Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

ĐÈN DẦU XƯA ẤY

“Đèn hết dầu đèn cháy tới tim.
Một ngày gá nghĩa cũng niềm phu thê” – Ca dao.
ĐÈN DẦU XƯA ẤY
Có những đêm hai chị em phải học khuya vì bài nhiều và khó, bố mẹ đã chuẩn bị sẵn đến ba cây đèn dầu. Một đèn lớn khá sáng vốn chỉ dùng cho lúc ăn cơm hoặc sinh hoạt chung cả nhà khi mất điện, mà điện thì chập chờn và bị cắt liên miên. Đèn lớn đặt chính giữa hai chị em để cùng học bài, hai cây đèn nhỏ một chiếc bổ sung ngay trước tập vở của tôi để tăng cường sáng, một chiếc nhỏ hơn nữa đặt ở cửa nhà vệ sinh phòng khi tôi chạy ra chạy vào khỏi va vấp.
Cả tuổi thơ và thời niên thiếu của tôi gắn bó với những cây đèn dầu, mùa hạ cũng như mùa đông, trong nhà lúc nào cũng phòng sẵn vài chiếc đèn các loại kèm một thùng đựng dầu hỏa to tướng để dưới bếp...
Đèn dầu đã từng là thiết bị chiếu sáng phổ biến nhất trên thế giới cho tới khi loài người phát minh ra điện. Những chiếc đèn dầu xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 khi hãng dầu Shell của Mỹ mang dầu lửa sang chào bán ở Việt Nam. Thời đó, người dân Việt vẫn dùng dầu lạc để thắp sáng mà chưa biết đến dầu hỏa. Để tiếp thị, hãng Shell phát không đèn cho từng gia đình kèm với một bình dầu nhỏ đủ thắp trong vài ngày, bằng cách đó hãng Shell đã dần thâm nhập và bán được không chỉ dầu hoả, mà còn cả đèn dầu với đủ loại kích cỡ và mẫu mã đa dạng, một thời gian sau người dân tự đặt tên cho loại đèn này, là đèn "Hoa Kỳ".
...
Ngày nay, ngoại trừ các vùng sâu vùng xa chưa có lưới điện quốc gia, đèn dầu không còn là loại phương tiện chiếu sáng thông dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đèn dầu vẫn còn được đặt trên bàn thờ ở các gia đình hoặc đình chùa để "giữ lửa" và để lấy lửa thắp hương trong các kì cúng lễ hay giỗ chạp. ...
(Trích theo "Những cây đèn xưa ấy" của Nhật Giang đăng trênhttp://cstc.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/)
***
Đèn dầu thường được làm bằng thủy tinh, dưới có bầu đế to chứa dầu bên trong, phía trên có kim vặn bấc đèn - đó là những sợi chỉ bông được túm lại với nhau, to cỡ bằng đầu chiếc đũa con. Bấc đèn có tác dụng trung chuyển dầu từ bầu đèn lên đỉnh bấc tạo lửa. Ngoài ra, chiếc đèn dầu không thể thiếu chiếc tăm phong, đó là chiếc ống thủy tinh hình bầu, thổi mỏng như chiếc bóng điện, thủng hai đầu, dùng để chụp xuống đài của chiếc đèn, và nó có tác dụng che chắn gió cho đèn không bị tắt.
Nhà tôi thường ăn cơm buổi tối khá muộn, khoảng 7 đến 8 giờ nên ánh sáng của chiếc đèn dầu là không thể thiếu được, dẫu trong mâm cơm của những ngày nghèo đói ấy đâu có nhiều món ăn để gắp đâu. Bao giờ cũng vậy, khi trời bắt đầu nhá nhem tối là mẹ thường sai các con xem đèn còn dầu hay hết, nếu hết thì phải rót dầu vào cho đầy. Tôi thường được phân công nhiệm vụ kiểm tra và rót dầu vào đèn. Công việc sửa soạn đèn dầu cho một buổi tối không hẳn chỉ là rót dầu, mà còn phải khều bấc, còn phải lau tăm phong cho sáng, bởi qua mỗi đêm thắp sáng, những chiếc tăm phong che chắn gió thường bị mờ đi vì bị ám khói.
Ngày ấy, vì nhà nào cũng nghèo khó, nên không dư giả dầu hỏa để thắp sáng, vì vậy mà nhà ai cũng dùng một cách rất tiết kiệm, chỉ khi thực sự cần thiết mới thắp đèn, như chuyện ăn cơm, chuyện con cái học hành... không đừng được, chứ còn khi đi ngủ là đèn đầu được thổi tắt luôn...
...
(Trích đoạn "Đèn dầu thuở ấy" của Trịnh Hiệp đăng trênhttp://baotintuc.vn/sang-tac/den-dau-thuo-ay)

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

CÂY CHÙM BAO (NHÃN LỒNG, LẠC TIÊN...)

