Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Chuyện lớp xưa...

                                    ĐỪNG  SỢ  !!! 

                                    
       Lớp 8A1 đang làm bài tập kiểm tra môn lý hoá. Thầy Nguyễn Văn Nhạc ngồi trên bàn giáo sư quan sát hơn năm mươi mái đầu học sinh cắm cúi làm bài. Thầy nghe rõ tiếng sột soạt của giấy viết...Sự im lặng của học sinh làm thầy cảm thấy hài lòng. Thầy đưa tay lên chỉnh chỉnh cặp kính cận. Thời gian trôi quá nửa...học sinh yếu như tôi bắt đầu dừng viết, thường thì quay ngang ngó dọc, nhưng hôm nay tôi ngồi im ngó lên bảng. Tôi giận thằng bạn Đỗ Quang Tâm ngồi kế bên. Nó biết mấy đứa ngồi sau cứ lấy viết gạch gạch vào  khuỷu tay và chọc chọc trên cổ tôi. Thế mà nó còn cười hùa theo tụi kia. Tức ghê đi! Tôi biết nó đang đẩy bài làm của nó lên cao chếch về phía tôi cho dễ nhìn. Không thèm! Tôi nhìn lên tường nơi có câu "Tiên học Lễ - Hậu học Văn", rồi đảo mắt xuống bảng nhìn chữ viết ghi ngày tháng...sĩ số...hiện diện...Nét chữ nghiêng đều rất đẹp của lớp phó Lê Văn Chàm. Không biết mấy tay giỏi toán ra sao rồi! Nhìn nhanh về các bạn Trần Văn Bình, Ngô Văn Dũng, Phạm Văn Chinh, Quách Đình Chiến, Trần Trọng Sự, Trần Văn Chấn, Hoàng Trọng Kỳ, Nguyễn Quang Ninh, Lê Văn Chàm...vẫn chưa rời bút. Có lẽ bài toán hoá hôm nay có câu hỏi khó! Liếc qua thằng Tâm xem nó có bí không? Trời ơi! Nó ngồi như phỗng! Như người lên đồng! Thấy nó hay hay! lạ lạ ! Và hình ảnh này nó ăn sâu vào tâm trí , đi suốt quãng đường học toán của tôi. Sau này, khi biết sử dụng phương pháp định thần này, tôi thấy rất hiệu quả.

      Cũng vào năm học đệ ngũ này,theo sự khuyên bảo của giáo sư hướng dẫn,học sinh yếu nên học nhóm với học sinh giỏi.Tôi và thằng Nguyễn Ngọc Lễ kéo đến nhà Đỗ Quang Tâm học.Từ chỗ ba thằng ngồi học trước hiên nhà,nhìn ra ngõ là những bậc đá dẫn lên nhà ,hai bên rợp mát bóng cây.Học ở một nơi yên tĩnh,thư thái này tôi thấy dễ nhớ hơn ở lớp nhiều.Nhưng tôi chỉ kịp học được cách cân bằng phản ứng hoá học và hình ảnh nhập tâm lặng người của nó trước bài toán khó.Một đam mê mới không cưỡng lại được đã đánh đổ lòng ham  toán vừa nhen nhóm trong tôi.Đó là xi nê ma!Xi nê làm tôi quên tấm lòng chân tình của thằng Tâm.Quên luôn con đường nhỏ xíu cong vòng qua ngõ nhà nó,đi xuống suối Đốc Học...

       Hôm nay,được nghỉ hai giờ sau, thằng Ngô Văn Dũng đạp xe đạp chở tôi phi nhanh xuống rạp LoDo. Nó bảo giá mua vé vào cửa rất rẻ chỉ bằng một phần tư giá vé thật. Vé được ra hiệu giữa nơi bán vé với một chú bị câm điếc đứng ngay chỗ soát vé. Vào trong rạp tối om, tế bào que của thằng Dũng rất nhanh nhậy, kéo tôi đến chỗ ghế bỏ trống ngồi xuống xem. Phim chính chiếu mất khoảng 15 phút. Không hề gì! Xem phim xong vẫn hiểu hết! Phim đầu tiên đến với tôi là phim cao bồi viễn tây Hoa Kỳ "7 tay súng oai hùng". Cũng trong năm này tôi mê mẫn những phim kiếm hiệp Hồng Kông do Vương Vũ thủ vai. Tối đi ngủ, tôi còn mơ theo cảnh phi thân vù...vù, phóng phi tiêu vút...vút, vung đao múa kiếm chan chát...loảng xoảng... leng keng!
      
       Đã quá lâu để nhớ tại sao tôi gắn bó với thằng Dũng. Tôi chơi với nó như anh em hơn là bạn bè. Nó luôn luôn bênh vực tôi, tập cho tôi biết bơi, dẫn tôi đi câu cá, chỉ cách cột lưỡi câu để khỏi bị tuột...rồi lôi nhau đi xem phim...rồi rủ nhau cùng học võ. Thích nhất là thời kỳ nó bắt về cho tôi những con dế than lửa (loại này đá nhau rất hăng), cũng là dịp tôi được "làm anh" ở xóm tôi...tạm quên đi cảnh luôn phải "làm emtrên lớp. Nổi máu tham, tôi xin theo nó bắt dế cho được nhiều. Nó nói không được! Năn nỉ mãi, nó mới bảo nhỏ tôi: "Không theo được đâu,tao còn phải đi bán cà rem nữa!...nghe chưa!"

      Lớp tôi, cứ nghỉ 2 giờ đầu, là í ới rủ nhau đi tắm piscin. Thú lắm! Mặc dù thấy trong đám có thằng Bùi Hùng, thể nào tôi cũng bị nó nhận nước nhưng vẫn cứ thích đi. Thằng Dũng biết chuyện liền kêu tôi lên nhà  để nó tập bơi cho. Đằng sau nhà nó chính là ao nước rộng lớn điều tiết nước chảy xuống hồ piscin. Nhà nó có một cái phao vuông to bằng tấm tôn có thể làm thuyền chèo đi hái bông sen hay hoa súng. Lần đầu,tôi vịn chặt phao, hai chân đập liên hồi xuống nước đẩy phao chạy lòng vòng ngần bờ. Khoái chí cười hí hí nữa chứ! Mê mải đến lúc nào không hay! Cái phao trôi xa bờ rồi! Đưa chân thử không thấy đáy...Tôi hơi hoảng! Người như nặng hơn...Tôi cố đạp để người nổi lên thì phao càng tiến ra giữa ...mêng mông là nước. Sợ quá! Tôi kêu to không dám quay đầu lại.Dũng ơi...! Dũng ơi...! Nỗi sợ tăng dần...Dũng ơi...! Dũng ơi...! Tao đây...! Đừng sợ! Tôi nghe tiếng nó thôi,người tôi cứ nhẹ đi...tay nới lỏng cái phao...và cái ao cũng không còn đáng sợ nữa!

