Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Tủ sách xưa, tuổi hoa xanh... LÁ THUỘC BÀI

Tủ sách xưa, tuổi hoa xanh...
LÁ THUỘC BÀI

...
Đầu tiên, em gặp cô Thục Viên và hỏi cô có biết lá thuộc bài không ? Cô đáp :
- Lá trắc bá diệp chớ gì.
Vậy là cô biết rất rõ. Em lại hỏi :
- Thưa cô, tại sao người lớn lại bịa đặt với trẻ con rằng ai có chiếc lá thuộc bài sẽ học giỏi ?
- Đâu phải vậy. Người ta nói là ai có chiếc lá thuộc bài để vào bài học nào sẽ thuộc bài học ấy mà khỏi phải học chớ.
- Sao vậy cô ?
- Hương không biết thật à ?
- Vâng.
- Thế Hương có biết chuyện chuồn chuồn cắn rốn ba lần thì biết bơi không ?
- Em biết.
- Thì đấy, chuyện ấy hay chuyện lá thuộc bài đều nhằm tạo cho đứa trẻ một niềm tin...
- Tạo một niềm tin ?
- Đúng vậy. Theo cô, đáng lẽ người ta nói như thế này mới đúng : "Nếu để chiếc lá thuộc bài nơi bài học, sẽ học bài dễ thuộc hơn", hoặc là : "Cho chuồn chuồn cắn rốn ba lần, sẽ mau biết bơi hơn"...
Cô Thục Viên lại cho em biết thêm nhiều chuyện khác :
- Cô đố Bảo Hương chớ tại sao người ta lại bảo trẻ con mà ăn chân gà thì tay run, viết chữ xấu ?
- Viết chữ xấu thật đó cô.
Cô Thục Viên cười ngặt nghẽo :
- Đó, thấy chưa. Bảo Hương mà còn tin thì khỏi nói những đứa trẻ ít tuổi hơn. Sự thật là thế này : Chân gà có rất nhiều xương nhỏ, ăn không khéo có thể bị hóc xương. Vì sợ trẻ con bị hóc xương, người ta mới nói "Ăn xương gà tay run, viết chữ xấu". Đứa trẻ nào đi học mà không sợ viết chữ xấu, thành ra chẳng đứa nào dám ăn chân gà cả...
- Thì ra vậy...
- Lại còn chuyện ăn ốc nói mò nữa...
- Cô giải thích đi cô.
- Cô đoán là thế này. Khi ăn ốc, người ta thường dễ bị dị ứng như nổi mề đay, nếu cơ thể không hợp. Một lý do khác có thể là ăn ốc, người ta dễ bị... nhột bụng. Bởi vậy mới bịa ra câu "ăn ốc nói mò".
Cô Thục Viên dừng lời một chút rồi hỏi em :
- Nhưng mà Bảo Hương chưa cho cô biết tại sao bỗng dưng em lại hỏi cô chuyện lá thuộc bài ?
Em chưa muốn cho cô Thục Viên biết chuyện ba em cho em chiếc lá thuộc bài. Em nói :
- Tại... em nhặt được một chiếc lá thuộc bài. Em hỏi nhỏ bạn, nó nói tên và công dụng của chiếc lá. Em chưa tin nên phải hỏi cô cho rõ...
- Phải đó. Tin làm sao được mà tin. Nếu quả đúng ai có lá thuộc bài thì học giỏi, thì làm gì có người phải xếp hạng... bốn mươi lăm trong lớp !
Em cười khúc khích theo cô Thục Viên
...
(Trích đoạn trong Chương 5-Chiếc Lá Thuộc Bài của Nguyễn Thái Hải)
...
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường…” của thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ, có nhiều thứ sưu tập trong chuỗi ngày thơ mộng của tuổi học trò, nhất là các bạn nữ. Trong đó, “chiếc lá thuộc bài” là một thứ không thể thiếu trong hành trang “đi học” của các bạn!
...
Ngày nay, các bạn học sinh tiểu học chắc không có ai biết sưu tầm những “chiếc lá thuộc bài” như thế hệ chúng tôi ngày xưa đâu nhỉ? Chiếc lá coi đơn sơ vậy đó, chứ nó gắn bó với bọn học sinh chúng tôi từ lớp Năm cho đến lớp Nhất (lớp một đến lớp năm bây giờ). Thậm chí khi vào đệ thất (lớp sáu) rồi, có bạn nữ vẫn còn lưu giữ những chiếc lá thuộc bài của một thời tiểu học, làm hành trang đi hết quãng đời hoa mộng của lứa tuổi học sinh! Không biết bây giờ Thuý và các bạn học chung của tôi hồi ấy có còn nhớ về chiếc lá thuộc bài này không nhỉ? Chắc là không, vì nó đã xưa…xưa lắm rồi! Hơn bốn mươi năm rồi, còn gì!
(Trích đoạn Chiếc Lá Thuộc Bài của Hoàng Đức đăng trênhttp://sankhaucailuong.com/)





Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Trò chơi ngày xưa... THIÊN ĐÀNG - ĐỊA NGỤC

Trò chơi ngày xưa...
THIÊN ĐÀNG ĐỊA NGỤC HAI BÊN
Cách đây vài mươi năm nơi các làng quê Xứ Đạo, bọn trẻ con vẫn còn chơi cái trò gọi là Thiên Đàng Hỏa Ngục. Hai đứa đứng đối diện cầm tay giơ cao thành một cái vòm, những đứa còn lại rồng rắn vịn vai nhau vừa khom lưng dậm chân bước qua vừa đọc mấy câu đồng dao thế này:
“Thiên Đàng Hỏa Ngục hai bên
Ai khôn thì dại ai dại thì khôn.
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện nhớ cha linh hồn.
Linh hồn phải nhớ linh hồn
Đến khi gần chết được lên Thiên Đàng”
Khi vừa đọc dứt câu “được lên Thiên Đàng” thì cái vòm ấy cụp xuống để chia thành hai bên, bên qua được thì lên Thiên Đàng còn bên chưa qua thì xuống… Hỏa Ngục, tức bị thua ! Cả bên được lên cũng như bên thua đều cười hỉ hả vì đó chỉ là trò chơi và chúng có thể tiếp tục chơi cái trò này bất cứ lúc nào. Đối với bọn trẻ con đó chỉ là một thứ trò chơi, dù lên Thiên Đàng hay xuống Hỏa Ngục cũng chẳng nghĩa lý gì...
(Trích trong bài "Thiên đàng hỏa ngục hai bên" của Phùng Văn Hóa đăng trên http://www.trungtammucvudcct.com/)
...
Ai khôn thì lại ai dại thì qua
Đêm nằm nhớ chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện kẻo xa linh hồn
Linh hồn phải giữ...
Thằng Tâm mới đọc đến đó thì bọn trẻ dàn ra. Ở khi đất này bọn trẻ đã chế biến một thứ trò chơi của hầu hết trẻ con miền Nam với bài hát đọc được như trên. Đó là trò chơi "Bắt linh hồn" theo thằng Phước hoặc giản dị hơn, cứ lấy theo câu đầu của bài hát như con Nhạn đề nghị, trò chơi "Thiên đàng địa ngục hai bên".
Thiên đàng địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại ai dại thì qua
"Này Tâm, dại thì qua cái gì mày?" Thằng Phước hỏi, và chưa kịp để thằng Tâm suy nghĩ trả lời, nói tiếp:
"Dại thì xa chứ?"
"Xa cái gì?" Thằng Tâm cãi.
"Xa địa ngục chứ xa cái gì nữa!"
"Vậy mày nói xa địa ngục là dại à? vì như thế bài hát nói "Ai khôn thì lại Thiên đàng và ai dại thì sa Địa Ngục".Vậy ai cũng khôn chứ có ai dại!"
......
"Thưa ông Thiên đàng là gì ạ?" Nhạn đành phải hỏi câu hỏi của Phước.
Ông lão chưa biết trả lời sao thì Tâm đã đọc mấy câu hát.
Đêm nằm nhớ chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện kẻo xa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi…
Cả bọn – kể cả Ái – đồng thanh:
Đến khi gần chết được lên Thiên đàng
Cả bọn im lặng. Nhạn liếng thoắng:
"Thiên đàng ở đâu hở ông?"
Tâm không mong gì ông lão trả lời nên hát lại:
Thiên đàng, Địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại ai dại thì qua
"Qua cái gì mày? xa chứ, bắt tao chữa lại mãi sao? Nghe đây:
Thiên đàng Địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại ai dại thì ra”
Bấy giờ ông lão mới lên tiếng như trở lại điệp khúc:
"Khôn cái gì? Dại cái gì?"
Nghỉ một lát lão tiếp:
"Địa ngục với Thiên đàng ở đâu mà chẳng có.”
...
(Trích đoạn trong truyện ngắn "Thiên Đàng Địa Ngục Hai Bên" của nhà văn Nguyễn Đức Sơn đăng trên trang Sài Gòn Di Sản)

