Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ CỤ BỒ CÂU RỪNG GAN DẠ * Sáo Dễ Thương

Đi tìm tác giả bài hát sinh hoạt cộng đồng ngày xưa... "Cái nhà là nhà của ta...", "Anh em chúng ta chung một niềm vui..."...
ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ CỤ BỒ CÂU RỪNG GAN DẠ
* Sáo Dễ Thương
Ông cụ đã trên 70 tuổi đội mũ cha cố, giày đen tất trắng, chiếc áo chùng thâm bao che toàn thân cao lều khều cũng không che dấu được thân mình gầy còm của ông cụ.
Cụ kiên nhẫn lê từng bước trên lề bộ hành của cầu Trường Tiền. Trưa hè gió lộng tưởng chừng có thể hất ông xuống giòng Hương giang… Nhiều người qua đường ái ngại dừng xe lại, mời gọi:
– Cha lên xe con chở đi.
– Không hề chi, không hề chi. Để ta đi bộ cho khỏe.
Vừa nói ông vừa đưa tay khoát lia lịa. Người khách đi đường có thể là 1 sinh viên, 1 hướng đạo sinh, một viên chức… lắc đầu chịu thua. Mọi người đã quen với hình ảnh vị cha già, khuôn mặt thánh thiện thường thả bộ từ hữu ngạn sông Hương sang tả ngạn vào Thành Nội để dạy học ở Viện Hán học rồi quay về giảng ở Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế. Dạy xong cụ lại bách bộ trên đường Lê Lợi, qua Bệnh viện Huế, Tòa Hành chánh Tỉnh, trường Đồng Khánh rồi Quốc học, Luật khoa, Tòa Viện trưởng đến trường Pellerin, nơi có 2 lớp mẫu giáo được ông cụ đỡ đầu. Ông cụ này là LM Nguyễn Văn Thích mà dân Huế thường gọi ngắn gọn một cách thân thương “Cha Thích”. HĐ còn thêm cho Ngài cái tên “Cụ Nguồn Thật” để ca ngợi vị Tổng Tuyên úy HĐCGVN đã có công sáng tác bản nhạc “Nguồn Thật” bất hủ, hát được mọi lúc mọi nơi.
Cụ Bồ câu rừng Gan dạ Nguyễn Văn Thích lìa rừng tính đến nay đã trên 30 năm nhưng nay mỗi khi cất vang tiếng hát những bài ca HĐ ngắn gọn mà đầy ý nghĩa của cụ như bài “Cái nhà, Nguồn Thật, Cầm tay, Chim bay…” thì hình dáng giản dị thân thương của cụ lại gợi nhớ những ngày xưa thân ái. Chúng tôi xin ghi lại đôi nét về cuộc đời kỳ lạ của một nho sinh xuất thân từ cửa Khổng sân Trình lại trở thành một linh mục.
Gia đình: sinh ra và lớn lên trong một danh gia vọng tộc. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Mại làm quan triều Nguyễn với các chức vụ Thị Lang bộ Học, Tuần Vũ Quảng Trị, trước khi về hưu được thăng chức Tổng Đốc hàm Thượng thư, tước vị là Thái Tử Thiếu Bảo, Hiệp Tá Đại học sĩ. Thân mẫu là cụ bà Thân thị Vỹ người làng Nguyệt Biều nổi tiếng với vọng tộc Thân trọng.
Ở Huế thời bấy giờ trong dân gian có câu:
Nguyễn khoa đại gia
Thân trọng không nhà
Hà thúc không dân
Ý nói họ Nguyễn khoa có nhiều người thành đạt làm quan lớn, họ Thân trọng đều làm quan ở nhà của Nhà nước, còn họ Hà thúc đều làm quan nên chẳng có ai là thường dân cả.
Khi thi đỗ Phó bảng cụ Mại được triều đình Huế bổ nhậm làm Tri Phủ An Nhơn, Bình Định, cụ rời nguyên quán là làng Niêm Phò, Quảng Điền, Thừa Thiên để vào An Nhơn trấn nhậm. Ngày 22.9.1891 cụ bà sinh hạ người con thứ 2, đặt tên là Nguyễn Hy Thích...
...
Trở lại chuyện LM Nguyễn Văn Thích: năm lên 4 tuổi đã học chữ Hán do thân phụ dạy nhưng sau đó lại ra Huế học tại trường Pellerin. Năm 1910 đậu Cao Đẳng Tiểu học và học 1 năm sư phạm.
Năm 1911 theo thân phụ vào Nha Trang và làm trợ giáo ở trường Tiểu học của Tỉnh lỵ.
Ngày 29.6.1911 chịu phép rửa tội theo đạo Công giáo mặc dù gia đình phản đối kịch liệt.
Năm 1917 nghỉ dạy để ra Quảng Trị xin vào học ở Tiểu chủng viện An Ninh. Sự kiện nầy như một cơn địa chấn trong dòng tộc, trước đó cụ thân sinh đã nhốt ông trong phòng, ông đã dỡ mái ngói để thoát ra và hóa trang thành con gái để ra Quảng Trị. Ban đầu tu viện không nhận vì ông đã 26 tuổi, mới thành Ki tô hữu có 6 năm nhưng sau thấy ông quá mộ đạo nên Giám mục Allis đặc cách cho vào chủng viện. Sau 2 năm thì chuyển vào Đại chủng viện ở Phú Xuân (Huế).
Ngày 18.12.1926 tại nhà thờ Phủ Cam thầy sáu Giuse Maria Nguyễn Văn Thích được thụ phong Linh mục (lúc 35 tuổi). Lần lượt Cha được bổ nhiệm giữ các chức vụ sau: giáo sư Dòng Thánh Tâm, giáo sư trường trung học Providence, trường Pellerin, cha sở Xuân Long, giáo sư trung học Khải Định (Quốc học Huế), giáo sư các trường Đại học Huế, SàiGòn, ĐàLạt và Viện Hán học Huế.
Năm 1956 được bầu làm Chủ tịch Hội đồng văn hóa Thừa Thiên Huế.
Mọi người ghi nhận cha Thích có những phẩm chất đáng quý: lòng từ thiện bao la. Cha Thích là vị giáo sư thâm niên lại dạy nhiều giờ nên lương rất cao nhưng cuối tháng đôi lúc phải vào ăn nhờ ở trường Pellerin vì tiền lương ông đã đem phân phát cho viện cô nhi, viện bài lao, trường mẫu giáo Hương Linh (do ông sáng lập). Các học sinh, sinh viên nghèo thường đến xin tiền và cha không từ chối một ai. Mỗi sáng Chúa nhật, Cha thường đến các công viên tặng quà, tập hát và múa cho các sói con.
Chuyện kể: khi làm cha sở ở Kim Long, có 1 người vào vườn nhà thờ trộm 1 quày chuối non, thấy cha người ấy hoảng hốt định bỏ chạy, cha gọi lại ôn tồn bảo: – “Ăn trộm là điều không tốt, nhưng chắc anh túng quá nên phải làm càn. Lần sau, nếu cần anh cứ vào xin tử tế. Quày chuối này còn non chát lắm, ta cho anh chút tiền về mua ít tôm, tép gì đó nấu với chuối mới ăn được”.
Nhà văn hóa: cụ dạy quốc văn tại các trường trung học, Hán văn và Triết Đông tại các trường Đại học. Sáng lập và là cây bút chính của tờ báo “Vì Chúa”, viết rất nhiều bài bằng Pháp ngữ và Việt ngữ đăng trong các báo với bút hiệu: Jont.
Cụ còn là 1 nhạc sĩ với những bài hát ngắn gọn dành cho thanh thiếu nhi, nổi tiếng nhất là bài Nguồn Thật và bài Cái nhà của ta. Cha cũng là 1 nhạc công tài hoa chơi được đàn violon, harmonica, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh. Cha cũng đã xuất bản cuốn “Sảng Đình thi tập”, lời thơ lúc thì mộc mạc chân quê, lúc thì tràn ngập triết lý Đông Tây kim cổ.
Trước sau cha Nguyễn Văn Thích là 1 tu sĩ thánh thiện, với tinh thần Nho giáo kết hợp hài hòa với Kitô giáo. Một nghệ sĩ tài hoa với văn thơ thi họa, vừa mộc mạc chân quê, vừa đậm màu triết lý.