                                   
                             (Rạp LoDo-ảnh trên mạng)

       Rồi đến một ngày....được nghỉ 2 giờ sau, hai đứa lại xuống rạp LoDo. Hôm đó chiếu phim "Điệp viên 007" hay Fantomas gì đó. Tụi tôi vào rạp. Khán giả đông quá không còn ghế trống. Thằng Dũng đẩy tôi lên: "Mày đi lên hàng ghế đầu chắc còn trống" . Tao đứng đây cũng được! "Phim hấp dẫn, gay cấn cho đến gần cuối. Cảnh chiếc tàu biển của kẻ gian nổ như xé tung rạp hát...Bùm!!!...biển lửa bao trùm hết màn ảnh! Vụ nổ thật ấn tương chưa ra khỏi đầu người xem thì...ẦM!!!...nổ điếc cả tai...có mùi khét của thuốc súng...màn hình vụt tắt...rồi rạp sáng lên! Một cảnh tượng kinh hoàng không diễn tả nổi. Tiếng la hét! Tiếng kêu khóc! Vang lên hoảng loạn! Người ta xô đẩy, tranh giành, đạp lên nhau...để thoát khỏi cửa ra ngoài rạp. Tôi thật nhỏ bé trong dòng người chen lấn đó. Tôi thấy máu từng vệt trên lối ra...Tôi biết làm gì với bản năng của một cậu bé mười ba tuổi. Nước mắt tôi chảy quanh. Tôi đã kêu lên vô vọng...Dũng ơi!...Dũng ơi!...Ước chi nghe được tiếng của nó như ngày nào...Tao đây!...Đừng sợ!!!
        Bụp!!! Phấn của cô Phạm Thị Minh Hưng nhắc nhở rồi Dũng ơi. Còn nhiều chuyện muốn nói với mày lắm nhưng để lần khác nghen!


     Cô giáo Minh Hưng dạy chúng tôi môn vạn vật hai năm liền. Lớp đệ lục và lớp đệ ngũ. Cô đã mất hút trong đầu tôi đến khi đọc bài viết của Nguyễn Thị Thanh Hương có nhắc cô hỏi chuyện lớp nào bỏ sâu muồng...Thì thôi chết rồi! Là lớp 8A1 đó cô ơi! Tụi em xin tạ tội với cô. Lần đó cô hoảng sợ thật sự và bỏ ra ngoài lớp. Làm cho lớp trưởng và lớp phó khiếp vía lo dọn dẹp  mau để mời cô vào lớp lại. Đó là cô chưa biết lớp chúng em còn nghịch ác lần sau. Không phải sâu muồng mà là những trái mắt mèo, đụng vào rất ngứa. Chưa kịp bỏ vào ghế trên bàn giáo sư...thì trời bất dung gian...cả lớp ngứa tùm lum do lông mắt mèo vương vãi!
                          
Em hỏi thăm biết cô là bạn đời của thầy Bùi Thế Vĩnh. Cô làm thơ trở thành thi nhân nên em nhìn cô hư hao hơn thầy. Nhưng em lại thấy cô rất "học sinh"khi cùng với mấy học trò của mình tạo dáng vui vẻ, định quên đi giây phút chia tay với Trần Dung ở phi trường. Đọc thơ cô, em thích tấm lòng đôn hậu của cô đối với tha nhân, nhất là những bài viết về mưa. Có những câu riêng em thấy rất hay:"Mưa rơi, rơi mãi, tình ơi, xa vời".(Em nhớ Bích Khê cũng có câu:"Vàng rơi,vàng rơi thu mênh mông") Chỉ một câu thôi cũng thành thơ rồi! Cứ lặng yên lắng nghe một thứ âm thanh pha lẫn sự tiếc nuối, một tý giận hờn, một tý yêu thương, một chút như có, một chút như không...Ai như cô bạn ngày xưa của em đưa ra hai nghiệm thẳng thừng :"Có, trăm năm có. Không, đời đời không" Lan mà đốp chát như thế Ngọc lấy đâu ra "Hồn bướm mơ tiên"nữa!
      Có nhiều khi mưa gió cuộc đời làm mình khụy ngã, nhưng rồi phải tự đứng lên. Dần dần cũng xói mòn ít nhiều vào tin yêu cuộc sống. Em thấy cô gần gũi như thế nào khi đọc tuỳ bút "Xóm nhỏ" của cô. Cô nói đúng! "Mong sao, những cảnh đời cùng cực, cơ khổ sẽ gặp may, có một việc làm ổn định ..."Và từ đây, em không muốn làm ngựa chứng sân trường nữa. Em chỉ muốn làm "chim hót trong lồng" để thủ thỉ với cô bằng những trang nhật ký.
       Ngày...tháng...Cô biết không! Khi nào đời mà không thương em là em tự xem tử vi. Cái số tuổi Thân của em lại sinh vào giờ Thân nữa thì ...nói gì được nữa!
       "Người ta tuổi Ngọ,tuổi Mùi
        Riêng tôi phải chịu ngậm ngùi tuổi Thân
        Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân
        Sinh phải giờ Dần có số làm quan"
        Em cứ soi tới soi lui, dịch qua dịch lại, tới chừng nào em thấy có quý nhân phù trợ mới thôi. Bớt lo lắng! Mà đỡ tủi thân!!!
     Ngày...tháng...Cô ơi! Cô có nghe câu vè này không? "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ, năm mặc kệ "Buồn cho dân đen ghê cô nhỉ. Người ta vè chữ mặc kệ...quả là thâm thuý! Cuộc đời đang trở nên đáng sợ đối với em...
     Ngày...tháng...Em nhớ đến lời tâm tình của thầy Chung Phước Khánh, khi thầy về thăm Ban Mê Thuột "...các em có con hay cháu muốn sang du học bên Mỹ...các em hãy điện ...hay e-mail cho thầy hay. Đừng ngại ngùng gì hết...thầy xem giúp được gì thầy sẽ giúp ..."Tấm lòng nhân ái cùng với giọng nói từ từ chậm rãi của thầy ấy không thay đổi tý nào cả.
     Ngày...tháng...Em nghe bạn Lê Thị Tuyết Mai bộc bạch" Đến mùa thi cử, các bạn đưa con đi thi mình cũng hồi hộp, mong cho các cháu đỗ đạt, đến khi các cháu ra trường, có chút kinh nghiệm gì thì cố gắng giúp các cháu qua vòng phỏng vấn tìm việc, lâu lâu bọn nhỏ ghé nhà thăm là vui lắm rồi. "Như vậy,Tuyết Mai đúng là quý nhân phù trợ rồi, cô ơi!.Đâu cần Tiên Bụt trên trời!
     Ngày...tháng...Cô xem e-mail  "...Nếu Hải có về đây điều trị thì đã có Nam Đà và các bạn Sài gòn sẵn sàng chia sẻ với 2 bạn..."Cô thấy không, tấm lòng của Nam Đà đâu có siêu mỏng mà đầy ắp tình người.
     Ngày...tháng...Em phải nể phục anh bạn Nguyễn Văn Thắng ...anh chàng này không hề nói chút gì về mình...nhưng khi bạn bè cần thì xông vào giúp...giúp rồi cứ xem... nhẹ như tênh!
     Ngày...tháng...Em kể về bạn Đỗ Quang Tâm cho cô nghe...có lần em gặp lại bạn Tâm sau một thời gian lâu mất bóng nhau, dễ chừng trên hai mươi mấy năm. Em đi trách cứ bạn là ngày xưa hay ăn hiếp mình. Thấy bạn không nhớ, em còn ép thêm "cái thằng bị đau nó mới nhớ lâu". Bạn ấy không cãi! Thật ra đâu phải bạn Tâm mà là bạn khác hay chọc đánh em. Hay thiệt! Không thèm chấp dù bạn bè có nghĩ sai về mình!
       Ngày...tháng...Em nhớ lại cái ngày bạn Tâm đưa Trần Dung về thăm Ban Mê. Chưa vào hội mà các di động đã hè nhau nhảy múa! Mai ra gặp mặt nhé...nhớ gọi thêm bạn...nhớ đón bạn...cùng ra nhé! Cái nhiệt thành của bạn lây sang em một cảm xúc nôn nao khó tả! Đến lúc bạn ấy làm quản trò mới thấy thương làm sao! Tả xung hữu đột! Cô cứ nhìn hình ảnh trong "Hành trình về Ban Mê" thì cô sẽ thấy bạn Tâm khắp mọi chỗ. Làm đến mức toát mồ hôi hột! Tắt cả tiếng! Em cứ hình dung ra bạn mình không phải hát dạo chơi như Khánh Ly; mà giống Thanh Lam hay Tuấn Ngọc hát hay thế vẫn lo "thượng đế"chưa hài lòng. Em thích nhất hình đôi bạn rời quán Văn, bạn Tâm vẫn đang thì thầm sợ bạn Dung chưa đủ vui hay sao ấy?!
                         