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Nhớ về bài học thuộc lòng ngày xưa... BỮA CƠM NGON

Nhớ về bài học thuộc lòng ngày xưa...
BỮA CƠM NGON
Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa,
Mắt trông con đứa đứa về dần,
Xa xa con đã tới gần,
Các con về đủ quây quần bữa ăn,
Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon, nhà khó cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm dòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà.
(Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu)
...
Bữa cơm gia đình năm xưa sao mà đầm ấm hạnh phúc quá. Đây cũng là nơi chúng tôi có được những bài học nhớ đời về đạo hiếu, lễ nghĩa biết kính trên, nhường dưới, biết đối nhân xử thế…Vừa ăn, ông vừa dạy, ở đời con người ta sống được nhờ cái ăn cái mặc, còn một thứ vô cùng quý đó là hạnh phúc: vợ chồng, gia đình, hòa thuận cũng là hạnh phúc…Bữa cơm đầy đủ, vui vẻ đó cũng là một thứ hạnh phúc không thể thiếu sau buổi lao động mệt nhọc. Ngồi lại với nhau ăn cơm nhường nhau từ miếng ăn, gắp miếng ngon cho nhau thể hiện tình thương yêu chăm sóc vô cùng quý giá. Qua bữa ăn, ta cũng đoán được sức khỏe mọi người, đoán được tâm lý riêng tư, biết được ước vọng và mong muốn về tương lai…và có những lời giải đáp thắc mắc hữu hiệu nhất cho con cái.
...
Bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng, nó nói lên tất cả từ tình yêu thương đến đạo đức, lòng hiếu thảo, sự chăm sóc, một bài học không thầy mà chỉ có ông ba, cha mẹ anh em dạy nhau, vô cùng bổ ích cho cả đời không sao kể hết.
...
(Trích theo "Bữa cơm gia đình ngày càng hiếm hoi!" của hoidantochoc.org.vn)
*Bài Học Thuộc Lòng trên được trích trong bài thơ :
Cảnh vui của nhà nghèo
Tản Đà
Trong trần thế cảnh nghèo là khổ
Nỗi sinh nhai khốn khó qua ngày
Quanh năm gạo chịu tiền vay
Vợ chồng lo tính hôm rày hôm mai.
áo lành rách vá may đắp điếm
Nhà ở thuê chật hẹp quanh co
Tạm yên đủ ấm vừa no
Cái buồn khôn xiết, cái lo khôn cùng.
Con đi học con bồng con dắt
Lớn chưa khôn lắt nhắt thơ ngây,
Hôm hôm lớn bé sum vầy
Cũng nên vui vẻ mà khuây nỗi buồn.
Nghĩ thiên hạ cho con đi học
Cảnh phong lưu phú túc nói chi!
Những ai bần bạc hàn vi
Lo buồn, đã vậy, vui thì cũng vui.
Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần.
Xa xa con đã tới gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn.
Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon, nhà khó cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm giòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà.
ăn rồi học, tối qua lại sáng,
ít tiền tiêu ngày tháng thảnh thơi,
Chiều chiều tối tối mai mai
Miễn sao no đủ, việc đời quản chi!
Con nhà khó nhiều khi vất vả,
Ngoài học đường thư thả được đâu,
Khi thời quẩy nước tưới rau
Chợ tan đón gánh theo sau mẹ già.
Việc giấy bút vẫn là đi học
Cảnh gia đình khó nhọc nhường ai?
Ví chăng có chí có tài
Khi nên, trời cũng cho người làm nên.
Khắp xã hội nghèo hèn ai đó
Mẹ thương con thời cố công nuôi.
Những con nhà khó kia ơi
Có thương cha mẹ thời vui học hành!
Cũng chẳng kể thành danh lúc khác
Trời đã cho bước bước càng hay
Nghèo mà học được như nay
Vinh hoa chưa dễ sánh tày cái vui.
Trong trần thế nhiều nơi phú quí
Nỗi buồn riêng ai ví như ai?
Bày ra cái cảnh có trời
Vui buồn cũng ở tự người thế gian.
Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

" GÙI BUÔN "... LÊN PHỐ!

Trong nhịp sống phố chợ Ban mê...
" GÙI BUÔN "... LÊN PHỐ!
Thành phố Buôn Ma Thuột - “buôn của cha thằng Thuột” (theo tiếng Êđê) giờ đây đang chuyển mình, phát triển đến chóng mặt, tuy nhiên những nét xưa cũ trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Êđê nơi đây chẳng đổi thay nhiều. Những buôn làng như Akô Dhông, Kô Siêr, Alê A, Alê B… vẫn còn đó nét xưa, nếp nhà dài vẫn nằm ẩn mình dưới những tán cây. Thu nhập kinh tế của bà con chủ yếu vẫn dựa vào việc sản xuất cà phê, làm lúa rẫy, hay trồng các loại rau quả quanh nhà. Những phụ nữ Êđê, ngày ngày lại cõng sau lưng những gùi hàng nặng trĩu lên phố bán tăng thêm thu nhập. Đó là những gùi hàng nông sản, thực phẩm, các loại hoa quả, thảo mộc đã sơ chế hay còn tươi nguyên.
...
Rảo bước qua nhiều tuyến đường gần các khu chợ lớn trong nội thành như chợ C Buôn Ma Thuột, chợ Tân An, chợ Phạm Ngũ Lão…, hình ảnh những gùi hàng cũng rất dễ bắt gặp. Điều đặc biệt, hàng hóa bao giờ cũng để trong gùi, không thấy có cảnh chèo kéo như ở chợ. Có khách, người bán nở nụ cười nói giá các mặt hàng mình bán với giọng lơ lớ. Mỗi mớ hàng bán được, người bán đều tỏ lòng cảm ơn và nở nụ cười hiền hậu.
Với những gùi hàng ấy, hôm nào may mắn bán hết thì về sớm, bán không hết, dù chỉ còn chút ít thì những người phụ nữ Êđê cũng gùi về hôm sau lại gùi lên bán tiếp mà chẳng bán rẻ hay cho đi. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, cho đó là kỳ cục, nhưng đó là nét văn hóa, là sinh hoạt quen thuộc của đồng bào Êđê nơi đây. Và “gùi hàng lên phố” có thể nói đã trở thành nét “văn hóa chợ” đặc trưng của các thiếu nữ, các amí nơi phố núi này.
(Trích bài "Gùi buôn... lên phố!" của Hà Lê đăng trên http://baodaklak.vn/)


