Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

XỨ NẪU *Phan Thanh Bình

Bẻ bông mà cắm lục bình,
Nẫu có xa mược nẫu, đôi đứa mình không xa.(ca dao)
XỨ NẪU
*Phan Thanh Bình
...
Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên . Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man.
Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.
Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...
Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ.
Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.
Từ “Nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ:
Ví dụ:
- Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.
Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”.
Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu”.
Nẫu đã đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:
Ai về sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gởi nỗi niềm nhớ quê
Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ”, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”.
Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu-Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi.
Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “Nẩu” hay được phát âm là “Nẫu”.
Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu trong vùng cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “Nẩu” theo phát âm quen miệng thành chữ “Nẫu”.
Nói nôm na, tiếng Nẫu là tiếng địa phương của vùng Bình Định và Phú Yên có nghĩa là họ, hay người ta, vì là "đại từ nhân xưng" nó nằm ở vị trí ngôi thứ ba vừa số ít mà cũng vừa số nhiều. Ví dụ thay vì hỏi „Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy? „ thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là „Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?“ hay „Cái nhà này là của họ“ thì dân Nẫu sẽ nói là „Cái nhà nhà này là của nẫu“.
Chính vì vậy mà khi hòa cùng tất cả tiếng nói của mọi miền đất nước thì tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được, thậm chí còn dùng những từ hoàn toàn khác với những từ thông dụng, ví dụ thay vì nói „Vào tận trong đó“ thì nói là „Dô tuốt trỏng“ hay hỏi "vậy hả?" thì hỏi là „dẫy na?“, "dẫy ngheng" (vậy nghen hay thế nhé), "dẫy á" (vậy đó), "chu cha wơi" (trời đất ơi) v.v...
Cũng vậy, nếu có một chàng trai xứ khác nào đó có quan hệ tình cảm với một cô gái người xứ Nẫu nhưng tình của chàng này còn lấn cấn theo kiểu „Mặt trong thì đã mặt ngoài còn e“ hay vẫn còn „ú ớ việt gian“ thì cũng có thể sẽ nhận được câu nói chân chất với khí phách, ngang tàng, dám nói mà cũng dám làm sau đây từ phía người đẹp. Yêu không yêu thì thâu, cứ dứt phát đi (Ý nói yêu không yêu thì thôi, cứ nói dứt khoát đi).
...
Xứ nẫu quê tôi có hòn núi Nhạn, có Núi Đá Bia, có đèo Cả, Cù Mông, có Vũng Rô, có đập Đồng Cam, có đồng lúa mênh mông cò bay thẳng cánh“. Xứ Nẫu quê tôi còn có sông Ba, hòn Chùa, có đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, có những rừng dừa xanh nằm trên bãi biển cát vàng, tạo nên những phong cảnh thiên nhiên hài hòa và hùng vỹ. Nói chung nó chẳng khác nào như một nước Việt Nam thu nhỏ vì nó có tất cả, từ vịnh, gành, đầm, vũng đến biển, đảo, núi rừng cùng với cả một vùng đồng bằng được mệnh danh là vựa lúa miền Trung. Nó còn có cả vùng trung du, vùng, cao nguyên với núi cao rừng thẳm và cũng bắt nguồn từ đó nó đã đi vào ca dao, dân ca, thi ca, văn học nuôi dưỡng tâm hồn người dân tôi qua nhiều thế hệ.
...
Phan Thanh Bình