"Cá kho chấm đọt nhãn lồng.
Ngày má gả chồng, con vẫn nhớ quê" – Ca dao
CÂY CHÙM BAO (NHÃN LỒNG, LẠC TIÊN...)
Loài cây mọc hoang khắp vườn nhà hay dọc các mé kênh, rạch, chằng chịt, dân gian gọi nó là nhãn lồng. Ngoài tên gọi ấy, nó còn được biết đến với những tên gọi khác như lạc tiên, chùm bao, ...
...
Khi đi đồng về các bà, các chị thường tranh thủ hái vài chục trái chín về nhà làm quà cho mấy em nhỏ. Món quà quê đơn giản thế, nhưng dấu ấn tình thương khó phai nhòa ở mỗi người sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo.
Ngoài trái chín mà cả người và loài chim đều thích, lá non và đọt nhãn lồng cũng được người bình dân dùng làm rau ăn.
Hái những đọt này về dùng tay ngắt bỏ những dây tua quấn quanh. Những tua này vừa cứng vừa có vị nhẫn đắng, không ngon. Rau lặt rồi rửa sơ qua nước, để ráo. Khi nồi cơm lúa mùa vừa chắc nước, dở nắp ra để nhãn lồng vào rồi đậy lại. Sức nóng của than làm cơm chín, đọt nhãn lồng cũng chín theo.
Cá lòng tong hay cá cơm chà sạch vảy để ráo ướp nước mắm, đường cát để thấm cho cá cứng rồi cho vào nồi đất để kho. Lửa riu riu cá sẽ thấm dần, lúc này có người còn cho ít nước cơm sôi vừa chắc vào để tạo độ sánh. Khi cá cạn, cho thêm tóp mỡ thắng, tiêu xay, hành, ớt xắt nhuyễn, … Đến khi nước cá còn sền sệt thì nhắc xuống.
Sang hơn một chút thì bắt cá rô kho tộ. Cá rô đồng con cỡ ba bốn ngón tay làm sạch, ướp rồi kho tương tự như cách kho cá lòng tong. Có điều người ta thay nồi đất bằng tô sành. Cơm vừa chín, rau hấp gắp ra dĩa. Nước cơm sôi chắc làm canh, thể là có bữa ăn ngon lành, với những món ăn kiếm từ chung quanh nhà là lành tính.
Đọt nhãn lồng hấp vị đặc trưng chấm với cá kho khô vừa cay, vừa mặn cộng với nước cơm gạo mới ngọt bùi làm cho người ăn ngon miệng, no lòng. Hơn thế, đọt nhãn lồng còn có tác dụng giúp cho giấc ngủ người lao động ngon hơn, sâu hơn sau một ngày họ quần quật trên cánh đồng thửa ruộng.
...
(Trích đoạn "Con gái có chồng, ăn nhãn lồng thì... nhớ má!" của Út Tẻo đăng trên http://danviet.vn/que-nha/)

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Người M’Nông gọi là kologolo, người Mạ gọi là goong luk (nghĩa là cồng đá)…