      Ngày...tháng...Bạn Tâm đã giúp nhiều bạn ở Ban Mê trong đó có cả em.Quý nhất ở bạn Tâm là bạn bè chưa cầu,bạn ấy đã xông vào chìa tay ra trước...tốt quá đến mức có trách thì trách mình chứ không trách người...  
      
Bụp!Bụp!Bụp.Bụp.Bụp!!! Trời ơi! Cô giáo Nam Đà...không cho trò nói...những chuyện này không nên nói! Không nói thì cứ để gió cuốn đi sao? Ừ! Để...gió...cuốn đi!

      Cô giáo Nam Đà dạy tôi mới đây thôi.Cô ấy dạy môn Lạc Quan Học.Môn học này thấy thì dễ nhưng rất khó.Phải che dấu cái tôi của mình để hoà chung mọi người .Chôn kín nỗi buồn riêng mình để người khác được vui.Chưa hết đâu!Còn nhiều rủi ro tai nạn nghề nghiệp vì người thân hiểu lầm.Sau này nếu cô giáo lỡ bị thương,tôi cầu xin người thân của Nam Đà cũng nên rộng lượng...như Thuý Kiều có giận Hoạn Thư thấu tim vẫn xử sự bỏ qua...
     "Tha ra thì cũng may đời
     Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen"
     Tôi học được nhiều điều ở tấm lòng cô ấy và những tấm lòng của thầy cô tôi...của bạn bè tôi.Không còn thấy sợ hãi trước một cuộc sống đang dần đánh mất đi  tính nhân văn!...đang dần dần trở nên vô cảm này!
    
       Yeeee....aaah!!!Đạt ơi...!Đừng sợ!!!

       (Hết tập 2)

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Câu chuyện giáo dục: Tôi muốn con sau này đi chăn bò


TT - Tôi nhớ cách đây gần mười năm, trong một bữa tiệc họp mặt đầu xuân, khi mọi người ai cũng bày tỏ nguyện vọng con mình sau này sẽ trở thành kỹ sư, bác sĩ hay ông này ông kia thì ông bác ruột tôi lại phán một câu xanh rờn làm mọi người chưng hửng:

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
- Tôi chỉ muốn con tôi sau này sẽ đi chăn bò!
Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào bác tôi. Sau khi nhấp một ngụm trà, bác tôi thong thả nói tiếp:
- Một xã hội mà toàn những người chỉ muốn làm thầy thì lấy ai làm thợ. Cứ đà này rồi thì năm mười năm nữa xã hội lại lạm phát cử nhân với thạc sĩ, tiến sĩ, tốn tiền cho ăn học rồi lại vắt giò lên cổ tốn hàng đống tiền để chạy xin việc. Có việc rồi thì lại ngày đêm nơm nớp lo sợ bị đuổi việc vì người xin việc quá đông. Thôi thì cứ cho nó đi chăn bò cho chắc ăn!
Tưởng bác tôi chỉ nói chơi cho vui nhân ngày đầu năm, ai dè bác lại làm thiệt. Sau khi ông anh họ tôi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông bác tôi không cho thi đại học mà gửi anh theo học một lớp đào tạo dài hạn do một trung tâm khuyến nông tổ chức. Ngày anh hoàn tất khóa học cũng là ngày ông bác tôi mua đất và cất lên một trang trại. Chăn bò bây giờ dĩ nhiên khác nhiều so với ngày xưa. Phải có một vốn kiến thức căn bản về chăn nuôi cũng như về các thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật. Với hơn 100 con bò và mấy chục con dê, mỗi năm ông anh họ tôi dễ dàng bỏ túi năm bảy trăm triệu và sống khá nhàn nhã. Nhìn ông anh họ tôi đi ra đường chạy xe hơi đời mới, quần áo lịch sự thì ai biết là chăn bò. Cứ mỗi lần có người quen hỏi thăm làm nghề gì, ông anh họ tôi đứng thẳng người, ngực ưỡn ra:
- Tôi chỉ là một cowboy!
Đó là câu chuyện về ông bác ruột và ông anh họ của tôi. Mới đầu nghe có vẻ hơi tưng tửng điên điên, nhưng đó lại là sự thật về những con người có đầu óc thức thời với một tư duy nhạy bén.
Suy cho cùng tôi thấy bao nhiêu năm qua chúng ta đã quá hám danh vọng khi hướng cho con một con đường nghề nghiệp cho tương lai, đôi lúc dẫn đến mù quáng. Ngày còn đi học, tôi có một anh bạn học rất dốt nhưng luôn bị ông bố bắt ép phải thi vào trường y. Lý do đơn giản là ông bố muốn con mình sau này phải trở thành bác sĩ để ông nở mặt nở mày với thiên hạ. Nhưng sau ba lần thi vào trường y mà vẫn rớt,trước sức ép quá lớn của bố, anh đã mấy lần tính tới chuyện tự tử. May mà gia đình phát hiện sớm nên mời chuyên gia tâm lý tới giải tỏa sức ép cho anh. Sau đó anh xin vào học ở một trường trung cấp xây dựng và trở thành một thầu khoán xây dựng. Thời gian bất động sản nóng sốt, anh kiếm được khá nhiều tiền và thành một đại gia. Mỗi lần gặp tôi, anh lại mỉm cười:
- Cứ theo lời ông già đi làm bác sĩ thì chưa chắc đã có nhiều tiền như hôm nay!
Nhiều lúc ngồi suy nghĩ lại những gì mà ông bác mình đã nói gần mười năm trước, tôi thấy có vẻ đúng. Thời buổi bây giờ hình như đang lạm phát cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ... với cái lối đào tạo không theo một quy hoạch nào cả.
Cách đây vài tháng khi vừa xây xong ngôi nhà cho mình, tôi mới tình cờ phát hiện thì ra hai cậu phụ hồ ở nhà tôi chính là hai cử nhân ra trường đã ba năm nay nhưng vẫn chưa kiếm được việc làm. Mấy ngày sau tôi lại biết thêm cô gái hằng ngày vẫn bưng phở ở quán phở đầu đường nhà tôi cũng đã có bằng thạc sĩ mấy năm nay. Cách đây một năm, tôi xem trên tivi thấy có một anh chàng chạy xe đạp khắp thành phố, phía trước ngực có một tấm bảng to tướng ghi tốt nghiệp tới ba trường đại học gì đó nhưng mấy năm nay vẫn chưa xin được việc làm. Tôi có một người bạn cho con đi du học ở Singapore bốn năm hết mấy tỉ bạc, tìm việc mãi không được nên đành về nhà mở tiệm bán ổ khóa sống qua ngày...
Trên báo Tuổi Trẻ cách đây ít lâu, tôi đã nghiền ngẫm rất kỹ loạt phóng sự “Tốt nghiệp rồi thất nghiệp”. Những câu chuyện về các thạc sĩ phải đi chăn vịt, chăn trâu hay cử nhân phải đi bán nước mía bây giờ không còn là chuyện lạ. Vậy nguyên nhân nào gây nên một cuộc khủng hoảng thừa cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như hiện nay?
Theo ý kiến của tôi, một trong những nguyên nhân sâu xa là những bậc phụ huynh đã quá hám danh trong khi một nghĩa vụ căn bản của những người làm cha làm mẹ là phải tìm ra cho con mình một nghề lương thiện và căn bản. Mang nặng tư tưởng một người làm quan cả họ được nhờ và cũng để nở mày nở mặt với bà con dòng họ nên những bậc phụ huynh thường hay ép con em mình phải cố gắng thi đậu vào các trường đại học. Các trường dạy nghề chỉ là giải pháp cuối cùng khi con em họ đã tung cờ trắng chào thua con đường vào đại học. Hậu quả là thầy nhiều mà thợ ít nên xã hội phải trả giá một sự lãng phí khủng khiếp khi người ta tốn không biết bao nhiêu tiền để đào tạo những trí thức nhưng cuối cùng không thể sử dụng được.
Sự hám danh của chúng ta ở khâu đào tạo con người còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Vì ai cũng muốn con mình phải tốt nghiệp đại học nên những trường đại học tư, đại học dân lập mọc ra nhan nhản như nấm sau cơn mưa. Một hậu quả nhãn tiền mà ai cũng nhìn thấy là chất lượng đào tạo của hệ thống đại học nước ta đã xuống cấp một cách nghiêm trọng. Các trường đại học ào ạt tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu rồi sau đó cấp bằng tốt nghiệp cho các sinh viên một cách vô tội vạ để thu tiền. Người ta không thể tưởng tượng rằng nhiều nơi cơ sở vật chất của một trường đại học chỉ là một căn nhà cấp 4 dột nát ọp ẹp và miễn bàn đến chất lượng đào tạo.Sinh viên ra trường với tấm bằng đại học trên tay tốn biết bao nhiêu tiền của cha mẹ nhưng không biết phải sống bằng cách nào vì đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối.
Cuối cùng theo tôi nghĩ, sự hám danh trong cách chọn nghề nghiệp cho con em chúng ta có thể cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa cho quốc nạn hiện nay: nạn chạy chức chạy quyền và tệ tham nhũng. Khi xã hội đã quá dư thừa những ứng cử viên công chức thì muốn có được việc làm người ta phải chạy và phải mất những khoản tiền hối lộ lớn. Một thực tế không thể chối cãi là muốn xin được việc cho con em mình ở những “nơi tốt”, người ta có thể sẽ phải chi ra vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Khi đã ngồi được vào một chiếc ghế hay có một chức danh gì đó thì việc đầu tiên người ta nghĩ đến là phải bằng mọi cách lấy lại số tiền đã đút lót. Và thế là nạn tham nhũng bắt đầu manh mún và hình thành, tầng tầng lớp lớp từ dưới lên trên và cuộc chiến chống tham nhũng cứ vẫn phải tiếp diễn không biết bao giờ mới chấm dứt...
Tôi có một con trai đang học lớp 12, năm nay chưa biết sẽ thi vào trường nào. Trong tình hình xã hội tương lai sẽ thừa mứa nhân lực theo cái kiểu “đầu đường tiến sĩ vá xe, cuối đường thạc sĩ bán chè đỗ đen” thì có lẽ tôi lại phải bắt chước ông bác ruột của mình: “Tôi chỉ muốn con tôi sau này đi chăn bò”. Hãy để cho con cháu chúng ta trước mắt phải có một nghề lương thiện và ổn định trước khi nghĩ đến những điều cao siêu...
PHAN NGUYỄN NHƯ Ý

