Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

TÀ ÁO XANH DUY NHẤT

TÀ ÁO XANH DUY NHẤT
...
Bây giờ còn nhớ hay không?
Anh đem cánh phượng tô hồng má em
Để cho em đẹp như tiên 
Nhưng em không chịu
Sợ phải lên trên trời
Sợ phải lên, sợ phải lên trên trời
Sợ phải lên, sợ phải lên trên trời
(Hoa Học Trò do Bích Toàn- Quang Định hát)
...
Cánh phượng hồng ngẩn ngơ,
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây,
Và mùa sau biết có còn gặp lại,
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.
Mối tình đầu của tôi
Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi,
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu,
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.
(Phượng Hồng do Bích Toàn- Hữu Quý hát)
— với Nguyễn BíchToàn.


Chuyện lớp xưa :TỜ GIAO KẾT CÁCH ĐÂY 40 NĂM...


Chuyện lớp xưa
TỜ GIAO KẾT CÁCH ĐÂY 40 NĂM...
Mùa hè sân trường như đến sớm hơn mọi năm. Đã có mấy chùm hoa phượng nổi bật trong màu xanh cây lá. Chỉ mong thời gian chậm lại, xa xa cái ngày cuối cùng 26 /6 của đời sĩ tử. Bao kỷ niệm cùng bạn bè, với trường lớp sẽ dừng lại ở cái ngày " lều chõng" này sao. Que sera ! Sera ! Ngày mai sẽ ra sao ?! Từ Đức Long cùng tâm trạng lang thang sang lớp tìm mình. Đề xuất cứ mười năm gặp mặt một lần cho khỏi quên nhau. Mình ừ liền ! Nói làlàm, nó rứt ngay một tờ bìa vỡ học của mình, kẻ ô viết lời giao kết hẹn gặp nhau vào đêm Giáng Sinh năm 84, tại nhà hàng to nhất đất Sài thành. Nó ghi tên hai đứa, ký phía dưới rồi đưa cho mình ký. Tôi chắc trong các chữ ký của bạn bè, không ít người đã ký vô tư như tôi...Mười năm lúc ấy nó mông lung, xa dịu vợi...Khi tờ giao kết chuyền đến chỗ Trung Noir với thằng Tuấn thì có mặt thằng Việt ở đấy. Thế là nó ký luôn cho hợp với bộ ba này, thường dính với nhau trên chiếc Bridgestone màu vàng của nó. Có cả chữ ký của hai anh học lớp trên, đã ra trường. Anh Nguyễn Hồng Long từng là huynh trưởng của Đức Long khi sinh hoạt đoàn thể Thanh Sinh Công. Còn anh Nguyễn Quang Phú, thì chắc nó mê cái khí tiết của anh dám xông vô trường, hô hào mọi người đi biểu tình phản đối Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, nhưng bị thầy Hiệu trưởng đuổi ra ! Thằng Long này có máu làm những chuyện đại sự !
Tờ giao kết được chuyền trong lớp B, không đến được tay Phùng Tất Đạt, vì nhà của nó có đại tang người anh bị tử trận. Nó buồn chẳng màng gì đến chuyện tương lai.Tương lai gì trong thời chiến đầy những tin buồn ly biệt ! Nó không thiết gì đến học hành ! Lớp nó còn thi môn Toán của thầy chủ nhiệm Võ Quý Sỹ nữa, là hoàn tất điểm số vào Thành Tích Biểu. Nó đã bỏ thi ! Không ngờ thằng Phạm Văn Chinh liều mạng thi luôn dùm nó. Chinh ơi là Chinh ! Thầy mà phát hiện sẽ bị cấm thi Tú Tài thì sao hở ? Cái thằng mặt lúc nào cũng lạnh băng mất cảm tình, vậy mà ...thương bạn nhất !
(Trích đoạn "Cuốn phim xưa-Tập 5- Tú Tài IBM của Phạm Đình Đạt đăng trên Đặc San Hội Ngộ 40 năm thbmt 67-74)


