Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

CHẤT MỘC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ *Minh Hòa

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Một mình qua sông qua núi đồi
Tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời... (https://www.youtube.com/watch?v=4octi3DLJb4)
CHẤT MỘC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ
*Minh Hòa
...
Vốn mê giọng hát đầy chất lửa hoang dại từ ca khúc Đi tìm lời ru Mặt trời (Y Phon Ksor), đến chất giọng đam mê hút hồn với ca khúc Chuyện tình trên cao nguyên (Trần Tiến) đoạt giải Vàng cuộc thi giọng hát ASEAN… nên tôi nhận lời ngay.
Thật bất ngờ vì chẳng chuẩn bị trước, tôi lại được nghe tiếng hát quen thuộc, vẫn giọng ca chất lửa hoang dại từ cao nguyên đại ngàn mênh mang đó giờ đang da diết trong Còn ai với ai (Trịnh Công Sơn)… Với chiếc mũ phớt rộng vành, chàng trai Ê Đê ấy mang sự mộc mạc và đằm thắm, chạm đến mọi trái tim của những nghệ sĩ Hà Nội có mặt tại đêm diễn của anh và các bạn. Đêm Hà Nội như tĩnh lặng hơn để nghe trọn tiếng hát của chàng trai đại ngàn Tây Nguyên.
Dứt câu ca của Trịnh Công Sơn, buông cây đàn guitar giọng anh xa xăm: “Hát bài này của anh Sơn càng nhớ anh. Những tác phẩm của anh Trịnh Công Sơn như là những bức tranh họa chính cuộc đời Y Jack vậy. Anh Sơn hiền lắm! Lúc anh ốm, anh gầy lắm, cứ ngồi trên cái đệm dầy, chúng tôi ngồi bóp tay, bóp chân cho nhau”.
Ít người biết ca sĩ Y Jack Arul và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là anh em thân thiết, có cùng sinh nhật và từng tổ chức tiệc sinh nhật chung hai lần. Y Jack Arul hồi tưởng: “Anh Sơn coi tôi là “người em tinh thần của anh”. Anh ấy bao giờ cũng xưng tên, rất đỗi gần gũi: “Anh Sơn nói Y Jack này… Cứ thế, cứ vơi câu chuyện, chúng tôi lại đàn ca. Anh Sơn có một nơi để tụ tập anh em, để viết nhạc, để sáng tác hội họa… và ngồi uống rượu.
Đó là cái Phòng sáng tác. Ở đó có bức vách kính, với hệ thống nước chảy tạo mưa nên cảm giác lúc nào cũng có tiếng tí tách mưa rơi. Trong phòng có một cái chuông. Hết bia thì rung kiểu này, hết đá thì rung kiểu kia. Anh Sơn nói anh không muốn sai người giúp việc làm cái này, cái kia mà chỉ cần rung chuông theo nhịp điệu riêng là biết, dùng tiếng nhạc để thay lời nói. Vì anh xem trọng mọi người lắm, chỉ cần rung cái chuông mà không cần sai, hay nói gì”.
Câu chuyện đầy vơi, tôi mới biết Y Jack Arul chính là con trai của già làng huyền thoại Ama H’rin, đã vượt thảo nguyên M’Đrắk đi tìm “miền đất hứa” và xây dựng nên buôn A’ko Hdông - một buôn làng kiểu mẫu của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột. Đây cũng là ngôi làng xuất hiện trong tập bút ký Bằng đôi chân trần của nhà văn Nguyên Ngọc, tôi rất thích. Có lẽ được thừa hưởng sự mạnh mẽ của cha, sự bao la hùng vĩ của đại ngàn mà tiếng hát của anh mạnh mẽ và mênh mông đến thế.
Y Jack Arul chia sẻ: “Suốt giai đoạn Covid-19, tôi ở buôn và chỉ bảo cho con cháu hát. Giới trẻ bây giờ hát nhiều bài rồi còn tự sáng tác trên máy tính thành thạo… nhưng mà sao cái giai điệu KUT - giai điệu dân ca của dân tộc Ê Đê mình thì chúng hát không ra nổi chất. KUT là phải kể, phải hát mộc, chân thật… mà giờ ít đứa hát được. Thế nên mình cứ loanh quanh ở buôn từ hồi đó. Sau Covid, tôi giao lại việc cho em rể Y Neon”.
Thì ra cái chất trong giọng ca chúng tôi vừa nghe anh hát, đầy sâu đậm và mộc mạc đó chính là chất KUT của người dân tộc Ê Đê - cái chất mộc, chân thật, hát như kể của anh. Càng sâu lắng hơn khi chất KUT đó được thấm đẫm những thăng trầm cuộc sống của người con trai của trưởng bản huyền thoại, sinh ra giữa bom rơi đạn lạc, lớn lên giữa cái lạnh giá của rừng già và đấm ấm của những tiếng cười bên miếng khoai, củ sắn.
Cái chất KUT mà giờ đây anh băn khoăn lo ngại riêng cho giới trẻ hát trong buôn, chúng hát như nhiều ca sĩ thị trường “hời hợt và không có chất”.
...
...
Chia tay Y Jack Arul, dành lại không gian nghệ thuật và thời gian để anh hoàn thiện dự án của mình, tôi vô cùng xúc động với những chia sẻ của anh. Cũng giống như sự hiếm hoi của chất KUT trong các giọng hát ở buôn làng Ê Đê của anh, cái cách mà Y Jack Arul làm nhạc cũng rất riêng và đầy trách nhiệm. Không chạy theo một điều gì, cứ từ từ, chậm rãi, rồi sẽ đến và đến một cách thuyết phục. Tôi tin những kỳ vọng của anh sẽ thực sự thành hiện thực trong một ngày không còn xa.
Minh Hòa
*Hát kưứt (KUT) là một trong những giai điệu trường ca của dân ca dân tộc Êđê, thường được hát khi có các buổi lễ hội như Mừng lúa mới, mừng thọ, cúng bến nước v.v. Tùy theo hoàn cảnh sinh hoạt, người Êđê chọn kiểu hát Kưứt cùng đệm nhạc phù hợp với khả nǎng biểu diễn của nghệ nhân hát.
Có thể là hình ảnh về 1 người
Tất cả cảm xúc:
Hung Kieu, Pham Nguyen và 49 người khác
3
Thích
Bình luận
Chia sẻ