vành nón của người thiếu nữ, dù giờ đây Huế đã khác nhiều nhưng cái hồn của Huế thì ngàn năm còn đó, tôi đã yêu Huế từ lần đầu đặt chân bước đến, yêu Huế từ những hạt mưa đầu lạnh ngắt trời đông…
Hồi ấy, trường Quốc Học là trường dành riêng cho nam sinh, và trường Đồng Khánh là trường dành riêng cho nữ sinh. Học sinh hai trường này học rất giỏi, mỗi khi tan trường, nam sinh Quốc Học thường hay đón chờ nữ sinh Đồng Khánh chuyện trò, trao thư… Từ đây đã hình thành nên nhiều chuyện tình, và bài thơ sau đây là sự mở đầu cho một chuyện tình yêu thời học trò ở Huế: Lời người con gái nghe có vẻ chua ngoa, nhưng không dấu được nỗi thích thú trong lòng, đầu câu chuyện là những lời trách móc, sợ dị nghị nhưng cuối câu chuyện là lời hẹn hò cho những lá thư:
Răng mà cứ theo tui hoài rứa?
Cái ông ni mới dị chưa tề
Sớm trưa chiều ba bữa đi về
Đưa và đón mần chi không biết!
Ôi đôi mắt chi mà tha thiết
Đừng có nhìn loạn bước tui đi!
Lá thư tình ông gởi mần chi?
Cha mẹ biết rầy la tui chết!
Tội tui lắm! Cách cho vài bước
Đừng đi gần hai đứa song đôi
Xa xa cho kẻo bạn tui cười
Mai vô lớp cả trường dị nghị!
Theo chi rứa răng không biết dị
Thôi được rồi! Đưa lá thư đây!
Mai tan trường đơị ở gốc cây
Tui sẽ tới trả lời cho biết…
Đó là bước đầu trao thư và nhận thư, lối xưng hô vẫn còn xa cách lắm, người ta bảo dấu hiệu để nhận biết người con gái Huế đã bằng lòng yêu bạn hay chưa là qua cách xưng hô, con gái Huế khi chưa yêu thì thường xưng “ông, tui”, đến khi xưng “ông, em” thì tình cảm đã lớn thêm một cấp độ nhưng người con gái Huế vẫn đang còn tìm hiểu và thử thách chàng trai. Đừng nghĩ rằng người con gái Huế xưng ông là vì người con trai lớn hơn mình quá nhiều tuổi, mà đó là vì con gái Huế muốn thế:
Em sanh ra đã là con của Huế
Nên gắn liền với mấy chữ mô tê
Có khó chi mô ông chẳng hiểu tề
Huế “răng rứa” như của ông “sao dậy”
Em gọi “ông” có chi mô mà lẫy
Ông không già thì để ý mần chi
Tại xưng anh em thấy nó kì kì
Người ta nghe được… ôi thôi dị chết
Ông biết rồi răng giả vờ cho mệt
Mần người ta noái chậm khổ ghê nơi
Huế em tiếng khó nghe rứa người ơi
Đến đây rồi… ráng mở tai cho lớn
Nhiều chàng trai đã “lẫy” khi người con gái Huế xưng ông tui như vậy, và như trên những vần thơ đó, người con gái Huế giải thích thật dễ thương.
Và rồi chắc cũng có thư qua, về. Tháng ngày trôi đi, không biết đã xong học kỳ I, học kỳ II chưa, hay là chàng trai ấy và cô gái Huế ấy đã bước sang năm học mới nhưng bài thơ sau thì chắc chắn là chuyện tình của họ đã đi qua được những cửa ải khó khăn ban đầu của sự ngại ngùng, của tâm lí hồi hộp khi trao lời muốn nói. Tình cảm đã thân thiết hơn, trong cách nói chuyện đã bớt đi phần e ngại, người con gái Huế đã xưng “em” không còn xưng “ tui, ông” xa cách như trước nhưng vẫn giữ được khoảng cách nam – nữ. Sau giai đoạn đưa thư làm quen, đây là lúc đã được chấp nhận và bắt đầu nhớ thương, tìm đến nhà:
Tôi nhớ mãi một câu “rứa hí”
Em chào tôi “Rứa hí! Em về”
Lời nhẹ nhàng mà dạ tôi tê
Tiếng chào nhỏ đủ nghe “rứa hí”…
Đã bao lần tôi về bên Huế
Với tôi Huế không nói điều chi
Chỉ đám cỏ non bờ sông chảy thế
Là tôi nghe tiếng Huế thầm thì
Con phố vắng tôi lần tìm quán nhỏ
“Mệ bán cho con năm đồng thuốc lá”
Mệ nhìn tôi rồi cười hỉ hả:
“Có rứa mà chú cũng mần thơ”
Chuyện tình yêu thời học trò chỉ có thế thôi. Những lá thư hò hẹn, những ánh mắt nhìn… Nghĩ về nhau nhiều lắm mà chẳng dám nói chi nhiều. Thế rồi, chắc là hết học, cô gái lấy chồng theo sự sắp đặt của ba mạ. Cả hai đều buồn. Lần cuối chia tay tình cảm cũng rất trong veo, vẫn là “bên nớ”, “ bên ni” đầy khoảng trống:
Rứa thì rứa, biết mần răng được
Bên nớ về, bên ni biết mần răng
Bên nớ về, bên ni đứng tần ngần
Nỏ được cầm tay
Chỉ lặng thinh không nói
Có chi mô mà rầu rầu tức tưởi
Lần cuối cùng thì cũng rứa mà thôi
Tôi không muốn có một kết thúc như thế này nhưng thơ văn xưa đã viết vậy, câu chuyện tình Huế qua những vần thơ “răng, rứa” cũng đành chịu như vậy mà thôi:
Ngày dạm hỏi
Bên nớ lên chùa trốn biệt
Ba Mạ tìm buông lời tiếng bẽ bàng
Rứa thì rứa biết mần răng được
Bên ni buồn khi bên nớ sang ngang
Hôm hôn lễ, bên nớ bày hoa sứ
Cái loài hoa hai đứa mình yêu
Bên ni biết, bên nớ còn chưa hết
Vẫn còn thương, thương lắm biết bao nhiêu
Rồi cả cuộc đời, mấy chục thu qua đổi dời cách biệt, phận con người bé nhỏ nào có chống chọi được với thời gian, nhưng chàng trai thế mà đã dành cả đời chỉ để nhớ thương người con gái ấy:
Ngày gặp lại, bên nớ thành bà ngoại
Mà bên ni vẫn là cứ trai tân
Bên nớ hỏi: Răng mà tội rứa
Bao năm rồi còn chưa chịu thành thân
Rứa thì rứa… Có chi mô mà hỏi
Chưa quên được người, đâu muốn khổ cho ai…
Chuyện tình Huế theo răng rứa rồi có một kết thúc buồn như thế, tôi ước gì đó sẽ là một câu chuyện có hậu, Huế mà, thời xưa qua bao đời vua đời chúa, người con gái không thể cãi lời cha mẹ…
...
(Trích trong "Tâm Sự: Huế – Chuyện Tình Răng Rứa) của Huỳnh Minh Nhật đăng trên http://minhnhat.org/)









Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Ngồi nhớ những lời... nhạc chế ngày xưa!

Ngồi nhớ những lời... nhạc chế ngày xưa!
CÓ CÔ GÁI ĐỒ LONG LẮC BẦU CUA

...
Không bàn tới những bài "nhạc chế" sau này (vì chưa biết nó "sống" bao lâu, và vì... tui cũng hổng biết nhiều về nó), ở đây chỉ nhắc tới những bài hát cải biên mà tui đã nghe và nhớ mấy chục năm qua thôi. Kể lại nghe chơi nha!
Ai đang đi, trên cầu Bông
Té xuống sông ướt cái quần ny-lông
(Ai đang đi trên đường đê,
Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
Gạo trắng trăng thanh - Hoàng Thi Thơ)
*
Cười lên đi cho răng vàng sáng chói
Hát lên đi để cho đời le lói
(Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
Khúc ca ngày mùa - Lam Phương)
*
Một - hai - ba thằng cha bán kẹo què giò
Một - hai - ba thằng cha bán kẹo què giò
Còn một giò đi kéo xe lôi
Còn một giò đi kéo xe lôi
(Qua thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn
Vui ca xang rồi đi tiễn binh ngoài ngàn
Người đi ngoài vạn lý quan san
Người đứng chờ trong bóng cô đơn
Hòn vọng phu 1 - Lê Thương)
*
Trời đêm dần tàn, tôi lấy Honda, tôi dắt nàng đi ra nhà hàng
Cầm chắc năm trăm, tôi hỏi này nhiêu đây được chăng?
(Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga, đưa tiễn người trai lính về ngàn
Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay
Tàu đêm năm cũ - Trúc Phương)
*
và còn nhiều, nhiều lắm, ai nhớ xin kể thêm cho vui.
Như một lẽ tất nhiên, bài hát gốc (vốn là bài nổi tiếng) phải được nhớ nhiều và lâu hơn bài hát cải biên. Vậy mà có một trường hợp ngoại lệ...
Đó là bài hát sau đây:
Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua
Lắc ba cái ra ba con gà mái
Chung hết tiền, thua hết tiền...
*
Chắc chắn là các bạn đồng trang lứa với tui đều biết và nhớ bài hát cải biên này, nhưng bài hát gốc là gì lại chẳng mấy ai nhớ (kể cả tui).
Ở thời buổi Internet này, cần biết gì cứ Gu-gồ một phát là xong, vậy mà mấy năm liền tui tìm hoài vẫn hổng biết mấy câu này từ đâu mà ra. Dù vậy, tui biết chắc là nó xuất phát từ một bài hát gốc nổi tiếng nào đó, bởi vì ngoài 3 câu đã được cải biên như trên, trong đầu tui vẫn nhớ giai điệu của ít ra là 4 câu hát. Tức là bài hát gốc này tui đã từng được nghe nhiều lần rồi, từ hồi xửa hồi xưa. Quen lắm, nhưng mà... không sao nhớ nổi! Chỉ nhớ "Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua" thôi.
May quá, mới đây bạn già Quan Tăng của tui từ bên Mẽo mới nhắc rằng đó là bài Tiếng hát quê hương của Y Vân, Xuân Lôi.
Từ manh mối này, tui tìm ra bài hát gốc như sau:
TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG
Xuân Lôi - Y Vân
Có cô gái miền quê hát bài ca
Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió
Thôn xóm nhà khi nắng tà
Êm êm trong muôn câu hò
Tiếng ai vẫn thường ngâm những bài thơ
Lúc qua núi cao hay bên đồng lúa
Non nước nhà vui thái hòa
Vang vang lên muôn lời ca
Ngàn muôn câu thơ câu hò
Hay bài ca trên lúa
Nhưng sao cho hết tình ta
Yêu non nước ngàn hoa
Có khi thấy mình như đã từ lâu
Biết bao nỗi yêu thương trong giòng máu
Nên nhớ nhiều, bao mái đầu.
Mong cho yên vui dài lâu
...
*
Tui còn được biết thêm là bài này nhạc sĩ Xuân Lôi (anh ruột nhạc sĩ Xuân Tiên) đã đoạt giải nhất sáng tác năm 1958 nên sau đó đã được phát rất nhiều trên sóng phát thanh. Thảo nào... (Năm 1958 là năm tui... chưa sinh ra, nên khi bài hát được phát nhiều tui còn nhỏ xíu hà, hổng nhớ rõ là phải rồi!).
...
*Nhạc sĩ Xuân Lôi sinh ngày 17/10/1917 tại Hà Nội, mất ngày 29/8/2006 tại Pháp
(Trích trong "Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua" của PHẠM HOÀI NHÂN đăng trên http://phnhan.vncgarden.com/…/co-co-gai-o-long-lac-bau-cua.…)



Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

THUYỀN GIẤY TUỔI THƠ

"Thả tình theo gió đi hoang
Thả con thuyền giấy xuống ngàn ấu thơ..." (Ra_hoingo.org)
THUYỀN GIẤY TUỔI THƠ
...
Những cơn mưa rào bất chợt trút nước ào ào như người ta làm ghét ấy, tích tắc nước ngập vuông sân, tôi nài nỉ chị cả gấp cho những con thuyền giấy có cánh buồm... để lúc trời tạnh mưa, tôi đem thuyền ra thả trên sân. Con thuyền giấy bao xi măng rất lâu thấm nước cứ nổi lềnh bềnh, tôi dùng tay khỏa nước cho con thuyền chạy tới, miệng reo cười sung sướng. Không thích thả thuyền trên sân phải điều khiển bằng tay mỏi mệt, tôi đem thuyền giấy ra đường cái nước đang chảy, thả xuống rồi chạy theo xem thích thú.
Thuở bé, đi học ở trường tiểu học vào những giờ ra chơi của ngày đông mưa rả rích, chúng tôi thường dùng giấy vở học thắt những con thuyền giấy xinh xinh, hái bông nở ngày đỏ thắm bỏ vào thuyền, ngồi trên thềm hành lang phòng học xem thuyền trôi lơ lửng mà tưởng tượng về những điều xa xôi.
Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng biết gấp thuyền giấy. Con gái khéo tay gấp những con thuyền giấy nhỏ xíu. Các nàng gấp vừa xong con thuyền đang ngồi ngắm nhìn thích thú thì bọn con trai lò dò đến gần, nhanh như cắt đưa tay giật phắt con thuyền sải chạy mất tăm. Con gái giận hờn nhanh và cũng nguôi ngoai nhanh như cơn gió thổi. Khi bạn trai giật thuyền giấy đem trả lại thì chiếc thuyền đã ướt bẫy ra, vì “những con ngựa chứng” đem thả thuyền chán chê rồi mới trả lại không một lời xin lỗi.
Cũng có một số nữ sinh nhí có gan, khi bị lũ con trai chơi khăm, giật lấy thuyền giấy đi thả ngoài hầm chứa nước mưa, các cô lần hồi tìm viên gạch bể ném xuống con thuyền giấy làm nước bắn tung lên ướt cả áo quần của “quân ăn trộm”, khiến cho bạn trai vào lớp ngồi run lập cà lập cập.
Tuổi thơ nào cũng có những trò chơi na ná nhau. Thằng nhóc của tôi, chẳng biết ai dạy cũng lần lấy giấy vở học trò gấp những chiếc thuyền giấy, đợi lúc trời mưa, cu cậu cởi hết quần áo chạy băng ra đường cái trước nhà thả thuyền, cười ròn rã dưới mưa. Đến lúc thuyền giấy thấm nước mưa thì cu cậu cũng thấm lạnh, môi tím, hai hàm răng va vào nhau và những ngón tay rúm ró mới phóng vào nhà thay đồ, mãn nguyện.
Bây giờ trẻ con thay những con thuyền giấy bằng những con thuyền nhựa (đồ chơi điện tử), chúng đem thả những con thuyền hiện đại xuống nước, máy nổ lọc ọc, thuyền chạy băng băng trông hấp dẫn vô cùng!
Những người bạn cùng chơi thuyền giấy với tôi ngày xưa giờ đã có cháu nội, cháu ngoại. Mỗi lần bạn bè cùng tôi ngồi nhâm nhi ly rượu đế, nghe tôi kể lại những kỉ niệm ngày xưa, đứa nào cũng cười khật khưỡng: “Hồi nhỏ, lúc nào ông cũng theo chơi với bọn con gái, giống như dân "bê đê", nên trong học bạ, hạnh kiểm của ông luôn luôn được thầy cô phê ngoan hiền”.
(Trích trong "THUYỀN GIẤY" của Trần Quốc Cưỡng đăng trên baoquangbinh.vn)

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

CHÔM CHÔM RUỘT VÀNG

Nhớ Ban mê ngày xưa, ở Biệt Điện Bảo Đại có nhiều trái cây rừng hấp dẫn lũ trẻ chúng tôi...
CHÔM CHÔM RUỘT VÀNG
...
Theo tìm hiểu, chôm chôm ruột vàng là một loại chôm chôm rừng, người ta còn thường gọi là chôm chôm dây. Loại chôm chôm ruột vàng này có nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên như Đak Nông, Đak Lak và một số tỉnh miền Trung.
Cũng theo một số người hiểu biết và từng ăn loại chôm chôm rừng này cho biết, chôm chôm này ăn sẽ không sao, nhưng ăn nhiều thì sẽ bị say và khó chịu.
Còn một số người dân từng sống tại các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Phước, Bình Dương thì cho biết, loại chôm chôm này mọc nhiều ở vườn quốc gia Bù Gia Mập. Chôm chôm này ăn được nhưng không nên ăn nhiều.
...
(Trích trong "TP.HCM xuất hiện chôm chôm ruột vàng" của Lê Thạch đăng trên http://www.doisongphapluat.com/)
------
...
Khác với những loại trái cây trồng được bán trên thị trường, trái cây rừng có mùi vị thơm ngon vô cùng. Đa số những loại trái cây rừng có vị chua khi còn xanh nhưng khi chín thì mang lại vị ngọt nhẹ. Chính mùi thơm thoang thoảng không quá gắt đã quyến rũ và hấp dẫn nhiều du khách khi đặt chân tới vườn quốc gia Bù Gia Mập.
...
Chôm chôm rừng cũng vậy! Những đứa trẻ người m’nông coi đây là món trái cây khoái khẩu của chúng. Chắc tại vị giòn và thơm của chôm chôm rừng mà chúng bị hấp dẫn đến lạ lùng, chôm chôm rừng giống chôm chôm nhà, nhưng khác là chúng có cơm màu vàng!
(Trích theo "Rừng Bù Gia Mập – Mùa quả chín" của Kieu Anh)

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Đi qua cuộc chiến tranh... TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (tiếp theo và hết)

