Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

CHIA TAY NĂM CŨ

“Ò e cây me đánh đu, Tặc-dzăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.
CHIA TAY NĂM CŨ
...
Bài hát này có tên tiếng Pháp là Ce n’est qu’un au Revoir (hoặc Chant des Adieux), có nghĩa là Bài ca Tạm biệt, thường được hát khi chia tay nhau sau các buổi sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là xuất hiện trong các buổi tiệc giao thừa của người Pháp.
Do người Pháp mang vào Việt Nam nên nhiều người Việt cứ nghĩ đây là bài hát Pháp. Thực ra, bài hát nổi tiếng khắp thế giới này có gốc gác từ xứ Scotland với tựa đề là Auld Lang Syne.
Auld Lang Sine là tiếng Scotland cũ, dịch ra tiếng Anh là “old long since” hay “long long ago” hoặc “in the days gone by”, nghĩa là lâu lắm rồi, ngày xửa ngày xưa… Đây là một bài thơ phổ nhạc theo âm điệu dân ca truyền thống của Scotland, do thi hào kiêm nhạc sĩ tài danh Robert Burns viết năm 1788 và nhanh chóng trở thành giai điệu âm nhạc phổ biến không chỉ ở các nước nói tiếng Anh mà còn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
...
Auld Lang Syne đã được Việt hóa với ca từ đồng dao dễ nhớ mà ai cũng có thể ê a được như “Tò te, cây me đánh đu, Tarzan nhảy dù, Zo-rô bắn súng. Chết cha…”. Nó cũng “hóa thân” thành bài hát hướng đạo của miền Nam từ rất sớm với lời hát “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến. Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau…”
...
Bài hát nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những kỷ niệm và những người bạn đều đáng quý. Một năm đã trải qua nhiều chuyện nhưng chỉ cần còn nhớ đến nhau, cùng nâng ly thì tương lai tươi sáng vẫn còn ở phía trước.
Chính ca từ và giai điệu dân gian vui nhộn đã khiến Auld Lang Syne trở thành một bài hát tình cảm, ấm áp và đầy sinh khí năm mới. So sánh với Happy New Year thì bài hát cổ xưa này thích hợp để hát mừng năm mới hơn. Chính vì vậy, ngoài Vương quốc Anh, Auld Lang Syne còn rất phổ biến tại nhiều nơi như Triều Tiên, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đan Mạch, Hy Lạp, Chile...
Do độ nổi tiếng, Auld Lang Syne có rất nhiều phiên bản lời, dịch cũng như các ca sĩ. Các phiên bản phổ biến nhất phải kể tới của Jimi Hendrix, Mariah Carey, Aretha Franklin và Billy Preston, The Beach Boys... Auld Lang Syne cũng từng được dùng làm nhạc nền cho bộ phim kinh điển La Valse Dans L’Ombre (Vũ điệu trong bóng mờ) với sự tham gia của minh tinh huyền thoại Vivien Leigh (nổi tiếng trong phim Cuốn theo chiều gió) và tài tử Robert Taylor.
...
Không ai có thể nhận định được phiên bản nào là hay nhất, đáng nhớ nhất. Bởi lẽ Auld Lang Syne là bài hát của tất cả mọi người, của khoảnh khắc để ta nhìn lại những năm tháng đã qua và hướng tới năm mới an lành trong niềm hân hoan, bồi hồi.
ĐNCT

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

CHƠI CỜ GÁNH

Trở về với dòng sông tuổi thơ...
CHƠI CỜ GÁNH
Đến tận bây giờ chẳng ai biết được gốc gác của trò chơi cờ gánh xuất phát từ thời điểm nào. Bà tôi nói rằng từ thủa thiếu thời những đứa trẻ để chỏm chăn trâu, chăn bò đã biết chơi trò chơi cờ gánh ấy. Có nhiều giả thiết khác nhau về sự hình thành của loại cờ đơn giản, độc đáo này nhưng tựu chung lại, nó là một nét văn hóa đặc sắc của con người nơi đây sáng tạo nên.
Khác với nhiều loại cờ khác như cờ vua, cờ tướng, cờ cá ngựa,… trò chơi cờ gánh không cần tốn tiền để mua nên rất được những đứa trẻ ở các vùng quê nghèo say mê, ưa chuộng. Trong ký ức chúng tôi ngày ấy, có tiền mua que kem, cái kẹo đã là hạnh phúc thì lấy đâu tiền để sắm bộ cờ vua, cờ cá ngựa như trẻ con thành thị.
Chỉ cần lấy vỏ của 8 con nghêu, hoặc sìa, chép chép,… đã ăn xong, tách làm đôi sắp hai mặt sấp ngửa, mỗi bên 8 quân lên mặt bàn cờ vẽ bằng gạch hoặc phấn là những đứa trẻ chúng tôi đã có một bàn cờ gánh đơn giản nhưng đầy trí tuệ, phóng khoáng. Trò này đơn giản hơn các loại cờ khác khi chỉ cần đi thẳng hoặc chéo theo đường vẽ trên bàn cờ để tìm những kẽ hở, biến quân đối phương thành quân mình. Cách chơi cũng hiện lên tính cánh không thích vòng vo, dài dòng mà đi toạc vào vấn đề của người xứ Quảng.
Khi lọt vào giữa hai đầu “quân” hay gọi nôm na là “gánh” đối thủ, lập tức những quân cờ bị “gánh” sẽ bị thu phục và chuyển sang phe mình. Cứ như thế cho đến khi nào phía đối phương hết quân thì ván cờ kết thúc...
Đơn giản là vậy nhưng trong bàn cờ gánh vẫn ẩn chứa nhiều nét thâm thúy, sâu xa gợi lên ước vọng và bản sắc của con người nơi đây. Trong các quân cờ trên một phía không hề có phân biệt hậu, vua, tướng, sĩ mà đều được di chuyển như nhau, bình đẳng như nhau. Nó toát lên mong ước về sự hòa hợp, bình đẳng trong cộng đồng con người, không có sự phân biệt thiệt hơn nên đây là một nét đặc sắc rất lớn trong cờ gánh.
...
(Trích trong "Mộc mạc trò chơi cờ gánh" của Quốc Tuấn đăng trênhttp://danviet.vn/que-nha/moc-mac-tro-choi-co-ganh)

