Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

BAN MÊ VÀ NỖI NHỚ *Đỗ Trường

Nhớ một thời học trường Sư Phạm Ban Mê Thuột ... Trước đây là trường Trung Học La-San, bây giờ là trường Cao Đẳng Sư Phạm Đăk Lăk.
BAN MÊ VÀ NỖI NHỚ
*Đỗ Trường
Bạn tôi vét sạch túi, mới đủ tiền mua hai tô bún, gọi là bữa đại tiệc để tiễn tôi về Hà Nội, ngay tại bến xe Ban Mê. Tôi hẹn bạn dứt khoát sẽ trở lại, ấy vậy mà đã hai mươi tám năm … hai mươi tám năm, tôi đã không trở lại . Tôi đã thất hứa với bạn, có lỗi với Ban Mê. Thật ra viết Ban Mê là sai, phải là “Buôn Ma Thuột” mới đúng. Nhưng không hiểu tại sao, tôi cứ thích cái tên Ban Mê hơn. Dường như cái tên Ban Mê này nó gắn liền với bài ca “ Trở Lại Ban Mê “ mà lũ chúng tôi ngày đó thường hát “… Trở lại Ban Mê phượng vẫy tay chào, rừng chưa thay lá, rừng còn nhớ ta không? Xưa hôn em một lần rồi xa nhau ngàn trùng…..” Nên cái tên Ban Mê hằn sâu trong ký ức tôi, nhiều lúc cứ muốn đọc cho đúng cái tên Buôn Mê Thuột, nhưng cứ thấy ngượng thế nào ấy, rồi câu trước câu sau lại trở về Ban Mê.
Cách đây đã khá lâu, vô tình gặp anh Thắng nhạc sĩ, ở gia đình một bạn văn, chuyện trò mới biết anh là tác giả của bài “Trở Lại Ban Mê “ mà lũ chúng tôi một thời say đắm. Anh là người Hà Nội, cùng gia đình di cư vào Ban Mê năm 1954. Từ yêu Ban Mê, nên anh có rất nhiều ca khúc viết về thành phố cao nguyên đất đỏ nhưng thơ mộng này. Xa quê nên nỗi nhớ về Ban Mê luôn thường trực trong anh. Tôi khác anh, vào Ban Mê sau năm 1975, rồi lại xa, nhưng nỗi nhớ, và tình yêu dường như ai cũng giống nhau.
Tôi yêu Ban Mê ngoài những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với góc phố, con đường, mà ở đó còn có rất nhiều bè bạn và cả một rừng hoa phượng đỏ với những kỷ niệm vui buồn…
Dọc con đường 14, từ trung tâm bưu điện ngã sáu về Trường sư phạm, Đai học Tây nguyên có rất nhiều cây phượng đã bắt đầu trổ bông, khi tiếng ve kêu réo rắt gọi lũ học sinh sư phạm chúng tôi đã tới kỳ nghỉ hè. Các bạn nhà gần về với gia đình, chúng tôi nhà quá xa, không có tiền tầu xe nên ở lại trường trong cái buồn thiu, khắc khoải.
Chiều buồn, chúng tôi hay đi dạo dưới những chùm phượng đỏ, kể cho nhau chuyện gia đình. Hôm nào đói quá, chúng tôi tạt vào vườn nhà ai gần đó hái trộm những trái bơ, vú sữa ăn. Ăn chán hoa quả, chúng tôi lại đi đào củ mì về nướng, luộc. Không may, hôm nào đào nhầm vào những khóm mỳ có lá xoăn tít, ăn xong cả lũ say, sợ đến mấy ngày . Tôi đã trải qua nhiều cuộc say, từ say rượu, đến say thuốc lá thuốc lào, nhưng có lẽ không có gì dễ sợ bằng say caffe lúc đói. Cái say đó đến nay đã qua mấy chục năm, nhưng mỗi lần nghĩ đến tôi lại thấy sợ.
Vào năm 1978, lớp VănB khoá 4 sư phạm chúng tôi được chia thành từng nhóm nhỏ vào nông trường thu lượm quả caffe, gây quỹ cho lớp và nhà trường. Nhóm chúng tôi, có các chị lớn tuổi ( gọi là lớn hơn tuổi,và kêu là chị ,nhưng các chị cũng chỉ lớn hơn một vài tuổi, là nữ lại xa gia đình, nên các chị chững chạc hơn, bọn con trai chúng tôi) gồm có hai chị Lan, họ Trần và Nguyễn, chị Dung quê Thái Bình, chị Đông, chị Thảo, chị Cúc Ankhê- Gialai, Hoài, Hà và Nhung. Bọn con trai chúng tôi, nào là những Ngọc lớn, Ngọc bé, Đào Nghệ Tĩnh và tôi. Sáng sớm, xe của nông trường đã chờ chúng tôi ở khu ký túc xá, chở đến vườn caffe.
Vừa tới nơi, Ngọc con đã kiếm ở đâu đó chiếc nón sắt, rủ tôi nhặt qủa caffe đã chín khô, rang lên, rồi giã nhỏ, lấy khăn quai nón của chị Thảo làm thành chiếc túi đựng caffe. Ngọc con đổ nước vào nón sắt, thả túi caffe đun sôi, chờ một lúc cho ngấm, nước đã có mầu vàng vàng từ từ chuyển sang mầu đen đen sóng sánh, mùi caffe thoang thoảng thơm, làm thức dậy cơ quan khứu giác của tôi. Sau đó Ngọc đổ ra bát mời mọi người cùng uống. Dĩ nhiên là nhóm nữ không ai chịu uống . Tụi con trai chúng tôi, đứa nào cũng háo hức, bát caffe đã xoay vòng, đến lượt tôi, chị Thảo bảo:
-Trường đừng uống, sức mi yếu, lại không được ăn sáng, say đấy!
Tôi không nghe lời chị, cứ nhắm mắt uống cạn bát caffe đắng chát. Qủa thật như lời chị Thảo nói, một lúc sau chúng tôi say ngả nghiêng, ruột gan lộn tùng phèo. Chui vội vào bụi cây nằm co quắp, mặc kệ cho mọi người làm việc, cho mãi đến chiều xe đến đón, tôi mới thấy hơi dễ chịu phần nào. Sau vụ này thực sự tôi sợ caffe, cho đến nay mấy chục năm sống ở nước ngoài, tôi tuyệt nhiên không bao giờ uống caffe.
Vậy mà đã 30 năm trôi qua, nhanh như một giấc chiêm bao, các bạn tôi ai còn, ai mất? Ai còn dạy học, ai đã rời xa bục giảng?. Ngồi viết những dòng chữ này, mong có ngày được trở về Ban Mê và gặp tất cả các bạn. Năm 1981, tôi đang lang thang ở đường phố Sài gòn, gặp Hồng Nhung người Ban Mê, lớp Văn A khoá 4, đi cùng mẹ vừa từ Ban Mê xuống. Tôi nhận ra Nhung, nhưng Nhung không nhận ra tôi. Tôi cười bảo:
– Trường VănB đây.
Nhìn lại tôi một lúc. Nhung nói:
– Ủa có phải Đỗ Trường viết văn hay, luôn luôn được cô Thành đọc bài luận trước khối? Ông khác quá, tôi nhận không ra.
Nghe Nhung nói cũng đã nghỉ dạy, dường như gia đình và Nhung muốn chuyển đi xa. Đấy là bạn học cùng khoá, cuối cùng mà tôi được gặp.
Ban Mê, buổi sáng thường hơi lạnh, nhưng không khí thật dễ chịu, sương mù mỏng và nhẹ chứ không dầy đặc như Đà lạt. Như có lần cố thi sĩ xứ Quảng Vũ Hữu Định có viết:
“ Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố lá cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương….”
Không hiểu sao mỗi lần đọc bài thơ này, tôi cứ nghĩ thi sĩ viết cho xứ Ban Mê, chứ không phải cho phố núi Pleiku. Khí hậu trong mát dường như cũng làm cho con người Ban Mê dễ gần và thân thiện hơn. Sống trong thời bao cấp, lũ học sinh chúng tôi được cấp phiếu mua mỗi năm 4 mét vải, tương đương với hai bộ quần áo cho người cỡ trung bình hoặc nhỏ, người cao như tôi thì không đủ. Một lần tôi mua phải một miếng vải quần bị lỗi. Ông thợ may bảo:
– Cậu là học sinh đến nói khó với họ may ra họ đổi cho, chứ các bà cửa hàng thương nghiệp cửa quyền lắm.
Ngại quá, nhưng nghe ông thợ may nói vậy, tôi lọ mọ quay trở lại, xếp vào hàng chờ. Đến lượt, tôi đưa miếng vải cho một chị, có lẽ vừa ở bộ đội chuyển ngành sang. Tôi cũng đoán vậy, vì nhìn cách ăn mặc của chị. Tôi nói chưa hết câu, chị đã xua tay như đuổi:
– Không đổi là không, sinh viên cũng vậy thôi. Cậu có tránh ra cho người khác vào mua hay không?
Nghe giọng miền Trung nằng nặng, gắt gỏng của chị, chán quá, tôi tần ngần định quay đi. Một chị đứng phía trong, nhẹ nhàng nói:
– Miếng vải đó hỏng rồi, hôm trước em cắt ra cất đi, không biết ai đưa nhầm.
Không để cho chị miền Trung kịp lên tiếng, chị quay sang tôi bảo:
– Em đưa cho chị, đổi cho em mảnh vải khác.
Rồi chị nói to lên như thể cho mọi người nghe thấy:
– Học sinh, sinh viên thì khổ rồi, không có quần áo thì làm sao mà đi học được.
Tôi cảm ơn chị. Tôi biết chị đã nói dối vì muốn giúp tôi. Thật tình, miếng vải hỏng tôi mua hôm qua, được cắt ra từ một cuộn vải mới, do chị khác bán cho tôi. Và có lẽ, tôi yêu Ban Mê hơn bởi vì ở đó có những con người như chị.
(Còn tiếp)
Đỗ Trường

KHÓI LAM CHIỀU VƯƠN CHÁI BẾP *Cúc Tần

Ơi chiều! Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u...
KHÓI LAM CHIỀU VƯƠN CHÁI BẾP
*Cúc Tần
Ở thôn quê, những buổi chiều thưa thớt nắng là lúc nhà nhà nấu cơm, Đó là lúc chái bếp sau nhà họ tỏa những làn khói màu lam vẩn vơ trong gió như quyến luyến mái ấm gia đình. Ai đi xa cũng không thể nào quên được hình ảnh thân thương ấy.
Nhà ở thôn quê đều được dựng lên bằng tre, gỗ vách và mái lá đều bằng lá dừa nước. Đặc biệt, nhà nào cũng có gian nhà bếp phía sau gian nhà chính. Gian bếp là nơi chất chứa nồi, niêu, xoong, chảo cùng nhiều gia vị cần thiết cho bữa cơm gia đình của những bà nội trợ. Ở đó cũng là nơi người đàn bà đảm đang thỉnh thoảng tổ chức nấu bánh hoặc món ngon đặc biệt cho gia đình. Những lúc như vậy, khói từ các bếp lò tỏa bay lên không trung, xuyên qua mái lá vờn vợn hòa cùng những đám mây trên trời. Cảnh tượng ấy lúc nào cũng đẹp. Nhưng đẹp nhất vẫn là vào những buổi chiều tà.
Những buổi chiều tà, khi vạt nắng cuối ngày thoi thóp tắt cuối chân trời thường in vào lòng người những nỗi ai hoài khó tả. Càng khó tả hơn nữa khi nhìn ngắm những vạt khói bếp vươn lên từ mái lá chái bếp sau nhà ai đó. Bâng khuâng. Hoài cảm. Những xúc cảm không phải ai cũng có trong đời. Những buổi chiều ấy in đậm trong tâm khảm bất cứ ai. Và người ta luôn nhớ về những buổi chiều vươn khói bếp sau chái nhà. Đứng bất cứ đâu, tựa lưng vào gốc cây ăn trái già cỗi, hoặc ngồi đong đưa trên cánh võng cột giữa hai thân cây, vừa hưởng ngọn gió mát vừa nhìn ngắm cảnh tượng khói bếp vươn lên mái lá đẹp đến nao lòng mà ở thành thị chẳng thể nào có dịp nhìn ngắm, thưởng lãm được.
Nhìn rồi nghiện. Cho nên, khi rời xa làng quê, khuất nẻo đường làng, mất bóng những mái nhà lá đơn sơ, lên thành phố, lòng họ vẫn luôn đoái hoài về chốn xưa, quê cũ. Và họ luôn vương vấn trong đầu óc vào những xế chiều về những vòng khói bếp vươn lên từ sau mái nhà tranh ai đó. Nhớ. Và nhớ. Không thể nào phai.
(Theo Cúc Tần/ Dân Việt)

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

CHÚC MỪNG PHẬT ĐẢN 2562

Ban mê năm 1969 kính mừng Phật Đản 2513... và năm nay 2018...
CHÚC MỪNG PHẬT ĐẢN 2562
...
Nhà thơ Chơn Ngữ đã gọi ngày Rằm Tháng Tư là “Ngày của niềm tin & hy vọng”:
“… Trăng Rằm bát ngát giữa trời
Sáng soi khắp cõi – thập loài chúng sinh!
Niềm tin bừng giữa lòng mình
Bao tia hy vọng, bình minh sẽ về…”
...
Một trong những mối quan hệ gắn bó giữa “ Đạo & Đời” từ nhiều thập kỷ chính là ngôi “ Chùa Quê” thân yêu, gần gũi – với biết bao kỷ niêm êm đẹp của một đời không thể nào quên. Với cách bày tỏ rất riêng- người thơ Trần Minh Nguyệt đã ghi lại cảm nhận một cách nhẹ nhàng & thắm đượm đạo vị trong bài lục bát tứ tuyệt:
“ Chùa quê lộng ánh trăng thanh
Rằm vui lễ hội Đản sanh - Cha lành
Em theo lối nhỏ cùng anh
Vào chùa lễ Phật – long lanh nụ cười!”
...
Mang Viên Long
(Trích đoạn trong bài "Phật Đản,ngày của niềm tin và hy vọng" của Mang Viên Long đăng trên http://phatgiaodaklak.org/…/phat-danngay-cua-niem-tin-va-hy…)

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

BÁNH TRÁNG KHOAI LANG *Phan Khánh Minh

Nhớ hàng quà bánh học trò ngày nào...
BÁNH TRÁNG KHOAI LANG
*Phan Khánh Minh
Không như nhiều loại bánh khác, bánh tráng khoai lang có thể vừa ăn sống, hoặc nướng rồi ăn. Nói ăn sống chứ thật ra bánh đã chín, nhờ khoai lang đã được luộc trước đó.
Sau khi luộc, khoai được cho vào máy xay hoặc quết nhuyễn, rồi trộn đều với đường, gừng, mè. Nếu khách yêu cầu, người chế biến sẽ cho thêm sữa. Tiếp đó, dùng khuôn ép, in thành những chiếc bánh hình tròn, đường kính khoảng 25 cm, đem phơi nắng và đóng gói. Mỗi gói bánh có 10 chiếc...
...
Mỗi lần giới thiệu bánh tráng khoai lang, không ít bạn bè tỏ ra ngạc nhiên, lạ lẫm. Vì nhắc đến khoai, hầu như ai cũng quen với việc thưởng thức nguyên cả củ nóng hổi, luộc hoặc nướng. Còn bánh tráng, một là nhúng nước để cuốn với rau, hai là nướng chín. Đây lại là bánh tráng được làm bằng khoai lang nên lần đầu sẽ... không biết phải ăn như thế nào.
Chính vì vậy, khi tặng món đặc sản quê hương này, đều phải kèm theo hướng dẫn: có thể xé từng miếng ăn như bánh tráng sữa Bến Tre, vừa dai vừa ngọt, hoặc nướng lên, nhai giòn tan như khoai tây chiên, cảm nhận vị ngọt bùi, âm ấm hơi cay của gừng và nhất là mùi khoai nướng thơm phức. Khi nướng lên rồi cũng khó cưỡng nổi hương thơm đồng nội này.
Không chắc chắn tất cả, nhưng hầu như người con Bình Định nào đi xa lập nghiệp cũng đều mang theo vài túi bánh tráng khoai lang để làm quà. Ở đó toát lên sự giản dị, chất phác, thật thà... như vùng đất và con người nơi đây.
Rất nhiều sinh viên Bình Định du học ở nước ngoài, thỉnh thoảng gọi điện về gia đình hoặc bạn bè, cứ đòi gửi bánh tráng khoai lang sang. Biết rõ không phải cao lương mỹ vị, cũng không phải lương thực chính, nên ai cũng hiểu ẩn sau đó là nỗi nhớ da diết của những người con xa xứ, đang mong mỏi một chút hồn quê...
Phan Khánh Minh
(Trích từ nguồn /www.thotre.com/news/Huong-vi-que-nha/Banh-trang-khoai-lang-6805/)

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

ĐẤT LÀNH... BUÔN TRẤP !

Giáo họ Buôn Trấp được chính thức công nhận sau nhiều năm mong đợi...
ĐẤT LÀNH... BUÔN TRẤP !
Từ thuở nào, nơi đây còn là một vùng đầm lầy hoang địa với bạt ngàn lau sậy, sự yên bình chỉ có thể cảm nhận qua tiếng chiêng nối kết thần linh của các buôn làng Ê Đê sinh sống xung quanh... Một nơi sơn cùng thủy tận ở vùng Cao nguyên đất đỏ lại in đầy dấu chân của những chiến binh anh hùng Nơ Trang Gưh... In dấu chân voi của vua Bảo Đại dừng lại ở bến nước buôn Trấp... In dấu chân của Tổng thống Ngô Đình Diệm kinh lý thăm các dinh điền được mở ra thời đó... Và tiếp theo là dấu bom đạn của chiến tranh...
Ngày 28/2/1976, những người dân đi theo chính sách Kinh Tế Mới đặt chân đến vùng đất Buôn Trấp hình thành dần lên các thôn xã. Những năm sau, cánh đồng Buôn Trấp được khai phá bởi các bàn tay lao động khắp nơi trong tỉnh ĐăkLăk, đến đây giúp không ít mồ hôi và nước mắt. Và năm 1978 đã in dấu chân của Tổng Bí Thư Lê Duẫn đến thăm cánh đồng Buôn Trấp-Buôn Triết...
Khi huyện Krông Ana được thành lập, thì số giáo dân Buôn Trấp đã quy tụ lại, từng bước vượt qua những thăng trầm của lịch sử để có được một nhà nguyện tạm bợ củng cố đức tin... Thế mà vào ngày 12/8/2015, Buôn Trấp đã in dấu chân của Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, đã tới thăm mục vụ và ban phép thêm sức cho 140 em thiếu nhi trong toàn Giáo xứ... Ngài đã chia sẻ..." Sức sống Giáo Hội là ở con người, chứ không phải ở cơ sở..."...người ta đã vỗ tay...có những giọt nước mắt chạnh lòng nghĩ về cái nhà nguyện nghèo hèn chưa xứng tầm với thị trấn một huyện. Còn nhớ lại mấy chục năm về trước, giáo dân Buôn Trấp phải ra tận Quỳnh Ngọc dự lễ ngoài trời dưới tán mấy cây mít thì sao...
Trải qua 42 năm nhiều xót xa hy vọng, để đến hôm nay Giáo họ Buôn Trấp mới làm thánh lễ Tạ Ơn... kèm theo trước phần lễ là công bố quyết định thành lập Giáo họ Buôn Trấp với đầy đủ chức sắc chính quyền các cấp và những đại diện của tôn giáo khác trong địa phương.
Thánh lễ với nhiều linh mục tham gia đồng tế... Linh mục chủ tế là cha Gioan Bùi Quang Đạo- Quản hạt giáo hạt Mẫu Tâm cũng đã đọc quyết định bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Thanh Truyền- phó xứ giáo xứ Quỳnh Ngọc- làm quản nhiệm giáo họ Buôn Trấp. Cha chủ tế cũng chia sẻ cha từng lao động tại cánh đồng Buôn Trấp khi còn làm việc tại trường Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột.
Bài giảng của linh mục Giacôbê Phạm Xuân Lương-nghĩa phụ của cha Phêrô Trần Thanh Truyền- đã nhắc đến những xứ đạo ngày xưa từng trải qua những thời kỳ gian nan bách đạo của triều đình, đã nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng như giáo họ Buôn Trấp...
Những mảnh đất lành đức tin ấy luôn luôn triển nở đầy hoa trái tình yêu Thiên Chúa ! Hôm nay trong buổi lễ cũng vang lên những tiếng chiêng yên bình.
Phạm Đình Đạt

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

MƯA ĐÊM BAN MÊ

Ngoài hiên mưa rơi rơi... Lòng ai như chơi vơi...
MƯA ĐÊM BAN MÊ
Không gian đêm mưa thật sâu thẳm, thoáng chút hương vị đậm đà mà cũng mang chút buồn đến cho người ta. Ai có thú ngắm trời mưa dưới ánh đèn đường sẽ vui biết bao khi cảm giác chợt ùa về dưới mưa, động lại trong suy nghĩ; vì đó là lúc họ cảm thấy thảnh thơi nhất, mọi vướng bận đều bay đi, chỉ còn lại mình ta với mưa và những kỉ niệm. Đó là lúc con người ta thấy bình yên, trong khoảnh khắc hiếm gặp ấy, họ cứ muốn rúc sâu vào đó, càng sâu càng tốt để mình ko còn phải đối mặt với bươn trải hàng ngày, với cuộc sống xô bồ và tấp nập mà mình đang sống. Những phút giây tĩnh lặng ấy, họ quay lại với chính mình, nhìn lại những gì mình đã qua, và cũng nhìn lại con người mình. Đôi khi, họ phát hiện thấy những thay đổi trong mình mà trước giờ họ ko để ý; hay đôi khi họ thấy mình quá muộn sầu, hay nghĩ ngợi, mà cũng đôi khi họ thầy nhàm chán với cuộc sống hiện tại, muốn ở lại với cơn mưa lâu hơn.
Những cơn mưa đêm thường đến và ở cùng sương đêm, một làn sương mỏng bao phủ chốn cao nguyên rừng rậm này làm con người ta thấy mình gần với thiên nhiên, thấy mình như được sống và tìm lại bản thân mình; những thứ mà họ thường quên đi trong cuộc sống bận rộn mà mình đang trải qua.
Một đêm mưa ngồi cafe là điều mà nhiều người xa nơi này vẫn thường mong có được. Nhưng phải là 1 quán cafe Ban Mê chính hiệu, nơi làm họ thấy gần gũi và thân thuộc. Ngôi nhâm nhi li cafe nóng, và nhìn trời mưa, ngắm mọi vật xung quanh đang hòa mình cùng mưa. Chỉ đơn giản vậy thôi…
(Trích đoạn "Mưa đêm Ban Mê" của Xu Xu đăng trênhttp://buonmathuot.biz/forum/archive/index.php/t-5286.html)
***
Và, Ban Mê xanh những cơn mưa bất chợt vào những ngày tháng Tư, tháng Năm, ta nghe một nỗi nhớ thật êm. Hay nhớ và quên, để đắng đót một đời, khắc khoải cả khoảng trời kí ức, có mẹ ta, có bóng dáng hiền hòa vất vả một đời nuôi ta khôn lớn thành người...
Đi, và ta đã đi xa, thật xa như một cánh chim trời, ta vô tình hòa mình vào miền đất khác.
Mẹ đợi chờ, mỗi chiều ngồi ngóng nơi bậu cửa: ngày ta trở về...
Bỗng dưng, ập òa, giật mình, khi ta thấy Huế ướt đầm cơn mưa quên trời quên đất, quên người... Ta nhận ra đôi chân mình đã từng đi qua những góc đường này mỗi mùa mưa đến.
Ban Mê vẫn xanh, vẫn lành lạnh âm ấm khi li cà phê trong góc nhỏ nào đó chập chờn những khói, những giọt long tong đen nâu sóng sánh. Nhấp li ở đất này, để nhớ Ban Mê hơn...
Mưa đến rồi đi, hay một ta thong dong đổi dời bến cũ, tìm kiếm những chân trời xa lơ xa lắc, để rồi có ngày ùa ào bật khóc: Nhớ Ban Mê mỗi mùa mưa về...
(Nguồn : chaobuoisang.net)

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

CHIẾC MÁY MAY CỦA BÀ *Nguyễn Hoàng Duy

Nhớ về bàn máy may Singer hay Con Bướm thường dùng trong gia đình ngày xưa...
CHIẾC MÁY MAY CỦA BÀ
*Nguyễn Hoàng Duy
Ngay phòng khách nhà tôi, bên cạnh những đồ vật bóng loáng đắt tiền là chiếc máy may cũ. Chiếc máy may hiệu Singer của Nhật, nước sơn tróc lỗ chỗ, không mô-tơ, bàn đạp đã rỉ sét… Chiếc máy may ấy đã có từ năm 1947, cái thời hoàng kim của nghề thợ may thủ công.
Hồi đó bà tôi mở một hiệu may tại chợ huyện. Khách hàng của bà là những phụ nữ trung niên, những ông già, bà cả trong thị trấn. Thanh niên ít đến may đồ vì họ chỉ thích những kiểu trang phục theo “mốt Sài Gòn”. Bà tôi rất tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ nên được mọi người tin tưởng đặt may những bộ áo, quần để đi dự tiệc tùng. Khách đến ngày một đông do sự giới thiếu dây chuyền, vì vậy mà chỉ một năm thôi, tiệm may càng đông khách không thể tả. Ông tôi tuy vụng về may vá nhưng vẫn ra sức phụ bà quán xuyến tiệm may, sau những giờ lao động mệt nhọc ở cơ quan. Nhưng tiếc thay, ông đoản mệnh qua đời do tai nạn. Lúc ấy ba tôi vừa lên bốn tuổi, còn chú thì chỉ mới thôi nôi.
Ba và chú tôi lớn lên trong tình thương và sự nghiêm khắc của bà cùng tiếng may xè xè cả ngày lẫn đêm. Thời gian thấm thoát trôi qua… Chỉ thoáng chốc thôi, ba và chú tôi đã trưởng thành, đậu đại học, rồi có gia đình riêng. Bà tôi vẫn là một thợ may, nhưng chỉ may tại nhà. Khách hàng của bà vẫn là những ông cụ, bà lão và những người trung niên. Chỉ khác là chất liệu vải bây giờ đa dạng, đắt tiền hơn nên đòi hỏi bà phản cẩn trọng, vì lỡ sẩy tay một tí là phải đền một mét vải cả chục ngàn đồng. Tuy khó nhưng bà chưa bao giờ để hư một chiếc áo, chiếc quần nào. Tất cả đều được may với đường nét sắc sảo, chỉ có khuyết điểm là thời gian hơi lâu. Dù vậy, khách hàng chẳng bao giờ phiền lòng khi chọn bà tôi may đồ cho họ. Sự tin tưởng tuyệt đối đó đã làm cho bà tôi nổi danh, vì có người ở tận trên tỉnh vẫn đạp xe xuống huyện tìm bà để may đồ.
Ngay từ nhỏ tôi đã được đồ mới mỗi ngày. Tôi khoác lên mình những chiếc áo, chiếc quần đẹp được bà nội chắp vá từ những mảnh vải vụn dư thừa. Với niềm tự hào và hãnh diện vô cùng trẻ con, tôi mặc đi khắp xóm trong con mắt thèm thuồng của lũ bạn. Nhớ những buổi chiều tan học về, tôi để cặp trên bàn và nài nỉ bà: “Bà cho cháu đạp thử nhé!”. Bà miễn cưỡng chấp nhận cũng vì quá thương tôi. Rồi bà tìm những mảnh vải vụn, kê cái gối lên chiếc ghế ngồi để cho đôi chân bé nhỏ của tôi có để chạm tới bàn đạp. Tôi nhón chân, bặm môi, căng mất đạp rất tập trung. Do không quen chân, quen tay nên chỉ có đạp đường thẳng thôi mà tôi đã đạp giật ngược làm chỉ rối nùi và gãy kim. Bà cốc vào đầu tôi, mắng yêu: “Cha mẹ mày! Cái số của cháu không làm thợ may được rồi!”.
Tôi học hết năm nhất Đại học thì bà tôi đột ngột ra đi. Tôi hụt hẫng cả tháng trời. Bà mất, chiếc máy may đứng bơ vơ, im lìm trong góc nhà phủ đầy bụi bặm. Chỉ có những lần về thăm nhà tôi mới tự tay lau chùi máy, giúp bà giữ kỷ vật vô giá này. Dù chiếc Singer đã quá cũ, dây cua-ro đứt nhưng vẫn còn hoạt động được. Tôi lần khần ngồi vào bàn máy và đạp thử. Lạ thay, lần này tôi đạp tròn vòng. Chợt ký ức xưa ùa về trong tiềm thức. Nỗi nhớ bà đến quay quắt con tim.
NGUYỄN HOÀNG DUY

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

HÔM NAY GẶT LÚA RUỘNG NHÀ

Trời mưa cho lúa thêm bông
Cho đồng thêm cá, cho sông thêm thuyền. (Ca dao)
HÔM NAY GẶT LÚA RUỘNG NHÀ
Trời xanh xanh bao la mây trắng trắng trắng xóa
Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng
...
Từ xa xa xa xa nghe thoáng thoáng tiếng hát
thôn nữ bên đồng lúa ca lời mơ màng
...
Ðồng quê hôm nay vui Vui với thóc lúa mới
cho bõ công cày cấy bao ngày mong chờ
...
(Bức Họa Đồng Quê - Văn Phụng)
---oOo---
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong tiếng cười...
...
(Quê Nghèo - Phạm Duy)
---oOo---
Ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng
Lúa không lo giặc về khi mùa vàng thôn quê
Ngày mùa vui thôn xóm, đầy đồng lúa ngát hương
...
Gánh thóc vàng từng lớp lớp gánh về
Gánh thóc vàng từng sớm nắng trên đê
...
(Ngày Mùa - Văn Cao)

HOA DỪA CẠN *Lê Xuyên

Loài hoa quen thuộc ở vùng quê...
HOA DỪA CẠN
*Lê Xuyên
Bông dừa cạn thuộc loại thân thảo nhỏ (tên tiếng Anh là Periwinkle). Ở Việt Nam, nó còn được gọi với nhiều tên khác: hải đăng, trường xuân hoa, bông dừa, dương giác, nhật nhật thảo, hoa đồng hồ... Dừa cạn được chia làm hai loại: dừa đứng và dừa rũ...
Nếu dành một khoảng thời gian để ngắm nhìn kỹ loài hoa này, ta có thể thấy hoa dừa cạn có 5 cánh mỏng, mềm mại với nhiều màu sắc: tím nhớ thương, trắng dịu dàng, đỏ sậm, hồng nhạt, đốm đỏ,... Sắc màu ấy đủ khiến cho người yêu hoa cảm thấy lòng mình bình yên và ấm áp. Một điều đặc biệt nữa ở dừa cạn mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và tinh tế để nhận ra, ấy là mỗi khi có một phiến lá cựa mình nhú lên ở đầu cành non thì ngay sau đó, giữa nách lá, hai đóa hoa cũng bắt đầu xuất hiện. Sự hài hòa đó làm nên vẻ đẹp của những bông hoa tuy nhỏ bé nhưng lại không kém phần lãng mạn, quyến rũ.
Tôi yêu bông dừa cạn bởi nét đẹp của loài hoa đồng nội này. Chúng rực rỡ dưới nắng chói chang nhưng vẫn tươi tốt dù bị bóng râm che khuất. Một loài hoa thật dễ trồng và không mấy tốn công chăm sóc. Loài hoa góp phần làm cho môi trường sống trở nên trong lành, tạo cho con người cảm giác thư thái. Với tôi, những bông dừa cạn còn là biểu tượng cho tình yêu chân thành, giản dị mà anh đã dành tặng.
...
Dừa cạn, loài hoa rất đỗi bình thường. Loài hoa dù không được chưng cúng, không được cắm trong bình, không làm nước hoa hay tinh dầu thiên nhiên như hoa lan, hoa hồng..., thế nhưng những bông hoa ấy vẫn mang trong mình sức hút đặc biệt.
Nhớ cô bạn bữa đến nhà chơi có nhắc đến một bộ phim mang tên “Bông dừa cạn” với nhân vật nữ chính tên Nương. Nghe bạn kể về cuộc đời chìm nổi của cô, về niềm hạnh phúc khi cô làm được một chiếc bánh của nỗi nhớ tuổi thơ mang tên bông dừa cạn, chợt thấy lòng mình nao nao, rung động và càng thêm trân quý hơn loài hoa này.
LÊ XUYÊN

NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐẤT ĐỎ

Xứ Thượng Ban mê...
NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐẤT ĐỎ
Tây Nguyên chỉ có hai mùa: nắng và mưa, nên những con đường đất đỏ cũng mang đậm chất ảnh hưởng của thiên nhiên.
Mùa nắng, những rẫy cà phê như nhòa trong màu đỏ khuất sau làn bụi từ những con đường. Trời Tây Nguyên như nhòa trong một màu đỏ, từng cơn gió cuốn bụi đất đỏ xé ngang trời.
Mùa mưa, những con đường lầy lội, đi từ nhà đến trường cảm tưởng như cả một cung đường ra trận. Quần áo khi nào đến lớp cũng lác đác đâu đây một chút gì dấu vết của con đường cho dù đó là mùa nắng hay mưa.
Khi ở quê, những điều đó như một phần gần gũi, thân thương, lam lũ thường nhật nhưng khi xa quê thì tất cả kí ức đó đã đong đầy trong nỗi nhớ. Mỗi khi được về nhà vào dịp Tết hay kì nghỉ hè, được đặt chân lên con đường quen thuộc đó, lòng tôi lại thấy dâng trào niềm cảm xúc khó tả. Nhưng kì nghỉ hè năm nay thì không thể về được nhà, sinh viên năm thứ tư thì đa phần đều phải ở lại.
Ngồi trên gác trọ ôn thi, chợt thấy nao lòng khi chợt nhớ về quê, về con đường đất đỏ...
Đặng Tuy Phong
(Trích đoạn trên ://dhungcafe.wordpress.com/2012/08/07/nhung-con-duong-dat-do/)
--- ooOOoo---
Nét đặc trưng chung của vùng Tây Nguyên là đất đỏ bazan, nhưng tiếc thay khi mà cuộc sống người dân nơi đây ngày càng được nâng cao, hình ảnh về những con đường đất đỏ bụi mù đã dần dần đi vào ký ức. Nếu như bạn muốn khám phá vẻ đẹp của những con đường đất đỏ Tây Nguyên một thời huyền thoại, cách tốt nhất đó chính hãy ra khỏi quốc lộ, quẹo vào bất cứ lối ngõ nào mà bạn thấy trên đường, hoặc xin vào rẫy của dân địa phương. Bạn sẽ cảm nhận được nét đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
Những con đường mòn len lỏi qua những lùm cây, lên lên xuống xuống theo những ngọn đồi, đó là ấn tượng của hắn về những con đường đất đỏ một thời huyền thoại. Đường nhỏ mà lại quanh co lên xuống, để đi được những con đường như thế, đòi hỏi bạn phải là một con người có nồng độ “liều” trong máu khá cao. Chưa dừng lại ở đó, vào những ngày mưa nó không còn gọi là đường nữa, mà phải gọi là bãi sình thì đúng hơn – lầy lội, trơn trượt, cho dù bạn có chơi nguyên bàn chân đạp thắng, bánh xe đứng yên thì bạn vẫn tuột xuống như không, một bên là vực, đường nhỏ tí ti, có đạp thắng cũng như không, ý chí của bạn phải liệt vào hạng “lì lợm” thì mới không phát hoảng khi đi qua lần đầu tiên.
...
Nguyễn Vũ Lộc
(Trích đoạn trên //nguyenvuloc.wordpress.com/2014/09/11/hoi-uc-10-ngay-o-dak-nia-phan-2-chuyen-ve-nhung-con-duong)