Người M’Nông gọi là kologolo, người Mạ gọi là goong luk (nghĩa là cồng đá)…
ĐÀN ĐÁ NĐUT LIÊNG KRAK
Đàn Đá là một loại nhạc cụ âm nhạc cổ nhất có từ thời xa xưa(khoảng trên dưới 3.000 năm). Trong số các nhạc cụ tìm thấy của các nhà kháo cổ học thì họ khẳng định đàn đá là nhạc khí tự thân vang cổ xưa của các dân tộc M’Nông, Mạ, Raglai…
...
Đàn đá được phát hiện cách đây hơn 50 năm. Ngày 2/2/1949 bộ đàn đá Việt Nam đầu tiên được tìm thấy tại một làng quê xa xôi hẻo lánh của núi rừng Tây Nguyên, làng Nđut Liêng Krak của dân tộc M’Nông thuộc tỉnh Đăk Lăk, do các công nhân đào đất làm đường cuốc phải và thấy được. Sau này gọi là đàn đá Nđut Liêng Krak.
Đàn đá có kết cấu Đàn gồm 11 thanh đá, sắp theo chiều đứng thành ba hàng áp sát nhau, đất cát không chen vào được. Khi đào lên thì 1 thanh đã vỡ 10 thanh còn nguyên vẹn.
Ba hôm sau, sáng ngày 5/2/1949, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Gioócgiơ Côngđôminax. (G.Condominas), giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học Viễn đông đã tìm đến. Qua âm thanh kỳ diệu và hình dáng độc đáo, ông biết đây là một cây đàn cổ quý giá. Hơn một năm sau, tháng 6/1950 ông hoàn thành “cuộc thám hiểm hải ngoại” và trở về Pháp, mang theo toàn bộ 11 thanh đá.
Ông đã viết bài “Đàn đá thời tiền sử Nđut Liêng Krak” để giới thiệu đàn đá Việt Nam.
Khi phát hiện ra đàn đá thì từ đó nó đã làm chấn động dư luận ở Pháp và thế giới đặc biệt là trong giới nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học và âm nhạc học, vì người ta không thể hình dung được tại sao cách đây ba, bốn nghìn năm lại có thể có được một cây đàn gõ định âm làm bằng đá - là chất liệu khó đẽo gọt, trong lúc ở châu Âu cây đàn gõ định âm xilôphôn làm bằng gỗ là loại rất dễ đẽo gọt, theo Rôlăng Đơ Cađê (Roland de Cadé), chỉ mới có từ thế kỷ XIV (nghĩa là sau cây đàn đá 2.500 năm).
Điều đặc biệt bộ đàn đá Việt Nam được trân trọng trưng bày tại Viện bảo tàng Con người (Musée de Homme) ở Paris coi như vật phẩm minh chứng cho sự tiến hóa của nhân loại trong một giai đoạn.
...
(Trích theo "Đàn đá Việt Nam" của Minh Hiến đăng trênhttp://www.honvietquochoc.com.vn/)

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Mùa cá trên hồ Lăk... không còn như xưa!

Mùa cá trên hồ Lăk... không còn như xưa!
NGHỀ ĐÁNH BẮT CÁ
Những người sống lâu năm ở đây nhớ lại rằng, cá hồ Lắk nhiều đến mức đồng bào dân tộc thiểu số có thể đánh bắt chủ yếu bằng dụng cụ thô sơ như que nhọn để đâm cá, hay nhiều người hợp lực lại dùng tay cuộn rong rêu để lùa cá vào một chỗ hẹp rồi bắt bằng tay.
...
Vào khoảng cuối những năm 80 thế kỷ XX đi câu một ngày cũng có thể kiếm được một món tiền ngang bằng tháng lương của cán bộ lương thực thời đó. Nhưng hiện nay đó chỉ còn là câu chuyện xưa được kể lại.
***
Đánh cá từ lâu đã trở thành nghề mưu sinh chính của nhiều người dân ven Hồ Lak. Ông Ama Vóc - một người chuyên đánh cá bên Hồ Lak cho hay... Vợ chồng ông làm nghề đánh cá trên Hồ Lak từ hàng chục năm nay. Vào mùa mưa, cá theo các nhánh suối đổ về nhiều nên đánh được nhiều hơn, mỗi ngày trên hồ có hàng chục chiếc thuyền đánh cá. Vào mùa khô, nước rút cạn khoảng 3-4 mét, người dân sống xung quanh hồ tận dụng diện tích hai bên bờ để trồng lúa vụ đông xuân, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú nên cá lớn rất nhanh, nếu đầu mùa, mỗi con cá chỉ bằng 1-2 ngón tay thì vài tháng sau đã to cỡ 4-5 ngón tay. Mỗi mùa cá kéo dài 6 tháng, từ tháng 5 tới tháng 11. Ông Ama Vóc nhớ lại, trước đây Hồ Lak quanh năm đầy nước, cá nhiều vô kể, có con lớn cả 10 kg, chỉ cần phóng lao là bắt được. Bây giờ, cá ít đi, nhiều người cũng bỏ nghề đánh cá, đi làm thuê các nơi khác. Tuy nhiên, nơi đây đang tồn tại hình thức đánh cá tận diệt bằng kích điện khiến lượng cá trong hồ những năm gần đây giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa.
Đánh bắt cá trên Hồ Lak là nghề kiếm sống của hơn 200 người dân quanh hồ từ bao đời nay. Ngày nay, các sản vật từ Hồ Lak như cá thát lát, lóc, bống… đã được các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn sử dụng làm món ăn đặc sản phục vụ khách du lịch, trong đó nổi tiếng nhất là chả cá thát lát.
***
Khi màn đêm buông xuống, mọi người đều chìm trong giấc ngủ say thì những người dân làm nghề chài lưới trên hồ Lăk lại bắt đầu cuộc mưu sinh hằng ngày của mình trên những con xuồng đánh cá trong đêm... “Số lượng người dân làm nghề chài lưới trên hồ Lăk hiện khoảng hơn 300 người, tập trung chủ yếu ở thị trấn Liên Sơn, xã Dak Liêng, xã Yang Tao… Từ bao đời nay, đánh bắt cá đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho các hộ dân trong vùng. Trước đây, khi nguồn lợi thủy sản trên hồ còn nhiều thì cuộc sống của người dân cũng tạm ổn. Giờ đây, do sự suy giảm nguồn lợi nên số lượng người làm nghề này cũng giảm nhiều hoặc chuyển đổi sang nghề khác...
***
(Trích từ các nguồn http://www.baodaklak.vn/)

Món ăn đặc biệt giúp người dân xứ Thượng giải trừ sốt rét...