CÂU CHUYỆN CÔ BÉ BÁN DIÊM

CÂU CHUYỆN CÔ BÉ BÁN DIÊM
Một mùa giáng sinh nữa lại về , đây đó khắp đường phố cửa tiệm người ta đã bắt đầu trang trí những cây thông noel thật đẹp và thật lung linh.Tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Sài Gòn hay Hà Nội cũng nhộn nhịp không kém. Bầu không khí đón mừng đại lễ Giáng Sinh còn được biểu hiện nơi các công ty, xí nghiệp, nhà hàng, quán ăn...đâu đâu cũng thấy không khí của lễ hội. Không khí ấy lại nóng dần lên khi người người đi mua sắm, nhà nhà háo hức đợi mong. Dù là người nghèo hay giàu, nam, phụ hay lão, ấu, người tin theo Đức Giêsu hay không tin, Giáng Sinh vẫn cứ là một ngày hội. Ngày hội tâm linh. Ngày hội của toàn xã hội... Các bạn biết không ? mỗi lần giáng sinh về tôi thèm khát ở bên gia đình để hưởng trọn một cái noel thật ấm cúng và đầy ý nghĩa .Cùng gia đình ăn gà nướng uống rượu rum.Phải đi làm xa nhà nên tôi biết được cảm giác cô đơn là thế nào . Đã 2 năm xa nhà , xa gia đình để vào đất sài gòn lập nghiệp .Đất sài gòn bon chen mà khó sống. Sài gòn vào những ngày cận kề giáng sinh đường phố thật nhộn nhịp , đây đó vang lên khúc nhạc giáng sinh. Mọi người chụp cho nhau những tấm hình làm kỉ niệm. Thỉnh thoảng trên đường bắt gặp những em bé bán vé số lang thang khắp nơi nhưng vẫn chưa bán được tờ nào. Không biết sẽ còn bao nhiêu những mảnh đời bất hạnh khi em sinh ra em đã không có cha không có mẹ . Em không biết ba mẹ em là ai ? Hình ảnh cô bé bán vé số làm cho tôi liên tưởng đến câu chuyện : " cô bé bán diêm " của andersen mà tôi đã từng được học năm lớp 8...
(Theo Blog Nguyễn Thị Thanh Tâm trên Zing Me)
...
Que diêm cháy đến tận đầu ngón tay cô bé, nóng bỏng. Ngọn lửa đã tắt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt cô bé cũng biến mất.
Lần thứ năm, cô bé quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Cô muốn níu kéo bà để được bà cho đi theo đến một thế giới không còn đói rét và đau khổ. Các que diêm nối nhau cháy sáng như ban ngày. Chưa bao giờ cô bé lại thấy bà mình to lớn và đẹp lão như thế này. Bà nhẹ nhàng cầm lấy tay cô bé rồi hai bà cháu cùng bay vút lên cao, cao mãi. Chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về với Thượng Đế.
Sáng hôm sau, mọi người vui vẻ kéo nhau ra đường đón mừng năm mới. Rồi vài người phát hiện ra một cô bé có đôi má hồng hào và đôi môi đang mỉm cười. Cô bé đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa. Họ bảo nhau: “Con bé đã đốt hết một bao diêm. Chắc nó muốn sưởi cho ấm”. Một ông khách nhặt que diêm còn sót lại rơi trên nắp giỏ, nói lớn: “Ô! Nó bỏ sót một que diêm đây này!”. Vâng! Que diêm đó chính là tôi. Vì thế mà tôi đã chứng kiến đầu đuôi câu chuyện về cô bé bán diêm vô cùng đáng thương ấy.
(Trích truyện cổ của Hans Christian Andersen)

ĐỌC THƠ TÂN AN



ĐỌC THƠ TÂN AN (Nguyễn Văn Thắng -thbmt 67-74)
Ngày xưa khi đang học lớp 9, mình có thể gọi là Thắng Mắm Nêm, chứ bây giờ gặp lại phải xem như đàn anh vì lớn tuổi hơn mình và từng trải qua đời lính...Hình như cuối năm lớp 9, ảnh đã rời trường đi miết như con chim lạc bầy...Năm ngoái gặp lại nhau trên diễn đàn của lớp bmt74, được đọc những bài thơ với bút danh là Tanan (Tân An). Mình đã viết cảm nhận của mình qua e-mail (xin đăng lại)...
Anh Thắng thân,
Hôm nay, mới được nhà mạng xuống sửa...giam máy của Đạt từ hôm thứ sáu đến giờ là 5 ngày. Chẳng hiểu vì kinh doanh độc quyền hay do an ninh mạng...Anh kể lại chuyện đời lính lúc tàn chiến cuộc, Đạt thấy xót thương thật. Biết bao người con dày dạn gió sương phải ra đi...luôn để lại nhức nhối cho người còn sống. Đạt có đọc đâu đó ... có người về làm lễ chiêu hồn cho các anh ở đèo Phượng Hoàng. Một chút an ủi cho những vong linh ... có thể lịch sử đã quên họ.
Hèn gì Đạt đọc thơ anh luôn có cảm giác ẩn chứa một tâm hồn đa cảm... Nhớ trường xưa mà ngập ngừng như người khách lạ :
"Một lần về ghé ngang trường cũ
Chẳng muốn vào trong, bởi lạ người"
Về Trường Xưa_ Tanan
Như một đứa trẻ con mỗi khi nhớ về quê mẹ :
"thưa mẹ, chiều nay con chạnh nhớ
nhớ giàn thiên lý nhớ rưng rưng"
Nhớ Mẹ_Tanan
Hồn nhiên khi giới thiệu về mình ...không khách sáo cũng không cường điệu...một tí chân quê :
" Lạc đàn thì vẫn lạc đàn
Bởi mình về trễ, nên mình bơ vơ
Bến cũ ta vẫn chơ vơ
Có ai nghĩ tới Mắm Nêm bao giờ"
Bến Cũ_ Tanan
Hơn hai mươi năm sống nhờ xứ người, biết hết đạo lý ở đời...để sống tốt hơn. Và đạo lý làm con, làm học trò, làm chồng làm cha nữa...
"xin tạ ơn trời cao đất rộng
đã cho tôi, đời chỗ nương thân
....
"công CHA nghĩa MẸ như trời biển
mang nặng đẻ đau, dạ chẳng phiền
....
"xin tạ ơn cô thày, xin tạ
bảng đen, phấn trắng, bút mực xanh
....
"anh tạ ơn em người vợ quí
cùng anh chia những chặng thăng trầm
bên nhau sớt những ngày mưa gió
anh đã có em, em đã có anh"
Thanksgiving_ Tanan
Có những kỷ niệm không bao giờ phai theo thời gian...
"Có sợi tóc nào xanh chẳng phai?!
Dẫu gương khuê các lược trang đài"
Tóc Phai_ Tanan
"Dòng sông xưa nước cuốn
Như tháng ngày lênh đênh
Ta nhớ phương trời ấy
Khắc ghi một cuộc tình
Hoài Cố Nhân_ Tanan
Tình yêu luôn thắp sáng trong con người, mới đem lại nguồn vui...
"Ai có hỏi Thiên đàng là đâu nhỉ?
Không ngại ngùng ta vội chỉ tình yêu"
Cuối Cuộc Tình_ Tanan
Suy tư về cuộc đời ... như hết giận hờn, ghét bỏ...cuộc đời an nhiên tự tại...
"Đời như con nước đã đành
Tình như bọt sóng cuối ghềnh vội tan
Con đò đưa khách sang ngang
Đưa tay anh vẫy đã tàn mấy thu
Bờ hoang gió lướt vi vu
Ngắm cành hoa trắng lời ru gợi buồn
Qua Cầu_ Tanan
Và không quên dành cho bạn bè, đồng đội...
"Ngồi đây xuân đến ôn chuyện cũ
Mà lòng quặn thắt trái tim côi
Xuân đến xuân đi nào giữ được
Đứa còn đứa mất khắp mọi nơi
Xuân Tuyết_ tanan
Chỉ là cảm nghĩ , cảm nhận... của Đạt khi đọc thơ Tân An thôi. Nếu có gì không vừa ý tác giả thì anh Thắng ráng chịu...khà khà.
Chúc anh Thắng dzui nha.
Đạtbuôntrấp.(27/3/2013)

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

MÙA GIÁNG SINH XƯA

MÙA GIÁNG SINH XƯA
Bài thơ Mùa Giáng Sinh Xưa của Hông A ghi lại đêm Noel năm 1973. Lúc ấy, Nguyễn Thị Hồng (Hồng A) là một trong các người đẹp của lớp 12A2 của trường Trung Học Tổng Hợp BMT. Nhiều đàn anh lớp trên như anh Nguyễn Cường Việt đã từng chấm Hồng A là Hoa Hậu ...Ban mê của những năm 73 , đầy những tin dữ từ chiến tranh..
Mùa Giáng Sinh xưa
Chiều nay qua giáo đường thành phố
Hang đá Giáng sinh rực rỡ đèn
Rộn rã, vui tươi tràn muôn nẻo
Vời cao tượng Chúa sáng đêm đen
Chạnh lòng tôi nhớ ngày còn thơ
Đi học ngang qua cổng nhà thờ
Theo bạn đi lễ dù ngoại đạo
Cũng quỳ cầu nguyện những ước mơ
Người từ thành phố miền ven biển
Lạc bước cao nguyên một sớm mai
Tình cờ trong gió đông se lạnh
Ngơ ngẩn trông theo bóng áo dài
Làm đuôi lững thững theo sau mãi
Ơ hay, người lạ nào có quen
Những sáng, những trưa, chiều khắc khoải
Đợi em, con phố nhỏ lên đèn
Những lá thư mang hương biển mặn
Dạt dào sóng vỗ đến núi rừng
Giáng sinh năm ấy tôi còn nhớ
Dạo phố, người vui dáng lừng khừng
Đời cũng thăng trầm theo vận nước
Tiễn con, mẹ khóc đã bao lần
Chiến trận đất người sôi máu lửa
Sa trường nhuộm đỏ máu thanh xuân
Cha mẹ già nua phải khóc con
Lá xanh vội rụng tuổi còn son
Một linh hồn trẻ bay theo gió
Còn nuối tình thơ tiếng nỉ non
Gương xưa người tặng đã hoen màu
Soi bóng tôi buồn chuyện đã lâu
Nhớ Giáng sinh xưa se sắt lạnh
Hắt hiu xuôi lạnh một dòng sầu.
Hồng A. (thbmt 67-74)


Chuyện phiếm về "Má Lúm Đồng Tiền"

Chuyện phiếm về "Má Lúm Đồng Tiền"
Nhân tìm hiểu thuốc gia truyền của vua voi Ama Kông, thấy có hình con gái ông, lúc này chừng 7 tuổi, má lúm đồng tiền, hoành tráng...Nên đọc thêm truyền thuyết về đôi má lúm..
Theo Truyền thuyết má lúm đồng tiền của Phương Đông, những người có má lúm đồng tiền là do Diêm Vương đánh dấu, đây là dấu hiệu của việc người này khi đi qua Quỷ Môn Quan để hóa kiếp luân hồi không chịu uống 1 loại nước tên là Vong Tình Thủy khiến người ta quên hết chuyện kiếp trước khi sang kiếp sau. Chính vì vậy, người ta cho rằng, với những người có má lúm đồng tiền, bạn nên trân trọng, yêu quý và sống thực lòng với họ vì những ký ức về bạn họ có thể lưu giữ truyền kiếp mà hàng nghìn năm mới xóa bỏ được. Thật sự, truyền thuyết má lúm đồng tiền này gây nhiều xúc động.
Quan niệm phương Tây cho rằng, nguyên nhân xuất hiện má lúm đồng tiền là do chủ nhân của má lúm được phù trợ bởi thần Vệ Nữ. Má lúm đồng tiền được xem là dấu hiệu của thần Vệ Nữ, những ai sở hữu má lúm đồng tiền chính vì thế mà có nụ cười ngọt ngào, thu hút.
(Nguồn http://giadinhxahoi.com.vn)