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Tuổi thơ ơi... TRÁI THÙ LÙ

Tuổi thơ ơi...
TRÁI THÙ LÙ
Theo mùa thù lù lớn nhanh và bắt đầu xuất hiện những nụ hoa ở mép lá. Hoa lớn dần và vào một buổi sáng mùa hè bất chợt bung lớp vỏ vàng rực mỏng manh, chói chang trong nắng hè. Rồi không lâu sau, những cánh hoa rụng, khoe trái non xanh bé tẹo xinh xắn. Chúng đong đưa như những lồng đèn, theo cơn mưa dầm, chúng lớn dần và từ sắc xanh, những trái thù lù chuyển mình khi lớp vỏ giấy mỏng tang ngả màu vàng, bên trong là trái chín mọng màu đỏ no tròn, bóng nhẵn. Nhất định khi đó bọn trẻ bỏ ngủ trưa, len lén chân trần lùng sục khắp ngõ ngách vườn quê để tìm trái thù lù. Tuổi thơ ngày hè ngọt lịm tiếng cười.
...
(Trích trong "Thù lù quê" của Nguyễn Hoàng Nhân )
...
Cứ tưởng tượng khi ngậm trái thù lù mát rượi vào miệng rồi cắn nhẹ. Cảm giác đầu tiên là chất nước ngọt ngào ứa ra rồi sau đó là những hạt nhỏ khi nhai có vị chua làm tê đầu lưỡi. Vị ngọt và chua hòa quyện lẫn nhau tạo nên một cảm giác thật khó mà diễn tả. Nó làm dịu lại những thèm khát lâu ngày.
Mỗi lần lên thăm mộ Mẹ trúng mùa trĩu quả, tôi thật không thấy niềm vui sướng nào bằng. Trong trí tưởng tượng của tôi ngày đó,tôi cứ nghĩ là Mẹ đã trồng cây thù lù này dành cho anh em tôi. Bởi vì,trải dài qua hai ngọn đồi rộng lớn của khu Mả Thánh chỉ toàn là loại cỏ tranh và cây ngũ sắc. Thưa thớt, có vài lùm bụi sim rừng và những cụm bông vạn thọ, loại bông vạn thọ núi hoa nhỏ có màu vàng pha đỏ sặc sỡ và lá nhỏ màu xanh đen đến mùa nắng trở màu vàng cháy.. Vậy mà, bên cạnh mộ Mẹ tôi lại có cây thù lù quanh năm tranh sống với loài cỏ tranh, một loại cỏ không chịu chung chạ với bất cứ loại cây nhỏ nào. Như một phép lạ, cây thù lù vẫn cứ vươn mình ngạo nghễ và cứ vẫn đều đặn ra hoa đậu quả. Teo tóp khô cằn trong mùa Đông nghiệt ngã rồi lại đâm chồi nẩy lộc vào độ Xuân qua để kịp cho những quả mọng vàng bóng lưỡng vào mùa Hè.
Đó cũng là lý do tôi thường lên thăm mộ Mẹ vào mùa Hè. Khu nghĩa trang vắng lặng vàng hoe dưới ánh nắng. Những lùm cỏ tranh đã đến kỳ vàng cháy, ngả nghiêng xơ xác. Cây thù lù bên cạnh mộ Mẹ tôi vẫn giữ nét phong độ của những ngày Xuân. Lá tuy thưa thớt ngả vàng nhưng thân mộc vẫn sung mãn vươn lên oằn sai những quả. Lớp thì đang vàng chín trên cây, lớp thì chín muồi rụng xuống.
Mỗi lần lên thăm mộ, hai anh em tôi tranh nhau lượm quả chín. Anh tôi thì lúc nào cũng có vẻ chậm chạp ( sau nay tôi mới nghĩ ra là anh có ý nhường nhịn cho tôi ) nên phần anh giành được rất ít. Lượm trái rụng xong lại giành nhau hái những trái chín vàng trên cây, Sau đó, hai anh em nằm ngả ra đám cỏ tranh khô, vàng cháy nheo mắt nhìn những đám mây trời và bắt đầu nhâm nhi từng trái thù lù. Mây trời khi tụ khi tan, biến dạng thành những hình thù quái dị theo trí tưởng tượng của chúng tôi.
...
Cuộc sống rày đây mai đó đã đẩy xa tôi những cảm giác ngày xưa và lại càng không có dịp tìm lại hương vị của những giờ phút nằm ngắm mây trời, nhâm nhi từng trái ngọt. Thi thoảng, có về thăm nhưng vào những dịp trái mùa...Theo thời gian, thân gốc tuy đã già nua cằn cỗi nhưng vẫn tranh sống với loài cỏ tranh,vẫn xanh tốt xum xuê.
Những ngày xa quê, tôi vẫn còn giữ y nguyên những kỷ niệm thời thơ ấu với vị ngọt ngào chua thanh của trái thù lù chín tới. Mãi mãi trong đời, tôi chẳng thể nào quên được…
(Trích đoạn Trái Thù Lù của Trần Huy Sao đăng trên Cõi Thơ Trần-http://coithotranhuysao.blogspot.com/2011/…/trai-thu-lu.html)


HOA FORGET ME NOT

Chuyện về một loài hoa mang tên tiếng Anh...
HOA FORGET ME NOT
Người Dalat như tôi hay gọi loài hoa có màu xanh tím rất dễ thương vừa mọc hoang trong vườn, vừa được trồng trong những bụm đất nho nhỏ trên bậu cửa sổ này là hoa Forget. Gọi thế cho thân thương chứ chả mấy ai gọi đầy đủ là hoa Forget me not hay hoa "Xin đừng quên tôi" giống truyện ngắn gì đó viết về “Hoa lưu ly ven hồ”. Thỉnh thoảng, nếu có người bạn phương xa về thăm Dalat, ngồi chơi, suýt xoa ngắm những đóa hoa nho nhỏ được ép khô trong tập lưu niệm, trên những cánh thiệp hay dừng chân ngơ ngẩn trước một ban công tím, chúng tôi lại sung sướng tự hào giới thiệu: Đấy, là hoa Forget đấy...
...
Vì thế nên bây giờ Forget - thậm chí đôi lúc còn hoá thành Violet - hay vẫn cứ là Lưu Ly, rất hồn nhiên, tươi trẻ, và đương nhiên, cứ “tím biếc” qua từng câu chuyện kể mang bóng dáng nửa cổ tích, nửa văn chương trong cuộc tao ngộ…
Sau này tôi được đọc một bài viết khoa học về hoa Forget, tác giả cho rằng người Dalat đã nhầm. Forget me not "của người Đà Lạt" thuộc họ Browallia chứ không phải là Forget me not “của người châu Âu”...
Khổ nổi, tôi - và nhiều người Dalat yêu Forget như tôi - đã trót mang loài hoa Forget - Lưu Ly - Violet vào sâu trong mỗi kỷ niệm của mình nên việc phân loại họ hàng loài hoa tím biếc này trở nên chẳng cần thiết. Thế nhưng thỉnh thoảng lại mơ hồ, bảng lảng đặt cho mình câu hỏi “là Lưu ly hay là Forget…?” khi bất ngờ gặp lại sắc tím ngọt ngào và mùi hương nhung nhớ giữa những cung đường vừa lạ, vừa quen…
(Trích trong "Đắm say những cung đường tím biếc" của Website Đi Tìm Tri Thức http://diemmynguyen6123.violet.vn/)
*Theo một truyền thuyết Đức, ngày kia, một đôi tình nhân dạo chơi ven dòng sông Đu-nai (Danube). Nhìn thấy một đóa hoa màu thiên thanh trôi dật dờ trên sóng nước, cô gái bảo chàng trai nhặt chiếc hoa. Chàng trai nhảy xuống nước, nhặt được đóa hoa nhưng bị nước cuốn trôi. Trước khi chìm hẳn xuống dưới mặt nước, chàng trai ném đóa hoa vào bờ cho cô gái và thốt lên ?Forget me not? (Đừng quên anh!).