BÁNH XÈO VỎ CHẤM MẮM CÁI *Hoàng Lan

Những ngày mưa ... người dân Bình Định nhớ đến một món ăn giản dị từ tên gọi đến cách chế biến...
BÁNH XÈO VỎ CHẤM MẮM CÁI
*Hoàng Lan
Cái thứ bánh xèo trắng chạch, bề mặt rỗ hoa, mỏng lét chẳng có nhân thịt bò, hay tôm mà ngon cái nỗi gì. Đã vậy còn chấm cái thứ mắm gì hôi quá xá, đục ngầu, còn lổn nhổn con cá. Đứa bạn ở Sài Gòn trong một lần về Quy Nhơn chơi, nhân thấy má tôi ăn xế đã thì thầm vào tai tôi vậy. Đặc sản quê tao đó nghen mầy. Hổng tin, nếm thử rồi biết. Nó nếm thử rồi bảo: “Hổng có gì ngon hết á”. Ừ, thì chắc mày không phải dân Bình Định nên không thấy nó ngon, chứ tao quê ở đây nên đi đâu xa là ghiền, là nhớ.
Như bạn má tôi xa quê đã gần 20 năm, mỗi năm cô về chơi lại dặn tôi: “Con nhớ mua cho cô bánh xèo vỏ nhé”. Với cô mỗi lần về quê là phải được ăn bánh xèo vỏ, như một thông lệ không thể thiếu. Bánh xèo vỏ cuốn bánh tráng mỏng, rau sống chấm mắm cái. Vừa ăn cô vừa xuýt xoa ôi chao, đi đâu xa cũng nhớ đến cái vị này đó!
Nhắc mới thèm. Trời mưa dầm, sụt sùi như thế này, co ro trong cái lạnh, thiệt chẳng có gì thú hơn là được ngồi bên cạnh bếp lửa hồng, nghe chủ quán múc một ít bột, đổ kêu cái xèo giữa cái khuôn bốc khói, tráng cho đến khi bột lan đầy hết khuôn. Mấy phút sau đổ vào cái sàng tre cho ráo rồi gắp vào đĩa cho mình. Bánh xèo vỏ ăn với mắm cái pha tỏi, ớt thiệt cay, thêm giá trụng, rau rơm là đúng bài. Đơn giản vậy mà hết dĩa nọ đến dĩa kia.
Bánh xèo vỏ không nhưn nhị, thịt thà nên chỉ vài ngàn/dĩa. Ai ăn nhiều cũng có thể ăn đến 3-4 dĩa mà thôi. Bánh xèo vỏ bán buổi sáng ăn no bụng, buổi xế ăn chơi. Bánh xèo vỏ đúc phải rỗ mặt, dai bánh mới là ngon. Cũng chẳng biết cái món này xuất xứ từ đâu nhưng dân Bình Định thì từ già trẻ lớn bé chẳng ai lạ gì món này. Trong xóm của tôi, đầu xóm một người bán, cuối xóm một người nữa, vậy mà đến xâm xẩm tối là hết xoong bột thiệt to. Buổi sáng, mấy đứa học trò cũng chóc mỏ ngồi đợi bà bán bánh xèo thong thả đổ bánh, quậy thêm cái trứng gà đổ vào nữa là có bữa sáng chắc bụng đến trưa.
HOÀNG LAN
(Trích từ nguồn http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx…)