Món ăn đặc biệt giúp người dân xứ Thượng giải trừ sốt rét...
NHỘNG SÂU MUỒNG
Theo lương y Huyên Thảo thì trong một số bài thuốc dân gian phòng và điều trị sốt rét, lá muồng cũng được coi là một dược vị quan trọng. Loài sâu muồng ăn lá muồng tươi, do đó ăn chúng cũng có nghĩa là bà con đã nạp vào cơ thể một lượng lá muồng nhất định. Bởi thế, chuyện bà con nhờ sâu muồng mà phòng bệnh sốt rét cũng không phải không có lý.
Với người dân Tây nguyên, những đàn bướm là dấu hiệu thông báo thời điểm phát triển của mùa sâu muồng, một đặc sản được ưa chuộng của miền đất đại ngàn nắng gió.
Nhận biết sâu muồng không khó. Những cây muồng đang tươi tốt, chỉ qua hai ba ngày bỗng xơ xác lá thì trên đó chắc chắn có cả ngàn con sâu muồng. Dưới gốc cây, cả vạt đất chuyển màu đen kịt bởi thứ chất thải đặc trưng khi sâu ăn lá thải ra...
...
Nắm quy luật sinh trưởng của sâu muồng, người Tây Nguyên tận dụng cả sâu lẫn nhộng để làm thức ăn. Chị H’tươi, một người chuyên chế biến món sâu muồng rang cho đám thanh niên trong làng nhậu cho biết: “Sau khi mang sâu về, bắc một cái chảo lên bếp lửa. Để chảo thật nóng rồi đổ bịch sâu vào làm cái “xèo”, sau đó lấy đũa đảo sâu cho chín thật vàng, rắc một ít muối ớt chỉ thiên giã nhỏ, thế là có thể mang ra... đánh chén một cách ngon lành! Lúc đầu, ăn sâu không quen lắm, ai cũng sợ tha bệnh tật vào người nhưng sau lại ghiền. Đặc biệt, giống sâu này chỉ có nhiều vào đầu mùa mưa, đến cuối mùa mưa vòng đời sinh nở của nó cũng hết và phải đợi đến mùa mưa năm sau mới có sâu ăn!”. Vừa giảng giải, chị H’tươi vừa nếm thử một chú sâu rang vàng ruộm. Chị H’tươi cho biết, từ lâu nay người dân bản địa vẫn quan niệm dùng món đặc sản này để phòng chống bệnh sốt rét(?)
...
Có nhiều cách chế biến món sâu. Ai thích cảm giác mạnh thì ăn sống, ai thích cảm nhận hương vị bùi, béo ngậy của nó thì chiên lên rồi dùng mắm xào, ai thích ăn theo kiểu luộc thì sẽ cảm nhận hương vị béo núc của nó... Sâu sống ăn cũng được, nhưng phải là người có bụng dạ thật tốt mới chịu được, còn không thì bị “Tào Tháo sâu” đuổi “chạy có cờ” trong vài phút ngay. Vì trong loài sâu này có chất gì đó, có người hợp thì ăn sống được, có người không hợp thì ăn vào đau bụng ngay lập tức!
...
Sau vòng đời chuyển hóa trong thời gian ngắn ngủi từ “bướm - trứng – sâu - nhộng”, những con nhộng của sâu muồng dần tiến hóa thành những cánh bướm vàng xinh đẹp bay rợp cả vùng trời Tây Nguyên trong nắng vàng, đẹp mê ly.
...
(Trích theo "Món ăn đặc biệt giúp một ngôi làng giải trừ sốt rét" của TIÊU DAO đăng trên http://giadinh.net.vn/song-khoe)

Mùa voi yêu... ở hồ Lăk, ĐăkLăk.