Đi qua cuộc chiến tranh...
TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (tiếp theo và hết)
6.
Trung đoàn trưởng 44 là Trung tá Võ Khâm, đeo kính trắng, da mặt hồng hào, dáng người trí thức hào hoa, quen thân Tải vì những lần về Ban Mê Thuột ông thường vào vũ trường. Tôi được Tải mời ăn sáng, uống cà phê mấy lần với ông cùng với vài sĩ quan Trung đội. Sau này, tại Qui Nhơn, tôi có đến thăm vợ, và con gái ông, tên Sương, có suối tóc đen dài, rất đẹp. Tiểu đoàn trưởng 4/44 là Đại úy Vũ Công Khanh, dễ tính, hiền hậu, và chịu chơi vô cùng. Ban ngày Tiểu đoàn đi lùng địch, có khi phối hợp với Thiếu úy chi khu người Chàm, Thổ Thêm, mà VC sợ khiếp vía vì nghe đồn ông chơi bùa ngãi, đánh đâu thắng đó. Người ta nói Thiếu úy Thổ Thêm là Sĩ quan có nhiều huy chương nhất trong Quân Lực VNCH, và một lần tôi lén đếm những anh dũng bội tinh ông đeo trên ngực mới đến cái thứ 60 là đã lộn, phải đếm lại và lộn nữa. Ban đêm, tiểu đoàn về đóng chung quanh nhà dân, hay ven rừng. Xa xa là núi Tà Dôm thỉnh thoảng sáng rực hỏa châu. Hoặc những đêm rằm, thấy trên đó những giọt trăng lung linh rớt xuống như từng hàng lệ rơi. Toán CTCT của tôi ăn dầm nằm dề với BCH Tiểu đoàn, và mặc nhiên tôi trở thành một trong những sĩ quan cơ hữu, giống như hai cố vấn Mỹ và ông bạn Quế, Trung úy Pháo binh Sư đoàn 23 tăng phái. Tiểu đoàn đi đâu, tôi theo đó. Đụng trận, cũng nổ súng như ai. Và cũng suýt chết như ai. Một lần Đại úy Khanh bị bắn sẻ, tôi đứng cạnh ông, một viên đạn rít bên mang tai, xuyên qua cổ người lính mang máy truyền tin, gần đó. Những ngày không hành quân, tôi thường mò xuống quận Thiện Giáo, cách khoảng tám phút xe lam, súng ống và lựu đạn trang bị đến tận răng, để ngắm cô thư ký tên L., nhỏ nhắn, xinh xắn, lãng mạn. Một hôm tôi nhận được một lá thư của cô, rất ngọt ngào, vòng vo tam quốc, trong đó dùng toàn những câu trữ tình kiểu cải lương Lan và Điệp. Tôi không trả lời, vì không hiểu cô muốn nói gì, vả lại cũng sợ mỹ nhân kế. Một tháng sau, một Sĩ quan trong toán pháo binh biệt phái khoe có “Quen em thư ký quận” và cho tôi xem thư của cô. Chết rồi ! Cũng những câu Lan và Điệp đã viết cho tôi. Đối chiếu hai lá thư thấy giống y chang, chỉ đổi tên “khổ chủ”. Cả hai cùng cười to, tôi tự nguyện rút lui và năn nỉ anh bạn hy sinh tiếp tục cuộc chơi.
Mỗi cuối tuần, Đại úy Khanh cho chúng tôi thay phiên nhau lên thị xã Phan Thiết nghỉ xả hơi, ăn nhậu, bù lại những ngày lội sình, cơm thịt hộp, ngán tận óc. Buổi tối, đến công viên nghe Nhật Trường hát live hoặc ra chợ cùng với bạn bè, ăn những chiếc bánh căng đúc còn ướt sền sệt bỏ đầy trong tô ngập nước mắm đặc biệt và uống bia ướp lạnh. Rồi trong khi bạn bè đi bắt bò lạc, tôi về khách sạn rẻ tiền, ngủ tạm, mặc nguyên quân phục, súng lên đạn đặt ở đầu giường, nằm đọc thơ Baudelaire hoặc nghe tiếng đại bác ầm ì trên ngọn Tà Dôm. Trong Tiểu đoàn có một đại đội trưởng tên Trần Đăng Lộc, nguyên giáo sư Võ Tánh, trước có quen tại Nha Trang, gặp lại nhau, vui mừng hớn hở. Tha phương ngộ cố tri là vậy. Và trong BCH Trung đoàn 44 lúc ấy có một đồng hương, nay là nhà văn tài hoa nổi tiếng, định cư tại Na-Uy, Phạm Tín An Ninh - mà mãi đến bây giờ nhờ duyên may tôi mới được biết và quen thân. Cũng nhân một trong dịp nghỉ cuối tuần tại Phan Thiết này mà tôi được đọc trên báo biết tin, và khóc cho, người bạn Thanh Sinh Công Văn Khoa Ngô Đình Lệ Thủy bị tai nạn chết, như tôi đã kể trong bài viết về cô.
Mãn hạn công tác, tôi rời Phan Thiết. Vẫn không có người yêu dấu nào đưa tiễn. Vào Sài Gòn, rồi về Nha Trang, nghỉ hơn nửa tháng, trước khi ra Qui Nhơn trình diện Đại đội 202 CTCT. Tại đây, bắt đầu một giai đoạn mới của đời chiến binh. Nhưng đó là một chuyện khác.
7.
2011. Bốn mươi lăm năm sau, kể từ ngày đặt chân lên Xứ Buồn Muôn Thuở. Hôm nay, mùa thu trở lại trên Portland. Mưa từng cơn lạnh, và buổi sáng, buổi chiều, sương mù phủ trắng những ngọn thông già rung mình trong gió. Lái xe ngang qua, tôi nghe rét mướt lùa vào hồn, nghe từng kỷ niệm êm đềm, từng tiếc nuối xót xa của mùa thu cao nguyên xưa lần lượt kéo về, úa vàng như những chiếc lá rơi đầy trên ngõ. Như thời gian đã mất mà tôi vẫn khắc khoải tìm về nâng niu, cho quên đời phiền lụy.
Cựu Đại úy Phạm Văn Tải và gia đình đang sống tại Portland, như tôi. Người nhạc sĩ vũ trường tài hoa, “dân chơi thứ thiệt” ngày nào, chỉ huy trưởng đầu tiên của tôi, giờ đã 76, có một người con làm linh mục và một giàn cháu nội ngoại, và chỉ đàn trong nhà thờ và thỉnh thoảng cho con cháu, và tôi, người khách đặc biệt, nghe. Cựu Trung úy Nguyễn Hữu Đạo, trên 85, cũng là đồng hương Portland, vẫn làm thơ, dưới tên Thanh Khê, như trước đây khi còn ở Xứ Buồn Muôn Thuở, để ca tụng thiên nhiên, cuộc đời, gia đình, nhất là hiền thê đã gắn bó với ông hơn ba phần tư thế kỷ, với những lời thơ bình dị, chan chứa tình người. Cựu Trung úy Nguyễn Văn Mỹ, sau lên Thiếu tá Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 20 CTCT, hiện sống ở Seattle, tiểu bang Washington, cùng với con, cháu. Cựu Đại úy Lê Văn Cậy, cậu tôi, sau về làm quận trưởng quận châu thành Hàm Thuận, Phan Thiết, hiện định cư tại Tokyo, Nhật. Khôi Trán Cao, sau rời trường Đại Học CTCT về Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt, nay ở Nancy, Pháp. Quang Học Giả, sau lấy cô Nga, hàng xóm của chúng tôi tại căn nhà ma, không biết bây giờ ở đâu. Nguyễn Cảnh Lộc và Phan Văn Tần đang ở Mỹ, nhưng tôi chưa liên lạc được. Lê Đồng về sau lên thiếu tá, phòng 5 Sư đoàn 23 BB, và trước ngày tan hàng một tháng, trong một chuyến công tác từ Kontum về, ngang Buôn Hô, đã rớt trực thăng, được truy thăng cố Trung tá. Theo lời Phạm Tín An Ninh kể, Trung tá Võ Khâm đã tử trận, mất xác, năm 1974 tại Bu Prang, Quảng Đức, khi ông trong chức vụ Tiểu khu phó Khánh Hòa ông dẫn một lực lượng địa phương quân lên tăng cường cho Quảng Đức. Ninh cũng cho biết Thiếu úy Thổ Thêm, sau lên Thiếu tá, cải tạo trở về, chết tại nhà. Cựu Trung tá Võ Công Khanh đi tù nhiều năm ngoài Bắc, hiện định cư tại Na-Uy như Ninh, cùng với gia đình gồm vợ và con, cháu. Cựu Đại úy Quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển nay trở thành nhà văn nổi tiếng Hoàng Khởi Phong ở Westminster.
Về những mỹ nhân, nghe Ninh nói, vũ nữ Diễm của cố Đại úy Mỹ (chết trận Buôn Hồ) về sau là vợ hai của một Sĩ quan đàn em ông Mỹ. Tôi cũng nghe ai nói, cô chủ quán bi da Chợ Nhỏ bị người anh rể nổi cơn ghen hay cơn điên bắn chết cùng với toàn gia đình trong một vụ thảm sát và tự sát kinh hoàng làm rúng động Ban Mê Thuột. H’Mai và cô Sương, ái nữ của cố Trung tá Võ Khâm, không biết bây giờ ra sao. Cô thư ký L. của quận Thiện Giáo, không rõ sau này có lấy anh bạn Pháo binh - mà tôi cũng vô âm tín. Mộng Lan đã từ trần, bỏ cuộc chơi giữa tuổi thanh xuân, khi vũ trường đường Tôn Thất Thuyết bị đặt chất nổ.
Còn ông bà Thiếu tướng Võ Văn Cảnh và ba chị em Như Hường, Bích Thủy, Huy ? Cách đây hơn nửa năm, Luật sư Trương Phú Thứ, Seattle, nhờ tôi dịch quyển hồi ký của bà Ngô Đình Nhu, và nói đã có một người lo phần ấn loát, tên Trần Văn Giang, “con rể của Tướng Cảnh”. Tôi không bao giờ gặp lại Thiếu tướng Cảnh sau ngày rời bỏ Ban Mê Thuột, nhưng mỗi lần nghe ai nhắc đến tên ông, những kỷ niệm buồn vui từ đâu bỗng hiện về tràn ngập tâm hồn - rộn rã với bao nhiêu tình cảm luyến lưu, đằm thắm, không chỉ đối với ông mà cả gia đình ông. Sau một thoáng xúc động, tôi hỏi Thứ : “Giang lấy cô nào vậy ? Như Hường hay Bích Thủy ?” Thứ đáp, “tôi không rõ”. Sau đó, được nói chuyện qua email, rồi điện thoại, với Giang và Như Hường, tôi được biết Thiếu tướng Cảnh đã mất năm 1994, bà đã trên 80 và sống lặng lẽ, đạo đức, chăm lo việc Chúa. Ba người học trò nhỏ năm xưa nay đã lớn, có gia đình êm ấm, con cái thành tài. Giang lấy một người em của Như Hường và Bích Thủy, trong đám “con nít” cười rúc rích sau tấm màn, buổi tối đầu tiên tôi đến dạy.
Tôi hứa với Như Hường, ngày nào xuống Nam Cali, tôi sẽ đến thăm bà cụ và các em và sẽ ra mộ thắp nhang cho cố Thiếu tướng Võ Văn Cảnh, một vị chỉ huy tài ba, quá tốt -mà tôi đã may mắn được một lần gặp gỡ. Để nhớ thương một đời.
Kim Thanh
Portland, tháng 12, 2011
(Trích TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ-Phần 6 & 7 của KIM THANH đăng trêndongsongcu.wordpress.com)