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

NHÀ CỦA TA

Những bài hát sinh hoạt đoàn thể ngày xưa...
NHÀ CỦA TA
Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà
Xóm làng là làng của ta
Xương máu ông cha làm ra
Chúng ta phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà
Cánh đồng đơm đầy hương hoa
Công khó dân ta làm ra
Quyết tâm ta gìn giữ lấy
Nuôi nhau chung sống một nhà
Xóm giềng là tình quê hương
Chung sống vui bên ruộng nương
Có nhau để cùng chung sức
Vươn lên non nước hùng cường
Cõi đời là đời của ta
Nuôi dưỡng công lao mẹ cha
Lớn khôn để gìn giữ nước
Thay nhau xây đắp sơn hà
Đây là một trong rất nhiều ca khúc phổ biến của sinh hoạt học đường và hướng đạo trước 1975, có lẽ các thế hệ cha anh mình không ai là không thuộc. Ca khúc với giai điệu mộc mạc, được hát một cách tự nhiên, sảng khoái trong tâm thế tự tin là những người làm chủ đất nước. Không khó để tìm ra tác giả là linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích. Ông được biết đến với bút hiệu Sảng Đình (1891 – 1978). Lm. Nguyễn Văn Thích còn là nhà giáo, nhà báo và nhà thơ; người sáng lập ra báo Vì Chúa và từng cộng tác với báo Nguồn Sống, tạp chí Đại học Huế, Cổ học Quí san…
(St)
*Ảnh: Trẻ ở buôn cổ M'Liêng - Đăk Lăk . Tác giả: Ngtthuy86 .

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

HƯƠNG BỒ KẾT

Mùi của nhớ...
HƯƠNG BỒ KẾT


...
Ngày ấy, nhà tôi trồng một cây bồ kết ở góc vườn. Mỗi năm tới mùa, chị em tôi chờ những quả bồ kết già rụng xuống rồi mang rổ ra nhặt cho mẹ đem phơi. Tuần hai lần, mẹ nướng bồ kết trên than để đun nước gội đầu cho con gái. Mùi tinh dầu bồ kết rất thơm. Mẹ bảo những người đang bị ngạt mũi, sổ mũi hít lấy hương này sẽ thông ngay lập tức. Khi bồ kết trở vàng, thơm ngào ngạt là được. Mẹ thường nấu bồ kết chung với sả, hoa bưởi, hương nhu tạo nên hương thơm quyến rũ đến kỳ lạ.
Gội đầu bồ kết, thích thú nhất được mẹ đổ chầm chậm cái thứ nước nong nóng màu cánh gián, sánh sánh có mùi thơm đặc trưng ngạt ngào đến khó tả của bồ kết, hương nhu, vỏ bưởi khô, lá sả… hòa quyện. Cảm giác yên bình, nhẹ nhõm khi dòng nước chảy tràn lên mái tóc rồi thấm xuống da đầu. Mùi thơm vương vương mãi trên mái tóc. Nhưng thích thú hơn cả là vừa gội mẹ vừa kể chuyện ngày xửa ngày xưa...
(Trích đoạn trong "Hương bồ kết quê nhà!" của Ngọc Diệp đăng trênhttp://danviet.vn/)
...
Mái tóc dài đen tuyền và láng mướt, thoang thoảng hương thơm trái bồ kết gội đầu, một loại hương đã ngấm sâu trong tiềm thức của Tôn. “Cô bé này chắc từ Việt Nam mới sang”, chàng thầm nghĩ, rồi cất tiếng hỏi :
– Xin lỗi, cô từ Việt Nam mới qua Mỹ?
– Thưa Bác không ạ. Với giọng Huế ngọt ngào, nàng từ tốn tiếp:
– Cháu qua Mỹ đã 8 năm rồi.
Sống ở cái xứ khoa học công nghiệp hóa chất, mọi sản phẩm đều bào chế sẵn mà cô gái nầy còn giữ được thói quen dùng nước bồ kết, lá chanh gội đầu, khiến Tôn tò mò :
– Tám năm sống ở Mỹ mà cô vẫn giữ được thói quen gội đầu bằng đặc sản quê hương. Người Việt như thế thật hiếm thấy.
...
(Trích đoạn trong truyện ngắn HƯƠNG BỒ KẾT của Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích) đăng trên http://newvietart.com/)
Xứ Thượng...
BUÔN JUN
Buôn Jun là một trong những buôn làng đẹp nhất của đồng bào dân tộc tại tỉnh Đắc Lắc, buôn nằm nép mình bên hồ Lăk thơ mộng với cảnh đẹp hoang sơ của thiên nhiên...
Buôn Jun – cái buôn tâm điểm của xứ Lak, vì chỉ có nó mới thò ra hồ Lăk (tiếng M’nông “Jun” có nghĩa là thò ra, lồi ra) – vẫn ngạo nghễ mấy chục căn nhà dài lê thê như thế suốt bao đời qua.
Đã đến đây là phải vào những buôn làng các dân tộc thiểu số thì mới thỏa chí tang bồng của người thích khám phá. Cuộc sống trong đó còn hoang sơ nhưng cực kỳ ấn tượng” - một già làng ở buôn Jun nói với chúng tôi như vậy. Buôn Jun của người M’Nông R’lăm với hơn 30 nóc nhà. Khác với người M’Nông Gar thường ở nhà trệt, người M’Nông R’lăm ở nhà sàn dài như người Êđê, kỹ thuật xây dựng nhà sàn dài còn ở trình độ thô sơ, chủ yếu là buộc và ngàm. Những căn nhà sàn bằng gỗ nằm san sát nhau tạo thành một “con phố nhà sàn” thật lạ mắt. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Cách buôn Jun không xa là cả một cánh đồng cò bay thẳng cánh với màu xanh ngút ngàn của ruộng lúa vào mùa. Nhà nào không làm ruộng thì vào sâu trong rừng tìm mảnh đất nhỏ trồng trọt mấy thứ cây ngắn ngày.
(Trích trong "Sống cùng dòng sông" của Phi Long đăng trên báo Tuổi Trẻ Online)
Ban mê nhớ...
BÚN RIÊU