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Tiếng nước tôi...

Tiếng Nước Tôi
Trong tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh sử dụng hằng ngày mà nếu có người hỏi tại sao nói thế và nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó tay, chẳng hạn câu hỏi trên trong một bài ca dao:
Nước không chưn sao kêu nước đứng?
Cá không giò sao gọi cá leo?
Ghe không tay sao kêu ghe vạch?
Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?…
1. Chúng ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.
Các từ sau đây cũng bị hiện tượng tỉnh lược chi phối: 
dầu con rái => dầu rái,
nấm tai mèo => nấm mèo…
Ở miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên có thành ngữtươi như cá rói, về sau tỉnh lược thành tươi rói.
Một thành ngữ tương tự: 
ngay như cây chò (một loại cây rừng thân rất thẳng)
=> ngay chò (ở Nam bộ biến âm thành ngay chừ).
Cầu Kiệu ở Sàigon được Trương Vĩnh Ký ghi là cầu Xóm Kiệu (tức là xóm chuyên trồng kiệu), như vậy chữ Xóm ban đầu đã bị giản lược.
2. Một từ khá phổ biến ở Nam bộ dùng để chỉ người phụ giúp tài xế lái xe đò trong công việc bán vé, thu tiền, khiêng xách hành lý là lơ xe. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp contrôleur, nghĩa là “người kiểm soát (vé)”. Như vậy, từ một âm tiết vô nghĩa – leur, người Việt biến thành một từ có nghĩa.
Ở miền Bắc, người ta thường dùng từ ngữ săm lốp để chỉ vỏ ruột xe đạp và xe gắn máy. Lốp thì người miền Nam cũng dùng và những người biết tiếng Pháp đều biết nó bắt nguồn từ enveloppe, nghĩa là “vỏ xe”. Còn săm ban đầu người miền Nam và nhất là những người không học tiếng Pháp không hiểu nghĩa. Từ săm bắt nguồn từ ngữ chambre à air “ruột xe”.
3. Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy. Do đó, ca dao VN có câu:
Bởi anh chăm việc canh nôngCho nên mới có bồ trong bịch ngoài.
Trong tiếng Việt trước đây có từ bầu (bạn), có biến âm là bồ tương tự như đậu xanh - đỗ xanh, thi đậu - thi đỗ… Vì từ bồ (bạn) đồng âm với từ bồ (cái bồ) nên từ bồ bịch thứ hai (người yêu) ra đời. Chúng tôi gọi đây là hiện tượng mượn âm.
Một số trường hợp tương tự. Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (giữa thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.(durian)
Huyện Kế Sách ở tỉnh Sóc Trăng gốc Khmer là Ksach, nghĩa là “cát”. Vì gần âm với từ kế sách (phương kế, sách lược) nên Kế Sách đã thay thế Ksach.
Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine của Pháp đã được các trí thức VN khoác cho chiếc áo của Lữ Bố: Lã Phụng Tiên (họ Lữ cũng đọc Lã, Phụng Tiên là tự của Lữ Bố).
Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo Rù Rì.
4. Người Nam bộ thường bảo trẻ con đi chỗ khác chơi, không được láng cháng trước mặt. Nhưng trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã nói ở trên ghi loán choán. Như vậy từ gốc là choán, yếu tố láy là loán và nghĩa gốc của láng cháng là “choán chỗ”. Ðây là hiện tượng biến âm.
Ở các đô thị Nam bộ có loại xe chuyên chở đồ đạc phục vụ xã hội mang tên “ba gác”. Nhiều người biết tiếng Pháp cũng ngỡ ngàng khi biết nguồn gốc Pháp của từ này là bagage, nghĩa là “hành lý”.
5. Bỏng trong từ bé bỏng có nghĩa là “nhỏ”. Trong tập thơ cổ Thiên Nam ngữ lục có câu thơ sử dụng từ bỏng với nghĩa này:  Trẻ thơ bỏng dại thiếu người lo toan
Hai từ bé và bỏng đồng nghĩa hay gần nghĩa kết hợp với nhau. Ðó là hiện tượng láy nghĩa.
Nhiều từ trong tiếng Việt bị chi phối bởi hiện tượng này: Việt + Việt: tìm kiếm, chờ đợi, yêu thương; Việt + Pháp: canh “gác”        
Biết được nguồn gốc và ý nghĩa của nhiều từ tiếng Việt, ngoài cảm giác thú vị, ta còn yêu thích tiếng mẹ đẻ hơn.

