Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

KRÔNG H'NĂNG TRUYỀN THUYẾT & HIỆN THỰC * Quách Thành

Sông nước huyện Krông Năng, ĐăkLăk...
KRÔNG H'NĂNG TRUYỀN THUYẾT & HIỆN THỰC
* Quách Thành
Người Êđê - Krông H'Năng không hết mấy trăm, mấy ngàn con trăng mùa rẫy đi qua, chỉ biết còn đọng lại trong cái đầu một câu chuyện lưu truyền kể bên bếp lửa trong nhà sàn, và bắt đầu hai chữ "ngày xưa".Ngày xưa có một làng Êđê nọ, dân làng đang sống bình yên cần cù làm ăn với cái rẫy, cái nương của mình sau những cánh rừng hoang sơ sâu thẳm.Một sáng kia và cũng bắt đầu từ đó tai hoạ ập đến đe doạ số phận của dân làng. Khác mọi ngày, không phải ông Mặt trời dậy sớm mà là một hang giếng sâu hoắc, to lớn, đỏ chót treo lơ lửng trên trời hung dữ nhìn thẳng vào buôn làng, nhìn vào người già, con trẻ, con gái, con trai, cái nương, cái rẫy bằng hơi nóng dữ dội. Cứ thế, ngày này qua tháng nọ, cái nắng khủng khiếp cứ nung nấu bầu trời, thiêu đốt vạn vật. Cây cháy lá trơ cành. Cỏ bị đốt, đất bày ra chín đỏ ối. Lòng sông, con suối khô cạn cá chết bày xương, chim chóc khô đét trên cành cây rụng đầy gốc. Con heo, con bò trong buôn cùng những con thú trong rừng lần lượt chết sạch: Mọi sự sống đứng trước nguy cơ báo động huỷ diệt. Chỉ có loài bò chét không biết từ đâu sinh sôi nảy nở từng dàn từng lũ có mặt khắp mọi nơi, dưới dất, trong bếp, trên sàn cứ tìm người rúc bám. Trong rừng không có con thú để săn bắt. Rẫy nương không có hạt mưa để trồng trỉa. Lòng sông, con suối cạn khô không có nước uống. Bọ chét gây bệnh dịch hạch cả làng. Người già, con trẻ vì bệnh tật, đói khát đã chết đi nhiều lắm.
Lúc đó, giòng họ Mlô đang làm chủ đất, H'Năng là con gái đầu lòng của chủ đất Y Kheo. Nàng lấy Y Zúk chưa đầy một mùa rẫy thì buôn làng xảy ra tai hoạ. Cha nàng bệnh tật, đói khát đã chết. Trước khi mất, Y Kheo chủ đất gọi con rể, con gái đầu lòng trăn trối.
-Ơ H' Năng! Ơ Y Zúk! Hai con có bổn phận thừa kế vai trò chủ đất của ta và hãy đi xa ba, bảy cái rừng tìm vùng đất mới cho dân làng sinh sống. Không thể ở đây được nữa rồi! Yàng đã tức giận phạt tội chết của buôn làng ta đó.
Nghe lời cha, làm tròn vai trò chủ đất của vợ, Y Zúk cùng già làng, chủ bến nước lên đường đi tìm vùng đất mới họp ý Yàng để chuẩn bị cho buôn làng di cư.
Họ đi suốt mấy mùa trăng không trở lại, đi mãi không về. H'Năng thuỷ chung, đau buồn chờ đợi. Nàng chờ, chờ mãi, chờ mãi… Không thể chịu đựng xót đau trước cảnh đói khát, bệnh tật, chết dần, chết mòn của dân làng và một nỗi quá nhớ thương chồng, H'Năng quyết đình một mình lầm lũi ra đi tìm chồng, tìm đất. Nàng lang thang trong rừng sâu vật vã với cái đói, cái khát. Nàng ngất xỉu khi băng qua một con sông lớn đã khô cạn nước. Và đêm đó, trời bỗng nổi giông đùng đùng sấm chớp, gió to rồi đổ mưa xối xả suốt cả đêm. Sáng hôm sau, tất cả các con sông, con suối đầy ăm ắp nước, tuôn reo khắp làng buôn. Dân làng hân hoan vui sướng. Ai cũng nghĩ: H'Năng chủ đất đã đi gặp Yàng, xin Yàng cho mưa. Cả đoàn người già trẻ, gái trai lũ lượt kéo nhau đi đón H'Năng về mở hội lễ cúng Yàng. Nhưng đoàn người chững lại trước một dòng sông lớn không thể nào qua được, bởi nước ầm ào chảy xiết. Giữa dòng sông có một tảng đá lớn nổi lên, trên tảng đá, họ thấy H'Năng nằm bất động, chung quanh hoa Edam nở trắng một màu, dân làng gọi lớn.
-Ơ H'Năng! H'Năng! Dân làng biết ơn mày lắm! Mày đã đi gặp Yàng cầu mưa và Yàng cho mưa cứu sống buôn làng. Buôn làng đi đón mày về đây. Gọi mãi, gọi mãi …không thấy H'Năng trả lời, mọi người lặng im cúi đầu biết H'Năng đã chết.
Tưởng nhớ người con gái Êđê chung thuỷ với chồng, tình nghĩa, trách nhiệm với buôn làng, họ đặt tên cho dòng sông là " Krông H'Năng".
Tên người con gái Êđê đã thành tên dòng sông. Tên dòng sông đã thành tên làng tên buôn. Đất nước - con người Việt Nam ở đâu cũng nhân nghĩa, ân tình như thế đấy! Truyền thuyết là một loại thể văn học dân gian phản ánh lịch sử xã hội loài người nói chung và tộc người nói riêng thuở bình minh sự sống của họ.
...
...
Những ngày cuối năm, trên các nẻo đường Xuân, ở những chợ Xuân, huyện Krông Năng bên cạnh những chiếc gùi của người Êđê chất đầy hàng hoá Tết, còn có những đôi quang gánh của người Kinh, đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía bắc họp chợ mua bán. Tan chợ, họ từng đoàn lũ lượt kéo nhau về buôn bản, về làng Kinh tế mới.
Krông H'Năng, bên cạnh làng định cư của đồng bào dân tộc Êđê bản địa Buôn Wiâo, Ea Hồ, D'liêya, còn có làng Kinh tế mới của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, đồng bào miền xuôi lên sinh cơ lập nghiệp như: Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang, Krông Năng, Ea Tam, Ea Tóh… Tình yêu đất, niềm tin cuộc sống, họ đã hoá đất lạ thành quê hương, tạo dựng nên làng, nên xóm, giàu có sầm uất thành nơi chôn rau cắt rốn. Làng Phú Xuân, Krông Năng giàu lên từ cây cà phê xuất khẩu. Tam Giang vững vàng từ cây lúa nước, gỗ rừng, cây mía, cây bông. Phú Lộc phát triển đổi thay bắt đầu từ cuộc sống của người công nhân cao su biết làm thêm kinh tế phụ gia đình bằng mô hình V.A.C thích hợp… Cũng như đồng bào Êđê trước ngày có công cuộc định canh định cư, đồng bào miền xuôi đi xây dựng quê hương mới, họ phải trả một giá rất đắt cả một quãng đời của mình trên dưới mười lăm năm của những ngày đói sắn, thiếu khoai, bệnh tật ở núi rừng Tây Nguyên. Bây giờ, những đổi thay có thể tính từng ngày, từng tháng, từng năm ở từng gia đình, từng thôn, xóm.
...
...
Ơi, Sông Krông H’Năng! Con sông trữ tình chứa đựng trong nó truyền thuyết xa xưa với những bi thương thân phận đời người. Nhưng Sông cũng là nàng H'Năng. Một nhân chứng lịch sử chứng kiến mọi đổi thay trên mảnh đất này. Và hôm nay, Nàng thật sự mỉm cười hân hoan soi bóng niềm vui của thiên nhiên, đất nước, con người Krông H’Năng./.
Quách Thành
(*) Bài đăng ở Tập sách “Đăk Lăk trước ngưỡng cửa năm 2000” do Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2000.
(Trích theo nguồn http://krongnang.daklak.gov.vn/)

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Ở huyện Krông Năng, ĐăkLăk... CÓ MỘT PHÚ XUÂN...

Ở huyện Krông Năng, ĐăkLăk...
CÓ MỘT PHÚ XUÂN...
*Tôn Nữ Ngọc Hoa
Chuyện hấp dẫn y như trong trong truyện phiêu lưu với những cánh rừng bất tận đủ các loại cây, với cỏ hoa muông thú đủ sắc màu, cả những hiểm nguy rình rập. Mấy chị em gái phục lăn khi nghe một thư sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 ốm o trói gà không chặt kể việc đốn cây dựng nhà, phát rẫy khai nương, chuyện sinh hoạt văn nghệ bên đống lửa đốt giữa rừng già và cả chuyện vất vả nhọc nhằn ốm đau bệnh tật. Thích nhất là cảnh cả tiểu đội hì hụi đào khoai mài, đào mãi đào mãi và cuối cùng “rinh” lên một củ bự chác dài hơn cả mét để lại một hố sâu quá đầu hay cảnh mọi người nhốn nháo vì tiếng cọp gầm vọng lại quên cả mớ sắn vùi trong lửa cháy khét. Cứ như mình là người trong cuộc, các em tôi không ngớt xuýt xoa.
Tôi cũng nhớ như in cảnh thành phố Huế nô nức, bịn rịn tiễn những gia đình vào Đắc Lắc xây dựng vùng kinh tế mới cuối xuân 1977... Từng đoàn xe chật cứng người và đồ đạc. Gương mặt người đi đượm âu lo, người tiễn bùi ngùi, cười đấy mà mắt ngấn nước. Tất cả cố giấu… Biết những ngày tháng tới ra sao… Chỉ sông Hương là bình thản trôi... Rồi đoàn xe lăn bánh sau khi những khẩu hiệu được hô vang rung cả lá cành cổ thụ ven đường.
Cũng từ 1977 tôi bận rộn làm cô giáo, vô tư vượt những ngày “cơm cõng sắn” thuở còn tem phiếu, bươn chải phụ thêm lương những ngày “bù giá” vất vả nuôi con suốt những năm 80, 90. Chuyện về vùng đất hứa xa lắc của em tôi, chuyện tiễn đưa ngày nọ yên ngủ trong ký ức.
Vậy mà duyên nợ.
Năm 1992, gia đình tôi thành cư dân Đắc Lắc. Tôi vẫn là cô giáo, có thêm bạn bè và cảm động vô cùng khi nghe tiếng Huế ríu rít mỗi lúc gặp nhau giữa nắng gió cao nguyên. Ngạc nhiên và càng cảm động hơn khi nghe địa danh nơi họ đang ở: Tam Giang, Phú Lộc. Phú xuân. Quen quá, thân thuộc quá, như đang nói chuyện với nhau trên đất quê nhà. Hỏi ra mới hay đấy là vùng kinh tế mới ngày xưa. Họ chính là thành viên của Huế, Quảng Điền, Phú Lộc lần lượt đi xây quê hương mới trong những năm cuối của thập niên 70 đầy sóng gió.
Biết thì biết vậy nhưng mãi đến tháng 7 – 2004, nhân được chuyến công tác tại Krông Năng, được các đồng nghiệp đưa đi thăm thú tôi mới tỏ tường. Thì ra tên đất tên làng được bà con nâng niu đặt cho quê mới. Đặc biệt nhất là Phú Xuân - tên ban đầu của cố đô yêu dấu, như muốn nhắc nhở nhau luôn nhớ về nguồn cội, sống làm sao xứng với danh thơm đất mẹ. Và kiểu dáng nhà cửa, cách bố trí cổng ngõ, vườn tược, rào giậu đến cả hoa trồng trên sân nhà cũng mang dấu ấn nông thôn, phố thị Huế xưa. Cả giọng nói bao nhiêu năm rồi vẫn không khác đổi. Lòng tôi không thôi bâng khuâng… Lại nhớ đến câu chuyện của cậu em ngày trước, nhớ đến ngày trống giong cờ mở năm nào.
Nếu bây giờ vào đây tìm lại kỷ niệm khai hoang ngày nào chắc chắn cậu em tôi không thể nào thấy được mảy may dấu vết xưa cũ giữa những xóm thôn nhà cửa to đẹp, những rẫy cà phê xanh ngút. Liệu mảnh rừng nhỏ được bảo vệ nghiêm ngặt bên hồ nước ở Xuân Thành với những cây cao vút xanh thắm đang che chở ngôi nhà sàn phục dựng theo kiểu Thái làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho xã; khu du lịch sinh thái trong tương lai kia có phải là nơi sinh hoạt văn nghệ của các tiểu đội TNXP mỗi đêm cuối tuần xua mệt nhọc, thỏa nỗi nhớ nhà? Có phải những lô đất mặt tiền bằng phẳng vừa được đấu giá xây nhà văn hóa hay khu đang xây trạm xá chuẩn quốc gia giữa vùng trung tâm là nơi cậu và đồng đội từng dựng lán đêm đêm đốt lửa vừa sưởi ấm, xua côn trùng, thú dữ? Có phải khu chợ khang trang vừa được một “đại gia Phú Xuân thời WTO” chịu trách nhiệm xây dựng, khai thác và quản lý kia là nơi cậu đào củ mài? Những sườn đồi xanh cà phê kia hẳn là nơi chính tay cậu phát cây chặt cành chuẩn bị làm nhà cho dân? Liệu con đường nhựa xuyên xã dài gần 17 km này là đường do tay tiểu đội cậu mở ngày xưa? Tôi biết cậu ta sẽ bí rì, nhăn nhó như ngày nhỏ gặp câu đố khó, nhưng tôi tin cậu ta sẽ hạnh phúc nhường nào khi đóng góp ban đầu của lớp TNXP cách đây ba mươi năm thật có ý nghĩa, những người rời quê ngày đó thật đáng tự hào.
