Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

CUỐN PHIM XƯA Tập 2 : Đừng Sợ !!

Những ngày xưa thân ái...
CUỐN PHIM XƯA
Tập 2 : Đừng Sợ !!
Lớp 8A1 đang làm bài tập kiểm tra môn lý hoá. Thầy Nguyễn Văn Nhạc ngồi trên bàn giáo sư quan sát hơn năm mươi mái đầu học sinh cắm cúi làm bài. Thầy nghe rõ tiếng sột soạt của giấy viết... Sự im lặng của học sinh làm thầy cảm thấy hài lòng. Thầy đưa tay lên chỉnh chỉnh cặp kính cận. Thời gian trôi quá nửa... học sinh yếu như tôi bắt đầu dừng viết, thường thì quay ngang ngó dọc, nhưng hôm nay tôi ngồi im ngó lên bảng. Tôi giận thằng bạn Đỗ Quang Tâm ngồi kế bên. Nó biết mấy đứa ngồi sau cứ lấy viết gạch gạch vào khuỷu tay và chọc chọc trên cổ tôi. Thế mà nó còn cười hùa theo tụi kia. Tức ghê đi! Tôi biết nó đang đẩy bài làm của nó lên cao chếch về phía tôi cho dễ nhìn. Không thèm! Tôi nhìn lên tường nơi có câu "Tiên học Lễ-Hậu học Văn", rồi đảo mắt xuống bảng nhìn chữ viết ghi ngày tháng... sĩ số... hiện diện... Nét chữ nghiêng đều rất đẹp của lớp phó Lê Văn Chàm. Không biết mấy tay giỏi toán ra sao rồi! Nhìn nhanh về các bạn Trần Văn Bình, Ngô Văn Dũng, Phạm Văn Chinh, Quách Đình Chiến, Trần Trọng Sự, Hoàng Trọng Kỳ, Nguyễn Quang Ninh, Lê Văn Chàm... vẫn chưa rời bút. Có lẽ bài toán hóa hôm nay có câu hỏi khó! Liếc qua thằng Tâm xem nó có bí không? Trời ơi! Nó ngồi như phỗng! Như người lên đồng! Thấy nó hay hay! lạ lạ! Và hình ảnh này nó ăn sâu vào tâm trí, đi suốt quãng đường học toán của tôi. Sau này, khi biết sử dụng phương pháp định thần này, tôi thấy rất hiệu quả.
Cũng vào năm học đệ ngũ này, theo sự khuyên bảo của giáo sư hướng dẫn, học sinh yếu nên học nhóm với học sinh giỏi. Tôi và thằng Nguyễn Ngọc Lễ kéo đến nhà Đỗ Quang Tâm học. Từ chỗ ba thằng ngồi học trước hiên nhà, nhìn ra ngõ là những bậc đá dẫn lên nhà, hai bên rợp mát bóng cây. Học ở một nơi yên tĩnh, thư thái này tôi thấy dễ nhớ hơn ở lớp nhiều. Nhưng tôi chỉ kịp học được cách cân bằng phản ứng hóa học và hình ảnh nhập tâm lặng người của nó trước bài toán khó. Một đam mê mới không cưỡng lại được đã đánh đổ lòng ham toán vừa nhen nhóm trong tôi. Đó là xi nê ma! Xi nê làm tôi quên tấm lòng chân tình của thằng Tâm. Quên luôn con đường nhỏ xíu cong vòng qua ngõ nhà nó, đi xuống suối Đốc Học...
Hôm nay, được nghỉ hai giờ sau, thằng Ngô Văn Dũng đạp xe đạp chở tôi phi nhanh xuống rạp LoDo. Nó bảo giá mua vé vào cửa rất rẻ chỉ bằng một phần tư giá vé thật. Vé được ra hiệu giữa nơi bán vé với một chú bị câm điếc đứng ngay chỗ soát vé. Vào trong rạp tối om, tế bào que của thằng Dũng rất nhanh nhậy, kéo tôi đến chỗ ghế bỏ trống ngồi xuống xem. Phim chính chiếu mất khoảng 15 phút. Không hề gì! Xem phim xong vẫn hiểu hết! Phim đầu tiên đến với tôi là phim cao bồi viễn tây Hoa Kỳ "7 tay súng oai hùng". Cũng trong năm này tôi mê mẫn những phim kiếm hiệp Hồng Kông do Vương Vũ thủ vai. Tối đi ngủ, tôi còn mơ theo cảnh phi thân vù...vù, phóng phi tiêu vút...vút, vung đao múa kiếm chan chát... loảng xoảng... leng keng!
Đã quá lâu để nhớ tại sao tôi gắn bó với thằng Dũng. Tôi chơi với nó như anh em hơn là bạn bè. Nó luôn luôn bênh vực tôi, tập cho tôi biết bơi, dẫn tôi đi câu cá, chỉ cách cột lưỡi câu để khỏi bị tuột... rồi lôi nhau đi xem phim... rồi rủ nhau cùng học võ. Thích nhất là thời kỳ nó bắt về cho tôi những con dế than lửa (loại này đá nhau rất hăng), cũng là dịp tôi được "làm anh" ở xóm tôi... tạm quên đi cảnh luôn phải "làm em" trên lớp. Nổi máu tham, tôi xin theo nó bắt dế cho được nhiều. Nó nói không được! Năn nỉ mãi, nó mới bảo nhỏ tôi: "Không theo được đâu, tao còn phải đi bán cà rem nữa!... nghe chưa!"
Lớp tôi, cứ nghỉ 2 giờ đầu, là í ới rủ nhau đi tắm piscine. Thú lắm! Mặc dù thấy trong đám có thằng Bùi Hùng, thể nào tôi cũng bị nó nhận nước nhưng vẫn cứ thích đi. Thằng Dũng biết chuyện liền kêu tôi lên nhà để nó tập bơi cho. Đằng sau nhà nó chính là ao nước rộng lớn điều tiết nước chảy xuống hồ piscine. Nhà nó có một cái phao vuông to bằng tấm tôn có thể làm thuyền chèo đi hái bông sen hay hoa súng. Lần đầu, tôi vịn chặt phao, hai chân đập liên hồi xuống nước đẩy phao chạy lòng vòng gần bờ. Khoái chí cười hí hí nữa chứ! Mê mải đến lúc nào không hay! Cái phao trôi xa bờ rồi! Đưa chân thử không thấy đáy... Tôi hơi hoảng! Người như nặng hơn... Tôi cố đạp để người nổi lên thì phao càng tiến ra giữa... mênh mông là nước. Sợ quá! Tôi kêu to không dám quay đầu lại. Dũng ơi...! Dũng ơi...! Nỗi sợ tăng dần... Dũng ơi...! Dũng ơi...! Tao đây...! Đừng sợ! Tôi nghe tiếng nó thôi, người tôi cứ nhẹ đi... tay nới lỏng cái phao... và cái ao cũng không còn đáng sợ nữa!
Rồi đến một ngày... được nghỉ 2 giờ sau, hai đứa lại xuống rạp LoDo. Hôm đó chiếu phim "Điệp viên 007" hay Fantomas gì đó. Tụi tôi vào rạp. Khán giả đông quá không còn ghế trống. Thằng Dũng đẩy tôi lên: "Mày đi lên hàng ghế đầu chắc còn trống. Tao đứng đây cũng được!" Phim hấp dẫn, gay cấn cho đến gần cuối. Cảnh chiếc tàu biển của kẻ gian nổ như xé tung rạp hát... Bùm!!!... biển lửa bao trùm hết màn ảnh !Vụ nổ thật ấn tượng chưa ra khỏi đầu người xem thì... ẦM!!!... nổ điếc cả tai... có mùi khét của thuốc súng... màn hình vụt tắt... rồi rạp sáng lên! Một cảnh tượng kinh hoàng không diễn tả nổi. Tiếng la hét! Tiếng kêu khóc! Vang lên hoảng loạn! Người ta xô đẩy, tranh giành, đạp lên nhau... để thoát khỏi cửa ra ngoài rạp. Tôi thật nhỏ bé trong dòng người chen lấn đó. Tôi thấy máu từng vệt trên lối ra... Tôi biết làm gì với bản năng của một cậu bé mười ba tuổi. Nước mắt tôi chảy quanh. Tôi đã kêu lên vô vọng... Dũng ơi!... Dũng ơi!... Ước chi nghe được tiếng của nó như ngày nào... Tao đây!... Đừng sợ!
Bụp!!! Phấn của cô Phạm Thị Minh Hưng nhắc nhở rồi Dũng ơi. Còn nhiều chuyện muốn nói với mày lắm nhưng để lần khác nghen!
