Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Nghe chuyện xứ Mường... CÂY CHU ĐỒNG

Nghe chuyện xứ Mường...
CÂY CHU ĐỒNG
...
" Chu" tiếng Mường dùng để gọi cây dâu da- một loài cây cho quả chua, ăn được, sống ở trong rừng. Chu đồng là cây dâu da bằng đồng. Nhưng có phải đó là cây Chu đồng tồn tại trong tâm thức người Mường cổ? ...
...
" Nghe họ đồn, đồn rằng
Ở đất Khôông Ai Thiết Ống
Có cây Chu lớn
Có quả Chu đồng
Bông thau, lá thiếc
Gío thổi vi vút cành ngọn,
Rung rinh lên tận lòng trời
Không biết thật rằng chăng,
Tai nghe mặt không nhìn thấy"
Qủa là sức tưởng tượng của người Mường xưa phong phú vô cùng, không kém gì người Việt cổ ( người Kinh) khi xây dựng nên những con rồng bay lượn trên chín tầng mây hay ngự trên đền đài. Không chỉ dừng ở nghe "đồn", nghe " kháo", trí tưởng tượng dân gian để những người đi tìm cây băng núi vượt đèo tới nơi. Qủa thật cây Chu đồng như lời " đồn", lời " kháo". Và công cuộc chinh phục cây Chu đồng mới kì vĩ làm sao! Nào dựng trại, làm đồn, huy động quan quân chặt năm lâng bảy lượt… Thế nhưng vẫn:
" The thé cây Chu đồng dậy nói
Ha hả cây Chu đồng dậy cười"
Khi mô tả cây Chu đồng với những từ " the thé", " ha hả", trong tâm thức, người Mường xưa đã thực sự coi cây Chu có linh hồn. Thổi hồn cho cây, đôi khi người xưa thật sự kinh hãi với những lời nguyền đầy huyền bí:
" Mày đi thăm Chu đã đến
Đi viếng lội đã thấy
Mày muốn bỏ thây cho con ác
Bỏ xác cho con ruồi nhặng…
… Cho quân chặt Chu ngày nào, mày chết ngày ấy"
Nhưng phải chăng vẫn luôn luôn con người thắng thế- với thiên nhiên, với cả thánh thần? Nên dẫu có nhọc nhằn trong công cuộc chinh phục:
" Kéo nhích đi được một gang
Chu lăn ngang trở lại một nắm
Ầm ầm Chu lại nói
Ha hả Chu lại cười"
cuối cùng, kết quả tất yếu của dân Mường vẫn là: " Tăm Tạch về dẫn dân chín bản mười mường và cùng lang Cun Cần đi chặt cây Chu đồng đưa về dựng cửa làm nhà, để cho bản mường có nhà cao cửa rộng" (" Sự tích cây Chu đồng"- " Hợp tuyển văn học Mường").
Điều đáng nói, trong công cuộc chinh phục này đã có sự đoàn kết lớn:
" Kéo đi binh hỡi
Kéo đi mường à!
Kéo hô hô là hây!
Người Mường kéo Chu này tiếng nhao nhao
Người Việt bảo nhau tiếng hầy hầy
Kéo Chu này cho được
Kéo Chu này cho đi"
Tiếng " hô hô", " hầy hầy" của người Mường xưa cùng dân tộc anh em như vang vọng. Cây Chu đồng dường luôn toả bóng xuống thời gian, thắp lên niềm khát khao chinh phục thế giới đẹp giàu. Đó là niềm khát khao đã nằm trong tâm thức của người Mường xưa và vẫn bùng cháy cho đến tận bây giờ.
(Trích trong "Cây Chu Đồng trong tâm thức ngườI Mường cổ" của Nguyễn Thị Thu Hiền đăng trên trang Văn Học & Nghệ Thuật)

BÁNH UÔI (peẻng uôi)

Về mường ăn món quê...
BÁNH UÔI (peẻng uôi)
Bánh uôi là đặc sản của người Mường ở Hòa Bình, bánh có rất nhiều tên gọi như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết.... Bánh là niềm tự hào của người Mường, là một nét độc đáo trong nền văn hóa ẩm thực của người dân ở đây.
Trong tiếng Mường, bánh uôi được goị là "peẻng Uôi". Không ai biết bánh uôi có từ khi nào, kể cả những cụ cao niên trong làng, chỉ biết rằng bánh đã được truyền qua nhiều thế hệ. Trong những ngày lễ Tết, bánh là một vật phẩm không thể thiếu trên mâm cỗ trong gia đình người Mường ở Hòa Bình.
...
Bột hòa vào nước, trộn nhuyễn thành một khối trắng tinh, rồi xắt thành từng miếng nhỏ, cho nhân bánh vào giữa và vo tròn lại. Khi gói, đặt hai phần bánh ở hai đầu đối xứng trong miếng lá chuối, cuộn lại, xoắn nhanh và chặt tay. Sau đó, gập đôi hai đầu thành một và buộc lại bằng một dây lạt mềm, cuối cùng cắt gọn cuống lá chuối thừa sao cho gọn gàng và đẹp mắt. Bánh có hình dạng khá kỳ lạ và đặc biệt với hai phần giống hệt nhau như song sinh, hai bánh úp mặt vào nhau tuy hai mà như một.
Bánh gói xong được xếp vào chõ theo chiều dựng đứng để khi hấp bánh được chín đều. Hấp bánh trong khoảng gần một giờ đồng hồ, khi thấy lá chuối chuyển sang màu đậm là bánh đã chín, gắp bánh để ra đĩa...
...
(Trích trong "Độc đáo bánh uôi của người Mường" của Ngọc Miên đăng trênhttp://giadinh.vnexpress.net/)