CÁI BÁNH MEN CỦA MÁ *Hoàng thị Tố Lang

Ngọt ngào vị bánh tuổi thơ...
CÁI BÁNH MEN CỦA MÁ
*Hoàng thị Tố Lang
Ngày còn nhỏ bánh men có lẽ là thứ bánh mà chị em tôi được ăn nhiều nhất, và có lẽ vì bánh ở nhà má làm và ngoài ra không có các thứ khác nên đứa nào cũng thấy bánh men là ngon nhất, và cái cảm giác ngon đó vẫn còn khi mỗi lần nhắc đến bánh men, dù cũng có mấy mươi năm rồi tôi không có lần nếm lại chiếc bánh của thuở ấu thơ đầy kỷ niệm nầy.
Cái bánh men được làm từ bột gạo và bột năng với nước dừa, ngoài ra hoàn toàn không có một viên men nào trong đó. Vậy mà có cái tên là bánh men. Người VN là thế , nhìn hình dáng bánh và đặt tên.
Có lẽ nó tròn tròn nhỏ nhỏ xinh xinh như viên men làm cơm rượu nên được gọi là bánh men chăng? Ai là tác giả và làm ra cái bánh nầy tôi không biết song tôi nghĩ bánh có lẽ được chế biến từ một loại bánh của người Pháp na ná có hình dáng như vậy. Đó là bánh Macaron
...
Lần đầu tiên đi dự Party sinh nhật ở nhà một người bạn có chồng Pháp, bạn tôi khoe mới làm được loại bánh đặc biệt của bà mẹ chồng người Pháp truyền lại. Tôi nhớ bạn tôi bảo:
- Mi ăn thử bánh nầy nghe và nói cho ta nghe giống bánh gì của mình ở VN?
Đưa tay bốc chiếc bánh từ dĩa của người bạn trao màu hồng hồng, xanh xanh phơn phớt tôi bỏ ngay vào miệng. Nó tan ngay dưới đầu lưỡi của tôi. Tôi reo lên:
- Sao bột giống bánh men quá vậy.
Tôi bóc luôn hai ba cái bỏ vào miệng mà kêu nho nhỏ:
- Ta nhớ bánh men của má ta hồi xưa quá nhỏ ạ.
Tự nhiên lúc nầy có giọt nước mắt nào ứa ra ...Xa nhà đã hơn 30 năm tôi cũng có dịp ăn bánh men bên nầy trong tiệm bán nhập cảng từ VN song chẳng có cái bánh men nào ngon như của Má. Cái bánh của má không biết làm sao mà khi bánh nướng xong cái nào cái nấy cục bột vò nhỏ xíu mà nở tròn xoe trông thấy mà mê, bỏ vào miệng nó tan dần cho đến cái lớp dòn dòn sau cùng. Mấy chị em tôi mà xúm lại không đầy 20 phút là thanh toán hết thùng bánh của má. Trời ơi cái mùi nước dừa béo ngậy thơm phức nó quyến rũ làm sao. Bên tôi con nhỏ bạn vẫn tía lia, líu lo:
- Thèm bánh men ăn bánh nầy cũng đỡ ghiền phải không mi, mà nè không ai làm bánh men ngon mà khéo như mẹ của mi nhỏ ạ, cái bánh phau phau nhỏ xíu thấy mà mê luôn. Tôi nghe một niềm hãnh diện nào đó vô cùng trong câu nói của bạn. Má tôi mê làm bánh lắm, hồi còn con gái Ngoại cho tiền là Má để dành để đi học làm bánh. Má làm bánh thửng thấy mà thương 3 cánh nở đều đặn trắng muốt như một đóa hoa. Tôi mê bánh bò khoai tím của Má làm sao. Bây giờ nhớ lại ngày ấy sao mà thương quá đỗi.
Con nhỏ bạn nhắc Má làm tôi ngùi ngùi. Nhà con đông với đồng lương khiêm tốn của công chức phải tiện tặn lắm má mới nuôi nổi một bầy con 9 đứa. Cái gì má cùng nấu lấy ở nhà cho đỡ tốn. Còn cái chuyện bánh men cũng vậy. Má làm nhiều và lặn lội đi hỏi các tiệm tạp hóa gần nhà bỏ mối để lấy vốn lai. có bánh dư cho gia đình ăn mà không phải chi tiêu tiền quà bánh cho con. Rồi bánh men của Má lan truyền có tiệm đến nhà đặt, tôi lúc đó khoảng 12 tuổi thôi, hàng ngày sau khi đi học về tôi phụ má đạp xe đạp đem bánh giao đến tiệm cho người ta. Ngày ấy tôi nhỏ xíu như con ốc tiêu chiếc xe máy đầm cao quá không ngồi tới trên yên để đạp được tôi ngồi lọt thỏm ở cái sườn xe, hai tay hai thùng bánh tôi đạp cà thọt thế mà cùng tới tiệm giao được cho các tiệm. Đôi khi thấy con bé nhỏ xíu mà có vẻ bương chải, dễ thương chủ tiêm thương nhét thêm vào túi cho vài đồng tiền lẽ để ăn quà .
Trong khoảng thời gian đó má có mang em tôi và đang lúc nướng bánh má lại chuyển bụng sanh . Chị em tôi quýnh quáng không biết làm sao bèn chạy kêu bà mụ vườn trong xóm sang đờ đẽ cho Má. Thế rồi tôi nghe tiếng khóc oa oa , em tôi chào đời giừa lúc thau bột làm bánh men còn đầy ấp chưa nướng xong. Tôi chỉ biết ăn bánh và phụ má đi bỏ bánh thôi chớ tôi biết nướng làm sao nè trời , chả lẽ bỏ thau bột đi, tôi cũng làm liều ngồi xuống điều binh khiển tướng mấychị em vo vo nắn nắn tròn tròn như má mà sao không biết sao kết quả là một thùng bánh xẹp lép trông mà buồn cười. Cả buổi chiều hôm đó mấy chị em ăn bánh men thay cơm. Lớn lên em tôi nghe thuật lại chuyện nầy con bé cười khoái chí lắm. Những khi chị em đùa giỡn tôi hay bảo em:
- Hèn chi cái mặt mi tròn như cái bánh men của má vậy.
Cho đến bây giờ tôi nghiệm ra một điều mà ngày còn nhỏ không biết. sở dĩ cái bánh men của má ngon nhứt thế giới như vậy vì trong đó đã gói trọn cả tình Mẹ thương con . Nó có mùi của Mẹ . Tôi nhớ có lần tôi dắt các con đến quán ăn VN có tiếng ở thành phố nầy mà chủ nhân là một người bạn thân. Thấy mấy mẹ con đến bạn tôi mừng lắm và bày ra mấy bát bún riêu mới nấu cho mẹ con tôi ặn. Con nhỏ bạn đon đả lại bên các con tôi hỏi:
- Bún riêu bác nấu ngon không con?
Con tôi trả lời một câu mà tôi không bụm miệng nó kịp.
Con bé lắc đâù nguây nguẩy và bảo:
- Dạ Không ngon bằng của Mẹ Ty đâu.
Bà chủ nhà hàng hơi ngỡ ngàng, có vẻ buồn, mình là chủ nhà hàng, là dân Bắc Kỳ được báo chí đánh giá là nhà hàng 5 sao mà bị con bé chê nấu bún riêu thua mẹ nó là dân Nam Kỳ. Tôi phải tiếp lời con:
- Thì Mẹ hát con vỗ tay đấy mà mi ạ. Mẹ nấu mà chê thì có nước là đói ...
Thì ra tình mẹ nó đầy cả phảng phất trong từng miếng bánh, từng chén cơm, bát bún mà.
Mấy mươi năm trôi qua chị em tôi tản mác khắp nơi đứa chân trời người góc bể, mái nhà xưa Má còn đó vò vò một mình mà thương mà nhớ bóng hình xưa ngày tháng cũ, và tôi biết trong tôi hình ảnh cái bánh men của má vẫn là hình ảnh thật tuyệt vời nói lên cái đức tính cần kiệm và khéo léo của Má tôi nói riêng và của người đàn bà VN nói chung. Cái bánh men ân tình của má qua bao năm vẫn còn đó, mãi mãi như là một câu chuyện cổ tích thần thoại mà tôi hay kể lại cho các con tôi nghe và tôi nghĩ sau nầy câu chuyện nầy sẽ được truyền đến đời sau kể đến cho cháu tôi nghe mà má tôi là một bà tiên nhân hậu vô cùng trên cõi đời nầy.
Và hơn lúc nào hết tôi thèm một lần nào đó trở lại quê nhà cùng Má làm lại cái bánh men kỷ niệm năm xưa ....
HOÀNG THỊ TỐ LANG

