Hình ảnh của chợ quê Cư Drăm huyện Krông Bông - ĐăkLăk...
MÙ XA NẺO CHỢ
*Nguyễn Hàng Tình
....
....
Ở miền thượng, địa hình chia cắt, buôn làng tách biệt, đi lại khó khăn, dân cư cũ mới cứ nở ra nên đâu dễ muốn có chợ là có được ngay. Ở đâu có con người thì ở đó cần có các hoạt động trao đổi và bán mua, cần sự tụ lại cho sinh hoạt ấy diễn ra mà. Cuộc sống tự nhiên là một cuộc sống đúng với thực tiễn đang là trước những gì diễn ra trên nó, cùng nó, nhu cầu, tồn tại. Rằng, khởi đầu thường là ai đó mang bó rau trồng ra trên rẫy, trong vườn, con cá bắt được ngoài suối, dưới sông, trong ao, ổ trứng gà thừa trong chuồng… bày ra chỗ tiện nhất để cô bác tạt ngang mua thì cũng thu về được ít đồng, khi mà nhà mình ăn không hết. Những thứ mình làm để ăn thì làm sao là cây con biến đổi gen, có thuốc trừ sâu, hóa chất kích thích sinh trưởng được. Dần dần, nhiều người cùng mang đến, góp vào, thì cái điểm bán mua thực phẩm chưa thành chợ đó đông thêm. Riết rồi đông dần thêm nữa, rồi thành “Chợ Núi”. Người cần bó rau, con cá, trái bí, miếng thịt, trái ớt, túm ốc… cho những bữa cơm thường nhật của gia đình mua hoài rồi cũng quen, cứ xem như “địa chỉ”.
Tôi gọi chợ núi là “tổ chợ”, vì nó như những con chim nhỏ trong vòng cánh ấm của một mẫu hình mà không ồn ã. Tổ chợ của tôi vắn gọn: tụ lại lúc ban mai, cũng có thể giữa buổi sáng, mà cũng có khi là thời điểm cuối chiều và có lúc đông người, lúc ít người. Nó phụ thuộc vào lượng nông thực phẩm có trong trời đất mà bà con quanh đấy kiếm được. Loại chợ này có khi họp thường xuyên, có khi bất chợt. Chợ không có sạp, không kệ. Tại đây, lật úp một cái rổ nhựa to lại cũng đã là cái giá để hàng. Người bán bày hàng hóa ở trong thau, trong thùng, bó lồ ô, miếng ván, và nhiều khi còn treo hai bên chiếc xe máy, xe đạp dựng bên cạnh chỗ ngồi. Người đi chợ không cần diện quần áo tươm tất, cũng chẳng thấy son phấn trên môi má. Hình ảnh đi chợ bằng gùi chỉ có thể thấy ở những hốc núi, lề đường quê, góc buôn, góc xóm và khi đang có chiếc gùi trên lưng thì cũng chẳng cần tới túi nilon nữa. Hình như càng mộc mạc, chân chất thì người đời càng ít làm tổn thương môi trường. Đàn ông cũng đi chợ, và cũng mang cái gùi phía sau. Những sắc màu rau cỏ, chủng loại thảo mộc, côn trùng gì dưới suối, trên rừng ăn được cũng lấp lánh chỗ này. Nơi đây cũng có hơi thở của mùa màng trên xứ sở, rằng tiết nào rau trái đấy.
Tại tổ chợ, người bán nói sao, người mua trả tiền vậy, không có cảnh trả giá, cò kè bớt một thêm hai. Họ ngầm tin nhau giá bán sẵn rồi. Có lẽ người bán tự biết lời vừa phải, không thể nào chém chặt người mua. Còn người đi chợ chớp nhoáng mua và chớp nhoáng mang đi. Chỉ ở đây, người bán và người mua mới thuộc làu mặt nhau. Chỉ ở đây, với nền thương mại dân dã, khách hàng không còn là khách hàng, mà là đồng phận, đồng loài, hàng xóm.
***
Đời sống miền quê ở vùng núi sẽ thế nào nhỉ nếu thiếu “nền thương mại núi dân gian” thế này. Tha nhân cộng sinh, san sớt nhau mà sống và chính quyền cũng không phải trả lương cho người làm dịch vụ. Những cái chợ chưa thành chợ này nối bó rau, con cá với nồi cơm của từng nhà và những cộng đồng không thể nào biết đến siêu thị. Nó giúp duy trì sự sống ở đó, xã hội ở đó, làm cuộc sống chuyển động, êm, đều. Nó làm cho các buôn làng, xóm núi thân thương, an lành, đáng sống. Nó gắn kết những con người sống ở nơi heo hút lại với nhau.