Danh tướng người gốc Mường... LÊ LAI CỨU CHÚA

Danh tướng người gốc Mường...
LÊ LAI CỨU CHÚA
Lê Lai là một tướng lĩnh của quân khởi nghĩa Lam Sơn, người đã hy sinh thân mình cứu chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh. Lê Lai người gốc Mường, thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hoá), là con của Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng.
Năm 1418 quân Minh huy động lực lượng bao vây núi Chí Linh, nghĩa quân Lam Sơn hết lương ăn, phải ăn thịt cả con ngựa chiến cuối cùng. Để đánh lạc hướng quân giặc, duy trì cuộc khởi nghĩa, Lê Lai đã mặc áo hoàng bào giả làm chủ tướng Lê Lợi, cùng với 500 quân cảm tử xuống núi quyết chiến với quân Minh. Giặc bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi nên rút quân khỏi núi Chí Linh. Tấm gương hi sinh của Lê Lai mãi được nhà Lê ghi nhớ.
Năm 1428 ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã truy tặng cho Lê Lai là Đệ nhất Khai quốc công thần, soạn hai bài văn thề mãi mãi ghi nhớ công lao của Lê Lai. Trước khi mất Lê Lợi dặn lại vua nối ngôi Trần Thái Tông rằng: Ta có được ngày hôm nay là nhờ có Lê Lai. Do ngày mất của Lê Lai không rõ nên sau khi ta chết phải làm giỗ cho Lê Lai trước khi làm giỗ cho ta một ngày.
...
Các thư tịch cổ chép về Lê Lai quan trọng nhất là 5 quyển sách kể trên. Trong đó, ngoại trừ Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Lam Sơn thực lục chỉ chép một trong hai sự kiện năm 1418 hoặc 1427, còn Đại Việt thông sử và Lam Sơn thực lục tục biên (sao lại năm 1942) đều chép cả hai sự kiện, có đầy đủ mốc thời gian. Về sự kiện măm 1418, Đại Việt thông sử chép: “Lê lai… tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê ở Lam Sơn, dẫn quân ra đánh nhau với quân Minh… Lê Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lê Lai về thành Đông Quan giết chết” (Đế kỉ, Thái Tổ thượng). Ở phần liệt truyện về Lê Lai, sách này còn chép Lê Lợi sai người ngầm tìm thi hài Lê Lai, đem về Lam Sơn hậu táng. Về sự kiện tháng Giêng năm 1427, sách này chép: “Viên Tư Mã là Lê Lai cậy có chiến công, thường thốt ra những lời khinh nhờn. Vua (chỉ Lê Lợi-người dẫn) sai xử tử và tịch thu gia sản”. Vậy là sách này đã chép rõ cả việc Lê Lai chết năm 1418 và Lê Lai chết năm 1427. Hai sự kiện trên cũng được sách Lam Sơn thực lục tục biên chép tương tự. Ngoài ra, gia phả dòng họ Lê Lai ở Dựng Tú (Thanh Hóa) cũng chép truyện Lê Lai chết vì nước năm 1418. Truyền thuyết dân gian cũng nói đến việc Lê Lai liều mình cứu chúa rồi bị kẻ thù giết chết.
Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định Lê Lai đã hi sinh năm 1418 và trong hàng ngũ nghĩa quân cùng có hai người mang tên họ là Lê Lai (có thể trùng tên trùng họ hay trùng tên khác họ nhưng được ban quốc tính (họ Lê)). Viên Tư Mã Lê Lai của năm 1427 hoàn toàn không phải là Lê Lai bị quân Minh giết hại năm 1418. Cách chép sử thiếu sự kiện của Đại Việt sử kí toàn thư là đầu mối dẫn đến suy luận thiếu căn cứ cho rằng Lê Lai bị Lê Lợi xử tử như nói ở trên.
(Trích đoạn "Sự thật về cái chết của Lê Lai" của Đặng Thanh Tuyền đăng trên báo Kiến Thức Online)

MƯỜNG KÝ & NGHĨA QUÂN LAM SƠN

Truyền thuyết cổ tích ...
MƯỜNG KÝ & NGHĨA QUÂN LAM SƠN
Cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, nước Đại Việt phải trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm. Tội ác của quân Minh xâm lược đối với muôn dân nước Việt không thể kể xiết, " trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi". Quân địch tưởng rằng, với việc đàn áp, khủng bố bằng bạo lực như vậy, có thể đè bẹp ý chí đấu tranh bất khuất của dân ta, nhưng những tội ác đẫm máu của chúng chỉ càng khơi sâu thêm lòng căm thù quân xâm lược, khích lệ tinh thần xả thân vì nước của hào kiệt và muôn dân đất Việt.
Trong hoàn cảnh ấy, nhiều anh hùng nghĩa sỹ đã phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi dân chúng chống giặc Minh. Cùng thời điểm đó, tại vùng đất Lam Sơn Thanh Hóa, một ngọn lửa đấu tranh mới cũng đang dần được nhen lên. Đó là ngọn cờ khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi.
...
Hồi ấy Mường Ký còn mang tên Mường Muồn. Dân Mường biết nghĩa quân Lam Sơn đến, liền họp nhau lại đón tiếp, ủng hộ lương ăn, quần áo mặc cho nghĩa quân. Dựa vào địa thế kín đáo, Lê Lợi dừng lại một thời gian để củng cố lực lượng( Dấu tích còn lại ở Xã Văn Nho hiện nay là Luốc Mạ ( nơi thả ngựa) và Chiếng Chạng (nơi có giếng voi uống nước). Quân giặc phát hiện thấy dấu vết nghĩa quân, tung chó ngao đi lùng sục. Dân Mường bày kế dùng mảng nứa làm cầu nổi vượt qua đầm lầy giữa cánh đồng ở bản Ấm, rồi nhử chó ngao lên trên cầu, đến giữa đầm lầy giữa, nghĩa quân rút màng hất chó ngao xuống đầm lầy ( Đầm lầy ấy đặt tên là Pung Ma Háng, nghĩa là đầm chó sa lầy).
Một thời gian sau, Lê Lợi chuyển quân về phía tây, đi đến Đèo Gió ( Kéo Lùn), chẳng may voi chiến bị sa chân xuống khe đá mắc lại không đi được( nơi đó nạy gọi là Huối chạng Ca, nghĩa là khe mắc voi). Để đánh lạc hướng giặc, Lê Lợi trở lại theo con đi chéo lên đỉnh núi ( Suối đó sau này đặt tên là Kéo Léo nghĩa là lệch chéo, nói chệch thành suối Kếu Lừu, đó là đoạn đầu nguồn suối Bo ngày nay).
Lúc này, quân Minh đóng quân ở mường Ca Da ( Quan Da). Lê Lợi bố trí các trận phục kích, đặt chông, bẫy dọc theo sông Lò dưới chân núi Phay Lệnh, Phay Tong, gây cho quân Minh nhiều thiệt hại. Để chồng lại đàn chó ngao săn lùng nghĩa quân. Dân bản bày cho nghĩa quân một loại bẫy trượt ( tiếng thái gọi là Pát) để giết chó ngao. Hàng loạt chó ngao bị chết mà quân Minh không hề biết nguyên nhân( nơi đặt bẫy chó ngao gọi là Ma Pát). Sau khi chuẩn bị lực lượng đủ mạnh, Lê Lợi mới xuất quân xuống núi, tiến đánh quân Minh ở Ca Da( Quan Da) trận này nghĩa quân thắng lớn.
Khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, thiết lập triều đại Hậu Lê, mở ra một nền thái bình thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm.
Để ghi nhớ công đức của vua Lê Thái Tổ, tại Mường Ký, xã Văn Nho, huyện Bá Thước, nhân dân địa phương đã dựng hai đền thờ để thờ vua Lê ở trên quê hương mình. Một đền thờ dựng trên núi Lai Li, Lai Láng tại gốc cây Chu Đá nơi vua Lê đóng trại tạm trú ( do đó, núi Lai Li, Lai Láng nay đổi thành Pù Đền). Một đền thờ đặt trên gò ruộng Đon Ban, nơi người nông dân tên Ban đãi cơm nhà vua...
(Trích đoạn Truyền Thuyết Cổ Tích trên tranghttp://www.ditichlamkinh.vn/)