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Nhớ những chợ đêm ở Ban mê...

Nhớ những chợ đêm ở Ban mê...
TẦN TẢO VỚI CHỢ ĐÊM
*Lê Hà
Thành phố càng về khuya, khu chợ đêm càng nhộn nhịp. Đến 24 giờ, các mặt hàng trong chợ đã được bày ra ngồn ngộn với đủ các mặt hàng rau xanh, thực phẩm. Trong ánh đèn đường xen lẫn màn đêm mờ ảo, “sắc màu” chợ đêm hiện ra sinh động với màu đỏ của những “núi” cà chua, cà rốt; màu xanh của đống súp lơ, rau cải; màu nâu đất của thúng khoai tây, khoai lang hòa trộn với màu tím của sọt cà, bắp cải Đà Lạt…
Chợ càng khuya càng nhộn nhịp, từ 2 - 4 giờ sáng là đông nhất. Hàng hóa từ khắp nơi đến, rồi lại từ chợ đêm tỏa đi khắp nơi. Người mua, kẻ bán ai cũng nhanh tay nhanh mắt chọn hàng, bán hàng để đến 5 giờ, khi mặt trời bắt đầu chiếu sáng thì chợ đêm bắt đầu vãn khách, các thương lái cũng dọn hàng ra về.
Chợ đêm Tân An thu hút cả những thương lái từ các tỉnh, thành phố lân cận khác đổ về. Đến đây, không khó để bắt gặp những giọng nói đặc trưng của thương lái từ Lâm Đồng, Nha Trang, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh đến chợ đặt mối làm ăn...
...
Tại chợ đêm Tân An, ngoài những người buôn bán còn có những “phu” chuyên bốc vác thuê và sắp xếp hàng hóa cho khách đến mua. Đội phu này không chỉ có cánh đàn ông "sức dài, vai rộng" mà cả các chị em "chân yếu, tay mềm" cũng tham gia. Các chị cũng làm việc quần quật như cánh đàn ông, oằn mình đổ mồ hôi để bốc xếp hàng hóa...
Mưu sinh về đêm, không ít tiểu thương phải tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức giữa không khí buôn bán tấp nập... Dạo một vòng quanh chợ, tôi có thể đếm được đến chục kiểu ngủ gật của các tiểu thương. Người có chỗ rộng thì kê ghế xếp, mắc võng, còn chật thì ngủ nghiêng, ngủ ngồi, có khi ngửa cổ dựa vào cột lán, thành xe, bao hàng. Dễ ngủ vậy đấy nhưng có khách đến mua là ai nấy lại tỉnh như sáo, hàng chục loại rau củ, hoa quả giá cả khác nhau nhưng chẳng ai nhầm lẫn một đồng.
Ồn ào, nhộn nhịp nhưng vẫn có nét lặng lẽ đặc trưng của một khu buôn bán về đêm. Cứ thế, khu chợ đêm Tân An hằng đêm vẫn sáng đèn ở một góc của thành phố, mang lại nguồn sống cho hàng trăm con người…
Lê Hà
(Trích từ nguồn http://baodaklak.vn/)

