Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

MÙA HOA ĐỖ MAI

MÙA HOA ĐỖ MAI
Người yêu vẻ đẹp thần tiên của hoa còn âu yếm gọi Đỗ mai là Anh đào núi như một sự trân trọng vẻ đẹp mà hoa đã tô điểm cho núi rừng mỗi dịp xuân sang. Nhìn xa thì rừng hoa Đỗ mai giống Anh đào nhưng khi nhặt từng cánh hoa, nhìn kỹ thì hoa đỗ mai khác hẳn hoa anh đào về hình dáng. Cánh hoa đào tách riêng biệt, và bằng nhau, cùng gắn vào một nhị ở giữa. Còn hoa Đỗ mai mọc thành từng chùm, màu hồng nhạt hoặc màu trắng tinh khôi. đài hình chuông hay có 5 thùy nhỏ hình răng cưa, tràng có cánh hình mắt chim. So với cái vẻ rực rỡ của hoa Mai, vẻ yểu điệu của hoa đào thì Đỗ mai có vẻ đẹp dịu dàng, đáng yêu và hiền lành hơn. Hoa nhỏ xinh, như nụ cười e ấp, duyên dáng của cô học trò tuổi mười lăm. Nhìn xa xa, cành phủ kín hoa như một đàn bướm nhỏ xinh khẽ đậu, thi thoảng gió đưa mạnh cánh hoa lại rụng lả tả. Đỗ mai chỉ đẹp khi còn nguyên vẹn trên cây, nếu bạn cố công hái xuống, hoa sẽ bị rụng lả tả, mất đi cái vẻ đẹp...(Theo Hà Oanh)
Tại Việt Nam, cây ra hoa và nở đúng vào dịp Tết rất đẹp và thường được gọi là cây Anh đào giả, vì cho rằng đó là cây họ đậu, nhưng khi trổ hoa trông tựa như cây Anh đào. Còn đến Dak Lak vào thời gian này, ta có thể gặp bất cứ nơi đâu sắc hoa Đỗ mai nở rộ, từ ven đường, len lỏi trong ngõ nhỏ, thấp thoáng bên hàng rào những ngôi biệt thự...
Hiện nay, ở TP. Buôn Ma Thuột ngày càng vắng bóng cây Đỗ mai mà chỉ còn rải rác ở các huyện. Thiết nghĩ cũng nên đưa giống cây này vào hệ thống cây xanh đô thị để làm tăng tính đa dạng và tăng thêm tính mỹ thuật cho cảnh quan.
(Theo baodaklak.vn)


Buôn Trấp quê tôi...
Xuân của đất trời...ven đường vào buôn M'blơt (cách thị trấn BT 4km)


Buôn Trấp quê tôi...
Cầu đã xây xong


Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

NỤ TẦM XUÂN

NỤ TẦM XUÂN
Nụ tầm xuân (có nụ tầm xuân) con hái dâng cha (dâng cha) và hái dâng mẹ trong ngày đầu xuân. Nụ tầm xuân xin dâng lên cha, nụ tầm xuân xin dâng lên mẹ bao mến thương trong ngày xuân.( Lm Từ Duyên)
Ai đã có dịp đến thăm Đà Lạt và dừng chân ở đó lâu lâu hẳn không thể không chú ý tới một loài hoa: giống như hoa hồng nhưng bông của nó nhỏ hơn nhiều, cây leo. Hoa tìm ai mà leo bò khắp ngả? Đi đâu, về đâu cũng gặp, bất kể là trong ngõ phố hay chốn thôn trang. Hoa thường khép nép bên cánh cổng, hoặc rụt rè mon men bò lên các bờ rào. Hoa tạo nên như một mẫu hình hoa văn độc đáo cài quanh mỗi mảnh vuờn tôn thêm nét đặc trưng riêng biệt của Đà Lạt. Loại hoa đó gọi là hoa Tầm xuân.(Blog songvedau)
Rất có thể. nó cũng tương tự như loài Hoa Vông Vang trong tiểu thuyết của Đỗ Tốn thời Tự Lực Văn Đoàn hoặc như ngọn Lá Diêu Bông trong bài thơ của Hòang Cầm- những hoa ấy,lá ấy đều chỉ là sản phẩm trong thế giới ảo của thơ ca lãng mạn..Phải chăng đây cũng chính là điều mà nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết: Hoa tìm mùa Xuân suốt đời không gặp
Anh suốt đời chẳng gặp sắc tầm xuân ... (Blog NamMai)
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân;
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay ...
Nhưng ngoài câu ca dao trên còn vài câu thơ như là :
Dáng tầm xuân uốn trong tranh tố nữ
Ôi tiên nương nàng lại ngự nơi đây
Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường...Loài hoa hồng thì chắc là không thể khêu gợi, uốn éo như lời thơ của Bích Khê. Có lẽ Bích Khê, thi sĩ của thi sĩ sinh trưởng trên vùng đất của sông Thu Bồn, núi Thiên Ấn có dịp ngắm nhìn những đoá Tầm Xuân thuộc họ đậu lãng mạn Clitoria mariana hay Clitoria ternatea này chăng?
Không biết nhạc sĩ Xuân Tiên đã đề cập đến loài hoa Tầm Xuân nào khi soạn "Khúc Ca Ân Tình" ..."một ngày tìm về phương Bắc, hái hoa Tầm Xuân trao nàng..."
(Theo Phan Bảo Thư)




