Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Đọc lại bài ca dao của người Mường... MƯỜI TAY

Đọc lại bài ca dao của người Mường... Lời ru con đầy chất dân ca, chứa đựng cả một trời tâm sự của mẹ...
MƯỜI TAY
Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau
Một tay vay gạo, một tay cầu cúng ma
Một tay khung cửi guồng xa
Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa
Một tay đi củi muối dưa
Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn
Tay nào để giữ lấy con
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay
Bồng bồng con ngủ cho say
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời
(Ca dao dân tộc Mường, Cầm Giang dịch)
Lời bình:
...
Người mẹ tần tảo, lam lũ, hết lòng vì con hiện lên với một điều ước thánh thiện: “Ước gì mẹ có mười tay” điều ước mới kỳ lạ làm sao? Nhưng khi được nghe hết lời ru con này ta mới thấm thía sự có lý của điều ước. Cuộc sống khốn khó, bao vất vả nhọc nhằn vây bọc, để chăm chút gia đình, nuôi dạy được đứa con khôn lớn, người mẹ phải lo toan bao công việc, từ “bắt cá”, “bắn chim”, “làm ruộng”, “tìm hái rau”, “ôm ấp con đau”, “vay gạo”, “cầu cúng ma” đến: “khung cửi guồng xa”, “bếp nước”, “lo cửa nhà nắng mưa”, “đi củi, muối dưa”, thậm chí để: “van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn” trước những thế lực áp bức. Có bao nhiêu việc mẹ phải làm và muốn làm cho con và gia đình, bao nỗi lo toan và điều ước có được “mười tay” của mẹ với một mong ước duy nhất là làm thế nào bảo vệ và nuôi con khôn lớn nên người.
Trong cảnh sống nhiều cơ cực ấy, một trong những điều mẹ luôn phải lo lắng ngày đêm là: “Tay nào để giữ lấy con”, cho con một mái ấm bình yên, an toàn trước bao tác động của cuộc sống phức tạp và đầy bất trắc, bởi vậy “mười tay” mẹ ước dường như vẫn không đủ để chăm chút toan lo. Điệp khúc “tay kia'”, “tay này”, rồi lại “một tay”, “một tay”... cứ vang lên day dứt với biết bao công việc hiện ra bề bộn, liên tiếp, dồn dập như một chuỗi dài khổ cực vô tận dồn lên đôi vai gầy của mẹ.
“Ước gì mẹ có mười tay” nhưng thực ra mỗi người mẹ chỉ có hai tay, vậy mà mẹ đã làm tất cả mọi việc cho con, vì con, đó là đôi bàn tay đảm đang vén khéo, đó là đôi bàn tay tần tảo chai sần… nhờ có nghị lực vô song của trái tim yêu thương nên mẹ có một sức mạnh phi thường để vượt lên tất cả. Nếu điều ước mẹ có nhiều tay trở thành sự thật, mẹ vẫn thấy: “Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay”, mẹ nuốt những dòng nước mắt khổ đau, tủi hờn vào lòng, dành cho con tất cả những điều tốt đẹp, lòng vị tha và sự hy sinh ấy thật là cao cả. Đó cũng là phẩm chất cao quí của những người mẹ trên thế gian này...
Cuộc sống và sự vận động của khách quan không ngừng trôi chảy, “Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời”, giữa cái vạn biến ấy vang lên lời ru da diết của mẹ, lời ru tự đáy lòng: “Bồng bồng con nín con ơi” rồi “Bồng bồng con ngủ cho say”. Lời ru bình dị mà sâu lắng ngân mãi trong lòng những đứa con suốt cuộc đời, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh, là điểm tựa vững chắc cho con. Câu danh ngôn bất hủ: “Tuyệt tác của tạo hóa là trái tim người mẹ” bắt nguồn từ tình yêu vô bờ bến, sự hy sinh không cùng của người mẹ như thế này chăng ?
Bài ca dao “Mười tay” đậm chất thi ca, rất độc đáo, mỗi câu mỗi chữ đều trĩu nặng tình cảm sâu nặng của mẹ. Hình ảnh người mẹ nhân từ, bao dung, hết lòng hy sinh vì con yêu ... Tình mẹ cao cả không bến không bờ, sâu nặng không gì đong đếm được, lòng mẹ là vô tận như suối nguồn tưới mát cuộc đời con. Tình mẹ là biểu tượng thiêng liêng cao đẹp nhất trên thế gian này.
Trần Vân Hạc