Cô giáo Minh Hưng dạy chúng tôi môn vạn vật hai năm liền. Lớp đệ lục và lớp đệ ngũ. Cô đã mất hút trong đầu tôi đến khi đọc bài viết của Nguyễn Thị Thanh Hương có nhắc cô hỏi chuyện lớp nào bỏ sâu muồng... Thì thôi chết rồi! Là lớp 8A1 đó cô ơi! Tụi em xin tạ tội với cô. Lần đó cô hoảng sợ thật sự và bỏ ra ngoài lớp. Làm cho lớp trưởng và lớp phó khiếp vía lo dọn dẹp mau để mời cô vào lớp lại. Đó là cô chưa biết lớp chúng em còn nghịch ác lần sau. Không phải sâu muồng mà là những trái mắt mèo, đụng vào rất ngứa. Chưa kịp bỏ vào ghế trên bàn giáo sư... thì trời bất dung gian... cả lớp ngứa tùm lum do lông mắt mèo vương vãi!
Em hỏi thăm biết cô là bạn đời của thầy Bùi Thế Vĩnh. Cô làm thơ trở thành thi nhân nên em nhìn cô hư hao hơn thầy. Nhưng em lại thấy cô rất "học sinh" khi cùng với mấy học trò của mình tạo dáng vui vẻ, định quên đi giây phút chia tay với Trần Dung ở phi trường. Đọc thơ cô, em thích tấm lòng đôn hậu của cô đối với tha nhân, nhất là những bài viết về mưa. Có những câu riêng em thấy rất hay: "Mưa rơi, rơi mãi, tình ơi, xa vời". (Em nhớ Bích Khê cũng có câu: "Vàng rơi,vàng rơi thu mênh mông") Chỉ một câu thôi cũng thành thơ rồi! Cứ lặng yên lắng nghe một thứ âm thanh pha lẫn sự tiếc nuối, một tý giận hờn, một tý yêu thương, một chút như có, một chút như không... Ai như cô bạn ngày xưa của em đưa ra hai nghiệm thẳng thừng: "Có, trăm năm có. Không, đời đời không". Lan mà đốp chát như thế Ngọc lấy đâu ra "Hồn bướm mơ tiên" nữa!
Có nhiều khi mưa gió cuộc đời làm mình khụy ngã, nhưng rồi phải tự đứng lên. Dần dần cũng xói mòn ít nhiều vào tin yêu cuộc sống. Em thấy cô gần gũi như thế nào khi đọc tùy bút "Xóm nhỏ" của cô. Cô nói đúng! "Mong sao, những cảnh đời cùng cực, cơ khổ sẽ gặp may, có một việc làm ổn định... "Và từ đây, em không muốn làm ngựa chứng sân trường nữa. Em chỉ muốn làm "chim hót trong lồng" để thủ thỉ với cô bằng những trang nhật ký...
Ngày... tháng... Cô biết không! Khi nào đời mà không thương em là em tự xem tử vi. Cái số tuổi Thân của em lại sinh vào giờ Thân nữa thì... nói gì được nữa!
"Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Riêng tôi phải chịu ngậm ngùi tuổi Thân
Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân
Sinh phải giờ Dần có số làm quan"
Em cứ soi tới soi lui, dịch qua dịch lại, tới chừng nào em thấy có quý nhân phù trợ mới thôi. Bớt lo lắng! Mà đỡ tủi thân!!!
Ngày... tháng... Cô ơi! Cô có nghe câu vè này không? "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ, năm mặc kệ". Buồn cho dân đen ghê cô nhỉ. Người ta vè chữ mặc kệ... quả là thâm thúy! Cuộc đời đang trở nên đáng sợ đối với em...
Ngày... tháng... Em nhớ đến lời tâm tình của thầy Chung Phước Khánh, khi thầy về thăm Ban Mê Thuột "... các em có con hay cháu muốn sang du học bên Mỹ... các em hãy điện... hay e-mail cho thầy hay. Đừng ngại ngùng gì hết... thầy xem giúp được gì thầy sẽ giúp... ". Tấm lòng nhân ái cùng với giọng nói từ từ chậm rãi của thầy ấy không thay đổi tý nào cả.
Ngày... tháng... Em nghe bạn Lê Thị Tuyết Mai bộc bạch "Đến mùa thi cử, các bạn đưa con đi thi mình cũng hồi hộp, mong các cháu đỗ đạt, đến khi các cháu ra trường, có chút kinh nghiệm gì thì cố gắng giúp các cháu qua vòng phỏng vấn tìm việc, lâu lâu bọn nhỏ ghé nhà thăm là vui lắm rồi. "Như vậy, Tuyết Mai đúng là quý nhân phù trợ rồi, cô ơi! Đâu cần phải Tiên Bụt trên trời!
Ngày... tháng... Cô xem e-mail "... Nếu Hải có về đây điều trị thì đã có Nam Đà và các bạn Sài gòn sẵn sàng chia sẻ với 2 bạn...". Cô thấy không, tấm lòng của Nam Đà đâu có siêu mỏng mà đầy ắp tình người.
Ngày... tháng... Em phải nể phục anh bạn Nguyễn Văn Thắng... anh chàng này không hề nói chút gì về mình... nhưng khi bạn bè cần thì xông vào giúp... giúp rồi cứ xem... nhẹ như tênh!
Ngày... tháng... Em kể về bạn Đỗ Quang Tâm cho cô nghe... có lần em gặp lại bạn Tâm sau một thời gian lâu mất bóng nhau, dễ chừng trên hai mươi mấy năm. Em đi trách cứ bạn là ngày xưa hay ăn hiếp mình. Thấy bạn không nhớ, em còn ép thêm "cái thằng bị đau nó mới nhớ lâu". Bạn ấy không cãi! Thật ra đâu phải bạn Tâm mà là bạn khác hay chọc đánh em. Hay thiệt! Không thèm chấp dù bạn bè có nghĩ sai về mình!
Ngày... tháng... Em nhớ lại cái ngày bạn Tâm đưa Trần Dung về thăm Ban Mê. Chưa vào hội mà các di động đã hè nhau nhảy múa! Mai ra gặp mặt nhé... nhớ gọi thêm bạn... nhớ đón bạn... cùng ra nhé! Cái nhiệt thành của bạn lây sang em một cảm xúc nôn nao khó tả! Đến lúc bạn ấy làm quản trò mới thấy thương làm sao! Tả xung hữu đột! Cô cứ nhìn hình ảnh trong "Chuyến hành trình Ban Mê" thì cô sẽ thấy bạn Tâm khắp mọi chỗ. Làm đến mức toát mồ hôi hột! Tắt cả tiếng! Em cứ hình dung ra bạn mình không phải hát dạo chơi như Khánh Ly; mà giống Thanh Lam hay Tuấn Ngọc hát hay thế vẫn lo "thượng đế" chưa hài lòng. Em thích nhất hình đôi bạn rời quán Văn, bạn Tâm vẫn đang thì thầm sợ bạn Dung chưa đủ vui hay sao ấy?!
Ngày... tháng... Bạn Tâm đã giúp nhiều bạn ở Ban Mê trong đó có cả em. Quý nhất ở bạn Tâm là bạn bè chưa cầu, bạn ấy đã xông vào chìa tay ra trước... tốt quá đến mức có trách thì trách mình chứ không trách người...
Bụp! Bụp! Bụp. Bụp. Bụp!!! Trời ơi! Cô giáo Nam Đà... không cho trò nói... những chuyện này không nên nói! Không nói thì cứ để gió cuốn đi sao? Ừ! Để... gió... cuốn đi! Để... gió... cuốn đi...
Cô giáo Nam Đà dạy tôi mới đây thôi. Cô ấy dạy môn Lạc Quan Học. Môn học này thấy thì dễ nhưng rất khó. Phải che dấu cái tôi của mình để hòa chung mọi người. Chôn kín nỗi buồn riêng mình để người khác được vui. Chưa hết đâu! Còn nhiều rủi ro tai nạn nghề nghiệp vì người thân hiểu lầm. Sau này nếu cô giáo lỡ bị thương, tôi cầu xin người thân của Nam Đà cũng nên rộng lượng... như Thuý Kiều có giận Hoạn Thư thấu tim vẫn xử sự bỏ qua...
"Tha ra thì cũng may đời
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen"
Tôi học được nhiều điều ở tấm lòng cô ấy và những tấm lòng của thầy cô tôi... của bạn bè tôi. Không còn thấy sợ hãi trước một cuộc sống đang dần đánh mất đi tính nhân văn!... đang dần dần trở nên vô cảm này!
Yeeee....aaah!!! Đạt ơi...! Đừng sợ!
(Hết tập 2)
Phạm Đình Đạt