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

MÙA CAO SU THAY LÁ *Lam Linh

Ban Mê những ngày cuối năm...Ban ngày, nắng nhảy múa trên đầu. Chiều buông, gió ù ù bên tai, buốt cóng.
MÙA CAO SU THAY LÁ
*Lam Linh
Con đường quốc lộ 14 xuyên mảnh đất Tây Nguyên tỏa ánh nắng từ rất sớm và giờ nắng kéo dài đến tận chiều. Tắt nắng, một làn không khí lạnh nhanh chóng bủa vây. Những cơn mưa của mùa mưa vừa đi qua mang theo không khí se se lạnh khiến bạn phải khoác áo ấm khi chạy xe.
...
Đất đỏ quyện lấy đuôi xe, vài giọt mồ hôi lấm tấm, đôi cánh tay đã hơi mỏi và miệng đã khát khô, nhóm xe đã khẽ ra hiệu muốn nghỉ, đó là lúc những cánh rừng cao su thẳng tắp lại xuất hiện. Những rừng cao su được trồng thẳng tắp, dài tưởng chừng như bất tận. Chạy qua những cánh rừng ấy, thấy loang loáng loang loáng. Mệt mỏi tan biến, xe rẽ nhánh tiến vào con đường mòn giữa cánh rừng.
Ánh sáng xuyên rừng chiếu những tia nhảy nhót, những chiếc xe vun vút chạy xuyên cánh rừng, để xem khu rừng sâu thăm thẳm này sâu hút đến tận đâu. Xe chạy, nắng múa trên đầu, lá cao su cùng bụi đất đỏ cuộn bay sau đuôi bánh xe nhảy nhót, một cảm giác thích thú xâm chiếm lấy những kẻ đi đường.
Tiếng lá trên đầu reo lên trong gió, tiếng lá nơi đuôi xe hồ hởi cổ vũ cùng, xe phía trước để lại một vệt đỏ dài. Sau gần 10 phút chạy xe mới hết cánh rừng thẳng tăm tắp ấy. Những chiếc xe ghếch mình nghỉ ngơi, những kẻ chạy xe tự cho mình một bữa picnic nho nhỏ bằng café, bằng vài chiếc bánh và nghỉ ngơi dưới những tán cao su rậm rạp.
Không có những bóng công nhân thấp thoáng lấy mủ sau những thân cây, chỉ có rừng cao su lặng lẽ trong tiếng gió reo vui, ánh nắng nhảy nhót và tiếng lạo xạo của lá vàng rơi sau mỗi bước chân. Những thân cây chằng chịt vết cứa, những dòng mủ lặng lẽ chảy xuống chiếc bát đựng. Xe tắt máy, cả không gian im phăng phắc, hàng cây im lìm trong bóng nắng.
Đi trên con đường xuyên Tây Nguyên, gió cứ hun hút thăm thẳm. Những rừng cao su rụng lá, rời cành, mang cho nơi này một màu sắc khác, lẫn với xanh lá, là vàng, là đỏ, là nâu. Cao su rũ lá một lần duy nhất trong năm vào những ngày tháng 12, dưới nắng vàng và trời xanh thăm thẳm. Những chiếc lá rực rỡ nhất về với đất mẹ. Những tàn dư cuối cùng ấy tạo nên bức tranh tuyệt mỹ cho mảnh đất Tây Nguyên khô cằn.
LAM LINH

