Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Chuyện Tây Sơn Thượng Đạo...CÁNH ĐỒNG CÔ HẦU *Trầm Hương

Chuyện Tây Sơn Thượng Đạo... Nàng tên là Yă Đố nhưng từ khi làm vợ Nguyễn Nhạc, nàng được gọi là Cô Hầu.
CÁNH ĐỒNG CÔ HẦU
*Trầm Hương
...
Lần giở những trang sử viết về nhà Tây Sơn, hình ảnh Cô Hầu hiện lên, rực rỡ mà thầm lặng, rất thực mà cũng thật huyền ảo, lung linh. Nhờ nghề buôn trầu nguồn và trao đổi sản phẩm hai miền xuôi ngược, gia tộc nhà Tây Sơn ngày càng trở nên giàu có. Khi cha là Hồ Phi Phúc qua đời, Nguyễn Nhạc là anh trưởng nối nghiệp nhà.
Tương truyền, cả ba anh em nhà Tây Sơn đều học cả văn lẫn võ từ thầy giáo Trương Văn Hiến còn gọi là giáo Hiến - một nhà nho trốn nạn chuyên quyền của Trương Phúc Loan vào An Thái mở trường dạy học. Nhà giàu, giỏi võ, ông Nhạc nổi tiếng phong nhã hào hoa nên có nhiều bạn bè giao du. Uy thế của Nguyễn Nhạc ngày càng lớn...
Khởi nghiệp cần phải có cơ sở vững chắc, Nguyễn Nhạc một mặt sai Nguyễn Huệ đi khắp ba huyện Tuy Viễn, Phù Ly, Bồng Sơn để chiêu mộ người tài giỏi. Mặt khác, ông lên An Khê khẩn hoang, phát triển lực lượng, gây thanh thế. Đồng bào mộ đi khai khẩn, sau này phần lớn trở thành nghĩa quân. Để đứng vững chân miền thượng, Nguyễn Nhạc rất giỏi dùng chính sách Thượng vận để lôi kéo các tộc người Sêđăng, Rađê, Giarai, Bana về với mình.
...
Trong vùng An Khê, ở làng Cổ Yêm, gần Tú Thủy nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai có tộc người Bana sống ở rừng Mộ Điểu. Rừng rộng mênh mông, chính giữa nổi lên ngọn đồi, mỗi chiều từng đàn chim bay về nghỉ, tiếng chim vang dậy cả rừng xanh. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ không quản khó nhọc tìm lên rừng Mộ Điểu, thuyết phục tộc trưởng Bana cùng Tây Sơn tham gia khởi nghĩa. Tộc trưởng rất cảm kích người thay trời hành đạo. Để bày tỏ lòng trung thành, mến mộ Nhà Tây Sơn, ông gả cô con gái yêu, xinh đẹp cho “Vua Trời”. Nàng tên là Yă Đố nhưng từ khi làm vợ “Vua Trời”, nàng được gọi là Cô Hầu.
Hiểu được chí lớn của “Vua Trời”, Cô Hầu là một trong những cộng sự đắc lực của Nguyễn Nhạc trong những ngày lên miền thượng xây dựng căn cứ khởi nghĩa. Cô Hầu không chỉ cùng Nguyễn Nhạc đi kết giao với một số tù trưởng người Sêđăng, Jarai, Bana ở Cheo Reo, Pleiku, Kontum và người Hrê ở phía Tây Quảng Ngãi mà còn cầm đầu một số dân binh người miền núi khai khẩn đất hoang.
Từ việc khai khẩn, quản lý, sản xuất, thu hoạch đều do Cô Hầu đảm nhiệm. Sức lao động mạnh mẽ, bền bỉ của các tộc người ở vùng này, kết hợp với tài chỉ huy kinh tế của người Kinh do “Vua Trời” rút từ Tây Sơn Hạ lên điều khiển, cộng với đất đai màu mỡ, chẳng bao lâu rừng Mộ Điểu đã có được cánh đồng phì nhiêu rộng hàng chục mẫu. Đây là vùng đất màu mỡ nằm lọt giữa lòng Trường Sơn hùng vĩ, có đường thông lên tận Kontum, thông xuống đồng bằng Bình Định qua ngả đèo Vạn Tuế.
Rừng Mộ Điểu trở thành một hậu cứ của nghĩa quân Tây Sơn, sản xuất lương thực, vũ khí, tuyển mộ và rèn quân. Nơi đây sau này được gọi là cánh đồng Cô Hầu và ngọn núi ở giữa được đồng bào Bana đặt tên là núi Hoàng Đế.
...
Lòng dân chán ghét tham quan ô lại, quân Tây Sơn thượng võ, thiện chiến, cộng với tài lãnh đạo kiệt xuất của “Tây Sơn tam kiệt”, trở thành đội quân bách chiến bách thắng. Năm 1771, Tây Sơn khởi nghĩa, năm 1773, lấy được thành Quy Nhơn, năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi lấy niên hiệu Thái Đức; phong Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân, sau đó là Bắc Bình Vương; Nguyễn Lữ là Tiết Chế, sau là Đông Định Vương.
...
Sắp đặt lại hậu cung là một trong những việc quan trọng của những ông vua ngay sau khi lên ngôi. Bà Trần Thị Huệ, người vợ hiền đức, đảm đang từng trông coi trường trầu năm nào ở Kiên Mỹ trở thành Chánh cung hoàng hậu. Từ rừng Mộ Điểu, Cô Hầu, được vua rước về thành Hoàng Đế, phong Thứ phi. Dù được vua Thái Đức hết mực sủng ái, được Chánh cung hoàng hậu đối đãi thân tình như chị em ruột thịt nhưng cuộc sống chốn cung cấm với ngôi thứ, nghi lễ ràng buộc không phù hợp với người sơn nữ.
Cô Hầu thấy luôn cô đơn, lạc lõng. Nàng xa lạ với ngôi thứ phi, không quen cảnh phù hoa, tràn ngập lụa là gấm vóc, người hầu kẻ hạ, miệng không quen nếm các món ăn sơn hào hải vị. Cô Hầu nhớ da diết cánh đồng mênh mông trên rừng Mộ Điểu đã từng thấm mồ hôi, nước mắt những mộ dân khẩn hoang. Lưu lại một thời gian ở hoàng cung, Cô Hầu xin trở về với núi rừng. ...
Từ đó, thành Hoàng Đế vắng bóng một đóa hoa pơ lang đẹp nhất mà Nguyễn Nhạc được biết và đã từng chịu ơn…
...
Dù đoạn kết nhà Tây Sơn vô cùng bi thảm nhưng công lao Cô Hầu trong những ngày Tây Sơn khởi nghiệp, câu chuyện về Cô Hầu vẫn tồn tại trong nhân dân và địa danh “Cánh đồng Cô Hầu” ở An Khê là một minh chứng cho mối tình Kinh - Thượng keo sơn, bền chặt.
Trầm Hương

