Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Trong con mắt tuổi thơ... BÀ PHƯỚC



Trong con mắt tuổi thơ...
BÀ PHƯỚC
Hình ảnh những nữ tu thánh thiện đội lúp trắng thật to đã gây ấn tượng mạnh cho tôi từ bé. Tôi gọi họ là thiên thần. Mấy người già thì bảo đó là những bà phước (có lẽ bởi họ chuyên đi làm phước). Còn thằng bạn tôi thì bảo đó là mấy “bà sơ”; bà nào mặc áo đen thì gọi là “me sơ”, bà nào mặc áo xanh thì gọi là “ma sơ”. Đám bạn tôi còn kháo nhau mấy “bà sơ” không có tóc, nhưng thằng bạn tôi khẳng định: tóc “bà sơ’ màu đỏ hoe, xoăn xoăn chẳng khác gì râu ngô, trông khiếp lắm!
Thằng bạn tôi rất giỏi, rất thông minh, nó biết tất cả mọi sự trên đời. Chỉ phải cái tội nghịch! Nghịch hơn cả quỉ!
Tôi còn nhớ như in, năm học lớp 7, đang tuổi ăn tuổi chơi lại phải “rèn” trong trường nội trú đến là khổ! Kỷ luật thép, giờ nào việc nấy, việc nào chỗ nấy, giờ ăn, giờ chơi, giờ học, giờ ngủ tách bạch, rõ ràng. Thế mà nó biến báo khôn lường! Một hôm nó đưa tôi một cục màu trắng, to hơn viên bi, được chế biến giống như kẹo bột, ăn béo béo, ngọt, thơm. Nó bảo: “Sữa bà sơ đấy!” Tôi tròn mắt. Sữa Ông Thọ, sữa Chim Trắng thì có chứ sữa bà sơ thì chưa nghe bao giờ. Nó phẩy tay rất điệu nghệ: “Đi theo tao, vô khối, ăn cả đời mày cũng chả hết”.
Nó dắt tôi vào khu vực kho của trường. Chưa bao giờ tôi dám bước chân đến đây, thế mà nó cứ thản nhiên như không. Có một cánh cửa khép hờ, nó kéo tay tôi lách vô. Chưa kịp định thần, tôi nghe có tiếng khoá lách cách phía sau. Trong phòng tối om om. Nó ấn vào tay tôi cái hộp to: “Sữa bà sơ đó. Tha hồ ăn!”. Quen dần bóng tối, tôi thấy lơ mờ xung quanh chất toàn những thùng vuông vuông mà nó gọi là sữa bà sơ. Nhưng còn hồn vía đâu nữa mà mơ tưởng đến ăn cơ chứ! Bây giờ, cốt làm sao thoát khỏi cái nhà kho này là được. Nếu bị phát hiện thì “ao” chứ chẳng chơi! (“ao” có nghĩa là bị đuổi khỏi trường). Tôi đã chực khóc. Nó bảo: “Không phải lo, tí nữa cửa mở thì mình phóng ra ngay, bà sơ không bắt được mình đâu”.
Một lúc, một lúc mà tưởng chừng như hơn thế kỷ, cửa mở thật. Nó nắm tay tôi lao nhanh ra ngoài. Thế là thoát. Nhưng ngộ nhỡ “bà sơ” nhận ra mình rồi lên báo Cha giám luật thì sao? Mấy ngày trời, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị kêu tên lên văn phòng…
Hôm ấy, đang đứng thơ thẩn, “bà sơ” đến dúi vào tay tôi một gói to: “Em cất đi, để dành mà ăn”. Cái gì thế này? - “Sữa bà sơ!”. Đích thị là “bà sơ” đã nhận ra mình hôm đột nhập kho. Nhưng sao “bà sơ” không báo giám luật nhỉ?...
Ôi! Hình ảnh “bà sơ” bao giờ cũng gây ấn tượng mạnh trong tôi. Họ đúng là những thiên thần!
Vũ Đình Bình
...
Tôi luôn nhớ đến bài học được các soeur giảng từ cuốn Tâm Hồn Cao Thượng qua bản dịch của Hà Mai Anh và cuốn Luân lý giáo khoa thư. Các bài học về lòng nhân ái, về sự khiêm nhường, về sự tôn trọng,... được học từ bậc tiểu học sẽ giúp con người khi lớn lên, trở thành những công dân cần có của bất kỳ xã hội nào. Các soeur dạy tôi: Phải đứng nghiêm khi nghe quốc ca; ra đường gặp đám tang đi qua phải giở mũ cúi chào người đã khuất và chia sẻ nỗi đau với tang quyến; gặp người có tội bị cảnh sát bắt giải đi đừng nhìn họ bằng đôi mắt khinh bỉ mà hãy thương yêu họ vì biết đâu, họ không phải là tội nhân hoặc có thể do phút giây không kiềm chế được, họ phạm tội và bây giờ họ đang hối hận, ăn năn về hành vi của mình;... Những bài học đầy tính nhân văn ấy đâu phải chỉ dành cho giáo dục của một chế độ xã hội riêng nào mà đã là người thì đều cần được dạy dỗ như vậy. Các soeur dạy chúng tôi: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” khi nghe tin bão lũ vừa gây ra cảnh màn trời chiếu đất ở đâu đó. Các soeur còn cẩn thận nhắc nhở: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” và hơn thế nữa, dạy chúng tôi: “Cách cho hơn của cho”. Những bài học vỡ lòng thấm đẫm tình người, tạo nên những tâm hồn vị tha, bao dung và đáng để xã hội, để mọi người tin cậy.
(Trích trong "Tôi Đếm Cát Sa Mạc Tôi" của Lưu Vỹ Bửu đăng trênhttp://banvannghe.com/)