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

KINH ĐÔ ĐỒ BÀN CỦA VƯƠNG QUỐC CHÀM XƯA

Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu... (Hận Đồ Bàn- Xuân Tiên)
KINH ĐÔ ĐỒ BÀN CỦA VƯƠNG QUỐC CHÀM XƯA
* Ghi chép của Phạm Xuân Khuyến
Thành Đồ Bàn còn gọi là thành cổ Chà Bàn nằm ở phía bắc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tọa lạc trên đất các thôn Nam Tân, Bắc Thuận và Bá Canh của xã Nhơn Hậu thuộc huyện An Nhơn và cách thành phố Quy Nhơn 27 km về hướng bắc. Thành Đồ Bàn được xây dựng năm 982 do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan, kiến trúc thật kiên cố.
Bên trong có dựng tháp Bảo chướng, bên ngoài có dãy đồi Kim Sơn án ngữ mặt tây, có núi Long Cốt làm tiền án và gò Thập Tháp yểm hậu. Theo sách “Đồ Bàn Ký” của Nguyễn Văn Hiển thì: “Thành hình vuông xây bằng gạch, mở bốn cửa, chu vi hơn mười dặm”...
Thành cổ Đồ Bàn là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chiêm Thành vốn tên là Vijaya từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem một đoàn thủy, lục quân hùng mạnh đánh Chiêm Thành . Sau khi chiếm được, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thành Đồ Bàn đổi thành phủ Hoài Nhơn trực thuộc Quảng Nam thừa tuyên...
Thành Đồ bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong yên lặng của đồng quê…
(Điêu Tàn-Chế lan Viên)
...
Đến năm 1778, thành Đồ Bàn được đổi tên là thành Hoàng đế và giữ vai trò Đại bản doanh của Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn cho đến năm 1786.
...
Năm 1793, Nguyễn Nhạc mất, thành Hoàng đế đổi tên là thành Quy Nhơn, lệ thuộc vào kinh đô Phú Xuân.
...
Năm 1799, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đổi tên là thành Bình Định.
...
Thành cổ Đồ Bàn hay thành Bình Định từ ấy đến nay chỉ còn trơ một dãy gò sỏi đá cùng ngọn tháp Chàm Cánh Tiên ngạo nghễ với nắng mưa. Theo nhà khảo cổ Parmentrir, thì đó là trung tâm thành Đồ Bàn thuở xa xưa. Đó đây lác đác vài cây cổ thụ dáng dấp mệt mỏi u buồn cùng những bụi cây gai xương xẩu. Những ao nước như Ao Liệt, Bàu Vệ, Bàu Nóc… là những nét chấm phá, điểm tô cho toàn cảnh bức tranh Đồ Bàn ngày nay.
Bài sưu tầm của Phạm xuân Khuyến
(Trích đoạn từ nguồn http://www.vanhoaviet.info/Binhdinh.htm)
---oOo---
“ Rừng hoang vu – Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru – Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù “
Qua: “ Người xưa đâu? Mà tháp nghiêng cao đứng như buồn rầu
Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu “
Đó là đoạn mở đầu ca khúc “ Hận Đồ Bàn “ của nhạc sỹ Xuân Tiên. Bài hát này đã vẽ cho ta hình ảnh, dấu tích của thành Đồ Bàn ngày nay trong bóng chiều tàn tạ. Từng ngôi tháp Chăm cổ điêu tàn, hiu quạnh theo dòng thời gian. Rồi cũng cùng một nhịp điệu, đoạn thứ hai của bài hát gợi lại sự rực rỡ, sống động của dân tộc Chăm, của thành Đồ Bàn thời hoàng kim trong ký ức:
“ Về kinh đô – Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù
Triền sóng xô – Muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ
Đến: “ Tiệc liên hoan – Nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
Dạ yến ban – Cung nữ dâng lên khúc ca về Chàm “
Để rồi thì: “ Tháng năm buồn ngân, âm thầm bài hận vong quốc ca “ và “ Mộng kia dẫu tan, cuốn theo thời gian, nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non “ - Số phận dân Chăm: Chỉ còn hai cộng đồng nhân chủng, khoảng trên bốn trăm ngàn người xuất thân từ dân tộc Champa thời trước, bên cạnh di tích của những tháp Chăm còn sót lại, rải rác từ Quảng Nam tới Phan Rang, Phan Thiết, trong nhiều thế kỷ là nơi để những thế hệ người Chăm tìm về bái vọng tổ tiên, không khỏi khơi trong lòng ta những ngậm ngùi.
Những nỗi niềm ngậm ngùi, cảm xúc, u hoài về sự vong quốc của nước Chăm, qua hình ảnh những tháp Chăm cô độc, câm nín, đặc biệt trong thi ca Việt Nam, được thể hiện qua tập thơ “ Điêu tàn “ của thi sỹ Chế Lan Viên, sáng tác lúc tác giả mười sáu tuổi, một người Việt trăm phần trăm, nhưng lớn lên giữa cảnh điêu tàn, tang thương của những phế tích ở Bình Định, mà tâm hồn nhạy cảm của ông đã xúc động, cất lên thành vần điệu:
Quả đất chuyển đây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi hư vô
Tháng ngày qua gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ - (Những sợi tơ lòng)
...
Người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Tháp Chăm được xây dựng bằng những viên gạch sấy khô, chạm khắc rồi nung đỏ, còn giữ nguyên màu qua thời gian, chồng lên nhau, xếp khít vào nhau, mà không có dấu tích gì của vôi vữa, hay vật liệu nào tương tự để kết dính vào nhau như kỹ thuật xây cất ngày nay.
Hoàng hôn tím
Tháp Chàm lặng lẽ
Gạch đá âm thầm
Trầm mặc kiếp đa đoan
Bao tâm sự
Xói mòn theo mưa nắng
Bao ưu tư
Phai nhạt với thời gian
Bóng chiều nghiêng
Loang lổ muộn phiền – Mai Thanh Hải
Ta có thể kể từ tháp Đôi / tháp Hưng Thạnh, tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít / tháp Bạc / tháp Tri Thiện / tháp Thiện Mẫu/ tháp Thổ sơn thuộc quận Trung Phước; Qua tháp Thủ Thiện / tháp Đất, tháp Dương Long / tháp Ngà / tháp Vân Thường / tháp An Chánh / tháp Ba Chia thuộc quận Bình Khê; Đến tháp Phúc Lộc / tháp Phốc Lốc / tháp Vàng và tháp Cánh Tiên / tháp Đồng thuộc quận An Nhơn.
Tháp Cánh Tiên, cao gần 20m, được xây vào đầu thế kỷ XII, còn gọi là tháp Ô Tiên hay Tiên Dực, vì ở bốn góc là hình của những đôi cánh tiên, là một ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn của một khu vực gồm nhiều tháp cổ, thuộc khu kinh thành cũ Vijaya, nay thuộc địa phận hai thôn Nam Tân và Bắc Thuận, xã Nhơn Hậu và thôn Bả Canh, thị trấn Đập Đá, quận An Nhơn, gần sát quốc lộ 1, cách thành phố Quy Nhơn chừng 27 km về phía Tây Bắc.
Ta lại về thăm tháp Cánh Tiên
Long lanh nắng xuống, bóng sương chìm
Cánh chim nào động trời hoang dã
Mà chiều Bình Định gió như im – Thanh Trắc Nguyễn Văn
XUÂN PHƯƠNG (Văn Nghệ Biển Khơi)