Loại chợ này hiện ra khắp nơi trên những vùng quê núi tôi đã đi qua, những plei, buôn làng heo hút của người J’Rai, Bana, K’ho, Sê Đăng, Rơ Mâm, Ê Đê, Mạ, M’Nông, S’Tiêng bản địa lâu đời ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và cả ở làng tạm bợ của người H’Mông, Tày, Nùng từ ngoài Tây Bắc chuyển vào những vùng núi non heo hút của vùng cao nguyên phương Nam. Đó là chợ của kẻ nghèo bản địa, chợ của kẻ lưu lạc và của kẻ tha hương, thất cơ, lỡ vận không đủ sức bon chen ở thị thành. Đó là chợ của những tâm hồn mong manh, những con người có vẻ (hoặc không có cơ hội) không thích nghi được với cuộc sống công nghiệp, so kè, đua tranh, tương tác bằng thủ thuật, chiêu thức, kỹ năng, lý tính. Các hoạt động bán và mua đều không chuyên nghiệp nhưng ai cũng thấy gần gũi với mình. Đó là loại chợ rực mùi núi rừng, được vây quanh bởi thảo mộc, là chợ bơ vơ nhưng thuần hậu, nhân bản. Chỉ ở đây, người đi chợ mới dễ dàng mua thiếu một bó rau, mua nợ một lạng thịt. Chỉ ở đây, người bán không cần dùng sổ ghi nợ. Hình như cái nghèo ở thế giới canh nông làm cho người đời sống tình cảm hơn với thế giới phố thị. Ấm gọn như thế mà không gọi là “tổ” thì gọi là gì đây.
Chợ gì mà hồn nhiên thế không biết! Đâu đó nó là một phần trầm lặng, khiêm nhường của xứ sở núi. Chợ nằm ngoan bên núi, bên rừng.
* * *
Tôi không biết tại sao lòng mình lại thấy ấm áp khi gặp những cái chợ như thế, dù mình không là cư dân ở đó. Có thể vì tôi nghèo nên cứ thấy sự đơn sơ, nghèo nàn là như thấy quê hương, họ hàng, máu mủ. Cuộc sống tối giản thường thơ ngây, đạm bạc, thực chất, bởi thường cái đầu nó khiến con người đòi hỏi chứ không phải cơ thể. Trong con người, cơ thể có nỗi đau của nó khi chịu đựng cái đầu. Như bà con ở đây ra chợ núi thế này mà thấy yên nhàn, hạnh phúc hơn ở đâu đó người ta bước vào siêu thị và cân đo trí não thì sao. Bình an, tự tại là đỉnh cao, chốt lại của chất lượng sống. Để ý mà xem, dân miền núi và dân thị thành ở đâu tỷ lệ stress, bị bệnh đường ruột, hay bệnh nan y nhiều hơn là biết thôi. Và cũng nên nhớ, tổ chợ của tôi lại càng khác chợ cóc ở phố phường thành thị đấy nhé. Nơi đây, như đã thủ thỉ, dù nghèo, nhưng thường không bao giờ là hàng thải loại, hạ cấp hay phế phẩm, và chơi tiểu xảo bán buôn, bơm chích chất nọ chất kia vào.
Cuộc sống của mỗi người thì khác nhau nhưng cái chết nào cũng giống nhau cả, cảm giác lúc lìa cõi trần, ấy là thời khắc không còn phân biệt, so sánh, công dân núi hay công dân rừng, thị dân hay nông dân, cả đời ăn thực phẩm siêu thị hay thực phẩm rẫy nương, chợ lồng hay chợ giữa trời. Cọng rau, con cá, miếng thịt nào mà chẳng từ đồng nội, vườn rẫy, thôn trang mà về đó. Cư dân núi đang ăn những hơi thở của ngọn nguồn. Chân dung chợ ánh lên thế thái, nhân tình nơi đó.
Lang thang trên những nẻo đường tôi gặp những nẻo chợ, tổ chợ đó. Hiện giờ, giữa tiết xuân rạo rực từ đồng bằng lên núi non, hẳn chợ núi của tôi cũng xuất hiện thêm món hàng này, hàng nọ, sản phẩm của thị thành, của biển, cho sắc hương, vui mắt, lạ miệng.
Chợ bền bỉ, khắp nơi trên miền sơn cước. Nó thuộc về dân gian và cứ thế tồn tại, góp phần phục vụ thế nhân tiện lợi và phát triển xã hội nông thôn. Địa văn hóa, địa tâm hồn người đời là quyết định sự tồn tại của một mẫu hình kinh doanh. Chợ núi là thứ chợ mà ta phải nhìn ngang vì không có giai tầng, cao thấp, sang hèn. Chợ núi là thứ chợ mà ta phải nhìn dọc bởi vì chỉ có mùa màng, nắng mưa. Từ đó, ta đem lòng yêu thương những chợ dân gian ở dương gian này. Chợ thế này thì tha nhân lời lãi nhất chắc ở tâm hồn.
Nguyễn Hàng Tình
(Trích đoạn từ bài Mù Xa Nẻo Chợ của Nguyễn Hàng Tình đăng trên https://www.sgtiepthi.vn/mu-xa-neo-cho/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét