Chuyện xứ Thượng...
LỄ TẾ NAM GIAO CUỐI CÙNG VIỆT NAM VÀ VOI "BUÔN CON"
...
Năm 1953, đến thời điểm tổ chức lễ tế Nam Giao. Bà Thái hậu Từ Cung được các nhà chiêm tinh (anciens devins) của triều đình cũ tính toán hộ ngày giờ thuận tiện để làm lễ tế. Bà báo lại cho Cựu hoàng Bảo Đại, (lúc ấy ông đang ở Ban Mê Thuột) biết. Nhận được thông tin này, Cựu hoàng Bảo Đại quyết định sẽ cử hành lễ tế ngay tại Ban Mê Thuột (BMT, và theo đúng phong tục Việt Nam con đâu mẹ phải đến đấy. Bà Từ Cung phải lên BMT với con.
Bảo Đại chọn Buôn Trấp cách xa BMT chừng vài chục cây số, ở cửa rừng trên đường ra Hồ Lak, làm nơi lập đàn tổ chức lễ tế. Ông cho người dẫn đàn voi mấy chục con của ông đến. Những con voi to lớn, dềnh dàng, đồ sộ tập trung thành một vòng tròn để như là lễ tế sống vậy. Năm ấy, chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Cựu hoàng Bảo Đại cho đoàn voi tham dự lễ tế Nam Giao để tỏ lòng tôn kính Trời giống như hơn một trăm năm mươi năm trước (1802), Hoàng đế Gia Long sau khi thống nhất sơn hà, đã xem vai trò của voi như những công thần khai quốc.
Mỗi con voi của Cựu hoàng đều có một “tiểu sử” ly kỳ. Đặc biệt nhất là con Buôn Con – con voi được ông thương nhất và ông đã cỡi nó hằng ngày. Buôn Con là một con voi đực to tướng, cao đến 3m. Lần đầu đến Bản Đôn, vua Bảo Đại được viên chủ làng Kim Jo Nop cho ông mượn Buôn Con để đi săn. Buôn Con là con voi quí giá nhất của Kim Jo Nop. Thấy Buôn Con tinh khôn cực kỳ, vua Bảo Đại mê nó hết sức. Nhà vua nói với Kim Jo Nop: ông muốn mua Buôn Con với bất cứ giá nào. Nhưng không ngờ người chủ làng từ chối quầy quậy và kêu lên:
– ”Người ta có thể lấy vợ tôi, có thể lấy con gái tôi, nhưng không thể lấy Buôn Con của tôi được!”.
Bảo Đại hết sức thất vọng. Nhưng cuối cùng, với sự điều đình của viên Công sứ sở tại, sau khi tổ chức nhiều buổi hội hè, viên chủ làng mềm lòng bán Buôn Con cho vua Bảo Đại...
...
Buôn Con nghe được nhiều thứ tiếng, tiếng Thượng, tiếng Kinh và cả tiếng Pháp. Nó rất quen thuộc các động tác của vua Bảo Đại. Mỗi khi đi săn, bao giờ Buôn Con cũng dừng lại cách con mồi khoảng 40m. Đó là khoảng cách mà Bảo Đại có thể bắn hữu hiệu nhất. Không may, có một lần gặp phải một con hổ tinh quái, nó rình bên đường và bất ngờ nhảy tót lên lưng Buôn Con từ phía sau và cào vào lưng Buôn Con rách một miếng sâu. Vết thương bị nhiễm trùng, Buôn Con đau đớn chảy nước mắt mà không kêu khóc. Vết thương cần phải giải phẫu ở bả vai mới cứu được. Bác sĩ thú y lại không có thuốc tê. Người quản tượng truyền lời vua Bảo Đại bảo nó cần phải chịu đựng đau đớn để giải phẫu. Như thế mới được “hoàng đế” thương và có lợi cho nó. Buôn Con vâng lời nằm. Vì đau đớn nên cả cái thân hình khổng lồ của nó rung lên mà nó không cưỡng được. Nước mắt chảy đầm đìa nhưng nó không hề hé răng lên tiếng. Nhờ được giải phẫu kịp thời, nên đã chữa lành được vết thương cho Buôn Con.
...
Buôn Con rất dữ. Các loài thú khác trông thấy Buôn Con đều sợ hãi và thần phục.
Vào khoảng 3 giờ sáng một ngày tháng 4/1953, bên cửa rừng, ánh đuốc sáng choang, Cựu hoàng Bảo Đại làm lễ tế Nam Giao đúng theo nghi lễ cổ truyền. Trong sự yên tĩnh của núi rừng, giữa thiên nhiên tươi tốt, trời đất như xích lại gần nhau và thật cảm động. Khi kể lại chuyện này Bảo Đại cho là buổi lễ hết sức “thiêng liêng, vĩ đại và cảm động hơn hẳn những lần tế ở Huế”.
Trong buổi lễ Bảo Đại báo cáo với Trời sứ mạng của ông, ông cầu cho đất nước sớm được hoà bình. Buổi lễ kéo đến gần sáng. Có lẽ vì buổi lễ quá dài, một con voi quỳ mọp suốt nhiều giờ mệt mỏi không chịu đựng được nữa, nó chồm dậy rống lên một tiếng và tấn công ngay con voi bên cạnh. Thế là cả vòng tròn voi như một lâu đài giấy bồi ngửa nghiêng trở nên náo loạn và tan nát. Các “quan” mũ áo tả tơi, mạnh ai nấy chạy, cố tránh xa những con vật hung hăng đang trong cơn giận dữ. Cựu hoàng Bảo Đại với phẩm phục đại triều trên mình, không biết chạy đi đâu nên đứng lại tại chỗ. Nhiều lúc con voi điên muốn đến xốc ông lên. Không một người nào nhớ nghĩ đến việc cứu ông. Cựu hoàng Bảo Đại hết sức thất vọng và ông liền nghĩ đến Buôn Con. Ông gọi lớn bằng tiếng Tây:
– “Buôn Con, đến đây với ta và hãy giúp ta dẹp cuộc náo loạn này!”
Và thật lạ lùng. Buôn Con đến với ông và nhận lệnh đi dẹp loạn.
Buôn Con lần lượt đến dỗ dành từng con voi một, những con chạy xa rồi thì nó gọi bằng một vài tiếng hí và chỉ trong vài chục phút tất cả đều trở lại hàng ngũ, trật tự được vãn hồi.
Xong buổi lễ, nhiều người giải thích sự việc này với Cựu hoàng Bảo Đại “đây là một triệu chứng (incident) của nhà Trời”. Triệu chứng báo hiệu chấm dứt vĩnh viễn vai trò chính trị của Bảo Đại.
Nguyễn Đắc Xuân
(Theo Le Dragon d’ Annam, lời kể của bà Mộng Điệp và một viên quản tượng của Bảo Đại).