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

NHỮNG CON ĐƯỜNG QUY NHƠN *Hoàng Uyên

Tôi sẽ đi thăm... Ai đã đến Quy Nhơn dù chỉ một lần đều nhớ biển xanh, sóng vỗ, nhớ những con đường phố hẹp thân thương...
NHỮNG CON ĐƯỜNG QUY NHƠN
*Hoàng Uyên
Những người đặt chân đến Quy Nhơn vào những năm đầu tiên sau 1954 thì sẽ thấy những con đường ở Quy Nhơn lúc đó là những con đường đất phần nhiều cây cỏ mọc hoang. Có những con đường một vài lô cốt nằm nghiêng ngã, những ụ đất lởm chởm đá. Một con đường sắt nằm trơ ra không còn hoạt động…chứng tích của chiến tranh còn sót lại.
Đất nước tạm yên bình, mọi người đến đây sinh sống, định cư. Cuộc sống khiến tất cả phải làm lại từ những đống đổ nát. Họ khai hoang, dỡ đất, xây nhà, trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi, mở đường…nhu cầu nối tiếp nhu cầu. Người dân, lúc đầu mới đến đây chỉ là từng nhóm nhỏ, dần dần nhiều lên, mở rộng ra từng xóm, rồi từng vùng…hàng ngày, tiếp xúc qua lại với nhau. Sau đó, có người mua, kẻ bán nên họ tăng gia sản xuất để trao đổi hàng hóa…Vì vậy, các con đường bắt đầu được mở ra để tiện việc giao thông.
...
Đường Gia Long (Nay là Trần Hưng Đạo)
Trong nhiều bài hát nói về Bình Định, Quy Nhơn tôi thích nhất là bài Bình Định Quê Hương Tôi của một người con Bình Định – Nhạc sĩ Xuân Điềm – do Khánh Ly hát:
“…Thương nhớ về Bình Định
Nón lá Gò Găng năm nào
Cùng người em Tăng Bạt Hổ
Chiều hè dạo phố Gia Long…”
Đến Quy Nhơn mà không một lần dạo chơi trên con đường Gia Long quả là thiếu sót vì đây là con đường phố chính ở Quy Nhơn.
Con đường Gia Long nay đổi tên là đường Trần Hưng Đạo, là một phần của quốc lộ 19 chạy từ ngả ba Phú Tài xuống Bến Tàu (Hải Cảng Thị Nại – Khu 1). Trong ký ức của tôi, những năm đầu thập niên 60, đây là một con phố buôn bán nhộn nhịp của Qui Nhơn. Nơi đây, tập trung rất nhiều cửa tiệm mua bán, nói chung là mặt hàng nào cũng có. Do đó, mỗi lần cần mua gì, mọi người thường đến các cửa tiệm ở đây để mua. Hàng hóa trưng bày rất đẹp! Từ sách, vở, báo chí, dụng cụ học sinh cho đến đồ dùng gia dụng, đồ dùng nông, ngư nghiệp…ngoài ra còn có tiệm bánh kẹo, trái cây…Những người dân trong thị xã thường đến đây, khi thì mua báo, sách vở…khi thì mua những chiếc áo mưa…có lúc ghé đến tiệm trà, rượu…nếu cần mua đồ sính lễ trong việc cưới hỏi hay để biếu…vào tiệm trái cây mua một trái lê, một trái táo (nhập từ Pháp) về nhà ăn cho biết…dừng lại tiệm bánh kẹo mua hộp bánh biscuit, hộp kẹo…thường mua nhất là vào những ngày lễ, Tết.
...
Do sự sầm uất cho nên không ai ở Qui Nhơn trước 75 mà không biết phố Gia Long. Nhất là từ năm 1962, trường Sư Phạm Quy Nhơn được thành lập thì chiều chiều đường phố lại càng đông đúc bởi sự xuất hiện những giáo sinh Sư Phạm. Nhiều người trong số họ gắn bó với con đường này bởi vì những chiều thứ bảy, những chiều cuối tuần dạo phố. Thời gian đó, ra phố dạo quanh các quán xá, mua sách, báo, nhạc…là một cái “mốt”. Do đó, con đường luôn dập dìu tài tử giai nhân, nam thanh nữ tú…nhiều đôi tay trong tay dìu nhau đi trên phố. Người đơn lẻ thì liếc mắt tìm kiếm…cũng không ít trường hợp có người ngẩn ngơ hay luyến lưu với “…tà áo dài ai bay trong chiều lộng gió”, rồi đi theo… về đến tận nhà…
Đường Nguyễn Huệ