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Đi qua cuộc chiến tranh... TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (tiếp theo)

Đi qua cuộc chiến tranh...
TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (tiếp theo)

4.
Tôi còn dẫn toán đi công tác mấy chuyến nữa. Đặc biệt, một lần biệt phái hai tuần cho chi khu Kiến Đức, tỉnh Quảng Đức, cùng với toán của Thiếu úy Nguyễn Cảnh Lộc, bạn học cũ ở Nha Trang. Liên toán có nhiệm vụ làm công tác Dân sự vụ, lần này hướng dẫn vệ sinh, tại các ấp Thượng B’râu, còn gọi là “Thượng Cà Răng Căng Tai”. Chi khu cung cấp thông dịch viên và phương tiện, cuốc xẻng chẳng hạn, nếu cần. Lần đầu đến một buôn Thượng, lại gặp lúc trời mưa, đường trơn và đầy bùn đỏ, xe bị trợt bánh, phải xúm nhau đẩy, tôi thấy nản quá. Họ ở dơ thật. Người nằm ngủ trên sàn, trâu bò, heo gà vịt ngủ dưới sàn, phân súc vật trộn lẫn, nặng mùi. Nước ăn và nước rửa lấy từ một con suối duy nhất. Chưa nói đến tục xăm mặt, trai gái, già trẻ gì cũng phải mài hết hai hàm răng, và kéo hai tai thành một lỗ bự đặt vừa một đồng xu, trông rất ghê, nhất là khi họ cười. Thông dịch viên cắt nghĩa: “Đàn bà con gái phải như vậy mới được gọi là đẹp”. Liên toán thay nhau đào giếng nước, hố vệ sinh cho dân, trong khi mỗi ngày y tá khám bệnh, phát thuốc. Đào xong, họ lại không đi vào hố, và buổi sáng trở lại, chúng tôi thấy phân người rải rác khắp lối. Cái giếng cũng bị bỏ trống, dân vẫn rủ nhau ra suối. Quận Kiến Đức buồn rợn người, lẻ tẻ có vài nóc gia người Kinh. Khi màn đêm buông xuống sương mù bao phủ như một dải lụa trắng. Đứng trên lô cốt, tôi ngắm trăng sao, buồn nhớ quê nhà. Xa xa, một vùng có ánh đèn lung linh hắt lên nền trời. Một lính chi khu bảo tôi: “Phía đó là Căm Bốt đó, ông thầy!”.
Một lần khác, tôi phải dẫn một toán đến Lâm Đồng theo tiểu đoàn 22 Biệt Động Quân hành quân giải tỏa một đồn điền cà-phê giữa rừng, bị VC chiếm giữ. Đến nơi thì chúng đã “chém vè” (rút lui) trước, bỏ lại một kho gạo và hai máy phát điện, và Tiểu đoàn tiến quân dễ dàng, không tốn một viên đạn...
Sau chuyến này, tôi có thể được nghỉ một tháng hơn, tính theo phiên, nếu không có công tác đòi hỏi bất ngờ. Một buổi chiều, trở về nhà, Thiếu úy Tải nói riêng với tôi:
- Trung tá Trung đoàn trưởng 45 Võ Văn Cảnh mới gọi tớ, ổng nghe nói trong trung đội mình có một sĩ quan trước là giáo sư Pháp văn, tớ mới nghĩ đến cậu...
Tôi cắt ngang:
- Để làm gì?
- Ông đang tìm một giáo sư đến nhà dạy kèm Pháp văn cho ba người con của ổng.
Tôi lưỡng lự:
- Đây có phải là lệnh?
- Không. Ổng nói ổng sẽ trả tiền dạy. Cậu có thể từ chối, ổng sẽ đi kiếm người khác, không sao cả. Vả lại, ổng không chỉ huy trực tiếp tụi mình, cho nên cậu không ngại nếu từ chối. Nhưng tại sao phải từ chối?
Tải để tôi tự do suy nghĩ một ngày. Tôi hỏi ý kiến Khôi Trán Cao, đang nằm đọc sách. Khôi ngồi nhổm dậy, chậm rãi nói: “Nên lắm chứ, toa có đầy đủ điều kiện. Moa muốn, cũng chưa chắc được. Không phải hễ nói tiếng Pháp được, như moa, là dạy được. Phải chuyên môn!”
Tôi đồng ý.
Và chiều hôm sau, đúng giờ hẹn, Trung tá Cảnh trong bộ đồ dân sự, đích thân lái xe jeep nệm bọc vải trắng dành cho Trung đoàn trưởng đến căn nhà ma đón tôi về tư thất của ông. Vừa lái, ông vừa hỏi về gia thế, đời lính, công tác v.v... đủ chuyện, một cách rất thân tình, gọi tôi bằng “thầy”, cười tươi, không còn vẻ oai nghiêm, dõng dạc như khi ông thuyết trình hành quân tại Sư đoàn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nói chuyện riêng với ông, được quan sát ông rõ gần: ông cao lớn, mặt trắng trẻo, cương nghị, và theo tôi là mẫu người đàn ông đứng tuổi đẹp trai, hùng dũng. Tôi cảm thấy yên tâm.
Tư thất có sân rộng, kiến trúc như một biệt thự nhỏ kiểu Pháp. Bà Trung tá đón tôi tại cửa. Dáng người quý phái, cử chỉ lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, bà cho tôi một cảm nghĩ rất tốt. Ba người học trò mới của tôi –hai cô lớn xinh đẹp và một cậu nhỏ mặt mày sáng sủa, thông minh– đang ngồi chờ tại bàn với sách vở sẵn sàng, thấy tôi vụt đứng dậy như máy, lễ phép “chào thầy”. Tôi yêu thích những học trò lễ phép. Nhìn hai cô, tôi nhớ những nữ sinh trạc tuổi ở trường Collège Nha Trang mà tôi đã bỏ lại sau lưng gần hai năm. Trung tá Cảnh giới thiệu:
- Đây Như Hường, chị cả, đây Bích Thủy, đây Huy.
Và dặn dò các con:
- Ráng học cho đường hoàng, đừng làm thầy phiền lòng.
Ông bà lui vào phòng. Tôi nhìn quanh, thấy bên bức tường đối diện, sau tấm màn hoa mỏng, thấp thoáng những bóng “con nít” mà tôi đoán là đám em của Như Hường đang nhìn chăm chú, chỉ trỏ về phía ông thầy mới. Có tiếng cười khúc khích, rồi sau đó im bặt, tất cả biến mất theo lệnh của bà mẹ.
Tôi cho một bài test thử trình độ. Cả ba cũng gần bằng nhau, mặc dù, dĩ nhiên, Như Hường khá hơn, và để tiện, tôi quyết định cho cả ba vào cùng một lớp, soạn chương trình riêng, chú trọng phần phát âm, nói chuyện, đặt câu, bắt đọc trước cho hôm sau một bài văn ngắn trong đó tôi sẽ nhân tiện giảng một số ngữ vựng và vài luật văn phạm, v.v... Mỗi bữa có trả bài (questionnaire) và viết một bài chánh tả (dictée). Trong suốt hai tiếng, tôi nói tiếng Pháp, trừ khi giảng văn phạm, và bắt tất cả nói tiếng Pháp, theo tôi. Tôi biết cả ba rất khổ, vì không quen. Như Hường là chị lớn tự nguyện nói nhiều làm gương, Bích Thủy, rất nhút nhát, có hỏi mới trả lời, nhưng học rất chăm. Huy thường im lặng, chờ thầy gọi đích danh mới nói vài câu ngắn. Một bữa gặp một bài dictée khó quá, Huy ngồi cắn bút, lặng lẽ khóc, tôi phải ngưng, và chuyển sang mục khác.
Sau một tháng, tôi thấy cả ba có tiến bộ, hoặc ít ra, đã quen với lối học, nhất là bạo dạn nói tiếng Pháp hơn. Xong lớp, Trung tá Cảnh đích thân lái xe đưa tôi về nhà, và như thế trong suốt thời gian tôi dạy tại tư gia. Tôi thầm cám ơn ông về cách đối đãi rất ân cần, lịch sự với thầy giáo và nhất là, trong trường hợp của tôi, với cấp dưới. Một tối, lúc đưa về, ông hỏi hai ngày cuối tuần nếu tôi có muốn đi chơi đâu, hay đi lễ nhà thờ, ông sẽ cho tài xế đến đón đưa. Tôi cám ơn, và trả lời tôi nếu cần đi đâu sẽ nhờ xe của Thiếu úy Tải, không dám làm phiền ông.
Ông cười, dễ dãi: “Cũng tùy thầy!” Bữa khác, sau lớp dạy, bất ngờ ông mời tôi ở lại ăn cơm. Bà Trung tá và hai cô học trò lo dọn các món. Dĩ nhiên, cơm hàng cháo chợ đã lâu, nay được ăn một bữa thịnh soạn dưới một mái gia đình mà tôi nhận xét đầy hạnh phúc và đầm ấm, làm sao tôi không thấy ngon miệng. Có thêm chai bia, tôi ăn nói, theo nghĩa đen, ăn và nói, tự nhiên hơn. Một lúc nào đó, Trung tá Cảnh bảo tôi:
- Khi nào hai bác ở Nha Trang lên Ban Mê Thuột, thầy cho tôi biết, chúng tôi xin mời hai bác đến nhà chúng tôi chơi.
Tôi vâng dạ, nhưng không biết có ngày nào ba mẹ tôi đến xứ Buồn Muôn Thuở này.