...
...
Krông Năng vừa chịu một cơn lũ lớn. Phú Xuân không thoát hệ lụy này. Ba mươi năm rồi người dân nơi đây mới chứng kiến cảnh khủng khiếp như vậy. Nước như con trăn khổng lồ cuốn phăng mọi thứ trên đường đi hung bạo của mình. Dòng Krông Năng - khởi nguồn từ Dlieyă rồi chia hai một nhánh đổ vào sông Ba thuộc Phú Yên, nhánh còn lại với thác Thủy Tiên thơ mộng tìm Sê Rê Pôk - trở nên quá bé nhỏ yếu ớt để tải lượng nước to lớn trút từ những đám mây đen kịt suốt mấy ngày đêm qua những ngọn đồi, cánh rừng không còn cây như trước đây vốn có. Nhà trôi trong lũ, cây tuôn trong lũ và cả người cũng bị cuốn phăng trong lũ. Mất mát quá nhiều. Tổn thất quá nhiều. Nhà cửa làm lại được, cây cối trồng lại được, nhưng với em Nguyễn Thị Nga thì làm sao tìm lại ba mẹ anh chị nữa. Mùa khai trường này liệu em còn đủ sức vào lớp không! Mong thầy cô và bạn bè luôn dành cho em những gì ưu ái nhất, bù đắp phần nào khoảng trống mông mênh.
...
...
Phú Xuân cũng khiến tôi thích thú bởi một độc đáo khác: Chùa.
Chùa do sư Thích Thiện Đạt trụ trì đang xây dở dang (tự ông thiết kế) nhưng đã hiện dáng dấp của một ngôi chùa có kiến trúc đẹp tọa lạc trên một mảnh đất vuông vắn bằng phẳng. Đối diện cổng chùa, dù tự phát với hai dãy quán cột tre mái lợp giấy dầu tuềnh toàng, chợ cũng có đủ thứ hàng nhu yếu từ thịt cá rau mắm đến quần áo giày dép - cả hàng băng đĩa nhạc nữa - chộn rộn từ 3 đến 6 giờ chiều suốt bao năm nay .
Tôi có quá cả nghĩ không khi đọc thấy triết lý trước đối diện lạ lùng này. Một xô bồ đời thực với một tĩnh lặng tâm linh. Một trần trụi bán mua với một vô ưu hoa cỏ. Hẳn người đi chợ sẽ bớt chút cò kè để giành phúc cho mình, cả cho người bán. Hẳn người bán sẽ thật thà hơn xem như tích góp công đức dành để kiếp sau. Hẳn người viếng chùa sẽ không quên còn một đời khác rất cụ thể; xô bồ để tu tâm dưỡng tính, tránh bon chen trục lợi giả trá điêu ngoa.
Năm 1977, sư Thiện Đạt đã phát nguyện đi kinh tế mới cùng 1530 hộ dân, và đến nay vẫn gắn gó với họ như trước đó đã cùng lăn mình gây dựng cơ ngơi bằng hai bàn tay quen cầm dùi gõ mõ. Ông được tín hữu tin tưởng chọn làm người đỡ đầu tâm linh, được cánh đàn ông có chút máu nghệ sĩ chọn làm tri kỷ. Ở ông đạo và đời là một. Đạo sáng trong đời, đời tươi với đạo. Can cớ chi từ bỏ thú vui đời người hiện tại mà mơ hóa Bồ tát ngày sau.
...
...
Còn nhiều, rất nhiều gương mặt đã đóng góp sức lực trí tuệ cho Phú Xuân nữa. Một số đã thành đạt đang tiếp tục cống hiến, phục vụ ở các cương vị cao hơn, ở các nơi khác nhau trong huyện và tỉnh, phần lớn khác thầm lặng lao động trên ruộng rẫy và không thiếu người đã thành thiên cổ. Tất cả đều đáng phục, đáng trân trọng tự hào. Tôi dám quả quyết rằng cuốn biên niên sử của Phú Xuân đã và sẽ ngày càng dày thêm, đẹp thêm với những trang sáng rỡ thấm đẫm tình người nhưng không kém phần vẻ vang, hào hùng dù còn đó những mảng sáng tối bi hài đan xen, những ngày mò mẫm tìm hướng.
Khi sắp kết thúc những dòng tản mạn này, tôi lại nhớ đến cậu em trai với chuyện kể xa xưa. Bây giờ gặp nhau tôi sẽ là người kể. Có thể cậu sẽ không há miệng như mấy chị em gái tôi thuở nọ, nhưng chắc chắn sẽ phục biết bao những chịu đựng, những cố gắng của các gia đình phải rời quê với hai bàn tay trắng và mặc cảm đầy nặng trong lòng. Cậu ta cũng sẽ như tôi tíu tít, háo hức nói cười...
Tôi như thấy Phú Xuân đang rực thắm cờ hoa trong ngày sinh nhật thứ 30, thấy những thế hệ đồng hương sông Hương núi Ngự đang nâng ly chúc tụng, thấy sắc thổ cẩm độc đáo của các dân tộc anh em khoe màu trong nắng, thấy cả nét rạng ngời trên gương mặt bao người từ khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam thân yêu đã tự nguyện thành chim đậu trên đất lành bazan này.
Krông Năng - Buôn Ma Thuột
Tháng 9 / 2007
Tôn Nữ Ngọc Hoa
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