ĐI TÌM MỘT BÀI HỌC THUỘC LÒNG

ĐI TÌM MỘT BÀI HỌC THUỘC LÒNG
Năm 2013, trong lúc lang thang trên mạng tôi tình cờ tìm thấy trang blog Xứ Thượng của Đạt Buôn Trấp, đọc được bài NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU ĐỜI của Nguyễn Hoàng Khanh (http://datbuontrap.blogspot.com/…/09/nhung-bai-hoc-au-oi.ht…).
Trong đó có bài học thuộc lòng "Trận cầu quốc tế" thật hay, mở đầu bằng hai câu:
"Chiều chưa ngả, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân ..."
Hai câu trên bất chợt làm tôi nhớ tới một bài học thuộc lòng khác mà tôi còn thuộc từ 50 năm trước, bài "Một trận cầu".
Năm ấy 1968, tôi học lớp đệ Ngũ, em tôi Nguyen Quangdiep học lớp Nhất trường Nguyễn Công Trứ, hai anh em ngồi học bài mà tôi bị phân tâm mãi vì nó cứ đọc thật to bài học thuộc lòng trong cuốn Tân Việt Văn lớp Nhất của Bùi Văn Bảo :
MỘT TRẬN CẦU
Chiều chưa ngả nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái bước ra sân
Vẻ hung hăng thêm dũng mãnh bội phần
Khi nhịp vỗ vang từ tay khán giả
Một bên áo màu xanh lá mạ
Còn bên kia áo sọc trắng pha hồng
Sau hồi còi hiệu lệnh, quả ban lông
Bay vun vút khắp nơi này chốn nọ
Hàng tiền đạo vốn làm mưa làm gió
Bởi trung phong vừa khỏe lại vừa nhanh
Nhưng cũng may phía địch toán canh thành
Thế thủ vững nhờ hai chàng hậu vệ
Gờm nhau mãi chưa phen nào thắng thế
Ghi trái đầu để lãnh pháo reo vui
Cờ giám biên vẫn chạy tới đi lui
Giúp tai mắt cho trọng tài bắt đúng
Gần nửa hiệp bỗng một bên lưới thủng
Tiếng hoan hô reo dội khắp ầm vang
Chiều nghiêng nghiêng nắng xuống nhạt màu vàng
Trên sân cỏ trận đấu càng sôi nổi ./.
Nghe nhiều lần thành thuộc, rõ ràng bài học thuộc lòng này tôi còn nhớ như in, nhưng trong blog Xứ Thượng, Nguyễn Hoàng Khanh lại viết khác hẳn :
TRẬN CẦU QUỐC TẾ
Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân
Tiếng hoan hô vang dội khắp xa gần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và...đội nhà đã thắng
Ta tuy bé nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội...
Tôi đã góp ý với Phạm Đình Đạt trong phần nhận xét, nhưng nỗi ám ảnh vẫn đeo đẳng mãi trong tôi. Suốt 3 năm qua, vẫn cứ để tâm đi tìm cuốn sách Tân Việt Văn lớp Nhất ngày xưa. Mãi đến hôm nay, tôi mới tìm được cuốn sách thời học trò này, thật vui đọc được bài học thuộc lòng ngày xưa và giải mã một ấm ức trong lòng.
Không phải tôi cầu toàn hay thích tranh luận, mà chỉ muốn "đã làm gì phải làm tận lực, đến nơi đến chốn", như mình đã được dạy phải làm như vậy bởi nền giáo dục từ thuở ấu thơ./.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Nắng ba năm, ta không bỏ bạn. Mưa một ngày, bạn lại bỏ ta!
NGHỊCH NẮNG
Có chú bé thức giấc trưa hè, ghé mắt nhìn qua ô cửa.
Thích thú ngắm những ánh nắng vàng, rơi đầy bên sân nhà
Ríu rít, ríu rít phía sau vườn, lũ chim về tắm nắng vàng
Cất tiếng hót thánh thót như gọi, bé ơi ra đây nghịch nắng
Có chú bé trốn giấc trưa hè, bước qua thềm nhà, đón nắng vàng
Thấy lấp lánh ánh nắng diệu kỳ, sáng lên trên khuôn mặt
Trôi qua những giấc mơ ngọt ngào, khu vườn nhà sao im lặng
Bỗng thấy nhớ những ánh nắng vàng đã đi qua tuổi thơ.
Đàn chim bay đi, chỉ còn những trưa vắng
Tuổi thơ qua đi, chỉ còn những im lặng.
Xòe tay đón nắng, đợi nghe tiếng chim hót
Để tôi mơ thấy, được về lại nơi tuổi thơ tôi.
...
(Lời bài hát Nghịch Nắng của Lưu Hà An)
*Tiếng hát Hồng Nhung http://mp3.zing.vn/bai…/Nghich-Nang-Hong-Nhung/ZWZE6OOO.html.
---
...
Từng làn gió mát pha chút hơi nồng nồng khô hanh của ngày hè cùng hòa lẫn mùi lúa chín, mùi rơm rạ khô đang bốc cháy kêu tí tách. Tất cả như đang hòa quyện vào nhau rồi cùng len lỏi vào tận sống mũi của tôi...
Tôi thấy mình bé lại. Ngày ấy, cứ vào mùa thả đồng, anh em tôi với mấy thằng bạn ở quê cùng nhau... trên những cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, tha hồ mà đùa nghịch, nô giỡn. Nào là đá bóng, thả diều, chơi ăn ô quan… Chao ôi! tất cả như đang sống dậy trong tôi.
Dưới cái nắng hè oi ả chúng tôi thường tụ tập nhau lại và chơi đá bóng nhựa trên bãi đất trống, rộng với chi chít những hoa cỏ may. Những bông hoa cứ đâm mãi vào quần, áo chúng tôi từng lớp dày đặc nhưng cả bọn chẳng ai thèm để ý. Biết bao nhiêu là mồ hôi chảy dài trên những đôi má ửng hồng bởi cái nắng hè. Những cặp mắt thơ ngây hồn nhiên của tuổi mới lớn hòa tan theo những tràng cười giòn giã. Dường như dư âm của ngày ấy vẫn còn vang vọng đâu đây.
...
Có những trưa hè dù rất nóng nực, mấy anh, chị em tôi vẫn thay nhau đón mẹ đi chợ về để vòi quà. “Ai ra muộn mất phần ráng chịu!”, anh cả dõng dạc tuyên bố vậy nên mấy thằng em cũng dè chừng lắm. Bữa thì bánh tráng, bữa thì bánh rán đường và có hôm thì gói kẹo “Gốc tre”. Nói thì nói vậy nhưng anh trai vẫn chia phần rất công bằng, thậm chí thằng út được nhiều hơn cả. Chắc có lẽ phải gian khổ từ nhỏ nên anh thấu hiểu giá trị của sức lao động và có phần thấm nhuần những lời dạy của mẹ: “Là anh em một nhà phải biết yêu thương lẫn nhau chứ đạp đầu nhau chui ra cả đó!”.
...
(Trích đoạn "Cảm ơn tuổi thơ của con" của Hoàng Văn Thiệu đăng trênhttp://vnexpress.net/)