Mùa Giáng Sinh năm ấy... CÔ BÉ BÁN DIÊM

Mùa Giáng Sinh năm ấy...
CÔ BÉ BÁN DIÊM
Truyện kể... Cô bé bán diêm sống trong gia đình nghèo khổ, khó khăn, mồ côi mẹ, bà mất sớm, tài sản tiêu tan nên em phải bán diêm cho người bố rất tàn nhẫn hay đánh em. Vào một ngày cuối năm, em không bán được que diêm nào. Trước khi ra khỏi nhà em có mang 1 đôi giày mà mẹ em để lại nhưng nó lại quá to. 1 chiếc giày đã bị xe ngựa cán qua và chiếc còn lại bị 1 thằng bé xấu tính ném mất. Em không dám về nhà vì sợ cha đánh. Đêm giao thừa trời giá rét, em ngồi nép vào góc tường giữa hai ngôi nhà. Đêm càng lạnh giá, em đánh liều quẹt que diêm để sưởi ấm
Mỗi lần quẹt que diêm cháy sáng là một mong tưởng đến với cô. Lần thứ nhất,em thấy lò sưởi; lần thứ hai em thấy bàn ăn và con ngỗng quay; lần thứ hai em thấy cây thông noel hiện ra, lần thứ ba bà hiện về.Nhưng tất cả các thứ đó đều biến mất khi que diêm tắt.Cuối cùng cô bé đã chết vì trời lạnh.[2]
Buổi sáng đầu năm, người ta thấy một em bé ngồi giữa những bao diêm trong đó có một bao diêm đốt hết nhẵn. Người ta bảo cô bé đã chết nhưng đôi má vẫn ửng hồng và đôi môi em đang mỉm cười.
...
Truyện "Cô Bé Bán Diêm" của văn hào người Đan Mạch - Andersen được rất nhiều người biết đến. Song ít người biết rằng cô bé ấy thật sự đã có mặt trên đời này và đã từng đi qua cuộc đời Andersen
Vào một buổi tối mùa thu, tại một khu phố thuộc thành phố Copenhagne - Đan Mạch.
- Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm !
Một tiếng nói khàn khàn, mệt mỏi chợt vọng đến tai Andersen. Đằng kia, trước mặt chàng hơn mươi bước là một người đang ngồi co ro trên thềm của một ngôi nhà cao ráo. Ánh sáng đèn từ trong nhà chiếu ra cho chàng thấy đó chỉ là một đứa bé con. Hẳn nó đã phát ra những lời vừa rồi.
- Tối lắm rồi sao cháu còn chưa về nhà ngủ ?
Andersen bước đến, ái ngại. Đấy là một cô bé khoảng hơn 10 tuổi, run rẩy trong bộ quần áo vá víu bẩn thỉu. Vai áo rách để lộ đôi vai gày còm. Nhìn gương mặt hốc hác của nó, có thể đoán nó đang chịu cảnh thiếu ăn, thiếu uống từ lâu.
- Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm ! - Tay cầm bao diêm, cô bé chỉ vào chiếc túi con căng phồng bên cạnh, khẩn nài- Cả ngày cháu chẳng bán được gì, cũng chẳng ai bố thí cho cháu đồng nào. Cô bé rơm rớm nước mắt. Thân hình tiều tụy ốm yếu của em run lên khi gió lạnh thổi qua.
- Thế sao ? Andersen động lòng.
Chàng khẽ vuốt mái tóc dài xoăn thành từng búp trên lưng cô bé.
- Gia đình cháu đâu cả rồi ? Không ai lo cho cháu sao ? Cô bé buồn bã lắc đầu. Em bùi ngùi kể lại những năm xưa khi còn sống trong ngôi nhà xinh đẹp với những dây trường xuân leo quanh. Từ khi bà em qua đời, gia sản lụn bại, gia đình em phải lìa bỏ mái nhà thân yêu đó để chui rúc trong một xó xỉnh lụp xụp, tối tăm.
- Không có tiền cháu đâu dám về nhà vì bố sẽ đánh chết thôi ! Cô bé nhìn Andersen, đôi mắt cầu khẩn. Thực vậy, em có một người cha ác nghiệt. Hơn nữa về nhà cũng chẳng hơn gì. Hai cha con chen với nhau trên một gác xếp tồi tàn, gió rét vẫn lùa vào được dù đã bít kín những lỗ thủng trên vách. Lúc này, đôi chân cô bé đã lạnh cóng, em mang đôi giầy vải mòn cũ do mẹ em để lại.
- Cháu đừng lo ! Abdersen cho tay vào túi lấy ra một số tiền đặt vào bàn tay bé bỏng của em
- Còn bấy nhiêu chú cho cháu cả. Cháu về nhà mau kẻo chết cóng mất.
- Ôi, lạy Chúa ! Vẻ đầy mừng rỡ, cô bé hôn tíu tít lên tay chàng - Từ ngày bà cháu mất đi, chú là người thương cháu nhất trên đời này. Với món tiền này, bố con cháu sẽ được nhiều bữa no. Nhưng... cô bé bỗng đăm chiêu... Nếu chú cho cháu hết thì tiền đâu chú sống, hở chú ?
- Sao cháu khéo lo thế ? Chàng mỉm cười, nụ cười đầy hiền dịu - Chú sẽ còn cho cháu nhiều thứ nữa. Chú sắp đi xa, đầu năm tới mới trở lại nơi này, khi ấy chú sẽ tặng cháu một món quà đặc biệt.
- Ồ, thích quá ! Còn cháu, cháu cũng sẽ tặng chú một món quà. Mà chú tên gì nhỉ ?
- Chú là Andersen - Chàng âu yếm nắm đôi vai gầy của cô bé - Có bao giờ cháu nghe đến tên ấy chưa ?
- Tên chú nghe quen lắm - Cô bé nhìn đăm đăm gương mặt trầm tư có chiếc mũi khoằm của chàng
- Chú có phải là thợ mộc không ?
- Không phải ! Andersen mỉm cười lắc đầu.
- Thợ may ?
- Cũng không.
- Hay chú là bác sĩ ?
- Ồ, không phải đâu. Thế này này...
Chàng đưa ngón tay trỏ viết viêt vào không khí, vẻ hơi đùa cợt.
- A ! Cô bé reo lên - Cháu hiểu rồi, chú làm nghề bán bút !
Andersen chỉ tủm tỉm cười. Chàng thấy yêu cô bé quá. Em khiến chàng, một nhà văn thề suốt đời gắn bó với tuổi thơ, nhớ đến thời thơ ấu của mình và thành phố Odense cổ kính, nơi tuổi thơ của chàng êm ả trôi qua. Là con một trong gia đình nên dù cha chỉ là một bác thợ giày nghèo, cậu bé Andersen hầu như chẳng phải mó tay đến bất cứ một việc gì ngoài mỗi việc là mơ mộng liên miên. Cậu bé lắm khi chỉ thích bầu bạn với chiếc cối xay già nua đứn run rẩy trên bờ sông hiền lành của thành phố quê hương. ... Sau đó Andersen đi du lịch đâu đó... và chàng đã quên luôn lời hứa với cô bé bán diêm. Khi về thăm lại khu phố năm nào, chàng tự trách mình đã quá mải mê với chuyến viễn du đến nỗi quên khuấy đi lời hứa với cô bé bất hạnh mà giờ này hẳn đang lang thang đâu đó với chiếc túi đựng đầy diêm. Phải mua ngay cho em một chiếc áo len, một chiếc áo lông cừu dày và thật ấm để em qua được cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông...
Và Andersen sau những lần dò hỏi tin tức của em bé bán diêm, được ông chủ hiệu quần áo cho biết :
- Con bé chết rồi còn đâu. Ngày đầu năm mới người ta nhìn thấy em bé chết cóng tự lúc nào ở một góc đường giữa 2 ngôi nhà. Cái chết cứng đờ của nó ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẳn. Có lẽ nó muốn sưởi cho ấm. Có điều lạ là hai mà nó vẫn hồng và miệng nó như đang mỉm cười. - À này, ông ta tiếp tục trước khuôn mặt chết lặng của Andersen, khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi nó rơi ra vật gì giống như một chiếc quản bút làm bằng những bao diêm. Hẳn nó để dành tặng ai, vì trên chiếc quản bút có ghi dòng chữ : tặng chú Andersen. Andersen quên khuấy món quà ông định tặng cho cô bé bán diêm. Nhưng cô bé, cô bé vẫn nhớ tới lời hứa của mình với vị khách tốt bụng của buổi tối mùa thu. Hơn nửa thế kỷ qua, hàng triệu con người trên trái đất đã nghe tim mình thổn thức mỗi khi đọc câu chuyện về cô bé đáng thương của văn hào Đan Mạch. Phải chăng Andersen đã viết câu chuyện ấy như một món quà để tặng hương hồn cô bé bán diêm ?
Andersen