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

MƠ THÀNH NGƯỜI QUANG TRUNG (Chương 6) *Duyên Anh

Bấy giờ, ở đất Tây Sơn, nẩy sinh một vị cứu tinh dân tộc. Vị cứu tinh xuất hiện sừng sững như một trái núi khổng lồ mọc trên đất Bình Định.
MƠ THÀNH NGƯỜI QUANG TRUNG (Chương 6)
*Duyên Anh
Jack chỉ huy ba thằng nhô Mỹ. Chúng nó ăn mặc rất đẹp, y hệt lính mũ xanh Mỹ lớn. Jack đeo khẩu Tommy gun như khẩu súng của Vic Morrow. Jimmy, Bill, John, mỗi đứa ôm một khẩu M-16, những khẩu súng trông chẳng khác gì súng thật. Tiếng nổ nhỏ và đạn không có. Để giết ai, để giết nhau. Phải chi loài người chỉ biết những khẩu súng đồ chơi trẻ con nhỉ? Năm ngoái, bố Chương còm đi Nhật về cũng mua cho nó khẩu M-16. Lên đạn năm lần một lượt và bắn hàng tràng hay từng phát. Tiếng nổ ròn rã, nghe vui tai đáo để. Chương còm mê có một ngày đầu. Rồi nó đem khoe trẻ con ngõ D, cho mỗi đứa bắn biểu diễn vài phát. Kết quả: súng trở thành đồ bỏ và Chương còm bị mẹ mắng "ích kỷ, chơi xong không lo để dành, nữa lớn em có đồ chơi."
Chương còm giỏi chịu đòn lắm. Mẹ nó mua nho cất trong tủ lạnh. Chờ mẹ ngủ, Chương còm gọi bạn vào ăn nhẵn. Mẹ mắng. Chương còm nhận nó ăn hết. Và giả vờ không ăn cơm. Kẹo, bánh hay tiền bạc hễ có là nó đem phát. Lúc bị mẹ mắng, Chương còm nhìn bố. Bố nó nín thinh. Chờ khi vắng mẹ, bố nó mới cầm tay nó: "Con cứ tiếp tục cho bạn con những gì con có. Đó là lòng hào hiệp. Về sau, con sẽ nghèo vì lòng hào hiệp nhưng con không mang tiếng bủn xỉn. Mẹ con sợ con nghèo mạt rệp nên khuyên con phòng xa đó. ý của mẹ con là chỉ nên cho bạn những khi bạn con cầu xin, chớ nên phung phí. Con đừng giận mẹ vì người mẹ nào ở trên đời cũng lo lắng tương lai con mình. Muốn khỏi bị mẹ mắng, con nên nhịn phần của con mà đãi bạn, không xâm phạm vào phần của các em con. Con hiểu chứ?" Chương còm hiểu lắm. Giá nó nghe lời mẹ thì hôm nay nó cũng có M-16. Và con nhà Jack sẽ không dám nghĩ chỉ nhô Mỹ mới có M-16.
Nhưng mà cóc cần, Chương còm tự nhủ thầm. Đánh trận ăn thua ở cái... mẹo chứ đâu ăn thua ở súng. Hãy coi bọn Jack như những "thiên thần mũ xanh" đi. Chương còm bảo Bồn lừa:
- Nhô Mỹ tưởng chúng nó sẽ thắng tụi mình như thắng tụi lính Đức trong phim "cơm bát" đấy nhé.
Bồn lừa bĩu môi:
- Sức mấy.
Vua lừa bóng bình phẩm:
- Lính Mỹ ở "cơm bát" bắn lính Đức rụng như Dzũng Đakao bắn me ấy. Tao đi coi phim "Cuộc vượt ngục vĩ đại" thấy lính Đức nó nhốt lính Mỹ cả bầy. Hễ vượt ngục là nó thộp cổ về.
Báu tồ, con của dì của Chương còm, đứng hóng chuyện, bàn thêm:
- Đức ở rạp chớp bóng là Đức thật, Đức ở tivi là Đức giả.
Chương còm hỏi Báu tồ:
- Ai nói vậy?
Báu tồ hãnh diện:
- Em nói.Nó phê bình phim "Combat" thêm:
- "Cơm bát" chán thấy mồ. Mỹ toàn thắng trận không à... Đức chả thắng trận nào hết trọi. Vic Morrow lâu lâu mới bị thương ở chân hay tay trái mà vẫn bắn ác. Lính Đức ngu quá, quay đại liên không chết thằng lính Mỹ nào. Bị Vic Morrow thẩy lựu đạn, lính Đức chết lăn cu lợ Em xem phim với ba em ở rạp chiếu bóng, lính Mỹ bị lính Đức bắn chết cả đống.
Bồn lừa vỗ vai Báu tồ:
- Vic Morrow chết thì hết "cơm bát" còn gì, gà tồ!
Báu tồ bĩu môi thật dài:
- Hết luôn đi, "cơm bát" dở ẹc!
Bồn lừa bỗng xuýt xoa:
- Bọn thằng Jack mặc đồ biệt kích dù đẹp quá, mày à! Đúng là "thiên thần mũ xanh".
Chương còm hỏi:
- Đẹp bằng quân nhà Thanh không? Tụi lính Tàu trong phim "Tần Thủy Hoàng" ăn mặc cũng đẹp lắm chứ bộ. Mày biết quân của vua Quang Trung ăn mặc ra sao chứ?
Bồn lừa liếm môi:
- Ra sao?
Chương còm đáp:
- Tao không biết. Chắc quân của các vua mình ngày xưa mặc áo vải đi chân đất, mày ạ! Lịch sử dạy: vua Lê Lợi là anh hùng áo vải đất Lam Sơn, vua Quang Trung là anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Vua mặc áo vải chắc quân phải mặc áo vải.
Nó kéo Bồn lừa sát vào bức tường nhà Hưng mập. Hai đứa trẻ ngồi xuống. Dưới bóng mát của giàn hoa giấy, Chương còm dựa lưng vô tường, nhớ lại bài học lịch sử mà thầy giáo đã giảng dậy...
"... Các con lắng tai nghe đây! Ta tả cho các con nghe một vị anh hùng bách chiến bách thắng trong lịch sử nhân loại. Vị anh hùng đó là hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Nước ta, thuở ấy, loạn ly đau khổ. Dân tộc ta bị phân cách bởi dòng sông Gianh. Ngoài Bắc, chúa Trịnh lấn áp vua Lê, chuyên quyền đàn áp dân hiền. Quan liêu hống hách, thẳng tay vơ vét tài sản mồ hôi, xương máu của dân. Hết loạn này đến loạn khác. Thanh niên bị bắt đi lính không phải để diệt Chiêm Thành hay chống quân Tầu mà để vào Nam đánh giết đồng bào mình. Trong Nam, chúa Nguyễn nhu nhược, quyền bính lọt vào tay tên độc tài Trương Phúc Loan. Bao nhiêu trung thần bị họ Trương hãm hại. Trương Phúc Loan vơ vét, tham ô không kém gì bọn quan liêu ngoài Bắc. Giặc giã nổi lên tứ tung. Dân tình đói khổ. Ấy thế mà vẫn phải đánh nhau với quân chúa Trịnh. Cuộc chiến tranh huynh đệ kéo dài ròng rã một trăm năm chưa chịu chấm dứt.
Bấy giờ, ở đất Tây Sơn, nẩy sinh một vị cứu tinh dân tộc. Vị cứu tinh xuất hiện sừng sững như một trái núi khổng lồ mọc trên đất Bình Định. Vị cứu tinh là Nguyễn Huệ đó, các con ạ! Nguyễn Huệ dựa lưng vào Ai Lao, Cao Mên, quay mặt ra Nam Hải. Ngài vươn tay trái, ngai vàng của chúa Trịnh miền Bắc sụp đổ. Ngài vươn tay phải, ngai vàng của chúa Nguyễn miền Nam tan rã. Bọn quan liêu tham nhũng, chuyên quyền chết như sâu bọ. Ngài đạp chân phải, hai vạn quân Xiêm La chết khốn nạn ở miền Nam. Ngài đạp chân trái, hai mươi vạn quân Thanh chết nhục nhã ở miền Bắc. Ngài vươn mình, Việt Nam lớn lên, hãnh diện vẻ vang và dòng sông Gianh không còn ngăn cách tình người Việt Nam nữa.
Các con ơi,
Các con yêu dấu của ta ơi.
Nay đã già nua mà mỗi lần đọc sử tranh đấu, ta vẫn mơ được làm tên lính quèn dưới cờ vua Quang Trung. Ta mơ được quỳ dưới chân Nguyện Huệ, nâng áo bào khét lẹt mùi thuốc súng của ngài mà hít hà lần ngài ra Thăng Long đuổi loài rợ Mãn Thanh. Các con, các con phải biết mơ thành người Quang Trung các con nhé!... "
- Dạ.
- Bồn lừa hốt hoảng:
- Mày dạ cái gì mà dạ bự vậy?
Chương còm cười xòa:
- Tao dạ thầy tao.
- Thầy mày đâu?
- Trong giấc mơ.
- Thầy mày dạy gì?
- Mơ Thành Người Quang Trung.
Và Chương còm vỗ tay vào đùi làm nhịp, hát lớn:
- "... Nhị Hà còn kia, Nhị Hà còn đó. Lũ quân Tầu sang sập cầu trôi đầy sông... Ôi Thăng Long, ối Thăng Long, ôi Thăng Long!... Cờ khoe sắc phất phới, loa vang xa, chiêng thu không, tiếng bát ngát trong chốn thành... Gần xa hò hét Thăng Long, Thắng Lóng, Thắng Long thành... "
Bồn lừa hỏi:
- Tao mơ thành người Quang Trung được không?
Chương còm đáp:
- Được chứ. Tất cả trẻ con Việt Nam đều phải biết mơ thành người Quang Trung. Thầy tao dạy thế. Tụi mình sẽ cho thằng Jack biết trẻ con Việt Nam "chì" hơn trẻ con Mỹ.
Bồn lừa đứng phóc dậy, xoăn tay áo:
- Ông sẽ lừa thằng Jack, giật khẩu M-16 của nó đem về chơi. Mình không có súng đẹp, không có quần áo đánh trận đẹp mà mình thắng mới hay, mày hé.
- Ừa.
- Thằng Jack nó có vẻ cậy tụi nó giầu.
- Ừa.
- Tao sẽ làm nó hết ỷ giầu. Nó phải phục tụi mình như thằng Bill.Chương còm cũng đã đứng dậy. Nó hỏi Bồn lừa:
- Mày nhớ chuyện ông Cao Thắng không?
- Quên rồi.
- Ông Cao Thắng ở con đường có rạp chiếu bóng Việt Long đó.
- Ừ, sao?
- Ông ấy chế súng đánh nhau với giặc Tây ngày xưa đấy, mày ạ!
- Tao nhớ rồi. Ông theo cụ Phan Đình Phùng.
- Tụi mình sẽ chế súng bắn pháo. Pháo nổ đoàng con nhà Jack mới sợ. Súng M-16 kêu nhỏ lắm. Lại không rơi đạn sang bên ta.
- Tao làm lính nhảy dù. Ông leo cột điền từ sáng sớm, chờ chúng nó xuất quân, ông nhảy xuống cướp súng chạy về.
- Còn tao, tao là biệt động quân, cầm pháo châm ngòi, ném vào ổ súng máy chạy pin của chúng nó. Dzũng Đakao làm thủy quân lục chiến còn Hưng mập làm biệt kích Việt Nam. Tụi mình sẽ cho thằng Jack biết lính Việt Nam đánh trận hay nhất thế giới.
Bỗng Bồn lừa vỗ vai Chương còm:
- Tao thèm khẩu M-16 như của mày quá.
Chương còm thúc khuỷu tay vào mạng mỡ Bồn lừa:
- Thì đánh trận thật hăng đi.
- Tước được súng là đem về chơi chứ?
- Tao sẽ giao hẹn.
Hai đứa đi tim Vic Morrow tức Jack. Lúc ấy, Jack như đã tả, mặc quần áo biệt kích, đội mũ nồi xanh, đeo khẩu M-16- đồ-chơi-bắn-tự- động đang ngắm nghía chiến trường. Nó còn quàng cái ống nhòm lủng lẳng trước ngực, trông oai như một ông tướng Mỹ. Chương còm nghĩ bụng: "Dzũng Đakao bắn súng cao su sẽ vỡ ống nhòm của Jack ngaỵ" Nhưng súng cao su nguy hiểm lắm. Có thể gây thương tích. Cho nên cuộc chiến tranh "Cơm bát" sẽ cấm sử dụng súng cao su bắn đạn sỏi. Mà chỉ được đùng mồm hay pháo không... chết ai.
- ê, Jack!
- Gì?
- Bao giờ dàn trận?
- Mai.
- Hễ tụi tao cướp được súng của tụi mày là tụi mày mất súng đấy nhé?
- Ô kê.
- Hễ tụi tao thắng trận, mày phải phục tụi tao.
- Ô kệ Chúng mày thua thì sao?
- Nộp tụi mày hai chục con cóc và năm lọ ruồi. Ô kê.
- Ô kê.
Báu tồ mon men đi theo mà Chương còm không biết. Khi hai sứ giả ra về, Báu tồ cao hứng hát:
- "Anh em đừng sợ cao bồi, nó có súng mình có dao găm... "
Chương còm chế Báu tồ:
- "Me ơi me thằng Báu đái dầm, nó đái ướt cả cái chăn bông... "
Ba đứa bên "quân ta" cười khúc khích.
(Hết chương 6)
DUYÊN ANH