Chiếc nón xưa của phụ nữ Ê đê... NÓN ADUÔN BAI

Chiếc nón xưa của phụ nữ Ê đê...
NÓN ADUÔN BAI
Phụ nữ Ê đê để tóc dài buộc ra sau gáy. Họ mang áo váy trong trang phục thường nhật. Ngày xưa họ để tóc theo kiểu búi tó và đội nón aduôn bai. Vào những năm sáu mươi vẫn còn thấy các cô gái Ê đê đội nón Aduôn bai trong các lễ đi dâu nhà chồng...
Chiếc nón aduôn bai của người Êđê có vành rộng đan hai lớp, bằng lá cây mnan hoặc hiap, loại lá tương tự như lá móc, lá cây đùng đình.
Chiếc nón aduôn bai của người Êđê thì đường kính tới 0,70-0,80cm. Những chiếc nón này rất thuận lợi cho việc che cái nắng gay gắt của cao nguyên...
Theo voer.edu.vn.


ĐỒN ĐIỀN CÀ PHÊ CADA

Huyện Krông Păk - Đăk Lăk...
ĐỒN ĐIỀN CÀ PHÊ CADA
Thế kỷ XIX, người Pháp đến Đông Dương, và các nhà khoa học của họ nhận ra Việt Nam và Lào có thể là nguồn cung cấp cà phê bổ sung cho Bờ Biển Ngà. Cây cà phê được trồng thử để theo dõi đầu tiên là trong Vườn Bách Thảo ở Sài Gòn vào năm 1865 và được đánh giá là hợp thổ nhưỡng. Sau đó vài năm, khoảng năm 1870, cà phê bắt đầu được trồng thành đồn điền ở Quảng Bình và Quảng Trị, đây là nơi trồng cà phê đầu tiên ở nước ta. Tuy nhiên, chất lượng cà phê không được đánh giá cao. Sau đó, cà phê được trồng thử nghiệm ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình và Sơn La, nhưng cũng không được đánh giá cao.
Khoảng năm 1890-1892, người Pháp tấn công các bộ tộc ở vùng Đak Lak hiện nay, và sau khi chiếm được, họ mở con đường từ Ninh Hòa lên Buôn Ma Thuột, nay là quốc lộ 26. Sau đó, họ tổ chức lập các đồn điền lớn, trong đó có cà phê. Những đồn điền cà phê đầu tiên ở Tây Nguyên là ở phía Đông Buôn Ma Thuột và Krông Păk ngày nay. Đó là sự khởi đầu cho cà phê Tây Nguyên.
Khoảng năm 1912-1914, Công ty Cao nguyên Đông Dương (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois - CHPI) và Công ty Nông nghiệp An Nam (Compagnie Agricote d'Asie - CADA) mới đầu tư trồng 260ha cà phê từ km 18 đến km 34 ven quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26). Đó là thời điểm cà phê được người Pháp chính thức trồng tập trung, quy mô lớn tại Buôn Ma Thuột. Cà phê Buôn Ma Thuột được đánh giá là ngon hơn hẳn cà phê Bắc Phi, và người Pháp tiến hành nhân rộng ra một vùng rộng lớn, phía Nam mở rộng đến Đăk Mil và Di Linh, phía Bắc mở rộng đến Kon Tum.
Đến năm 1925, có khoảng 30 đồn điền cà phê của Pháp được thành lập ở các vùng xung quanh Buôn Ma Thuột, mỗi đồn điền rộng từ vài chục đến hàng trăm hécta.
Trong "Địa chí tỉnh Darlac" ấn hành năm 1931, Mon Fleur đã mô tả đồn điền cà phê CADA - Công ty Nông nghiệp An Nam như sau: "Công ty Nông nghiệp An Nam có một nhượng địa rộng 8.000 mẫu tây, khai thác được 1.800 mẫu, trồng cà phê 1.000 mẫu, chè xanh 800 mẫu ... Công ty có những cơ xưởng lớn sửa chữa máy móc, nhà để xe, kho tàng, nhà ở của giám đốc, chủ đồn điền... tất cả đều rộng rãi, an toàn và có điện thắp sáng. Nơi ăn ở của công nhân bản xứ tập trung ở hai ngôi làng lớn là Ea Knuêc và Ea Yông. Các đồn điền đều có triển vọng tốt đẹp, cây cà phê được trồng và chăm sóc tốt...".
Chú thích: hai làng trên nay thuộc Krông Păk.
+ Trên quốc lộ 21 có :
-Đồn điền ô-giê (auger) ở km47, diện tích 136 ha;
-Đồn điền Mec-cu-ry (mercurio) km21, diện tích 222 ha;
-Đồn điền Vơ-rec-ken (vererkene) km42, diện tích 82 ha;
-Đồn điền Pa-đô-va-ni (padovani) km15, diện tích 160 ha;
-Đồn điền Hê-ri-ông (herion) km35, diện tích 35 ha;
-Đồn điền Ai-ten (aitain) km18, diện tích 22 ha;
-Đồn điền Ha-ghen (hagen) km16, diện tích 89 ha;
-Đồn điền Săng-tê (santé) km23, diện tích 39 ha.
(Trích theo "Quá trình hình thành và phát triển cà phê Buôn Ma thuột" đăng trên http://lehoicaphe.vn/)



THIỀN VIỆN TRÚC LÂM TỪ GIÁC

Huyện Krông Păk - Đăk Lăk...
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM TỪ GIÁC
"Thiền Viện Trúc Lâm Từ Giác là nơi phụng thờ Tam bảo, tôn thờ chư vị Tổ sư của Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam là đạo tràng chuyên tu Thiền pháp của chư Tăng Ni, là nơi để hàng Phật tử lui tới kính Lễ chư Phật, học tập Phật pháp và từng bước ứng dụng vào đời sống tâm linh. Tên của Thiền Viện do chúng con cung thỉnh Hòa thượng Ân sư chấp thuận ban cho. Đó là sự kết hợp từ đạo hiệu của Hòa thượng Tôn sư và Hòa thượng Ân sư, là để thể hiện lòng hiếu kính của chúng con đối với các Ngài, chúng con có chút thành tựu tu hành cũng nhờ hai bậc Tôn đức giáo dưỡng nên. Sống trong ngôi Thiền Viện này chúng con cảm thấy ấm áp và có thêm động lực để dũng mạnh tu tiến và thực hành các công tác Phật sự. Đồng thời danh tự này cũng có nghĩa là Từ bi và Trí tuệ, hai đức tính căn bản của chư Phật mà cũng là đức tính người tu hành cần phải có. Trúc Lâm là từ gọi tắt của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, hệ Phái Thiền đã được Hòa thượng Tôn sư dày công khôi phục và truyền bá. Đây là pháp môn mà Thiền Viện Trúc Lâm Từ Giác lấy làm tông chỉ sinh hoạt tu học. Thiền Viện ra đời chính là tiếp nối sự phát triển của dòng Thiền Trúc Lâm đã được khôi phục xiển dương và phát triển rộng rãi. Từ đây Phật giáo Việt Nam nói chung Phật giáo tỉnh Đak Lak nói riêng có thêm một ngôi nhà tâm linh, làm cho vườn hoa Phật giáo thêm một đóa hoa xinh tươi sắc thắm. Song song là việc hoằng dương Phật pháp, thổi ngọn gió Thiền Trúc Lâm vào đời sống tinh thần của người dân làm cho cuộc sống con người càng ý nghĩa.
Đến nay công việc chưa được hoàn thành, song vì nhu cầu tu học của Tăng Ni và Phật tử, Hòa thượng Ân sư chỉ dạy chúng con tổ chức Lễ An vị tôn tượng Đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni và chư vị Bồ-tát. Tạm thời kết thúc giai đoạn xây dựng và bắt đầu vào giai đoạn thực hiện nội dung tu học; sau đó, chúng con vẫn tiếp tục thực hiện những phần còn lại của công trình để ngôi Thiền Viện sớm hoàn tất ".
(Trích diễn từ khai mạc của Đại đức Thích Đạo Ứng Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Từ Giác)
*Ngày 24 tháng 1 năm 2016 (Nhằm ngày 15-12-Ất Mùi) tại Chánh điện Thiền Viện Trúc Lâm Từ Giác; thuộc Núi Chư Kuin, thôn Ea Wi, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc tỉnh Dak Lak đã long trọng tổ chức Lễ An Vị Phật; có đông đảo các Hòa thượng, Thượng tọa, chư Tôn đức Tăng Ni, Trụ trì, trong Tông Phái Trúc Lâm các tỉnh và chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì, Cư sĩ Ban Đại diện, Ban Hộ tự Phật giáo cơ sở trong toàn tỉnh Đak Lak về tham dự.


Huyện Krông Păk - Đăk Lăk...
GIÁO XỨ BUÔN HẰNG
Năm 1973 là năm chiến tranh khốc liệt nhất đối với người dân Kontum. Theo chính sách di dân của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, cha Beyslance thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), đã đưa khoảng 2000 người dân tộc Sê Đăng rời khỏi vùng chiến sự, di tản đến một vùng đất lúc đó gọi là Buôn Hằng, quận Phước An, tỉnh Darlac, để sinh sống. Đất Buôn Hằng màu mỡ, giáo dân chọn nơi đây để dừng chân. Đời sống yên bình hơn, họ an tâm sống đạo dưới sự dìu dắt của cha Beyslance và cha Christian Leonie. Năm 1974, các cha Thừa sai chuẩn bị làm nhà thờ cho giáo dân, thì biến cố 1975 xảy đến.
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, cha Beyslance và cha Christian Leonie bị trục xuất về Pháp. Giáo dân bắt đầu mồ côi linh mục từ đó. Từ năm 1975 đến năm 1998, toàn bộ hai huyện Krông Bông và Krông Păk chỉ còn lại một giáo xứ duy nhất, đó là giáo xứ Thuận Hiếu II. Trong suốt 14 năm, giáo họ Buôn Hằng I và Buôn Hằng II không có thánh lễ nào. Họ sống đạo dựa vào sự dìu dắt của các giáo phu. Thời gian này ai muốn đi lễ thì phải đi đến giáo xứ Thuận Hiếu II (giáo xứ Thuận Hiếu bây giờ ) để dự thánh lễ...
- 24.8.2005: ĐGM Giuse Nguyễn Tích Đức ra văn thư thành lập Giáo xứ Buôn Hằng.
- 21.10.2007: ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Hùng Tiến làm quản xứ.
- Giáo họ trực thuộc: Ea UY, Dang Kang, Hòa Thành.
(Theo "Lược sử giáo họ Ea Uy" đăng trên http://gpbanmethuot.vn/)


Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

DỪNG CHÂN Ở KM 47 THƯỞNG THỨC BẮP NẾP LUỘC

Huyện Krông Păk - Đăk Lăk...
DỪNG CHÂN Ở KM 47 THƯỞNG THỨC BẮP NẾP LUỘC
Khi đến địa phận Km 47 thuộc xã Ea Kly (huyện Krông Pak), chúng tôi dừng lại “chợ bắp”, nơi níu chân tất cả du khách mọi miền trên cuộc hành trình lên Đắk Lắk. Dọc hai bên đường, dưới bóng mát của những gốc cây cổ thụ xum xuê là những quán bắp bình dân giống nhau, với những mái lều phủ bạt, dăm bộ bàn ghế, vài cái võng… Khách có thể ngả lưng, vừa nghỉ ngơi, vừa nhâm nhi vị ngọt của bắp, hít thở không khí trong lành mát mẻ nơi này. Và tất nhiên là không thể thiếu những bếp lửa hồng rực với những nồi bắp luộc nghi ngút khói.
Chẳng biết “chợ bắp” hình thành từ khi nào, nhưng đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của khách thập phương. Những trái bắp luộc hết sức thơm ngon, dẻo ngọt ở đây từ lâu đã trở thành thương hiệu mời gọi những ai có dịp đi dọc con đường này. Các quán bắp trong “chợ” nằm san sát nhau, lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ mua người bán.
(Trích đoạn "Thưởng thức bắp nếp luộc cực ngon ở Đắk Lắk" của Giao Thủy đăng trên http://phunuonline.com.vn/)
Theo những người già sống trong vùng cho biết thì trước đây nơi này còn hoang vắng lắm, hai bên đường chỉ toàn cây và bụi rậm. Nhờ có cây đa cổ thụ che bóng mát nên mùa nào thức nấy, đồng bào Êđê trong vùng đem vài gùi bơ, mãng cầu, ngô non, sầu riêng ra đây bán. Dần dần nơi đây trở nên đông vui hơn khi một số hộ gia đình đem những trái ngô luộc bày bán. “Chợ ngô” theo đó cũng dần hình thành. Gọi là “chợ” nhưng ở đây chỉ tập trung khoảng 20 hộ gia bán ngô luộc và nước giải khát. Tận dụng bóng mát cây xanh hai bên đường và chỉ cần mắc thêm vài cái võng thế là khách đi đường có thể ngả lưng nghỉ ngơi, vừa thưởng thức vị ngọt của ngô, sự trong lành mát mẻ bình yên của khung cảnh xung quanh. Ngô ở đây chủ yếu được lấy từ vườn của người dân quanh vùng ở các xã Ea Kuăng, Ea Kly (Krông Pak) và Ea Sô (Ea Kar)… Và do được trồng quanh năm nên nguồn ngô ở đây không khi nào khan hiếm. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu khách hàng quanh vùng, khách đi đường, “chợ ngô” Km 47 còn là nơi phân phối ngô đi các tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn, Nha Trang… Sở dĩ ngô ở đây được ưa chuộng là nhờ vào sự đầu tư của những hộ gia đình ngay từ khâu chọn lựa giống ngô, tới việc chăm sóc và thu hoạch. Để có được những nồi ngô luộc ngọt và chất lượng, ngô phải bẻ đúng thời điểm, không để quá già và không quá non, ngô được luộc ngay khi bẻ về.
(Trích theo "CHỢ NGÔ" KM 47" của Thúy An đăng trênhttp://www.baodaklak.vn/)

Huyện Ea Kar - Đăk Lăk ... THÁC BAY

Huyện Ea Kar - Đăk Lăk ...
THÁC BAY
Thác Bay là một thác nước đẹp ở xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một thắng cảnh đẹp, hoang sơ giữa núi rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, nằm cách trụ sở Ban quản lý khu bảo tồn khoảng 15 km, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có những loài chim, thú đặc biệt quý hiếm như: beo lúa, voi, cheo, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, sóc đỏ, vượn đen, khỉ mặt đỏ, gà lôi trắng… Ngoài động thực vật quí hiếm, khu bảo tồn còn là khu rừng sinh thái đẹp với dòng thác âm thầm chảy từ bao đời nay.
Thác được hình thành trên một dòng suối nhỏ hiền hòa trong mùa khô nhưng hung dữ vào mùa mưa, nằm hoang sơ giữa những cây rừng thuộc họ có rễ phụ đan kín trông rất lạ mắt.
Thác với cột nước đổ trên cao khoảng 20 m đổ xuống một mặt hồ rộng và sâu, tung bọt trắng xóa rồi trở về lại với dòng chảy hiền hòa, uốn lượn giữa đại ngàn Ea Sô xanh thẳm.
So với các thác nước khác của Đắk Lắk như thác Gia Long, thác Krông Kmar..., thác Bay ít được mọi người biết đến do không thuận tiện về đường đi lại và nằm trong khu Bảo tồn nên việc khai thác du lịch còn đang rất hạn chế.
Vậy nhưng đây lại chính là điểm mạnh của thác Bay vì đến với thác này, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh hoàn toàn còn hoang dã và được trở về với thiên nhiên thật trọn vẹn.
(Trích theo "Thác Bay (Đắk Lắk) - Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn" đăng trên http://www.dulichvn.org.vn/)

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

ĐÔI CHÂN TRẦN

ĐÔI CHÂN TRẦN
Tôi muốn quên đi tháng với ngày
Cha đi lượm quả ngọt rừng
Cho con đỡ đói qua đêm
Tôi muốn quên đi đôi chân trần
Cha đi lượm từng hạt thóc
Cho con một bữa cơm chiều
Ôi ngày tháng, đôi vai gầy
Run run tựa vào hàng cây
Ôi thời gian, hãy quên đi
Đôi chân cồng kềnh cha đi giữa rừng hoang vu
Lưng cha đi đội nắng gầy
Ôi tóc bạc tựa trăng soi
Cả cuộc đời và cả một đời
Đôi chân trần
(Bài hát ĐÔI CHÂN TRẦN _Nhạc sĩ Y PHON K'SOR)
* Ya Suy thể hiện http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/doi-chan-tran-ya-suy.
Mình không hiểu tại sao tác giả lại muốn quên đi những điều đó. Mỗi lần nghe bài này lại muốn rớt nước mắt, nghẹn đắng trong lòng. Cha tôi cũng vậy, cũng một đôi chân trần, một đôi vai gánh cả gia đình trên vai. Cha không thấy nặng, cũng không mệt mỏi, vì như một ai đã nói " nếu một người xem người mình yêu thương là cả thế giới thì thế giới đó chẳng bao giờ là nặng đối với người đó cả".
Có lẽ người cha nào cũng vậy, cũng âm thầm, cũng mạnh mẽ, cũng hy sinh và quên mình suốt một đời. Những ngày tháng cực khổ trong quá khứ cứ mãi ám ảnh tâm trí tôi với hình ảnh cha lam lũ làm việc, Người đội cả một trời nắng thật to, một trời mưa thật lớn và cả những cơn bão, những trận lũ lụt để che chở cho cả gia đình.
Vậy tại sao phải quên đi?! Tôi càng muốn nhớ để yêu cha nhiều hơn, chăm sóc cha nhiều hơn. Có lẽ cha là người đàn ông con yêu nhất trên cuộc đời này, rồi mới tính đến người đàn ông là chồng con bây giờ! Buồn cười, chẳng bao giờ con nói với cha điều đó, vì mọi lời nói đối với yêu thương là vô nghĩa, đúng không cha!
Hay tác giả muốn quên đi những cơ cực, những mệt nhọc của cha mình, hay ông đau xót khi từng thấy cha mình phải trải qua những tháng ngày khiến ông đau đớn, thương cha ông đến vô cùng. Dù thế nào thì ông cũng sẽ chẳng bao giờ quên được! Và tôi cũng thế thôi!


Huyện Ea Kar - Đăk Lăk ... PHỐ CƠM GÀ

Huyện Ea Kar - Đăk Lăk ...
PHỐ CƠM GÀ
“Ea Kar thân thiện mặn mà 
Đi đâu cũng nhớ cơm gà 52”
Dọc theo quốc lộ 26 ,cách thành phố Buôn Ma Thuột 52 Km hướng đi Nha Trang ,chúng ta sẽ đến địa phận của thị trấn Ea Kar Km52 ,một thị trấn đang có tốc độ phát triển khá nhanh của tỉnh .Cơm gà ở đây được nằm ngay cửa ngõ vào phố huyện Ea Kar ,nên được gắn với thương hiệu cơm gà 52 trứ danh này.
Sở dĩ cơm gà 52 ở đây nổi tiếng khắp nơi là vì ,tất cả nguyên liệu chính để tạo nên món cơm gà trứ danh này đều được chọn lọc kỹ càng tại địa phương . Theo chị Cơ cho biết, gạo để nấu cơm gà được chị chọn lọc kỹ từ nông trường 719 (vùng đất của huyện Krông Pak – Đak Lak). Gà ở đây là giống gà thả vườn tại Ea Kar, trong số gia vị có muối chị phải trực tiếp nhập từ Quảng Nam đêm về . Cơm được nấu bằng nước luộc gà ,sau đó được chiên cơm bằng mỡ gà .Với nhiều năm kinh nghiệm và cách pha ướp theo cách riêng của mình ,chị đã cho ra đời quán cơm gà Trình nổi tiếng này.
Cơm được chiên với mỡ gà nên ăn rất béo và dòn ,bên trong hạt cơm rất mềm ,có mùi thơm đặc trưng , gà mềm và dai ,ăn vào có hương vị béo . Đặt biệt không làm cho người dùng cảm giác gây ngán .Với một bát canh gà lá giang kèm chung trong thực đơn , sẽ tạo ra một món cơm gà khó mà quên cho người thưởng thức.
Thị trấn Ea Kar cũng trở nên nổi tiếng vì được rất nhiều du khách ví von là đến Ea Kar là chúng ta đến với thành phố cơm gà ...
(Trích theo "Cơm gà 52 – Thương hiệu ẩm thực nổi tiếng ở phố huyện Ea Kar – Đak Lak " đăng trên http://diendantaynguyen.com/)

VÀO LÃNH ĐỊA BÒ TÓT EA SÔ



Huyện Ea Kar - Đăk Lăk ...
VÀO LÃNH ĐỊA BÒ TÓT EA SÔ
Bò tót (tên khoa học Bos gaurus, tên địa phương là min), là động vật thuộc bộ Guốc chẵn (Artiodactyla), họ Trâu bò (Bovidae) mình đen, chân trắng. Con trưởng thành cao trung bình 1,8-1,9m, dài trung bình khoảng 3 m, nặng hơn 1 tấn. Hiện tại ở Việt Nam còn khoảng 300 con bò tót trong tự nhiên và là loài nguy cấp cần bảo vệ.
...
“Rừng rộng mênh mông nên may mắn lắm mới nhìn được thấy chúng, chỉ có đến chỗ “chuồng bò” may ra mới nhìn thấy chúng, hoặc dấu vết chúng để lại”. Anh giải thích: “Chuồng bò”, thực chất là một chiếc hố giữa rừng, qua theo dõi cán bộ kiểm lâm phát hiện ở vị trí này nhiều lần bò thường tập trung về đây vào mùa khô để liếm đất. Nhiều nhà khoa học đến đây nhận định khả năng trong đất bãi này có một số loại khoáng chất cần thiết để bổ sung cho cơ thể bò tót, nên chúng mới tập trung về đây để ăn. Ở trong Khu BTTN Ea Sô hiện có 3-4 “chuồng bò” như thế này.
...
Khoảng 1 giờ đi bộ, “chuồng bò” hiện ra trước mắt là một hố sâu chừng nửa mét, rộng khoảng 10 m bao quanh bởi những cây căm xe cao vút. Kỹ lưỡng tìm kiếm xem có dấu vết bò tót để lại, rồi anh mừng rỡ chỉ vào cây căm xe mọc cạnh “chuồng bò” trên đó in rõ những vết mòn trên vỏ cây cao ngang ngực người và nói đó là do bò tót từng nhiều lần dùng thân mình cọ xát vào đó. “Chỉ có bò tót to lớn mới tạo ra những dấu vết này, không có loài thú nào ở đây có thể cao như thế”... Có lẽ do mùa khô mới bắt đầu, các đồng cỏ vẫn chưa cháy nên đàn bò đang phân tán kiếm ăn ở những nơi khác nên chưa về đây. Chỉ khi nào đồng cỏ khô cháy, bò mới tập trung về đây kiếm ăn và liếm muối khoáng.
...
Mới đây thôi, Trạm kiểm lâm số 4 phát hiện một con bò tót mẹ dẫn con đi ăn trên trảng cỏ, điều này cho thấy đàn bò tót ở đây vẫn sinh sản để bảo tồn nòi giống.
* Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô có diện tích 27.800 ha với địa hình đặc trưng là những vùng núi trung bình xen lẫn các vùng rừng thưa bằng phẳng với nhiều trảng cỏ lớn - đây là dạng sinh cảnh phù hợp cho các loài thú lớn sinh sống. Ở đây có nhiều loài động vật đang bị đe dọa ở mức độ toàn cầu như bò tót, bò rừng, rái cá lông mượt, vọoc bạc. Đặc biệt, đây là nơi có quần thể bò tót lớn của Việt Nam.
(Trích theo "VÀO LÃNH ĐỊA BÒ TÓT EA SÔ" của Vạn Tiếp đăng trênhttp://baodaklak.vn/)