CỌN NƯỚC NGƯỜI MƯỜNG - BÁNH XE CỦA THỜI GIAN

Còn cọn quay là còn những nốt nhạc vui mang hồn cây hồn suối, ngân mãi bản tình ca về một miền quê...
CỌN NƯỚC NGƯỜI MƯỜNG - BÁNH XE CỦA THỜI GIAN
Bên dòng suối, những cọn nước như những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng quay hết ngày này sang ngày khác, như một người nông dân hết mực cần mẫn. Cọn nước được ví như “động cơ vĩnh cửu”, quay suốt ngày đêm và có thể đưa nước lên cao tới hàng 7 đến 8 mét, giúp bà con các dân tộc vùng Tây Bắc đưa nước vào các ruộng trồng lúa nước, đưa nước về tận chái nhà để sinh hoạt... Cùng với những phong cảnh tự nhiên, cọn nước đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của vùng núi Tây Bắc.
Những guồng nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay đều bên dòng suối đã trở thành nét đặc trưng của nhiều vùng miền. Được thiết kế rất khéo léo từ những vật liệu của núi rừng, những chiếc guồng nước thể hiện khả năng sáng tạo tuyệt vời của đồng bào miền núi trong công cuộc chinh phục thiên nhiên.
Trân trọng và nâng niu những giá trị văn hoá từ cọn nước, nay đã có những cọn nước thu nhỏ lại đưa về gia đình nơi phố thị trong sự chau chuốt sớm chiều của người yêu rừng nhớ suối.
Những vòng quay mải miết như ấp ủ câu chuyện từ thủa ấu thơ mẹ se sợi nhuộm chàm chàm. Như những vòng ô xoay tròn kín đáo che mặt người thương buổi đầu gặp gỡ, như những vòng xoè rực rỡ trong đêm hội vùng cao. Đi suốt tháng năm vẫn không thể mờ phai những vòng xoay mềm mại kiên trì nhẫn nại và mộc mạc như người dân quê chịu khó, chịu thương trong mưa sớm nắng chiều.
Những năm qua nhờ các chương trình, dự án, miền núi đã và đang có thêm nhiều kênh mương bêtông cốt thép tưới nước cho các cánh đồng, sẽ có ít người duy trì cách lấy nước thủ công từ những chiếc cọn làm bằng vật liệu thô sơ. Mặc dù vậy, người miền núi vẫn sâu nặng một niềm tin còn cọn quay là còn những nốt nhạc vui mang hồn cây hồn suối, ngân mãi bản tình ca về một miền quê giàu bản sắc đang tươi mới từng ngày từ những gì xưa cũ mà nặng lòng với bao thế hệ.

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Tục cưới hỏi của người Mường Phú Thọ ...