MÙA XUÂN NĂM ẤY

...
Ngoài ra ở tỉnh lỵ Banmêthuột nhỏ này tôi còn có một người bác họ phía bên mẹ, bác thuộc nhóm người tiên tiến bỏ làng mạc lên Hà Nội, tự lập gia đình rồi đưa vợ đi "Tân Thế Giới" nghĩa là vào Nam và lên BMT làm cảnh sát tại đây từ năm 1945-1946, nhà bác ở Đường Y Jut. Thường thường chúng tôi chỉ theo cha mẹ ghé lên chúc tuổi bác ngày nguyên đán, rồi cả năm sau mới gặp lại, chẳng phải vì xa xôi gì lắm nhưng vì bố mẹ tôi rất bận rộn trong việc sinh nhai, chẳng bao giờ có dịp rong chơi nhàn tản, ngay cả những ngày xuân đến.
Đó là dịp tết Mậu thân, lúc này nhà tôi dọn tới ở ngay sau biệt thự Nicholas và Garage sửa xe mà chúng tôi gọi là "nhà cao cẳng" của bà Sáu Vĩnh, cách vườn cà phê nhà ông Huấn vài chục bước chân, do sự chỉ dẫn của bác hàng xóm - bạn của cha tôi - ông ta xuất thân từ làng ông tổ của nghề pháo và thuốc nổ Bình Đà cũng không xa quê nội và quê ngoại tôi ngoài Bắc , anh em chúng tôi mới chế ra được khẩu moọc chê từ hôm trước ngày 29 tết, bắt đầu bằng cái vỏ ống đựng hoả tiễn của máy bay lượm từ ở đống rác Mỹ bên hông vườn cà phê nhà ông Huấn đối diện trường trung học Hưng Đức, ở đây có vô số vỏ ống hoả tiễn, vỏ thùng đạn các loại thường được tôi lượm đem về dùng vào nhiều mục đích khác nhau.
Cái ống một đầu bịt kín, hình như làm bằng nhôm pha gang dài khoảng thước rưỡi đường kính khoảng 10 phân, chúng tôi khoan 1 cái lỗ nhỏ cách đáy ống chừng 15 phân, dùng tre già buộc chống vào làm hai càng trông oai vệ như khẩu súng cối 120 lỵ Sáng hôm 30 tết tôi chạy ra đường Nguyễn Thái Học vào mấy tiệm tạp hoá của người Hoa mua "đạn dược" đó là nửa ký gió đá mà chúng tôi gọi là đất đèn gói kín trong túi nylon vì nếu để hở ra gặp không khí nó sẽ tự phát nhiệt mà tàn ra tro dần dần.
Chiều ba mươi chúng tôi thử nghiệm cây bích kích pháo của mình, nạp đạn nghĩa là đổ khoảng hai xị nước vào ống rồi thả vào trong khoảng hai ba viên đất đèn lớn bằng đốt ngón tay cái, gặp nước lập tức đá đèn sủi bọt nóng hực và nhả ra chất gas bốc hơi rất mạnh, dùng que nhang (hương) châm lửa vào nơi cái lỗ khoan sẵn trên thân ống cách bàn tiếp hậu khoảng 1 gang, lập tức phát nổ dữ dội lửa phun ra miệng ống xa cả đến vài thước, tiếng nổ lớn hơn súng moọc chê thật, làm rung động mái tôn cả xóm, mấy cái chân nến trên bàn thờ ngã nghiêng lả tả, mẹ tôi sợ hãi cấm chơi, nhưng cha tôi là dân quân đội võ biền nên chịu chơi hơn, ông xem qua cái phát minh đó chỉ nhắc chúng tôi cẩn thận thôi chứ không cản, thọc cái gậy tre vào ống khoắng mấy viên đá đèn lên khoảng một phút tạo thêm hơi gas trong ống rồi lại châm lửa bắn nữa, khoảng ba lần khí đá tàn hết ta lại đổ ra thay nuớc và bỏ đá mới ... bắn tiếp. Chiều hôm ba mươi tết Mậu Thân, sân nhà tôi chật cứng trẻ em, cũng có cả dăm người lớn nghe nổ kéo tới vây quanh xem chúng tôi "Pháo kích vào Phi trường L19" với những tiếng nổ long trời nổ to hơn là pháo tống nữa, thời buổi xã hội thanh bình nên cũng không có cảnh sát cấm đoán gì cả, với lại người ta dùng súng bắn thay pháo khắp nơi có sao đâu.
...
Đúng nửa đêm, súng của chúng tôi nổ liên hồi kỳ trận làm át hết cả những tiếng pháo chuột và tiếng súng tay của một số hàng xóm bắn chỉ thiên thay pháo đón xuân, nền sân hôm trước rửa sạch để chuẩn bị đón xuân, bây giờ ngoài xác pháo, cát tút đạn, lại thêm loang lổ đầy những bãi nước có trộn tro tàn của gió đá trắng như vôi vung vãi khắp nơi, tụi con gái không thích mùi khí đá bịt mũi kêu thối, nhưng nhóm con trai hăng say như ngửi mùi thuốc súng thật rạo rực, tiếng nổ như sấm rền làm nức lòng tuổi trẻ như sẵn sàng tòng chinh !
Một giờ sáng, người tới xem đã ra về gần hết, ngoài tiếng súng của chúng tôi, phía đầu xóm lại vang lên những tiếng nổ của lựu đạn, của hoả tiễn, những tiếng lốp đốp khác hẳn tiếng súng Carbine hoặc Ga Răng mà chúng tôi vẫn nghe quen. Bố tôi còn thức ông cũng nghe tiếng nổ đầu xóm, bằng vào kinh nghiệm lửa đạn bao nhiêu năm, dù thật bất ngờ ông đã đoán biết mấy phần chuyện gì đang xảy ra đầu ngõ...
(Trích đoạn trong truyện "Mùa Xuân Năm Ấy" của Trần Mỗ)