Mùa voi yêu... ở hồ Lăk, ĐăkLăk.
ĐÔI "TÌNH TƯỢNG" PĂK NANG VÀ Y MÂM
...
Voi là loài vật thông minh, tế nhị. Chuyện yêu đương của chúng vốn kín đáo giữa đại ngàn, nên khi bị săn bắt, thuần dưỡng để phục vụ con người, quanh năm bị xiềng xích và phơi trần trước những cái nhìn tọc mạch, thì việc voi nhà giao phối và sinh đẻ tự nhiên trở nên rất hiếm. Nhưng có lần, một nài voi của ông Long đang đứng dưới hào sâu nghe động dữ dội, ngước lên thì thấy đôi voi tựa vào gốc kơ nia cổ thụ giao phối ràn rạt như bão tố. Khi yêu, chúng chẳng còn để ý gì xung quanh. Nài voi rút điện thoại quay được một đoạn phim rõ dài. Ông Long chiếu cho chúng tôi xem, thích thú bảo “Hàng hiếm đấy!”.
Voi cái mang thai tới 22 tháng. Trước đây voi nhà bị tận dụng sức lực để kéo cây, chở khách, để voi cái mang thai sẽ mất cả khoản tiền lớn thu nhập trong suốt hơn 2 năm, rồi rủi ro chửa đẻ khiến nhiều chủ voi không muốn chúng kết đôi. Bây giờ, phía xa kia Pắk Nang và Y Mâm đang dùng vòi rà hít, thăm dò lẫn nhau, ngúng nguẩy kiểu “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e!”. Ông Long thở phào : Chắc ổn! Lỡ kết không hợp, tụi nó đánh nhau chí chết, phải tìm cách lôi voi cái chạy cho mau. Chúng phải tâm sự, tán tỉnh nhau cả buổi, chuyện đó mới xảy ra.
...
Đôi “tình tượng” được chủ voi ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể mạnh dạn tỏ tình, là chàng voi đực Y Mâm tuổi trạc tứ tuần có cặp ngà cân đối to tròn, thuộc sở hữu của vợ chồng ông Đàng Năng Long, nhà ở thị trấn Liên Sơn soi bóng xuống hồ Lắk, và nàng voi cái dịu dàng 37 tuổi của gia tộc Ama Mứ buôn M’Liêng. Tên của nàng voi gọi theo các quản tượng M’Nông hay Lào, dù là Păk Nang, Bok Nang hay Ban Nang, cũng đều mang nghĩa cưng chiều, gần gũi, hàm ý khen đây là nàng voi đẹp.
Điểm hẹn hò cho đôi voi khá trống trải, nên mọi khách vãng lai đều phải vòng lối khác, không ai được lại gần, vừa để tránh nạn voi động tình nổi xung giẫm đạp, vừa để chàng và nàng được thoải mái tán tỉnh, yêu đương. Mấy tháng sau, đôi bên “thông gia” phát hiện bộ vú Ban Nang bắt đầu to mọng, căng đầy, lập tức báo tin cho Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk cử chuyên gia tới thăm khám.
Nhận được tin báo từ huyện Lắk, nhóm chuyên gia lập tức mang máy siêu âm về tận nơi. Tiến sĩ Willem Schaftenaar nguyên trưởng phòng Thú y vườn thú Rotterdam-Hà Lan đảm trách việc luồn máy siêu âm vào sâu hàng mét từ đường hậu môn vào bụng Ban Nang. Vì độ tuổi sinh con đầu lòng tốt nhất của loài voi được xác định là từ 7 đến 12, nên kết quả chiếu chụp, phân tích máu và nội tạng của nàng Ban Nang sắp già được xem xét rất cẩn trọng kỹ lưỡng. Sau đó ông Willem mới vui sướng khẳng định: Ban Nang sắp có ... em bé , dự sinh vào khoảng tháng 10 năm 2017 !
...
(Trích theo "Thế là nàng đã mang thai!" của Hoàng Thiên Nga đăng trênhttp://www.tienphong.vn/xa-hoi/the-la-nang-da-mang-thai-)

Ghế K’pan – niềm tự hào của người Êđê...