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

DU LỊCH SINH THÁI NÚI M'DRĂK

Trên đèo Phượng Hoàng, Khánh Dương xưa...
DU LỊCH SINH THÁI NÚI M'DRĂK
Nằm cách trung tâm TP. Buôn Mê Thuột ( Đăk Lăk) khoảng 100km, M’Đrăk là điểm đến mới lạ với cảnh quan thơ mộng, bí ẩn và hoang sơ, mang đậm sắc thái của núi rừng Tây Nguyên. Dù vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng địa danh được mệnh danh là “Dubai Việt Nam” này đã thu hút rất nhiều sự chú ý.
Huyện M'Đrăk sở hữu tài nguyên rừng dồi dào bậc nhất của Tây Nguyên. Bên cạnh đó còn có nhiều đồng cỏ rộng lớn, phù hợp để chăn nuôi gia súc.
Du khách muốn vượt qua đèo Phượng Hoàng lên Tây Nguyên phải đi qua vùng thảo nguyên M'Đrăk. Từ vùng rừng núi Tây Nguyên muốn tìm về với miền biển Nha Trang cũng ngang qua nơi này. M'Đrăk giữ vị trí nối biển với rừng.
Qua bộ ảnh, ta dễ dàng thấy được vẻ đẹp hoang vu của những bãi cát trắng trải dài, những nhánh cây khô hoang dã, bậc thang xếp tầng bởi những phiến đá hay hồ nước trong veo, yên ả. Khu du lịch này chắc chắn sẽ trở thành một địa điểm chụp ảnh ngoại cảnh thu hút các bạn trẻ trong sắp tới.
Thật ra, cảnh đẹp này không giống Dubai như cộng đồng mạng nhận định. Những tảng đá cùng với bãi cát trắng trong bộ ảnh dễ khiến người ta liên tưởng đến các sa mạc trắng hùng vĩ ở Ai Cập hơn.
Dự kiến nơi đây sẽ mở cửa vào đầu năm 2017.
(Trích theo "Vẻ đẹp khó cưỡng của vùng đất được ca tụng là "Dubai Việt Nam" của Huy Hồ đăng trên http://kul.vn/doi-song/)



Trên đèo Phượng Hoàng, Khánh Dương xưa... BUÔN ETHI

Trên đèo Phượng Hoàng, Khánh Dương xưa...
BUÔN ETHI
Bên núi cao, bên vực sâu, nhiều khúc cua tử thần cheo leo hiểm trở, đèo Phượng Hoàng nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk được ví là “đệ nhất hùng quan” ở Nam Tây Nguyên.
Ít ai biết trên con đèo dài 12 km từng gắn với nhiều trận chiến khốc liệt, có thời điểm chỉ còn là những mảng núi đồi trơ trọi do những cơn mưa chất độc hóa học, là nơi cư trú của cộng đồng người Êđê. Đã hàng trăm năm trôi qua nhưng đến nay người Êđê ở đèo Phượng Hoàng vẫn duy trì tập tục sơn nữ dùng trâu bò, chiêng ché cùng tiền mặt để "bắt" được người chồng ưng ý về ăn đời ở kiếp.
...
Bây giờ là 4h chiều, lưng chừng đèo Phượng Hoàng trời mù mịt. Bặm mình di chuyển trong cái lạnh cắt da và nỗi ám ảnh tử thần chực chờ, may sao chúng tôi cũng đi qua hết những đoạn đèo dốc uốn lượn hiểm nguy nhìn từ trên cao cứ như con mãng xà khổng lồ đang trườn hết tốc lực qua khe núi. Phía trước lúc này là những nóc nhà của người Êđê nằm e ấp dưới sự chở che của những ngọn núi khổng lồ...
Gặp nhau tại nhà cộng đồng với chiếc cầu thang rất đỗi lạ kỳ chạm hình bầu ngực của người phụ nữ, ông Y Den, trưởng ban mặt trận buôn Ethi (thôn 1, xã Ea Trang, huyện M'đrắk) cho biết, tên gọi đèo Phượng Hoàng không phải vì nơi đây từng có rất nhiều chim hồng hoàng, mà bởi con đèo nằm chẻ giữa những dãy núi uốn lượn tựa sải cánh của loài chim... nữ hoàng.
(Trích đoạn "Bộ tộc bắt đàn ông về làm chồng trên đỉnh đèo Phượng Hoàng" đăng trên http://www.tienphong.vn/)



Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Nơi đầu nguồn của thác Nhà Đèn, hồ Piscine, suối Maury...

Nơi đầu nguồn của thác Nhà Đèn, hồ Piscine, suối Maury...
KHU DU LỊCH KO TAM
(KoTam cách trung tâm BMT 9km, hướng đi Nha Trang)

Sống ở vùng đất này hơn 40 năm, chứng kiến biết bao sự đổi thay, phát triển nhưng cũng có không ít tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước bị tàn phá, cạn kiệt và cả buôn Pak - một buôn cổ của người Êđê xưa ngay tại đầu nguồn suối Kô Tam cũng không còn khiến lòng chị luôn trĩu nặng. “Với mong muốn góp phần khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa, đồng thời quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đến bạn bè trong nước, quốc tế, nâng cao giá trị nông sản địa phương, tạo việc làm cho người lao động… tôi đã thuyết phục và kêu gọi các nữ doanh nhân trong Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh cùng hợp tác đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Kô Tam ngay tại địa điểm của buôn Pak cổ trước kia” ...
Để biến ý tưởng khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa thành hiện thực, chị Ngọc Anh đã cho xây dựng ngay trong khuôn viên của khu du lịch một căn nhà sàn theo kiến trúc của người Êđê, mày mò phục dựng lại bến nước, đầu tư trồng cà phê và các loại cây ăn quả, xây dựng khu vực rang - xay - chế biến cà phê, khu ăn uống, nghỉ dưỡng… Điều đặc biệt của dự án này là đã liên kết được một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 buôn: Kô Tam, Kmrơng A, Kmrơng B (xã Ea Tu) cùng làm du lịch. Khi du khách có nhu cầu sẽ được đưa đi tham quan các buôn kể trên để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của người dân tộc bản địa, trải nghiệm quy trình trồng - chăm sóc - thu hái - chế biến cà phê, thưởng thức các loại trái cây và các sản phẩm chăn nuôi truyền thống ngay tại các khu nhà mẫu, vườn mẫu, nghỉ dưỡng ở nhà sàn và được tìm hiểu cây Knia, khám phá lễ cúng bến nước của người Êđê. Cùng với việc tạo ra một địa chỉ “du lịch xanh”...
(Trích đoạn "VƯƠN TỚI ƯỚC MƠ" của Yến Ngọc đăng trênhttp://baodaklak.vn/)


Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

NHÀ THỜ NAM THIÊN

Về Ban mê thăm Đạt Lý...
NHÀ THỜ NAM THIÊN
Vào những năm 1953, với tên gọi Giáo điểm buôn Kroa hai linh mục người Pháp thuộc Giáo phận Kontum là các cha Pièrre Romeuf Phương và cha Roger Bianchetti Bạch (MEP) quản xứ giáo xứ Daklak đã đặt những bước chân đầu tiên lên thăm anh chị em sắc tộc Êđê của các buôn Kroa và buôn Jù cách Ban Mê Thuột độ chừng 20km.
Đến cuối năm 1954, cha Pièrre Romeuf cùng cộng sự của mình là cha Giuse Trịnh Chính Trực bắt đầu công cuộc truyền giáo cho đồng bào Buôn Kroa...
Bộ mặt buôn Kroa ngày càng phát triển hơn khi những gia đình di cư từ Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng vào lập nghiệp. Theo chương trình di dân, gần 400 người được đưa tới sinh sống ở dinh điền buôn Kroa. Đất lành chim đậu, dân cư người kinh và anh em sắc tộc bản địa hòa hợp vui sống.
Đánh dấu cho sự kiện phát triển công cuộc truyền giáo nơi đây. Ngày 12.8.1957, Đức Giám mục Pau Seitz Kim đã ký Sắc lệnh thành lập Giáo xứ Dinh Điền - Buôn Kroa ( GX Nam Thiên hiện nay) và bổ nhiệm linh mục Augustino Hoàng Đức Sinh làm cha sở tiên khởi.
Với sức trẻ và lòng hăng say truyền giáo, cha đã dấn thân truyền giáo và mở rộng giáo xứ. Cha đã cho dựng một ngôi nhà nguyện tạm đã có nơi cử hành các nghi thức phụng vụ và nơi qui tụ những bổn đạo mới.
Sau một năm hình thành... giáo xứ Buôn Kroa đã chính thức ra mắt với một ngôi nhà gỗ. ....
...
2001: Khởi công xây dựng nhà thờ
2003: Hoàn tất công trình xây dựng nhà thờ
Khánh thành và cung hiến bàn thờ ngày 25.03.2003
...

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Về Ban mê thăm Đạt Lý... ĂN BÁNH BỘT LỌC

Về Ban mê thăm Đạt Lý...
ĂN BÁNH BỘT LỌC
Dọc theo quốc lộ 14 cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 10 Km, chúng ta sẽ đến trung tâm chợ Đạt Lý, một vùng đất nhiều truyền thống của tỉnh Đak Lak. Đến đây các bạn có thể hỏi bất kì ai từ người già đến người trẻ , họ sẽ giới thiệu cho các bạn tận tình về đặc sản Đạt Lý và địa điểm các bạn có thể thưởng thức món bánh ngon và nổi tiếng này.
Cách đường quốc lộ 14 chừng 50 m khi qua chợ Đạt Lý ,vào con đường nhỏ chúng ta sẽ bắt gặp các quán bánh bột lọc mà khi nào cũng tấp nập ,đông khách đến không ngờ.
Bột Sắn là nguyên liệu chính làm nên bánh bột lọc được nhập từ vùng núi Huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế đem về ,vì bột Sắn ở đây mới đủ đáp ứng được chất lượng tốt nhất cho bánh ,kết hợp với thịt heo và tôm tươi được chế biến cẩn thận ,sạch sẽ ,cộng thêm cách pha chế đặc biệt ở từng loại gia vị.Sau 10 phút hấp hơi sẽ được hoàn thành.
(Nguồn: Diễn Đàn Tây Nguyên)


Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Về Ban mê thăm Đạt Lý... CHÙA NAM THIÊN

Về Ban mê thăm Đạt Lý...
CHÙA NAM THIÊN
Từ những năm trước 1945, cao nguyên Daklak còn là một vùng đất đỏ hoang sơ chưa hề có bóng dáng của chùa chiền, càng không hề có dấu chân của người xuất gia đầu Phật; đến những năm đầu đất nước mới được thống nhất, tồn tại đó biết bao nhiêu tịnh xá tự viện bị đổ nát hoang tàn do bom đạn chiến tranh, số tăng ni còn rất ít ỏi, chỉ đếm không đủ mười đầu ngón tay… Vậy mà hôm nay(2008) toàn tỉnh có khoảng 120 tự viện chính thức, và khoảng 8 chùa đang chờ được công nhận, cùng với lực lượng tăng ni đông đảo tinh tấn tu học, phụng sự xã hội!...
...
Kìa một Nam Thiên Tự (xã Hòa Thuận) xưa nay an lạc khiêm tốn ở một vùng ngoại thành, qua bao thăng trầm của thế sự phải có lúc chịu cảnh hoang lạnh rêu phong, sau đó đã vươn dậy vào năm 1993 xây dựng lại ngôi chánh điện, thu hút đông đảo tín đồ với trên con số nghìn; rồi mới đây chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi về nhận chùa, đại đức trụ trì đã thực hiện “một cuộc đại trùng tu quy mô và mạnh mẽ nhất”: xây một dãy nhà dài và rộng có sức chứa khoảng 400-500 người để mở những khóa tu phật thất cho cư sĩ áo lam khắp nơi tề tựu về, cùng lúc xây dựng cả một tượng đài Quán Thế Âm lộ thiên trang nghiêm và đẹp như một tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ thuật trên mảnh đất bên đường người lại xe qua…
...
(Trích trong "ĐẠO TỪ BI KHỞI SẮC" của Tâm Không Vĩnh Hữu đăng trênhttp://www.duocsu.org/)
Được biết, chùa Nam Thiên được thành lập vào năm 1957 do một số cư dân từ các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế di cư lên vùng đất đỏ Bazan tạo lập. Mãi đến năm 2004, Bổn tự cung thỉnh ĐĐ. Thích Giác An (tu học tại Tổ đình Giác Nguyên, Q.4 TP.HCM, là để của HT. Thích Minh Nghĩa) về chăm lo đời sống tinh thần và hướng dẫn việc tu học cho Phật tử nơi đây. Từ năm 2005, ĐĐ. Thích Giác An đã tổ chức nhiều khóa tu cho đồng bào Phật tử trong toàn tỉnh, tiến hành xây dựng chỉnh trang khuôn viên chùa. Đến nay, Đại đức phát nguyện Đại trùng tu ngôi chánh điện để làm nơi sinh hoạt tu học cho chư Tăng và đồng bào Phật tử. (Theo www.giacngo.vn/)