Con đường thường được người dân nơi đây cọi là con đường biển vì con đường này chạy dọc, ôm sát theo bờ biển từ khu một cho đến Ghềnh Ráng. Nếu cùng nhau đi dạo trên con đường này thì sẽ nghe tiếng vi vu của hàng dương, tiếng xào xạc của hàng dừa hòa với tiếng sóng biển vỗ ầm ì vào bãi cát…Ở đây, đêm xuống có thể ngắm trăng lên trên biển…ngắm ánh đèn lấp lánh thuyền chài xa xa…và bầu trời thì có muôn vàn vì sao lấp lánh…thật là huyền diệu! Đường Nguyễn Huệ có các Khu quân sự, có Ty Công Chánh, Ty Y Tế, Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, Trường Mẫu Giáo, Sau năm 1972 có trường Tăng Bạt Hổ (Bồng Sơn). Có Lăng Ông, Khu Hai. Đến ngã ba Cường Để có Tòa Án, Dinh Tỉnh Trưởng, bệnh viện…Nhà Thờ Hòa Ninh…Eo Nín Thở, Sân bay…Trường Vi Nhân, Trường Sư Phạm Qui Nhơn, Trường Kỹ Thuật, Quân Y Viện…Rất nhiều học sinh gắn bó với con đường này! Riêng tôi thì có quá nhiều kỷ niệm của khoảng thời gian học mẫu giáo, thời gian học trung học và hai năm học ở sư phạm…
Đường Lê Lợi
Bắt đầu từ ngã ba Bạch Đằng chạy đến ngã ba Nguyễn Huệ (đường biển). Nhộn nhịp nhất là từ góc đường Gia Long đến Hai Bà Trưng. Nơi đây có rạp chiếu bóng Lê Lợi, tiệm ăn và tiệm nước mắm Thanh Hương nổi tiếng thơm ngon…Đối diện bên kia đường là tiệm may Hoài Xuân, tiệm may áo dài Cát Long, tiệm vàng Đồng Thạnh, quán giải khát Thanh Thanh (nhà của Vinh) khá đông nam thanh nữ tú trú mưa hay ghé chân nơi này trước và sau mỗi xuất chiếu phim, tiệm vàng Mỹ Phụng.
Ngay góc đường Lê Lợi-Hai Bà Trưng có quán café Văn, trang trí khá tao nhã…chủ nhân là đôi vợ chồng trẻ rất mê nhạc nên khách đến đây thường được thưởng thức những tuyệt phẩm tiền chiến lẫn đương thời. Đôi vợ chồng trẻ hiện nay là chủ quán Sông Trăng nổi tiếng ở Bình Quới- Sài Gòn.
Đường Lê Thánh Tôn
Đây là con đường khá rộng, từ trước mặt Nhà Thờ Nhọn cho đến đường Nguyễn Huệ. Hằng ngày, người dân nơi đây, cứ sáng sớm hoặc xế chiều mặc đồ tắm vai mang víc-xi đi bộ xuống tắm biển.
Trước năm 1975 có Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, sau lưng là khu định cư của những giáo dân Thiên Chúa và Khu Gia Binh.Góc đường Tăng Bạt Hổ – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Du có biệt thự màu hồng mà mọi người xung quanh gọi là “Biệt Thự Một triệu”, có biệt danh như thế là vì năm 1960, khi trúng vé số Kiến Thiết Quốc Gia một triệu đồng, chủ nhân đã mua và xây ngôi nhà này. Đối diện biệt thự là Trại Truyền Tin rồi đến Chùa Huệ Quang Tự.
...
Bây giờ thì Thành Phố Quy Nhơn được mở rộng ra và có rất nhiều con đường mới với nhiều cây xanh, nhiều hoa…đêm đến lại rực rỡ bao ánh đèn. Một thành phố biển mang một bộ mặt hiện đại thích hợp với xu thế mới! Thế nhưng trong ký ức của tôi, một người đã sống ở đây vào thập niên 60-70, thành phố này vẫn là thành phố nhỏ, êm đềm, hiền hòa, và thơ mộng. Tôi xin cám ơn Thành Phố với những con đường bình dị, thân thương. Những con đường đã in dấu bao buồn vui của thời cắp sách, những con đường đã từng chứng kiến những cuộc tình ngây ngô của tuổi học trò…Bây giờ, cũng chính những con đường này, thỉnh thoảng lại đón bước chân, mỗi khi tôi trở về…
Hoàng Uyên
(Trích đoạn trong bài "Những Con Đường Quy Nhơn" của Hoàng Uyên đăng trên https://hiquynhon.com/nhung-con-duong-quy-nhon)

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

VÕ ĐÔNG SƠ CON CÁI NHÀ AI? *Hai Ẩu

Nhân vật hư cấu Võ Đông Sơ... được cho là con của danh tướng giữ thành Qui Nhơn Võ Tánh và công chúa Ngọc Du.
VÕ ĐÔNG SƠ CON CÁI NHÀ AI?
*Hai Ẩu
Dân miền Tây 10 người thì hết… 11 người thuộc bài ca vọng cổ Võ Đông Sơ của soạn giả Viễn Châu:
Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi
Đường dài mịt mù em không tới nơi…
Trong 11 người ấy, ai cũng biết Võ Đông Sơ bị trúng tên mà chết, bởi câu vọng cổ đầu tiên trong bài là:
Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu (ớ ơ ờ)… Hà!
Thế nhưng cũng trong số… 11 người ấy, chắc chỉ có 1 người biết Võ Đông Sơ con cái nhà ai!
Cũng phải thôi, vì nhân vật Võ Đông Sơ xuất hiện lần đầu tiên trong tiểu thuyết lịch sử Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử từ năm 1926, cách đây gần cả thế kỷ. Tiểu thuyết này chuyển thể thành cải lương vài năm sau đó, nhưng bản vọng cổ thì mãi đến thập niên 1960 mới ra đời. Bản vọng cổ lâm ly này tập trung ở tình tiết Võ Đông Sơ sắp chết (và vô vọng cổ trước khi chết), chớ hổng phải là tiểu thuyết và cũng hổng phải tiểu sử Võ Đông Sơ nên thế hệ sau này chả biết chàng là con ai. Có người còn nghĩ chàng là... Tàu khựa, vì tên người yêu là Bạch Thu Hà, giống tên Tàu quá!
May sao, nhờ thời buổi Internet, có người sục sạo Gu-gồ, đọc lại tiểu thuyết Giọt máu chung tình và biết được Võ Đông Sơ không phải Tàu, mà là người Việt, con của một nhân vật lịch sử có thật hẳn hoi: Đó là Võ Tánh, một danh tướng triều Nguyễn, là cha, và mẹ là công chúa Ngọc Du!
Ai đọc qua sử Việt cũng đều biết Võ Tánh giữ thành Quy Nhơn và đã tuẫn tiết tại đây năm 1801. Võ Tánh là nhân vật có thật, vậy Võ Đông Sơ thì sao? Đến 99% rằng đây chỉ là nhân vật hư cấu của Tân Dân Tử, vì ngoài tiểu thuyết Giọt máu chung tình của ông không hề có bất kỳ tư liệu lịch sử nào nhắc đến con trai Võ Tánh là Võ Đông Sơ cả. Hơn nữa, tình tiết của tiểu thuyết không có gì khớp với lịch sử vào thời kỳ đó (thời kỳ đầu triều Nguyễn).
Ấy, nhưng sau khi tìm ra tung tích Võ Đông Sơ rồi, nhiều bài viết trên mạng mặc nhiên cho rằng chàng là nhân vật có thiệt, và phăng ra nhiều tình tiết y như thiệt! Tỷ như ở Gò Công (là nơi Võ Tánh khởi nghiệp) nay còn đền thờ ông, người ta bèn kể chuyện rằng dạo ấy Võ Đông Sơ đã từ Quy Nhơn phi ngựa về Gò Công để tế cha giữa đêm trường ai oán! Người ta cũng căn cứ theo sử liệu rằng Võ Tánh sinh ra ở Trấn Biên và nói rằng ông sinh quán tại Biên Hòa. Hic, nghe qua tưởng là đúng, nhưng mà trật lất. Thủ phủ Trấn Biên đúng là Biên Hòa, nhưng hồi ấy Trấn Biên rộng lắm, bao trùm cả Bà Rịa – Vũng Tàu, và thật sự sinh quán của Võ Tánh là Bà Rịa chớ đâu phải Biên Hòa!
Tiếc rằng những suy diễn trật lất này nhờ công nghệ trích và sao chép trên mạng lan ra tùm lum và nhiều người cứ tưởng là đúng. Vậy là nhờ Internet ta tìm ra thông tin, và cũng nhờ đó ta làm thông tin đi lạc luôn!
Thôi, sai thì cũng chẳng chết ai (có chết chăng là Võ Đông Sơ, thì... đã chết rồi!). Sẵn mọi người chế biến quanh Võ Đông Sơ, Hai Ẩu cũng góp phần xí-xọn một chút.
Võ Đông Sơ kêu Trời: Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến truờng thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu... Hà.
Kêu, nhưng mà vừa kêu vừa ca, nên ta gọi là kêu ca. Có phải Võ Đông Sơ đã kêu (ca) như vậy không?
Nếu Võ Đông Sơ là người Bắc thì chàng đã kêu như thế này:
Ối giời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến truờng thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu... Hà.
Võ Đông Sơ không phải người Bắc, nên không ca Ối giời ơi!, nhưng chàng đâu phải người Nam mà ca Trời ơi!
Theo tiểu thuyết Giọt máu chung tình, Võ Đông Sơ lớn lên ở Quy Nhơn, và khi cha mất chàng sống với chú ở Quy Nhơn, vậy ắt là chàng... nói giọng Bình Định! Người Bình Định phát âm chữ Trời ơi nửa giống Trầu quâu, nửa giống Trờ quơ... thôi thì ta tạm "phiên âm" thành Trầu quâu vậy.
Và như vậy ắt hẳn là Võ Đông Sơ đã ca như vầy:
Trầu quâu! Bở sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Dzõ Đông Sơ đành chia te dzĩnh dziễn Bạch Thu...ớ ơ ơ... Hèa!....
Dẫy nghen!
Hai Ẩu

GIAI THOẠI VỀ MỘT CÂU CA *Trần Xuân Toàn

Tại làng Lạc Giao-Ban Mê Thuột... có thờ thần hoàng của làng là danh nhân Đào Duy Từ.
GIAI THOẠI VỀ MỘT CÂU CA
*Trần Xuân Toàn
Bình Định xưa là nơi đất lành chim đậu. Chuyện cách đây hơn 4 thế kỷ, có một người con nhà ca kỹ "xướng ca vô loại" ở đất làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng thông minh và hiếu học, vì luật lệ hà khắc của chúa Trịnh không cho phép con nhà xướng ca ứng thí khoa trường, đã quyết chí tìm đường lập thân ở xứ Đàng Trong.
...
Ở làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhân (Hoài Nhơn ngày nay) tỉnh Bình Định, Đào Duy Từ được các thân hào nhân sĩ nhìn nhận. Quan Khám lý Cống quận công Trần Đức Hòa, nhân vật có tên tuổi lúc bấy giờ và là em kết nghĩa với Sãi Vương, thương yêu gả con gái cho và tiến cử lên Sãi Vương, được Vương mến phục và trọng dụng. Nhớ lại buổi đầu dừng chân ở đất này, sách trên có chép: "Một hôm Duy Từ đi qua phủ Hoài Nhân. Nơi đây địa hình phong phú tươi đẹp, phong tục hào hiệp, Duy Từ quyết chí ở lại đây tìm chỗ nương thân trong thôn ấp, chịu làm đầy tớ nhà người để tìm kế lập thân. Nhưng Duy Từ vẫn chưa tìm được nơi vừa ý, đành phải dừng chân ở quán nước nghỉ ngơi..."
Một kẻ chăn trâu ở mướn mà luận bàn với các ông nho học ở làng về lẽ nho quân tử, nho tiểu nhân và kẻ chăn trâu anh hùng, kẻ chăn trâu tôi tớ... thì đâu phải là kẻ bình thường trong thiên hạ.
Chuyện Đào Duy Từ rời bỏ quê hương ở Đàng Ngoài chạy vào Đàng Trong theo Chúa Nguyễn gắn liền với giai thoại một câu ca nói về mối quan hệ giữa một Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài với Đào Duy Từ ở Đàng Trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Giai thoại kể rằng: Sau khi Đào Duy Từ bỏ vào Đàng Trong theo Chúa Nguyễn, Trịnh Tráng sai người đưa thư và lễ vật vào Nam chiêu dụ Đào ra Bắc với mình. Đào không ra và gửi cho Chúa Trịnh bài thơ sau:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thửa nào ra?
Trịnh Tráng lại tiếp tục cho người vào gặp Đào Duy Từ một lần nữa. Ông vẫn không ra và gửi tiếp cho Chúa Trịnh hai câu sau :
Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.
Trịnh Tráng tức giận bèn làm mấy câu hát nhắn với Đào:
Có ai về tới Đàng Trong
Nhắn nhe bố đỏ liệu trông đường về
Mải tham lợi, bỏ quê quán tổ
Đất nước người, dù có như không...
Giai thoại là thế chẳng biết hư thực thế nào. Phải đâu Đào "mải tham lợi, bỏ quê quán tổ" mà chỉ vì Bình Định là nơi đất lành thì chim đến đậu, nơi đãi sĩ chiêu hiền, dưỡng nuôi bao tài năng văn hóa, văn học cho dân, cho nước.
Câu ca bây giờ được giảng dạy ở nhà trường phổ thông lớp mười:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thủa nào ra?
Các em có biết đâu rằng câu ca đã một thời gắn liền với mảnh đất vốn trọng sĩ, đãi hiền có bề dày văn hóa lịch lãm và thượng võ là Bình Định quê ta.
. Trần Xuân Toàn
(Trích đoạn theo nguồn http://www.baobinhdinh.com.vn/643/2003/8/5376/)