Ghế K’pan – niềm tự hào của người Êđê...
TRUYỀN THUYẾT K'PAN
Theo truyền thuyết của người Ê đê, K'pan nghĩa là “Con rết”. Chỉ những gia đình giàu có về vật chất, nhiều trâu, heo, gà, gạo thóc, nhân lực và là gia đình có uy tín mới được làm K'pan.
Khi chủ nhà quyết định làm K'pan, trước tiên gia đình đó phải được hội đồng của buôn làng do già làng chủ trì đồng ý. Khi đã được đồng ý, chủ nhà vào rừng chọn một cây gỗ lớn, khỏe, hội tụ đủ các yếu tố: Thân cây nhẵn, thẳng, không có dây leo, cây không bị mối mọt. Sau đó gia chủ làm lễ xin phép thần rừng, thần cây để được làm K'pan.
Lễ cúng thần rừng, thần cây gồm: Gà, lợn và một cái rìu. Sau khi làm lễ xong, gia chủ sẽ phóng cái rìu vào thân cây đó, sau đó đi về. Ba ngày sau quay lại, nếu cái rìu vẫn dính trên thân cây có nghĩa là thần rừng đồng ý chấp nhận cho hạ cây gỗ xuống, còn nếu cái rìu bị rơi khỏi thần cây coi như thần rừng không chấp nhận và gia chủ phải đi tìm cây khác.
Sau khi được phép của già làng, của thần rừng, gia chủ huy động toàn bộ dân làng chuẩn bị hạ cây. Ngày đầu tiên của năm mới, gia chủ làm lễ hạ cây. Tham gia vào việc đốn gỗ là những trai tráng trong buôn làng dùng rìu đốn cây, phụ nữ thì tham gia nấu cơm, hái rau rừng làm thực phẩm, chế biến món ăn… Truyền thống của người Ê đê là chỉ dùng những vật dụng thông thường như rìu, rựa để đốn gỗ. Ngày đầu tiên của năm đầu tiên đó, trai tráng sẽ hạ cây gỗ xuống, chặt bỏ cành lá, bóc vỏ… và họ ăn thịt hết một con trâu, vài chục lít rượu. Sau đó họ chia tay nhau, ai về nhà ấy để lo việc đồng áng, ruộng nương.
Một năm sau, họ quay trở lại khu rừng tiếp tục đẽo, đục một cách kỹ lưỡng, thong thả. Chính sự chậm rãi như vậy nên từ một thân cây to lớn, sau một năm gỗ khô dần, trai tráng tiếp tục đẽo, gọt làm K'pan. Đó cũng là lý do mà K'pan không bị biến dạng không cong vênh, không nứt vỡ.
Ngày trọng đại, gia chủ rước K'pan từ rừng về nhà. 50 chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, mặc khố đỏ mới, mình trần kề vai rước K'pan. Mỗi bên có 25 người, đi trước là đoàn rước có cờ hoa, chiêng trống, đi sau là những đôi chân trần khiêng K'pan. Đoàn rước vượt qua bao suối sâu, đèo cao, bất chợt gặp những cơn gió thổi mạnh khiến những chiếc tạp dề và khố của các chàng trai bay phấp phới. Từ xa, nhìn hình ảnh đoàn người rước K'pan như một con rết khổng lồ đang bò từ rừng về nhà.
Khi K'pan được rước về nhà, gia chủ tiếp tục mổ trâu, lợn, gà ăn mừng ba ngày, ba đêm.Đồng bào Ê đê thường nói vui: “Ôi cái K'pan này nó ăn nhiều trâu lắm ấy”. Bởi mỗi năm, các trai tráng trong buôn làm K'pan sẽ ăn hết một con trâu. Tùy theo việc làm K'pan đó bao nhiêu năm thì bấy nhiêu con trâu bị giết để làm thực phẩm. Nếu làm 'Kpan trong rừng 5 năm thì sẽ thịt 5 con trâu, khi K'pan được rước về nhà gia chủ tiếp tục tổ chức sinh nhật cho K'pan 5 năm tiếp theo tại nhà. Năm cuối cùng làm lễ cho K'pan trưởng thành, chủ nhà sẽ đổ ché rượu lên K'pan coi như công nhận K'pan đã trưởng thành và từ đó trở đi không cúng nữa. K'pan lúc này trở thành vật thiêng, vật quí, gần gũi trong gia đình.
Khách vào nhà, những bậc trưởng buôn, người cao niên có uy tín mới được mời lên ngồi K'pan. Đặc biệt, người Ê đê theo chế độ mẫu hệ nhưng phụ nữ không được ngồi lên K'pan. Nếu khách tới không hiểu mà tự ý ngồi lên K'pan sẽ bị gia chủ phạt vạ, đồ phạt có thể là con gà, con heo hay ché rượu…
Trên đất Tây Nguyên, ngoài đồng bào Êđê còn có dân tộc M'nông cũng dùng K'pan và nó rất hợp với nhà dài truyền thống.
(Trích theo "Truyền thuyết K'pan" của Viết Tôn đăng trênhttp://baotintuc.vn/dan-toc/)

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Dân ca Ê Đê...làn điệu Ay ray... HÁT GIAO DUYÊN TRONG ĐÁM TANG