MÙI THƠM CỦA CÀ PHÊ

Một chút lắng đọng...
MÙI THƠM CỦA CÀ PHÊ
Từ ly cà phê vỉa hè trên lề đường quốc lộ mịt mù bụi bặm cho tới phảng phất hương thơm của ly cà phê đang nhỏ từng giọt trong một căn phòng mát lạnh sang trọng giữa thành phố. Tất cả, dù ở đâu thì điều duy nhất mà ta cảm nhận được vẫn là hương thơm của cà phê. Mùi hương không giới hạn, dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi và thế hệ. Nhưng, cũng ít ai biết rằng, đằng sau mùi hương quyến rũ đến mê hồn kia lại là một mùi hương khác,mùi hương của sự vất vả, cực nhọc và lam lũ của những người nông dân, người trực tiếp làm ra những cà phê đen tuyền, sóng sánh hương vị ấy.
Sẽ không thể nào tưởng tượng được con người ta sẽ sống ra sao nếu thiếu cà phê. Nó đơn giản như một điều hiển nhiên trong cuộc sống của mỗi con người. Với tôi, uống cà phê không phải vì ghiền nhưng lại không thể không uống. Và, có rất nhiều những ly cà phê đã trở thành kỷ niệm trong đời. Như ly cà phê ở một quán nhỏ gần ngã tư đường Yersin của phố biển Nha Trang, mà tôi từng uống suốt thời sinh viên cùng những con người tử tế. Những người qua những bài thơ, bài hát, truyện ngắn đã dạy tôi cách sống, cách làm người tử tế. Ở đó, cà phê không thơm nhưng tình người thì sâu lặng như trang giấy thơm tho. Rồi những ly cà phê ở vương quốc cà phê Buôn Mê Thuột trong một buổi sớm tinh sương bên Hồ Lắc mênh mông, ngắm từng đàn voi lững thững đi về từ huyền thoại quá khứ xa xăm của những cánh rừng huyền thoại. Và, còn rất nhiều ly cà phê mà hương thơm của nó đã phảng phất trong cuộc đời mình, mãi mãi không tan.
Thế nhưng, để làm ra những hương vị thơm tho cho cuộc đời, cho những sáng tạo, cho cảm giác thăng hoa, cho ân tình sâu lắng ấy lại là những đôi bàn tay lam lũ. Nhớ lần đầu lên Tây Nguyên, gặp những người hái cà phê, tôi đã suýt khóc khi bắt gặp những công nhân hái cà phê. Họ vất vả và lam lũ quá. Và, tôi mường tượng rằng, nếu hương thơm cà phê càng ngào ngạt, thơm tho và quyến rũ bao nhiêu thì những con người làm ra chúng càng lam lũ bấy nhiêu. Mà, ở đời đâu chỉ có cà phê. Dường như, tất cả những ai mang đến hương thơm cho cuộc đời này cũng thường lam lũ, cơ cực cả. Với họ, những giọt mồ hôi mặn đắng là nguồn cội hương thơm của cuộc đời. Có lẽ, đó là điều diệu kỳ và cũng là tương phản nhất mà thượng đế đã tạo ra.
Không biết có sợi dây nào liên hệ giữa những giọt mồ hôi lam lũ thấm ướt cả lưng áo mà tôi đã gặp trên những con đường đất đỏ Tây Nguyên, với mùi hương quyến rũ của những ly cà phê bởi ánh đèn màu lấp lánh phố phường không. Chỉ biết rằng, nếu không có những bàn tay lam lũ ấy, chắc gì hương vị cà phê sẽ ngào ngạt hương thơm, sẽ khắc sâu tâm khảm, quyến rũ con người ta đến nhường ấy.
(Theo báo Đại Đoàn Kết )