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Ban mê yêu dấu của tôi...

Ban mê yêu dấu của tôi...
CUỐN PHIM XƯA
Lời phi lộ:
Kính thưa thầy cô cùng các bạn thân mến. Trong ký ức về thời thơ mộng của tuổi học trò, em cảm thấy mình hạnh phúc vì đã được học tập, được vui chơi dưới mái trường thân thương ngày xưa ấy. Em đã tìm được những thước phim ghi lại bước đường học toán của em. Chất lượng phim không được tốt lắm, nhiều chỗ bị rè... Điều muốn nói của em là em xin mượn cảnh phim đó để được gặp lại bạn bè... để được nói chuyện riêng! Em xin quý thầy cô nhắc nhở rồi phạt em ngay nếu thấy em nói chuyện riêng nhiều quá... Em để hộp phấn ở đây! Xin quý thầy cô cứ ném ạ!
Em xin chân thành mong thầy cô cùng các bạn chia sẻ và giúp đỡ, cũng như bỏ qua những lỗi đáng tiếc của phim khi em quay lại không đúng theo ước muốn.
Tập 1: TIẾC CỦA
Sân trường đỏ rực một màu hoa phượng. Vắng lặng! Các cánh cửa của hai dãy lớp học đều khép kín. Hai cánh cổng trường cũng được khoá lại. Trên mặt thành tường nối với cổng trường chạy về phía hàng cây muồng có hai học sinh nằm đọc sách... Đó là mùa hè năm 68, tôi học xong lớp đệ thất (6/1). Học bạ ghi môn toán của tôi là kém! kém! Thế là đi học thêm môn toán. Tôi và Vũ Văn Lai (học xong "Nhị thập tứ hiếu" nó được gọi là Lão Lai Tử) đi đăng ký học nhưng bị trễ phải chờ học đợt 2. Mỗi đợt cách nhau nửa tháng. Con đường học toán của tôi coi chừng không được suông sẻ! Chưa học toán nhưng lần đầu tôi biết đến những cuốn sách... đọc vào mê hơn làm toán. Theo sự chỉ dẫn của Lão Lai Tử tôi làm quen đến sách... truyện kiếm hiệp truyền kỳ: Nhất Dương Chỉ! Hay! Loại truyện chưởng này rất nhiều học sinh say mê. Nhưng mê đến mức luyện chưởng ở trong lớp thì không ai qua được sư phụ Hoàng Đức Linh (Linh khều) của lớp tôi. Cái gì đến phải đến! Môn toán năm lớp đệ lục vẫn là kém! và kém!
Năm lên đệ ngũ, có một thay đổi quan trọng trong tư duy làm toán của tôi. Người được tôi ghi dấu ấn vào đời là Đỗ Quang Tâm. Năm ấy, Tâm lên ngồi bàn đầu do mắt hắn bị cận, ngồi sát cạnh tôi ở phía ngoài để nhìn lên bảng cho rõ. Tôi luôn luôn ngồi bàn đầu vì thấp bé. Tôi còn bị gọi là Đạt con. Châu văn Đạt cao to là Đạt cha. Còn một Đạt nữa là Đạt râu nhưng... không thể Đạt râu được?! Vì khi ấy có xuống tắm picsin, khám hết người... lấy đâu ra râu mà đặt tên. Nó được giữ nguyên tên còn do cái tên đẹp: Phùng Tất Đạt! Ngay cái tên cũng dự báo phát tiết ra ngoài rồi! Trong một lần dạo chơi trên mạng, tôi đọc được bài bình thơ Như Thương của nhà văn Xuân Đỗ. Ông ta có khen tranh của hoạ sĩ Đạt. Phùng. Nó đấy! Phùng Tất Đạt đấy! Tôi đã có dịp ghé phòng tranh của nó (lúc đó chưa có quán Văn). Phòng tranh nhỏ hẹp, bừa bãi giấy vẽ cuộn tròn, cái xếp đứng, cái thì nằm la liệt không có trật tự gì cả. Khoảng trống rộng nhất trong phòng là chỗ nó ngồi vẽ. Chỉ có những bức tranh đang vẽ thì sạch, còn xung quanh bẩn khủng khiếp... không có chỗ nào mà không dính màu vẽ. Đáng khen cho mấy bà vợ! Nuôi chồng hoạ sĩ khổ nhọc hơn mấy ông chồng làm thơ nhiều. Nhà thơ lâu lâu còn có bài "Thương vợ" làm an ủi. Còn ông hoạ sĩ thì... không biết đâu!
Mấy năm sau, tôi đến chơi nhà Lê văn Tuấn. Thằng này còn được gọi là "Tuấn râu". Cách đây không lâu, Quách Lục có thơ vui:
"Râu ria rậm rạp quanh hàm
Bố ngồi một chỗ hổng cần làm cũng dư ăn"
Hai thằng ngồi uống nước tán dóc cười đùa đủ chuyện. Tôi bỗng giật mình khi thấy trên tường treo bức tranh trừu tượng. Ái dà! Tuấn râu biết chơi tranh loại này thì ghê thật! Tôi thì cứ tranh phong cảnh như tranh của Levitan cho dễ hiểu. Loại tranh trừu tượng này đòi hỏi vừa tâm hồn vừa thêm trí tuệ. Màu sắc trong tranh mới là tiếng nói trực tiếp! Tôi hỏi nó giọng thán phục:
- Mày chơi tranh này có tốn kém không?
- Tranh của Phùng Tất Đạt đấy!
- Nó tặng mày hả?
- Tặng gì mà tặng! Hồi đó nó vứt đầy trong phòng. Đến chơi muốn lấy... cứ việc lấy đem về mà chơi!
Mỗi khi nhớ lại, sao mình không vơ vài tấm thì bây giờ chắc trúng... rồi. Cứ tiếc như... tiếc của!