LÊ TRUNG HOA


Tiếng Việt nhiều khi có đối nghịch ngay trong một từ ghép. Buồn cười. Ðã buồn sao còn cười. Tức cười. Ðã tức sao còn cười. Ấy thế, mấy chữ ấy đều chỉ một tâm trạng là muốn cười trước một điều gì đó, trước một ai đó.
Ngã một cái, bẩn sạch cả rồi. Bẩn sạch. Ðã bẩn thì sao còn sạch được. Sạch ở đây chắc ai cũng hiểu không phải là sạch sẽ. Sạch nhẵn, không còn một chút gì sót lại. Sạch nhẵn như chùi. Ngôn ngữ phương Nam vẫn dùng là sạch bách.
Phương ngữ Bắc bộ có từ ráo, tức là khô ráo. Nhưng ráo cũng có nghĩa là toàn bộ, là hết lượt. Hình như chữ ráo trọi của phương Nam cũng là như vậy. Hổng biết chi ráo trọi. Chẳng biết cái gì hết. Ðưa đẩy một tí để dẫn đến câu này: gặp mưa giữa đường, ướt ráo cả rồi. Ướt ráo. Ðã ướt lại còn ráo.
Cũng như vậy là câu: đò chìm, may không ai chết, sống tiệt. Ðã sống lại còn tiệt. Nhưng mà đấy là một cách nói ở nông thôn Bắc bộ, có nghĩa là tất cả đều còn sống. Yên tâm.
Nói sang chuyện thực phẩm, chữ và nghĩa nhiều khi cũng không khớp với nhau: gọi là bánh giò nhưng trong ấy không có giò, chỉ là nhân thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương. Bún chả thì đâu có phải là miếng chả miếng giò mà là thịt lợn nướng.
Món chả cá cũng vậy, đâu phải là cá xay nhuyễn làm thành miếng chả rán, đó chỉ là cá hấp đem rán sơ trên chảo mỡ sùng sục, ăn với mắm tôm.
Lại có những khái niệm dường như bị đảo ngược: người đồng bằng Bắc bộ gọi xôi lúa, thành phần chủ yếu là ngô (bắp), rất ít nếp ít lúa trong ấy.
(Phần xôi lúa này thì phải đọc bài của tại hạ viết vế Miếng Ngon Quê Hương, giải thích rất kỹ...)
Cùng lúc, khi người ta gọi xôi ngô thì trong ấy nếp nhiều hơn là ngô. Cứ nhớ là hai chữ này đảo ngược cho nhau, không bao giờ bị lẫn. Yên tâm.

HỒ ANH THÁI

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Chuyện lớp xưa...

                       

Lời phi lộ: Kính thưa  thầy cô cùng các bạn thân mến.Trong ký ức về thời thơ mộng của tuổi học trò,em cảm thấy mình hạnh phúc vì đã được học tập ,được vui chơi dưới mái trường thân thương ngày xưa ấy.Em đã tìm được những thước phim ghi lại bước đường học toán của em.Chất lượng phim không được tốt lắm,nhiều chỗ bị rè...Điều muốn nói của em là em xin mượn cảnh phim đó để được gặp lại bạn bè ...để được nói chuyện riêng!Em xin quý thầy cô nhắc nhở rồi phạt em ngay nếu thấy em nói chuyện riêng nhiều quá...Em để hộp phấn ở đây!Xin quý thầy cô cứ ném ạ!
  Em xin chân thành mong thầy cô cùng các bạn chia sẻ và giúp đỡ,cũng như bỏ qua những lỗi đáng tiếc của phim khi em quay lại không đúng theo ước muốn.
 
Tập 1 :    TIẾC CỦA.

   Sân trường đỏ rực một màu hoa phượng.Vắng lặng!Các cánh cửa của hai dãy lớp học đều  khép kín.Hai cánh cổng  trường cũng được khoá lại.Trên mặt thành tường nối với cổng trường chạy về phía  hàng cây muồng có hai học sinh nằm đọc sách...Đó là mùa hè năm 68, tôi học xong lớp đệ thất(6/1).Học bạ ghi môn toán của tôi là kém!kém! Thế là đi học thêm môn toán.Tôi và Vũ Văn Lai ( học xong "Nhị thập tứ hiếu" nó được gọi là Lão Lai Tử) đi đăng ký học nhưng bị trễ phải chờ học đợt 2. Mỗi đợt cách nhau nửa tháng. Con đường học toán của tôi coi chừng không được suôn sẻ! Chưa học toán nhưng lần đầu tôi biết đến những cuốn sách...đọc vào mê hơn làm toán.Theo sự chỉ dẫn của Lão Lai Tử  tôi làm quen đến sách.....truyện kiếm hiệp truyền kỳ: Nhất Dương Chỉ ! Hay! Loại truyện chưởng này rất nhiều học sinh say mê. Nhưng mê đến mức luyện chưởng ở trong lớp thì không ai qua được sư phụ Hoàng Đức Linh(Linh khều) của lớp tôi. Cái gì đến phải đến! Môn toán năm lớp đệ lục vẫn là kém! và kém!
    Năm lên đệ ngũ, có một thay đổi quan trọng trong tư duy làm toán của tôi. Người được tôi ghi dấu ấn vào đời là Đỗ Quang Tâm. Năm ấy,Tâm lên ngồi bàn đầu do mắt hắn bị cận,ngồi sát cạnh tôi ở phía ngoài để nhìn lên bảng cho rõ. Tôi luôn luôn ngồi bàn đầu vì thấp bé. Tôi còn bị gọi là Đạt con. Châu văn Đạt cao to là Đạt cha. Còn một Đạt nữa là Đạt râu nhưng...không thể Đạt râu được?! Vì khi ấy có xuống tắm picsin,khám hết người ...lấy đâu ra râu mà đặt tên. Nó được giữ nguyên tên còn do cái tên đẹp:Phùng Tất Đạt!Ngay cái tên cũng dự báo phát tiết ra ngoài rồi! Trong một lần dạo chơi trên mạng, tôi đọc được bài bình thơ Như Thương của nhà văn Xuân Đỗ. Ông ta có khen tranh của hoạ sĩ Đạt.Phùng. Nó đấy! Phùng Tất Đạt đấy! Tôi đã có dịp ghé phòng tranh của nó (lúc đó chưa có quán Văn). Phòng tranh nhỏ hẹp,bừa bãi giấy vẽ cuộn tròn,cái xếp đứng,cái thì nằm la liệt không có trật tự gì cả. Khoảng trống rộng nhất trong phòng là chỗ nó ngồi vẽ. Chỉ có những bức tranh đang vẽ thì sạch,còn xung quanh bẩn khủng khiếp...không có chỗ nào mà không dính màu vẽ. Đáng khen cho mấy bà vợ! Nuôi chồng hoạ sĩ khổ nhọc hơn mấy ông chồng làm thơ nhiều. Nhà thơ lâu lâu còn có bài "Thương vợ" làm an ủi. Còn ông hoạ sĩ thì.... không biết đâu!
    Mấy năm sau, tôi đến chơi nhà Lê văn Tuấn. Thằng này còn được gọi là "Tuấn râu". Cách đây không lâu, Quách Lục có thơ vui:
                  "Râu ria rậm rạp quanh hàm
                   Bố ngồi một chỗ hổng cần làm cũng dư ăn"
    Hai thằng ngồi uống nước tán dóc cười đùa đủ chuyện.Tôi bỗng giật mình khi thấy trên tường treo bức tranh trừu tượng. Ái dà! Tuấn râu biết chơi tranh loại này thì ghê thật! Tôi thì cứ tranh phong cảnh như tranh của Levitan cho dễ hiểu. Loại tranh trừu tượng này đòi hỏi vừa tâm hồn vừa thêm trí tuệ. Màu sắc trong tranh mới là tiếng nói trực tiếp! Tôi hỏi nó giọng thán phục:
                  -Mày chơi tranh này có tốn kém không?
                  -Tranh của Phùng Tất Đạt đấy!
                  -Nó tặng mày hả?
                  -Tặng gì mà tặng!Hồi đó nó vứt đầy trong phòng.Đến chơi muốn lấy... cứ việc lấy đem về mà chơi!
   Mỗi khi nhớ lại,sao mình không vơ vài tấm thì bây giờ chắc trúng...rồi.Cứ tiếc như...tiếc của!.