CÀ PHÊ MÙA TRÁI CHÍN

Hàng năm vào tháng 10 đến 12 dương lịch là mùa cà phê chín...
CÀ PHÊ MÙA TRÁI CHÍN
...
Võ Minh giật giật mép “Ngày ra trường, xin được việc làm nhưng gặp tình cảnh “kiến ngãi, bất vi” (thấy điều đúng mà không bảo vệ) nên buồn đời rồi quyết định bỏ phố về rừng. Suy cho cùng đời người tồn tại được bao năm, tội gì cứ phải bám thành phố mới sống được. Thực ra nghề cà phê chọn tao, chứ không phải tao chọn nó”. “Nghĩa là sao!”, tôi vừa buộc lại chiếc khăn trên đầu bị cành cà phê kéo ngược, vừa hỏi Võ Minh. Anh chậm rãi giải thích “Đêm qua, có mặt vợ tao nên tao không nói. Số là sau khi mầy về quê, tao vẫn ở Sài Gòn rồi gặp một cô gái KHo mang tên Ka li Hoàng Hôn, cái tên đậm vẻ sơn dã là bà xã tao bây giờ. ...
Võ Minh dẫn tôi đến một khu vườn triền đồi, cà phê đang chín rộ, từng chuỗi hạt no tròn bóng đỏ. Anh cho biết “Nghề trồng cà phê cũng giống như trồng người. Để có một vườn cà phê nở hoa trắng muốt là những ngày dài mồ hôi, công sức cộng với những đêm thao thức trông chờ. Nghề nào cũng vậy, không yêu thì đừng theo nghề. Đối với cà phê từ khâu chọn giống, làm đất, làm bồn, tưới tiêu, chăm sóc… bận bịu suốt ngày. Chu kỳ khai thác lấy quả cũng như vòng đời của một người mẫu hay cầu thủ bóng đá, có nghĩa là chỉ trong một giai đoạn nhất định. Cây cà phê có tuổi thọ 18 năm nhưng phải mất 4 năm đầu chờ trái chín, thu hoạch vài năm cây đã trở thành lão. Suy rộng ra, đời người và đời cà phê giống nhau. Có nghĩa là muốn con cái nên người, cha mẹ ngoài việc hình thành nhân cách mà còn huấn luyện chúng hội nhập đời thường bằng đôi tay và trí óc để có trách nhiệm với chính bản thân mình. Cây cà phê cũng vậy, mình chăm sóc đúng quy trình rồi sống chết với nó mới có thể mang lại lợi tức cho mình....
...
...
Võ Minh dẫn tôi giới thiệu với hai vợ chồng người Quảng Ngãi tên là Lê Toàn vào tận bờ hồ, xa đến cả chục cây số. Thực ra tôi nhờ nó xin vì muốn chở dùm họ hai bao bạt nhựa to đùng vào rẫy để trải gốc tuốt hạt cà. Con đường vào lởm chởm, ngoằn ngoèo lên xuống dốc, rẽ trái, rẽ phải, hai bên là cà phê trĩu hạt nửa xanh nửa đỏ oằn cành báo hiệu một viễn ảnh no ấm...
...
Đêm về nằm giữa vườn cà phê với bóng tối xanh đen hòa lẫn tiếng côn trùng rả rích và tiếng chó sủa vu vơ ngoài xa, cảm thấy cuộc sống yên bình. Bên ngọn đèn dầu tù mù, Lê Toàn nói với tôi bằng giọng Quảng đặc sệt “Nghề làm vườn chỉ khổ vào lúc thu hoạch thôi, chứ còn các mùa khác chỉ đến tỉa cành, chăm sóc tưới tiêu, tối về nhà chứ không ở lại đêm. Nghề trồng cà phê sợ nhất là nước, thiếu nước tưới coi như mất trắng. Chủ vườn nào giàu thì khoan giếng, nghèo thì thuê tưới tính tiền bằng giờ...
Từ ngày các đập thủy điện... đi vào hoạt động, nước ngầm ổn định hơn, những vườn nào ở gần hồ coi như trúng số. Tuy nhiên từ ngày có thủy điện, các vườn ven hồ chứa lại phải đối mặt với nạn trộm cà phê từ mấy ông câu cá thả lưới. Khi mình phát hiện, họ bơi thuyền ra xa mình không làm gì được. Mấy năm trước nạn trộm cà phê xảy ra liên tục, vài năm gần đây không thấy nữa.
Thường trộm cắp xảy ra khi người ta túng thiếu, đến khi đủ ăn không ai làm vậy nữa. Dân ở đây bây giờ khá rồi, họ không làm chuyện thất đức ấy”. Trước khi đi ngủ Lê Toàn mang đèn pin cùng tôi đi một vòng rẫy. Đêm ấy yên bình chỉ nghe tiếng chó sủa xa xa và tiếng gió thổi từ lòng hồ phất phơ những cành cà phê trĩu hạt. Mùa này đang vào đông nên lạnh buốt. Khi trở về chòi, Lê Toàn ngồi một mình hút thuốc lá lập lòe nhìn ra bóng tối như nghe ngóng tiếng động hay nhớ về một thời ký ức của đời mình.
...
Trần Đại
(Trích theo "Cà phê mùa trái chín" của Trần Đại đăng trênhttp://cstc.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/)

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

HEO RỪNG LỤC CHIẾC

Thợ rừng không sợ cọp beo, chỉ sợ đụng phải heo lăn chai...
HEO RỪNG LỤC CHIẾC
...
Heo rừng có tên khoa học là Sus Scrofa, là giống vật du cư sống theo bầy đàn cùng bộ lông sọc vằn màu xám nâu đặc trưng. Khi trưởng thành, những con đực tách bầy nhưng vẫn đi lẩn khuất, lầm lũi song song với bầy để bảo vệ. Vì sự tách bầy độc hành này, các thợ rừng gọi nó là lục chiếc. Có người gọi sai là độc chiếc. Theo Hán nghĩa, lục có nghĩa là chai sạn, chiếc có nghĩa là duy nhất.
Để tự tạo bộ giáp khí cho mình, heo lục chiếc thường mài nanh vào thân cây gỗ dầu chai. Để khi thân dầu chai tiết ra chất nhựa, chàng heo lăn bộ lông cứng vào chất dẻo đó (vì vậy thợ rừng còn gọi là heo lăn chai). Khi nhựa dầu khô, bộ lông heo trở thành một thứ giáp cứng để bảo vệ mình. Heo cái chỉ lo dẫn dắt heo con kiếm ăn, không quan tâm đến kẻ thù vì đã có heo lục chiếc bảo vệ từ xa.
Heo lục chiếc có bộ dáng rất ngầu, mông thấp, đầu to. Chiếc đầu quá khổ có cặp nanh cứng và sắc luôn dựng ngược lên chờ đối thủ. Nếu nói cọp là chúa tể rừng già thì heo lục chiếc là… dũng sĩ diệt chúa. Bởi, đối diện với một con heo lục chiếc trưởng thành, cọp thường cụp đuôi chạy thẳng sau một trận tử chiến. Với cặp nanh chĩa ngược kỳ quái và độ lỳ đòn kinh dị, heo lục chiếc thường hung hãn tấn công bất ngờ bất kỳ con vật nào ngay khi vừa giáp mặt. Khi đã chiến đấu thì nó không bao giờ bỏ chạy trước bất kỳ đối thủ nào, "chơi" đến chết mới thôi.
Thợ săn rừng khi gặp heo lục chiếc thường trèo nhanh lên cây rồi mới tìm cách bắn hạ. Nếu chậm chân, hiếm khi toàn mạng sau cú tấn công dũng mãnh đầu tiên của gã heo hiếu chiến, lỳ lợm. Thợ rừng chuyên nghiệp không sợ cọp, beo mà chỉ sợ bất chợt đụng phải gã heo rừng lãng tử, độc hành lục chiếc.
...
...
Dân rừng khẳng định, trước khi chết, heo thường lấy hơi tàn cắm sâu cặp nanh giấu vào thân cây rồi mới chết. T... khẳng định: "Heo cũng như người, gần chết thì sức đâu mà cắm nanh vào cây. Nó chỉ cắm nanh xuống đất thôi. Mà không phải cắm để giấu nanh đâu. Nó cắm nanh vì tàn sức. Heo là giống lỳ lợm, còn chút hơi là nó vẫn hoạt động. Đang ủi đất kiếm ăn thì sức lực cuối cùng chợt tắt, thì nanh không cắm vào đất mới lạ. Đó là lý do thợ rừng luôn thấy xác heo già mới chết đều cắm ngập mặt vào đất và họ thêu dệt thành câu chuyện heo giấu nanh trước khi chết. Lại còn giấu nanh vào thân cổ thụ nữa mới ghê".
(Trích trong "Nghĩa địa heo rừng và chiếc nanh giá chục nghìn đôla" trênhttps://vnexpress.net/)
*** ***
Vì sao nanh heo rừng lại khiến nhiều người muốn mua như vậy?
Với giới buôn bán vốn có chút niềm tin tâm linh thì quan niệm nanh heo rừng như một thứ bùa hộ mạng may mắn sẽ giúp họ thâu tóm thời vận luôn thịnh vượng, đem đến những điều tốt lành trong kinh doanh, thăng tiến về địa vị xã hội, đem lại những khoản hợp đồng kinh tế có lợi cho họ, tránh bị đối thủ chơi xấu sau lưng. Còn với dân cờ bạc như đá gà, chơi số đề, cá độ… thì kháo nhau rằng mang nanh heo rừng trên người sẽ được yểm trợ cho chơi đâu thắng đó.
...
Trong các loại nanh heo rừng thì từ xưa đến nay, đối với người Việt Nam, những nanh heo rừng có công năng mạnh gọi là nanh heo rừng rủ (hoặc rũ). Theo truyền tụng thì nanh heo rừng rủ là nanh của những con heo rừng thành tinh, sống lâu năm trong rừng sâu và đạt đến hạng thượng thừa về khả năng sinh tồn. Những con heo rừng đó khi chết đi thì toàn bộ sức manh của nó sẽ dồn vào cặp nanh và sở hữu được nó là thiên duyên cực kỳ hiếm có. Người ta gán ghép cho nó rất nhiều quyền năng vô song như là: đạn bắn không trúng, tránh được tai họa, buôn may bán đắt, thuốc chữa bệnh nan y… Và đây cũng là loại nanh ưa chuộng nhất bởi phép màu huyền bí của nó khi được “yểm bùa”. Chưa rõ thật giả thế nào nhưng giá của loại nanh này cũng cao gấp nhiều lần so với loại nanh thường.
Trước năm 1975, ở Việt Nam, nhiều người lính... tin rằng, người đeo nanh heo rừng già khi bị bắn, đạn sẽ không trúng...
...
(Trích theo "Thú chơi… nanh heo rừng" của Thế Vinh đăng trênhttp://petrotimes.vn/thu-choi-nanh-heo-rung)

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

ĐI TÌM LỜI RU NỮ THẦN MẶT TRỜI

Một mình lang thang trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày...
ĐI TÌM LỜI RU NỮ THẦN MẶT TRỜI
"Với người Ê Đê theo mẫu hệ của chúng tôi, mặt trời là nữ thần, và mặt trời cũng là người mẹ. Bởi vậy khi tôi viết "Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời là tôi viết cho mẹ của mình" - Y Phôn kể lại. Hồi ấy, năm 1992, đang đi biểu diễn với Đoàn Ca múa Đắc Lắc thì được tin mẹ ốm, anh vội về nhà, đến nhà mới hay tin mẹ đã đi vào rẫy.
Tháng tư mùa đốt rừng, những con đường bụi đỏ cuốn lên cùng với khói, một mình Y Phôn đi tìm mẹ, và ý nhạc cứ thế nảy ra như có ai đọc sẵn trong đầu: Một mình lang thang, trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày / Một mình qua sông, qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời... Qua đoạn đường dài gần chục cây số vào đến rẫy, nhìn thấy mẹ đang khỏe mạnh, gặp Y Phôn, mẹ cười, lời nhạc bỗng vút lên sáng bừng: Hát giữa mọi người, không ngại ngần, lời hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời của tôi... Điều đó như lý giải vì sao mà mỗi khi ca khúc này được hát lên, những người mẹ Ê Đê lại kéo tay áo thô thấm nhẹ vào khóe mắt...
( Trích theo "Y Phon K' Sor - Hát giữa mọi người không ngại ngần" trên báo ND)
...
Và càng rõ hơn, chói ngời hơn, khi sau đó bạn cho ra bài hát “Đi tìm Nữ thần Mặt trời”. Ca khúc này càng làm sửng sốt đời sống âm nhạc cả nước khi nhìn về Tây Nguyên, đưa Tây Nguyên thoát khỏi vị trí vùng trũng của âm nhạc hiện đại, thoát khỏi tính miền núi, vùng xa. “Bầu trời”, “Mặt trời”, là hiện thân của xã hội văn hóa mẫu hệ của người Tây Nguyên.
Dừng lại bên một ngọn núi thấp cũng đã thảm đầy rẫy cà phê, bạn chỉ tôi ở đấy là nơi bạn hay lang thang và viết ra những giai điệu: “Một mình lang thang trên đất này/ Một mình qua sông, qua núi đồi/ Theo dấu chân cha ông ngàn đời”. Lang thang đã là một trạng thái của nghệ sĩ. Cái lang thang của nghệ sĩ, nhạc sĩ Y Phôn là từ trong hồn cốt của “công dân rừng”, con của rừng. Nó chảy ra từ sự chìm đắm hoang dã; nó lặng, nó động, nó hấp thụ và chuyển hóa rốt ráo. Nó đau khổ tận cùng, và nó vui vẻ quyết liệt. Nên nó mới vang lên giai điệu: “Tôi như con chim lạc bay trên đồi cao/Tôi như dòng sông khao khát lời/Tôi như giọt mưa không có lời”. Bạn phải đủ thương hoặc đủ đau mới viết được những gì thuộc về cái bên trong của một sắc dân, cộng đồng, xứ sở, một cành cây, một con suối, một con thú chăng.
(Trích theo "Y Phôn Ksor-Theo dấu Nữ thần Mặt trời" của Nguyễn Hàng Tình đăng trên báo Gia Lai)