Buôn Trấp đón Noel

Buôn Trấp đón Noel
Người dân Công Giáo ở Buôn Trấp chưa tin hẳn sẽ có một Đêm Thánh dành cho riêng mình. Mười sáu năm làm con chiên ngoan đạo, làm người công dân tốt...âm thầm chờ đợi...Thời gian của bóng tối ấy không thể lâu hơn được nữa đối với các người có chức sắc trong họ đạo, hay những nhà chức trách của địa phương...Ánh sáng của đêm Giáng Sinh năm nay sẽ thắp lên niềm vui hân hoan trên từng ánh mắt, nụ cười...cho mọi người trong Giáo Họ Buôn Trấp..."Bình an dưới thế cho người thiện tâm".


Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

SÊRÊPÔK, dòng sông chảy ngược.

SÊRÊPÔK, dòng sông chảy ngược.
Việt Nam hiện có 392 con sông, chảy liên tỉnh được đưa vào danh mục quản lý của Cục đường sông Việt Nam.
Hướng của các dòng sông Việt Nam chủ yếu chảy từ Tây sang Đông, từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ đất liền ra biển Đông; nhưng cũng có những dòng sông chảy ngược, điển hình như Sê San (còn gọi là Krông Pơ Kô) và Sêrêpôk (còn gọi là Đắk Krông) hình thành ở khu vực Tây Nguyên rồi chảy ngược hướng Tây sang Camphuchia.(Theo Wikipedia)
Sêrêpôk (hay Srêpôk), tên gọi trong tiếng Campuchia là Tongle Xrepok, là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk. Đây là một phụ lưu quan trọng của sông Mekong. Đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk còn được gọi là sông Đăk Krông. Tính từ chỗ hợp lưu của sông Krông Ana, sông Krông Nô tới cửa sông nó dài 406 km[1], trong đó đoạn chảy trong lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 126 km, đoạn chảy qua Campuchia dài khoảng 281 km
Nằm ở phía Tây Trường Sơn, con sông này chảy sang đất Campuchia trước khi nhập vào sông Mê Kông để sau đó con sông lớn này trở lại Việt Nam. Sông được hình thành hoàn toàn trên địa phận Đăk Lăk và được hợp thành từ hai dòng sông nhỏ là sông Krông Ana, sông Krông Nô (sông Mẹ và sông Bố). Sông chảy qua các huyện Krông Ana, Buôn Đôn và Ea Súp của Đăk Lăk. Vừa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Serepôk được bổ sung thêm nguồn chảy dồi dào từ dòng sông Ea H'leo. Sông Serepôk nhập vào sông Mekong sát Stung Treng, tỉnh Stung Treng. Trước khi nhập vào, nó còn nhận nước từ sông Sesan và sông Sekong (hai sông này cũng có nguồn trên lãnh thổ Việt Nam).(Theo Wikipedia)