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

NĂM MÙI NHỚ ĐẾN BÀI TẬP ĐỌC VUI...

NĂM MÙI NHỚ ĐẾN BÀI TẬP ĐỌC VUI...
Thằng Tô Nghịch Láo
Thằng Tô nghịch láo 
Buộc pháo đuôi dê
Nó đốt rồi về.
Khiến dê hoảng chạy.
Dê nhảy tung tăng.
Húc trẻ xô hàng.
Trẻ sang mách mẹ.
Chú bé phải quỳ.
Bảo Vân.


XUÂN VỀ TRÊN XÓM TÔI


Cuối năm thăm lúa sau vườn nhà...


Riêng tư...
Tết la lết...cảm thấy vui với con cháu bên nồi bánh tét.


Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

ĐỘC HÀNH

ĐỘC HÀNH
(Ảnh của Thái Bích Thuận)
Bên sông thanh vắng một mình
Có ông ngư phủ biết tình mà thôi 
Thuyền xuôi, lái cũng trôi xuôi
Thương nhau, ta kể những lời ái ân ... (CA DAO MẸ)


"Mùa xuân, em đi bắt chồng"

"Mùa xuân, em đi bắt chồng"
Mùa xuân là mùa của những cuộc bắt chồng háo hức nhất với những cô gái M'nông. Họ gặp nhau, phải lòng nhau, nửa chuếnh choáng trong hoàng hôn vàng ươm men rượu cay nồng. Họ uống với nhau, khi say lên họ hát cho nhau nghe. Cô gái "căng tràn" theo nhịp phách đều đặn của hai thanh đũa tre, cô lúng liếng mỉm cười đầy toan tính trong bụng. Rằng anh ý sẽ bị ta bắt làm chồng thôi. Trên những liếp phên nhà sàn, những bộ thổ cẩm nguyên chất đang chờ khung cửi thêu dệt bắt đầu đón mùa xuân mới, mùa bắt chồng rạo rực nhất trong năm.
Gần 50 mùa xuân trôi qua....." "Bắt chồng ngày đó vui lắm, ý nghĩa lắm, mình sống đến chết cũng không quên đâu". Chẳng bao giờ quên được bởi mang tiếng là bị bắt nhưng chàng mang vinh dự lẫn tự hào tràn trề. Bị bắt vì anh chàng có tài, có sức khỏe. Việc thách cưới của nhà trai cũng là một thử thách mà không phải cô gái nào cũng vượt qua. Lắm khi ưng cái bụng đấy, muốn bắt lắm, nhưng bên kia thách cưới nặng quá, đành ngậm ngùi nuối tiếc.
...
"Giờ đây, bắt chồng trên sóng điện từ, bắt bằng những cuộc điện thoại nối dài hai bờ sông Krông Ana hùng vĩ, vượt qua những triền đèo Liên Sơn uốn cong như đai thắt lưng ong của người con gái đến tuổi bắt chồng đã trở nên phổ biến ở các buôn làng người M'nông. Lớp trẻ lớn lên, nhanh chóng hòa vào lối sống du nhập phía bên ngoài, họ dần đánh mất đi luật tục của buôn làng. Đời sống nâng cao, kinh tế phát triển thì việc trai gái yêu nhau bình đẳng hơn, công khai và vồn vã hơn là điều không thể tránh khỏi".
(Theo Ngọc Thiện)


Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

CÂY SẦU ĐÔNG

CÂY SẦU ĐÔNG
...
Tháng Chạp về rồi bé thấy không
Gió thôi làm rớt lá sầu đông
Anh đem nhốt nắng vào đôi mắt
Nung chảy tim thành vạn giọt sương...
(Thơ Mường Mán)
Chiều nay, một chiều tháng giêng, mưa giăng phố nhỏ. Tôi ngước mắt lên nhìn trời nghe lòng thấp thỏm, nhớ về một mùa hoa xa xưa lắm, nhớ những bông Sầu Đông rụng trắng trước hiên nhà. Ngày nhỏ, trong mảnh vườn trước sân nhà tôi có một cây Sầu Đông cao to, tán lá xoè ra che rợp một góc vườn. Gốc Sầu Đông là nơi lý tưởng để cả đám trẻ túm tụm lại chơi đồ hàng rồi cùng nhau hái những bông hoa kết thành những vòng tròn đội lên đầu, đeo quanh cổ. Nhưng có lẽ vui nhất là mùa cây Sầu Đông rụng trái, bọn chúng tôi rủ nhau lượm để chơi trò ô quan. Những ô vuông, ô dọc được vẽ kín mặt đất, trái Sầu Đông rải đều trên từng ô, những mái đầu chụm lại, hò hét, cãi nhau inh ỏi làm rộn rã những buổi trưa vắng...(Thanh Ly)
Mươi, mười lăm năm trước, ngõ nhà tôi có rất nhiều sầu đông. Mỗi mùa hoa nở thường đúng vào dịp giỗ chạp. Mấy chị, mấy cô trên phố về, mê mẩn ngắm, khen hoa đẹp, rồi gọi nó là gì ấy nhỉ? Là... hoa xoan. Đó là lần đầu tiên tôi được biết cây sầu đông mang một cái tên đẹp như tên thiếu nữ. “Xoan” chứ không phải sầu đông, lại còn không phải “thù đâu” như mẹ tôi thường hay gọi.
Trong các loại cây được trồng trong vườn nhà không gì lớn nhanh bằng sầu đông. Cây con như chiếc đũa, đầu xuân trồng xuống đến hè đã cành lá xanh mướt, sum suê, thân vươn cao hai mét. Đông sang, sầu đông trụi lá trơ những cánh xương gầy chống chọi với gió mưa. Vậy mà khi gần chớm xuân, cây lại bung ra những lộc mầm nõn nà khỏe khoắn để đón nắng ấm lúc giao mùa. Một vài năm sau, nghĩa là sau hai, ba lần rụi lá, sầu đông đã lên cao, tán lá che phủ cả một góc vườn. Và khi ấy, hoa sầu đông lại tỏa hương ngan ngát mỗi sớm mai hay mỗi khi hoàng hôn tiếng chim bìm bịp kêu chiều... Đó là những gì gợi nhớ mỗi khi tôi đi xa nhớ về hay những lúc thơ thẩn dạo bước chân trên những nẻo đường quen thuộc của quê hương. Dù cho bây giờ, những con đường đã được bê-tông hóa không còn vướng víu gì bùn đất phù sa của cơn lũ cuối năm; dù cho bây giờ, ít còn ai trồng sầu đông trước ngõ nhà hay góc vườn như xưa... (Lê Phước Lan Nhi)


Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

MÂY TRỔ BÔNG

MÂY TRỔ BÔNG
“… Gió thổi đồi Tây qua đồi Đông,
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi,
Mây trổ bông …
Một sớm em về, ru giấc ngủ
Bông trời bay,
Bông trời bay,
Trắng cả rừng cây ….”
Tôi thích bài thơ này từ thời sinh viên, từng rung động với những hình ảnh chuyển hóa, lung linh đầy thiền vị, nhưng cho đến sáng nay, có lẽ đủ duyên giữa cảnh và tình, mới bất chợt “chạm” nhẹ được vào đóa-hoa-mây “Mây trổ bông …. Bông trời bay …” Cám ơn mây. Cám ơn thiền giả Phạm Công Thiện. Cám ơn bao tặng phẩm thầm lặng của đất trời.
(Trích trong "Tâm an lạc, bước thong dong" của Huệ Trân)
" Mây trắng vẫn bay ngỗ ngược như không bao giờ hối tiếc.
Trăng thu mọc trên cây hoàng lan cách đây mười năm, vật đổi sao dời.
Nhưng mùi thơm quá khứ vẫn trãi lạnh không gian, nhờ một bóng mây xa triệng vào phương trời cũ.
Chiều chiều đốt lá trên đồi
Đốt lên cho khói lên trời thành mây" ( Phạm Công Thiện)
Có những người gắn chặt suốt ngày bên ta nhưng ta cảm thấy khoảng cách quá xa đến mức như hoàn toàn không có chút gì dính líu, nhưng có những người dù xa xôi vạn dặm, chưa từng lần gặp mặt nhau, nhưng chỉ cần đọc một vài câu của họ, ta đã thấy gần gũi cảm thông không hề có một sợi tơ khoảng cách nào, thậm chí là liên thông như một.
Một trong những người đem lại cảm giác đó cho mình là Phạm Công Thiện.
Khi mình biết đọc biết viết thì Phạm Công Thiện đã “mưa hạ ly hương nước ngược dòng...”! Chưa lần gặp mặt, nhưng con người đó, tâm hồn đó thật quá thân quen!
Khoảng 20 năm trước, một lần lê la tiệm sách cũ, mình nhìn thấy mấy cuốn sách với tên tác giả là Võ Phiến và Phạm Công Thiện. Kiến thức văn học phổ thông học sinh lứa mình thời đó nào có một tí ti mảnh thông tin nào về hai tên tuổi ấy! Một khoảng trống kỳ cục oan khuất của thế hệ! Mình đã lặng đi ngỡ ngàng khi đọc Võ Phiến, bàng hoàng khi đọc Phạm Công Thiện! Hiểu thế nào là tầm cỡ văn chương và tư tưởng của văn học Việt Nam.
(Nguồn duytancrile.com)
https://www.youtube.com/watch?v=QbjSAdYz6NU
Thơ: Phạm Công Thiện.
Nhạc: Lê Uyên Phương.
Mười năm qua, mười năm qua, gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy, theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay, bông trời bay trắng cả rừng cây
Gió thổi đồi tây hay đồi đông,
Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông
Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông


Thăm Bệnh Nhân Phong Ea Na

Thăm Bệnh Nhân Phong Ea Na
Cuộc sống biết bao bộn bề, bao nỗi lo toan, chuyện cơm áo gạo tiền. Tôi cũng biết được nỗi lo túng thiếu của một gia đình nghèo khổ, một cuộc sống khó khăn với bao nhu cầu thiết yếu của cuộc sống… Nhưng tôi không thể nào tưởng tượng được, không thể nào biết rằng mình có thể chịu đựng được những cơn đau bị ăn mòn, cảm giác mình dần dần mất đi từng phần, từng phần một trên thân thể mình, rụng từng ngón tay, ngón chân, mất đi cái chân, khuyết mất cái tai, cái mũi… Thế nhưng, còn thật sự cảm phục trước những nghị lực sống, khả năng chịu đau đớn của các ông, của các bà, của những cha chú, những người mẹ già nơi đây _ những bệnh nhân phong dân tộc Êđê tại làng phong EA NA thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk! Và nghe tim mình sao đau xót, thấy nghẹn lòng khi nhìn những vết thương, sự đau đớn của những cụ tuổi đã xế chiều…!
...
Bạn hỏi tôi có sợ không? Có, tôi sợ căn bệnh này và thương người dân nơi đây biết bao. Không biết họ đã chịu bao đau đớn, chịu bao hành hạ của căn bệnh, chịu bao sự kỳ thị của những người. Điều đáng khâm phục là bạn sẽ không tìm thấy trên khuôn mặt họ sự đau khổ, chán chường. Và khi từng người mang trên mình sự tàn tật đi qua chúng tôi để nhận phần quà từ thiện, bạn có thể nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt của những bệnh nhân này. Tôi hiểu được rằng, tâm ý của chúng ta đã đến được với những người nơi đây.
Tôi nhớ về làng phong Ea Na, Buôn Ma Thuột! Từ tận đáy lòng tôi cảm ơn những bệnh nhân sống tại nơi hẻo lánh, thiếu thốn này đã cho chúng tôi những cái nhìn mới đầy nghị lực trong cuộc sống. Tôi cảm ơn sơ Thu Tâm đã cho tôi thấy được tấm lòng lương thiện đáng quý trọng của sơ. Và tôi cảm ơn các bé tại làng phong Ea Na đã cho tôi những tiếng cười trong trẻo!
( Theo HÀNH TRÌNH TÂY NGUYÊN của Hội Thiện Nguyện 6789)