Dạy như vậy được một tháng rưỡi thì đến phiên tôi phải đi công tác. Tôi báo cho Trung tá Cảnh biết, và vì tế nhị, ông không can thiệp với Thiếu úy Tải. Thiếu úy Tải không thể viện cớ gì để nhảy qua phiên của tôi. Phần tôi vui vẻ vác súng và ba-lô ra đi, và như thường lệ bỏ theo trong bốn túi quần trận một bịch kẹo nougat, một phong chocolat Meunier, một quyển Truyện Kiều, và tập thơ Les Fleurs du Mal của Baudelaire. Việc dạy học bị gián đoạn, hoặc khó lòng tiếp tục như trước, vì những cuộc hành quân lúc ấy diễn ra liên miên, có khi Đại đội TLC-DSV phải cung cấp từ ba đến bốn toán một lúc.
Công tác vừa về, tôi được nghỉ mấy hôm. Lạicó lệnh hành quân cấp trung đoàn tại Khánh Dương do Trung tá Cảnh đích thân chỉ huy. Lần ấy là phiên của Khôi Trán Cao, hay Quang Học Giả, thì buổi sáng Thiếu úy Tải thông báo trước hàng quân:
- Trung tá Cảnh muốn đích danh Chuẩn úy Quý đi công tác kỳ này.
Ai nấy ngạc nhiên, nhìn nhau. Riêng tôi hiểu đó là một ưu đãi ông dành cho tôi. Sáng ấy, sau khi chiếc xe dodge của toán TLC-DSV nhập vào dòng xe của Trung đoàn, một binh sĩ đến nói: “Trung tá Trung đoàn trưởng muốn Chuẩn úy đi gặp ông”. Tưởng việc gì, thấy tôi ông tươi cười hỏi, “thầy khỏe không ?” và bắt tôi ngồi lên xe jeep chỉ huy của ông, khiến tài xế và viên sĩ quan truyền tin lấy làm lạ, hỏi nhỏ tôi có phải là thân nhân của Trung tá Cảnh hay của Chuẩn tướng Nguyễn Văn Mạnh, lúc đó là Tư lệnh Sư đoàn 23. Tôi lắc đầu, nói không phải, nhưng không giải thích thêm.
Đến Khánh Dương, Bộ Chỉ huy Hành quân dựng trại phía ngoài bìa rừng, bên quốc lộ 21 đi Nha Trang. Các cánh quân chia nhau bung ra khắp vùng. Còn toán tôi phải xuống dưới một buôn Thượng cách đó khoảng mười phút đi bộ. Buôn ấy của người Ra-đê, vì vậy lần này Trung sĩ Y Ksor đi theo công tác, làm toán phó và thông dịch. Nhà cửa trong buôn gọn ghẽ, ngăn nắp, nhưng người và vật ngủ chung, như dân B’râu tại Kiến Đức. Ở đây, đặc biệt, có một bông hoa rừng biết nói, mà sĩ quan Sư đoàn 23 nào, kể cả những người chưa đi toán bao giờ như Thiêu úy Mỹ và Thiếu úy Tải, đều nghe tiếng. Danh bất hư truyền. Cô tên H’(Hờ) Mai, da trắng, mặt trái xoan, mắt to đen, mũi thẳng, và tóc dài buông xõa, như đầm
lai, nhưng biết mắc cỡ như cô gái Việt. H’Mai không nói tiếng Việt, nhưng nghe hiểu. Mấy anh lính Sư đoàn, học lóm được câu “bắt cái nước” (làm... yêu, make love), gặp cô liền thả dê: “H’Mai thương anh không, cho anh bắt cái nước chút chút đi”, khiến cô thét lên, hoảng kinh, bỏ chạy vào nhà. Mỗi ngày tôi cử một binh nhì ở lại lều, gần Bộ Chỉ huy Trung đoàn, lo nấu ăn, còn lại chín người gồm tôi và một y tá vào buôn làm công tác dân sự vụ, phát thuốc, hướng dẫn vệ sinh...
Một buổi sáng, như thường lệ, tôi sắp sửa dẫn toán đi thì một binh sĩ Trung đoàn đến lều, theo sau là bà Trung tá Cảnh, Như Hường và Bích Thủy. Tôi ngạc nhiên. Bà bảo:
- Chúng tôi đi Nha Trang, biết thầy ở đây, ghé thăm thầy một chút.
Sự việc xảy ra quá bất ngờ, làm tôi cảm động, không thốt nên lời, chỉ chào và nói cám ơn. Nghỉ dạy từ chuyến công tác sau cùng, tôi chưa gặp lại bà và hai cô học trò ngoan. Như Hường đứng ngắm nghía tôi, khen:
- Lần đầu em thấy thầy mặc đồ lính, trông lạ và oai ghê.
Tôi cười:
- Lạ thì có lạ, nhưng oai thì còn xét lại đó em...
Tôi hỏi thăm sức khỏe bà và hai cô, “thuyết trình” công tác dân sự vụ của chúng tôi như thế nào, ăn ở ra sao. Rồi giao công việc cho Trung sĩ Y Ksor, và khoảng mười lăm phút sau đó, tôi đích thân đưa bà và hai cô trở về Bộ Chỉ huy Trung đoàn. Tại đây, Trung tá Cảnh bảo tôi ở lại với ông. Sau khi ba mẹ con đáp xe đò đi Nha Trang, ông vừa nghe các cánh quân báo cáo “vô sự” qua máy vô tuyến khuếch đại vừa cho mở sòng xì phé nhỏ chơi với các sĩ quan tham mưu. Ông để tôi ngồi cạnh xem ông đánh bài, thỉnh thoảng hé cho tôi thấy con bài tẩy, và cười sảng khoái khi tháu cáy ăn. Rồi dùng cơm trưa tại chỗ.
Các sĩ quan Trung đoàn nhìn tôi, ngạc nhiên, có lẽ tự hỏi: “Thằng chuẩn úy này là ai mà ngon lành vậy cà, chắc có bà con với bà Trung tá chăng...” Có người cười thân thiện với tôi –điều hiếm hoi, vì thường họ không mấy có cảm tình với TLC “ăn rồi nói dóc”. Có người nhờ tôi xin ông về một chuyện rất cá nhân –điều mà tôi từ chối, dĩ nhiên, lấy cớ tôi không là gì cả, cấp bậc quá nhỏ...
Cuộc hành quân Khánh Dương kết thúc sau mười ngày, không báo trước. Ngày chót, như thường lệ, toán tôi xuống buôn, và bất ngờ gặp lại H’Mai đang giặt quần áo tại dòng suối. Dưới bầu trời âm u đầy sương mù, mặt cô có vẻ buồn buồn, không hồn nhiên tươi cười như mọi khi, chẳng hiểu sao. Đó cũng là lần cuối tôi thấy cô. Không có lời giã từ lưu luyến, nhưng lòng tôi thấy tiếc vẩn vơ cho một bông hoa đẹp phải chôn vùi hương sắc và tuổi xuân trong một góc rừng hoang vu. Và thầm mong một anh lính người Kinh nào chịu khó vô buôn rước cô về dinh, ngoài thành phố. Nhưng biết đâu, tại đây, cô thấy hạnh phúc hơn?
5.
Về lại Ban Mê Thuột thì được tin Tải lên Trung úy và sắp đi Mỹ học khoá TLC-DSV, Khôi Trán Cao đã được đổi về trường Đại Học CTCT Đà Lạt. Còn lại Quang Học Giả và tôi. Tôi cũng được thăng cấp Thiếu úy. Đêm trước khi lên đường, Tải tâm sự nhiều, dẫn tôi vào phòng trà ca nhạc, để tôi gặp lại Mộng Lan. Lan không nhận ra tôi, vì “anh sao có vẻ phong trần quá vậy, không còn trắng trẻo như xưa”, tôi bèn bắt chước Hùng Cường hát một câu khôi hài vô duyên, “lính mà em”. Cô phá ra cười, tôi càng quê hơn. Trình độ nhảy nhót của tôi không khá hơn chút nào, Lan bảo, “chỉ có ôm em thì anh tiến bộ thấy rõ, em nghe mấy ông lính của anh nói anh có ôm thực tập các cô Thượng trong buôn, như H’Mai, rồi phải không?” Đêm ấy, cô đãi tôi hai bản, một slow và một rumba, và một nụ hôn bất ngờ lướt nhẹ lên môi –chưa đủ thiết tha cho lòng còn mãi tiếc nhớ. Ngồi dựa sát vào ngực tôi, cô tỉ tê, giọng đầy nước mắt:
-Thấy anh hiền, em thương quá. Quen em, anh không bao giờ đòi hỏi gì nơi em, không như những người đàn ông khác, coi em như một món đồ chơi và nghề vũ nữ của em rất tệ. Anh luôn đối xử đứng đắn với em, em cám ơn anh...
Tải đi Mỹ, Trung úy Lê Đồng lên thay, và sau đó, Trung đội DSV sáp nhập vào Đại đội TLC để trở thành Đại đội 203 CTCT, do Trung úy Nguyễn Văn Mỹ chỉ huy. Cũng trong thời gian này, tôi được lệnh dẫn
một toán xuống quận Thiện Giáo (Ma Lâm cũ), Phan Thiết, tăng phái vô hạn định cho Tiểu đoàn 4, thuộc Trung đoàn 44 đóng tại Sông Mao, trong chiến dịch Bình Định Nông Thôn của ông tướng thành thị Nguyễn Đức Thắng. Đồng thời cũng có lệnh, sau chuyến công tác này, thuyên chuyển thẳng về Đại đội 202 CTCT Qui Nhơn, do chính ông cậu tôi, đại đội trưởng, làm đơn xin theo lời yêu cầu của bà chị, tức mẹ tôi. Biết đi lần này là bỏ luôn Xứ Buồn Muôn Thuở, tôi trả nhà đường Huyền Trân Công Chúa và từ giã một vài người thân quen. Tôi đến tư thất Trung tá Võ Văn Cảnh. Ông nắm chặt tay tôi, chúc những lời tốt đẹp nhất. Bà Trung tá Cảnh, hai cô Như Hường và Bích Thủy, đứng ở cửa thật lâu, vẫy tay chào.
Tôi không có người yêu để bịn rịn tiễn đưa. Tải đi rồi, tôi không còn dịp, mà cũng không muốn, gặp lại Mộng Lan.
...
(Trích TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ-Phần 4&5 của KIM THANH đăng trêndongsongcu.wordpress.com)


Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (tiếp theo)

Đi qua cuộc chiến tranh...
TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (tiếp theo)
3.
Xứ BMT. Buồn Muôn Thuở. Là đây sao? Phố vắng, nhưng cũng có người lác đác.
Xe nhà binh tấp nập. Tôi nghĩ, không đến nỗi nào, có buồn cũng chút đỉnh thôi, làm gì mà muôn thuở? Đến phi trường quân sự L19, vừa ló đầu ra cửa máy bay, tôi thấy một chiếc jeep đang chờ, trên có ông cậu Thiếu úy, dáng cao gầy, điếu thuốc chưa đốt dính môi, và một thiếu úy khác còn trẻ, tầm thước, áo quần trận tươm tất, ủi thẳng nếp, cổ quấn một khăn quàng xanh dương. Tay bắt mặt mừng. Ông cậu giới thiệu:
- Thiếu úy Phạm Văn Tải, Trung đội trưởng 403 Dân Sự Vụ, cùng khóa 15 Thủ Đức với cậu.
Thiếu úy Tải nở nụ cười tươi, lộ một chiếc răng cửa bọc vàng. Xã giao, bặt thiệp, niềm nở, khiến tôi cảm thấy an vui. Trên đường vào thành phố, Tải bắt chuyện, ân cần hỏi han về sức khoẻ, gia thế, khởi đầu binh nghiệp thấy thế nào...
Tôi trả lời chừng mực, vì mắt còn mải ngắm những hàng cây xanh biếc phơi mình trong tia nắng chiều vàng vọt và những căn nhà khang trang, nằm san sát bên nhau trên con đường đất lồi lõm hoặc trải nhựa phẳng phiu. Lại bụi đỏ, lại cái lạnh buốt xương của cao nguyên trong chiều hiu hắt, dù màn đêm chưa kịp buông. Tôi kéo chặt cổ áo jacket nhà binh. Hai ông Thiếu úy có vẻ quen khí hậu, ngồi tỉnh bơ. Vào phố, thấy những bàn thờ Phật bày ngoài đường, hoặc trước tư gia. Tôi thắc mắc:
- Ủa, tại sao vậy cà? Cụ Diệm bị giết rồi mà, sao vụ này vẫn chưa dứt?
Tải cắt nghĩa:
- Mấy ông Phật giáo tranh đấu đưa Phật xuống đường chống đối chính phủ Trần Văn Hương. Cả tháng nay, lính Tiểu khu đi dọn dẹp bàn thờ, mệt nghỉ.
Về đến căn nhà thuê, đường Huyền Trân Công Chúa. Bước vào thấy một gian lớn chia thành phòng tiếp khách và phòng ngủ ngăn cách nhau bởi một tấm bình phong bằng nhựa mờ đục sơn hình mỹ nữ, chim chóc, và hoa hòe hoa sói. Năm chiếc giường bố nhà binh, đặt cạnh nhau dành cho bốn sĩ quan ma cũ và một cho tôi, ma mới. Một chiếc giường gỗ lớn, có nệm êm, ông cậu tôi nói, là của vợ chồng Trung đội trưởng Tải. Bà vợ mang bầu, về quê Lâm Đồng tĩnh dưõng, và Tải trở thành độc thân tại chỗ. Nghĩa là căn nhà chứa năm sĩ quan độc thân thiệt và một độc thân giả.
Một số sĩ quan của Trung đội mướn nhà khác, hoặc ở với thân nhân, như Thiếu úy Lê Đồng, trung đội phó, cùng khoá 15 Thủ Đức với Tải và Cậy, cũng mê đánh phé như ông cậu tôi, ở nhà người vợ chưa bao giờ (chịu) cưới. Phía sau căn nhà là một phòng nhỏ hơn, đầy đủ tiện nghi, lối đi riêng bên hông, do hai cô giáo độc thân mướn, tên Nga và Thu, người Bắc. Hai cô có vẻ hiền thục, đoan trang, đẹp nhưng không lồ lộ, có duyên ngầm. Buổi tối, biết có một chuẩn úy tân láng giềng đến, hai cô nấu chè đem qua, coi mắt. Chấm đậu, cho nên về sau thỉnh thoảng bị đau, hoặc đi hành quân về, tôi được hai cô cạo gió và nấu cháo gà cho ăn. Ngược lại, chúng tôi rất quý hai cô.
Tôi nhớ trong căn nhà độc thân ấy, ngoài ba thiếu úy Tải, Cậy, Phúc và tôi, còn có Chuẩn uý Võ Văn Quang. Quang, mập lùn, dáng đi bệ vệ, là một autodidacte suốt ngày không rời quyển Anh văn “English for to-day”, ở đâu, lúc nào cũng nói lảm nhảm một mình những câu trong sách, và chê tiếng Anh của tôi đặc giọng Tây, nghĩa là rất tệ. Quang được anh em đặt nickname là Quang Học Giả.
Lúc ấy, tôi trẻ nhất trong đám, và lon mới nhất, nên không dám nói nhiều, chỉ nhìn thôi, đóng vai con nai vàng ngơ ngác.
Ngày tôi đến, lúc tan sở, tất cả sĩ quan Trung đội 403 DSV kéo về “tư dinh Huyền Trân Công Chúa”, chất đầy một xe. Anh nào cũng bắt tay tôi, lòng mừng thầm từ nay có thêm sĩ quan nên phiên đi hành quân được nới rộng ra, lâu hơn. Họ giải thích, Trung đội Dân Sự Vụ, gồm toàn sĩ quan, chia doanh trại với Đại đội Tâm Lý Chiến chỉ huy bởi Thiếu úy Nguyễn Văn Mỹ và Thượng sĩ Nguyễn Hữu Đạo, một thi sĩ có hạng của Ban Mê Thuột –gồm toàn hạ sĩ quan và binh sĩ, có cả người Thượng Ra-đê, như Trung sĩ Y Ksor, biết nói chút ít tiếng Pháp. Mỗi khi Đại đội có lệnh đi công tác theo Sư đoàn 23, Thiếu úy Mỹ lập một toán hỗn hợp gọi là TLC-DSV và Thiếu úy Tải cử một sĩ quan, luân phiên, làm trưởng toán. Trung bình mỗi tháng đi công tác hai lần, mỗi lần trên một tuần, đôi khi cùng một lúc cần đến hai, ba toán theo những cánh quân khác nhau. Về vũ khí thì ngoài cây Colt do trung đội phát, để đeo cho oai, tôi được ông cậu cho cây carbine tự động, báng xếp rất gọn, của riêng ông.
Hàng ngày, Thiếu úy Tải chở chúng tôi đi làm trên xe jeep, ngang qua Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23. Vào câu lạc bộ Đại đội do vợ một hạ sĩ thầu, để uống cà phê, ăn bún bò, bún riêu, dĩ nhiên ghi sổ, bắt đầu từ giữa tháng. Những ngày không đi hành quân, ở trại, các sĩ quan không biết làm gì để giết cho hết thời gian. Thiếu úy Tải lại dễ dãi, không bày việc để hành anh em, như đa số các chỉ huy khác, miễn là đến phiên công tác ai cũng phải chu toàn nhiệm vụ. Ăn sáng xong, rủ nhau ra Chợ Nhỏ sát bên doanh trại uống bia, liếc mắt đưa tình cô chủ tiệm Nam kỳ nho nhỏ xinh xinh, đánh bi da, ăn trưa. Riết rồi các bà các cô trong chợ biết mặt chúng tôi hết.
Lần đầu công tác tôi phải dẫn một toán TLC-DSV tăng phái cho một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 45 của Trung tá Võ Văn Cảnh hành quân giải tỏa Buôn Hô, bị VC tạm chiếm. Buôn Hô cách 30 km về hướng Bắc Ban Mê Thuột, trên đường đi Kontum. Đó là một quận lỵ dân cư thưa thớt, gồm cả Kinh lẫn Thượng, đa số làm rẫy. Đi theo một tiểu đoàn khác là toán của Thiếu úy Phan Văn Tần. Lần ấy Tiểu đoàn của tôi đụng nặng, nên toán TLC-DSV không thể làm công tác, nghĩa là bắt buộc phải chiến đấu như ai. Cũng súng cầm tay nạp đạn sẵn sàng, bám sát bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Ông Đại úy Tiểu đoàn trưởng người Quảng, rất gan dạ, có thói quen nói tiếng Anh mỗi khi cho lệnh di chuyển, “léc xì gau, gau” (let’s go, go!), và luôn miệng nhắc tôi, “khi nàu tui roa lẹng muối được béng nghe choa” (khi nào tôi ra lệnh mới được bắn nghe cha). Tiếng súng đủ loại vang rền. Đạn rít qua nón sắt. Tổng cộng, trận đó, riêng tôi bắn hết ba băng carbine vẫn chưa đã, không biết có trúng ai không, nhưng thấy kích thích được tham chiến trực tiếp. Phấn khởi lắm. Đến khi một binh sĩ của tôi bị thương ở cánh tay, máu chảy xối xả, miệng rên đau, và một mảnh đạn tạt qua vai trái tôi, làm rách một đường áo, nhưng không nặng lắm, tôi hiểu rằng tôi đang đối diện cái chết thực sự cận kề và chiến tranh không phải là một trò đùa, hay một thủ đoạn chính trị. Tôi cũng hiểu rằng thái độ của những tên sợ chết, trốn quân dịch, như Trịnh Công Sơn, có thể được thông cảm phần nào, nếu chúng đừng che đậy sự hèn nhát dưới chiêu bài phản chiến một chiều, làm lợi cho VC. Vài phút sau, Trung úy Mỹ, khoá 16 Võ Bị, một đại đội trưởng đẹp trai, dáng phong trần, đứng gần tôi, bị bắn bay nón sắt, vỡ óc. Chở về Ban Mê Thuột ngay, và tôi nghe kể, người yêu của anh, vốn là một vũ nữ, tên Diễm, đẹp nhất của bar Thế Giới, Ban Mê Thuột, đã ôm xác anh khóc như mưa như gió, và xỉu lên xỉu xuống, rất tội.