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

BÊLEM, NƠI CHÚA SINH RA *Trần Nguyên Thắng

Cho đến ngày có dịp đặt chân đến Bethlehem của xứ Do Thái-Palestine...
BÊLEM, NƠI CHÚA SINH RA
*Trần Nguyên Thắng
“Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bêlem ánh sáng tỏa làn tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng…”
Thuở còn là cậu bé học trò lớp Năm của trường tiểu học Thánh Mỹ, tôi có dịp cùng bạn bè hát vang những lời hát như thế vào dịp Lễ Giáng Sinh. Hát chỉ là để hát chứ thực sự hiểu thì chỉ hiểu được vài chữ như “đêm Đông” có nghĩa là đêm lạnh lẽo lắm!
Chúa thì biết đó là Chúa Giê-su, “thiên thần” thì biết là “người có cánh bay,” nhưng “hang Bêlem” thì không biết gì cả. Qua lời thầy dạy thì chỉ biết đó là nơi Chúa được sinh ra nhưng ở một phương trời rất xa xôi.
Cho đến ngày có dịp đặt chân đến Bethlehem của xứ Do Thái-Palestine, tôi mới biết đây chính là “hang Bêlem” từ thuở bé mơ ước của tôi.
Bethlehem không cách xa Jerusalem lắm. Từ thành phố Jerusalem, du khách đi về phía Nam chỉ chừng 10 km là đến biên giới giữa Israel và quốc gia tự trị Palestine. Vài năm trước đây, đường biên giới chỉ là những cuộn hàng rào thép gai và những miếng tôn sơ sài dựng lên để phân chia ra hai phần đất Israel và quốc gia Palestine.
Hai bên đều có chốt canh và một vài người lính đứng quanh quẩn đâu đó. Bây giờ các miếng tôn sơ sài đó đã được thay thế bằng các tấm sắt to và cao, các chốt canh cũng không còn nữa. Du khách có thể đi qua lại khu vực Bethlehem mà không phải trình báo giấy tờ gì cả. Tôi không ngờ mình đã đến được “hang Bêlem của thời thơ ấu” dễ dàng như thế!
Bethlehem là một khu vực khá lớn, du khách không những chỉ đi thăm hang Bêlem (Grotto of the Nativity) mà còn có dịp biết thêm về di tích Hang Sữa (Milk Grotto) và “cánh đồng chăn cừu” (Shepherd’s Field).
Cả hai thánh tích này đều được xây thêm các ngôi nhà nguyện để tưởng nhớ như “The Chapel of the Milk Grotto” là ngôi nhà nguyện diễn tả về thánh tích về hang động nơi Đức Mẹ tạm trú nuôi sữa Chúa Hài Đồng. Còn “The Church of the Sheperd’s field” là nhà nguyện nơi nhắc nhớ về câu chuyện các thiên sứ hiện ra báo tin vui với những người chăn cừu ngày Chúa sẽ ra đời.
...
...
Một ngôi nhà thờ đã được xây trên “hang đá Bêlem” là ngôi “nhà thờ Giáng Sinh” được xây từ thế kỷ thứ 4, có lẽ vì thế “hang Bêlem” chỉ là một hang đá được nhìn thấy trong tâm tư đức tin của con người hơn là một hang động mà chúng ta có thể nhìn thấy được ngoài đời.
Cửa vào nhà thờ Giáng Sinh tương đối khá thấp, được gọi là cửa Khiêm-Cung, cửa chỉ vừa một người bước vào và phải cúi thấp người xuống mới đi vào được bên trong. Qua khỏi cửa, du khách chứng kiến cả một không gian thánh đường rộng lớn khiến mọi người không khỏi bỡ ngỡ vì nó khác hẳn với không gian nơi cửa Khiêm-Cung.
Tuy nhiên, vì sự cũ kỹ của thời gian nên bên trong thánh đường Giáng Sinh luôn luôn được trùng tu lại nhằm để bảo vệ những di tích cổ nằm phía bên dưới tầng hầm thánh đường. Ở đây du khách còn có thể nhìn thấy những di tích sàn nhà thờ bằng mosaic của thánh đường cũ còn lưu lại bên tầng dưới.
Nhưng điểm quan trọng nhất trong thánh đường mà ai ai cũng muốn đến để chiêm bái, để cầu nguyện, đó chính là hang Giáng Sinh tức hang Bêlem mà bất cứ ai có đức tin đều mong mỏi một lần được đặt tay vào thánh tích nơi Chúa ra đời.
Du khách đi đến cuối thánh đường, qua khu Gian Cung Thánh và bước xuống các bậc thềm cong. Khi đến bậc thang cuối, ngay sát bên phải du khách thấy ngay một hình tượng Ngôi Sao Bạc 14 cánh mũi nhọn nằm ngay giữa hang động khối chữ nhật đã được lát gạch mable.
Người ta tin rằng bên dưới Ngôi Sao Bạc này chính là hang Bêlem, nơi Chúa Giê-su được sinh ra. Ngôi Sao này được dòng Franciscans gắn vào đây năm 1717 với 14 cánh ngôi sao bạc mang bao hàm ý nghĩa “Here the Virgin Mary gave birth to Jezus Christ.”
Cạnh đó độ ít thước, phía trước vị trí Ngôi Sao Bạc cũng có một hang thờ nhỏ. Người Công Giáo La Mã tin rằng đây chính là nơi Đức Mẹ Maria đã đặt Chúa Hài Đồng trên máng cỏ sau khi Chúa ra đời. Thông thường bạn không có nhiều thì giờ ở đây để “biểu hiện đức tin” của bạn quá lâu vì mọi người sau lưng bạn xếp hàng khá dài. Một vị tu sĩ Chính Thống Giáo gần đó luôn nhắc nhở bạn điều này.
Các tôn giáo như Công Giáo La Mã, Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Tông Đồ Armenian đều tin vào vị trí Ngôi Sao Bạc là đúng nơi Chúa sinh. Tuy nhiên, ngày lễ Giáng Sinh thì mỗi tôn giáo lại cử hành lễ khác nhau.
Công Giáo La Mã (Roman Catholic) chọn ngày 25 Tháng Mười Hai, Chính Thống Giáo Hy Lạp (Greek & Coptic Orthodox) chọn ngày 7 Tháng Giêng, Giáo Hội Tông Đồ Armenian (Armenian Orthodox Christians) chọn ngày 19 Tháng Giêng.
Riêng Công Giáo La Mã cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh vào đêm ngày 24 Tháng Mười Hai ngay tại thánh đường Catherine bên cạnh nhà thờ Giáng Sinh. Một trong những lý do khiến có sự khác biệt ngày cử hành lễ Giáng Sinh là do việc dùng lịch Julian Calendar (do Julius Caesar đề xướng năm 45 BCE) và Gregorian Calendar (do Đức Giáo Hoàng Gregory XIII đề xướng năm 1582). Công Giáo La Mã đã chọn dùng lịch Gregorian và một số phái Chính Thống Giáo thì lại dùng lịch Julian.
Ngày nay, ôn lại những trang lịch sử thế giới ít ai có thể ngờ rằng Ngôi Sao Bạc do dòng Franciscans gắn vào nền gạch, dùng để chỉ nơi Chúa ra đời lại là một phần nguyên nhân tranh chấp giữa Pháp và Nga, giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) vào thế kỷ 19.
...
...
Chúa Giê-su giáng sinh để cứu rỗi nhân loại, đem tình yêu thương và bình an đến cho muôn người. Chúa không đem đến chiến tranh, bất an và tuyệt vọng cho nhân loại. Những nhà chính trị và những ai lạm dụng sự buôn thần bán thánh, lạm dụng sự cứu rỗi – tình yêu – và sự bình an của nhân loại hãy một lần đến viếng thăm nhà nguyện Sistine Chapel để tìm lại con người chính họ! Hãy thưởng ngoạn bức họa tranh “Sự Phán Xét Cuối Cùng.” Họ sẽ tìm thấy con người họ nằm lấp ló đâu đó ở phía dưới cùng của bức họa tranh.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Mười bốn chữ, quả là một tuyệt tác của Thiên Chúa!
Trần Nguyên Thắng
(Trích đoạn trong bài "Thăm hang Bêlem nơi Chúa sinh ra đời" của Trần nguyên Thắng đăng trên www.nguoi-viet.com/)