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

HOA HẬU XỨ MƯỜNG

Nghe chuyện xứ Mường...
HOA HẬU XỨ MƯỜNG
Cụm từ “hoa hậu” hay “người đẹp xứ Mường” được nhắc đến từ rất sớm, bởi trong những năm đặt ách thống trị ở thủ phủ xứ Mường mà trung tâm là Hòa Bình ngày nay, thực dân Pháp đã tổ chức 2 cuộc thi sắc đẹp có tên “Hoa hậu xứ Mường” vào năm 1932 và năm 1942. Trong cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” năm 1932, người được trao vương miện hoa hậu là bông hoa rừng rực rỡ sắc hương Quách Thị Tẻo, con gái nuôi của nhà Lang Quách Vị, quan Tuần phủ của tỉnh Mường Hòa Bình. Với sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng thành cùng với sự thông minh, khôn khéo, hoa hậu xứ Mường đã được bao bọc trong nhung lụa (vì thuở nhỏ là con gái nhà lang và sau này kết hôn với anh trai nuôi Quách Hàm, hoa hậu được phong làm bả ả), sống một cuộc sống vinh hoa tột bậc. Thế nhưng, kiến tạo xoay vần, sau này khi chế độ nhà Lang xụp đổ thì bông hoa rừng ấy lại phải sống và chết trong sự khốn khó. Những người dân trong vùng kể lại rằng, cuối đời bà phải tự tay dệt khăn, may áo đi bán ở các chợ. Vì là đệ tử của nàng tiên nâu, nên những đồng tiền kiếm được bà đều dành để mua thuốc phiện, đến năm 1984, bông hoa của núi rừng năm nào đã từ giã cõi đời trong thân xác còm cõi, hom hem vì “đói thuốc”.
10 năm sau cuộc thi “ hoa hậu xứ Mường” lần thứ nhất (năm 1942), một lần nữa sắc đẹp của những bông hoa rừng lại được vinh danh và ngôi vị hoa hậu lần này được xướng tên Đinh Thị Nụ, cũng là con gái của một vị chức sắc ở châu Lương Sơn. 3 năm sau ngày đăng quang ngôi vị hoa hậu, bông hoa rừng Đinh Thị Nụ lên xe hoa làm vợ một thương nhân giàu có ở phố Hàng Khay (Hà Nội). Đám cưới của họ được xem như một sự kiện văn hóa lớn khiến hàng ngàn người quan tâm. Nhưng, những lời chúc phúc cho hoa hậu xứ Mường khi ấy dường như không linh nghiệm. Bà phải sớm rời bỏ đất, người Hà thành để trở về quê cũ vì không có khả năng sinh con. Mấy năm sau, người đẹp đi bước nữa với một người đàn ông đã có một đời vợ và có 2 người con. Cuộc đời của hoa hậu xứ Mường bình lặng trôi đi đến khi chồng mất (cũng tại Hà Nội), bà lại dứt áo trở về quê cũ (Lương Sơn), sống cuộc sống đơn độc và năm 2006, bà đã nhắm mắt xuôi tay ở xứ Mường, nơi sắc đẹp của bà đã được tôn vinh hơn 70 năm về trước.
...
Cũng chung niềm vui như đàn chị Đặng Quỳnh Nga, người đẹp Hồ Kiều Oanh, một thiếu nữ đất Mường Thàng (Hoa khôi được vinh danh trong Ngày Hội Văn hóa Mường toàn quốc năm 2007) tại Hòa Bình luôn nỗ lực vươn lên để biến ước mơ, khát vọng của mình trở thành hiện thực. Khi được đăng quang ngôi vị hoa khôi, Kiều Oanh đang là sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 1...
(Trích trong "Người đẹp xứ Mường xưa và nay" của Thúy Hằng đăng trên báo Hòa Bình Online)