NỮ TÙ TRƯỞNG Ê ĐÊ

NỮ TÙ TRƯỞNG Ê ĐÊ
Căn cứ vào những tài liệu về hoạt động hành chính tự quản của xã hội Tây Nguyên cổ truyền, hoặc từ thời thuộc Pháp và trong quá trình điền dã sưu tầm, nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy: không chỉ những người già (người cao tuổi) mới được tôn vinh làm người lãnh đạo cao nhất của cộng đồng, mà dù còn trẻ, nếu có đạo đức, sự tài ba, có kinh nghiệm sản xuất, hội tụ đủ tín nhiệm của đông đảo các thành viên trong mọi gia đình (các bếp), vẫn có thể được bầu làm lãnh đạo. Như trường hợp nữ tù trưởng Yă Wam ở Ea Khiết, huyện Cư MGar, tỉnh đăk Lăk, chỉ là người phụ nữ của một gia đình giàu có...(Theo nghiên cứu của Linh Nga Niê kdam)
... Bà này cũng khác người lắm! Chồng chết đã bốn, năm mùa rẫy mà nhất định không chịu chấp nhận nối sợi dây cuê nuê. Vì bà ta là mtâo mniê – tù trưởng nữ, nên pô bhiăn kđi – người xử kiện và dòng họ bên chồng cũng đâu có dám bắt lỗi.
Nhưng nghe đâu giữa bà và Y Thu KhunZuNop có một mối quan hệ không phải bình thường. Khi Y Thu đưa cả bộ tộc của ông ta từ bên Lào di cư qua vùng chân núi Cư Minh để lập bãi săn voi, chỉ dám dựng mấy nhà tạm trên các đảo nhỏ quây cụm theo dòng Sê Rê Pôk, người quanh vùng quen gọi buôn đó là Keang apa – làng đảo. Sau đó, cũng nghe nói Y Thu có tặng cho Yă Wam một con voi trắng và bà đã nhượng cho ông khu đất đẹp nhất bên bờ sông để lập buôn mới.
Chuyện chia đất cho người thiếu không là việc lạ hay hiếm có của các tù trưởng Ê Đê. Nhưng cho hẳn một vùng lãnh địa rộng lớn, rừng suối đất đai màu mỡ ở buôn Đôn để làm khu vực săn bắt và thuần dưỡng voi thì cũng phải có lý do gì chớ? Trong mấy cuộc rượu cần của các pô êlan – chủ đất quanh đây, người ta uống tới la đà rồi xì xào rằng tuần trăng nào Yă Wam cũng theo Y Thu đi săn voi. Người đàn bà Ê Đê được coi trọng nhất trong gia đình nhưng không mấy khi giao tiếp với người ngoài, việc ấy do ông chồng lo hết. Trường hợp Yă Wam tự mình đứng ra coi sóc mọi việc trong buôn làng, có hơi khác người ta một chút nhưng vẫn chấp nhận được vì bà là mtâo mniê.
Nhưng chuyện săn bắn trong rừng kỵ nhất là mang đàn bà đi cùng. Vậy mà Y Thu dám cho Yă Wam theo, lại ngồi bên nhau trên cùng một lưng voi nữa thì… chưa biết nghĩ thế nào. Dù sao đó cũng là chuyện của họ...
(Trích trong "Chiếc bầu nước của H’Lâm" của H'Linh Niê)