Dân ca Ê Đê...làn điệu Ay ray...
HÁT GIAO DUYÊN TRONG ĐÁM TANG
...
Trước đây kiêng và bây giờ vẫn vậy. Tuyệt đối kiêng không hát ay ray trong nhà, chỉ hát ở không gian công cộng, bên ngoài ngôi nhà dài Ê đê. Nếu nghe tiếng hát ay ray, tiếng đinh năm ở ngôi nhà dài nào đó trong buôn thì chắc chắn ở nhà ấy có người qua đời, hoặc gia đình đó làm lễ bỏ mả cho người chết. Vì sao trong ngày tang lễ mà người Ê đê lại hát giao duyên?
“Ay ray là 1 làn điệu hát giao duyên nhưng lại chỉ hát trong đám chết. Người ta quan niệm là nhà tôi có người chết, anh đến anh chia buồn với tôi là anh phải đem cái vui đến. Chứ anh đến, anh cũng khóc lóc, mếu máo thế thì anh cộng thêm buồn cho tôi đấy chứ, anh có chia tí nào đâu! Thế thì anh đến là anh phải vui, phải múa, phải hát và tốt nhất là hát giao duyên. Cái chết lại là mở đầu cho một mối tình. Rồi họ lại lấy nhau, họ lại sinh con đẻ cái, lại bắt đầu 1 sự sống mới. Tức là cái vòng đời nó khép kín như vậy. Chính vì thế, cái điệu hát ay ray chỉ hát trong đám ma”.
Hát ay ray mang âm hưởng khoẻ khoắn, lạc quan chứ không âu sầu, bi luỵ... Phải nhanh ý, phải thuộc nhiều câu nói có vần, giàu hình ảnh để có thể ứng đối nhanh... Người ta hát, mình trả lời lại mới hấp dẫn. Có người biết hát nhưng lại không biết đối đáp lại với nhau thì coi như không hát.
Nhiều đôi trai gái Ê đê đã nên duyên vợ chồng từ những cuộc hát đối đáp ay ray bởi cảm mến tài năng, trí thông minh hóm hỉnh và tìm thấy tâm hồn đồng điệu qua lời ca, ánh mắt. Còn khi hát một mình, ay ray mang tính tự sự rõ nét, người hát bày tỏ nỗi niềm, có thể là giãy bày tâm tư sầu nhớ, niềm vui, có thể ca ngợi tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu quê hương, cảnh đẹp đất nước... Nhiều người cảm nhận nghe ay ray lúc thì hình dung ra tiếng thì thầm của cánh rừng, khi thì lại thấy đâu đây tiếng gió đại ngàn, tiếng suối reo nơi núi rừng Tây Nguyên.
...
(Trích theo "Hát giao duyên trong đám chết – Đó là Ay ray" của Minh Huệ đăng trên http://vov4.vov.vn/TV/van-hoc-nghe-thuat/)

Xứ Thượng xa vắng... TIẾNG CHÀY GIÃ GẠO

Xứ Thượng xa vắng...
TIẾNG CHÀY GIÃ GẠO
Tiếng chày giã gạo là nhịp điệu, âm thanh quen thuộc của mỗi buôn làng thể hiện cuộc sống ấm no, dư dật, niềm vui được mùa. Chày cối là dụng cụ gần gũi với người phụ nữ. Giã gạo là công việc có từ lâu đời của các cư dân nông nghiệp khi con người biết trồng lúa...
Ở núi rừng Trường Sơn, đồng bào giã gạo bằng cối gỗ. Nhà nào cũng có cối, chày giã gạo đặt trước sân hoặc mái hiên. Nếu là cư dân ở nhà sàn như người Êđê, Gia Rai, Ba Na... thì cối gạo đặt ở sàn hiên trước hoặc sau nhà. Mỗi sáng sớm, người phụ nữ thường thức dậy sớm để nấu cơm, nấu nước chuẩn bị đi rẫy và sau đó người ta tranh thủ giã gạo. Nhà đông, có nhiều lao động, nhất là con gái lớn, thường giúp mẹ giã gạo, từ đó sinh ra nhịp chày đôi, chày ba…
(Trích đoạn "Nhịp điệu hàng ngày" của Tấn Vịnh đăng trênhttp://www.baoquangnam.vn/)
***
Trước đây, trên khắp buôn làng Tây Nguyên, khi con gà rừng cất tiếng gáy te te cũng là lúc các cô gái trẻ thức dậy, người đi xuống suối gùi nước, người bỏ thóc lúa vào cối giã. Tiếng giã gạo đã ăn sâu vào tâm trí, tiềm thức của bao thế hệ người Ba Na, Xê Đăng, Jơ Rai… Tại làng Kontrang Longloi, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), ông A Thăk bồi hồi nhớ lại: “Tiếng chày giã gạo vào mỗi buổi sáng tinh mơ của bao thế hệ người Rơ Ngao của mình bây giờ đã đi vào dĩ vãng mất rồi. Cuộc sống nay đổi khác, từ nay và mãi mãi về sau các thế hệ con cháu ở buôn làng sẽ không còn được nghe tiếng chày giã gạo như xưa”.
Đi bất cứ đâu, đến tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên... đều bắt gặp những cỗ máy xay xát lúa gạo... giúp bà con đỡ tốn sức lực khi giã gạo và họ cũng không mất nhiều công sức để vào rừng sâu chọn những cây gỗ quý, bền chắc như Rơmal, cà chít, trắc, hương, dổi, lim, dầu, trâm đỏ để làm cối. Những chiếc cối một thời gắn bó đã bị “ra rìa”, nhưng người Rơ Ngao Ba Na quan niệm: nếu không sử dụng cối nữa thì khiêng bỏ chúng đi đâu đó, chứ tuyệt đối không bổ nó ra để làm chất đốt. “Mình mang ơn nó mà, đem bổ ra nhóm lửa thì có tội lớn với Yàng và các đấng thần linh” - già làng A Thiuh phân bua.
(Trích theo "Kho cối của chàng trai trẻ" của Trùng Dương đăng trênhttp://thanhnien.vn/gioi-tre/)