Bụp!!! Phấn của thầy Nguyễn Giõng nhắc nhở rồi. Không sao đâu! Thầy sẽ cho nợ... Đã nói chuyện riêng với Phùng Đạt rồi thì đây là dịp hay nhất để nói chuyện với thơ Như Thương.
Năm ấy, tôi làm tài xế chở anh bạn Lê Văn Chàm ra phi trường Phụng Dực đón bạn Phạm Kim Hương về thăm lại Ban Mê. Con ngựa chứng sân trường run lẩy bẩy ngồi sau xe tôi hỏi đủ thứ chuyện về cô bạn gái sắp được gặp mặt. Nó đang hỏi "Cối Xay Gió" đấy! Vậy mà nó cứ hỏi! Tôi cứ chạy! Ra đón Kim Hương hôm đó có nhiều bạn tôi không nhớ hết. Có Tất Đạt, Quách Đình Chiến, Anne Tuyết Lan, Huỳnh Văn May, Nguyễn Hữu Quý... Lần đầu tiên tôi biết đến Kim Hương. Mình hạc xương mai. Đi đứng dịu dàng. Mái tóc dài xỏa vai. Nói chuyện nhẹ nhàng. Tôi thấy bạn ấy trẻ hơn tuổi rất nhiều. Khi ghé nhà bạn Chiến, Kim Hương có đem về tặng bạn tập thơ "Đàn cho biển hát" và nói ra nỗi nhớ bông cà phê, hoa dã quỳ... Các bạn có mặt ít nhiều đều quen biết Kim Hương nên chuyện trò thư thái tự nhiên. Tôi hơi ngại nên mượn tập thơ ngồi đọc. Miệng lẩm bẩm thằng yêu thơ ngồi đây không tặng... tặng mấy thằng ấy... đúng để làm kỷ niệm! Mấy ngày sau, Kim Hương tổ chức gặp mặt bạn bè tại quán Văn. Bạn Chàm của tôi có dẫn vợ cùng ra. Nghe kể vui lắm!
Cho đến một đêm ở trong rẫy cà phê nằm nghe "câu chuyện thơ nhạc" do Bích Huyền biên tập từ bài viết của Lê Hữu "Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt". Nghe xong phải thốt ra khỏi miệng là hay quá! Viết hay! Thơ hay! Đọc hay! Nhạc kèm theo cũng hay! Gặp lại Lê Văn Chàm khoe cho nó biết Kim Hương có thơ được truyền thanh nước ngoài phát lên. Như Thương nổi tiếng rồi Chàm ơi! Nó chẳng nói gì. Mắt nó sáng long lanh. Miệng nó cười ngô nghê... Với bản tính hay tò mò về người nổi tiếng, tôi tìm thơ Như Thương đọc... càng đọc càng không dám đến gần, lưỡi như níu lại. Chung quanh Như Thương có các giáo sư, nhà văn, nhà biên khảo... họ nói cho mà thấy! Biết bao trang mạng mời rước Như Thương về vườn thơ của họ. Đành phải ngưỡng mộ từ xa thôi... kính nhi viễn chi!
Nhưng có những bài thơ như buộc mình phải mở miệng cám ơn Kim Hương. Đọc những bài thơ Kim Hương viết về người mẹ thương yêu... tôi đã vô tình không nhận ra bao đêm mẹ của mình cũng nuốt nước mắt vào lòng:
"Võng đưa hiu hắt bên thềm
Dòng sông lặng lẽ,lòng mềm vọng phu"
(Gân Guốc Một Đời - Thơ Như Thương)
Thơ Kim Hương cũng mở mắt cho tôi nhận ra cả một tấm lòng của mẹ tôi trong những ngày cơ cực,gian nan:
"Đôi vai dẫu có rã rời
Làm sao chậm bước nhịp lơi gánh gồng"
(Tất Tả Đời Mẹ - Thơ Như Thương)
May mắn cho tôi còn mẹ để thấy yêu mẹ tôi hơn:
"Còn đâu ôm một vòng tay
Còn đâu rờ trán những ngày ốm đau
Còn đâu lặn lội cháo rau
Còn đâu giọt nước mắt sầu âu lo
Còn đâu khuya lạnh nằm co
Còn đâu manh áo nhường cho con mà"
(Mẹ Ơi! - Thơ Như Thương)
Mình cám ơn Kim Hương nhiều lắm!
Hello! Các chàng trai! Cứ việc sắp hàng! Trái tim Như Thương dành hết cho Người Mẹ rồi!
Nghĩ lại ngày đầu gặp Kim Hương bỏ lỡ dịp làm quen... đánh mất khoản rượu mời để khoe với mấy bạn thơ. Nghĩ cũng hơi tiếc... gần gần như tiếc của!.
Bụp! Thầy Nguyễn Giõng lại nhắc nhở rồi! Em biết nếu em nói chuyện riêng tiếp thầy sẽ cho em nợ... thầy chưa phạt ai bao giờ... Hát đi thầy! Hát đi thầy! Thầy dễ mềm lòng trước lời xin của học trò. Ai cũng nhớ đến thầy với bài "Ngọc Lan"... kỳ lạ như tơ vương ma ám. Em nhớ có lần thầy khan giọng phải đi mua kẹo ho ngậm cho đỡ đau họng nhưng khi vui thầy vẫn hát... có bài thầy phải hát lại... bớt xuống cho thầy một hai tông đi! Tiếng hát! Tiếng cười! Tiếng học sinh! Tiếng hồn nhiên! Luôn luôn vây quanh thầy!
Đầu năm nay, tôi cùng với Chàm đi ra thăm Y Long bị tai nạn.Gặp gỡ Huỳnh Văn May và Nguyễn Hữu Quý cùng chúc Tết muộn với nhau. Bạn May kể cho mình nghe chuyện thầy Nguyễn Giõng có về thăm, có họp gặp mặt nhau... không có tụi mày. Lúc thầy mừng tuổi mỗi đứa tờ hai đô thầy có nhắc để dành cho mấy đứa trong Buôn Trấp. Thằng Kỳ! Thằng Đạt! Thằng Chàm!
Ôi! Thương thầy quá đi! Nhưng em nhớ thầy thì ít. Nhớ hai đô thì nhiều! Rõ ràng của mình bị mất thì phải... tiếc của rồi!
(Hết tập 1)
Phạm Đình Đạt
BT, 31/5/2012