Đời Hướng Đạo:
Khác với cuộc đời tu sĩ đầy sóng gió và gay cấn, đời HĐ của Cha Thích êm đềm xiết bao.
Từ những năm 1936-1937 khi làm tuyên úy và giáo sư tại trường Trung học Providence, cha Thích đã sinh hoạt với các trưởng HĐ trẻ dạy ở trường này như cha Georges Lefas, Langrand, Tạ Quang Bửu.
Năm 1941 HĐVN mở trại họp bạn toàn quốc tại đồi Quảng Tế, Huế do Tr Tạ Quang Bửu DCC Tráng + Thiếu làm Trại Trưởng. Cha Nguyễn Văn Thích trong bộ đồng phục Tráng sinh đã tập cho các Tráng sinh bài ca Hướng Đạo trong đó có các câu:
…HĐ nào phải chỉ không lo chi đời
Đời ta có mục đích là ta lo việc ích
… Hướng Đạo nào phải sức yếu gan hèn
Đường ta tuy nặng gánh mà không bao giờ tránh.
Mắt đoái giang sơn, lòng phải gắng hơn.
Hướng Đạo nào thở vắn than dài
(mà phải) Xướng hát nghêu ngao cười với gian lao.
Năm 1942 Cha Thích được chuyển làm Tuyên úy và giáo sư trường Pellerin thì ở đây đã có đoàn HĐ Pellerin rồi. Lúc đó Cha đã 51 tuổi nhưng hòa mình tích cực với đoàn này. Thiếu Trưởng là một giáo sư trẻ tuổi người Việt (Tr Trần Trọng Sanh (hiện còn sống), thân phụ của Tr Trần Trọng An Sơn (Sư tử Kiêu hùng) và Sư huynh Trần Trọng An Phong (Nai Nhớ nguồn).
Năm 1949 Cha Thích được bầu làm Tổng Tuyên úy HĐCG tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1953 họp đại hội tại nhà thờ thánh Vinh Sơn (Hà Nội) cha được bầu vào Ban Tuyên úy CG toàn quốc.
Năm 1953 đại hội huynh trưởng HĐ toàn quốc họp tại Tùng Nguyên ĐàLạt dưới dạng 1 trại họp bạn do Tr Gà Hùng biện làm Trại Trưởng, cha Thích được bầu giữ chức Tổng Tuyên úy HĐCG VN thay thế LM Georges Lefas mãn nhiệm.
Năm 1956 Cha dự Trại Tùng Nguyên và giữa khung cảnh bao la hùng vĩ của tạo vật, Cha đã sáng tác bài ca của mọi thời đại, bài “Nguồn Thật”.
Từ đó về sau, dù tuổi đã cao, Cha vẫn đều đặn dự Trại trường, đêm đêm cùng dự lửa trại và thỉnh thoảng xin tháp tùng theo các toán thám du. Rồi sau 1 ngày băng rừng vượt suối để đi vào một Bản Thượng và tối hôm đó có thú rừng mới xuất hiện là Bồ Câu Rừng Gan dạ.
Đặc biệt năm 1959 Cha đã cùng 7 huynh trưởng khác dẫn 50 Thiếu sinh HĐVN dự Trại họp bạn HĐ Châu Á-Thái Bình Dương tại Makiling, Phillipines. Hình ảnh đẹp là LM mặc áo trắng say sưa đánh nhịp hát vang.
Đèo cao – Dô ta
Thì mặc đèo cao.
Nhưng lòng yêu nước.
Còn cao hơn đèo.
Những ngày trại sau đó hễ thấy HĐ áo nâu thì họ vui vẻ chào: “Dô ta Việt Nam”.
...
...
SÁO DỄ THƯƠNG

Xứ đạo của người dân bắc năm tư... ở Ban Mê Thuột !