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Một nét văn hóa cao nguyên xứ Thượng ... CHÒI RẪY

Một nét văn hóa cao nguyên xứ Thượng ...
CHÒI RẪY
Trước đây, ở mỗi ô rẫy của từng hộ gia đình đều có nhà chòi làm bằng tranh tre nứa lá hoặc bằng ván gỗ... Nhà chòi dùng làm kho chứa nông sản, đồng thời là nơi chứa dụng cụ lao động. Ngoài ra, đây cũng là nơi ở tạm trong những ngày làm việc trên rẫy. Nhà chòi còn là nơi chăn nuôi heo gà để cải thiện đời sống.
Ngoài sự tiện lợi trong sinh hoạt và sản xuất, nhà chòi còn cho ta cái cảm giác an bình của cộng đồng các dân tộc bản địa. Của cải không bị mất mát, không phải canh kẻ gian trộm cắp, nhà chòi cũng không rào giậu, không cần khóa cửa mà suốt mùa này qua mùa khác vật dụng của ai vẫn thuộc về người ấy. Đây cũng biểu hiện nếp văn hóa là sự tôn trọng của cải riêng tư của người khác. Điều này thể hiện tính cộng đồng của truyền thống lâu đời. Nói theo ngôn ngữ của người Kinh là “ đói cho sạch rách cho thơm”.
...
(Trích theo "Tây Nguyên vắng dần những nhà chòi" của Nguyễn Tấn Hỷ đăng trên http://baogialai.com.vn/)
***
Xưa kia, đồng bào Êđê sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy... Rẫy của người Êđê thường cách nơi cư trú của buôn làng khá xa, do đó chủ rẫy phải làm chòi để ở lại chăm sóc cây trồng (lúa, bắp, hoa màu…) và bảo vệ nương rẫy không cho chim thú vào phá hoại, nhất là vào mùa lúa chín.
Chòi rẫy (sang hma) ... được làm bằng các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng như: gỗ, tre, nứa, tranh, mây… Nhìn chung chòi rẫy gần giống như một nhà dài thu nhỏ. Trong chòi có kho đựng lúa, có nơi nghỉ ngơi, có bếp lửa, có bầu đựng nước, vài ba ché rượu nhỏ và các công cụ lao động (xà gạc, rìu, cào cỏ, cuốc, ống đựng lúa giống, cây chọc lỗ trỉa hạt…), cùng chiếc nỏ, cung, tên, giáo mác để hộ thân. Chòi rẫy của mỗi gia đình người Êđê thường cách nhau từ 500-600 m. Tuy cách nhau xa như vậy, nhưng trong những ngày phát rẫy, đốt rẫy, gieo hạt đến khi thu hoạch, các chủ rẫy thường giúp nhau cùng làm. Đặc biệt, những khi gặp khó khăn, hoạn nạn (đau ốm, tai nạn, hoặc thú dữ về phá rẫy), họ đều quan tâm, giúp đỡ nhau một cách chân tình như người trong một nhà.
Vào những đêm rỗi rãi, những người giữ rẫy thường tụ tập đến chòi rẫy của nghệ nhân có tài kể khan (sử thi) để được nghe kể các sử thi quen thuộc của dân tộc mình như: Dam San, Dam Ji, Sing Nhã…
...
Trong những năm gần đây, với sự tác động của tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, hầu hết các buôn làng của người Êđê đã chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác cây lúa rẫy sang canh tác cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao…), nên chòi rẫy không còn nữa...
...
(Trích theo "CHÒI RẪY - NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI ÊĐÊ" của Trương Bi đăng trên http://baodaklak.vn/)