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

DIỄN NGÂM "HỒ TRƯỜNG" CỦA HỌC SINH

Nào ai tỉnh, nào ai say,
Chí ta ta biết, lòng ta ta haỵ... (Hồ Trường-Nguyễn Bá Trác)
DIỄN NGÂM "HỒ TRƯỜNG" CỦA HỌC SINH
...
...
Bài thơ được ưa chuộng nhất trong các tiệc rượu thời này là bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác có lẽ vì bên cạnh hơi hướm lãng tử và trăn trở, Hồ Trường còn có thêm niềm bi phẫn của kẻ sĩ sinh chẳng gặp thời.
...
...
Sau lời giới thiệu của Nhân, trong sự im lặng chờ đợi, tiếng cười vỡ vụn của Thôi bỗng vang lên. Nửa như đau xót, nửa như hào hùng trêu chọc. Con nhà hội họa hóa trang thật tài tình. Khuôn mặt thư sinh của Thôi, thêm mấy chòm râu, điểm những nét nhăn hằn lên trên trán, với cái khăn mỏ quạ và chiếc áo dài đen bạc màu mượn của bác cai trường đã biến Thôi thành hình ảnh một kẻ sĩ thời xa xưa sinh chẳng gặp thời. Một tay ôm bầu rượu, tay kia đặt trên đốc kiếm. “Hồ rượu” và “bảo kiếm” đều là các dụng cụ hóa trang ... diễn trong trại Hè học sinh Quốc Học còn sót lại. Sau tràng cười kinh động là tiếng kiếm rút ra khỏi vỏ “rít” lên qua cửa miệng của Thôi. Đường kiếm múa lấp loáng mê cuồng như đang nhịp theo một bản cuồng ca. Những bè bạn thân quen không ai ngạc nhiên với đường kiếm bay bướm của Thôi vì biết gã là một sư huynh của phái Nga Mi Bãi Dâu; nhưng đối với khách lạ thì căng mắt ngồi nhìn một cách khoái chí.
Bỗng tráng sĩ nhà họ Lê im bặt, tra kiếm vào vỏ, rồi cúi gầm nhìn đăm đăm vào hồ rượu. Tiếng ngâm như từ vực sâu cuồng nộ, khí khái cất lên:
Trượng phu sao không xé gan bẻ cật,
Phù cương thường hà tất tiêu dao!
Tiếng ngâm thơ Bình Trị Thiên đanh như vết chém. Những âm sắc vút lên cao nhọn hoắc, rơi dần lảo đảo với một chút ỡm ờ và giọt xuống:
Bốn bể lưu lạc tha hương,
Trời Nam nghìn dặm thẳm,
Non nước một màu sương.
Kẻ sĩ lại ngước lên nhìn trời như đang cầu xin một ân điển, nhưng rồi hai tay buông xuống, vuốt nhẹ mái tóc đã bạc màu. Trời thì quá xa mà kẻ sĩ đã về chiều nên cũng đành đành thú nhận:
Chí chưa thành,
Danh chưa đạt,
Trai trẻ bao lăm mà đầu đã bạc,
Trăm năm thân thế bóng tà dương!
Im lặng!... Một thoáng yên ắng lắng sâu trong ánh đèn dầu lay lắt. Tráng sĩ trỗi dậy, gươm tuốt trần, rượu đầy hồ, tiếng ngâm ngân lên rộn ràng, xôn xao giữa tâm hồn bão nổi:
Vỗ gươm mà hát,
Nghiêng bầu mà hỏị
Thiên địa man man,
Ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường!
Không rõ Thôi đang diễn tuồng hay đang ngất ngưởng trong những khoảnh khắc phù du mượn tạm một vai trò để sống. Nhưng lạ lùng là đôi mắt đam mê đầy hào khí của Thôi lấp lánh tình bầu bạn, chiếu thẳng tới nhãn quan từng người có mặt. Tiếng ngâm thơ dạt dào và hưng phấn, nhưng cũng dằng dặc nỗi buồn của kẻ đi đường xa chưa gặp bạn đồng hành:
Hồ trường!
Hồ trường ta biết rót về đâu?
Vẫn im lặng. Thôi giương cao bầu rượu và nối đuôi theo tiếng ngâm thơ mời gọi:
...rót về đâu? Ta biết rót về đâu?
Có tiếng đáp thật bất ngờ:
- Rót về đây đi tráng sĩ ơi!
Đó là tiếng của Chiêu Hà “Vélo Solex”, cô bé Đồng Khánh “mode” nhất ở đường Phan Bội Châu, nổi tiếng như cồn vì mái tóc ngắn “đờ mi gạc xông” rất có duyên với dáng Tây Phương, học võ Karate với giáo sư Ngô Đồng và cỡi xe Vélo chạy phon phon trên đường phố Huế.
Mọi người quay lại vừa khi Thôi nghiêng hồ rượu rót vào ly nước chanh đã cạn của Chiêu Hà. Rồi Thôi nghiêng hồ rượu và khoát tay mời anh em cùng uống. Người đẹp Đồng Khánh đã đưa ly lên môi, thì những người hùng Quốc Học không còn lý do e dè hay từ chối. Tất cả cùng uống. Tiếng ngâm thơ lại nổi lên nửa như thách đố, nửa như mời gọi trong nỗi trần tình đầy cảm khái:
Rót về Đông Phương, (ư) ?
Nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lãng!
Thôi lại đưa cao hồ rượu quá đầu, hỏi tiếp:
- Hồ trường... Hồ trường ta biết rót về đâu… Rót về đâu?
Có nhiều tiếng đáp một lần, cả tiếng trong veo của người đẹp đâu đó đầy phấn chấn:
- Rót về đây!
Thôi lắc đầu theo tiếng thơ chảy xiết:
- Rót về Tây phương, (ư)?
Mưa Tây sơn từng trận chứa chan!
Và tiếp:
-...biết rót về đâu?
Lại thêm năm ba cái ly đưa lên. Thôi rót đầy rượu cho từng người rồi chỉ tay về Bắc:
- Rót về Bắc phương, (ư)?
Ngọn Bắc phong vi vút cát chạy, đá giương!
Âm hưởng giọng ngâm thơ của Thôi rung cảm tới mức mọi người đều đứng dậy, nâng ly uống cạn trong tiếng thơ hướng về Nam:
- Rót về Nam phương, (ư)?
Trời Nam mù mịt!
Hồ rượu trong tay Thôi lại được châm đầy và rót cạn tới bao nhiêu lần nhưng niềm vui pha men đắng của sự sum họp tạm bợ trong cuộc chiến vẫn tràn trề, mỗi lúc một cuồn cuộn dâng lên trong cơn mê hồ trường. Dáng đi của tráng sĩ Thôi đã ra chiều chếch choáng. Thôi lấy hết tuyệt kỹ để ngâm tràn những giọt thơ còn lại:
Có người quá chén như điên như cuồng!
Nào ai tỉnh, nào ai say,
Chí ta ta biết, lòng ta ta haỵ
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thủy,
Hà tất cùng sầu đối cỏ câỵ
Tiếng ngâm thơ đã dứt một thoáng qua rồi mà không khí vẫn lặng im ngây ngây. Không hiểâu thơ đang say lòng người hay người đang say men rượu bốc thành thợ. Cho đến khi hồ rượu cạn tuột khỏi tay người cuồng sĩ, rơi xuống vỡ tan mới chợt nghe tiếng vỗ tay kéo dài như luyến tiếc...
...
TRẦN KIÊM ĐOÀN
(Trích trong "Đêm Hồ Trường Quốc Học" của Trần kiêm Đoàn đăng trênhttp://vietditru.org/)