Nỗi nhớ Ban Mê... TẮM PISCINE

Nỗi nhớ Ban Mê...
TẮM PISCINE
Từ lúc còn là một thằng bé con, trong những trưa hè oi ả với chỉ chiếc quần “ xà lỏn ” đầu đội nắng, chân đạp đất đi như chạy trên con đường này mà chúng tôi thường gọi là đường Toà án, để mong sớm đến Piscine, một hồ bơi được xây dựng từ thời Bảo-Đại, hối hả bước dưới những tàng cây hoa Phượng đỏ, tôi đi qua Toà án, tới Bưu điện…băng vội qua đường, vượt qua Toà Hành chánh Tỉnh quẹo xuống con đường bên hông Ty Ngân khố…thế là đã bắt đầu bước vào khu vực Trần-Hưng-Đạo, thường thì lần nào cũng vậy khi đến đây, tâm trạng của chúng tôi những thằng nhóc đã từng đi tắm Piscine hồ ông Tỉnh ( tên của người quản lý hồ bơi ) luôn luôn giống nhau là rất bồn chồn và hồi hộp. Bồn chồn bởi vì sắp tới hồ bơi, sắp được bờ- lông-nhông và tha hồ lặn ngụp dưới dòng nước mát cho thoả thích. Cho dù có say mê cái hồ bơi ông Tỉnh này đến cỡ nào tôi cũng không dám dùng từ dòng nước trong mát ở đây vì sợ Chúa phạt về tội nói dối, nước ở đây chỉ mát chứ không trong, nước vẩn đục quanh năm nhất là vào mùa mưa, vậy mà điều đó chẳng cản trở được một li ông cụ nào về lòng say mê mãnh liệt của đám con nít chúng tôi đối với cái hồ bơi duy nhất của thị trấn này. Còn hồi hộp là vì nếu hôm nay chẳng may gặp phải anh Hồng-méo* một hung thần của bọn con nít, thường đón đường chúng tôi ở khu vực Trần-Hưng-Đạo này để thu tiền mãi lộ, thì chắc chắn là tiêu nguyên tán đường…phèn ( có thằng nào mà không sợ anh Hồng-méo... chết liền á ) bởi vì gặp anh là lành ít dữ nhiều, anh vốn sinh ra không phải để mang nụ cười đến cho mấy thằng nhóc chúng tôi, trong những câu chuyện truyền miệng chúng tôi được biết rằng có nhiều đứa khi gặp anh đã phải bỏ của chạy lấy người, đó là lý do vì sao khi đi bơi ở đây tôi thường chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn lon ton, không dép, không mủ để nếu có phải bỏ của chạy lấy người thì tôi không có gì phải mất ngoài cái…quần xà lỏn ấy mà thôi !!! Dĩ nhiên là phải nhớ mang theo 2 đồng cắc, giấu kỹ trong lưng quần, 1 đồng đưa ông Tỉnh để xuống hồ, còn 1 đồng sau khi tắm xong, mua miếng kẹo đậu phụng ngào đường có hình tam giác của bà lão bán dạo trước cổng, vừa đi vừa nhai cho nó đỡ run, đỡ tê tái cõi lòng vì đói và lạnh...( Trích đoạn TRỞ LẠI BAN MÊ của Trần Châu đăng trên http://www.trunghocbmt68-75.com)
Lần nầy thì lũ kỷ niệm chắc thấy tội nghiệp nên mạnh dạn dẫn đường và tôi chạy một mạch đến đúng nơi tôi muốn đến: Piscine.
Đứng lơ ngơ nhìn ngắm một hồi, bỗng dưng tôi thấy như thiếu thiếu cái gì. Rồi! Quên máy chụp hình. Quay trở lại chỗ gởi đồ moi nó ra chạy vù xuống trở lại. Lòng chợt bỗng quạnh hiu khi nhìn sự hoang phế phơi bày trước mắt. Họ đã nắn dòng chảy con suối để thực hiện một ý dự án nào đó nhưng không thành. Bây giờ “nó” được cho đi qua song song với piscine phía cửa vào ngày trước. Do không phải mùa mưa nên chỉ chảy róc rách giống như một rảnh thoát nước mà thôi. Nhìn “cố nhân” ngày nào đang phơi mình hoang phế với thời gian, nhìn mấy cây dừa lão đang giương mình khẳng khiu cao ngất lên trời nơi ngày trước là cái nhà tôle của Ông Tỉnh gầy nhom giữ hồ lòng tôi chùng xuống và bùi ngùi biết mấy! Cảnh cũ còn đây mà người xưa đâu tá?
Quay tới quay lui một hồi, tôi thấy có hai con dốc dựng đứng được xây thành bậc cấp hẳn hoi dẫn vào hai ngôi nhà phía trên cao. Tôi biết chắc rằng một trong hai ngôi nhà ấy có nhà của Thầy Quang dạy vẽ của trường Trung Học Banmêthuột...(Trích trong NÍU TAY KỶ NIỆM của Hùng Bi đăng trên
banthohp.blogspot.com/2012/04/niu-tay-ky-niem)


Người Rang Đê

Người Rang Đê
Người Rang Đê là một tộc danh để chỉ người Ê đê và Jarai vốn có nguồn gốc chung từ nhóm tộc người Rang Đê cổ hay còn gọi là người Radaya, tức người Ê Đê cổ được ghi chép khá nhiều trong các bia ký Chăm Pa, sự tấn công của đế quốc Mông Cổ, sau này là Nam Tiến của người Việt đã đẩy bộ phận người Chăm Pa lên vùng bình nguyên Cheo Reo hòa hợp với người Ê đê cổ tạo ra nhóm tộc người tự gọi là Anak Jarai tức con cái của Jarai.Trong văn hóa và tính cách của người Gia Rai có nhiều yếu tố Chăm Pa trung đại so với người Ê đê chịu ảnh hưởng đứt gãy của yếu tố Lâm Ấp Chăm Pa cổ đại. Người Giarai còn giữ được yếu tố ngôn ngữ Rang Đê cổ đó là ngôn ngữ đa âm hơn so với người Ê Đê láng giềng.(Theo Wikipedia)