Nét đẹp đời thường của người đẹp xứ Mường Hồ Kiều Oanh

 Hoa hậu xứ Mường, Quách Thị Tẻo

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

RÊU ĐÁ

Nghe chuyện xứ Mường...
RÊU ĐÁ

Một cụ già người Mường cho biết: “Loài rêu đá ở đây không phải bỗng dưng mà có đâu nhé! Từ lâu lắm rồi, trên dãy núi mẹ Lia có người Mường và người Dao cùng chung sống, người Dao sống ở trên núi, còn người Mường sống ở chân núi. Trong một lần đi hái củi trên rừng, chàng trai Mường gặp một cô gái Dao có da trắng, tóc dài, má hồng đang đi hái măng. Sau đó, hai người yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình chia cắt, ngăn cản. Cô gái Dao không được lấy chàng trai Mường nên buồn tủi ngày đêm ngồi khóc đến độ nước mắt chảy dài thành dòng suối Thân. Chàng trai Mường không lấy được người yêu cũng si tình ra suối tự vẫn, chàng biến thành viên đá, còn cô gái biến thành rêu ôm ấp quanh chàng. Có lẽ vì thế mà rêu suối Thân là ngon nhất, đặc biệt nhất vùng Tây Bắc này đây”.
...
Lấy rêu đá cũng kỳ công hơn. Các sơn nữ phải dùng thanh nứa sắc, cạo vào những tảng đá để bóc lấy lớp rêu mềm mại, mỏng mảnh. Cứ kiên trì cạo cả buổi mới được vài kg rêu, đủ một bữa ăn cho gia đình.
Khi đã hái được một đống rêu, các sơn nữ nhặt một viên đá sạch, rồi cứ thế đập vào đống rêu đến khi nào rêu mềm nhũn, rồi thả vào rổ, ngoáy tít dưới suối, đánh tan tạp chất. Việc đập rêu, rửa rêu cứ lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần, đến khi nào rêu quấn quện vào nhau như chiếc áo vắt thì các sơn nữ bắt đầu tỉ mẩn vạch từng sợi rêu để nhặt cỏ rác lẫn trong rêu.
...
Làm món rêu nướng rất kỳ công, nên chỉ vào những ngày rỗi rãi mới có điều kiện làm. Sau khi tẩm các loại gia vị như hạt sẻn, hạt dổi, hạt mắc khén (một loại hạt cay, thơm nức chỉ mọc trong rừng), ớt, tỏi, gừng, lá chanh,… rêu được gói bằng nhiều lớp lá dong, rồi vần trên than nóng.
Các chị, các mẹ cứ ngồi bên bếp than vần món rêu gói lá dong từ sáng đến tận bữa nhậu để phục vụ chồng và khách. Rêu vần trên than nóng càng lâu thì món rêu sẽ càng nhừ và càng ngon. Người ngồi nhậu chờ rêu chín sốt ruột không khác gì chờ món “mầm đá”.
...
Theo đồng bào nơi đây, ngoài việc là món ăn ngon, rêu đá còn là phương thuốc chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, bình ổn huyết áp. Rêu là món ăn không thể thiếu của đồng bào vùng cao vì nó có tác dụng chống ngã nước, sốt rét, tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể chống lại sơn lam chướng khí.
(Trích đoạn "RÊU ĐÁ - món ngon của huyện Tân Sơn" trên tranghttp://www.tanson/)




HUYỀN THOẠI VÙNG MỸ NỮ

Nghe chuyện xứ Mường...
HUYỀN THOẠI VÙNG MỸ NỮ
Hiếm vùng đất nào có nhiều cô gái xinh đẹp như ở Văn Luông (Tân Sơn, Phú Thọ). Sự "ân sủng" của tạo hóa ấy được người già trên vùng đất này đúc kết rằng: "Nhất Luông, nhì Cốc, tam Hiền"...

...
Văn Luông xưa nay nổi tiếng mệnh danh là miền hoa khôi, nét đẹp của người phụ nữ ở đây không chỉ là vẻ bên ngoài mà đó còn là sự nết na thùy mị. Tinh khôi như đóa hoa lan rừng chớm nở. Vẻ đẹp thể hiện trong cách ứng xử giao tiếp với mọi người.
...
Xưa kia các cụ bảo mỗi năm phải lấy một cô gái xinh đẹp trong bản để đi cung tiến những thổ ty (chủ đất, địa chủ). Mọi người trong bản vẫn truyền tai nhau về câu chuyện của hai mẹ con có nhan sắc diễm lệ, quan về tuyển không biết chọn ai đành chọn cả hai.
Vì sao các cô gái nơi đây lại xinh đẹp đến vậy? Đồn rằng, từ xa xưa đến nay người Chiềng Luông đã lấy những cây cỏ có sẵn trên rừng núi để làm món ăn. Người phụ nữ sau khi sinh con phải hơ lửa, để cho lớp da cũ được bong ra, lớp da đó sẽ trắng trẻo xinh đẹp hơn... đó là luật bất thành văn. Cùng với đó người Chiềng Luông còn lấy cây rau rừng và lá Mận Ma ở trên đồi về nấu lên tắm. Cơ thể sẽ được khoẻ mạnh, da dẻ sẽ hồng hào.
"Nơi đây có vị trí làm ăn thuận tiện, khí hậu mát mẻ, sảng khoái nên đất này nhiều người đến đây khai hoang. Người con gái Mường tính nết dịu dàng, nói chuyện mềm dẻo. Dòng sông Bứa chảy qua Chiềng Luông có một thứ rêu đá mà người phụ nữ từ lúc trưởng thành tới sinh nở ăn vào cơ thể sẽ săn chắc, nước da sẽ trắng hồng. Người ta đồn đại rằng đó là kỳ dược cho người con gái nơi đây"
(Trích trên Du lịch, Go! "Về thăm miền gái đẹp Văn Luông" được đăng bởi Điền Gia Dũng)