Tục cưới hỏi của người Mường Phú Thọ ...
VÀI NÉT VĂN HÓA QUÊ MƯỜNG
Mấy ngày trước khi cưới chú rể phải có mặt ở nhà gái để chuẩn bị cỗ bàn cho nhà gái, sát ngày cưới chú rể mới về nhà mình để hôm sau đi đón dâu.
Nhà trai phải cử người sang nhà gái để làm cỗ bàn. Mâm bát, nồi niêu cũng phải gánh sang theo người bếp trưởng do nhà trai cử, còn phải trát nhọ nồi đen hết mặt để thể hiện đang lo công việc bếp núc (như ở xã Xuân Đài), đồ cưới đã được dẫn đến từ hôm trước để sắp sửa cỗ bàn. Họ phải đem đến một con lợn nhỡ mổ ăn từ chiều hôm trước và một con to mổ ăn hôm sau, hôm cưới chính.
Trước khi dẫn đầu đoàn đón dâu, ông Mờ cầm con dao nhọn, mũi dao cắm miếng gừng và nói thầm vào con dao: “Khi đi không gặp người cản trở, con rắn không ra; con hươu nai không chắn đường; con ong không bay qua để đi được”.
Đoàn nhà trai đón dâu dẫn theo đồ cưới như sau:
Hai tấm vải, hai vòng bạc, một con trâu hai mươi đồng bạc trắng, một đôi yếm có màu vàng và đỏ. Ngoài ra còn gánh đến 4 mâm xôi, 40 bánh dày, 100 lá trầu, 1 buồng cau, 2 con gà để lễ tổ, 2 đôi gà dành cho bên ngoại nhà vợ. Đồ lễ thường có thêm một đôi vòng bạc đưa tay cho bố mẹ vợ, 20 vuông vải “khô ráo” và buộc vía cho chị gái cô dâu.
Ông Mờ, chú rể, phù rể đều mặc áo dài thâm, nam cầm ô, nữ đội nón ba tầm. (Người Mường kiêng bố mẹ hoặc anh chị của bố mẹ đi đón dâu cho con cháu). Đoàn đón dâu đến nhà gái được các cô bên nhà gái chàm đuống ở trước cầu thang để chào mừng. Chú rể leo lên cầu thang bị đám con gái phía nhà gái té nước như mưa. Chàng rể phải che ô tránh ướt.
Nhà gái cử người hát Rang để chúc tụng, chúc rượu. Đặt mâm không ở giữa nhà gái để những người được mời uống rượu đặt tiền mừng vào cái đĩa bên cạnh đĩa trầu cau... Chú rể và phù rể bạn rót rượu mời từng người. Sau đó ông Mờ nhà trai đặt cơi trầu xin đón dâu. Nhà gái đưa ra trước mặt ông Mờ của hồi môn để cô dâu về nhà chồng, trong đó có cả bát đĩa, mâm đồng, nồi niêu, ấm chén.
Ở xã Kim Thượng khi kén rể, nhà gái chuẩn bị chậu nước rửa chân tượng trưng lấy mát mẻ để sinh đẻ nhiều. Phù rể được nhà gái đưa cho 2 hào bạc trắng có lời trước để họ lấy nhọ nồi trộn mỡ bôi dầy lên mặt, càng khó rửa càng tốt. Ông Mờ dẫn chú rể quỳ trước bàn thờ gia tiên lễ 4 lễ. Phù rể cũng quỳ vái theo. Vì thế phù rể còn được gọi là rể thứ, rể bạn. Sau đó có cơi trầu được chú rể đem đến lễ mâm gốc, mâm cái, mâm cao nhất của nội ngoại nhà gái ở sát cửa sổ gian gốc, gian thờ. Đại diện nhà gái nhận lễ đem kính gia tiên xong mới bắt đầu bày cỗ cưới ra ăn. Gian gốc bày ba bốn mâm cỗ gốc cho những người vai trên ngồi ăn suốt mấy ngày liền không bao giờ dọn mâm bát, để suốt đêm ngày, hết thức ăn lại tiếp thêm; người ăn cỗ gốc mệt thì chợp mắt ngả lưng tại chỗ thức dậy ăn uống tiếp.
Ngay từ khi hỏi cưới, ông Mờ đã được nhà gái thông báo cô dâu sẽ có bao nhiêu của hồi môn để chuẩn bị người và đòn khiêng, khiêng của hồi môn theo cô dâu về nhà chồng. Của hồi môn cho bố mẹ chồng: Một chiếu, một chăn, một đệm, hai gối. Nếu chồng có bố nuôi thì cô dâu cũng lo cho bố nuôi như bố mẹ chồng. Người Mường Phú Thọ thường có nhiều bố mẹ; bố mẹ nuôi còn gọi là bố mẹ mày, con nuôi là con mày, tức là con ăn xin ăn mày được; ông Mờ là ông mối; bố thuốc là người cứu chữa mình khỏi bệnh.
Họ gắn bó sống tết chết giỗ với các bố mẹ trên. Khi bố mẹ mày, bố mờ, bố thuốc chết cũng phải để tang, cắt tóc trả ơn, con đẻ cắt tóc trước con mày, con mờ, con thuốc vào cắt sau.
...
Ở làng Tất Thắng có lệ nhà trai khi đón dâu phải dắt sang giao cho nhà vãi một con trâu mới biết bừa. Khi vợ chồng ra ở riêng bố mẹ vợ cho lại con rể, con gái con trâu ấy. Đám cưới ở đây ngoài thịt, rượu, gạo, nhà trai còn phải nộp 40 đồng bạc trắng để vào đĩa đặt lên bàn thờ nhà gái. Nếu đủ tiền nộp hôm cưới thì ba hôm sau cô dâu mới chính thức về nhà chồng. Nếu không có phải chờ đến lúc có đủ tiền nhà trai mới chính thức được đưa cô con dâu về ở nhà mình.
Trong đám cưới ở vùng thượng huyện Thanh Sơn, nhà trai mới phải cử người xuống nhà gái nấu nướng làm cỗ bàn, còn vùng hạ huyện nhà gái tự làm lấy.
Cô dâu khi về nhà chồng phải mang theo con dao, nắm cơm, cái ớp (giỏ đeo cạnh người). Dọc đường đi, đôi ba lần cô dâu giở cơm nắm ra ăn, về nhà chồng vẫn phải ăn cơm nắm mang theo tượng trưng cho việc mới về nhà chồng chưa làm ra cơm gạo vẫn phải ăn cơm gạo của nhà vãi.
Cô dâu về gần đến nhà, nhà trai chàm đuống chào đón. Khi dâu rể làm lễ gia tiên xong mới ngừng tiếng đuống.
...
LÊ HỮU NHÀN

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

MÓN CÁ ƯỚP THÍNH *Huyền Trang

Ngày trước sông nước Buôn Trấp còn nhiều tôm cá, người dân Mường Phú Đức cũng đã từng làm món cá thính để dành ăn dần...
MÓN CÁ ƯỚP THÍNH
*Huyền Trang
Có lẽ khó có món ăn nào lại để lại trong tôi nhiều kỷ niệm về thời ấu thơ như món cá ướp thính. Nó gợi nhớ về sông nước, đồng ruộng ... Tôi nhớ khi tôi còn rất nhỏ vẫn thường chạy theo mẹ ra bờ đê ngồi hóng gió đợi mẹ xuống sông cất vó. Con sông ... bao năm bồi lở cuộn mình theo từng dòng chảy trù phú của thời gian. Nhất là sau mùa lũ, khi nước rút đi, cá ở lại rất nhiều. Những người đàn bà quê tôi ra sông bắt cá vào mỗi buổi chiều. Vì ăn không hết nên người dân mới nghĩ ra cách ướp thính cá để dành mùa hạn ăn dần.
...
Cá khi mang ướp thính cần phải phân biệt, những loại cá nhỏ như trê, nheo, trạch, trôi thì mang mổ sạch, cứ để cả con mà ướp. Những loại cá to hơn như trắm, chép, mè thì cạo sạch vẩy, chặt ra thành từng khúc tùy theo độ dài của con cá. Cá làm xong rửa sạch, để róc hết nước rồi cho vào vại muối. Xếp cá vào vại, cứ một lượt cá lại rắc lên một lượt muối. Muối rắc nhiều hay ít tùy thuộc vào người ướp. Sao cho vừa, không mặn quá khó ăn, không nhạt quá dễ làm cá ươn.
Thường thì công việc này đều do các bà, các mẹ đã làm quen tay, ước lượng. Khoảng mười ngày sau khi muối, cá đã ngấm đều, vớt cá ra, đổ nước muối đi. Nhớt cá cùng mùi tanh đã thôi ra nước muối, trong thịt cá còn độ mặn vừa phải. Nhìn miếng cá màu hồng đỏ trông rất hấp dẫn. Lúc này mới đến công đoạn rang thính ướp cá.
Thính dùng để ướp cá thường được rang từ đỗ tương và gạo nếp, khi mang rang nhớ để lửa vừa phải nếu to quá dễ làm cháy thính. Còn nếu để lửa nhỏ quá thì thính khó vàng, không có mùi thơm đặc trưng. Khi hạt gạo và đỗ tương đã vàng thơm ta mang đi giã nhỏ ti, càng nhỏ bao nhiêu ướp cá càng ngon. Công việc này ở nông thôn các bà, các mẹ thường giã bằng tay vì thế để được một mẻ thính ngon phải cần mẫn và khéo léo. Nếu không có đỗ tương và gạo nếp thì chúng ta có thể thay bằng thính ngô nhưng ăn không ngon bằng.
Khi ướp, dưới đáy vại phải rắc một lớp thính khá dày. Sau đó xếp cá, một lượt cá lại một lượt thính phủ trên cá. Lớp cá trên cùng phủ một lớp thính dày hơn chút ít. Sau khi cá được ướp thính khoảng một tuần, những hạt thính khô hút hết nước trong cá và dính vào miếng cá nhìn rất hấp dẫn. Khi ướp thính nhớ đậy kín tránh ruồi nhặng đậu vào gây mất vệ sinh, người ta thường buộc kín miệng vại bằng nịt chun và túi nilon.
Cá ướp thính thường chỉ rán hoặc nướng. Ở các miền nông thôn vẫn chuộng món cá nướng hơn cả vì nó có mùi thơm đặc trưng của thính quyện vào mùi than, mùi khói... Mùi thơm của thính đỗ tương, gạo nếp, cộng với mùi cá chín vàng bay ra thật quyến rũ.
...
Huyền Trang / Báo Phú Thọ
*Tham khảo thêm trên nguồn https://am-thuc-phu-tho/dam-da-huong-vi-ca-thinh-phu-tho-que-toi.