BÔNG CỎ- MÓN ĂN CỦA KÝ ỨC *Diệu Sương

Ngày xưa ở Ban mê cũng có gánh hàng bông cỏ... Bây giờ biết được hạt bông cỏ có ở Việt nam, còn gọi là hạt Mác Púp hay hạt Trâu Cổ...
BÔNG CỎ- MÓN ĂN CỦA KÝ ỨC
*Diệu Sương
Có ai còn nhớ bông cỏ không? Hình như món này đã không còn nữa. Kỳ rồi về VN, DS tìm không ra, hỏi thì nhiều người không biết là mình muốn nói tới món gì.
Nghe nói bông cỏ là một loại hạt cỏ khi vò với nước và chuối sứ thì nó đặc lại như sương sa. Ngày xưa có nhiều gánh hàng bán bông cỏ lắm. DS còn nhớ mỗi lần kêu 1 ly bông cỏ thì người bán hàng hớt bằng 1 cái dá bằng phẳng, rất nhẹ tay cho vào ly. Có như vậy mới chỉ một nồi bông cỏ thôi mà bán được khắp cùng làng trên xóm dưới . Nhìn vào cái nồi bông cỏ mà tưởng tượng ra mặt nước của con sông đầy ắp phù sa đang lăn tăn với những làn gió nhẹ. Bông cỏ ăn với dầu chuối, hạt lựu và nước đường. Chỉ có vậy thôi mà mùi vị của nó rất đặc trưng, nhớ hoài không quên được.
Ngày xưa nhìn nồi bông cỏ để tưởng tượng ra dòng sông mát rượi cho những buổi trưa hè oi bức. Bữa nào không thấy gánh bông cỏ thì nhìn ra con sông để gợi thèm về món ấy. Bây giờ ở đây không có con sông, không có bông cỏ thì mình chịu khó mượn chữ và nghĩa mà nhớ với nhung 
Chúc các bạn thưởng thức được nhiều vị ngon của thời xa xưa.
DIỆU SƯƠNG
---oOo---
Hạt bông cỏ hay còn gọi là hạt Mác Púp/trâu cổ/thạch trắng là loại hạt có ở Cao Bằng, mùa hè mọi người hay mua về vò với nước cho nó đông lại và ăn như một loại thạch rất mát.
Cách làm:
Bước 1
50gr hạt bông cỏ cho qua cái rây để rây cho sạch những vụn bông.
Bước 2
Cho hạt bông cỏ vào túi sạch, cột sơ, cho vào thau nước, dùng tay vò nhẹ khoảng 10 phút đến khi thấy hỗn hợp nước chuyển màu nâu vàng.
Bước 3
Lược qua rây thêm lần nữa, lược xong đổ vào hộp rồi đem cất vào tủ lạnh, khoảng 30-40 phút.
Lưu ý: Lúc vừa vò xong các bạn có thể cho thêm 1 chút đường cát vào vì nếu không cho đường thì cái vị hơi chua.
Trong trường hợp bông cỏ không đông thì các bạn cho một chút xíu chuối sứ vào là bông cỏ sẽ đông lại.
Bước 4
Nấu nước đường như sau:
Cho 200gram đường và 50ml nước vào nồi, không khuấy và để cho đường tan, thỉnh thoảng lắc cho đến khi chuyển thành màu vàng nhạt thì tắt bếp và chế phần nước còn lại vào cùng với đường. Bắc lên bếp lại và nấu sôi, rồi để lửa liu riu cho đến khi nước đường keo lại như ý thì cho 2 miếng chanh vào và tắt bếp.
Thạch bông cỏ đã đông thì lấy ra cắt nhỏ và cho nước đường cùng chanh vào ăn chung rất ngon.
Các bạn có thể làm thêm hạt lựu bỏ vào ăn chung với thạch bông cỏ thêm chút dầu chuối sẽ cực kỳ ngon đấy!
Thế Giới Ngày Nay Theo Liên Ròm / Trí Thức Trẻ

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

NHỚ NGỌN ĐÈN MÙ U *Trung Công

Ở Ban mê không thấy cây mù u... "Đèn mù u khi lu khi tắt. Đèn cầu sắt khi đỏ khi xanh. Anh có thương em đừng dỗ đừng dành. Gái ngoan thì chọn trai lành, lo chi...."
NHỚ NGỌN ĐÈN MÙ U
*Trung Công
Thời đó kinh tế khó khăn, để thắp được đèn dầu hỏa vào mỗi tối là cả một vấn đề. Nhà nào cũng chỉ dùng một hoặc hai ngọn đèn dầu hỏa và nó sẽ được thổi tắt khi cả nhà đều đi ngủ (tầm 9 giờ tối). Tuy lâu tàn nhưng đèn dầu hỏa bất tiện ở chỗ là khói của nó bay lên xung quanh vùng sáng và ám đen ở đó. Nếu để gần quần áo, mà lại là những bộ đồ màu sáng thì xem như ngày hôm sau sẽ đen như lọ nồi. Chính vì thế mà nhiều người chuộng cây đèn mù u hơn, vì nó vừa không mất tiền mua, lại cháy rất sáng.
Ở quê tôi, đâu đâu cũng rợp bóng mù u, nó mọc hai bên đường làng, trước sân nhà, sau hè và cả ven những con sông đục ngầu phù sa. Nhớ ngày đó, cứ mỗi trưa đi học về, tôi và lũ bạn mang theo giỏ để nhặt những trái mù u chín. Quả chín sau khi mang về nhà, lũ trẻ chúng tôi phải dùng đá đập vỡ vỏ ra và lấy ruột vàng bên trong. Sau đó dùng dao xắt lát từng khoanh tròn xỏ xâu vào dây kẽm, que lá dừa, que tre rồi đem đi phơi. Độ chừng bốn ngày nắng tốt, xâu mù u sẽ ngả màu nâu nhạt, lúc đó là sử dụng được rồi.
Nếu phơi càng lâu, càng khô thì mù u bén lửa càng nhanh, nhưng như thế sẽ làm cho cây đèn mù u mau tắt, không sử dụng được lâu. Còn những quả thối có chất dầu rất cao, trẻ con chúng tôi chỉ việc lấy ruột, trộn với bông gòn và se thành từng cây như que kem mà đốt, không cần phải đem phơi. Hoặc cứ việc bỏ sáp vào lon sửa bò thật đầy, đặt một cái tim ngay giữa và đốt như là đèn cầy vậy. Tuy đèn mù u tiện lợi, nhưng sự nguy hiểm cũng khôn lường. Nếu không ai quản lý, nó rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Vả lại đèn mù u rất khó di chuyển, mà chỉ đặt một nơi cố định vì dễ bị bỏng trên da người. Chính vì lẽ đó mà nó chỉ được cắm trước nhà cho sáng sủa, hoặc ở những nơi nhất định dễ trông chừng. Khi khách đến nhà vào ban đêm, người ta sẽ mang một lon sữa bò có sáp mù u ra đốt, khi khách về thì đèn được thổi đi để dùng lần sau.
Nhớ đêm rằm trung thu, ngoài những chiếc lồng đèn xinh xắn có đặt đèn cây bên trong, người lớn còn cắm những ngọn đèn mù xung quanh một khoảng đất rộng cho trẻ em thỏa thích vui đùa. Đèn mù u như những ngọn đuốc hoa, sáng rợp cả một vùng, gây sự chú ý cho cả xóm, khiến trẻ nhỏ kéo đến chơi đông đúc hơn.
Những năm sau đó, điện về làng, cả xã mừng như mở hội. Người lớn quẳng hết tất cả những xâu mù u mà trẻ con chúng tôi từng cực công thu nhặt. Rồi chúng tôi cũng quên dần với những tháng ngày tươi đẹp đó, mà mải vui sướng vì trong nhà lúc nào cũng sáng choang như có ánh trăng rọi vào. Từ đó, trẻ con chẳng có thói quen nhặt trái mù u chín mỗi khi đi học về.
Bây giờ, mỗi khi về quê, trò chuyện cùng bạn bè thuở nhỏ, tôi lại nhớ về những hàng mù u xanh rợp đường làng và những đêm đông học bài nhờ ánh sáng của cây đèn mù u. Bất giác tôi chạy xe đạp lang thang như kẻ điên trong những ngõ ngách làng quê để tìm cho mình một ký ức tuổi thơ tươi đẹp.
Trung Công