BAN MÊ MÙA ĐÔNG *Bạch Trầm

Có lẽ sáng sớm và đêm khuya là những khoảnh khắc đậm hồn Ban Mê nhất...
BAN MÊ MÙA ĐÔNG
*Bạch Trầm
Ban Mê mùa đông. Cái lạnh Ban Mê không thể lẫn với cái lạnh của bất kỳ thành phố nào. Không cắt da cắt thịt nhưng từng làn hơi nhỏ se se cứ nhè nhẹ, len lén thấm dần vào da, vào thịt, rồi len lỏi vào những mạch máu li ti khiến chúng rung lên như khi ta chạm khẽ vào sợi dây đàn, buông tay rồi mà âm ba còn run rẩy, xao động mãi.
Ban Mê mùa đông. Thành phố buổi sớm ẩn hiện trong mảng tối sáng mờ mờ. Vài bóng người trùm kín áo bông, vài chiếc xe vụt qua rồi mất hút. Có lẽ sáng sớm và đêm khuya là những khoảnh khắc đậm hồn Ban Mê nhất. Vừa trầm mặc, lắng đọng, xưa cũ; vừa cường tráng, cuồn cuộn, đam mê. Không còn dã quì vàng rực, cỏ và hoa dại phủ một lớp bụi dày ven đường. Không còn những ngôi nhà gỗ nâu nâu nép dưới tán cổ thụ cằn cỗi, những con đường đất đỏ mấp mô, mỗi khi xe chạy qua tung buị mù mịt. Không còn những buổi tối lành lạnh chìm trong tĩnh lặng… Ban Mê trẻ với những con đường lớn trải nhựa thẳng tắp, những dãy nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn sáng choang, rực rỡ; xe máy, xe hơi nườm nượp. Hình như rất ít người đi bộ (một cái thú của bọn mình ngày xưa). Có cái gì đó tiêng tiếc( già rồi, lạc hậu, lẩn thẩn quá phải không?). Mùa Noel tới, Ban Mê lộng lẫy trong ánh đèn đủ màu sắc nhấp nháy; cây thông, hang đá, ngôi sao, quả châu… thảy đều hiện đại; sao vẫn nhớ quay quắt tiếng thông reo vi vu trên đồi thông đường đi hồ Trung Tâm, vẫn cồm cộm trong tim một trái thông già khô cứng cất trong ngăn kéo năm nào…
Mùa đông, không phải mùa hoa cà phê nên không gian thiếu hẳn cái hương thơm thơm, dìu dịu, nồng nồng, cái màu trắng xóa tinh khiết, tiếng vo ve của bầy ong hút mật. Trống trải.
Thôi thì chỉ biết lục lọi, tìm kiếm bên ly cà phê đặc sánh phản chiếu gương mặt bạn bè. Những trận cười giòn tan, những ánh mắt hân hoan, những khuôn mặt rạng rỡ, những câu chuyện xưa không bao giờ cũ, cả những câu chuyện tiếu lâm mà ngày xưa không bao giờ dám nghe, dám kể. Người Ban Mê nay đã mấp mé thành ông già bà lão nhưng vẫn hồn nhiên, ấm áp như ngày nào. Dạo quanh một vòng nhé!
Bạch Trầm
(Trích trên nguồn http://www.trunghocbmt68-75.com/)

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Rảo quanh Hang đá Noel 2017 tại Ban Mê Thuột


Mùa Đông Ban Mê dường như đến với mọi người đúng vào dịp chuẩn bị Mừng Chúa Giáng Sinh. Mùa Đông về mang theo chút se lạnh khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, tìm hơi ấm, tìm cảm thông,…Các giáo xứ trong giáo phận đã trang hoàng hang đá từ những ngày đầu Mùa Vọng. Nhiều nơi trang trí hoành tráng, cũng tuyết rơi bao phủ, người người ngắm hang đá trong những chiếc áo lạnh dày ấm áp, có cảm tưởng đang chiêm ngắm hang đá bên trời Âu, Mỹ... giữa mùa đông tuyết rơi. Nhưng Ban Mê, mùa đông về mang theo chút gió thoảng mùi hoa đồng nội, mùi trái chín cà phê,…  Mùa Đông Ban Mê rực rỡ sắc màu trang trí nơi hang đá Bêlem, nơi cây thông Noel dọc theo đường phố, trong các quán hàng, khách sạn và trong các giáo đường,…
Một số Hang đá Noel tại Ban Mê Thuột:
Tại TGM - BMT
Nhà thờ Chính tòa
GX. Dũng Lạc
GX. Thánh Linh
Đồi Đức Mẹ GX. Thánh Linh
Gx. Châu Sơn
GX. Kim Mai
GX. Mẫu Tâm
Giáo họ Duy Linh

GÓC PHỐ NGÀY XƯA , BÂY GIỜ!