TIẾNG MÕ TRÂU (gián điệp) * Lê Mai Thao

Câu chuyện của ngày xửa ngày xưa...
TIẾNG MÕ TRÂU (gián điệp)
* Lê Mai Thao
(Người Mường xưa có tục treo mõ trâu dưới gầm sàn trong đêm tân hôn của cô dâu)Thế mới đau!
Ngoài trời mưa rưng rưng
Cây mận trắng hoa vườn tối
Chị dâu ta mới cưới
e thẹn nép bên sàn.
Tiếng mõ trâu lang thang
Tiếng mõ trâu về núi
Mõ trâu treo dưới giường cưới
Tiếng mõ trâu bám vào bối rối
Chứng kiến nhịp tình.
Bếp lửa hồng lung linh
Bố mế ruột như than hồng
Tiếng mõ trâu hay tiếng lòng
Chị dâu ta trổ quả sai hoa.
Tiếng mõ trâu cuống quít
Tiếng mõ trâu gieo neo
Qua ghềnh thác núi đèo
Tiếng mõ trâu lang thang
Tiếng mõ trâu dịu dàng.
Trôi về thủa hồng hoang
Đêm khuya rồi rung ..rung..
Tiếng sàn bương cót két
Tiếng mõ trâu rung ..rung
Tiếng chị dâu thổn thức
Tiếng đêm rạo rực
Tiếng núi đồi nẩy lộc.
Tiếng mõ trâu rung…rung .
Đêm bừng bừng ………nở.
Lê Mai Thao

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Xứ Thượng... ĐÀN T'RƯNG NƯỚC

Xứ Thượng...
ĐÀN T'RƯNG NƯỚC
Đàn nước ở Kon Tum phổ biến nhất là ở hai dân tộc Ba Na và Xơ Đăng, người Ba Na gọi là Ting Gling,người Xơ Đăng gọi là Tơ rưng nước. ...
...
Làm một chiếc đàn T’rưng nước, kể từ khi vào rừng chặt nứa, kiếm dây buộc, đến khi cất lên những giai điệu đầu tiên, cần phải mất từ 1 tuần trăng đến 10 ngày .Người Bâhnar không làm T’rưng nước ở trong Plei (Làng ), cũng không thể dùng nó biểu diễn trong nhà Rông vào những dịp lễ hội. Mà thường chỉ làm bên bờ suối, gần kề bên rẫy lúa hay rẫy trồng củ mì (sắn) của các gia đình. Bởi hầu hết 6-7 tháng trong năm , mọi người đều thường xuyên có mặt ngoài nương rẫy, ngay từ khi ông mặt trời mới thức, cho tới mặt trời đi ngủ. Lúc lao động trên rẫy, T’rưng là nhịp điệu nghỉ ngơi, giải trí cho vui tai những khi mệt nhọc. T’rưng cũng gợi đến không khí vui tươi của buôn ,Plơi trong các lễ hội. Trong tiếng ngân nga trầm bổng của dàn chiêng đồng, gái trai nắm tay nhau chung vòng múa Xoang, quanh đống lửa,ché rượu cần và cột nêu cao vút rung rinh trong gió.
Đêm xuống ,khi mọi người đã quây quần trong ánh lửa nhà sàn,tiếng T’rưng vẫn bổng trầm nơi suối vắng, xua đi bầy thú rừng phá hoại mùa màng. Hình như T’rưng đang hát rằng “ Hỡi con chim bay đi, con khỉ đi ngay. Đừng ao ước phá hóại mùa màng của chúng ta nhé …” Bà con các dân tộc Tây nguyên còn tin rằng: Rẫy nào có chiếc đàn T’rưng kêu to, vang xa, thì rẫy đó sẽ có cây lúa nhiều bông, trái bắp to đầy hạt.,cây củ mì có nhiều củ to. Dường như các Thần linh coi sóc rẫy nương cũng hài lòng vì những âm thanh vui tai ấy, mà phù hộ cho gia chủ. Do vậy, người ta thường chọn làm rẫy ở những nơi gần nguồn nước. Đó là một trong những nét đẹp của
“ Nền văn minh lúa rẫy” Tây nguyên.
...
Ngày nay, lên Tây nguyên ít gặp những dàn T’rưng nưóc như thế. Bởi bà con đã chuyển từ canh tác lúa rẫy sang làm ruộng nước, hoặc chuyên canh cây công nghiệp,không còn gắn bó nhiều với rừng nữa. Môi trường cho những nhạc cụ dân gian ấy là những dòng suối róc rách chảy suốt đêm ngày cũng không còn nhiều.Nhưng nếu may mắn đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh,bạn vẫn có thể nghe tiếng lanh canh của tr’ưng nước bên một dòng suối nào đó. ...
(Trích đoạn trong "Đàn T’rưng nước" của Linh Nga Niê Kdăm đăng trênhttps://dotchuoinon.com/)