Sau lần baptême du feu (rửa tội bằng lửa) dữ dằn ấy, tôi tự thấy mình “chì” hơn, “lớn” hơn, và được Thiếu úy Tải đối đãi ân cần, coi như anh em. Tôi về BMT được hai tháng thì ông cậu phải xuống Qui Nhơn để nắm Đại đội TLC dưới đó, và Thiếu úy Phúc cũng đổi đi đâu, không rõ. Còn lại mình tôi, Tải và Quang trụ trì căn nhà rộng, trở thành vắng vẻ. Đêm khuya, bấy giờ tôi mới để ý, nghe trên trần có tiếng như của một người bị xiềng, lê từng bước chầm chậm, xích sắt khua loảng xoảng, ớn xương sống. Quang nói, căn nhà này là của một bà có chồng sĩ quan bị rớt trực thăng chết cháy đen. Như vậy, nhà có ma, Quang kết luận, cố ý dọa tôi. Tôi càng ớn hơn. Và đêm nào Tải và Quang đi vắng, tôi phải mang chăn gối vào Trung đội hoặc sang nhà Thượng sĩ Nguyễn Hữu Đạo gần đó ngủ ké, để trốn ma.
Nửa tháng sau, có chuẩn úy mới ra lò Phạm Trọng Khôi đến “nhập hộ khẩu” căn nhà ma. Khôi là kỹ sư canh nông từ Pháp về, đã lập gia đình, con của bác sĩ Phạm Trọng Nhân Đà Lạt. Khôi dễ thương, vui tính, tóc lùi khá nhiều về phía sau gáy, để lộ một vầng trán cao, thông minh, được chúng tôi đặt tên là “Khôi Trán Cao”. Anh được cấp một giường bố, nằm sát tôi, và thỉnh thoảng hai đứa nói chuyện nho nhỏ bằng tiếng Pháp với nhau. Đêm đầu, anh cũng nghe tiếng xích sắt trên trần nhà, và cũng hoảng như tôi.
Thiếu úy Phạm Văn Tải là nhạc sĩ dương cầm và phong cầm có hạng. Sau giờ làm việc, anh chơi đàn tại một vũ trường, hình như tên Mỹ Cảnh, tôi không nhớ rõ, đường Tôn Thất Thuyết, cho đến nửa đêm. Anh nhờ tôi lái xe đưa và đón, và mỗi tháng nhét vào túi tôi một, hai trăm “uống cà phê”. Có khi bảo tôi ở lại phòng trà uống bia free, ngắm chùa các vũ nữ thân gầy uốn éo cho đời mua vui. Dáng dấp Tải nhanh nhẹn, hào hoa phong nhã, nói chuyện với các cô ngọt như mía lùi. Cho nên ai lỡ dại giới thiệu bồ mới với anh là trước sau gì bồ cũng đơn phương mê anh, mặc dù anh rất đứng đắn, đâu ra đó, không giở trò tán tỉnh ai bao giờ.
Thời còn ông cậu tôi, thỉnh thoảng Tải tổ chức khiêu vũ tại căn nhà ma, mời tất cả sĩ quan Trung đội, hai cô láng giềng Thu, Nga, và bạn bè, các ca sĩ Đại đội, Tiểu khu, hay đài phát thanh Ban Mê Thuột, trong số có hai cô Thượng khá xinh, và vũ nữ, ca sĩ phòng trà tham dự. Có cả Thiếu úy Đội trưởng Quân Cảnh Nguyễn Vinh Hiển. Đó là những đêm vui thực sự, đối với mọi người. Vì hát sai nhịp và nhảy dở, tôi được Tải chỉ định làm trưởng ban tiếp tân, nghĩa là quét nhà, dọn dẹp giường chiếu nhét vào kho phía sau, và mặc veste, đeo cà-vạt đứng ở cửa chào đón quan khách, và trong tiệc mang khay bia, nước ngọt đi mời vòng vòng. Ông cậu Cậy, Quang, và các sĩ quan Trung đội nhảy cũng cỡ “gà chết” giống tôi, nhưng họ can đảm hơn, điệu nào cũng dắt đào ra... sân. Tôi không có đào. Thấy bơ vơ tội nghiệp, Tải gửi tôi cho một cô vũ nữ đẹp nhất trong đám, nước da trắng muốt, tên Mộng Lan, từ một vũ trường Sài Gòn lên Cao nguyên lập nghiệp, với những lời ân cần dặn dò, “ảnh nai tơ lắm, còn trinh hay không thì anh không bảo đảm, cưng nhẹ nhẹ tay một chút nghe”. Lan cười, nheo mắt ngắm tôi từ đầu đến chân một hồi, như nài xem ngựa đua:
- Trông mặt mũi, anh cũng đẹp trai. May phước cho anh. Nghe anh Tải nói anh là dân trường Tây mà sao cù..., ý quên, em muốn nói, mà sao không biết nhảy?
Cô vừa tránh kịp chữ “lần”, tôi đoán. Tôi ấp úng:
- Thì tôi cũng biết sơ sơ. Đâu phải anh trường Tây nào cũng giỏi nhảy đầm đâu. Từ nhỏ tới lớn tôi có đi vũ trường bao giờ, vì vừa nhà quê vừa không có tiền vừa phải học bài. Kìa như anh Khôi Trán Cao kia, du học ở Pháp về, mà nhảy đâu khá gì hơn tôi.
- Được rồi, để em dạy anh vài điệu.
Nói xong, Lan kéo tay tôi lôi vào sàn nhảy. Tôi run lên. May quá, lúc ấy vừa xong bản valse, ban nhạc bắt đầu chơi điệu slow, là điệu mà dù cù lần đến mấy ai cũng phải biết. Ánh sáng bỗng hạ xuống mờ ảo. Lan ôm tôi, dìu bước, chủ động. Mái tóc thoảng hương, dìu dịu. Tôi cũng liều nhắm mắt đưa chân. Một lúc sau, cô ngả đầu vào ngực tôi, thúc giục:
- Ôm em sát, ôm mạnh chút nữa đi anh. Slow là phải như vậy, sĩ quan gì mà nhát như thỏ đế. Em là ma hay sao mà anh sợ dữ vậy?
Nghe nhắc đến ma, tự nhiên tôi ngước nhìn trần nhà. Trả bài xong, về lại ghế ngồi, trong khi Lan cặp với một chàng “kỵ mã” khác, thỉnh thoảng đưa tay về phía tôi hôn gió, cười ghẹo, tôi ngắm Tải và các bạn anh say sưa “múa đôi” (chữ VC), điệu nào cũng bay bướm, bước đi quá đẹp, mà phát thèm. Có một anh khách tôi quen mặt thường nhảy với chỉ một cô bồ ốm nhom, mỗi lần sắp kết thúc bài tango, đều làm một động tác rất trademark mà tôi cứ tấm tắc khen mãi, là vật ngửa cô xuống gần chạm sàn, hai chân duỗi song song giữa chân anh, còn anh cúi sát trên người cô, mặt thộn ra, mắt lim dim –điều mà tôi nghĩ nếu phải làm tôi sẽ từ chết tới bị thương, nghĩa là té gãy lưng. Và dịp đó cũng là lần đầu tôi được ôm nhảy miễn phí tại gia với một vũ nữ thực thụ. Và là lần cuối. Vì một lúc sau, giữa đám quan khách có một anh Trung úy An Ninh Tiểu khu hay Sư đoàn, tôi không nhớ rõ, rất hách xì xằng, ngà ngà say và hình như giành đào, thình lình rút súng bắn “pằng pằng” mấy phát lên trần nhà ma của chúng tôi. Quân Cảnh đến lập biên bản. Trách nhiệm, dĩ nhiên, thuộc về chủ nhà và trưởng ban tổ chức Phạm Văn Tải. May có Thiếu úy Nguyễn Vinh Hiển, mọi rắc rối thông qua. Nhưng từ đó, Tải không mở party nữa. Tôi đoán con ma trên trần muốn phá chúng tôi vì ồn ào quá, động ổ của nó.
...
(Trích TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ-Phần 3 của KIM THANH đăng trêndongsongcu.wordpress.com)

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ (Phần I)