VẺ ĐẸP PHỤ NỮ XỨ THƯỢNG

Từ xa xưa cho đến bây giờ...
VẺ ĐẸP PHỤ NỮ XỨ THƯỢNG
...
Bên cạnh những nhân vật anh hùng, trong sử thi Tây Nguyên còn in đậm hình ảnh các cô gái Bahnar, Jrai, Ê Đê. Vẻ đẹp của họ được miêu tả trong sử thi gắn với thiên nhiên hùng vĩ. Vẻ đẹp ấy gắn với quan niệm thẩm mỹ của con người phương Đông-con người hòa hợp với thiên nhiên, vũ trụ.
Trong sử thi Tây Nguyên, vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn hướng ra làng xã, hướng đến lợi ích của cộng đồng. Người phụ nữ ngày ấy, mặc dù không trực tiếp tham gia chiến tranh để phát triển cộng đồng, nhưng họ là những người mẹ, người vợ đã quyết định số phận của người anh hùng, giúp họ làm nên chiến thắng. Đó là vẻ đẹp cao cả của nàng Bara Tang trong Sử thi Xinh Nhã.
Vẻ đẹp của nàng Hơ Nhi trong Sử thi Đăm Săn. Sử thi Tây Nguyên, bên cạnh xây dựng hình tượng thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, đã xây dựng nên hình tượng con người cộng đồng. Ý thức cộng đồng đã chi phối mạnh mẽ đến ý thức cá nhân anh hùng trong thời đại anh hùng. Họ chính là kết tinh vẻ đẹp của giá trị văn hóa cộng đồng, mang cảm thức văn hóa cộng đồng, bởi “Văn hóa của một dân tộc bao giờ cũng được bắt đầu với một nền văn hóa cộng đồng như vậy”.
Võ Thị Thoa
(Trích đoạn trong bài"Hình tượng con người cá thể trong sử thi Tây Nguyên" của Võ Thị Thoa)

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

NHÀ THỜ QUÂN ĐỘI BAN MÊ THUỘT

Đi tìm không gian đã mất..
NHÀ THỜ QUÂN ĐỘI BAN MÊ THUỘT
Năm 1963, chúng tôi theo ba tôi chuyển sở làm từ Cần Thơ lên Ban Mê Thuột, ở trong Khu Gia Binh Trại Cộng Hòa Sở Hành Chính Tài Chính số 3, nằm phía trước Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23.
Ngày ấy, chúng tôi được xin vào học trường tiểu học Quân Đội Độc Lập ở đây, thì đã thấy ngôi thánh đường này rồi. Chúng tôi nghe gọi là nhà thờ Quân Đội, phía trước có bệ đặt tượng ông thánh Gioan Baotixita, nên cũng có người gọi là nhà thờ thánh Gioan Baotixita. Nhà thờ có hai mái hiên thoáng mát rộng rãi, học sinh đi học sớm hay ra đây chơi đùa... nhất là chơi dích hình hay búng dây thun... Còn hang đá Đức Mẹ cũng đã xây dựng từ lúc nào giáp vào trường học, ngoài trường tiểu học còn có trường trung học Hưng Đức nữa, các chị áo dài trắng hay ra ngồi ở mấy hàng ghế đặt sẵn trước hang đá...
Sau này, thi đậu vào trường Tỉnh, đi học có xa hơn, nhưng vẫn hiện hữu qua lại mỗi ngày, nên ít nhiều ăn sâu vào tâm hồn chúng tôi lúc nào không hay. Con đường đi học từ khắp ngã trong các Khu Gia Binh như chỗ chúng tôi ở đều ra con đường nhìn thẳng vào Cổng Sư Đoàn 23/BB gọi là đường Độc Lập vì khu cư xá dành cho sĩ quan mang tên là khu Độc Lập. Ra đến Quốc Lộ 14, bên phải là nhà thờ tuổi thơ của chúng tôi...
Có năm học tiểu học được cha quản nhiệm nhà thờ Quân Đội là Phêrô Lê Hùng Tâm cho đi cắm trại chung với các đoàn thể khác tận dưới Trung Hòa, được chơi trò chơi lớn "Đi tìm mật thư" ... Sau nghe cha đổi về Giáo xứ Châu Sơn... Cha Huân về...
Thời gian dâu bể trôi qua năm 75... những gia đình ở Khu Gia Binh không còn nữa... và nhà thờ Quân Đội cũng có số phận như thế...
Chỉ tìm thấy trên mạng những hình ảnh xưa, riêng tượng ông thánh Giaon Baotixita được đưa về Giáo xứ Châu Sơn.Gp Ban Mê Thuột.
Phạm Đình Đạt.