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

THƯƠNG CHIẾC NÓN CỦA MẸ *Phan Nam

Quê hương tôi... với hình ảnh chợ Banmêthuột ngày xưa...
THƯƠNG CHIẾC NÓN CỦA MẸ
*Phan Nam
Chiếc nón lá gắn bó với mẹ trên mọi nẻo đường quê nuôi những đứa con lớn khôn thành người. Hình ảnh người mẹ dầm mưa dãi nắng mưu sinh làm lòng tôi bổi hổi bồi hồi một thuở vi hàn cả nhà nương tựa vào nhau rau cháo qua ngày. Từng giọt mồ hôi rơi thấm vào kí ức tôi nỗi nhớ quê nhà đã gắn bó với tôi suốt một đời ấu thơ bên mẹ cha mà tôi không thể nào quên.
Ngày ấy mỗi lần mua chiếc nón mới mẹ quý lắm, mẹ nói không được cầm nón để quạt rất dễ làm hư nón. Có lẽ vì thế mà trong nhà mẹ làm rất nhiều quạt mo cau để quạt mát cho đứa con vào giấc ngủ mỗi trưa hè và cũng là để giữ gìn chiếc nón lá. Chiếc nón được mẹ cất cao trên thành phên mỗi lần ra khỏi nhà nó như vật bất ly thân của mẹ. Mẹ tìm một đoạn dải lụa màu hồng làm sợi dây buộc chiếc nón trông thật dịu dàng mà không kém phần rực rỡ. Chiếc nón lá âm thầm đo chiều dài mưu sinh dặm trường mà mẹ mưu sinh để kiếm tiền cho chúng tôi ăn học. Thưở ấy có lúc ba đi làm ăn xa cả tháng mới về. Một mình mẹ lặng lẽ trên đồng xa chăm chút cho từng bông lúa chờ vụ mùa đến, chờ mùa gặt rộn rã sắp cận kề.
Nắng mùa thu vừa dịu dàng vừa đỏng đảnh hắt lên đôi mắt hiện đầy nỗi lô âu nhưng lại tràn đầy yêu thương trìu mến. Chiếc nón bảo vệ mái tóc dài đen huyền của mẹ khỏi bạc màu thời gian. Nắng gay gắt nón ưỡn tấm thân ra nhận từng hơi nóng bỏng rát da thịt – mưa tầm tã nón lại đón từng giọt mưa khỏi ướt thân gầy suốt một đời lam lũ nào nghĩ đến bản thân mình. Chiếc nón đếm từng hơi sương từ trên cành cây vào ban mai rơi xuống lúc mẹ đi chợ xa bình minh còn chưa ló dạng. Mẹ một thân một mình đi trong đêm trời còn tối nhem. Mẹ vẫn một đầu gánh mít non, đầu kia gánh sả ra chợ bán rồi mua quà về cho đàn con mỏi cổ ngóng trông nơi thềm nhà. Đường làng đã in không biết bao nhiêu dấu chân mẹ cực nhọc những gánh hàng như thế, những gánh hàng gánh cả cuộc đời con.
Chiếc nón lá tả tơi theo tháng năm khi hứng nắng hứng gió cho dáng mẹ bớt hao gầy. Mỗi lần cầm chiếc nón trên tay tôi cảm nhận như nón đang thầm thì với tôi bao gian lao sương gió mẹ trải qua trên đường đời xuôi ngược...
...
Một ngày bất chợt con về thăm mẹ, con mua cho mẹ chiếc nón mới của xứ Huế. Mẹ vui mừng cầm chiếc nón ôm vào lòng nức nở: “Mua làm chi tốn tiền rứa con, để dành đấy mà phòng khi ốm đau…”. Câu nói mẹ chưa dứt lời mà lòng con đã nhói đau. Con nhận thấy trong đôi mắt trũng sâu của mẹ ngân ngấn lệ.
PHAN NAM