...
Vị ngọt của bún riêu Ban Mê không thanh như riêu cua nhưng đậm đà và thanh. Nước bún trong và có chút màu cam nhạt, màu cam nhạt này chính là từ màu dầu điều được khuấy lên, tan vào trong nước. Chút váng màu điều cam nổi trên bề mặt tô bún tạo nên sự hài hòa màu sắc trắng – xanh – cam - đỏ - nâu của bún – hành lá – màu điều – cà chua – hành phi. Hoàn toàn không đơn điệu và nhạt nhẽo như sự tưởng tượng khi thực khách nhìn vào các nguyên liệu của bún riêu. Đĩa rau sống giòn, ngọt mát tạo nên cái cảm giác ngon miệng lạ lùng...
dường như những thứ gì quen thuộc thường bao giờ cũng đẹp hơn, ngon hơn trong mắt mỗi người. Người Ban Mê cũng như thế, vốn đã quen với hình ảnh tô bún riêu màu sắc nhẹ nhàng hài hòa bên đĩa rau thái mỏng bắt mắt là hình ảnh quen thuộc trong tim mỗi con người Ban Mê. Thế nên dù tha hương nơi xa họ vẫn tìm cho được tô bún quê nhà để không chỉ ăn cho xong một bữa mà còn để thỏa cái nỗi nhớ Ban Mê, cái xứ bụi mù trời trong những tháng nắng, ướt át và lạnh trong tháng mưa, nơi nhịp sống cứ nhè nhẹ, chầm chậm trôi đi...
(Theo nguồn http://www.foody.vn/)
...
Ngay từ cuối những năm 80, đầu 90, thời kinh tế còn khó khăn. Thuở ấy, lứa chúng tôi là các học sinh tiểu học Lê Hồng Phong. Mỗi lần đi ngang qua quán "bún riêu bà Cầm", đối diện nhà máy nước nước đá không khỏi thèm thuồng bởi mùi thơm của riêu tôm, mùi của trứng...và nhất là nghe được mùi mắm tôm và tóp mỡ đang bốc ra từ tô bún nghi nghút khói của vị khách nào đó. Quán nhỏ nằm ở góc đường Phan Bội Châu và Mạc Thị Bưởi, khách ngồi vào bàn trên các ghế gỗ dài, đôi khi nó cập kênh, nhưng chẳng hề gì, người thì bưng, người thì cúi xuống bàn húp, nhưng lúc nào cũng đông nghịt khách, liếc qua thì thấy những rổ rau sống thái thật hấp dẫn. Lúc ấy đi ăn sáng ở ngoài đã là một cái thú xa xỉ, thường thì ăn xôi, ăn cơm rang... Nhà nào kinh tế khá giả thì mới có thể đi ăn sáng ở ngoài như bún riêu, phở Nguyên, bún Bà Mô...
...
Tôi đi nhiều tỉnh thành, cả cái xứ sở rau Đà Lạt, bún riêu Buôn Ma Thuột vẫn là số 1 vì rau sống thái sợi ngon tuyệt vời. Không có nơi nào ở Việt Nam có rau ăn với bún riêu và bún giò mà có cái kiểu rau sống như ở Ban Mê cả.
...
*Hình ảnh trong Quán gần trường cấp III Buôn Ma Thuột.
(Theo nguồn http://www.oto-hui.com/)


Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Tủ sách xưa, tuổi hoa tím...
HOA BÂNG KHUÂNG
Tác giả : Thùy An
Hình ảnh loài hoa nhỏ mầu tím thẫm trở thành một kỷ niệm êm đềm trong suốt quãng thời thơ ấu hồn nhiên của em. Loài hoa mọc từng đám ven dốc những ngọn đèo đã quyến rũ em thật sự mỗi lần em theo ba me vào Đà Nẵng thăm bác Lộc. Em còn nhớ mãi những buổi chiều mùa hè hoàng hôn buông chậm, rừng hoa dại tím ngắt không gian đã gợi nguồn thi hứng cho em ghi được những vần thơ đầu đời vụng dại nhất để ca tụng mầu hoa đó. Có một lần xe bị nổ lốp trên đèo, em phải xuống xe chờ thay bánh mới, em đã men theo một quãng xa để hái cho được cành hoa tím chạy lại hỏi me:
- Hoa chi ri me?
Me nhìn thật lâu vào những cánh hoa tím li ti đính dài trên một cuống thật nhỏ kéo ra tận cùng bằng một cái đuôi cong, rồi lắc đầu:
- Me chịu.
...
Em đành áp cành hoa vào má, suy nghĩ mông lung, thôi em đặt cho nó là loài hoa không tên vậy. Mãi đến khi gặp Bình, quen Bình, em mới biết được tên loài hoa kỷ niệm này ...
...
Em nhìn vùng hoa tím bao la trước mặt, chợt nghe lòng buồn buồn :
- Cầm buồn thiệt vô duyên chi lạ, anh biết không, khi hồi, nghe thầy Sơn nói đến tên hoa đuôi chuột, tự nhiên Cầm thấy chán đời chi lạ, Cầm không ngờ loài hoa đẹp rứa lại có tên quá thô lỗ, khác hẳn với cái tên do Cầm đặt ra.
Bình nheo mắt:
- Cầm đặt tên chúng là chi ?
- Loài hoa tím không tên.
Bình lắc đầu:
- Có tên chứ, tên chúng thật đẹp, thật nên thơ Cầm à.
Em ngạc nhiên:
- Chớ không phải hoa đuôi chuột hả anh.?
- Đó là tiếng địa phương, chứ còn trong lãnh vực văn chương người ta gọi chúng là hoa Bâng Khuâng.
Em nói như trong mơ:
- Hoa Bâng Khuâng... hoa Bâng Khuâng... ồ tuyệt quá. Anh Bình, anh nói thật không?
- Thật chớ, tên hoa có nguyên cớ hẳn hòi, để khi nào rảnh, tôi kể Cầm nghe, một thiên tình sử cảm động lắm.
...
(Trích đoạn CHƯƠNG I_HOA BÂNG KHUÂNG của Thùy An)
* Hoa Bâng Khuâng (1970)
... lần này nhất định viết một truyện Hoa Tím, có chút tình yêu sẽ thi vị hơn.
Nhớ những lần đi từ Đà Nẵng ra Huế, qua các đèo Phước Tường, Phú Gia, Hải Vân … tôi thường dán mắt vào cửa kính say sưa ngắm những sườn đồi chập chùng một loài hoa tím rất nên thơ. Vậy là Hoa Bâng Khuâng ra đời, vẫn là không gian Huế, lồng trong một chuyện tình rất dễ thương và một chuyện tình đầy vụ lợi. Bìa Vi Vi vẽ được phóng to treo trong phòng bác Bích Thủy (bà Trường Sơn), nhưng tôi thấy lần này, Vi Vi vẽ không giống loài hoa như tôi mô tả, và cô gái mặc áo lụa vàng thay vì màu xanh như tôi đề nghị nên không đúng với nội dung. Trong Hoa Bâng Khuâng, tôi tâm đắc nhất là đoạn Bình và Nguyệt Cầm hò hẹn trên đồi Thiên An, khi anh đọc thơ:
“ Hoa bâng khuâng… hoa bâng khuâng,
em đi dìu dịu gót sen trần,
cho anh nắm nhẹ bàn tay nhỏ,
để thả hồn mơ dáng Nguyệt Cầm…”
rồi nói: “Khi yêu, ai cũng trở thành thi sĩ cả”
(Trích trong bút ký Thùy An - 50 năm nhìn lại…đăng trênhttp://nhavantphcm.com.vn/)




Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Dưới bóng rừng cao su...
TUỔI THƠ TÔI
...
Tôi hồn nhiên chơi, tự mình khám phá rừng cao su, để công việc lượm củi cho chị và anh gánh vác. Cũng có khi tôi thích ngắm nhìn bầu trời qua những tán cây cao su. Hình như lúc ấy trời trong xanh hơn và cao hơn. Tôi cứ nghểnh cổ, xoay mình mà ngắm nghía, mà tưởng tượng. Qua những kẽ lá xanh mát, những tia nắng như những bông hoa lung linh. Tôi thả bổng trí tưởng tượng mà thấy thích thú vô cùng, một cảm giác gần gũi và bình yên lạ. Dần dần tôi phát hiện, rừng cao su không có vẻ đáng sợ như người ta thường hay nói mà rất đỗi thân quen. Có những hôm trưa nắng, trái cao su nổ hạt, mỗi lần nghe tiếng nổ là tôi và đứa em trai tranh nhau chạy lại nhặt.
Trong ba tháng hè, mấy chị em tôi phụ ba mẹ lượm củi dùng cho cả năm. Trong suốt nhiều năm liền đều như thế, cho đến khi kinh tế gia đình khá lên, chị em chúng tôi mới thôi không còn phải vào rừng cao su lượm củi nữa.
Thế nhưng tôi vẫn thấy nhớ rừng. Khi đã lớn lên, mỗi ngày đi học, tôi hay chọn con đường băng qua rừng cao su. Dưới những hàng cây cao su rợp mát, nghe như rừng hát mỗi khi có gió thổi qua, tiếng nổ lách cách của trái cao su như hoà cùng tiếng đập của con tim tôi rộn rã trong niềm vui được đi dưới bóng rừng thân yêu.
(Trích đoạn " Rừng cao su và tuổi thơ tôi" của Trân Gia Cát Tường)
*Ảnh "Tranh tài" của Pham Tan Minh.

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

NHẶT HẠT CAO SU

Ký ức tuổi thơ trong tôi...
NHẶT HẠT CAO SU
...
Tiếng trái cao su nổ lách cách, hạt cao su rớt xuống va vào cành vào lá rồi rớt xuống đất nghe giòn rụm. Khi đi nhặt hạt, tôi cũng đi, cũng nhặt như người ta vẫn làm. Nhưng đó là lúc sớm. Còn lúc trưa, khi trái cao su bị nắng chiếu, nóng lên, nổ ra và rơi hạt xuống đất thì tôi không tâm trí nào mà từ tốn đi nhặt từng hạt như thế nữa. Nghe ở đâu có tiếng rơi cọc cọc trên mặt đất là tôi vội chạy ngay đến đó để nhặt được những hạt vừa rơi xuống còn âm ấm. Nhìn những hạt cao su mới tinh, bóng lưỡng thật là thích.
Không giống như người lớn cố nhặt hạt thật nhiều, chiều về bán có tiền mua gạo, mắm. Bọn con nít chúng tôi có mục đích khác. Cũng ráng cố gắng nhặt thật nhiều xem chiều về đứa nào có nhiều hơn. Vậy chứ đi lòng vòng một chút chúng tôi lại “quên” không làm “nhiệm vụ” nữa. Vì chủ yếu là vui với các trò chơi cùng hạt cao su.
Chúng tôi tụ tập lại thành nhóm ở khoảng trống của đường phân lô. Chọn chỗ nào sạch cỏ, mát mẻ mà chơi. Có khi phân ra thành đội chơi, cũng có khi chơi cá nhân. Ví dụ chơi chọi hạt thì chơi cá nhân. Mỗi đứa đóng góp 10 hạt cao su. Bỏ vào vòng tròn lớn. Đứa nào cũng có một hạt lớn, nặng hơn những hạt khác, gọi là “hạt cái”. Người chơi xếp thành hàng ngang rồi lăn hạt cái đến vòng tròn lớn. Đó gọi là thi. Ai thi hạt cái gần vòng tròn nhất thì được chọi trước. Chọi làm sao cho hạt cao su trong vòng tròn văng ra càng nhiều càng tốt. Vì những hạt được văng ra khỏi vòng sẽ thuộc về mình. Có khi thi dở quá, tới lượt mình là không còn hạt nào trong vòng để mà chọi. Đành phải bắt đầu thi lại bàn chơi tiếp theo. Còn biết bao những trò chơi khác đã gắn bó với tuổi thơ tôi trên cánh rừng cao su ấy.
Thời gian cứ qua đi và vùi lấp biết bao nhiêu những kỷ niệm ấu thơ nhưng tôi không làm sao quên được cái cảm giác cùng lũ bạn chơi chọi hạt. Giờ đây, đi dưới bóng cao su rợp mát, tai nghe tiếng lách cách nổ của trái cao su tôi cứ tưởng như mình mới chơi chọi hạt ngày hôm qua.
(Trích trong "Mùa nhặt hạt cao su" của Thanh Nhã trên Blog's Trần Thị Thanh Nhã)


Bài học thuộc lòng ngày xưa...
( Phỏng theo lời Nguyễn Phi Khanh dặn con là
Nguyễn Trãi trước giờ ly biệt trước ải Nam Quan)
LỜI PHI KHANH KHUYÊN NGUYỄN TRÃI
Giang san này vẫn giang san
Mà nay xẻ nghé tan đàn vì ai ?
Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc cân Gia- Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng
Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non
Con đang độ đầu son tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú qúy mà nguôi tấc lòng
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời
Chớ lần nữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đày đoạ tôi đòi
Nhục nhằn bêu rếu muôn đời hay chi ?
Sống như thế sống đê sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình
Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành ?
(Trích CHỐN ẢI BẮC của Á Nam Trần Tuấn Khải đăng trên Tân Việt Văn lớp 5)