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Nghe chuyện xứ Mường...
"BÁNH XE NƯỚC!"
Guồng nước, người Mường còn gọi là xe nước, một dụng cụ làm bằng gỗ, tre nứa đưa nước từ suối lên những con ruộng bậc thang làm ra ngô lúa… hay dẫn nước về tận chân màn thang làm rạng rỡ những khuôn mặt, sạch những đôi chân trước khi bước lên sàn nhà. Về hình dáng, trông nó giống như chiếc xe sợi. Chỉ có điều, chiếc xe sợi được quay bằng bàn tay của những người phụ nữ để biến những lọn bông trắng như mây thành sợi. Rồi dệt, nhuộm, thêu… làm nên những vuông thổ cẩm sặc sỡ. Trong khi đó, guồng nước lại quay bằng chính “bàn tay” của nước góp phần làm nên những con ruộng tốt tươi.
Không rộn vang tiếng máy, không “vật vã” bê tông, những chiếc guồng chỉ khẽ khàng bên suối như lời thủ thỉ của núi rừng. Khi bình minh lên, guồng nước quay như đánh thức cỏ cây. Chiều về, tiếng nước đổ từng ống, từng ống như khẽ reo, như bẽn lẽn, như ý tứ rót nước mời những vị khách của hoàng hôn. Hỏi có thanh bình nào hơn thế?
Từ ngàn xưa, ông cha ta đã biết lợi dụng sức nước vào việc khai khẩn ruộng bậc thang làm ra ngô lúa. Không ai còn nhớ cái guồng ra đời từ bao giờ, chỉ biết nó là hình ảnh thân thuộc của bản làng miền núi. Những người con của núi rừng đi xa, mỗi khi nghĩ tới hình ảnh chiếc guồng bên suối là gợi nhớ bao điều thân thương của quê hương yêu dấu. Vì thế, cái guồng không chỉ là vật dụng mà nó đã trở thành một tài sản văn hóa của người miền núi.
Nước chảy, đẩy những phên nứa làm guồng quay. Những ống nứa cắt vát lại được đặt chéo rất khéo ở vành của guồng. Khi chìm dưới suối, những ống nứa này được nước đong đầy và tiếp tục quay, để rồi tới tầm cao cho phép thì đổ nước vào máng tạo dòng chảy trên cao. Độ mau, thưa của những ống nứa quyết định lưu lượng của dòng nước mới. Đường kính của guồng chính bằng độ cao của dòng nước chảy mới.
Làm guồng khó nhất là độ tròn đều của vành, độ đặt vát của ống nứa, để nước bắt đầu đổ và đổ xong vào vị trí nhất định. Nghĩa là, nước đổ không sớm không muộn. Vì sớm hay muộn, nước đều đổ ra ngoài máng và lại về ngay với suối. Chính vì thế mà có người đi theo các cụ nhiều năm mà không tự làm được chiếc guồng. Trước đây, có người đi công tác đã mang vòng bi về thí điểm lắp vào trục của guồng, nhưng vì vòng quay nhanh quá, nước chưa kịp vào đầy ống đã lại đổ ra ngoài máng cả. Từ đó, chiếc guồng vẫn 100% làm bằng gỗ, tre, nứa. Guồng càng quay càng bền, vì tre nứa được ngâm trong nước, nhưng nếu đứng yên thì lại nhanh hỏng vì phải chịu nắng mưa của thời gian.
...
Đứng trước những chiếc guồng đang quay, ta có cảm giác đây như là những khoảng lặng trong “bản giao hưởng” cuộc sống sôi động mà không ít ồn ào. Và trong tiếng suối chảy, nước reo ấy mà nhìn đồng lúa, nương ngô, ruộng rau hay cánh rừng qua vòng quay của “nan hoa” tre nứa thì thật là thơ mộng. Bao du khách đã sững sờ trước vẻ đẹp kiêu sa của những chiếc guồng đang như thác như mưa, đang như thực như mơ trong hoàng hôn chín sẫm.
(Theo Vietnamnet)


Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

LỊCH ĐOI (còn gọi là lịch tre)

Nghe chuyện xứ Mường...
LỊCH ĐOI (còn gọi là lịch tre)
Xưa kia, cộng đồng người Mường ở Hòa Bình được chia thành 4 vùng Mường là Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc); Mường Vang (nay là huyện Lạc Sơn); Mường Thàng (nay là huyện Cao Phong); Mường Động (nay là huyện Kim Bôi) với câu nói đã lưu truyền từ ngàn đời nay “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, trong đó Mường Bi được xem là Mường lớn. Quả thật, tại Mường Bi, người ta còn thấy lưu lại khá nhiều giá trị văn hoá cổ của người Mường. Một trong những giá trị văn hoá đặc sắc là lịch Đoi và nơi đây nhiều người dân còn lưu giữ được lịch Đoi và cách xem lịch Đoi.
...
Căn cứ trên chu kì hoạt động của sao Đoi (sao Thần Nông), người Mường đã xác định được các tháng, tuần, ngày trong năm có những sự kiện về thời tiết ra sao để từ đó đưa ra các quyết định cho công việc đồng áng, làm ăn của mình. Vì người Mường đã thất truyền chữ viết nên để xem được lịch, trong vạch của mỗi ngày có những kí hiệu đặc biệt để người ta có thể biết đó là ngày làm ăn thuận lợi hoặc hao tổn, cũng có ngày để đi làm đồng, gieo mạ, đi săn, đánh bắt cá được nhiều nhất… “Trên lịch Đoi, nếu thấy vạch nào hình chữ V- hình đuôi cá thì gọi là ngày cá, vạch nào có một chấm ở trên thì gọi là ngày tiểu hao, hai chấm thì gọi là ngày hao, vạch hình mũi tên là ngày mưa bão... Khi dựng vợ, gả chồng, người Mường Bi phải nhằm vào những ngày vạch ngắn, đó là ký hiệu của ngày bình thường có thể làm đủ mọi công việc...
Đặc biệt, hằng năm, các thầy mo có tài chiêm tinh thường lên ngọn núi Cột Cờ hay ra khoảnh đất rộng, thoáng đãng... để nhìn sao Đoi. Nếu sao Đoi vào cùng với mặt trăng thì năm tới thời tiết ôn hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu… Lịch Đoi chậm hơn lịch âm khoảng 15 ngày. Chính vì thế mà hiện nay người Mường ăn tết hai lần, một lần Tết Nguyên đán theo lịch âm, và một lần ăn Tết theo lịch Đoi.
(Trích đoạn "Cùng người Mường xem lịch Đoi" của Việt Lâm đăng trên Văn Hóa Online)





Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

NHẢY SẠP

Nghe chuyện xứ Mường...
NHẢY SẠP
Sòn sòn sòn đô sòn .
Sòn sòn sòn đô rê .
Đô rê đô mí sì rê .
Đô rê mí rê đô là .
Rê đô là đô là sòn là
Rê đô là đô là son mì
Son mì son mì son la
Son la son la đô đô....
Trước kia, giới nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng múa sạp là của đồng bào Mường. Sau này, nhiều ý kiến lại cho rằng, điệu múa này không chỉ riêng có với đồng bào Mường, mà còn rất phổ biến với người Thái, người Khơ Mú. Trên thực tế, múa sạp được nhiều dân tộc miền Tây Bắc thể hiện, đặc biệt là trong các lễ hội. Điều đó cho thấy, dù khởi nguồn từ dân tộc nào đi chăng nữa thì mức độ lan tỏa của nó rất lớn, chứng tỏ sự cuốn hút mạnh mẽ, đồng thời mang tính cộng đồng cao, dễ phổ cập. Vũ điệu này còn được cả đồng bào Kinh thể hiện, cũng lôi cuốn nhiều người tham gia...
...
Còn đồng bào Mường, bao đời nay múa sạp được cho là điệu múa nổi bật nhất. Không một chàng trai, cô gái Mường nào không biết múa sạp. Không một mùa xuân nào, một đêm trăng sáng nào, một lễ hội nào người ta không tổ chức múa sạp.
Theo thời gian, nhiều điệu múa dân gian bị mai một, thất truyền, nhưng riêng với múa sạp thì do đặc tính mở, rất cộng đồng nên nó vẫn tồn tại. Không những thế, nó còn được nâng cao hơn về tính nghệ thuật, giúp cho đời sống cộng đồng thêm phong phú. Múa sạp cùng với các vũ điệu dân gian khác như múa quạt, múa đàn tính, múa dải lụa… khiến cho một vùng Tây Bắc càng trở nên sống động, quyến rũ.
(Nguồn : Báo Đại Đoàn Kết)








Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

CƠM ĐỒ, NHÀ GÁC, NƯỚC VÁC, LỢN THUI ...

Nghe chuyện xứ Mường...
CƠM ĐỒ, NHÀ GÁC, NƯỚC VÁC, LỢN THUI ...
- Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới - câu tục ngữ của người Mường có thể nói đã tóm tắt toàn bộ cuộc sống của sắc tộc này, sắc tộc được coi là cội nguồn của người Việt. Cùng với thời gian, trong lối sống ấy nhiều thứ đã mai một.
* Đối với người Mường, đồ không chỉ dùng cho việc nấu cơm mà là cách nấu đặc trưng, nấu rau, cá người ta đều cho vào chõ gỗ đồ cả, thậm chí phía dưới đồ gạo nương, phía trên đồ rau, và được ngăn bởi một vách tre đan không ảnh hưởng gì cả. Tức là tất cả các thực phẩm đều có thể nấu chín bằng đồ hấp hơi và đó là một phong cách ẩm thực của người Mường cho đến tận ngày nay.
* Trên cơ sở của một hình mẫu nhà sàn chung, nhà sàn của bốn giai tầng trong xã hội Mường khác nhau chút ít. Rộng nhất và bề thế nhất, cũng như làm bằng gỗ tốt là nhà Lang và Ậu, giai tầng thứ nhất và thứ hai. Nhà dân thường là nhà Nóc, thấp bé hơn chút ít, còn nhà Nóc trọi của tầng lớp bần cùng đáy xã hội thì dường như chỉ làm bằng tre nứa và nhỏ như cái chòi. Hệ thống vì kèo nhà người Mường cơ bản không dùng mộng đục mà kết nối thuần túy bằng cách gác lên nhau, và chồng đè. Cách thức này giúp cho ngôi nhà nếu bị lũ lụt, lở đất thì chỉ xê dịch chứ không đổ gãy hoàn toàn khung vì kèo, và lại dễ dàng phục hồi.
* Mặc dù có hệ thống dẫn nước bằng máng và lấy nước bằng các guồng nước lớn, nhưng người Mường vẫn chỉ dùng nước đó để tưới tiêu, giã gạo (cối giã gạo nước), chứ nước ăn uống người ta lấy riêng từ một mó (nguồn, mỏ) nước sạch và dường như không bao giờ cạn. Mó nước này được bảo vệ chặt chẽ vì nó cung cấp nước sạch có thể uống được ngay cho cả bản làng. Và người ta chỉ có thể lấy nước đó bằng các đồ đựng như ống bương lớn hay ống tre nhỏ ... Hình ảnh người phụ nữ vác ống bương nước dài rất điển hình trong sinh hoạt bản làng Mường xưa.
* Lợn thui là một kiểu chế biến thực phẩm nguyên thủy, tất cả con vật bắt được đều thui và nướng. Nếu như người Kinh dùng nước sôi cạo lông lợn khi làm thịt, rồi mới luộc hay xào nấu, thì người Mường thui lợn, rồi dùng lá chuối bánh tẻ, không quá non hay già, nướng qua đi rồi gói thịt lợn thái từng lát cho vào chõ gỗ hấp (đồ), chứ không luộc, bên cạnh đó tất nhiên là món nướng...
(Trích đoạn "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới" của Phan Cẩm THượng và Vũ Hiếu đăng trên báo Thethaovanhoa.vn)





Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Nghe chuyện xứ Mường...
HỌ ĐINH Ở MƯỜNG ĐỘNG
Mường Động là một trong bốn mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động ở tỉnh Hoà Bình. Từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XVIII dòng họ Đinh là dòng họ có thế lực mạnh nhất cai quản mường Động.
Hiện nay, dòng họ Đinh ở Mường Động còn lưu giữ được quyển gia phả của dòng họ viết bằng chữ Hán. Do ông Đinh Công Bàng phụng soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 25 (1724). Theo gia phả và truyền thuyết thì từ thời xa xưa, người khai lập ra dòng họ Đinh vốn là Đinh Như Lệnh, làm thổ tù xã Vĩnh Đồng...
...
Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê trung hưng, chống giặc và xây dựng triều chính, ông là một trong những tướng tài của Trịnh Kiểm. Vì có công với nước nên bố ông là Đinh Văn Cương được phong tước Quận công. Do vậy dòng họ Đinh Công xuất phát từ Đinh Công Kỷ.
Do có công với nước nên khi chết Đinh Công Kỷ đã được mai táng theo tước hầu. Quan tài bằng gỗ trám đen (loại gỗ quý của vùng này), ngoài sơn son thếp vàng và được chôn theo nhiều đồ đạc quý. Đặc biệt do có công với triều Lê nên khi dựng mộ ông, nhà Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ.
Theo diễn biến của lịch sử, sự chìm nổi của dòng họ Đinh, khu mộ quan Mường chỉ vang bóng một thời - trở thành thánh địa của dòng họ Đinh khi quyền lực vững mạnh ở thế kỷ thứ XVII sang đến thế kỷ sau. Khu mộ vẫn tiếp tục nhận thêm những chủ nhân mới về Mường ma, nhưng với vai trò của nó đã dần mờ nhạt đi vào huyền ức của đời sau cùng với nhiều truyền thuyết chưa khám phá ra hết được
(Trích đoạn HỌ ĐINH Ở MƯỜNG ĐỘNG -HÒA BÌNH của Hà Tuân đăng trên http://www.hodinhvietnam.com/)