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

ẦU Ơ VÍ DẦU... *Phạm Hoài Nhân

Ru con bằng những câu ca dao mộc mạc...
ẦU Ơ VÍ DẦU...
*Phạm Hoài Nhân
Má tôi là một phụ nữ miền quê. Miền Tây Nam bộ. Như bao nhiêu phụ nữ miền quê Nam bộ khác, bà hát ru con bằng những câu ca dao mộc mạc. Là con của má, dĩ nhiên là những câu ru ấy theo tôi từ thuở chào đời. Còn hơn vậy nữa, tôi là con trai đầu, tiếp đến lại 2 đứa em trai nữa, mãi 8 năm sau má mới sinh con gái. Vậy nên khi tôi lớn một chút thì phụ má hát ru em để má làm công chuyện nhà, ru em mãi cho tới khi đứa em gái đủ lớn để làm việc đó. Má hát ru con, tôi hát ru em. Những câu hát ru đi theo tôi hàng chục năm trời, nên tới bây giờ vẫn nhớ. Nhớ ray rứt.
Câu hát ru của má (của ngoại nữa) luôn bắt đầu bằng Ầu ơ. Ầu... ơ...! Rồi thường là ví dầu. Ầu ơ ví dầu...
Câu má hát nhiều nhứt (và sau đó tôi bắt chước hát theo nhiều nhứt) là:
Ầu ơ,
Ví dầu con cá nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm
Tôi hỏi má: Bỏ tiêu thì cay chớ làm sao mà ngọt hả má? Má cười, nói: Có cay, nhưng có ngọt chớ con!
Rồi kế đến là câu:
Ầu ơ,
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo, gập ghình khó đi
Hay là:
Ầu ơ,
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ, cho rồi bậu ra.
Tôi hỏi má: Sao cái gì cũng ví dầu hết vậy má? Má cười cười, hát ru:
Ví dầu, ví dẩu, ví dâu
Ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng
Nói vậy thôi, chớ cũng có nhiều câu đâu có chữ Ví dầu. Như câu này cũng được má hát nhiều lắm:
Ầu ơ,
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
...
Giờ má mất rồi, mấy đứa em mà ngày xưa tôi hát ru cho tụi nó ngủ giờ cũng thành ông nọ, bà kia hết rồi. Nhớ những câu ru này như nhớ một thời đã qua, những yêu thương giờ xa vời vợi...
Giờ đây đọc nhiều, tôi biết về nguồn gốc ra đời của câu ca dao "Gió đưa cây cải về trời", nhưng trong thâm tâm tôi vẫn cứ hiểu rằng "cây cải" ở đây chính là má.
Má ơi,
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay...
Phạm Hoài Nhân

LẮT LÉO CỦA TIẾNG MẸ ĐẺ

"Con gái mười hai bến nước"... "Nghèo rớt mồng tơi" ... "Ăn hết mất con, ăn còn mất vợ”
LẮT LÉO CỦA TIẾNG MẸ ĐẺ
...
Khi nói về số phận của các cô gái may mắn lấy được người chồng tốt, tử tế hoặc bất hạnh vớ phải người chồng xấu, hư hỏng, người ta thường nói: “Con gái mười hai bến nước”. Cụm từ “mười hai bến nước” thường được gán với 1 trong 12 tuổi “tí, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi” của người chồng. Và người con gái nào hên lấy chồng hợp tuổi, tử tế, làm ăn thịnh vượng, hạnh phúc; còn xui thì vớ phải người chồng không lo làm ăn mà chỉ biết nhậu nhẹt, cờ bạc, nhà tan cửa nát.
Chúng tôi nghĩ khác. Có lẽ ban đầu tục ngữ này có dạng 5 chữ “Con gái hai bến nước”. Bởi lẽ chúng ta còn có một câu tục ngữ đồng nghĩa với tục ngữ trên, dưới dạng lục bát, là:
Con gái có hai bến sông
Bến đục thì chịu, bến trong thì nhờ.
Như vậy, chỉ có hai bến: “bến đục” chỉ sự bất hạnh; “bến trong” chỉ sự hạnh phúc, may mắn...
Nhưng tục ngữ đang đề cập “Con gái hai bến nước” có hai vế không cân xứng 2-3 nên khó nhớ, khó thuộc, buộc người nói phải thêm một tiếng, tạo ra nhịp 2-2-2 hoặc 2-4: Con gái mười hai bến nước.
Tóm lại, vì cần tạo ra sự nhịp nhàng, cân đối, nên câu tục ngữ trên đã bị biến dạng, khó hiểu nên người ta đã hiểu một cách khác hẳn ban đầu.
Một thành ngữ khác cũng gây ra nhiều cách hiểu khác nhau: “Nghèo rớt mồng tơi”. Theo cách hiểu của chúng tôi, âm gốc của thành ngữ này là “nghèo rớt vành tơi”. Sở dĩ vành tơi bị hiểu chệch thành mồng tơi vì mồng tơi là món ăn hằng ngày, quen thuộc; còn cái tơi là vật dụng chỉ sử dụng khi có mưa gió; và thanh mây uốn tròn thành cổ áo tơi rất chắc mà cái tơi cũ đến nổi cái vành mây cũng rớt ra luôn. Vậy, nghèo rớt vành tơi là nghèo đến nỗi cái cổ áo tơi cũng rớt ra.
Nói về quan hệ hôn nhân là câu tục ngữ “Ăn hết mất con, ăn còn mất vợ”. Ăn hết mất con là khi bên nhà trai đem lễ vật sang nhà gái để biếu, nếu nhà gái nhận tất cả lễ vật là coi như đã dứt khoát đồng ý gả con cho đàng trai, coi như “mất con gái”. Còn ăn còn mất vợ là khi nhà gái chỉ nhận một phần sính lễ là coi như chưa nhất quyết gả con gái cho nhà trai nên có khả năng chàng trai “mất vợ”.
Tục ngữ là những kinh nghiệm sống, ứng xử khôn ngoan của con người, được đúc kết ngắn gọn, súc tích nên đôi khi khó hiểu, dễ gây tranh luận...
LÊ TRUNG HOA
(Trích đoạn "Thử giải thích một số tục ngữ, thành ngữ thông dụng" của Lê Trung Hoa đăng trên Kiến thức ngày nay, số 935, ngày 1-8-2016, tr. 16-17)