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

CÂY BÔNG GÒN

Nhớ tuổi thơ ngày nào...
CÂY BÔNG GÒN
...
Đầu xuân, hoa bông gòn nở rộ. Hoa bông gòn có năm cánh, trắng mịn, vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. Cánh con gái như tôi hái hoa để cài lên tóc hay kết thành những chiếc vòng đội đầu. Cánh con trai thì thích bẻ cành bông gòn để làm đồ chơi đánh khăn. Gỗ cây bông gòn không quá nặng mà cũng không quá nhẹ nên rất phù hợp với việc làm vật dụng cho trò chơi này. Buổi chiều, chúng tôi thường lén lấy dao của ngoại để khoét trái bông gòn thành những chiếc thuyền rồi mang ra con mương cạnh nhà, thả xuống mặt nước. Vì chưa biết viết, nên mỗi đứa chúng tôi hay ghé miệng nói nhỏ với con thuyền một ước nguyện nào đó. Những con thuyền gòn trôi đi trong mương nước, mang theo những gửi gắm của một thời thơ trẻ.
Nhớ nhất là mỗi dịp cuối hè, cây bông gòn có nhiều trái đã khô, bứt mình để lộ ra chùm bông trắng muốt. Sợi bông gòn theo gió bay khắp xóm, bám đầy trên áo quần. Chúng tôi hay rứt bông gòn thành những nhúm nhỏ và thổi thi xem bông của ai bay cao và xa hơn. Ngoại thường huy động “nhân công” - đám trẻ chúng tôi - nhặt trái bông gòn, tách chúng ra, bỏ hạt đen và lấy những cục bông trắng như tuyết. Công việc không nặng nhọc nhưng khó chịu vô cùng vì những sợi bông cứ muốn bám vào mũi, gây cảm giác ngứa ngáy. Chính vì thế, làm được một lúc, thế nào chúng tôi cũng tìm cớ “lẻn” ra ngoài. Chỉ có bà ngoại là tỉ mẩn ngồi tách bông gòn ra khỏi vỏ. Rồi ngoại cặm cụi ngồi may từng đường chỉ, lồng bông gòn vào thành những chiếc gối thật êm, nâng niu giấc ngủ cho tôi.
Mùa này, tôi về thăm ngoại. Trái bông gòn sau vườn đã bắt đầu bung trắng như tuyết. Sợi bông gòn theo gió bay bay, gợi tôi nhớ nhiều về chuyện cũ. Lũ bạn thời ấu thơ của tôi giờ đã lớn, xa quê và lập nghiệp khắp nơi. Ngoại tôi giờ đã già, mắt yếu hơn nhưng vẫn còn ngồi trên ván tách bông gòn để làm gối cho cháu... Bâng quơ đọc câu thơ: “Từng cụm mây màu trắng/ Bông gòn hạ xuống trên tay/ Em chúm miệng thổi mây bay mất/ Bông gòn bay, ô, tuổi thơ đây....”, tôi khát khao quay về thời thơ dại biết nhường nào!
(Trích đoạn "Mùa bông gòn" của Hà Kiều My đăng trênhttp://www.baophuyen.com.vn/)

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Bài học thuộc lòng ngày xưa...
"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc..."

TRẦN BÌNH TRỌNG
Trần Bình Trọng anh hùng ngàn thu trước,
Đem tấm thân bẩy thước chống sơn hà.
Mảng lo đền nợ nước trả thù nhà,
Trong tâm khảm nặng tình yêu tổ quốc,
Nhưng than ôi tài trai dầu thao lược,
Hùm thiêng kia khôn địch một bầy hồ,
Vì sa cơ nên bị bắt cầm tù.
Tan mộng đẹp, anh hùng đành thất thế!
Tướng giặc thấy người tài nên rất nể
Đem quan sang, chức trọng, dụ ngài hàng.
“Quân bay lầm! Dù đem cả ngai vàng,
Khó lay chuyển lòng ta thờ tổ quốc!
Đừng tưởng bả vinh hoa mà mua được
Lòng trung quân ái quốc của ta đâu.
Bắt được ta thôi chớ nói gì lâu
Cứ đem chém ta không hề than tiếc.
Hễ còn sống ta là dân nước Việt,
Chết thà đành làm quỉ nước non ta! “
Ôi anh hùng tử, khí hùng nào tử
Soi gương trong sách sử để ngàn thu!
(Á Nam Trần Tuấn Khải)
*Trần Bình Trọng (1259 - 1285) là danh tướng thời Trần, có công lớn hộ giá bảo vệ cho hai vua Trần (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai. Ông hy sinh khi chặn quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc, được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương.




HOA KHẾ

Buôn Trấp, mưa đã về...
Chụp vội chùm hoa khế
Gởi cho người Ban mê
HOA KHẾ 
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Lòng tôi là cây khế
Em là chim về chơi
Vàng kia em chẳng trả
Chỉ nhả hạt xuống thôi
Hạt rớt xuống thành cây
Cây cũng toàn cây khế
Từ khi em đi rồi
Vườn tôi thành lặng lẽ
Biết bao giờ trở lại
Cánh chim em ngày nào
Lòng tôi hoa khế rụng
Xuống nỗi buồn nôn nao.

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Đồng lúa Buôn Trấp đã gặt xong... ĐỤN RƠM QUÊ NHÀ

Đồng lúa Buôn Trấp đã gặt xong...
ĐỤN RƠM QUÊ NHÀ

Rồi khi mà thóc vàng đã phơi đầy cươi thì cũng là lúc rơm rạ cũng được trải ra đầy đường, đầy xóm : từ đường lớn cho tới đường nhỏ, từ xóm trong ra đến xóm ngoài, cả những ngóc ngách trong vườn…đâu đâu bước chân đi cũng xào xạc, vướng vít những rơm với rạ. Và mùi thóc, mùi bùn, mùi rạ ướt, rơm khô lẫn với mùi mồ hôi của cả người và vật…tất cả bốc lên dưới nắng hè, hòa quyện vào nhau tạo thành một hương vị đặc trưng của ngày mùa : vừa mặn mòi, nồng nàn, lại vừa như chua-chua, bùi-bùi, đăng-đắng mà chỉ ai có dịp trải nghiệm mới cảm nhận được.
Đó cũng chính là không khí ấm no, hy vọng và hạnh phúc của nông dân ngày mùa, là khoảng thời gian mà ai cũng no đủ, không ai phải chịu cảnh thiếu đói. Đám con nít, học trò dịp này cũng bận rộn với bao công việc phụ giúp ông bà, cha mẹ : “trở” (xóc) rơm, cào lúa, giữ trâu, bưng bê…mà “vinh dự” và khó nhất là công việc “đứng nóc” để xây “đụn rơm” cho gia đình.
...
Thế là xong, ngày mùa thu hoạch chấm dứt, cũng là lúc nhà nhà mọc lên các “đụn rơm” mới, để rồi những tháng ngày sau đó, rơm và tót được mang ra xử dụng, và ngày qua ngày, đụn rơm vơi đi cho đến mùa gặt sau...
(Trích trong "ĐỤN RƠM VÀNG:HÌNH ẢNH ĐẶC TRƯNG CỦA QUÊ TÔI" của Hoàng Vinh đăng trên http://www.donghuongphongdien.com/)
...
Đứa trẻ đó không bao giờ lớn, cũng chẳng đi đâu, cứ quanh quẩn trên những đống rơm mùa hạ cùng với bầy trẻ khác. Chúng nhào lộn, chúng nhảy từ trên đỉnh xuống bãi rơm nằm tràn ra đường đi, chúng phủ rơm lên người nhau, nói cười nắc nẻ… Lúc nào đi qua miền thương tưởng rạ rơm, cũng thấy tụi con nít với cuộc chơi không bao giờ chấm dứt...
...
Tôi đã gặp đứa bé đó suốt miền rơm rạ, những chiều nó lăng xăng rải rơm đậy giồng cải mới gieo, những khuya gặp nó đi coi ti vi ké ở nhà hàng xóm về, một mình trên con đường rập rờn cỏ hoa và bóng tối, con cúi vấn bằng rơm trên tay đỏ rực, những tàn đóm lóe lên rồi hui hút bay trước khi lịm tắt đi. Có lần tôi thấy nó đứng kế bên một chị con gái tóc dài đang ngồi dong dãi lựa những cọng rơm dài, nó cứ kéo tay chị, òn ỉ, “làm cho con cây chổi nhỏ đi, đi mà, Út!”...
...
Sang tháng ba thì rạ ngoài đồng đã khô quéo cọng, đứa bé kia lúp xúp theo cha nó đi đốt đồng. Ngọn lửa nhỏ run rẩy trong tay, chẳng mấy chốc cơn lửa chạy lan đi. Khói từng bầy dùng dằng tan tác trong những cơn gió rối bời cuối mùa. Đứa bé đang thắc thỏm cho mấy con dế than dế lửa không biết có chạy kịp không thì đám bạn nó ở ruộng bên kia réo qua ăn chuột đồng nướng rạ.
...
Cái màu vàng ngày cũ đã tự cháy để tái sinh vào màu xanh rượi của cỏ cây. Tôi không mảy may tiếc, vì biết khi những ngọn gió ráo tạnh trở về cái xóm nhỏ này, lại một mùa rơm rạ mới.
...
(Trích đoạn "Rơm Rạ Xốn Xang" tản văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)



Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Truyền thuyết xứ Mường trong...
SUỐI CÁ THẦN
Ngay trong lòng bản Mường, với một suối cá thần độc đáo, với hệ thống hang động huyền bí, suối cá thần Cẩm Lương là nơi có những đàn cá tập trung sinh sống với mật độ dày đặc, được đồng bào dân tộc địa phương gìn giữ và tôn kính như cá thần...
Suối cá thần Cẩm Lương còn được người dân địa phương gọi là Mó Ngọc hay suối Ngọc, nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa .
...
Truyền thuyết suối cá thần Cẩm Lương của người Mường kể rằng: xưa có hai vợ chồng hiếm muộn, hàng ngày thường ra thửa ruộng bên suối để trồng trọt và bắt tôm cá. Một hôm bà lão ra suối và vớt được một quả trứng lạ. Bà thả xuống nước rồi tiếp tục mò cua, bắt cá nhưng vẫn chỉ mò được quả trứng đó. Bà mang về nhà bàn với ông cho gà ấp thử. Chỉ ít hôm sau, quả trứng đã nở ra một con rắn. Ông lão mang rắn ra thả ở suối Ngọc, nhưng đến tối thì rắn lại về nhà.
- Lâu dần, rắn sống trong nhà thân quen như vật nuôi. Lúc này đồng ruộng không còn hạn hán, đời sống trong vùng ấm no, đầy đủ. Rắn được dân làng tôn kính và gọi là chàng Rắn. Bỗng một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp vang trời. Sáng hôm sau, dân làng thấy xác chàng Rắn dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc. Thần linh báo mộng, chàng rắn chết vì đánh thủy quái nên đã được Ngọc Hoàng phong Thần và chức Tứ phủ Long vương. Dân làng lập đền để tưởng nhớ công lao của chàng rắn.
- Cũng từ đó, suối Ngọc phía trước cửa đền có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu thần, canh gác. Hàng năm, vào ngày tế lễ Tứ phủ Long vương, dân làng làm lễ xin thần và chờ khi chiều xuống, đàn cá vào hang, con nào còn sót lại ở suối nghĩa là tự dâng mình làm lễ hiến sinh, già làng sẽ mang cá ra đền cúng tiến thần linh. Lệ làng đến nay vẫn duy trì, suối cá thần Cẩm Lương cũng không bao giờ vơi, và việc bảo vệ đàn cá thần đã có trong tâm thức của bà con nơi đây.
(Trích trong "Suối cá thần Cẩm Lương, Cẩm Thủy - Thanh Hóa" của
http://www.vamvo.com/)

RAU SẮNG

Người Mường có câu: “Củ mài, rau sắng, măng đắng, mật ong”...
RAU SẮNG
Vì sao rau mang tên sắng? Do gọn hoá cụm từ "tắc sắng"mà tiếng Mường quen dùng. Còn dân tộc Dao gọi "lai cam", dân tộc Tày - Thái gọi "pắc van". Những từ vừa dẫn đều mang nghĩa "rau ngọt". Bởi thế, người Kinh còn gọi rau ngót rừng.
...
Nhờ thành phần dinh dưỡng tốt, rau sắng được dân gian ưu tiên bồi dưỡng cho trẻ em, sản phụ, người vừa ốm dậy.
...
Rau sắng thường được chế biến món canh nóng sốt. Có thể nấu phối hợp với một trong các nguyên liệu: thịt lợn / heo, gà, tôm, cá rô, cá quả / tràu / lóc. Cũng có thể nấu canh suông, chỉ nêm tí muối, chừng đó thôi vẫn đủ giúp thực khách hân hoan cảm nhận vị ngọt bùi cùng mùi hương thoang thoảng quá đặc trưng của rau sắng. Những người rành rẽ lại bảo rằng để bát canh rau sắng đạt chất lượng như ý, chớ sử dụng nước máy và nước giếng khoan, mà nên múc nước sông, nước suối, tốt nhất là dùng nước mưa.
...
- Bí quyết siêu đẳng nhé: hứng nước nhỏ từ loạt thạch nhũ trong các hang động mà nấu canh rau sắng, đảm bảo tuyệt vời cực kỳ!
...
- Hái quả sắng chín, tách vỏ, lấy hạt ninh với xương trong nước thạch nhũ, rồi nấu canh rau sắng, ấy dà, trên cả tuyệt vời!
...
- Dùng rau sắng hấp cơm, hoặc chưng cách thuỷ, gắp chấm với tương Bần Yên Nhân (Hưng Yên) hoặc nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), chao ôi là đáo khẩu!
...
(Trích đoạn "Rau sắng trong lẫn ngoài chùa Hương" của Phanxipăng đăng trên http://chimviet.free.fr/)
...Leo núi một lúc toát mồ hôi chợt Trần Đăng Lâu* chỉ cho tôi một cây gỗ rừng và bảo: “Rau sắng đấy”. Tôi tròn mắt: “Sao trông như cây gỗ vậy? Rau mà thế à?”. Anh Lâu cười: “Thì thế mới là của độc”. Rồi anh cho biết: “Cây sắng thuộc loại cây gỗ nhỏ có cây cao tới 13 mét. Cậu xem cành nhỏ rủ thõng xuống kia kìa trông có giống cây liễu không?”. Bẻ một cành cầm trên tay anh chỉ tôi: “Lá sắng thuộc loại lá đơn so le nhẵn nạc mặt giống như da...
...
Hai chúng tôi người trèo lên cây người đứng dưới đất với cành cùng bẻ lấy một ôm lá rau sắng về phục vụ cho bữa trưa. Vừa ngắt lá Trần Đăng Lâu vừa tiếp tục nói với tôi về cây rau sắng. “Cậu biết không rau sắng có hai loại sắng nếp và sắng tẻ. Sắng nếp ăn ngon gấp nhiều lần so với sắng tẻ. Rau sắng của những cây mọc ở bìa rừng có mầm cao hơn ăn sẽ ngon bùi và ròn hơn. Rau sắng ngon phải là những cây có lá màu vàng cốm không xanh đen như lá non của những cây bị cớm bóng trong rừng. Vừa để cho ánh mắt ngắm nhìn gam màu của mâm cỗ trong đó màu xanh vàng của rau sắng làm chúa tể đôi tai lắng nghe tiếng sần sật của rau ở trong miệng vừa để cái lưỡi nhấm nháp thưởng thức vị ngọt bùi tê tê cái mũi hít hà chút hương thơm nồng nồng của rau sắng tôi đảm bảo với cậu rằng tuyệt cú mèo luôn”. Nghe anh nói mà nước miếng tôi ứa ra dâng đầy trong cổ họng.
(Trích theo "Rau Sắng Xuân Sơn" của Đỗ Xuân Thu đăng trênhttp://xuanthu.vnweblogs.com/)
*Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn là kỹ sư Trần Đăng Lâu.