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

KỊCH THƠ KIỀU LOAN

Thời học sinh Ban Mê diễn văn nghệ...
KỊCH THƠ KIỀU LOAN
Kiều Loan là kịch thơ hay nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam; kể cả Vũ Hoàng Chương, nhà thơ mà tôi gần như tôn sùng thần tượng, vẫn kém một bậc; Yến Lan vốn được coi là cha đẻ của kịch thơ và Thao Thao dưới một bậc nữa, còn Lưu Quang Thuận và Phan Khắc Khoan tiếp tục xuống một bậc nữa, dưới nữa thì ê hề cỗ cưới làng quê.
Ngay câu đề từ Kiều Loan đã rừng rực cháy:
Chí lớn từ xưa chôn chật đất
Riêng đàn đom đóm lại thênh thang
Câu chuyện lấy bối cảnh Gia Long mới lên ngôi vua, nàng Kiều Loan điên hoặc giả điên đi tìm chồng, một bản trường ca về tình yêu, thù hận, bạo chúa, loạn lạc.
Tôi đứng chờ thu xanh biếc ngõ
Trăng khuya cúi mặt nhớ phương trời
Thuyền ơi! Tóc chảy đêm vàng
Giai nhân sóng soải hai hàng chiêm bao
Thời loạn ly, ai đẹp mãi bao giờ
Vó câu vẳng động trong mơ
Tỉnh ra đã nát mình tơ nõn nà
Đố ai rỡ được mái nhà
Cho đàn chim sẻ bớt tha buồn về
Nơi ấy chia tay chồng bỏ vợ
Hàng cau ngóng mãi bóng ai về
Có con mèo trắng ôm thân mốc
Thảm thiết gào giăng xé gió khuya
Hỡi con dế trường đêm năn nỉ
Người yêu ta ngủ kỹ nơi đâu
Về đây lượm mãi tiếng sầu
Sao người nín lặng bên lầu rêu phong?
Ta đứng trơ đây bêu má phấn
Mà thương thiên hạ sống bơ vơ
Chiến tranh đẫy túi phường buôn máu
Danh nghĩa chồi lên những sọ dừa
Nguyễn Huệ cớ sao thành phản nghịch?
Để loài mãi quốc dựng ngôi vua?
Nước vòng ngọc sáng gương trong vắt
Mây chẳng buồn chơi với bóng cờ
Những thơ ca bất hủ nhất của Việt Nam ở phương diện hào hùng, đương nhiên bao giờ cũng là để phản ứng với phương Bắc. Và để cầu hòa bình.
NHỊ LINH
***
Khi được hỏi về vở kịch Kiều Loan, Hoàng Cầm đưa hai tay lên trời mà than: “Định mệnh! Vở kịch đã vận vào cả cuộc đời, kinh quá!”
Có một quan điểm xưa nay vẫn cho rằng thơ vận vào người. Thực ra đó chỉ là hệ luận của tính thần giao cách cảm, với thời gian và sự kiện mà chỉ ở một số người nào đó bắt đươc “làn sóng” này. Chúng tôi gọi đó là khả năng tiên tri của một nhà thơ, của một thi sĩ. Thi sĩ Hoàng Cầm đã “thấy” trước, thấy rất rõ, hay đúng hơn, ông đã tiên tri được cuộc đời của ông, và của cả đất nước hôm nay, cách đây gần 60 năm, khi ông viết vở kịch Kiều Loan:
Kiều Loan ơi khi mưa rụng đầu non
Quê hương ấy mịt mù bao tâm sự
(trích màn I vở Kiều Loan)
Hoặc lớn lao hơn, phổ quát hơn, về đất nước, và con người hôm nay:
Hỡi ai múa kiếm trên lưng ngựa
Giờ đã nằm yên dưới suối vàng
Chí lớn từ xưa chôn chặt đất
Riêng đàn đom đóm lại thênh thang
(trích màn II vở Kiều Loan)
...
SONG NHỊ

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

HAI BÀ TRƯNG THỜI XƯA

Có những vai diễn chỉ dành cho nữ sinh Ban mê...
HAI BÀ TRƯNG THỜI XƯA
Dzung Nguyễn Atkins
...
Năm ấy tôi vào khoảng độ mười bốn, mười lăm.
Khi được các thầy cô ở trường chọn cho đóng vai Hai bà Trưng lần đầu tiên, tôi vô cùng lo lắng, không biết mình phải làm sao cho đúng vai đại diện một trong hai vị nữ anh hùng dân tộc.
Cô giáo dạy nữ công năm lớp Đệ Ngũ của tôi, thì thầm vào tai "Em nhỏ bé, ngày hôm ấy nhớ độn ngực lên, trông cho nó oai". Ở tuổi đó, tôi nhìn các thầy cô, dù là họ cũng không cách xa bao nhiêu tuổi, nhưng dường như họ vẫn thuộc vào một cái khuôn khổ cách biệt, như thể là họ ở vào thế giới nào khác, không thuộc về thế giới của tôi. Lời dặn dò thân mật như một người chị của Cô, tôi hơi thẹn, nhưng lại làm tôi cảm kích cho đến bây giờ. Bà chị lớn của tôi, chị Giáo, cũng đã từng làm Hai Bà Trưng mấy năm trước đó, thế nên chị hiểu ngay và giúp tôi hoàn tất chuyện ấy không trở ngại gì. Chỉ có một điều khổ cho tôi là vì tôi không quen mũ áo đóng tuồng cho nên, suốt cả ngày hôm ấy tôi cứ lom khom như một bà còng.
Rồi làm sao tôi quên được ngày hôm làm lễ tưởng niệm Hai Bà long trọng ấy.
Ở sân trường đông nghẹt những học sinh háo hức vây quanh, thích thú ngắm xem. Còn các thầy cô thì nhìn chúng tôi đầy lo lắng, băn khoăn, vì con voi thì to lớn nặng nề, phục phịch khổng lồ, mà cái ghế ngồi cho Bà Trưng thì eo ơi, sao mà nó ở mãi tuốt tận trên cái lưng kia, thấy sao mà nó cao vời vợi, nghễu nghện đến thật hãi hùng. Cứ mỗi lần nó di chuyển thì cái ghế cũng lắc lư, chòng chành, ngả nghiêng, lung lay theo nó. Y như thể là cái ghế ấy, nó cũng sẵn sàng, sắp sửa "bay theo chiều gió" trong bất cứ lúc nào.
Điều khiển con voi là một anh người Thượng, cũng mũ áo không khác gì đóng vai tuồng thứ thiệt, anh nhìn tôi với đôi mắt đầy thiện cảm. Miệng anh hí họ, tay giựt cái liềm mũi nhọn vào một bên đầu con voi, khi nó vừa quỳ hai chân trước xuống, là vừa kịp cho cô Nữ-Hầu xinh rất xinh đẹp của Bà Trưng, có tên rất dễ thương Thanh Xuân hiện nay ở Texas, phóng lên ngồi ở cái ghế phía sau, tay nắm chặt vào cái lọng che đầu để giữ thăng bằng.
Còn phần tôi thì cũng mũ mão, áo bào xúng xính, đu bay theo cô bé ấy, ngồi chót lọt, gọn ghẽ vào trong cái ghế bành to tướng, trước khi mà chú voi kia phì phò, phục phịch, thủng thỉnh đứng lên. Để rồi, lại một lần nữa, cái ghế, cái lọng, cái ngã, cái nghiêng, và sợi dây thừng cột nó, cứ kêu lên kót két, kọt kẹt, nghe chừng như vất vả vô cùng.
Tôi không biết cô bé Nữ-Hầu Thanh Xuân ngồi ở đàng sau lưng tôi nghĩ gì, nhưng rõ ràng tôi nghe thấy những tiếng thở phào nhẹ nhõm của các thầy cô đứng quanh gần đó. Đám bạn trong trường la hét reo vui, y như là đang chứng kiến hai tay chạy đua vừa đặt chân tới đích, hay là một màn xiệc trình diễn đu bay, mà hai đứa tụi tôi vừa thoát thân một cách mầu nhiệm...
Tay tôi bám chặt cái thành ghế, đầu thì suy nghĩ miên man, chả biết làm sao mà bà chị lớn của tôi có thể đứng trên mình voi, tuốt kiếm ra được như mấy năm trước. Các chị ấy thật là can đảm. Phần chúng tôi năm nay, không thấy ai nhắc gì đến việc đó cả, tôi liền cứ lờ việc đó đi, đàn em thua đàn chị một tí chả có sao đâu.
Rồi tôi lại phân vân không rõ ngày xưa Hai bà đánh giặc thế nào để mình phải đóng vai này cho nó trọn vẹn, cho xứng danh là con là cháu. Một phần khác, còn để đáp lại sự ưu ái của các thầy cô đã tin tưởng mà giao cho tôi cái vinh dự lớn. Mà lại, còn có thể là một diễn viên thứ thiệt, tôi cũng muốn làm hài lòng sự ngưỡng mộ của đám đông kia.
...
Suốt con đường dài từ trường đến sân vận động, người ta mừng đón Hai Bà Trưng.
Trước những ánh mắt ái mộ, chiêm ngưỡng của họ, tôi không khỏi nhắc nhở mình, là mình chỉ đang khoác lên cái áo, đóng vai trò như ở trên sân khấu, chính cái anh linh sáng rạng của hai vị nữ anh hùng mới thực sự là điều dân chúng yêu quý, mến mộ đấy mà thôi.
...
Tôi cứ đăm chiêu như vậy, nên những tiếng chuông, tiếng trống, tiếng kèn, tiếng người, tiếng hí họ, và rồi cho cả đến suốt buổi lễ đã qua đi lúc nào, tôi chả hay chả biết.
...
Dzung Nguyễn Atkins
(Trích trong Đặc San 60 năm trường Trung Học BMT)