Xứ đạo của người dân bắc năm tư... ở Ban Mê Thuột !
GIÁO XỨ KIM PHÁT
...
Đặt chân vào đất phương Nam, tất cả đều xa lạ và cách biệt, từ giọng nói đến phong tục tập quán. Tuy mỗi người một nơi, nhưng người dân Giáo xứ Như Tân - Phát Diệm đã tìm gặp được nhau tại trại định cư Tân Phát – Blao. Họ vui mừng gặp được Cha xứ của mình là cha Giuse Hoàng Y (Cha Quản xứ Như Tân - Phát Diệm từ năm 1950 – 1954).
Đất Blao tuy màu mỡ nhưng không thích hợp với người dân Kim Sơn chuyên trồng lúa nước. Theo sự giới thiệu của Tổng ủy di cư, cha Giuse và cha Phaolô Võ Quốc Ngữ thuộc trại định cư Tân Bùi cùng nhau đưa giáo dân lên cao nguyên Đăk Lăk lập nghiệp. Chuyến đi có khoảng 70 gia đình, đa số là giáo dân của cha Giuse tại Phát Diệm và một số gia đình thuộc làng Xuân Bản, Kẻ Báng - Hà Nội...
...
Sau khi tham khảo nhiều nơi, cuối cùng hai cha thương lượng và được vị già làng buôn Êa Khit nhượng lại 23 ha đất ruộng và đất rẫy. Hai cha đã quyết định lập trại (đó là Kim Châu - Kim Phát ngày nay).
Đầu tiên, hai cha dự định lập thành một Giáo xứ với tên gọi Kim Châu Phát, và xây dựng Nhà thờ tại trung tâm (chợ Hòa Hiệp ngày nay). Nhưng đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi ghé thăm, khuyên quý cha thành lập hai Giáo xứ riêng để tiện việc cử hành phụng vụ (vì kinh bổn và giọng đọc của giáo dân Bùi Chu và Phát Diệm khác nhau). Do đó cha cố Giuse đã thành lập Giáo xứ Kim Phát (ngày 27.11.1955) và nhận Thánh Tâm Chúa Giêsu làm bổn mạng Giáo xứ.
Năm 1956, ngôi thánh đường thứ II (mái tôn vách gỗ) được khởi công xây dựng để thay thế cho ngôi Nhà thờ mái tranh vách nứa.
...
Ngày 07/08/1969, cha cố Giuse Hoàng Y, Linh mục sáng lập Giáo xứ, sau gần 14 năm chăn dắt đoàn chiên đã được Chúa gọi về trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn thể cộng đoàn.
Năm 1969 đến 1971, Giáo xứ được sự chăm sóc mục vụ của cha quản nhiệm Đaminh Đinh Minh Hiền (Quản xứ Kim Châu).
...
Năm 1971 đến 1978, cha Giuse Nguyễn Tiến Sự về làm Quản xứ Giáo xứ Kim Châu và kiêm quản nhiệm Giáo xứ Kim Phát.
Tháng 10/1978, cha Augustino Hoàng Đức Synh về làm Quản xứ trong thời gian khoảng 3 tháng.
Tháng 3/1979, cha Micae Trần Kim Chinh nhận bài sai của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai về Quản xứ Giáo xứ Kim Phát và quản nhiệm Giáo xứ Kim Châu, Giáo xứ Giang Sơn. Trong thời gian này, ngài đã trùng tu Cung Thánh, và phần thượng mái Nhà thờ.
...
Năm 1988, vâng lời Đức Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực, cha Micae Trần Kim Chinh chuyển đi Quản xứ Chi Lăng. Cha Giuse Nguyễn Tiến Lễ về Quản xứ Giáo xứ Kim Phát. ...
Tháng 7/1997, cha Giuse lâm bệnh, sức khỏe yếu nên Đức Giám mục đã mời ngài về dưỡng bệnh tại Tòa giám mục.
Ngày 23.12.1997, Đức Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực bổ nhiệm cha Giacôbê Phạm Xuân Lương (đang phụ trách phó xứ Giang Sơn) Quản xứ Giáo xứ Kim Phát. Với sự năng động và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cha đã cùng cộng đoàn chung tay xây dựng các công trình: Tháng 4 năm 1998, tráng xi măng sân Nhà xứ, chuyển mộ từ nghĩa trang cũ vào nghĩa trang mới. Ngày 12/12/2001 thánh lễ đặt viên đá xây dựng Nhà thờ mới, khởi đầu cho công trình xây dựng lớn nhất từ trước đến nay của Giáo xứ. ...
...
Lịch sử Giáo xứ sang trang mới, theo văn thư bổ nhiệm của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, ngày 31/01/2015, cộng đoàn Giáo xứ hân hoan vui mừng đón chào cha Gioan Baotixita Phạm Thế Truyền về nhận Quản xứ Giáo xứ nhà, sau 15 năm phục vụ Giáo xứ Nam Thiên.
Về với Giáo xứ, trong tư cách trưởng ban phụng tự của Giáo phận, cha đã thay đổi, bổ sung nhiều điều trong nghi thức phụng vụ để cho phù hợp với quy định chung. Cha cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống đức tin của cộng đoàn, củng cố lại các đoàn thể, các ban chuyên môn như: Gia trưởng, Giới trẻ, Ban giáo lý đức tin, Ban thánh nhạc, Ban âm thanh ánh sáng, Ban loan báo Tin Mừng, Ban Caritas. Cha thành lập các ban mới như: Ban đọc sách, Ban nghệ thuật thánh, Ban trật tự thánh đường, Ban huấn giáo. Cha cũng tổ chức khóa đào tạo giáo lý viên, tổ chức các lớp dạy Anh văn miễn phí cho thiếu nhi trong xứ vào mỗi dịp hè, Cha luôn quan tâm đến việc phát triển cộng đoàn sắc tộc...
...
(Trích đoạn trong "Lược sử Giáo xứ Kim Phát 60 năm" đăng trênhttps://sites.google.com/…/giao-hat-giang-…/giao-xu-kim-phat )
*Tham khảo thêm về giáo dân Kim Phát-Kim Thành qua bài viết của NGUYÊN HẠNH (được đăng trên Fb Nguyễn Văn Hành).
GIÁO XỨ KIM PHÁT - KIM SƠN PHÁT DIỆM
- Bạn muốn người viết biết và suy nghĩ về Giáo xứ Kim Phát,mạn phép đề cập 3 yếu tố "đồng nhất" kịch nghệ(Unités theâtrales): đồng nhất thời gian(Unité de Temps),đồng nhất nơi chốn(Unité de Lieu) và đồng nhất hành động(Unité d'Action) chủ đạo trong kịch nghệ,vận dụng vào thành lập Gx Kim Phát.
1- Đồng nhất Thời gian-(Unité de Temps)
Cuộc di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 cuốn theo dòng người rời bỏ quê cha đất tổ đi tìm chốn an cư,qui luật sinh tồn con người từ xa xưa vẫn tiếp diễn như loài chim từ phương Bắc vỗ cánh tung bay từng đàn về phương Nam để trú Đông. Mốc lịch sử này đặt thời điểm năm 1955 khởi nghiệp hình thành Giáo xứ Kim Phát,chiết tự Kim là Vàng,lửa thử Vàng,gian nan thử Đức từ Kim Sơn- Phát,di dân từ Phát Diệm,Kim Sơn vào Thế kỷ 19 Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ(1778-1858) đã khai hoang 2 miền đất Tiền Hải-Thái Bình và đặc biệt Kim Sơn-Ninh Bình, vùng sình lầy đắp đê,lấn biển thập niên 1820 tôn tạo lên cao như rừng non núi trẻ trong thiên nhiên dân gian gọi Tiền Rừng là Kim Sơn. Diệm từ Phát Diệm do Lm Phê-rô Trần Lục(1825-1899),Quản xứ tiên khởi Giáo xứ Phát Diệm qua công trình đồ sộ nhà thờ Đá năm 1875 trong 30 năm kiến trúc đình chùa kết hợp Gothique Âu châu tạo nên quần thể mỹ quan văn hoá mà Unesco đang xúc tiến chứng nhận Di sản Thế giới.
Địa danh Kim Phát như trình bày mang giá trị lịch sử nhân văn không thể chối cãi. Là những giáo dân từ những năm đầu tiên từ năm 1955 khai hoang phục hoá vùng đất bazan trên cao nguyên Dảrlac,lịch sừ như lặp lại thời kỳ năm 1820,Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã đưa dân nghèo đắp đê,lấn biển hình thành Kim Sơn Phát Diệm. Những tiền bối dù chưa có Bảng Lưu niệm để hậu sinh ghi nhớ,người viết bài không phải người bản xứ KP, thế nhưng qua tìm hiểu những Ông trùm Tĩnh,Ông trùm Dinh em rể Lm Hoàng Quỳnh,Ông Chánh Định,Ông trùm Tính(Loa),Bà Quản Thực...những người cùng bà con giáo dân từ Kim Sơn-Phát Diệm khai phá miền đất đỏ bazan mầu mỡ.
2- Đồng nhất Nơi chốn(Unité de Lieu)
Linh mục Hoàng Y đã dìu dắt giáo dân Kim Sơn Phát Diệm về định cư địa bàn phân chia hai Giáo xứ do các Linh mục Giáo phận gốc ngoài Bắc hướng dẫn định cư: Gp Phát Diệm Giáo xứ Kim Phát,Giáo phận Bùi Chu Giáo xứ Kim Châu. Ảnh hưởng đời sống đạo đặc thù từ nhiều thế kỷ do các Linh mục Dòng thuyết giáo Đa Minh Địa phận Bùi Chu,Giáo phận Phát Diệm do các Linh mục Hội Thừa sai Paris nên kinh nguyện cung điệu khác nhau nhất là Ngắm 14 sự Thương khó Mùa Chay hai Giáo xứ diễn tả khác nhau. Không có đối nghịch chỉ qua giai điệu mang tiết tấu cá biệt từng Giáo xứ.
Giáo xứ Kim Phát những năm sau có Giáo họ Kim Thành cùng Giáo Buôn Hra Ninh đều khởi sắc rất đặc thù vùng miền: Giáo họ Kim Thành gồm nhiều giáo dân từ các Giáo phận Bùi Chu,Hải Phòng,Phát Diệm đến lập nghiệp trên trục lộ 27 giáp Gx Kim Phát năm 1956 nên sinh hoạt tôn giáo hết sức tế nhị khi đọc kinh hay nguyện ngắm linh động,cách ứng xử này hân hạnh được Ông trùm Vượng một trong nhiều vị tiên chỉ sáng lập Giáo họ Kim Thành chỉ giáo.
Giáo Buôn Hra Ninh được các Linh mục Thừa sai Paris Quản nhiệm từ trước năm 1975 như Linh mục Bianchetti và Lm Purguy nên sinh hoạt tôn giáo rất đặc thù do những Lm Thừa sai Paris giáo huấn thể hiện qua kinh nguyện bằng tiếng Ê-đê,chính Lm Bianchetti đã soạn thảo Tự điển Ê-đê-Pháp-Việt mà sau năm 1975 Nhà Nước CHXHVN dựa theo phát triển in ấn thành Tự điển và giáo trình ngôn ngữ đào tạo. Gặp Ông Ma Pip hỏi biết sơ qua nếp sống đạo sau năm 1975 sinh hoạt ra sao,Ông ngập ngừng trả lời không còn sinh hoạt sống động như khi có Linh mục Thừa sai,một phần vì sợ và nhất là chưa có Linh mục đến chia sẻ. Chính sách Tôn giáo cởi mở Linh mục Quản xứ Kim Phát đã đến và sinh khí sống đạo đã trở lại thậm chí Buôn Ea Tla,Buôn kế cận trước đây khi có Lm Thừa sai Paris chưa có người nhập đạo Công giáo,thế nhưng ngày nay đang chuyển mình kết hợp Giáo Buôn Hra Ninh mang sắc thái sống đạo núi rừng Tây Nguyên bên tiếng cồng chiêng,trống H'Gar và nhiều nhạc cụ khác vang dội trong nhà thờ hay lễ hội tôn giáo.
3- Đồng nhất Hành động(Unité d'Action)
"Tri hành đồng nhất" Giáo xứ Kim Phát chuyển động từ hai mốc thời gian:
a- Từ năm 1955-1975
"Có thực mới vực được đạo" giáo dân Kim Phát-Kim Thành nhờ sống bằng cây nông nghiệp cà phê do khai hoang những vùng đất gần nhà và đi xa hơn những lô cao su đất chưa canh tác. Nhiều gia đình phát triển kinh tế rất năng động. Cũng như giáo dân Giáo xứ Kim Châu,hai Giáo xứ này trở nên trù phú,người dân tập trung buôn bán sầm uất như chốn thị tứ,hành chính Xã tập trung nơi này gọi là Xã Kim Châu Phát. Đời sống đạo vẫn bình lặng dưới sự Quản xứ Lm Hoàng Y Kim Phát,Lm Đoan Kim Châu,có thể do lãnh đạo tinh thần hai Linh mục cao niên không còn hăng say như thời mới Di cư năm 1954.
b- Thời kỳ sau năm 1975
Câu trả lời khi có các Linh mục trẻ như Lm Micae Trần Kim Chinh và nhất là sự tích cực của Lm Gia-cô-bê Phạm Xuân Lương với nhiều công trình như xây dựng nhà thờ,tôn tạo Nghĩa trang,Đồi Thánh Giuse,nhà sinh hoạt... Linh mục Phạm Thế Truyền đang tiếp nối sinh hoạt tôn giáo năng động của Lm Tiền nhiệm Phạm Xuân Lương nhất là Truyền giáo.
Trở lại Giáo họ Kim Thành đang xây dựng nhà thờ,người giáo dân họ đạo Kim Thành hình như mảnh đất tạo nên nhiều chuyên gia xây dựng,người viết đan cử Ông trùm Vượng,chuyên gia xây cất lò gạch chất lượng,Ông Vũ Đức Ban xây dựng lò gạch 6 triệu viên năm trước năm 1975, sau năm 1975 bàn giao Nhà Nước XHCNVN. Những nỗ lực không mệt mỏi thôi thúc người giáo dân Giáo xứ Kim Phát đang khởi sắc hướng về ngày mai mà thổn thức như ca từ: Và Tình yêu đã vui trở lại.
Để trả lời nhập đề Giáo xứ Kim Phát người viết nói như César Đế quốc La Mã: Veni,Vidi,Vici- Tôi đã Đến,Tôi đã Thây,Tôi đã Tin(Khuất phục)
Nguyên Hạnh

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

HOA MUA *Thanh Trắc Nguyễn Văn

Hoa mua ai bán mà mua...
HOA MUA
*Thanh Trắc Nguyễn Văn
Ngày xưa hai đứa chiều chiều
Rủ nhau chơi hái thật nhiều hoa mua
Hoa mua em bán tôi mua
Tiền là lá rụng cuối mùa vàng bay
Rồi tôi kết lá thành dây
Kết hoa vào lá, kết ngày vào đêm
Kết thành hoa cưới trao em
Vòng hoa tím mái tóc mềm bến sông
Cô dâu cười ửng má hồng
Dắt tay chú rể chạy rong khắp làng…
Sao giờ mây trắng sang ngang
Hoa mua nở tím rụng sang tay người
Thuyền còn một bóng trôi xuôi
Tình còn một đám lá rơi giữa dòng
Mẹ buồn đám cưới em đông
Xe hơi chín chiếc, qua sông chín đò…
Ngược thuyền về với tuổi thơ
Bến sông vẫn tím đôi bờ hoa mua
"Hoa mua ai bán mà mua"
Để tôi vớt lá tìm mùa thu xa?
1995
(Tập thơ Hoa Sứ Trắng – NXB Đà Nẵng 1997)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
---ooOoo---
Hoa mua (tím đậm)
Rất dể nhầm lẫn giữa hoa sim và hoa mua. Lá hoa sim phần đầu lá thì tròn, hơi bầu, mặt dưới lá màu trắng, có lông dày. Lá hoa mua dài thon và nhọn, có 3 rãnh hơi sâu. Hoa sim thì có nhiều nhị và nhiển, còn hoa mua thì ít nhị và lớn.
Hoa sim - Rhodomyrtus tomentosa thuộc họ Myrtaceae, còn hoa mua - Melastoma affine thuộc họ Melastomataceae.
+ Cây Hoa Mua mang ý nghĩa hoang dại, trầm lắng nhưng thủy chung sâu sắc.
+ Trồng một cây mua trong vườn sẽ làm ngôi vườn nổi bật rực rỡ thu hút mọi cảnh vật.
“Hoa mua ai bán mà mua
Tím màu thương nhớ, tím mua dịu dàng
Lỡ yêu màu tím nồng nàn
Yêu màu tim tím của nàng hoa mua.”

ĐÂU RỒI NHỮNG ĐỒI SIM !? *Mai Lĩnh

Ký ức tuổi thơ...
ĐÂU RỒI NHỮNG ĐỒI SIM !?
*Mai Lĩnh
Những “đồi sim” chứ không chỉ là hoa và trái sim. Và với thằng nhóc 6 tuổi như tôi hồi đó, chưa hề biết gì đến bài thơ của cụ Hữu Loan, chỉ thấy thích khi biết loại trái ngon, ngọt đầy ắp rổ của mấy bà ngồi bán dọc đường Phan Bội Châu vô chợ Đông Hà, lại có thể hái ăn thoải mái, không phải mua vì cây sim mọc hoang đầy trên đồi. Hồi đó, nhà tôi ở cái xóm nhỏ thuộc thôn đệ Nhị, cạnh đồng lúa làng Tây Trì. Nếu tính theo đường QL9 thì qua khỏi nhà thờ là “ngoại ô” rồi, con đường lên dốc và quẹo tay trái về hướng tây; bên trái là đồi đất chập chùng mọc đầy sim, bên phải là vùng đất thấp kéo dài ra bờ sông Hiếu. Đi lên, qua khỏi đường sắt là đã thấp thoáng những xóm người Thượng (cách gọi người dân tộc thiểu số hồi ấy).
Nhà tôi có sân trước khá rộng, trồng nhiều hoa nhưng không có vườn sau, cũng không có nhà vệ sinh (cả xóm nhà nào cũng vậy nhưng hình như chẳng ai thấy bất tiện); tôi và bọn trẻ trong xóm thường chạy lên “đôộng”, tức là những đồi hoang mọc đầy sim và mua để giải quyết chuyện... "đi đồng" (hồi đó, không nghe ai nói là "đi vệ sinh").
Chuyện trẻ con hồi đó nhiều cái khó kể lại; đại khái là rất hồn nhiên, vô tư và nghịch ngợm, chuyện con nít đi “đôộng” cũng có nhiều cái thích; giờ mỗi lần nghĩ tới, nhiều khi bất chợt mỉm cười và tiếc nuối vu vơ. Thế rồi, những lúc tình cờ nhìn mặt trời chiều rọi những tia nắng vàng nhạt lên cánh hoa tím rung rinh trong gió cũng khiến bọn nhóc ngắm nhìn theo cái cách riêng, không lãng mạn, sầu muộn như người lớn.
Nói về hoa dại, tôi thích những thứ khác hơn hoa sim; nhưng hình ảnh những đồi sim kéo dài tận phía tây, nơi có những rặng núi cao sẫm màu như bức thành phía tây đã gây ấn tượng rất mạnh với tôi từ bé. Sau này, tôi biết, cả tỉnh Quảng Trị, chỗ nào cũng có sim dù chẳng ai trồng. Vùng ven biển, sim mọc chen với nhiều loại cây khác ngoài cây mua (nhìn rất giống sim và chỗ nào có sim cũng có cây mua), khắp các “đôộng” cát trắng bao la, kéo dài từ Cửa Việt vào tận Hải Lăng. Vùng đất đồi La Vang cho tới vùng cát Nhan Biều, Ái Tử, những gò đất rải rác giữa những đồng lúa Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh... đâu đâu cũng có sim. Còn Cam Lộ và vùng đồi núi phía tây thì không chỗ nào không có.
Mấy năm gần đây, trở về Quảng Trị, tôi đi tìm khắp nơi (Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Đông Hà, Cam Lộ, lên Cùa, Dăk Rông... chỉ còn thấy một triền dốc (ta luy) ở đập Trấm có sim mọc khá dày. Mong muốn tìm hình ảnh một đồi sim trong ký ức của tôi đành thất bại, dù ở Quảng Trị cây sim vẫn còn ở nhiều nơi nhưng thưa thớt và bị che phủ bởi những rừng tràm bông vàng được trồng để lấy gỗ bán cho các nhà máy làm giấy. Trẻ em ngày nay không còn “làm bạn” cây sim. Trái sim cũng không còn xuất hiện ở chợ làng quê như thuở xưa nữa rồi. Cây sim ở Quảng Trị không có cơ hội trở thành nguyên liệu cho sản phẩm mật sim, rượu sim như ở Phú Quốc. Ở vùng đảo Phú Quốc, ngoài hột tiêu vốn đã “thành danh” trên thương trường xuất khẩu; người dân đảo đã làm nên thương hiệu rượu sim được du khách ưa chuộng. Công ty Sim Sơn, sau khi thành công với hai sản phẩm mật sim và rượu sim đã nghiên cứu, sản xuất thành công rượu vang làm từ trái giác, một loại cây mọc hoang trên đảo thường được gọi là “nho rừng”.
Chỉ vì không “đẻ” ra tiền, cây sim đành chịu phận “ghẻ lạnh”. Dù không ai đào, phá những đồi sim nhưng cây tràm cao hơn (cao về giá trị kinh tế và chiều cao thân cây) đã phủ bóng che khuất những đồi sim - chỉ được mỗi chuyện... nhuộm tím chiều hoang sâu lắng trong lòng người tìm về thăm Quảng Trị.
Mai Lĩnh

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Người Bru - Vân Kiều ... TỤC CƯỚI 3 LẦN

Người Bru - Vân Kiều, quê gốc Quảng Bình, Quảng Trị, đã định cư ở Đăk Lắk gần nửa thế kỷ nay...
TỤC CƯỚI 3 LẦN
Đến xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, tình cờ chúng tôi được nghe kể nhiều về tục cưới vợ ba lần của những người dân tộc Vân Kiều.
Thấy tôi thắc mắc, ông Ai Khôi (SN 1950, buôn Tà Cỡng) cho biết, tục cưới ba lần đã có từ rất lâu, gắn liền với đời sống hôn nhân của đồng bào Vân Kiều.
Theo đó, trai Bru cưới vợ phải cưới đến ba lần: lần một (lễ ra cới), lần hai (lễ ra peng) và lần ba (lễ côl).
Lễ cưới lần một được tiến hành theo đúng ngày giờ đã chọn. Đến ngày, gia đình nhà trai mang lễ vật sang nhà gái gồm: Một cây kiếm, một nồi đồng, một vòng cườm đeo cổ và một nén bạc trắng. “Kiếm là công cụ lao động, nó mang ý nghĩa là vật dụng làm ra của cải. Nồi đồng tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc. Vòng cườm tượng trưng cho sự thủy chung, gắn kết dài lâu.
Ngoài ra, nhà trai còn phải nộp tiền cưới, lợn, gà, gạo…theo yêu cầu của nhà gái”, Ai Khôi giải thích.
Sau khi nhận lễ vật, chàng trai trở thành con trong nhà và được phép rước dâu.
Lễ cưới lần hai có thể tổ chức sau đó hai ngày, tuy nhiên, thời gian không bắt buộc mà tùy theo điều kiện của nhà trai. Sính lễ buộc phải có là vàng, tiền, ba con heo nhỏ, sáu con gà, rượu, gạo...
“Nếu có của cải, nhà trai có thể cưới gộp lần hai và lần ba. Thường thì rất lâu sau, đôi vợ chồng mới có thể cưới lần ba vì khá tốn kém và trang trọng. Sính lễ phải có là một con trâu to, hai con heo, sáu con gà cùng nhiều lễ vật khác, vì thế trai Bru đến cuối đời mới cưới xong vợ là chuyện thường. Cũng không ít cặp vợ chồng chưa cưới xong thì người chồng hoặc vợ đã nhắm mắt xuôi tay. Trường hợp này con cái phải có trách nhiệm tổ chức cưới cho bố hoặc mẹ với người đã khuất theo tục lệ đã định”, cụ bà Pí Plưi (buôn Tà Cỡng) cho biết.
Ngày nay, đám cưới người Vân Kiều đã bớt nặng nề, khắt khe về sính lễ. Gia đình nào quá khó khăn có thể cưới đơn giản nhưng vẫn phải đủ ba lần theo đúng phong tục truyền thống.
“Đám cưới là điểm bắt đầu cuộc sống mới của đôi vợ chồng vì thế phải tổ chức thật chu đáo, đầy đủ lễ nghĩa. Dù nghèo khó cũng phải cưới đủ số lần quy định mới mong có một cuộc sống hạnh phúc, gắn bó mãi mãi. Hơn nữa, khi đôi vợ chồng chưa làm xong lễ côl thì sang nhà vợ không được bước lên nhà, họ hàng hai bên không được ăn chung bánh, chuối, củ kiệu, trâu bò của hai gia đình không được chăn thả cùng một nơi, chính vì thế người Vân Kiều rất hiếm khi bỏ nhau”, già làng Pá Vinh (buôn Tà Cỡng) lý giải.
Lê Hà

Xứ Thượng ... ĐÀN T'RƯNG

Xứ Thượng ...
ĐÀN T'RƯNG
Đàn t'rưng được xếp vào loại nhạc cụ thân vang, là loại đàn do rất nhiều ống đàn hợp thành. Đàn t'rưng là một nhạc khí khá “thô” nếu nhìn ở bề ngoài, tất cả chỉ có những khúc gỗ phơi khô, những ống nứa dài ngắn khác nhau được treo trên một chiếc giá đỡ và thế là thành cây đàn “gõ phím”. Đàn t'rưng có thể có một hoặc hai người cùng chơi bằng cách dùng một chiếc dùi bằng tre gõ lên các phím. Với cộng đồng các dân tộc Bahnar, Jrai, Ê Đê thì đàn t'rưng không thể thiếu trong những dịp lễ hội truyền thống.
Cuộc hành trình từ buôn làng ra thế giới bên ngoài của cây đàn t'rưng là cả một chặng đường dài. Tại Phố núi Pleiku, hầu như ai cũng biết đến tài năng của nghệ sĩ Ksor Bla...
Theo chị Bla, đàn t'rưng là một trong những nhạc cụ có khả năng diễn tấu đa dạng, phong phú nhất. Âm thanh phát ra từ chiếc đàn t'rưng vang lên êm dịu, nhẹ nhàng bất tận. Vì thế, người ta ví tiếng đàn t'rưng như một khúc hát giao duyên. Khi có dịp thưởng thức và hòa mình vào những giai điệu phát ra từ cây đàn này, người nghe cảm nhận thật rõ vì sao với âm thanh của loại đàn này làm say đắm biết bao người.
Đàn t'rưng chuyên nghiệp có khoảng 12 đến 16 ống xếp thành hàng trên giá đàn theo thứ tự từ ống lớn đến ống nhỏ, từ ống dài đến ống ngắn. Mỗi đầu ống đều bịt kín do còn nguyên các đầu mấu, đầu kia được gọt vát một phần ống để tạo âm theo chuỗi. Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ tạo thành âm thanh cao thấp khác nhau tùy độ to, nhỏ, dài, ngắn của ống. Những ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao. Âm sắc của đàn t'rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng khá đặc biệt. Nghe tiếng đàn t'rưng ta có cảm giác như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa.
...
Hiện nay, t'rưng cũng xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc hiện đại phụ họa theo tiếng hát rực lửa của những người con Tây Nguyên, nâng cánh cho những giọng ca vàng vang đến mọi nơi chốn xa xôi. Tiếng t'rưng như suối chảy, chim kêu, rộn ràng vui khắp buôn làng. Dáng t'rưng cong như dáng núi đồi. Chỉ là những ống nứa mà tạo ra biết bao niềm vui, hơi thở rộn ràng cho cuộc sống, là nguồn cổ vũ tinh thần cho bao con tim.
Võ Thanh Thảo

CON VE SẦU

"Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè..."...(N.V.V)
CON VE SẦU
...
Bàn về loài ve sầu này, tạp chí Spiegel thì dường như chu kỳ thiên nhiên định sẵn cho loài côn trùng bé tí này là cứ mỗi 17 năm ...
Làm sao biết được cuộc hẹn hò 17 năm "yêu em dài lâu" như vậy ? Các khoa học gia ở xứ Chí Lợi và Đức Quốc đã áp dụng một máy tạo mô hình mẫu theo toán học mà trong đó có tất cả các thông số về ba loại ve sầu Bắc Mỹ là magicicada septendecim, septendecula và casini. Khi đưa số liệu toán học, họ tình cờ tìm ra của số năm màu nhiệm này, 17 là số nguyên tố, không chia hết cho bất kỳ số nào, trừ 1 và chính nó.
Đây là một công trình tìm hiểu tuyệt vời, vì nhờ chu kỳ 17 năm, ve sầu không bao giờ giao phối hoặc sinh nở cùng thời điểm với bất kỳ sinh vật nào trên quả đất này. Đây là lợi thế giúp ve sầu dễ sinh tồn, vì trong thiên nhiên, kẻ thù thường săn bắt theo chu kỳ, trùng hợp vào chu kỳ giao phối và sinh nở của con mồi, nghĩa là khi con mồi còn nhỏ, mới sinh hoặc ở trạng thái yếu đuối nhất.
...
Theo tạp chí New Scientist thì người Trung Hoa trong thời cổ xưa cho rằng ve sầu là con vật biểu tượng của sự hồi sinh do chu kỳ sống có một không hai của chúng: nằm lặng lẽ dưới mặt đất trong nhiều năm liền, sau đó trồi lên khỏi mặt đất đi tìm bạn đời giao hoan, đẻ trứng rồi... chết! Tức loài ve rất lãng mạn vì hò hẹn lâu nhất cho cuộc trùng phùng ái ân để "một thời để yêu, một thời dể chết" hay "một thời hò hẹn ái ân, một thời ra đi nhớ mãi". Lãng mạn đến thế tại sao nhà văn chuyên trị văn chương yêu đương Quỳnh Dao không đem loài ve sầu vào tác phẩm của bà nhỉ, tôi tự hỏi như vậy.
Ngày nay, người ta vẫn tự hỏi về sự huyền bí lạ lùng của loài ve sầu khi chúng luôn xuất hiện trong thiên nhiên vào một thời điểm chính xác trong năm. ...
Cứ vào mùa xuân, khi nhiều loại cây bắt đầu ra hoa, những giọt mật và protein từ hoa sẽ chảy ra, rơi xuống và thấm vào bộ rễ của cây. Ve sầu ở trong lòng đất hút lấy thức ăn từ rễ cây và đó chính là lúc đồng hồ sinh học của loài côn trùng này được thông báo sự hoạt động trở lại. Ve sầu hồi sinh, bò lên khỏi lòng đất và bắt đầu một chu kỳ sống mới. Thiên nhiên cứ thế cho loài ve sầu kiếp sống vui ca vang khúc yêu đời và hẹn hò khi ái ân đến khi kiệt sức trở về với cát bụi tình xa.
...
(Trích trong "Kỷ Niệm Quê Tôi" của Việt Hải" đăng trênhttp://chimviet.free.fr/quehuong/)
---oOo---
*Nhiều năm nay, ve sầu đã phá hoại không biết bao nhiêu vườn cây đang sung sức, làm thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể, bà con nông dân đã tìm mọi biện pháp để tận diệt nhưng không xong, các nhà nghiên cứu về hóa chất cũng đành bó tay vì không tìm ra được thuốc chữa. Câu trả lời cho nguyên nhân bất thường này là do chính mình, con người đã không tôn trọng quy luật tự nhiên, không biết nhà nghiên cứu vĩ đại nào đã cho ra đời và phổ biến một loại hóa chất trộn với mỡ xay để bôi lên cây diệt kiến, sau một thời gian không còn tìm thấy chú kiến nào nên trứng ve tha hồ mà nở ra thành ấu trùng chui vào lòng đất cắn rễ cây. Ve sầu phát triển đến mức mỗi khi vào vườn thì nhận lấy những hạt chất thải của ve mà tưởng như mưa...
...
Một số người bạn của tôi có hỏi: Tại sao ở vườn nhà thì nhiều ve sầu, còn ở trên rừng bao la như thế mà lại thấy rất vắng ve sầu. Câu trả lời cũng là tại chúng ta làm phá vỡ hệ sinh thái và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật tiêu diệt không thương tiếc các loài thiên địch, nhất là các loại kiến.

THỊ TRẤN SƯƠNG MÙ

"Em sinh ra trên vùng đất đỏ sương mù, tên gọi là Pleiku..."
THỊ TRẤN SƯƠNG MÙ
Mỗi buổi sáng khi mới thức dậy, tôi rất thích nghe Hương Thủy hát bài Thị trấn sương mù rồi thả hồn mình lãng đãng về với khung trời tuổi thơ.
“ Em sinh ra trên vùng đất đỏ sương mù. Tên gọi là Pleiku. Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời. Rừng cao nguyên với rẫy nương rừng đồi. Những buôn làng ấm no vui nụ cười trên môi…”
Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi phố núi nhiều sương mù và cây xanh. Bầu trời thì lúc nào cũng một màu trắng đục xam xám và thật thấp tưởng như với tay là chạm phải. Nơi ấy, quanh năm không khí se se lạnh, dường như mùa đông bàng bạc khắp nơi .
Buổi sáng , sương mù giăng khắp lối. Trên con đường đất đỏ đến trường. Chúng tôi co ro trong chiếc áo dài trắng. Bên ngoài khoác áo lạnh, quấn thêm chiếc khăn quàng cổ mà vẫn thấy cái giá rét len vào trong cơ thể. Cái lạnh buốt buổi sáng, cái nắng ấm buổi trưa, cái bụi đỏ trên đường đã quyện vào làm cho chúng tôi trở thành những cô bé má đỏ môi hồng .
Sương xuống nhiều đã làm ướt mái tóc, thấm đẫm đôi
mắt, dịu dàng tà áo dài trắng và tâm hồn tôi trở nên mềm mại, bồng bềnh như mây...
...
Lần ra đi này là lần tôi từ biệt Pleiku mãi mãi nhìn mảnh đất ghi dấu nhiều kỉ niệm của một thời mà nghẹn ngào :
“ Em như chim xa đàn chớp bễ non ngàn hơn một lần gian nan. Trời cao nguyên sương giăng phủ mịt mùng. buồn chia tay nỗ xót xa lạnh lùng.
Nhớ núi rừng, nhớ Pleiku nghe lòng rưng rưng. “
Thành phố tôi đến là một thành phố rực rỡ ánh đèn màu. Một Thành phố luôn sôi động .Những dòng người đông đúc, tấp nập, hối hả. Tiếng còi tàu, ô tô huyên náo… Bỏ lại sau lưng thành phố của tuổi thơ luôn mang nỗi buồn trầm mặc. Tôi bị cuốn hút trong cái hỗn độn của cuộc sống đô thị với bao lo toan bộn bề kinh tế cho gia đình. Tôi không còn có thì giờ để nhớ! Nhưng trong tôi những kỷ niệm của thị trấn mù sương vẫn nằm yên đâu đó...
(Trích đoạn THỊ TRẤN MÙ SƯƠNG của Phương Uyên)
---oOOo---
Bài hát Thị Trấn sương mù của nhạc sĩ Thanh Sơn.
Em sinh ra trên vùng đất đỏ sương mù, tên gọi là PLEIKU.
Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời,
rừng cao nguyên với rẫy nương rừng đồi.
Những buôn làng ấm no vui nụ cười trên môi.
Em không quên kỉ niệm nhớ mãi trong lòng, đêm hội làng CHƯPRÔNG
Dù xa quê nhưng em vẫn tìm về.
Người yêu ơi hãy giữ nguyên lời thề, giấu bên lòng cánh hoa sim anh tặng cho em.
Chiêng, trống, cồng vang dội vui đêm nay.Trai gái làng múa theo bước quay cuồng.
Trời sương lạnh, se lòng cô quạnh những người tha hương.
Em như chim xa đàn chớp bể non ngàn hơn một lần gian nan.
Trời cao nguyên sương giăng phủ mịt mùng.
Buồn chia tay nỗi xót xa lạnh lùng.
Nhớ núi rừng,nhớ PLEIKU nghe lòng rưng rưng
(http://mp3.zing.vn/…/Thi-Tran-Mu-Suong-Huong-…/IWZDCFI0.html)