 Đất Mường sinh sống nằm gọn trong lòng lưu vực sông Đà được chia ra theo thứ tự: Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. (TP)

Cuốn gia phả với văn tự cổ màu vàng úa ghi lại những vinh hiển và thăng trầm của dòng họ Đinh Công ở xứ Mường Động.(ĐQT)


Khu mộ đá Đống Thếch được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là niềm tự hào của dòng họ Đinh Công.(Hòa Bình Online)

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

HỘI LÀNG TẠI ĐÌNH PHÚ ĐỨC

Làng mường thị trấn Buôn Trấp...
HỘI LÀNG TẠI ĐÌNH PHÚ ĐỨC

Tết Khai hạ! Theo cách tính của người xưa, ngày mùng Một tháng Giêng ứng vào gà, mùng Hai - chó, mùng Ba - lợn, mùng Bốn - dê, mùng Năm - trâu, mùng Sáu ngựa, mùng Bảy - người, mùng Tám - lúa.
Trong 8 ngày đầu năm cứ, ngày nào sáng sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy cả năm được tốt. Vì vậy, đến mùng Bảy, thấy trời tạnh ráo thì người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Mùng Bảy kết thúc Tết Nguyên Đán thì cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ - Tết mở đầu ngày vui để chào mùa Xuân mới.
Theo tục lệ Việt Nam, ngày mồng bảy tháng giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để "trừ ma quỷ", nay được hạ xuống. Lễ hạ nêu còn được gọi là lễ Khai hạ.
Nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng trời đất, người ta còn sửa lễ cúng Gia tiên, cúng Thổ công và thần tài. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu trở lại.
(Điểm danh 12 Tết cổ truyền ở Việt Nam đăng trên Cuộc Sống Việt)








Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

MÙA XUÂN NĂM ẤY

Nhớ Ban mê ...
MÙA XUÂN NĂM ẤY

...
Sáng mồng Ba tiếng súng cũng đã giảm hẳn, chúng tôi khoảng hơn 50 người cầm những cây tre có gắn khăn trắng quyết định bồng bế dìu dắt nhau lên phố, chúng tôi đi men theo bờ suối ra tới nhà thờ Xứ Hưng Đạo còn gọi là xứ Nghĩa Đức của cha Bân, gặp thêm khoảng 50 người từ nhà thờ nữa cùng nhập bọn đi ngược con đường Đề Thám tới ngang đầu ty Thú Y nơi chúng tôi thường gọi là "Dốc Ðê" thì thấy trước mặt đã cháy rụi không còn gì cả, từ chỗ chúng tôi đứng nhìn lên thấy tận tường xây màu vàng nhạt của khuôn viên Biệt Điện và những gốc thông già ngoài công viên, các nhà cửa dân chúng và dinh thự ty sở không còn thấy nữa, lác đác chỉ còn vài cái cột đen trủi ngun ngún khói, ngay chỗ này cũng có cái trường tiểu học tư thục tên Thanh Tâm của gia đình tôi cho mướn dạy học cũng đã cháy mất dấu, rẽ về phía mặt lên dốc chúng tôi băng ngang đường Phạm Hồng Thái hướng về con đường cổng sau Tiểu khu, quân nhu, quân trấn v.v.. phía bên các chuồng heo trong Ty thú y, vẫn còn lốp đốp những tiếng AK bắn bâng quơ về hướng nghĩa địa quân nhân nhắm vào Tiểu khu Darlac
Cứ thế chúng tôi lầm lũi bước đi, bố tôi cưỡi chiếc Suzuki M12 chở theo các em tôi và đi dẫn đầu đám đông, có chỗ phải lách bước qua những xác chết nằm giữa đường lộ, khi tới chỗ ngang nhà lao, có nhiều người lính chạy ra hỏi thăm tình hình "phía đằng đó" thế nào ? Bố tôi trả lời những người lính bằng vài câu ngắn gọn những gì mắt thấy tai nghe ! Rồi đoàn người chúng tôi hướng về cột phía đèn ba ngọn đi băng ngang qua khu bến xe cũ gần bên hông rạp hát Thăng Long, lúc này mới có cảm giác nhẹ nhõm sau ba ngày nằm chịu trận dưới bom đạn của khu chiến địa bây giờ tìm được về vùng đất an ninh, sung sướng làm sao !
Đoàn người tản cư nhập bọn với vô số người từ những nơi khác đến ngồi nằm chật cứng cả sân nhà thờ chính toà, riêng gia đình tôi rẽ xuống phố vào ở nhà ông bác họ ngoài đường Y Jut quãng giữa đường Phan Bội Châu và đường Hoàng Diệu, đối diện Hội tương tế Kiến Hoà
Tôi không theo gia đình xuống phố Y-Jut mà nấn ná ở lại nhà thờ chơi với các bạn bè đã cùng chung 3 ngày khói lửa có nhau, đứng ở đây khơi khơi ngó thẳng xuống con đường Thống Nhất, cây cành ngổn ngang, xác người vương vãi, chúng tôi nhìn về xóm mình chỉ cách đó khoảng hơn một cây số, vẫn còn những đợt khói bốc lên, vẫn lác đác dăm phi vụ bỏ bom !
Bỗng một tiếng nổ lớn bên hông sân nhà thờ chính toà, một trái bom Napalm nổ văng nhựa cháy khắp bốn phương tràn ra như một biển lửa, nguời ta kêu réo vang trời, anh bạn tôi bị dính tý nhựa bằng hạt ngô cháy ngay đít quần vì chúng tôi đang đứng gần cổng chính nhìn hướng về phía Nam khi bom nổ phía sau lưng, hắn nóng quá lấy tay phủi bị nhựa dính phỏng tay, ngồi phệt đánh chịn xuống sân đất dập được lửa tắt nhưng quần đã cháy lủng một lỗ và mông thì bị vết bỏng to bằng đồng xu, cũng may là phía chỗ bom rơi cũng không đông người tỵ nạn cho lắm nên số người chết cháy không nhiều, số người phỏng nhiều hơn. - Sau này tôi mới có dịp biết thêm chi tiết sự việc ném bom nhầm nhà thờ này !
Hai hôm sau tiếng súng đã dứt hẳn, chiều ngày mồng năm tết, tôi cùng người bạn bị phỏng mông cùng ở nhà liền vách, rủ nhau về xem lại nhà cửa heo gà thế nào ? để chúng nó đói tội nghiệp, cứ dọc theo đường cái Thống Nhất mà về, qua khỏi Tiểu khu tới ngang toà tỉnh giờ chỉ còn là đống xà bần, xác người bên lề đường, xác người dựa gốc cây, chỗ này bàn tay còn lủng lẳng trên hàng rào kẽm gai, chỗ nọ cái chân v.v… ngang công viên phía bên phải, những bụi hoa giấy những ghế đá, cả chỗ cái xích đu cầu tuột cạnh sân tennis ở đối diện cửa Bệnh viện đều ngả nghiêng gãy đổ hoang tàn ! chúng tôi rẽ trái bước qua đống gạch vụn mà trước đó là Ty ngân khố, cũng tạt ngang tìm xem có thấy thùng tiền nào rơi rớt ở đó nhưng không thấy gì cả ngoài mùi khét của thịt cháy, những vết máu loang đã trở nên tím bầm , hai căn nhà đúc thật to của gia đình Nicholas giờ cũng là đống gạch vụn, cả vườn cà phê hai bên bên đường với những hàng muồng cao xanh đậm rậm rịt che kín và căn nhà gỗ đen đồ xộ của ông Huấn đã không còn đứng đó nữa , những lỗ bom khắp mọi nơi, gần như cứ vài chục bước là một lỗ rộng đến bốn năm thước và sâu có đến hai thước, vườn cà phê đã hoàn toàn bị cày nát chỉ còn là lồi lõm hố bom đất đỏ ...
...
Tết Mậu Thân chỉ là một cái dấu mốc đáng nhớ thời tuổi trẻ của tôi, từng thế hệ lần lượt ra đi, rồi vài năm sau khi tôi mới chỉ cao bằng cây Garan M1 cũng đã bỏ súng gỗ ôm súng carbine đi làm nhiệm vụ bảo vệ thôn xóm mình, chưa hết tuổi sợ ma đêm đêm vẫn phải đi tuần hành qua khắp hang cùng ngõ hẻm trong xóm, mỗi khi đi qua vườn chuối hoặc những chỗ trước đây có xác chết "cái tóc lựng dựng, cái lưng lành lạnh"
Các con tôi giục giã nhau đi sinh hoạt đoàn thể ngoài nhà thờ, chúng nó đã lớn hơn tôi hồi đó rất nhiều, nó có tuổi thơ của nó, tôi có tuổi thơ của tôi, như con suối "Mu Ri" chảy một chiều, tôi hiểu tuổi thơ của chúng nhưng chúng không thể hiểu tuổi thơ của tôi, khác với chúng nó tôi hiểu chiến tranh là thế nàọ Banmêthuột nơi tôi khôn lớn trong chiến tranh đến nay đã mấy chục năm rồi mà còn ngỡ như mới hôm qua !
(Trích đoạn trong truyện ngắn MÙA XUÂN NĂM ẤY của TRẦN MỖ đăng trên Việt Nam Thư Quán)



Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Nhớ bài Tập Đọc Vui ngày xưa... HAI KHỈ ĐÓI ĂN

Nhớ bài Tập Đọc Vui ngày xưa...
HAI KHỈ ĐÓI ĂN
Hai khỉ đói nhăn 
Đi ăn trộm chuối
Khiêng đầu khiêng cuối
Về tổ cùng ăn
Chủ nhà biết thế
Nghĩ kế đặt tròng
Khỉ mắc vào trong
Người xông lại bắt.
Bảo Vân
* Đặc tính của những bài này là luôn chỉ có 8 câu, không hơn không kém. Những bài đầu mỗi câu 3 chữ, sau khó lên thành mỗi câu 4 chữ. Tác giả là cụ Bảo Vân - Bùi Văn Bảo, định cư tại Canada và đã mất cách đây khoảng 10 năm. (NQP)

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

LỘC XUÂN NĂM NAY

LỘC XUÂN NĂM NAY
Hái lộc đầu năm, một nét văn hóa đã có tự rất lâu đời. Hái lộc ngày xuân được coi là một trong những phong tục, tập quán ngày Tết ở Việt Nam. Vào lúc giao thừa và trong ngày đầu năm, người ta thường đến đình chùa, miếu mão hái lộc xuân để xin lộc, xin ơn, cầu phúc, cầu tài cho năm mới.
...
Mình là một giáo dân trong họ đạo Buôn Trấp, giống như mọi người đã cùng gia đình đi lễ đầu năm. Ai cũng lên xin lộc ghi lại một câu trích trong sách thánh, nên còn được gọi là lộc thánh đầu xuân. Câu lộc của mình ứng với cái tuổi Thân đi hết một vòng thành một Hoa giáp...Sinh vào giờ Thân, năm Thân thì biết...nói gì nữa!
"Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi ...
Còn tôi sao lại ngậm ngùi tuổi Thân" -Ca dao-
Thôi thì cũng vui với câu lộc thánh "Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, nhưng Chúa hằng nghĩ tới" (Tv 39,18)

Láng giềng tôi... XUÂN ĐẾN BÊN HÈ NHÀ

Láng giềng tôi...
XUÂN ĐẾN BÊN HÈ NHÀ
Năm nay, các cây mai trồng đều nở bông sớm hơn mọi năm...Nhờ vậy mà xuân được để nguyên bên hè nhà làm đẹp cho thôn xóm. Có những cây đào lạ đất bung cành tươi tốt điểm cho đất trời vài nụ hồng ý nhị. Mong muốn một ngày mai, từng ngày trong năm mới đem đến cho mọi người, mọi nhà nhiều niềm vui hạnh phúc.




Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Góc riêng tư ... TẾT ĐẾN RỒI!

Góc riêng tư ...
TẾT ĐẾN RỒI!
Năm nay có mỗi cún em ngồi xem nấu bánh với nội. Cún chỉ thích nghịch lửa, còn nội thì nhớ về năm ngoái... Cũng bên nồi bánh chưng ngày Tết, cún anh cứ nghịch đồ chơi và nghe cô đọc truyện. Bây giờ cô đi lấy chồng xa, cún anh về chơi nhà ngoại bên Cư Kuin chưa về...