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

"Á ĐÙ" CÓ NGHĨA LÀ GÌ ? *Phạm Hoài Nhân

Thời @ nói mình là "nhìu chiện"...
"Á ĐÙ" CÓ NGHĨA LÀ GÌ ?
Phạm Hoài Nhân
Chắc các bạn cũng như tui, đều cho rằng “Á đù” xuất phát từ một từ rất tục tĩu mà ra nên ngại sử dụng. Haizzaaa, nó tục tĩu lắm nên xin phép không nhắc xuất xứ ấy ở đây, chỉ biết rằng “Á đù” là một thán từ nhằm diễn tả trạng thái “thiệt là chịu hổng nổi!”, “tệ hại như vậy sao?”, “bậy bạ hết sức!”…
Mới đây, qua nghiên cứu, tui được biết rằng “á đù” không phải xuất phát từ cái chữ mà mọi người vẫn nghĩ. Vậy nó là gì?
Là vầy. Mọi người đều biết trong tiếng Anh chữ education nghĩa là giáo dục. Từ đó sinh ra chữ viết tắt edu để chỉ những gì liên quan đến giáo dục luôn. Thí dụ như: trong tên miền, những tên có phần đuôi là .edu là của tổ chức, đơn vị ngành giáo dục, EduGame là trò chơi có tính chất giáo dục, vv…
Ngành giáo dục Việt Nam luôn tạo ra những thành tích kỳ tài, từ cải cách giáo dục, tới vào trận đánh lớn xét tuyển đại học, tới biên soạn sách giáo khoa… Những thành tích ấy kinh hoàng tới mức người nghe, dù là người Việt hay nước ngoài nghe qua đều sửng sốt, không biết nói gì, không biết nhận xét ra sao, chỉ biết thảng thốt kêu lên: Edu?!
Tâm trạng của người thốt ra thán từ trên từ chỗ kinh hoàng sửng sốt rơi xuống nỗi thất vọng tột cùng, cho nên âm tiết đầu vút lên cao: É , còn âm tiết sau rơi xuống não nề: đù… Lâu ngày, âm tiết đầu biến thành Á vì nó thể hiện sự bàng hoàng nhiều hơn. Thế là ta có thán từ Á đù!
Vậy đó, á đù chẳng những không phải là một từ tục tĩu mà là một từ rất có giáo dục. Các bạn cứ dùng tự nhiên, đừng ngại nha!
Phạm Hoài Nhân

Một thời đã qua đi những buồn vui... không của riêng ai...

Một thời đã qua đi những buồn vui... không của riêng ai...
NỖI ÁM ẢNH LÍ LỊCH
Mười bốn loại lý lịch
Ông Nguyễn Đình Nguyên hiện là một chuyên gia về bệnh loãng xương tại Australia, đã từng học đại học tại Việt Nam vào những năm 1980 nhớ lại:
“Trước khi bước vào kỳ thi đại học thì chúng tôi phải bước qua một kỳ khai lý lịch. Nếu tôi nhớ không lầm thì lý lịch của chúng tôi được xếp từ 1 cho đến 13. Chúng tôi cũng có nghe tới 14 nhưng tôi chưa thấy bạn nào bị như vậy. Tôi được xếp hạng thứ thứ 11 tức là gia đình (mà họ gọi là) ngụy quân, ngụy quyền ở cấp bậc nhỏ. Loại 12 thì họ gọi là có nợ máu với nhân dân, tức là đi quân đội và dường như là xếp từ thiếu úy trở lên. Loại 13 là những sĩ quan cao cấp, hay là sĩ quan công giáo, tôi cũng không biết tại sao.”
Không phải ai cũng biết là mình bị xếp loại lý lịch như thế nào như ông Nguyễn Đình Nguyên. Ông Nguyễn Thanh Liêm thi đại học vào năm 1978 nói:
“Thưa anh bản thân tôi không biết họ sắp xếp như thế nào, bởi vì tất cả đều diễn ra ngầm, không có một chủ trương, một chính sách nào đưa ra rằng con cái của những người thuộc chế độ cũ bị đối xử không giống như những người khác.”
Trong thời gian từ năm 1975 cho đến khi Việt Nam thực hiện việc cải cách kinh tế vào năm 1986, hồ sơ dự thi đại học của tất cả học sinh được nộp lên một cơ quan gọi là Ban tuyển sinh tỉnh hay thành phố. Nhưng theo một chuyên viên xin được dấu tên hiện làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam, thì cơ quan này chỉ là nơi làm công việc hành chánh của Bộ giáo dục. Theo chuyên gia này thì nơi quyết định số phận của các thí sinh là chính quyền địa phương. Ông nói về những người có lý lịch được xếp vào loại xấu
“Người ta đã xếp loại trước và người ta đã chuyển cái loại lý lịch đó cho các Ủy ban quân quản, hay ủy ban nhân dân từ cấp phường trở lên. Nghĩa là đối với số đó thì anh có thi, có đậu đại học, thì cái giấy đậu đại học cũng không tới được gia đình anh. Như vậy người dân bình thường người ta không biết đâu. Hay bên ngành giáo dục, người ta chỉ chấm thi thôi, còn chuyện em đó tại sao đậu mà không đi học thì theo kinh nghiệm 40 năm làm trong ngành giáo dục thì tôi biết là bên ngành giáo dục không có quyền biết cái đấy.”
Với hệ thống phân loại đến 14 cấp lý lịch như vậy, trình độ của các sinh viên trúng tuyển rất chênh lệch nhau. Ông Nguyễn Đình Nguyên cho biết là vào năm 1984, điểm của cấp lý lịch thứ 11 như ông vào Đại học Tây Nguyên là 15/30, nhưng trong lớp có cả những bạn học chỉ đạt có 3 điểm.
Không những bị hạn chế ở cánh cửa bước vào đại học, các sinh viên có lý lịch gọi là xấu cũng sẽ không được đi nước ngoài để du học. Ông Nguyễn Đình Nguyên nói:
“Chúng tôi không có cơ hội nào để đi du học nước ngoài ở loại lý lịch 11, chúng tôi chỉ có đậu và trượt, dù ở số điểm rất cao chứ không có cơ hội nào xuất ngoại để du học cả.”
...
Kính Hòa, phóng viên RFA
(Trích từ nguồn http://www.rfa.org/vietnamese)