   Bụp!!!Phấn của thầy Nguyễn Giõng nhắc nhở rồi.Không sao đâu!Thầy sẽ cho nợ...Đã nói chuyện riêng với Phùng Đạt rồi thì đây là dịp hay nhất để nói chuyện với thơ Như Thương.

   Năm ấy, tôi làm tài xế chở anh bạn Lê Văn Chàm ra phi trường Phụng Dực đón bạn Phạm Kim Hương về thăm 
lại Ban Mê. Con ngựa chứng sân trường run lẩy bẩy ngồi sau xe tôi hỏi đủ thứ chuyện về cô bạn gái sắp được gặp mặt. Nó đang hỏi "Cối Xay Gió" đấy! Vậy mà nó cứ hỏi! Tôi cứ chạy! Ra đón Kim Hương hôm đó có nhiều bạn tôi không nhớ hết. CóTất Đạt,Quách Đình Chiến,Anne Tuyết Lang,Huỳnh Văn May,Nguyễn Hữu Quý...Lần đầu tiên tôi biết đến Kim Hương. Mình hạc xương mai. Đi đứng dịu dàng. Mái tóc dài xỏa vai. Nói chuyện nhẹ nhàng. Tôi thấy bạn ấy trẻ hơn tuổi rất nhiều. Khi ghé nhà bạn Chiến,Kim Hương có đem về tặng bạn tập thơ "Đàn cho biển hát"và nói ra nỗi nhớ bông cà phê,hoa dã quỳ...Các bạn có mặt ít nhiều đều quen biết Kim Hương nên chuyện trò thư thái tự nhiên. Tôi hơi ngại nên mượn tập thơ ngồi đọc. Miệng lẩm bẩm thằng yêu thơ ngồi đây không tặng...tặng mấy thằng ấy...đúng để làm kỷ niệm! Mấy ngày sau,Kim Hương tổ chức gặp mặt bạn bè tại quán Văn. Bạn Chàm của tôi có dẫn vợ cùng ra. Nghe kể vui lắm!
    Cho đến một đêm ở trong rẫy cà phê nằm nghe "câu chuyện thơ nhạc"do Bích Huyền biên tập từ bài viết của Lê Hữu"Thơ Như Thương,tình yêu,những khuôn mặt".Nghe xong phải thốt ra khỏi miệng là hay quá! Viết hay! Thơ hay! Đọc hay! Nhạc kèm theo cũng hay! Gặp lại Lê Văn Chàm khoe cho nó biết Kim Hương có thơ được truyền thanh nước ngoài phát lên. Như Thương nổi tiếng rồi Chàm ơi! Nó chẳng nói gì. Mắt nó sáng long lanh . Miệng nó cười ngô nghê...Với bản tính hay tò mò về người nổi tiếng,tôi tìm thơ Như Thương đọc...càng đọc càng không dám đến gần,lưỡi như níu lại. Chung quanh Như Thương có các giáo sư,nhà văn, nhà biên khảo ...họ nói cho mà thấy!.Biết bao trang mạng mời rước Như Thương về vườn thơ của họ. Đành phải ngưỡng mộ từ xa thôi...kính nhi viễn chi!
    Nhưng có những bài thơ như buộc mình phải mở miệng cám ơn Kim Hương. Đọc những bài thơ Kim Hương viết về người mẹ thương yêu...tôi đã vô tình không nhận ra bao đêm mẹ của mình cũng nuốt nước mắt vào lòng :
                   "Võng đưa hiu hắt bên thềm
                     Dòng sông lặng lẽ,lòng mềm vọng phu"
                                                       (Gân Guốc Một Đời_Thơ Như Thương)
    Thơ Kim Hương cũng mở mắt cho tôi nhận ra cả một tấm lòng của mẹ tôi trong những ngày cơ cực,gian nan :
                    "Đôi vai dẫu có rã rời
                     Làm sao chậm bước nhịp lơi gánh gồng"
                                                       (Tất Tả Đời Mẹ_Thơ Như Thương)
    May mắn cho tôi còn mẹ để thấy yêu mẹ tôi hơn  :
                    "Còn đâu ôm một vòng tay
                     Còn đâu rờ trán những ngày ốm đau
                     Còn đâu lặn lội cháo rau
                     Còn đâu giọt nước mắt sầu âu lo
                     Còn đâu khuya lạnh nằm co
                     Còn đâu manh áo nhường cho con mà"
                                                        (Mẹ Ơi!_Thơ Như Thương)
    Mình cám ơn Kim Hương nhiều lắm!
    Hello!Các chàng trai !Cứ việc sắp hàng!Trái tim Như Thương dành hết cho Người Mẹ rồi!
    Nghĩ lại ngày đầu gặp Kim Hương bỏ lỡ dịp làm quen...đánh mất khoản rượu mời để khoe với mấy bạn thơ. Nghĩ cũng hơi tiếc...gần gần như tiếc của!.

    Bụp! Thầy Nguyễn Giõng lại nhắc nhở rồi!

    Em biết nếu em nói chuyện riêng tiếp thầy sẽ cho em nợ...thầy chưa phạt ai bao giờ...Hát đi thầy! Hát đi thầy! Thầy dễ mềm lòng trước lời xin của học trò. Ai cũng nhớ đến thầy với bài "Ngọc Lan"...kỳ lạ như tơ vương ma ám. Em nhớ có lần thầy khan giọng phải đi mua kẹo ho ngậm cho đỡ đau họng nhưng khi vui thầy vẫn hát ...có bài thầy phải hát lại...bớt xuống cho thầy một hai tông đi! Tiếng hát! Tiếng cười! Tiếng học sinh! Tiếng hồn nhiên! Luôn luôn vây quanh thầy!
    Đầu năm nay,tôi cùng với Chàm đi ra thăm Y Long bị tai nạn. Gặp gỡ Huỳnh Văn May và Nguyễn Hữu Quý cùng chúc Tết muộn với nhau. Bạn May kể cho mình nghe chuyện thầy Nguyễn Giõng có về thăm,có họp gặp mặt nhau...không có tụi mày.Lúc thầy mừng tuổi mỗi đứa tờ hai đô thầy có nhắc để dành cho mấy đứa trong Buôn Trấp.Thằng Kỳ! Thằng Đạt! Thằng Chàm!
    Ôi! Thương thầy quá đi! Nhưng em nhớ thầy thì ít. Nhớ hai đô thì nhiều! Rõ ràng của mình bị mất thì phải... tiếc của rồi!

     (Hết tập 1).
   

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Tôi yêu tiếng nước tôi

Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi.
    
    Trong kho tàng văn chương bình dân của nước ta, ngoài những bài ca dao thắm đượm tình quê, những câu tục ngữ lý giải đời thường, những câu hò, điệu lý trữ tình, xao xuyến, chúng ta còn có những bài vè và đồng dao.  Trong bài viết này tôi chỉ muốn giới thiệu với các bạn những bài vè, đồng dao quê hương đã lớn lên cùng tuổi thơ của tôi.
    Vè là những bài có vần có điệu, mỗi câu thường có ba hay bốn chữ.  Có bài chỉ dăm ba câu như bài Lạy trời mưa xuống
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp,
Lấy nếp nấu xôi,
Lấy nồi nấu bánh.
Những con người lam lũ quanh năm chân lấm tay bùn chỉ ước muốn những điều thiết thực mà thôi.  Hãy lắng nghe mơ ước của một ông già:
Ông già quét nhà
lượm được đồng điếu
giắt ở lỗ tai
để mai đi chợ
đi mua dây nhợ
về buộc lồng chim
đi mua cây kim
đem về vá áo
đi mua con sáo
hót cho vui nhà
đi mua trái cà
để dành làm dưa
đi mua con cua
đem về làm chả
đi mua con cá
kho tiêu chặt đầu
đi mua miếng trầu
về nhai nhóp nhép
đi mua con tép
đem về nấu canh
đi mua trái chanh
đem về vắt nước
đi mua cây lược
đem về chải đầu.
    tưởng tượng một ông già đang thiếu thốn lượm được một đồng tiền nên mơ ước mua bao nhiêu là thứ.
     Có bài nguyên cả mấy chục câu, như bài Tập tầm vông dưới đây cho ta thấy hai cảnh đời trái ngược nhau.
Tập tầm vông
chị lấy chồng
em ở góa
chị ăn cá
em mút xương
chị nằm giường
em nằm đất
chị hút mật
em liếm ve
chị ăn chè
em liếm bát
chị coi hát
em vỗ tay
chị ăn mày
em xách bị
chị xe chỉ
em xỏ tiền
chị đi thuyền
em đi bộ
chị kéo gỗ
em lợp nhà
chị trồng cà
em trồng bí
chị tuổi Tý
em tuổi Thân
chị tuổi Dần
em tuổi Mẹo
chị kéo kẹo
em đòi ăn
chị lăng xăng
em ních hết
chị đánh chết
em la làng
chị đào hang
em chui trốn.
    Có tội nghiệp cho những người làm em không, khi mà tất cả những thứ ngon, đẹp tốt đều dành cho chị.
     Có những bài mang tính cách dí dỏm như bài Vè trái cây:
Ðậu ở trên mây
là trái đậu rồng
đủ vợ đủ chồng
là trái đu đủ
cắt ra nhiều mủ
là trái chuối chát
mình tựa gà ác
trái khóm, trái thơm
cái đầu chôm bôm
là trái bắp nấu
hình thù xâu xấu
trái cà dái dê
ngứa giãy tê tê
là trái mắt mèo
khoanh tay lo nghèo
là trái bần ổi
sông sâu chẳng lội
là trái mãng cầu
bù cổ, bù đầu
trái dâu, trái cách
cái bụng óc ách
là trái dừa tươi
gai góc đầy người
là trái mít ướt
sanh ở dưới nước
trứng cá ngon ngon
ăn thấy giòn giòn
là ổi xá-lị
u buồn, bi lụy
là trái sầu riêng
sánh với tay tiên
là trái phật thủ
tiền bạc đầy đủ
chính là trái sung
tóc mọc lung tung
là chôm chôm trốc
xù xì da cóc
là mãng cầu xiêm
nghe tên phát thèm
me chua, xoài tượng
ăn nhiều thì ớn
là lê-ki-ma (trái trứng gà)
có sọc, có hoa
đúng là trái vải
đẹp như con gái
trái hồng, trái đào
mắt sáng như sao
khác nào trái nhãn
hay ngồi hàng quán
trái cà (rà), trái lê (la)
làm dưa khỏi chê
cà non, cà pháo
chẳng biết gì ráo
trái bí không sai
gốc ở nước ngoài
trái nho, trái táo
nhai nghe rào rạo
đậu phộng, hột điều
đựng được thiệt nhiều
là trái bình bát
muốn ăn đập nát
trái lựu chớ chi
cho bú trẻ thơ
là trái vú sữa
còn nhiều nhiều nữa
ai biết xin mời
kể tiếp nghe chơi
cái vè cây trái.
    nghe mà thèm trái cây ở quê nhà quá phải không các bạn.
     Có những bài lạ lùng như bài Nam mô bồ tát:
Nam mô bồ tát
chẻ lạt đứt tay
đi cày trâu húc
đi xúc phải cọc
đi học thầy đánh
đi gánh đau vai
nằm dài nhịn đói.
    Người chi mà làm gì cũng hỏng cả, thiệt là đoảng
    Có những bài thật vui nhộn như bài Vè nói ngược:
Nghe vẻ nghe ve
nghe vè nói ngược
ngựa đua dưới nước
tàu chạy trên bờ
lên non đặt lờ
xuống sông bửa củi
gà cồ hay ủi
heo nái hay bươi
nước kém ba mươi
mồng mười nước dậy
ghe nổi thì đẩy
ghe cạn thì chèo
bớ chú nhà nghèo
cho vay đặc nợ
bớ chú nhà giàu
thiếu trước hụt sau
đòn sóc bửa cau
dao bầu gánh lúa
giã gạo bằng búa
bửa củi bằng kim
đốt đèn không tim
xỏ kim bằng lát
nhà lành dột nát
nhà rách không dột
ăn trầu bằng bột
gói bánh bằng vôi
giã gạo bằng nồi
nấu cơm bằng cối
ngày rằm trăng tối
mùng một sáng trăng
hai đứa lăng xăng
nấu chè bột tẻ.
    Tất cả mọi thứ đều ngược đi lại với lẽ thường.  Vè nói ngược mà.
    Có những bài vè rất hồn nhiên, mang nhiều ý nghỉ trẻ thơ, như bài Giung giăng giung giẻ
Giung giăng giung giẻ
dắt trẻ đi chơi
đến cửa nhà trời
lấy hơi mà thở
“Lạy cậu, lạy mợ
việc thợ bộn bề
cho cháu về quê
cho dê đi học
cho cóc giữ nhà
cho vịt chạy ra
                                               cho gà níu lại”.
    Ngoài ra còn có những bài vè 5,6 chữ cũng rất ngộ nghĩnh như các bài dưới đây:
Kỳ nhông là ông kỳ đà
kỳ đà là cha cắc ké
cắc ké là mẹ kỳ nhông
Lúa ngô là cô đậu nành
đậu nành là anh dưa chuộr
dưa chuột chị ruột dưa gang
dưa gang họ hàng dưa hấu
dưa hấu là cậu lúa ngô.
Sáo đen là anh gà cồ
gà cồ là cô sáo sậu
sáo sậu là cậu chim gi
chim gi là dì tu hú
tu hú là chú sáo đen.
    Cứ đi lòng vòng mãi, rốt cuộc không biết ai lớn hơn ai.
    Còn có những bài vè dài và gần như thơ lục bát như bài Vè cô Bốn:
Cái vè cô Bốn hát hay,
Tôi đố cô Bốn cối xay mấy nghiền?
Cối xay là hai trăm nghiền.
Tôi đố cô Bốn quan tiền mấy mươi?
Quan tiền là ba mươi đồng.
Tôi đố cô Bốn chợ đông mấy người?
Chợ đông vô giá quá chừng.
Tôi đố cô Bốn trên rừng mấy cây?
Trên rừng cây có cả trăm.
Tôi đố cô Bốn một năm mấy giờ?
Một năm là ba ngàn giờ.
Tôi đố cô bốn cây cờ mấy tua?
Cây cờ là hai cái tua.
Tôi đố cô bốn con cua mấy càng?
Con cua có hai cái càng, có tám cái ngoe.
Tôi đố cô Bốn chiếc ghe mấy chèo?
Chiếc ghe là hai người chèo.
Tôi đố cô Bốn con mèo mấy lông?
Chàng về tát cạn biển đông,
Ra đây tôi nói mấy lông con mèo.
    Cô này không bao giờ chịu thua dù là một câu đố khó.
    Dựa trên những bài vè, người ta đã tạo thành những bài hát dễ thương với giai điệu mộc mạc giản dị mà trẻ con rất thích, từ đó chúng ta có những bài đồng dao.  Có những bài chỉ hát nghe chơi như bài Con công hay múa:
Con công hay múa
nó múa làm sao?
nó rụt cổ vào
nó xòe cánh ra
nó đỗ cành đa
nó kêu ríu rít
nó đỗ cành mít
nó kêu chịch chòe
nó đỗ cành tre
nó kêu rau muống
nó đỗ xuống ruộng
nó kêu tầm vông
Con công hay múa. 
    Hay bài Rình rình ràng ràng:
Rình rình ràng ràng
ba gian chiếu trải
dệt vải cho bà
vải hoa vải trắng
đến mai trời nắng
đem vải ra phơi. 
    Hoặc bài Nu na, nu nống:
Nu na, nu nống
cái trống nằm trong
cái thông nằm ngoài
củ khoai chấm mật
bà Phật thổi xôi
ông tôi nấu chè
tò lẻ tò le. 
    Có nhiều bài khác lại đi kèm với các trò chơi như bài Tập tầm vông đi kèm với trò chơi Ðố tay.  Ðố tay là một người nắm hai bàn tay lại và giấu một vật gì đó trong một bàn tay.  Vừa đưa từng nắm tay ra vừa hát:
Tập tầm vông
tay không tay có
tập tầm vó
tay có tay không 
Ðố ai lấy mắt
ngó trong tay này
tay nào có?
tay nào không?
    Người chơi phải đoán trúng tay nào có dấu đồ vật mới được thắng.
     Bài Chặt cây vừa đi kèm với trò chơi Chồng nụ, chồng hoa.  Chồng nụ, chồng hoa là trò để các nắm tay lên nhau và đếm cho tới khi nào chữ cuối cùng của bài đụng tới nắm tay nào thì nắm tay đó bị loại ra.  Và lại bắt đầu bài hát, loại ra từ từ các nắm tay của các người chơi, cho tới khi nắm tay cuối cùng còn lại là người đó thắng.
Chặt cây vừa
chừa cây mộng
cây tầm phộng
cây mía lau
cây nào cao
cây nào thấp
cây mía vấp
chặt bỏ ra.
    Ngoài bài Chặt cây vừa, trò chơi Chồng nụ, chồng hoa còn được chơi với bài Tùm nụm, tùm nịu:
Tùm nụm, tùm nịu
tay tí tay tiên
đồng tiền chiếc đủa
hột lúa ba bông
ăn trộm trứng gà
bù xoa bù xít
con rắn con rít
thì ra tay này.
    Bài Úp lá khoai được chơi với các bàn tay úp xuống mặt bằng, và cũng được một người vừa đếm vừa chỉ vào các bàn tay cho đến chữ cuối của bài hát.  Tay ai bị trúng vào chữ cuối sẽ bị bỏ ra ngoài.  Lại hát tiếp và dùng phương pháp loại dần như trò chơi Chồng nụ, chồng hoa.
Úp lá khoai
mười hai chong chóng
đứa mặc áo trắng
đứa mặc áo đen
đứa xách lồng đèn
đứa cầm ống thụt
chạy ra chạy vô
đứa xách ống điếu
đứa té xuống sình
thúi ình chình ngủ.
    Cũng có thêm một bản Úp lá khoai khác ngắn hơn:
Úp lá khoai
mười hai  bông sứ
đứa lượm khoai từ
đứa đứng ngã tư
đứa ngồi ứ hự. 
    Bài Chi chi chành chành đi chung với trò chơi cùng tên.  Người quản trò lật ngửa bàn tay, hơi khum lại và các bạn khác để ngón tay trỏ của mình giữa lòng bàn tay của người quản trò.  Tất cả cùng ca chung với nhau cho tới cuối bài hát thì các bạn chơi phải chuẩn bị rút tay lại vì người quản trò sẽ nắm tay lại thật nhanh.  Bạn nào bị quản trỏ nắm được ngón tay là bị thua.
Chi chi chành chành
cái đanh thổi lửa
con ngựa chết trương
ba vương thượng đế
cấp kế đi tìm
con chim làm tổ
ù òa ù ập.
    Bài Vuốt nổ được chơi với bốn bàn tay của hai người chơi xen kẻ nhau mà vuốt nhẹ.  Sau đó, tự vỗ tay và lại vuốt tay bạn.  Sau ba lần như vậy, tay trái của mình vỗ tay trái bạn, rồi tự vỗ tay.  Xong, đổi lại tay phải mình vỗ tay phải bạn, lại tự vỗ tay.   Tiếp tục như thế cho đến hết bài.  Người nào vỗ trật tay hay trật nhịp coi như bị thua.
Vuốt nổ, vuốt nổ
tay vổ vào tay
nghe rộn ràng thay
tuê toa, tuê tóa
ăn trái gãy răng
ăn măng gãy đủa
ăn của nhà trời
ai ngồi xuống đây
bỏ lúa ai xay
bỏ mây ai chẻ
bỏ trẻ ai bồng
bỏ lồng ai ấp
mà đập tay vỗ
vuốt nổ vuốt nổ.
    Cũng như ca dao, vè và đồng dao được truyền tụng trong dân gian và không biết tác giả.  Nhưng những bài vè, đồng dao vẫn mãi mãi trong tâm hồn của những người Việt Nam từ khi thơ trẻ cho đến lúc trưởng thành.  Ðó là những kỷ niệm tuổi thơ, những dòng nhạc quê hương không bao giờ phai nhòa trong ký ức.   Trong khuôn khổ hạn hẹp của trí nhớ, tôi tin chắc là sẽ có nhiều sơ xuất xin quý bạn thông cảm.

Tư Hương

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Buôn Trấp quê tôi...


Hoàng hôn trên sông Krông Ana

Khi hoàng hôn buông, chút nắng cuối ngày cùng những áng mây chiều phản chiếu xuống dòng sông Krông Ana tạo nên cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, đem lại thật nhiều cảm xúc...
v
Dòng Krông Ana in bóng trời rực rỡ
v
Làng quê thanh bình 
v
Dòng sông tít tắp uốn lượn với những gam màu không bao giờ lặp lại
v
Ánh chiều còn sót lại dường như cũng ướt đẫm màu nước
7.JPG
Chiếc cầu vắt ngang một nhánh sông trở nên thơ mộng hơn
3.JPG
Hoàng hôn buông mành trên mặt sông phẳng lặng... 

B.T (Theo báo Đăk Lăk)

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Buôn Trấp quê tôi...

Chợ cá bên dòng Krông Ana

Chủ Nhật, 02/10/2011 20:00

Từ rất lâu, chợ cá bên dòng sông Krông Ana (thuộc thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana-Đắk Lắk) không chỉ là nơi giao thương hàng hóa mà đã trở thành một nét văn hóa rất riêng của mảnh đất trù phú này.

Chợ cá nơi đây chỉ náo nhiệt vào hai thời điểm chính là khoảng 3 giờ sáng và 14 giờ chiều, khi những chiếc thuyền đưa cá từ khắp nơi vào. Tuy nhiên, phiên chợ lúc 3 giờ sáng là thời điểm chợ cá đông nhất và được coi là phiên chợ chính ở bến cá này.

Dưới đây là một số hình ảnh chợ cá bên dòng sông Krông Ana:

 
Thuyền đánh cá về bến


Nghe tiếng máy là các cô, các mệ đã có mặt tại bến cá.

 

giúp những người đàn ông chuyển ngư cụ xuống bến

Cá nhanh chóng được đưa ra khỏi khoang thuyền

 
Phần lớn số cá vẫn còn tươi sống khi đưa về chợ



Sản phẩm thu được sau một đêm thức trắng lênh đênh giữa sông nước mênh mông...

Các mệ phân loại cá...

và việc mua bán diễn ra ngay tại bến sông

 Neo thuyền tại bến sông


Chợ cá cũng là nơi sửa chữa, đóng mới thuyền đánh cá

 
Thuyền bè nằm gối bãi nơi bến thuyền thơ mộng, chờ ngày làm việc mới

Theo Đàm Giang (Đắk Lắk Online)