Người Gia Rai

Người Gia Rai
Người Gia Rai ở Tây Nguyên có câu hát
Ong jing grom
Kau jing kömla'...
(Anh làm sấm
Em làm sét ...)
Tình ca, hẳn rồi, đã Anh với Em, thắm thiết thế mà lại. Nhưng Anh Em, yêu đương, duyên nợ, vợ chồng ... sao lại có chuyện Sấm với Sét? Và chú ý nhé: không phải "là", mà "làm". Anh làm sấm, còn em làm sét, hoặc đúng hơn, theo một thứ tự khác, em làm sét, còn anh thì làm sấm. Thật ra cả hai đều đúng, như ta sẽ thấy.
...
Xã hội Gia rai, cũng như Ê Đê, Chu Ru, Pih, Rak Glay..., là xã hội mẫu hệ, hay mẫu quyền. Huyết thống chảy theo phía mẹ, con lấy họ mẹ chứ không phải họ cha. Người mẹ đứng ở bên trong sự truyền nối nòi giống, trong dòng chảy liên tục và bền chặt của sinh tồn...
...
Người đàn bà là bên "nội", theo nghĩa chính xác nhất của khái niệm ấy. Bà ở bên trong, phía sau, trong bóng tối. Ở đây có một triết lý hóa ra vậy mà phổ biến nhưng ta thường ít nhìn thấy được: cái chính thì bị che khuất, tự che khuất, cái nhìn thấy được, cái bộc lộ thường chỉ là cái phụ, cái vỏ. Trong một ngôi nhà Gia Rai, chỗ của người đàn bà là ở cái góc xa nhất, khuất nhất, thường tối tăm nhất. Trong bóng tối lờ mờ của căn nhà. Bà đi vào nhà không phải bằng cửa chính mà cửa phụ, phía sau. Tiếp khách, bà không có mặt, trong các nghi lễ, bà ngồi nép ở một góc buồng, chỉ ghé mắt nhìn ra, lặng lẽ theo dõi, hầu như không bao giờ lên tiếng... Đấy là vị "thủ lĩnh trong bóng tối", của gia đình và xã hội, là nữ Thái thượng hoàng buông rèm chấp chính, nấp sau ngôi vua, mà bà lại là vua đích thực của từng nhà và của làng, của toàn xã hội... Còn đàn ông là bên "ngoại", cũng theo đúng tất cả nghĩa chính xác nhất của khái niệm ấy.
Lên Tây Nguyên mà xem, tôi đã có lần nói người Tây Nguyên là những người lữ hành bất trị, họ rất thích đi lang thang, cứ chờ hết mùa rẫy là rong chơi, hàng tháng, mấy tháng liền, suốt mùa Ninh Nông tức mùa nông nhàn, thăm viếng bà con, kết bạn, gặp lễ hội nào đó lập tức sà vào, hút rượu cần cho đến say mèm, và ca hát, những bài hát có thể bất tận, suốt những đêm dài... Ngay đang giữa mùa rẫy cũng chẳng mấy khi chịu ở yên, hở ra được một chút đã liền biến mất, lang thang trong rừng, đuổi theo một con heo, một con nai, một con cheo, một con chồn, cũng có khi chỉ vài con chuột, con rắn, hay la cà tìm ăn mật ong rừng, la đà uống rượu đoác, một thứ "bia" trời cho, ngon đằm và say ngất... Những người lữ hành bẩm sinh. Nhưng tôi xin lỗi, tôi quên nói đấy chỉ là đàn ông... Nhưng vì sao họ lang thang? Cũng đơn giản thôi, họ là "ngoại" mà, ở ngoài đường, ở trong nhà, trong "nội" họ có là cái thá gì đâu, chẳng chút thực quyền nào. Nên chú ý: khi ly dị - may thay ở Tây Nguyên rất ít xảy ra - người đàn ông ra đi chỉ còn đúng nguyên mỗi ... cái khố. Họ lang thang là phải quá rồi, đúng không? ...
...
Người Tây Nguyên chính xác mà hóm hỉnh: họ bảo đàn ông là sấm (mà đàn ông cũng biết thân phận của mình là thế, chẳng thể hơn). Sấm thì ồn ào, ầm ĩ, trợn trạo, hung hăng, nhưng... ai mà chẳng biết, sấm nào có đánh chết được ai bao giờ đâu, chỉ là tiếng vang thôi, to mà rổng, tiếng vang của một cái khác không nhìn thấy được nhưng ghê gớm, chết người, là sức mạnh thực sự: sét. Người đàn bà là sét, làm sét, phái kẻ đại diện hữu danh vô thực của mình là người đàn ông ra bên ngoài làm sấm, thực thi quyền lực thực mà bà nắm chặt trong tay, trong gia đình, và ngoài xã hội. Vậy đó, ơi những người đàn ông tội nghiệp chúng ta, cần biết để mà chẳng nên kiêu ngạo chút nào!...
(Trích đoạn SẤM VÀ SÉT, ĐÀN ÔNG VÀ ĐÀN BÀ, LẠ LÙNG GIA RAI của Nhà văn Nguyên Ngọc)


Người Thượng

Người Thượng
Người Thượng là danh từ gọi chung những nhóm sắc tộc bản địa sinh sống trên cao nguyên miền Trung Việt Nam, như Ba Na, Jarai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông... Thuật từ Montagnard vốn có nghĩa là "người miền núi" trong tiếng Pháp, được dùng với nghĩa như hiện nay từ thời Pháp thuộc. Trong khi đó Degar là cách gọi có nguồn gốc bản địa.
Thượng có nghĩa là ở trên, người Thượng là người ở miền cao hay miền núi, một cách gọi đặc trưng để chỉ những sắc dân sinh sống tại Miền Thượng, sau này cũng gọi là Cao nguyên Trung Phần, hay Tây Nguyên; từ "người Thượng" theo nghĩa rộng cũng có thể đề cập đến tất cả các dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam nói chung. Thời Việt Nam Cộng hòa, chính sách dân tộc dành cho miền Thượng được gọi là Thượng vụ.( Theo Wikipedia )