Ban mê thuột từng lớp thời gian...
GÓC PHỐ NGÀY XƯA , BÂY GIỜ!
Buôn Ma Thuột là buôn (làng) của Ama Thuột - tức bố thằng Thuột. Người Ê Đê khi có con cái thì đàn ông không còn tên nữa, mà gọi theo tên đứa con đầu.
Vào cái thuở chưa có khoa học trắc địa và địa giới các cộng đồng, quốc gia xác lập bằng vùng ảnh hưởng (mà không có bản đồ) thì người Chăm, với tư cách xã hội có nhà nước và khôn lanh hơn đã ảnh hưởng nhiều lên xứ Kitara (trong đó có cả cao nguyên Ê Đê) đầy rừng nguyên sinh này.
Khi Chămpa biến mất ở dọc miền duyên hải dưới kia, người Việt thay thế dần sự ảnh hưởng trên miền sơn nguyên, với độ mỏng dày tùy từng giai đoạn lịch sử.
Tuy nhiên, dấu ấn lịch sử thực chứng và thành văn về người Việt đặt chân lên Buôn Ma Thuột lại là từ một người đàn ông xứ Quảng Nam tên Hộ với mối bang giao của ông với tù trưởng Ama Thuột vào năm 1925, được tù trưởng này tạo điều kiện sinh sống khi ông lên đây buôn bán rồi sau đó là sự ra đời của làng Việt đầu tiên mà ông lấy tên là Lạc Giao với mười chín hộ người Việt nữa chung phận nổi trôi xa xứ vì bị lưu đày.
***
Nhưng giờ thì Buôn Ma Thuột đã hiện ra là một đô thị bề thế, sôi động hàng đầu miền Thượng, với điều kiện không gian và sự vạm vỡ của nó luôn cho ta cảm giác có thể kiến tạo đầy tung hứng và vô tận. Cao nguyên Đắk Lắk đúng là cao nguyên bazan. Và chính việc người Pháp thời Đông Dương thuộc địa thiết lập hệ thống hành chính và đưa cây cà phê vào đã làm thay đổi hoàn toàn xã hội nông nghiệp trong các sắc dân sơn nguyên. Đất bazan là nơi lý tưởng cây cà phê, cao su, tiêu, mà Đắk Lắk đã đứng đầu về việc trồng và phổ biến cây cà phê.
Chính sự sung túc, giàu có từ cây trồng công nghiệp xuất khẩu này đã khiến Buôn Ma Thuột trở thành thành phố tiêu dùng khổng lồ. Cái làm ra là nông, lâm, thổ sản, còn đưa tất tần tật mọi sản phẩm khác từ các nơi xa về để tiêu thụ. Và vị trí chính giữa của miền Kitara xưa đã nghiễm nhiên đưa thành phố này trở thành đô thị trung tâm không chỉ ở khía cạnh kinh tế, vai trò ngày càng lớn, khi hội nhập sâu.
Giờ thì Buôn Ma Thuột có mặt trên 30 sắc dân khác đến từ mọi miền đất nước, kể cả Tây Bắc xa xôi. Tôi có thể nghe những ngôn ngữ xa lạ ấy ở chợ Buôn Ma Thuột, trên các con đường mua sắm Y Jut, Nơ Trang Lơng, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong hay Hai Bà Trưng, và có thể thấy họ sống ở các khu phố mới.
Thành phố này người ta ít săm soi, để ý đến nhau. Tiếp nhận phóng khoáng và thoải mái này là chuyện không phải dễ ở các vùng đất khác. Chỉ cần chăm lao động thì lưu dân nào cũng sống dễ dàng trước sự màu mỡ của đất bazan và khí hậu thuận lợi nơi đây. Nên khắp nơi trong lòng Buôn Ma Thuột, phố cũ phố mới đều nhảy tưng tưng, có khi là phố trang trọng ngây ngất, mà cũng có khi là phố lếch thếch, diêm dúa, kệch cỡm, lạc điệu, hình thái giống từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, và cả Đà Lạt. Phố phân lô dĩ nhiên tràn ngập. Nhưng làng, phố biệt thự cũng nhiều như mì gói, đến độ có thể nghĩ sao họ cất nhà cao to dễ đến thế.
Nghe nói, người Buôn Ma Thuột cũng hay sắm thêm nhà ở Sài Gòn nữa. Cư dân tậu xe hơi cất trong nhà cũng đầy. Ngay ở Nha Trang, từ lâu đã có cả một con đường với khách sạn chuyên phục vụ người Buôn Ma Thuột. Vùng đất phóng khoáng, lưu dân ai cũng tranh thủ làm giàu, dù họ làm nghề gì, ở thân phận nào. Lưu dung là trước hết để tích góp, làm giàu, thiết kế tương lai cho con cái, chứ hơi đâu để ý đến chiều sâu, bản sắc, “dựng người”.
Buôn Ma Thuột là một đô thị trên thảo nguyên mênh mông, thủy lưu chảy ngược về sông Mê Kông bên kia, không hề bị che chắn, chia cắt, khi nó đã sạch rừng, nên con đường nào đã mở cũng dễ dàng, rộng thoáng dài tít tắp. Nên đến cái vỉa hè ở đường phố Buôn Ma Thuột cũng làm các đô thị khác thèm thuồng - nó to rộng như sân chơi. Còn kiến trúc trên các đường phố thì giống từ Đà Lạt (xưa), đến Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ. Đó là thứ kiến trúc đưa đến từ mọi nơi, chấp nhận tất cả, đổ vào tất cả, mà không cần bản sắc riêng, mặc dù bạn tôi, KTS. Lê Hoàng Sinh khi còn làm giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk đặt ra ý tưởng cho xứ sở rằng mỗi căn nhà mới xây ở Buôn Ma Thuột đều cần có “tinh thần” Ê Đê: chóp mái kiểu nhà sàn Ê Đê.
Ý tưởng này bất khả thi, vì dân nhập cư xứ này vốn rất khoái tự do cảm xúc, họ cất nhà theo ý của họ. Dân Buôn Ma Thuột mà, sống tự nhiên, thoải mái, xuề xòa, quen với tính “nông nghiệp rẫy” thời bốp chát nên không để ý đến bản sắc đô thị chung. Nếu có bản sắc, thì chỉ có thể nhìn thấy trong các buôn của người Ê Đê còn lỏi chỏi đây đó. Nhưng cộng đồng nhập cư thì đã nhiều hơn, chi phối cách biểu hiện về ý thức thẩm mỹ, không gian sống, hình thái kiến trúc, và cả lối sống. Mà ý thức của dân nhập cư, là như đã nói, “thoải mái”, no vui, nhiều tiền, thế nào cũng được. Lịch sử thị dân trên thế giới đã chỉ ra rồi, với đô thị, bên trong sao thì bên ngoài vậy.
...
(Trích đoạn trong bài "Giai điệu gồ ghề của Buôn Mê... Thật" của Nguyễn Hàng Tình đăng trên http://www.nguoidothi.net.vn/)