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

CHÙA HOA LÂM

Như chưa hề có cuộc chia ly... nhân duyên từ nơi sân chùa Hoa Lâm ở Ban Mê Thuột ...
CHÙA HOA LÂM
Chùa Hoa Lâm tọạ lạc tại 327 Nguyễn Văn Cừ phường Tân Lập thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 4 km trên QL 26, hướng Tây Nam đường đi Nha Trang.
Vào năm 1957, các cư dân từ miền Trung miền Bắc lên Đắk Lắk sinh cơ lập nghiệp, sinh sống bằng nghề nông nghiệp buôn bán nhỏ. Vốn có truyền thống Phật giáo lâu đời, năm 1963, đạo hữu Nguyễn Hữu Đạc hiến ngôi tư gia (tại thôn 5, xã Cư Kplông) lập Niệm Phật đường cho bà con Phật tử về sinh hoạt, lễ bái.
Các đời Trụ trì, Chánh đại diện:
-Nguyễn Hữu Đạc, pháp danh: Chúc Tiến Từ năm 1963 đến 1972
-Đại đức Thích Từ Phong, Trụ xứ từ năm 1971-1972
-Trương Văn Truyện, pháp danh: Chúc Giải Từ năm 1973 đến 1977
-Đạo hữu Nguyễn Hữu Đạc, pháp danh Chúc Tiến làm cố vấn
Nguyễn Hữu Đạc, pháp danh Chúc Tiến Từ năm 1976 đến 1981
-Trương Văn Truyện, pháp danh: Chúc Giải Từ năm 1981 đến 2010
-Đạo hữu Nguyễn Hữu Đạc, pháp danh Chúc Tiến làm cố vấn đến năm 1990
-Đại đức Thích Hải Định, Từ năm 2011 đến nay
...
(Theo Ban Văn Hoá & Thông Tin Truyền Thô​ng Phật Giáo Tỉnh Đắk Lắk)
---oOo---
Đã tìm thấy ba rồi!
*Hạo Quân
Một người nông dân của huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đã bất ngờ tìm lại được người thân sau 36 năm lưu lạc, tìm kiếm. 36 năm ly biệt cũng là 36 năm anh không nguôi hy vọng.
Một buổi chiều năm 1972, một đứa trẻ sau 10 ngày bơ vơ đi xin ăn, ghé vào ngôi chùa Hoa Lâm ở Thị xã Ban Mê Thuột. Đứa bé gặp một người đàn ông – ông nói “Chùa đã hết cơm rồi, còn trái mãng cầu đây, cháu lấy ăn tạm đi. Đợi chiều có cơm, ăn xong chú đưa về nhà”. Đứa bé đáp lại: “Bây giờ con cũng không biết nhà con đâu nữa, con đi lạc mấy ngày”.
Người đàn ông đó Huỳnh Xuân, chỉ là người ghé qua chùa làm công quả. Ông đề nghị với đứa bé “Cháu gọi chú bằng cha đi, chú sẽ nhận cháu làm con…”. “Cha”. Và đứa bé có người cha nuôi từ đó.
Dù nhận làm con nuôi, nhưng ông Xuân cũng muốn tìm lại gia đình cho đứa trẻ mà ông mới gặp, ông đã đưa anh đến Ty Cảnh Sát gần đó nhờ thông báo có đứa trẻ đi lạc, ai là thân nhân thì đến chỗ ông nhận lại. Đứa bé đó nhớ tên mình là Hạnh, Ông đưa anh Hạnh về trại lính, nơi ông làm việc. Đợi chờ! Vài ngày, rồi cả tháng… hy vọng người thân tìm đến không còn.
Người cha nuôi cố gắng hỏi anh Hạnh từng chi tiết mà anh nhớ, để sau có điều kiện sẽ đi tìm gia đình cho anh. Trong trí nhớ của một đứa trẻ lên 4, 5, anh Hạnh nhớ trong nhà không có bố ở – hình như bố mất, chỉ có mẹ tên Lương hay Liên và hai anh tên là Hoàng và Dũng, có thể có người em nữa. Anh em trong nhà cách nhau năm một. Một buổi sáng thức dậy khi mẹ không có nhà, 3 anh đói quá, trong tay anh cả chỉ còn đồng xu, đi ra ngoài mua chén đậu hũ chia nhau. Ăn hết rồi vẫn đói, anh em khác tự bảo nhau đi ăn xin, mỗi người mỗi ngả. Khi đến chỗ đông người nên anh Hạnh đã lạc mất hai người anh của mình. Trên người anh có một dấu hiệu dễ nhận ra nhất là ngón tay cái của bàn tay phải có mọc trồi ra một ngấn, nhìn vào giống như bàn tay có 6 ngón.
Ông Xuân đi lính, nên hay phải di chuyển, cho con sống trong trại lính không tiện, khoảng 2 tháng sau ngày nhận anh Hạnh, ông Xuân đã gửi anh về Cam Ranh, Khánh Hòa với vợ ông. Vợ ông lúc đó là một cô giáo. Hai vợ chồng đã có hai con gái, so về tuổi thì nhỏ hơn anh Hạnh. Nên anh Hạnh về được hai người em gái mến, mẹ nuôi cũng thương anh. Trước khi về về lại trên Ban Mê Thuột, ông Xuân an ủi vợ “Thôi, mình cứ cố gắng nuôi nó, khi nào có người nhận nó thì mình cho nó về”.
Ông Xuân mất sau ngày giải phóng không lâu, vợ ông một mình nuôi 3 đứa trẻ nhỏ dại, 4 mẹ con nương tựa nhau sinh sống. Anh Hạnh lớn lên cũng được mẹ nuôi đi hỏi vợ cho. Vợ anh một người phụ nữ hiền hậu, thương anh hết mực. Khi tôi hỏi chị về người chồng của mình, chị nói, chị kể như chính bản thân chị là người thất lạc: “Nhiều đêm thức giấc thấy anh ngồi thui thủi một mình, tôi biết anh đang nghĩ về gia đình, về mẹ, về hai người anh. Tôi thương anh lắm mà không biết làm sao để giúp.
Trước đây khi mới cưới nhau về, hai vợ chồng anh Hạnh lo làm lụng tích cóp. Những năm 90, khi được một ít tiền anh Hạnh đã nói với chị về ý định đi tìm gia đình. Gia đình mới có con nhỏ, tiền cũng ít, một mình anh Hạnh đã lên lại chùa Hoa Lâm. Khi ấy, cây đa vẫn còn, nhưng bà cụ xưa đã đi đâu, có những người cũ vẫn ở đây, họ vẫn nhớ ngày xưa có một đứa trẻ lưu lạc sống trong chùa. Nhưng họ cũng không biết đứa trẻ đó từ đâu tới. Anh về lại cây số 5 nơi anh bắt đầu lạc hai anh, nhưng cũng không ai biết. Họ chỉ nói, có thể người nhà anh đã đi vùng kinh tế mới rồi. Tiền trong túi sắp cạn, anh đành về nhà. Vợ anh hiểu nỗi thất vọng của anh, chị lại chạy vay mượn 5 chỉ vàng, để anh tiếp tục đi tìm, nhưng rồi cuộc đi tìm ấy khiến anh càng thất vọng thêm. Anh đã tự nhủ không làm khổ vợ con nữa mà ở nhà lo làm ăn.
Định là vậy, nhưng trong tâm anh chưa bao giờ không nghĩ về gia đình. Hai đứa con gái nhỏ của anh vẫn chưa biết họ hàng bên nội. Nghe lân la ai đó nói có gia đình thất lạc con trong những năm trước giải phóng là anh lại lần đến hỏi. Những hy vọng nhỏ nhoi ấy cũng là cách làm xoa dịu nỗi đau chia ly.
Đến một ngày, anh Hạnh nghe bà con trong xóm nói về một chương trình trên tivi đi tìm người lạc, lòng anh lại rạo rực lạ thường. Họ bảo anh mau mau viết thư cho chương trình. Bác trưởng thôn cũng xuống tận nhà bảo anh viết thư. Anh Hạnh sợ chữ nghĩa của mình lủng củng, anh cũng không dám nhờ con gái viết vì sợ con gái không diễn tả được suy nghĩ của anh. Biết vậy, bác trưởng thôn mới giới thiệu cho anh “người viết thư hay”. Qua người này, tâm sự của anh đã đến với Chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly…”
Gặp anh tại trường quay của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, đi theo anh có mẹ nuôi, vợ và hai con gái. Anh được anh chị trong chương trình này mời đến trường quay để cho anh có cơ hội nói lên tâm sự của mình. Mẹ nuôi anh, bà Bùi Thị Kim An: “Tôi thương nó lắm, nuôi nó mấy chục năm nay, nhưng lúc nào tôi cũng mong cho nó tìm được gia đình. Tâm nguyện của nó cũng là tâm nguyện của tôi”.
Những phút cuối cùng của chương trình, anh vẫn chỉ nghĩ mình đến đây chỉ để thông báo. Giọng người đàn ông trung niên run run: “Dạ.., em Hạnh nhắn các anh rằng 36 năm nay, em trở về cây số 5 Ban Mê Thuột biết bao nhiêu lần, mà không sao tìm được mẹ và hai anh ở đâu hết. Các anh còn nhớ em không? Em đã lớn rồi, khác rồi, nhưng các anh có nhớ bàn tay này của em có sáu ngón tay từ hồi nào đến giờ đây này!”
Cánh tay phải giơ lên, ngay lúc anh Hạnh xòe bàn tay 6 ngón của mình ra thì dưới hàng ghế khán giả, cánh tay một người đàn ông khác cũng giơ lên. “Con tôi, Hạnh ơi!”. Người đàn ông đó đã bước vào tuổi xế chiều, da trên mặt đã nhăn, tóc bạc và đã thưa nhiều. Hai người con ngồi cạnh đã đỡ ông dậy bước về phía anh Hạnh. Họ ôm chầm lấy nhau. Có thể anh Hạnh không còn hình dung ra ba hay anh mình, nhưng khi nhìn thấy người em trai kế, người mà anh không nhớ có hay không, giống anh như tạc thì anh biết đây, họ chính là những người anh đi tìm bấy lâu.
Vợ anh khóc, người mẹ nuôi cũng sụt xùi đỏ hoe con mắt. Người ông xoa đầu hai bé gái cất tiếng gọi “nội, nội ơi” lần đầu tiên trong đời. Tôi còn được biết mẹ anh vẫn còn sống, vì già yếu mà bà không lên gặp con mình được. Vậy là may mắn cho anh Hạnh, tìm lại được gia đình khi chưa quá muộn, những người thân quen của anh vẫn còn. Tiếng điện thoại người thân ở nhà anh ngoài Đơn Dương, Lâm Đồng reo lên, họ cũng đang xem truyền hình, anh trả lời khi đang ôm chầm người cha của mình: “Đã tìm thấy ba, thấy hai anh rồi”.