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

MƯA BUỒN TUỔI THƠ

Vẫn còn thời xưa ấy... “nhất nam viết hữu – thập nữ viết vô”!
MƯA BUỒN TUỔI THƠ
Mưa có thể mang lại cho đất trời, cảnh vật và con người sự dịu mát sau những ngày hè oi ả. Nhưng với Nó. Mưa chỉ mang đến nỗi buồn. Tuổi thơ của Nó gắn với những cơn mưa.
Nó được nghe Ngoại kể ngày Mẹ Nó chuyển dạ sinh Nó, là một ngày mưa dầm dề như báo trước cuộc đời không tươi sáng của Nó. Quả không sai. Ngay ngày Nó chào đời. Ngoại khóc. Mẹ của Nó cũng khóc. Nhưng họ khóc không phải vì niềm vui vỡ òa khi gia đình có thêm một thành viên mà họ khóc vì Nó được sinh ra không như mong đợi. Nó không phải là con trai. Nó không phải là người nối dõi tông đường như kỳ vọng của cả gia tộc, của Nội và của Bố Nó. Ngày Nó chào đời. Bố Nó đã uống rượu nhiều hơn thường lệ và mắng Mẹ Nó nhiều hơn vì “không biết đẻ”.
Tuổi thơ của Nó cứ thế trôi đi trong những cơn mưa dai dẳng u buồn, không một ngày vui. Ngay từ khi bắt đầu “biết” thì Nó đã biết những trận đòn vô cớ từ Ba Nó dành cho Mẹ và biết những lời la mắng vô lý của Mẹ Nó dành cho Nó, bởi Nó đã không ra đời với hình hài của một thằng con trai. Nhất là những ngày trời mưa. Một người với công việc tự do như Bố Nó càng có thời gian rảnh nhiều hơn, càng uống rượu nhiều hơn, càng đánh và mắng nhiếc Mẹ nó nhiều hơn… để rồi không biết từ lúc nào Nó trở nên sợ hãi những cơn mưa. Nó đã gắng sức nhiều hơn để sống ngoan, để làm việc chăm chỉ, để lễ phép với xóm làng, để yêu thương cha mẹ và phấn đấu nhiều hơn để là một học sinh xuất sắc trong nhà trường… Vì nó hy vọng với những kỳ tích ấy, Nó sẽ được Bố Nó công nhận sự có mặt của Nó trên đời và được thừa nhận Nó cũng có “giá trị” như một thằng con trai. Nhưng không. Dường như mắt Bố Nó không thể “sáng” sau những “cơn mưa” về tư tưởng trọng nam khinh nữ, và không thể “mở” sau những “cơn mưa” của thái độ coi thường nơi một số người đàn ông trong làng. Những “cơn mưa tiêu cực” đã giăng mắc và ám ảnh trên cuộc đời của Bố Nó và lây cả sang Nó. Nó cũng chỉ thấy cuộc sống của Nó toàn một màu xám xịt ảm đạm.
Và rồi Nó nghĩ Nó cần phải thoát khỏi nơi này, thoát khỏi ngôi nhà tuổi thơ chứa đầy nỗi buồn của Nó. Nó quyết định đi tu. Với Nó lúc này, đi tu chỉ là để trốn chạy khỏi một thực tế nghiệt ngã. Khi nghe tin Nó đi tu. Mẹ nó khóc. Bố Nó không nói gì và cũng chẳng quan tâm, vì việc Nó vào dòng cũng không làm Nó trở thành một thằng con trai và chẳng làm thay đổi tình trạng nối dõi trong gia tộc nhà Nó.
Đời sống trong Dòng của Nó đã không còn những trận đánh vô cớ hay những lời quát mắng vô lối. Vậy nên đã có lúc nó cảm thấy được “cánh hoa đẹp của mùa xuân”, cũng có khi là “chút nắng hồng của mùa hạ”, có lúc là “những cơn gió mát của mùa thu”, nhưng phần nhiều là những “u ám của mùa đông”, xen vào những u ám ấy là những cơn mưa bất chợt. Mùa đông vốn đã thường đem đến cho người ta những giá lạnh cô đơn. Nhưng sự cô đơn ấy sẽ tái tê hơn nhiều khi gặp những cơn mưa trái mùa. Đó là khi Nó nhớ lại tuổi thơ, tưởng tượng lại thái độ của Bố và hình dung ra nỗi buồn lặng lẽ ngày qua ngày của Mẹ… Những lúc ấy, Nó lặng lẽ ngồi một mình, lặng lẽ buồn và lặng lẽ nghĩ tưởng. Nó nghĩ lại rằng suốt mấy năm qua trong nhà Dòng, Nó cứ sống như một nốt nhạc trầm bên cạnh muôn vàn cung bậc vui tươi khác nhau của cộng đoàn dù thường được chị Giáo và các chị em đồng trang lứa quan tâm hỏi han, động viên, Nhưng không hiểu sao Nó thấy không đủ dũng khí bước ra khỏi những màn mưa đang giăng mắc trong cuộc đời. Hoặc cũng có thể đó là hậu quả của các cơn mưa với những giọt nước táp vào mặt làm Nó “không thấy đường đi” và chẳng biết sẽ về đâu.
Dù không dám bước ra khỏi nỗi buồn của chính mình và không dễ mở lòng với người khác. Nhưng Nó lại nói chuyện được rất nhiều với Giêsu vì Nó thấy Ngài là một người bạn an toàn. Nó biết Ngài lúc nào cũng ở trong thinh lặng tuyệt đối như vậy thì sẽ không tiết lộ cho người khác những bí mật đáng xấu hổ của gia đình Nó cũng như những tổn thương trong tầm hồn của Nó. Ngài là điểm tựa duy nhất của Nó.
Thế rồi một ngày kia Nó được “đánh động” khi nhìn lên cây Thánh Giá – nơi mà Nó vẫn nhìn ngắm mỗi ngày, nhưng hôm nay mắt Nó mới “mở ra”. Nó thấy Thánh Giá có một thanh dọc và một thanh ngang. Và Nó chợt nhận ra Nó mới chỉ sống theo thanh dọc của cây Thánh Giá, tức là mới chỉ có tương quan với Chúa mà chưa sống thanh ngang, nghĩa là chưa sống tương quan với những người xung quanh khi còn co mình lại như thế này. Sau ngày đó, Nó sống khác. Vui tươi hơn. Cởi mở hơn. Biết chia sẻ hơn. Dấn thân hơn. Mọi người xung quanh đã thấy nụ cười trên gương mặt Nó. Nó cũng không né tránh gia đình nữa, đã về thăm Bố mẹ nhiều hơn và đôi khi còn dám “tranh luận” với Bố Nó về tư tưởng “nhất nam viết hữu – thập nữ viết vô”.
Cuộc sống của Nó bắt đầu đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Và Nó cứ thể thẳng tiến trên hành trình dâng hiến. Giờ Nó đã là một nữ tu đầy tươi vui và năng động. Bố Nó đã không còn những mặc cảm ám ảnh vì sinh ra toàn “vịt giời” nữa. Trái lại, trong ngày lễ khấn dòng của Nó, Bố Nó nghĩ mình đã sinh ra một “nàng thiên nga”.
...
...
Núi Cát, Đaminh Bùi Chu