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

CHUYỆN CON SỐ 13 XUI XẺO

Lan man theo những thiên tai xảy ra khắp nơi...
CHUYỆN CON SỐ 13 XUI XẺO
Nam kỳ Lục tỉnh là chuyện thời nhà Nguyễn. Khi Pháp cai trị Nam kỳ, họ chia thành 20 tỉnh. Hồi đó không biết ai đã đặt ra một bài nửa giống thơ nửa giống vè để dễ nhớ tên các tỉnh. Bài thơ đó như sau:
Gia Châu Hà Rạch Trà
Sa Bến Long Tân Sóc
Thủ Tây Biên Mỹ Bà
Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc.
Mỗi chữ trong bài thơ là chữ đầu của tên tỉnh. Cụ thể như sau:
1. Gia Định
2. Châu Đốc
3. Hà Tiên
4. Rạch Giá
5. Trà Vinh
6. Sa Đéc;
7. Bến Tre;
8. Long Xuyên;
9. Tân An
10. Sóc Trăng
11. Thủ Dầu Một
12. Tây Ninh
13. Biên Hòa
14. Mỹ Tho
15. Bà Rịa
16. Chợ Lớn
17. Vĩnh Long
18. Gò Công
19. Cần Thơ
20. Bạc Liêu.
Đã là từ 1 tới 20 thì tất nhiên trong đó có con số xui là số 13. Các bạn hãy coi thử tỉnh nào mang số xui 13 vậy?
À, đó chính là Biên Hòa!
Xung quanh con số 13 của Biên Hòa này có 2 chuyện ngộ ngộ.
Chuyện thứ nhất là trong lễ tống phong - còn gọi là tống ôn - tức là lễ tống ba cái thứ ôn dịch, tà ma quỷ quái ra khỏi làng được tổ chức ở đền thờ Đoàn văn Cự (Tam Hiệp) vào ngày mồng 4 và 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Tại lễ này, người ta làm một chiếc thuyền nan bằng giấy, trên đó có lễ vật, mang ra sông Đồng Nai và cử hành nghi thức tống nó đi cho trôi tuốt về hạ nguồn sông, coi như tống ôn dịch. Điều đáng nói là trên mũi thuyền có vẽ số 13! Các bô lão giải thích rằng 13 chính là số thứ tự của Biên Hòa trong bài thơ trên!
Chuyện thứ hai là vầy. Hồi đó người Pháp tính xây dựng một nhà thương điên ở Nam kỳ nhưng hổng nơi nào chịu xây ở tỉnh mình hết, vì... sợ xui. Người ta bèn chọn bằng cách coi trong bài thơ trên thằng nào mang số 13 tức là nó xui sẵn rồi, ịn cho nó thêm cái Nhà thương điên cũng hổng xui hơn bao nhiêu. Kết quả là ta có Nhà thương điên Biên Hòa. Chuyện này chắc bịa, nhưng mà vui!
PHAM HOÀI NHÂN
(Trích bài viết "Nam kỳ... hai chục tỉnh" của Phạm Hoài Nhân đăng trênhttp://tachcaphe.com/nam-ky-hai-chuc-tinh/)

CHÈ LỤC TÀU XÁ

Nhớ món chè đậu xanh trên các xe đẩy người Hoa ngày xưa...
CHÈ LỤC TÀU XÁ
Tàu xá là tên gọi theo tiếng Quảng Đông (Trung Quốc), nhưng truy nguyên gốc tên gọi đầy đủ của nó là ” lục tàu xá” (lục đậu sa) nghĩa là đậu xanh nát nhuyễn. Nguyên liệu để nấu tàu xá là đậu xanh, bột báng, trần bì (vỏ quýt khô) và đường cát. Cách nấu ” lục tàu xá” thật là đơn giản.
Đậu xanh tróc vỏ, nấu thật nhừ (nát), bột báng được luộc sơ để bớt đi chất nhớt rồi cho vào nấu cùng với đậu xanh. Khi đậu xanh, bột báng đã chín thì đổ đường cát vào khuấy đều cho đường khỏi bị sít (đường bám vào thành nồi và cháy khét). Trần bì được rửa sạch bằng nước sôi rồi cho vào sau chót.
Tiếp tục nấu chừng vài phút thì chín. Tàu xá chín có dạng đặc, màu ngả vàng (màu của đậu xanh), điểm lên những hạt màu trắng li ti (bột báng) cộng thêm mấy lát trần bì trông thật lạ mắt. Trần bì có ” vai trò rất quan trọng” trong nồi tàu xá, bới nếu thiếu nó thì tàu xá chẳng khác gì các loại chè đậu xanh hay chè bột báng thông thường. Lục tàu xá có mùi thơm lạ, khi chính miệng nếm thử mới cảm hết được hương vị độc đáo của nó.
Cái ngọt của đường cát, vị béo của đậu xanh cộng với vị the của trần bì, ăn vào khói khẩu lạ thường. Tàu xá không chỉ là món ăn ngon mà còn có tác dụng như một ” bài thuốc bổ” , bởi bản thân các nguyên liệu dùng để nấu Tàu xá đều có mang vị thuốc. Đậu xanh: tính mát, giải độc, giải nhiệt, cảm sốt và có tác dụng trừ ô cấu (trừ chất bẩn trong cơ thể); trần bì: có vị đắng the, giúp tiêu thực, thanh đờm, thanh phế quản.
Đó chính là nét độc đáo của món ăn này. Chính vì lục tàu xá là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, vừa có hương vị độc đáo riêng, mà nó đã thành món ăn quen thuộc, ưa thích của phần đông cư dân...
...
Mấy năm gần đây, chè lục tàu xá được nhiều thực khách phương xa đến Hội An rất yêu thích. Trong tiết trời se se lạnh, ngồi bệt bên góc phố nhỏ, gọi cho mình một chén lục tàu xá nóng hổi vừa thổi vừa ăn và lặng ngắm những dòng người qua lại trên thì còn gì thú bằng...
Phan Thị Thanh Ly
(Trích theo bài "Đặc sản xứ Quảng : Chè lục tàu xá" của Phan Thị Thanh Ly đăng trên http://vanghe.blogspot.com/)