Đi qua cuộc chiến tranh...
TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ
Souvenir, souvenir, que me veux-tu ? […]
Kỷ niệm, kỷ niệm, ngươi muốn gì nơi ta ?
Paul Verlaine.
1. Đang dạy tại Collège Français Nha Trang, tôi nhận được lệnh nhập ngũ. Đó là vào cuối 1965, cách đây đúng bốn mươi sáu năm. Dĩ nhiên, lúc ấy còn trẻ, đang có công ăn việc làm, tôi đâu phấn khởi hồ hởi gì. Lại nữa, chiến tranh leo thang từng ngày, khốc liệt hơn, cũng ớn. Trường Pháp tôi dạy là trường tư đối với chính phủ Việt Nam và tôi không xuất thân Đại Học Sư Phạm, nên chuyện hoãn dịch, hoặc biệt phái, khó có chút hy vọng nào. Bạn bè thuộc “Nhóm Nhân Sĩ Trí Thức Công Giáo” Nha Trang, trong số có Kỹ sư Khí Tượng Trần Văn Trí, các giáo sư Võ Tánh Ngô Đức Diễm, Nguyễn Văn Thơ…, nghe tin, liền tìm cách chạy chọt để tôi được hoãn dịch vài năm.
Bác sĩ tại quân y viện Nguyễn Huệ khám tôi là Nguyễn Đình Lý, sau này thành dân biểu, lúc bấy giờ cũng thuộc Nhóm “Nhân sĩ Trí Thức Công giáo” Nha Trang, gặp nhau hàng tuần, đã được các bạn gửi gắm, “có cách nào cho nó hoãn dịch được không?”. Khi khám sức khoẻ, Bác sĩ Lý, vì lương tâm nghề nghiệp, đã cho tôi điểm tối ưu, mọi thứ đều “chất lượng”, quá “đạt yêu cầu”. Nghĩa là chạy trời không khỏi nắng. Tôi không buồn, vì cho rằng anh ta làm đúng nhiệm vụ, cũng không xin xỏ gì cả, bình thản xách gói ra đi, nhưng các bạn khác thì trách móc anh mãi. Bây giờ nghĩ lại, tôi phải cám ơn anh. Bởi vì anh đã tạo dịp cho tôi rèn luyện thể xác và tinh thần, có nghị lực, bình tĩnh trước những gian nguy, hiểu thế nào là đời lính, và sau đó, đời tù cải tạo, đời thuyền nhân.Vào Thủ Đức, khóa 20. Ở cùng đại đội, trung đội với Nguyễn Văn Sở, sau này là Đại úy dạy Anh văn Võ Bị, và Nguyễn Trọng Nho, vua xuống đường một thời, đang là thẩm phán ở Quận Cam. Một trong bốn trung đội trưởng là Thiếu úy Nguyễn Ngọc Toàn, hiện ở Arizona, gọi là Toàn Tây Lai, bạn học cũ ở Nha Trang. Toàn gặp lại tôi, mừng lắm, nhưng để tránh tiếng phe đảng đã gửi tôi vào trung đội của Thiếu úy Lương (già) rất hiền lành, sau khi dặn dò đủ thứ. Trong số huấn luyện viên chiến thuật tôi nhớ có Đại úy Nguyễn Minh Mẫn, ở chiến trường về, đẹp trai, chân đi hơi khập khiễng, vì bị thương? Sỡ dĩ tôi nhắc đến ông là vì sau này đọc báo thấy ông trở thành người chồng thứ mấy của mỹ nhân thần tượng Thanh Nga. Là một SVSQ cũ của ông, tôi cũng thấy “thơm” lây, mừng cho ông.
Giữa năm 1966, tôi “tốt nghiệp” Thủ Đức và được về ngành Tâm Lý Chiến (Lúc ấy chưa có danh xưng Chiến Tranh Chính Trị). Phải ở lại Sài Gòn ba tháng học bổ túc Tâm Lý Chiến-Dân Sự Vụ, cùng với khoảng mười lăm đồng tân chuẩn úy. Tâm Lý Chiến là ngành mới mở, những huấn luyện viên chưa ông nào ở đơn vị, tiếng VC gọi là chưa “đi thực tế”, chỉ giở tài liệu ra đọc rào rào, trong số tôi chỉ còn nhớ ông Thiếu úy tên Dzư Văn Tâm, mặt rải rác vài nốt mụn đỏ, ít nói, lạnh lùng, không bao giờ cười, trông khó đăm đăm như người bị táo bón lâu ngày. Về sau, mới biết ông là nhà thơ “hũ nút” nổi tiếng, Thanh Tâm Tuyền, thuộc nhóm Sáng Tạo thời ấy – người mà tôi được gặp lại trong chuyến tàu Sông Hương ra Bắc cải tạo và tại K5 trại Vĩnh Phú, nhưng không bao giờ kết thân được.
Mãn khóa, bốc thăm chọn đơn vị. Tôi chỉ mong được về Nha Trang, để gần nhà, nhưng không có chỗ. Bốc trúng Quân đoàn I, ở tận miền Trung. Một anh bạn, quê Đà Nẵng, phải đi Pleiku. Anh năn nỉ tôi đổi đơn vị. Lúc ấy, đối với tôi Pleiku và Đà Nẵng đều xa lạ, đi đâu cũng được, nên dễ dãi đồng ý. Anh mừng quá, đãi tôi một chầu phở. Sau này, nghe nói, anh bị phục kích chết trong một chuyến công tác.
2. Tôi được về Nha Trang nghỉ phép hai tuần, trước khi lên trình diện Quân đoàn II, đúng ra Tiểu đoàn 20 Tâm Lý Chiến. Mẹ tôi âm thầm khóc gần cạn nước mắt, bởi mẹ cũng như tôi tưởng rằng Pleiku là chốn khỉ ho cò gáy, rất nguy hiểm. Mà quả như thế thật, vì từ máy bay quân sự xuống phi trường Cù Hanh, tôi thấy phong cảnh quá tiêu điều, lạnh lẽo. Xa xa nghe ầm ì tiếng đại bác, chưa biết của bên nào. Quá giang một xe GMC nhà binh về doanh trại Quân đoàn, gặp mùa mưa, đường vắng vẻ, trơn ướt và bùn đỏ quyện vào botte de saut và quần treillis, trông nản quá. Ngủ qua đêm tại trại gia binh, trong gian nhà của gia đình anh tài xế gồm một vợ hai con nhỏ.
Sáng hôm sau, trình diện Tiểu đoàn 20 TLC. Chưa kịp gặp mặt ông Đại úy Tiểu đoàn trưởng, một thi sĩ chuyên làm thơ tán ca sĩ, thì bị anh sĩ quan quân số bán cái sang Đại đội 4 Dân Sự Vụ, do một Đại úy lớn tuổi tên Rô (quên họ), tục gọi “ông già Rô”, chỉ huy. Ông là người Nam, giọng nói rổn rảng, gọi cấp dưới là “mày tao” tuốt luốt, dù quen lâu hay mới gặp lần đầu, một cách bình dân, thân tình. Trong đại đội tôi nhớ còn có Thiếu úy Richard Hải phụ tá, tên thì Tây, nhưng nói tiếng Bắc rặt, luôn đeo kính dâm dù mưa hay nắng, vẻ ngoài có vẻ “ngầu” như một tay anh chị, mà thực ra rất dễ mến. Liếc qua sự vụ lệnh tôi trình, ông già Rô hỏi liền một khi :
– Nguyễn Kim Quý hả, cái tên gì mà nghe như tên con gái dzậy mày ? Mày muốn về Trung đội nào, Ban Mê Thuột, Bình Định, hay Kontum ?
Đâu biết ất giáp gì. Toàn là những địa danh xa lạ, xa lạ như cuộc đời nhà binh mới cắt chỉ của tôi. Tôi không biết rằng, và ông già Rô giải thích, thời kỳ đó Tiểu đoàn Tâm Lý Chiến (Trực thuộc Cục Tâm Lý Chiến) và Đại đội Dân Sự Vụ Biệt Lập có cùng mục tiêu, công tác cho dân, với dân, vì dân, nhưng tách rời về mặt điều hành và chỉ huy. Tôi trả lời :
– Thưa Đại úy, tôi có ông cậu ruột, Thiếu úy Lê Văn Cậy, đang ở trung đội 403 Dân sự vụ, không biết đóng tại đâu. Xin Đại úy cho tôi về với ổng.
Ông già Rô bắt đầu ngó kỹ tôi :
– Ủa, thằng Cậy là cậu mày hả? Nó mê xì phé lắm, đang ở Ban Mê Thuột. Thằng Tải là Trung đội trưởng 403, dân chơi thứ thiệt. Được, tao cho mày về dưới đó. Richard, mày làm cho nó cái sự vụ lệnh, tuần sau đi. Bây giờ, Quý, mày ngủ tạm trong đại đội, chờ máy bay, cứ đi long nhong chơi cho biết mùi gái Pleiku.
Nói xong, ông nháy mắt với tôi, cười cười. Mấy ngày ở Pleiku, cơm hàng cháo chợ, ngủ ghế bố. Phố xá thưa thớt. Tôi hay lang thang một mình giữa chợ đời để ngắm nghía những “em Pleiku má đỏ môi hồng”. Bạn đồng ngũ thổ công địa phương đều yên bề gia thất, khá bận rộn, không ai hưỡn để tháp tùng tôi được.
Đi loanh quanh chán chê gần một tuần trên những con phố nhà quê lầy lội, cụt ngủn, “dăm ba phút quay về chốn cũ” (thơ Kim Tuấn ?), chưa kịp biết “mùi em Pleiku” ra sao, thì có chuyến bay nhà binh rước xuống Ban Mê Thuột.
...
(Trích TRÊN XỨ BUỒN MUÔN THUỞ-Phần 1&2 của KIM THANH đăng trêndongsongcu.wordpress.com)