Sử thi Ê Đê M' DRONG DĂM

Sử thi Ê Đê
M' DRONG DĂM
Trong tiếng Ê đê: mdrong nghĩa là giàu có; còn dăm chỉ chàng trai tài giỏi, hùng mạnh. Như vậy, Mdrong Dăm là “chàng trai giàu có, tài giỏi và hùng mạnh”. Ngay tên gọi của tác phẩm cũng đã nói lên khát vọng, sự ngưỡng mộ của cộng đồng Ê đê gửi gắm qua nhân vật này.
Sự ra đời của Mdrong Dăm mang vẻ khác thường, dù mẹ chàng đã tình tự với Dăm Bhu (sau này chàng Dăm gọi là cha) trong rừng, nhưng nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhân vật anh hùng là do mẹ chàng “ăn phải trái cây giữa thân, hái hoa rừng trên nguồn thác nên mới bụng mang dạ chửa một mình”. Khi bà Hbia Knhí sinh con, người ta đặt tên đứa bé theo tên của những người nổi tiếng, tên của những tù trưởng giàu mạnh, nó vẫn khóc. Cuối cùng, vị thần tối cao của người Ê đê - Aê Du - đặt tên nó là Mdrong Dăm thì nó mới thôi khóc.
Mdrong Dăm từ bé đã tài trí hơn người. Bác nó đến thuyết phục Dăm Bhu về ở với Hbia Knhí không được, vậy mà nó đã làm được việc này một cách thấu tình đạt lý. Mdrong Dăm cũng là người giảng giải một cách thuyết phục việc Mtao Hwik chiếm đoạt voi của Mtao Go là sai, lời lẽ của chàng được dân làng hưởng ứng. Nhờ vậy mà hai tù trưởng nọ đã hòa giải với nhau (khan Mdrong Dăm). (Trích đoạn trong "
Khan sử thi Ê đê: Bức tranh toàn cảnh của tộc người Ê đê cổ truyền" của Hồng Lý )

NỮ THẦN MẶT TRỜI

NỮ THẦN MẶT TRỜI
"Với người Ê Đê theo mẫu hệ của chúng tôi, mặt trời là nữ thần, và mặt trời cũng là người mẹ. Bởi vậy khi tôi viết "Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời là tôi viết cho mẹ của mình" - Yphon kể lại. Hồi ấy, năm 1992, đang đi biểu diễn với Đoàn Ca múa Đắc Lắc thì được tin mẹ ốm, anh vội về nhà, đến nhà mới hay tin mẹ đã đi vào rẫy.
Tháng tư mùa đốt rừng, những con đường bụi đỏ cuốn lên cùng với khói, một mình Yphon đi tìm mẹ, và ý nhạc cứ thế nảy ra như có ai đọc sẵn trong đầu: Một mình lang thang, trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày / Một mình qua sông, qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời... Qua đoạn đường dài gần chục cây số vào đến rẫy, nhìn thấy mẹ đang khỏe mạnh, gặp Yphon, mẹ cười, lời nhạc bỗng vút lên sáng bừng: Hát giữa mọi người, không ngại ngần, lời hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời của tôi... Điều đó như lý giải vì sao mà mỗi khi ca khúc này được hát lên, những người mẹ Ê Đê lại kéo tay áo thô thấm nhẹ vào khóe mắt...
( Trích theo "Y Phon K' Sor - Hát giữa mọi người không ngại ngần" trên báo Nhân Dân)
Bài hát : ĐI TÌM LỜI RU NỮ THẦN MẶT TRỜI
Tác giả : Y Phon K' Sor
Ca sĩ : Y Jack Arul
Một mình lang thang trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày.
Một mình qua sông, qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời.
Tôi như con chim lạc bầy trên trời cao
Tôi như con thú đi lang thang trong rừng sâu
Như dòng sông khao khát lời, tôi như hạt mưa khao khát lời
Bài hát ơi mặt trời, bài hát tôi một thời cùng Ê Đê, Bih, M''''Nông
Hát giữa mọi người không ngại ngần, bài hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời của tôi.
Hát giữa mọi người không ngại ngần bài hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời, tôi đi tìm em.


Tiếng đàn goong

Xứ Thượng...
Tiếng đàn goong
Thoạt đầu tỉ tê, rồi rạo rực như giọng chim chơrao, da diết như con thú hoang gọi bầy. Chiều buông rơi dải nắng miên man đếm từng giọt âm thanh vọng vào vô tận. Chiều trong veo ngơ ngác giọt đàn vắt vẻo trên cao. Âm thanh ấy có lúc gào thét thác tung bọt trắng đại ngàn, khi lại róc rách suối chảy dịu hiền. Âm thanh ấy quyện gió lẻn vào tâm hồn người con gái kia. Tiếng đàn goong.( Trích "Tiếng đàn goong trên cao" của Nguyễn Tài )
Người Tây Nguyên làm ra đàn goong để thay thế cho một dàn cồng chiêng. Bạn hẳn đã biết cồng chiêng quan trọng như thế nào đối với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Một lúc nào đó thèm nghe tiếng cồng chiêng nhưng đâu dễ đáp ứng ngay được. Phải co nhiều người, mỗi người đảm nhận một chiếc cồng hay chiêng, người chạy giai điệu, người giữ nhịp, v.v... Còn với goong thì... chỉ một người! 11 dây đàn mắc song song với một đoạn ống nứa và chiếc vỏ bầu khô, goong có khả năng thay thế một dàn cồng chiêng hơn cả 10 chiếc!
Không chỉ thế, goong còn đặc biệt hấp dẫn khi giữ nhịp cho cây đàn k’ni “chạy” giai điệu. Cũng như nhiều nhạc cụ Tây Nguyên làm từ cây rừng, nhưng âm thanh 2 nhạc cụ này kết hợp với nhau thật nhuần nhụy, đẹp đẽ. Mỗi sớm lên nương hay hoàng hôn trở về, giữa thiên nhiên bao la, hình ảnh người cha trong tay chiếc đàn goong, đứa con cây đàn k’ni, cùng nhau dạo lên những giai điệu nỉ non, réo rắt, giờ đây chúng ta khó có may mắn nhìn thấy. Có lẽ không dễ tìm đâu ra cảm giác bình yên thật sự và hạnh phúc nào hơn khi trông thấy hình ảnh đó. Chính giọng điệu thủ thỉ từ chiếc đàn goong của chàng trai đã làm trái tim đứa con gái yếu mềm, nhũn ra và cuối cùng là bị thôi miên, bị hớp hồn, để đêm ngày thổn thức, si mê đến biếng ăn biếng làm, buộc phải băng rừng lội suối đi tìm trao khăn, trao còng thề nguyền hẹn ước. Như thế thì đích thị goong là cây đàn tán gái thật rồi! ( Trích đoạn "Nghệ sĩ với cây đàn "tán gái" của Thất Sơn đăng trên báo GiaLaiOnline)
Ông Y Te Hra ( buôn Ea Mtha, xã Ea Rôk, thị trấn Ea Súp ) tâm sự: “Ngày xưa tiếng đàn goong có mặt ở mọi nơi, theo bước chân các chàng trai, cô gái trên đường đi nương rẫy, kề bên nhau tâm sự trong ngày lễ hội ở buôn làng. Thời đó hầu như trai làng nào cũng biết chơi đàn goong, nhưng giờ cả làng chỉ có ba người biết chơi loại nhạc cụ này và cả ba đều đã bước sang tuổi già từ lâu. Thanh niên bây giờ thích chơi đàn hiện đại, không ai học chơi đàn t’rưng, đàn goong… nữa”.( Trích trong "Nỗi buồn đàn goong" trên LangVietOnline )