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

GẤU RỪNG (P.2) *Duyên Anh

Nhà văn Duyên Anh đã từng sống tạm vài tháng ở Ban Mê Thuột vào giữa năm 1955 và năm 1958... Tác phẩm "Gấu Rừng" có nhắc đến trại định cư Hưng Đạo...
GẤU RỪNG (P.2)
*Duyên Anh
Nương bắp của dân Buôn Hồ cách trại định cư Hưng Đạo ba con suối và khu rừng gianh. Nghĩa là muốn tới nương bắp của bọn Y Pàm, Dzũng Đakao phải vượt qua ba con suối và hai khu rừng gianh. Rừng gianh thường là nơi “nghỉ ngơi” của chúa sơn lâm. Con nhà cọp khôn lắm, nó chọn rừng gianh làm giường ngủ. Ngủ trên gianh êm như ngủ trên đệm “mút thông hơi”. Ban ngày con nhà cọp ngủ li bì. Đứa nào bạo phổi đến gặp nó, lấy tóc ngoáy mũi nó, nó cũng không thèm nổi giận. Đứa nào lấy tăm tre xỉa răng cho nó, nó còn khoái là khác. Nhưng ban đêm con nhà cọp vươn vai thức giấc. Nó thích “súc miệng” con hoẵng, con cáo trước khi lên đường “thét khúc trường ca dữ dội, say mồi đứng uống ánh trăng tan“. Lớ ngớ qua rừng gianh đúng lúc nó thèm “súc miệng” là củ dế liền. Suối thì, thỉnh thoảng, lạc loài vài chú cá sấu. Cá sấu vốn ghét tiếng động. Nó nghe thấy tiếng lội bì bõm sẽ trườn tới, nhỏ vài giọt nước mắt rồi đớp luôn cái cẳng.
Dzũng Đakao nghĩ đến rừng gianh, suối, hết ham bắn khỉ. Tối hôm đó, bọn nhãi Ra-đê kéo nhau sang trại Hưng Đạo rủ Dzũng Đakao. Con nhà Dzũng chần chờ mãi. Sau cùng nó hỏi Y Pàm:
– Có me xừ ba mươi không?
Y Pàm thộn mặt ra:
– Ba mươi là xừ nào?
– Me xừ lơ tờ răng í mà.
Y Pàm càng thộn mặt:
– Lơ tờ răng à?
– Ừa.
– Làm gì có.
– Thật không?
– Thật.
Dzũng Đakao nắm tay Y Pàm, ba hoa:
– Nói thật tình, tao không sợ cọp, nhưng nó gầm, mồm nó thối quá, tao chịu không nổi.
Y Pàm, bây giờ, mới hiểu me xừ ba mươi là ông “kễnh”, tức cọp, tức hổ. Nó cười toe toét:
– Cọp nó ở cách xa lắm, ối dào, mấy con chó ốm đó ngán cái gì.
Dzũng Đakao nháy mắt:
– Thế suối có cá sấu không?
Y Pàm lắc đầu:
– Cái cá sấu đâu ở suối này. Mà đi qua cầu “khỉ” sướng thấy mồ.
Dzũng Đakao chắc dạ, tiếc rẻ:
– Tao muốn bắt chước Tạc-giăng vật lộn với cá sấu, chứ ngán chi bọn cá sấu cắc ké.
Dzũng Đakao thủ hai túi đá sỏi đầy nhóc, quàng chiếc súng cao su vào cổ, theo bọn nhãi Ra-đê tới nương bắp. Nó dậm chân:
– Ước gì có Quyên Tân Định, nhóc con Hùng…
Dzũng Đakao lên Ban Mê Thuột từ hai tháng nay. Bà nội nó ở với chú nó trên này, trong cái trại định cư Hưng Đạo cách thị xã Ban Mê Thuột vài cây số lên dốc. Vốn là thằng láu lỉnh, nó đi đâu, kết bạn tới đó. Thoạt đầu, nó quen Y Pàm.
Bố thằng này chăn voi cho vua Bảo Đại. Vua hiện giờ lưu vong mãi bên Tây, nhưng con voi của vua vẫn được nuôi nấng tử tế. Con voi bị xích bốn chân bằng giây xích thật lớn. Nó chẳng còn làm tàng với ai. Thời oanh liệt của nó kể như tàn lụi từ khi đôi ngà của nó bị bẻ gãy. Thỉnh thoảng nhớ “quê hương”, nhớ “tổ quốc” và “đồng bào”, con voi già rống lên những tiếng “phè phè” nghe thật thảm não. Dzũng Đakao đã có lần chạy trối chết vì tiếng “phè phè” thương xót của voi già. Bọn nhãi Ra-đê cười, Dzũng Đakao mới hoàn hồn. Nó lăng xăng đến gần làm quen. Thằng nhãi Ra-đê đầu tiên tiếp chuyện với nó là Y Pàm. Nó hỏi Dzũng Đakao:
– Mày sợ cái gì?
Dzũng Đakao mới lên rừng chưa phân biệt nổi tiếng gầm hú của mãnh thú. Nó trả lời:
-Tao sợ tiếng “phè phè”.
Y Pàm bảo “đừng có sợ”. Rồi nó dẫn Dzũng Đakao tới chỗ xích con voi. Nó giải thích:
– Voi của vua đó.
– Vua nào?
– Vua Bảo Đại. Bố tao nuôi voi cho vua từ thuở nó còn bé chút xíu.
Thấy Y Pàm nói được tiếng Việt, Dzũng Đakao tròn xoe đôi mắt:
– Mày học trường nào?
Y Pàm hãnh diện:
– Tụi tao học trường di cư Hưng Đạo đó. Cô giáo ngộ lắm. Cô giáo dạy chúng tao đọc, viết tiếng Việt. Cô giáo nói tụi tao cũng là người Việt. Sướng quá. Cô giáo còn nói Tây nó xấu nó mới gọi tụi tao là mọi. Đúng không mày?
Dzũng Đakao vỗ vai Y Pàm:
– Đúng quá. Chúng mình cùng có ông tổ là cụ Hồng Bàng đó mày.
Dzũng Đakao kể chuyện cái bọc một trăm trứng cho Y Pàm và bọn nhãi Ra-đê nghe và sau đó bọn nhãi tặng Dzũng Đakao vô số là chanh, ớt. Dzũng Đakao đang định về Sàigòn, nay được quen bọn Y Pàm, nó khoái chí, hết muốn về.
Dzũng Đakao tổ chức nhiều trò chơi. Bọn nhãi Ra-đê phục nó sát đất. Nhưng Y Pàm thì, dường như, chưa phục Dzũng Đakao như bạn bè nó. Thằng nhóc Ra-đê mỗi buổi sáng đeo gùi lên vai, lủng lẳng con dao rừng, đóng trần xì cái khố, từ buôn ra đi trong sớm mai trông cũng hiên ngang lắm chứ. Điều nó ăn đứt Dzũng Đakao là nó không cần đi giầy dép. Nó coi thường gai góc, coi thường những con mối to bằng con nhặng với những cái càng khủng khiếp cắp vào da thịt ai là người ấy chỉ còn nước ôm chân mà rên rỉ. Mối rừng ác độc hơn kiến lửa miền xuôi. Chúng nó hành quân hàng cơ man trên lá khô. Chúng nó có thể thủ tiêu xác con nai, con cọp hay xác người trong một đêm không để lại dấu tích gì hết. Xương rắn cánh mấy chúng nó cũng nghiền nát.
Người miền xuôi đi rừng sợ đủ thứ; mối, rắn, trăn, cọp…Y Pàm chẳng coi những thứ đó vào đâu. Một mình nó, nó dám len lỏi vào những khu rừng già kiếm mật ong và măng. Vắt bám vào mình nó rồi chê ngay cái nước da bánh mật cháy nắng. Thiên nhiên đã tặng nó chiếc áo giáp.
Dzũng Đakao chưa nhìn thấy Y Pàm và bạn bè nó xua chó đi săn. Bấy giờ, Y Pàm là một dũng sĩ. Nó vác ngọn lao sắt, phóng đâu trúng đấy. Khổ nỗi, Y Pàm lành như đất, không biết “phô trương thanh thế” nên con nhà Dzũng Đakao mới ba hoa xích thố. Bọn nhãi Ra-đê đối với người kinh vẫn mang sẵn một sự khiếp nhược. Sự khiếp nhược kéo dài từ mấy trăm năm rồi. Danh từ “mọi” đã trùm lên đám dân chất phác này một số phận hẩm hiu, oan nghiệt. Họ cam đành nhìn nhận mình là mọi và hưởng bất công khi sống quanh người Kinh. Người nào cảm thấy tủi nhục, chỉ còn mỗi cách đốt nương, phá nhà, dắt díu vợ con và đàn chó thân mến đi sâu vào những khu rừng hoang vắng để được sống tự do cùng thiên nhiên. Và để được tận hưởng một cuộc đời hang dã, khỏi cần bận bịu tới chiếc khố. Đó, người rừng tranh đấu giản dị thế đó. Không ưa ai, không ưa nơi nào là tìm cách xa lánh ngay.
Nhưng thế hệ Y Pàm không “giản dị” như thế hệ ông cha nữa. Thế hệ này đã nhớ rõ ngày sinh tháng đẻ, đã biết tìm cách gần gũi người Kinh, bon chen cùng người kinh. Người Kinh, dường như, chẳng mấy hài lòng khi thấy người Thượng tiến bộ. Cái thời móc túi mọi lấy tiền đã chấm dứt. Người Thượng bây giờ đã biết pha nước đường chế biến mật ong, đã biết quả cam giá trị hơn trái ớt. Những năm xưa, bất cứ vật gì, người Thượng cũng chỉ bán một đồng. Quả cam một đồng, trái ớt một đồng và mật ong thì bán cả tổ. Bây giờ, mật ong bán từng chai, nửa nước đường, nửa mật. Người Kinh dạy người Thượng những mánh lới ấy rồi lại chê người Thượng đã “hết vẻ khù khờ. Văn minh của loài người chinh phục hết thiên nhiên. Mai này, có thể, con chim bồ câu cũng biết nói dối, cũng biết đòn vọt. Cuộc đời đâu còn thơ mộng nữa. Nên chi, đã có vô số kẻ bỏ buôn bản tìm những khu rừng thật xa văn minh của người Kinh để được suốt đời sống khù khờ.
Bọn nhãi Ra-đê học hành rất thông minh. So với đám nhãi trong trại định cư Hưng Đạo, chúng nó là những con đại bàng. Tháng nào Y Pàm cũng nhất. Bọn nhãi Ra-đê chiếm hết bảng danh dự. Chúng nó làm toán nhanh như máy bay. Và làm thủ công thì khỏi chê rồi. Ai có dịp lên Ban Mê Thuột mà muốn mua vài kỷ niệm rừng đồi, nhứt định sẽ chọn đồ….mọi.
Những đồ đẹp mắt đó, do chính tay bọn nhãi Thượng sáng tác. Y Pàm coi tụi nhãi Kinh không ra cái thớ gì hết. Tuy nhiên, nó vẫn sờ sợ một cái gì. Nỗi hèn kém tự đời kiếp nào, có lẽ, phải sau vài thế hệ Y Pàm mới chôn lấp nổi.
Dzũng Đakao đã là Y Pàm sung sướng. Câu chuyện cái bọc trăm trứng khiến Y Pàm ngẩn ngơ mấy hôm liền. Nó thấy nó lớn lên, khôn ra và hãnh diện được làm con cháu các vị trong cái bọc trăm trứng. Dzũng Đakao đã vỗ vai Y Pàm:
– Năm mươi người con lên rừng là Tiên, năm mươi người xuống biển là Rồng. Tụi mày là Tiên, tụi tao là Rồng, sướng chưa?
Y Pàm ngớ ngẩn:
– Tiên đóng khố hả, mày?
Dzũng Đakao cười toe:
– Tiên đóng khố chứ sao? Bộ mày tưởng trên trời có vải may quần áo à?
Y Pàm thộn mặt:
– Tiên cũng đen thui như tụi tao à?
Dzũng Đakao ba hoa:
– Tiên trắng toát mày ơi! Trước thì đen như tụi mày ấy. Rồi tiên bay lên trời, chui qua mây trắng bỗng hoá trắng phau phau.
– Sao tụi tao không lên trời?
– Tụi mày khoái cảnh dưới đất, hiểu chưa?
– Sao mày không đen như tụi tao?
– Tại vì tao xuống biển, ngày nào tao cũng tắm. Rồng tắm hoài à…
– Tụi tao cũng tắm chứ bộ?
-Nhưng suối đâu có muối. Tắm nước mặn mới trắng.
Dzũng Đakao “phịa” rất tài. Giá con nhà Y Pàm hỏi thêm, nó sẽ bí. Nhưng Y Pàm sướng quá rồi, nó được làm người Việt Nam là sướng tê rồi. Nó không phải là mọi. Dzũng Đakao bảo thế, cô giáo dạy tiếng Việt cũng bảo thế. Chỉ có tụi Tây đồn điền gọi Y Pàm là mọi thôi.
Y Pàm thấy Dzũng Đakao “bông nhông” “cừ”, bơi “cừ”, nó cũng hiểu Rồng thì bơi phải “cừ”. Nhưng nó vẫn ức. Nó muốn cho Dzũng Đakao biết Tiên bắn khỉ không kém tài Rồng bơi nhảy nên mới gạ Dzũng Đakao đánh nhau với khỉ đêm nay.
Và, con nhà Dzũng Đakao, trong một phút cao hứng, tưởng mình là dũng sĩ Hoa Lư thì cũng là dũng sĩ Ban Mê Thuột, vội vàng nhận lời ngay. Đến khi sực nhớ đến rừng gianh, nơi con nhà cọp chọn làm khách sạn; suối cạn, nơi con nhà cá sấu nghỉ mát, bèn co vòi lại. Giá Y Pàm khôn hơn một chút, láu lính một chút, “trộ” Dzũng Đakao, chắc chắn dũng sĩ Hoa Lư sẽ hết dám tham dự trận phục kích khỉ.
– Đi chưa mày?
Y Pàm hỏi Dzũng Đakao. Con nhà Dzũng nhìn Y Pàm mình trần, đóng trần xì cái khố, cầm chiếc ná. thấy Y Pàm hiên ngang không thể chê được. Dzũng Đakao định cởi áo, mặc cái quần xà-lỏn thôi. Nhưng nó sợ lạnh. Cu cậu đành “tho”. Nó khen Y Pàm:
– Mày giống Tạc-giăng quá.
Y Pàm toét miệng cười:
– Tạc-giăng là thằng cha nào?
– Thằng này “cừ” số dách. Có ba bốn Tạc-giăng lận. Mầy là Tạc-giăng Mỹ. Tạc-giăng Ấn Độ thộn thấy mồ…Nào, đi phục kích khỉ.
(Hết phần 2)
DUYÊN ANH

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ HƯNG ĐẠO *Giuse Phạm Vân Sơn

Khu Hưng Đạo ở Ban mê ... Giáo dân di cư ngày ấy...
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ HƯNG ĐẠO
*Giuse Phạm Vân Sơn
I Lịch Sử Hình Thành: (1960 – 2008)
Sau năm 1954 (ngày ký hiệp định Giơnevơ) một số đồng bào miền bắc VN di cư vào miền nam để lập nghiệp. Chính quyền đương thời phân bổ số đồng bào di cư nói trên được định cư tại tỉnh Darlac , trong số đó có một số đồng bào công giáo….. trong thời gian này có một số đồng bào công giáo được đinh cư ngay tại làng Trần Hưng Đạo, cách thị xã BMT khoảng 1 km. vì số đồng bào Công giáo thời bấy giờ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với đồng bào Phật giáo nên chính quyền thời bấy giờ đã đặt tên là trại Phật giáo Hưng Đạo (địa danh được chia cắt rõ ràng). Tọa lạc trên khu tứ giác giới hạn bởi các trục đường: Nguyễn công Trứ, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Du và giòng suối Ea Tam…
Trong khoảng thời gian này, vì điều kiện Kinh tế, thổ nhưỡng ôn hòa, đất lành chim đậu, vào 2 năm 1956-1958 một số gia đình Công giáo ở các nơi khác cũng tìm đến định cư thêm. Từ đó số Gia đình Công giáo tăng thêm, đa số là các gia đình quân nhân thuộc tỉnh đoàn bảo an Đaclac. Khoảng 16 gia đình với nhân khẩu 32 người, nhóm này có mối quan hệ mật thiết với nhau như đồng hương, họ sống quây quần đùm bọc lẫn nhau dưới sự hướng dẫn của một vị cao niên có uy tín là ông Phê-rô Nguyễn Văn Hân. Từ đó các gia đình tự đông tập trung sinh hoạt tôn giáo tại các tư gia, riêng các ngày lễ trọng, chủ nhật hoặc có nhu cầu hưởng bí tích thì đến tham dự tại nhà thờ thị xã (nay là Giáo xứ Thánh Tâm)
Đầu năm 1959-1960 , số người từ nơi khác vì nhu cầu cuộc sống, nhất là gia đình quân nhân tìm đến định cư khu làng Trần Hưng Đạo ngày càng tăng thêm, họ định cư trên các triền đồi hai bên bờ suối Ea tam, đường Phạm Hồng Thái, đường Nguyễn Du, thời điềm này con số gia đình công giáo tăng lên 28 với số nhân khẩu 165 người. với số Giáo dân trên , ước lượng sẽ còn tăng lên theo chiều phát triển của xã hội thời bấy giờ nên Cha chánh xứ nhà thờ thị xã lúc đó là Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn quyết định cho phép thành lập Giáo họ trực thuộc Giáo xứ Thánh Tâm và lấy Thánh hiệu là Giáo Họ Nghĩa Đức, mừng kính Thánh bổn mạng là Gioan Baotixita vào ngày 24/6 hàng năm. Trong thời gian này ông Phê rô Nguyễn Văn Hân được đề cử làm Trùm họ, và một nhà nguyện bằng tôn vách ván được dựng lên trên khu đất của ông Hân và một số bà con tự nguyện dâng cúng. nguyên vật liệu tháo từ hội trường cũ của nhà thờ thị xã .
II Thành lập Giáo xứ
1.Xây cất nhà thờ mới:
Đầu năm 1963 số giáo dân tăng lên rất nhanh. Tổng số đã lên đến 1280 người, gồm 213 gia đình, ngôi nhà nguyện cũ không còn đủ sức chứa số người tham gia sinh hoạt tôn giáo. Để phát triển cho tương lai dưới sự hướng dẫn của Cha G.B Trần Thanh Ngoạn, ban đại diện Giáo họ đã vận động bà con giáo dân góp công của cùng với sự giúp đỡ từ bên ngoài như ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tích, ông Lê Xuân Hồng . . . một ngôi nhà thờ mới đã được xây dựng gồm 5 gian (4m x 8m ). 1 gian cung Thánh và 4 gian dành cho cộng đoàn. Các công trình phụ cũng được xây dựng trong thời gian này như nhà xứ, các phòng học giáo lý, mua sắm các đồ dùng thờ tự, trang thiết bị cần thiết cho nhà thờ. . mọi sinh hoạt tôn giáo từ đó có chiều hướng phát triển mạnh, có uy tín, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Hân.
2.Thành lập
Ngày 24/6/1966, Giáo họ Nghĩa Đức được nâng lên thành Giáo Xứ do đề nghị của Cha Trần Thanh Ngoạn và được Đức Giám Mục Giáo Phận Kon-Tum duyệt y.
 Danh hiệu: Giáo xứ Hưng Đạo.
 Thánh Bổn mạng Gioan Baotixita.
 Giáo dân 1280 người, (chiếm tỷ lệ 13% dân cư trong địa bàn).
Được chia thành 4 giáo họ trực thuộc:
 Giáo họ Giuse: 72 gia đình, 420 người
 Giáo họ Mân côi: 60 gia đình, 400 người.
 Giáo họ Phê rô: 74 gia đình, 426 người.
 Giáo họ Vinh sơn: 7 gia đinh, 34 người.
Vị trí địa lý: Giáo xứ Hưng Đạo nằm về phía đông nam thị xã, dưới một thung lũng hẹp, giới hạn bởi một vòng cung dọc theo giòng suối Ea Tam, từ cuối đường Nguyễn công Trứ đến Chân đồi ( nay gọi là đồi khí tượng thủy văn) phân cách và giới hạn với các xứ bạn bằng các trục đường giao thông là Phạm Hông Thái, đường Độc lập, suối Ea tam hình thể tam giác diện tích khoảng 5 km cách trung tâm thị xã 1,5 km.
III Các thời Cha Quản Xứ và việc Phát triển Giáo xứ:
1.từ 1966-1969: Cố Lm Nguyễn Văn Bân làm Quản xứ tiên khởi, Ngài khởi sự nền móng cho các sinh hoạt tôn giáo. Một Ban hành giáo được bầu lên do ông Phê rô Nguyễn Văn Hân làm trưởng ban, cùng các cộng tác viên khác như: ủy viên phụng vụ, ủy viên giáo lý, ủy viên hiếu sự, . Trong thời gian này có biến cố tết Mậu thân 1968 , một sỗ giáo dân lại bỏ Giáo xứ dời đi nơi khác.
2.từ năm 1970- 1971: Cha Cố Phanxicô Vũ Cát Đại được ĐGM hoán đổi về thay thế Cha Bân. Thời Gian này Giáo Phận BMT được thành lập. Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm GM tiên khởi, đã ban hành quy chế mới, do đó Hội Đồng Giáo Xứ được bầu lại Ông Phê rô Trần văn Khánh được bầu làm Chủ tịch, và các Ủy viên khác, trong đó có 4 Giáo họ Phê rô, Giuse, Mân Côi, Vinh Sơn. Xậy dựng được cổng , tường quanh khuôn viên nhà thờ, quy hoạch được ranh giới nghĩa trang diện tích:
3.từ năm 1973- 1975: Cha cố Đôminicô Đào Công Roanh về thay Cha Vũ cát Đại. Ngài tiếp tục tu sửa nhà thờ xứ bị hư hại sau biến cố tết Mậu thân, xây lại tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức, Bầu lại HĐGX đã mãn nhiệm và một số hội đoàn, ông Phê rô Nguyễn Văn Hạnh làm Chủ Tịch.
Năm 1975 Giáo xứ Hưng Đạo bị xáo trộn, Cha xứ bị bắt đi cải tao tập trung, rất đông giáo dân đi Kinh tế mới, di tản, gần 2 năm không có Cha Quản xứ, các hội đoàn bị giải tán, cấm hoạt động. các ngày Chúa nhật và lễ trọng ông Chủ tịch phải lên Tòa Giám Mục xin Cha về dâng lễ.
4.Từ năm 1976-1980: Cha Gioan B Phạm Bá Lễ được Tòa GM bổ nhiệm về làm quản xứ ( đây là thời kỳ khó khăn nhất của Giáo xứ) , một HĐGX âm thầm ra đời do ông Đa-Minh Nguyễn xuân Vũ làm chủ tịch, số giáo dân còn lại là 620 người trong 103 gia đình. Trong suốt thời gian này công việc mục vụ là của Cha xứ, còn các công việc khác hầu như bế tắc.
5.Từ năm 1981-1985: Cha cố Phaolô Võ quốc Ngữ được bổ nhiệm về thay thế Cha Phạm Bá Lễ, cũng như thời gian trước, các sinh hoạt tôn giáo chỉ được thu gọn trong nhà thờ, ngoài việc phụng vụ Thánh lễ và cử hành các Bí tích, ngoài ra không có một sinh hoạt nào khác, HĐGX không hoạt động, ca đoàn, ban giáo lý, các hội đoàn nhen nhóm sinh hoạt bất thường và bị kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên mùa vọng năm 1983 một HĐGX mới cũng được Cha xứ và chính quyền chỉ định cho ông Vũ Ngọc Nhã làm chủ tịch và 4 ủy viên đặc trách các phận vụ chuyên môn.
6.Từ năm 1986- 1996: Cha Giuse Nguyễn Tích Đức làm quản xứ thay thế Cha Võ Quốc Ngữ, trong thời kỳ này nhờ chính sách đổi mới cuộc sống của giáo dân có nhiều thay đổi về đời sống vật chất cũng như tinh thần. các sinh hoạt trong Giáo xứ có nhiều chuyển biến, việc sửa sang nhà thờ , tu bổ phòng ốc, xây dựng một số phòng học giáo lý, nghĩa trang cũng được quy hoạch lại khang trang sạch đẹp, các lớp giáo lý dự tòng, thêm sức, xưng tội rước lễ lần đầu , hôn nhân cũng được Cha quản xứ quan tâm đặc biệt.
Trong mười năm này giáo dân trong xứ tăng từ 613 lên 920 người. HĐGX được lưu nhiệm suốt 4 nhiệm kỳ. đặc biệt giáo xứ có thầy phó tế Phê rô Trần ngọc Anh (Sau này được thụ phong Lm quản xứ), được Giáo phận bổ nhiệm về phụ tá cho Cha quản xứ.
7.Từ năm 1997- 1999: Cha Phê rô Trần Ngọc Anh được nhậm Chức Lm quản xứ sau hơn một năm làm phó xứ . là Linh mục trẻ nên Ngài nghĩ ngay đến việc phát triển giáo xứ về mọi mặt, đặc biệt trong đời sống đức tin của giáo dân. Các hội đoàn được bổ xung các nhân sự, quan tâm đến việc dạy giáo lý của các độ tuổi, kiểm kê lại nhân danh trong giáo xứ. Bầu lại HĐGX mới theo phương thức phổ thông bầu phiếu, với sự tham gia của tất cả các gia đình trong giáo xứ, ;lúc này con số giáo dân tăng từ 1129(1996) lên đến 1275 với 253 gia đình. Trùng tu Thánh đường: sau gần 40 năm sử dụng, vá víu ngôi Thánh đường đã xuống cấp trầm trọng, Cha Quản xứ, HĐGX kêu gọi mọi người nỗ lực đóng góp để trùng tu , vì tài chính gặp khó khăn nên phải thực hiện qua 2 giai đoạn.
 giai đoạn 1: từ 1-2 đến 30-3-1998
 giai đoạn 2: từ 25-6 đến 15-8-1998.
Sau khi việc trùng tu kết thúc Giáo xứ đã có ngôi Thánh đường khang trang sạch đẹp, xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Song song với việc tu bổ Thánh đường, nghĩa trang cũng dược xắp xếp lại trật tự, thành lập Hội Bác ái chuyên lo an táng, ấn định diện tích một ngôi mộ và chọn mẫu xây thống nhất. qua sự hướng dẫn của Cha quản xứ, HĐGX, giáo xứ Hưng đạo thay hình đổi dạng một cách rõ rệt.
8. Từ năm 1999- 2006: vì công tác mục vụ Linh mục Trần Ngọc Anh được GM cử đi học nước ngoài và Cha Phaolo Nguyễn Thư Hùng được bổ nhiệm về làm quản xứ. mọi sinh hoạt vẫn tiếp tục được duy trì tốt đẹp. thời gian này HĐGX đã mãn nhiệm, một HĐGX nhiệm kỳ 2001-2005 được bầu ra. Ông Giuse Nguyễn Vĩnh Thẩm làm chủ tịch và 4 ủy viên khác, nhiệm kỳ của Giáo họ cũng được bầu lại, Cha xứ đặc biệt quan tâm đến đội ngũ anh chị em Giáo lý viên. Ngoài ra Cha Quản xứ cùng HĐGX lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp một số công trình trong Giáo xứ như: làm đường bê tông bên hông nhà thờ, mở rộng diện tích sử dụng trong nhà thờ, đóng mới lại một số ghế ngồi, mua lại hệ thống âm thanh , trồng cây xanh trên nghĩa trang, xây tường rào, đặc biệt xây mới một lễ đài đặt tượng Chúa Phục sinh làm nơi trang nghiêm để cử hành các nghi thức, đã được Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức về làm phép năm 2004.
9.Từ năm 2006 đến nay: Cha Nguyễn Thư Hùng đi nhận nhiệm sở mới và Cha Phanxicô Nguyễn Ngọc Hoàng được TGM bổ nhiệm về Giáo xứ. mọi sinh hoạt vẫn tiếp tục được duy trì bình thường. Cha quan tâm nhiều đến đời sống tâm linh của cộng đoàn , nhất là của các lãnh đạo hội đoàn .
Ngày 04-5-2008 theo thống nhất của toàn Giáo phận, HĐGX nhiệm kỳ 2008 – 2012 được tổ chức bầu lại . kết quả :
 Ông Giuse Nguyễn Hữu Nam Chủ tịch phụ trách phụng vụ và điều hành tổng quát.
 Ông Giuse Phạm Vân Sơn Đệ nhất Phó chủ tịch , phụ trách Huấn giáo.
 Ông Phêrô Trương Văn Thuận Đệ nhị Phó chủ tịch, phụ trách các hội đoàn.
 Ông Micae Đặng Quang Thiên Thư ký
 Ông Gioa Kim Nguyễn Lý Luận Thủ quỹ.
Cùng với 4 ban điều hành Giáo họ, được Cha quản xứ tổ chức tuyên thệ ngày 25-5-2008 (lễ Mình Máu Thánh), ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân HĐGX đã công tác với Cha quản xứ để điều hành công việc trong Giáo xứ, đã được phân công cụ thể cho mỗi thành viên.
IV Tình hình dân số và đời sống giáo dân:
Ban thường vụ mới đã kết hợp với các Giáo họ để ra soát lại sổ nhân danh tính đến tháng 6 năm 2008
 Về ơn gọi: Giáo xứ Hưng Đạo đã đóng góp cho Giáo Hội được 5 Linh mục, 8 tu sĩ nam, nữ
 Diện tích khuôn viên nhà thờ : 1.368m2
 Diện tích khuôn viên nghĩa trang: 6457m2
 Tổng số giáo dân 1380 gia đình công giáo 330, được phân bổ như sau:
1.Giáo họ Mân côi:…110 gia đình, 462 nhân khẩu
2.Giáo họ Giuse: … 78 gia đình, 326 nhân khẩu.
3.Giáo họ Phê rô … 89 gia đình, 360 khẩu.
4.Giáo họ Vinh sơn:… 53 gia đình, 232 nhân khẩu.
Đời sống Kinh tế:
Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển , Giáo xứ có rất nhiều sự thay đổi về tinh thần cũng như vật chất, đây là một điều không thể tránh khỏi vì nhiều lý do khác nhau của đời sống xã hội. đặc điểm của Giáo xứ, giáo dân sống trải dài trên một địa bàn tương đối rộng, ở xen kẽ cùng với các tôn giáo bạn( tỷ lệ người công giáo 20%) , đời sống kinh tế đa số sống nghề buôn bán nhỏ lẻ, phần còn lại làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên it nhiều cũng ảnh hưởng đến việc sống đạo. Trong tương lai dưới sự hướng dẫn của Cha quản xứ chắc chắn sẽ có những định hướng để xây dựng Giáo xứ nhà theo kịp đà phát triển của Giáo phận.
Trên đây là những nét chính trong quá trình hình thành và phát triển của Giáo xứ Hưng Đạo. bên cạnh đó còn có rất nhiều các hy sinh và cống hiến của các Linh Mục quản xứ, các HĐGX qua các thời kỳ mà các biến cố thời cuộc không còn lưu trữ được.
Giuse Phạm Vân Sơn
-Giáo Xứ Hưng Đạo 59 Nguyễn Du, Tp BMT-
Email:trucsonhd@ymail.com
* Nguồn : Trang Web Giáo phận Ban Mê Thuột

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

HOANG PHẾ TUỔI THƠ *Hùng Bi

Khu Hưng Đạo ở Ban mê ... Hồ Piscine bây giờ...
HOANG PHẾ TUỔI THƠ
*Hùng Bi 

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, cây, cỏ, ngoài trời và thiên nhiên
Hai ngày trước tôi được nhìn thấy tấm hình Thầy Liễn đứng với các học trò cũ cạnh Piscine xưa ở Banmêthuột. Hoài niệm ngày cũ lũ lượt kéo về, nhưng dường như những đầu ngọn cỏ sắc nhọn kia đã đâm trúng trái tim tôi rỉ máu làm tan loãng đi những nhớ nhung với một chút đau xót. Gom góp mãi cũng chưa chịu trở về.
Mỗi người có một cách suy nghĩ và cảm nhận riêng, có thể họ cũng cùng một nhịp với tôi, nhưng nói ra thành lời e hơi khó. Nhắc về những kỷ niệm ngày xưa, thường ta hay nói có một chút văn hoa cho bay bổng, nhưng chẳng bao giờ tôi dùng những từ bóng bẩy để tô vẽ cho chúng quá đậm màu đến độ sáo rỗng tình cảm của mình.
Nhìn hình ảnh chốn thiên đường tuổi nhỏ của tôi đã hoang phế đến mức không ngờ. Tôi tưởng như tuổi thơ của tôi theo thời gian cũng hoang phế như nó. Mà thật vậy, quả tình khi nghĩ về tuổi thơ chỉ để nhớ nhung thôi chớ có ai mà chăm chút nó được? Mà có muốn chăng nữa cũng chẳng biết làm sao!
Piscine! Là một chốn lý tưởng để các cậu bé tuổi trung học vẫy vùng cho thoả chí, giải phóng bớt cái sinh lực đang tích tụ thừa thãi trong người. Hầu như chiều nào tôi cũng có mặt ở đó dù không có một hẹn hò nào với đám bạn bè cùng lứa tuổi. Khoảng 2-3 giờ chiều thì đám nhóc trên phố đã bắt đầu lục tục kéo xuống nhập chung với mấy thằng bạn ở xóm Trần Hưng Đạo. Thông thường hay xảy ra mâu thuẫn giữa mấy thằng nhóc ở hai khu vực khác nhau lắm, tuổi nhỏ mà. Thôi thì xích mích với nhau đủ thứ chuyện trên đời, từ việc nhỏ bằng cái móng tay đến cả việc tín ngưỡng. Nhưng piscine là chỗ hoà giải nhanh nhất những mâu thuẫn đó. Tất cả đều phơi phới tâm hồn trong niềm vui chung nên ai cũng sẵn sàng cởi mở những gút mắc hết sức dễ dàng.

Piscine Banmêthuột theo tôi thật sự là một piscine độc nhất vô nhị trên thế giới. Nối đuôi sau thác nhà đèn, dòng nước đã chảy xuống hạ nguồn thành con suối nhỏ. Con suối ấy đi dọc theo “con đường tình” xuôi xuống buôn Kosia rồi đi dọc thung lũng bên hông trường Trung Học Banmêthuột chảy xuống xóm di cư Hưng Đạo rồi dẫn dài xuống suối Bu-ri rồi đi tới những chốn xa xôi đâu nữa tôi không được biết.
Ngang tới nhà Thầy Quang dạy vẽ, TTN Darlac đã xây một cái hồ lớn ngăn dòng nước tạo thành một piscine lộ thiên. Trước khi cho chảy vào hồ lớn, nước sẽ phải qua 3 cái hồ nhỏ xây dích-dắc có lưới ngăn lá cây cũng như những hạt đất đỏ quạch lẫn trong dòng nước sẽ lắng tụ bớt một phần. Chưa từng thấy một piscine nào trên thế giới có một màu nước như thế, nhất là trong mùa mưa. Chao ơi! Bây giờ ngồi nhớ lại tôi còn rùng mình. Trước khi đổ vào hồ thì con nước đã trải qua biết bao nhiều lần tắm giặt của các phụ nữ vừa Kinh vừa Thượng trên quãng đường đi. Trong làn nước mát ấy đã pha trộn biết bao nhiêu chất dơ bẩn của họ thải ra, thế mà bọn nhóc tôi cứ vô tư lao đầu xuống ngụp lặn, thậm chí có khi còn nuốt vào bụng nữa chứ! Theo quan niệm của người Đông phương, con trai không bao giờ được phép chui qua dây phơi đồ nữa, vì như thế sẽ bị “học ngu”.
Chung quanh có một hàng rào kẽm gai cao khỏi đầu người để ngăn cho cái đám lục tặc chui vào “tắm chùa”. Mỗi lần vào tắm chỉ phải nộp mạng cho Ông Tĩnh 1 đồng bạc cắc thôi chớ có phải nhiều nhỏi chi đâu? Vậy mà đâu phải ngày nào cũng có. Bữa nào kẹt quá, thì tôi cởi áo vùi xuống cỏ rồi lén lén đi đường vòng, mò lên chỗ 3 cái hồ nhỏ chắn rác phía trên, thấm nước cho ướt tóc rồi chui vô ngỏ đó. Làm bộ vọc phá theo máng nước dẫn xuống hồ, canh chừng Ông Tĩnh ngó lơ chỗ khác là vọt xuống chen chúc với đám bạn nhỏ ở dưới. Ông Tĩnh người Bắc, người xương xẩu gầy nhom như bộ xương cách trí, vậy mà lúc nào cũng ở trần làm như “con chuột” mình bự lắm, lúc nào cũng ngà ngà hơi men nên tụi nhỏ qua mặt dễ ợt. Thằng nào bị bắt gặp, xách lổ tai đuổi ra khỏi hồ thì quả thật quá vụng về. Ông ở một mình trong căn nhà tôle nhỏ kế bên piscine dưới bóng một cây cao, trong nhà chứa sẵn mấy cái ruột xe hơi bơm căng để cho mấy thằng nhóc mới tập bơi mướn.
Piscine Banmêthuột không lớn lắm, bề ngang độ khoảng 12 mét, bề dài khoảng 40 mét thôi (ấy là mình chỉ áng chừng trong trí nhớ chớ hồi xưa đâu có quan tâm làm chi?).
Phía đầu trên dài khoảng chừng 8 mét được xây cao lên để mặt nước chỉ khoảng ngang thắt lưng mấy thằng nhóc chưa biết bơi cho chúng nó xuống bì bõm, rồi độ sâu dốc dần xuống khoảng ngang ngực thì đứt khúc. Từ đó trở đi hồ thụt sâu xuống khoảng 4 mét. Cuối hồ là một cửa xả cho dòng nước suối cứ xuôi chảy liên tục. Phía dưới của ngọn thác mini nầy lại là nơi tắm giặt của mấy người phụ nữ người Thượng.
Nhất là những buổi chiều gần hè, nhìn xuống piscine thì đầy nhóc những cái đầu lô nhô, nhảy xuống không khéo là va đầu vào nhau như chơi. Tôi đã bị nổi một trái chanh bầm tím trên trán rồi chớ có phải không đâu? Vài tháng một lần thì hồ được tháo cạn để vệ sinh đáy hồ, hốt đi lớp đất đỏ dầy cui đọng lại. Đấy cũng là một dịp đặc biệt để tôi có thể nhìn thấy hết ruột gan thiên đường của mình. Bởi có bao giờ mình thấy được nó như những piscine nước trong vắt ở Sài Gòn đâu? Sao mà nó sâu hun hút thế không biết? Thấy mà rùng mình, tưởng tượng mình mà bị kẹt dưới khối nước tối đen chắc là hãi hùng lắm!
Có một kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên. Trẻ con tỉnh lẻ hồi đó đi bơi chỉ mặc áo và quần xà lỏn lưng thun thôi, mà cái sợi thun lưng quần cũng ác lắm, khi nó cũ rồi mà đụng nước thì nó giãn tối đa, dưới hồ mà leo lên bờ thì cứ phải đưa tay kéo lên kẻo nó tuột xuống. Một lần tôi ra cách bờ hồ khoảng vài mét lấy trớn chạy tới nhảy chúi xuống hồ một cái “ót” thiệt đẹp mắt, lúc trồi lên mặt nước sao tôi có cảm giác “trống trơn”. Cha Mẹ ơi! Trong cái đà phóng nhanh xuống thì làn nước đã níu giữ cái quần xà lỏn của tôi mất rồi. Sức tôi lúc đó làm sao đủ hơi mà lặn xuống khối nước tối thui đó mò mà kiếm cái quần? Đành phải cứ đứng dưới nước bám bờ hồ mắt nhìn dáo dác coi có thằng nào quen không để “cứu bồ”. May mà bữa đó có thằng bạn học cùng lớp “Cu Đê” con thầy Quang cũng tắm chung. Vậy là anh chàng phải chạy về nhà lấy cho tôi mượn cái quần của hắn tôi mới leo lên bờ được mà về nhà. “Quê dễ sợ!”
Những người bạn con trai thời mới lớn của tôi ơi! Nơi ấy chắc chẳng thể nào phai nhạt trong tâm trí mỗi người khi nhớ về Banmêthuột nhỉ? Lớp đất đỏ ba-dan sao mà khó gột rửa sạch khỏi tâm hồn tôi đến thế!
HÙNG BI
(60-68)