GIÀ LÀNG TÂY NGUYÊN

GIÀ LÀNG TÂY NGUYÊN
Già làng là sự tổng hợp ý thức của hai khái niệm : cá nhân và cộng đồng . Cá nhân ở đây được sàng lọc và lựa chọn theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như : Tuổi tác , kinh nghiệm,sự tín nhiệm...được tập thể cùng đồng lòng tôn vinh. Bản thân cá nhân đó cũng phải tự khẳng định và thường xuyên bồi bổ được uy tín và vị thế của mình. Đây chính là mối tương quan thích hợp chỉ có trong các sắc dân thiểu số, từ tính cộng đồng cao trong đời sống sinh hoạt. Bởi cho dù là một cá nhân cụ thể, có nhiều kinh nghiệm, hoặc kiến thức sâu rộng đến đâu đi chăng nữa, nếu tách rời khỏi cộng đồng, thì không bao giờ có thể trở thành “ già làng” được.
...
Già làng ở các buôn, bon, kon, plei không tạo thành một tầng lớp thống trị, hay một tổ chức ở trên những gia đình trong một tập hợp dân cư.Vì vậy mà hiếm khi có chuyện tranh chấp chức vị trong một cộng đồng. Những người có uy tín, có kinh nghiệm sống, am hiểu luật tục, phong tục ,được xem như là những hiện thân của truyền thống, sự khôn ngoan của cả một tập hợp người.Vậy nên điều hành chính vẫn là các lệ tục, tập quán, kinh nghiệm ,các thần linh, mà các già làng chỉ là người thay mặt để phát ngôn. Các cách gọi của dân gian ( Pô êlăn, Kră Plei...) chỉ hàm chứa nhiệm vụ mà uy tín và tuổi tác của người đó mà thôi.( Trích theo "Vấn đề " GIà làng" ở Tây Nguyên" của Linh Nga Niê Kdam )
...già làng chính là những người có tri thức toàn diện nhất, uyên bác nhất, tích tụ được nhiều kinh nghiệm nhất trong đời sống giữa một thiên nhiên vừa bao dung vừa khắc nghiệt, giữa một xã hội vừa hài hòa vừa gay gắt là xã hội Tây Nguyên trải qua các chuyển biến lịch sử, lại là những người có đức độ cao, là những bậc hiền triết của làng. Người Pháp dịch “Hội đồng già làng” là “Conseil des sages”, Hội đồng của các bậc hiền nhân. Cũng cần chú ý, gọi là già làng nhưng già làng không nhất thiết là người cao tuổi nhất trong làng. Ông Núp ở làng S’tơr, ông Mết ở làng Xóp Dùi, rất nổi tiếng, nhưng khi làm già làng cũng chỉ khoảng 30 tuổi. Tuổi tác không phải là tiêu chuẩn chính. Theo ngôn ngữ ngày nay, có thể gọi đó là những bậc trí thức của làng. Xã hội Tây Nguyên trong suốt lịch sử lâu dài đã được quản lý, điều hành hết sức hiệu quả bởi một tầng lớp trí thức độc đáo như vậy. Lớp “trí thức” đó, trong biến chuyển và đi tới của xã hội Tây Nguyên hôm nay vẫn còn có uy tín và sức tập họp nhất định, nhưng không còn đủ sức ứng phó với những thách thức mới. Vậy phải chăng có vấn đề : cần thiết đào tạo một tầng lớp trí thức mới để dắt dẫn xã hội này trong công cuộc phát triển mới hiện nay và tương lai ? ( Trích trong "PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở TÂY NGUYÊN " của Nhà văn Nguyên Ngọc )