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

QUỶ KẾ SÒNG CỜ

Tìm hiểu về cờ thế giang hồ độ ở Sài Gòn...
QUỶ KẾ SÒNG CỜ
...
Ngoài “cờ úp”, cờ thế cũng hay được đặt tại nhiều bến xe, rạp hát để dụ khách chơi. Cách này đúng là “cờ gian” bởi chỉ sơ sẩy một chút, “gà” sẽ bị đánh tráo quân hoặc bị đặt quân cờ sai so với vị trí ban đầu của thế cờ. Điển hình là thế “Thất tinh tụ hội”. Thế này, mỗi bên còn 7 quân, nhưng quyết định việc thắng hay thua phụ thuộc vô con chốt đỏ ở biên. Con chốt này thường bị đặt ở vị trí... lấp lửng, nhìn qua không ai để ý. Khi “gà” chọn xong bên sẽ đặt cược, dân giang hồ sẽ áp tay lên con tốt này, đẩy lên hoặc lùi xuống một nước để chọn phần thắng về mình.
Đến cạm bẫy “morse” (tín hiệu)
Đây là đòn đánh sát thủ của dân giang hồ. Nó có thể hạ gục một tay đánh độ lão luyện nhưng tham tiền, thậm chí đả bại một kỳ vương nếu không cảnh giác chứ chẳng kể “gà”. Đơn giản nhất là “morse” bằng tay. Người chơi sẽ được cao thủ ngồi bên nhắc nước đi bằng cách ra dấu tay. Rồi đến “morse” bằng điếu thuốc lá. Cao thủ hơn thì “morse” bằng... lời hát, bằng những con số. Qua những tín hiệu này, người được “morse” cứ việc đi cờ theo mà “thịt” đối phương.
Theo “nhị sát” Lê Nhị Trí thì trước đây, bị “morse” nhiều nhất là ông T. chủ một tiệm thuốc Tây rất giàu có. Ông này cực kỳ mê cờ. Đánh độ, mới đầu chỉ là một ly nước, đến một vài phân vàng, vài chỉ vàng; đến khi độ lớn đến hàng lượng, hàng chục lượng, ông T. bị thua hoài mà vẫn mê. Có một dạo, ông T. chuyển sang đánh độ với ông L. bán phở. Ông L. sức cờ yếu, phải kêu cao thủ đến “morse”. Và không chỉ một người, ông L. kêu đến 3 người, cứ thế 4 tay vờn cho ông chủ T. thua lên bờ xuống ruộng. Thua nhiều cay cú, ông T. cũng nhờ đến cao thủ “chỉ giáo”. Để tránh “morse”, gặp nhau một điểm, ông T. lại lôi ông L. ra một điểm khác để bày bàn cờ đánh.
Ấy vậy cũng không thoát. Bên cạnh bàn cờ, thường xuyên xuất hiện những vị khách không mời. Khi thì ông đạp xích lô. Lúc lại là mấy tay bán hàng rong hiếu kỳ... Thực ra đó là những cao thủ “morse” của ông L.Xưa bên Q.8 có ông T.C mê đánh cờ độ, dù sức cờ yếu nhưng sắp xếp đánh “morse” thì thuộc hàng mưu trí bậc thầy. Lần đó, có ông U.G qua chơi, đòi đánh độ. Ông này cờ cao hơn lại rất giàu có nên T.C đành phải nhờ tới Hứa Kim Thành, biệt danh “đại ma đầu”, kỳ thủ khét tiếng cao thâm. Để “morse” được, T.C phải ngồi áp lưng vô một tấm vách đã được khoét thủng lỗ. Từ đó, “đại ma đầu” mới nhìn xuyên qua, rồi “morse” bằng cách... lấy cọng chổi chọt chọt vô lưng T.C. T.C mới thắng như chẻ tre. Chuyện chỉ bị phát hiện ra khi một lần U.G tình cờ mò vô nhà trong tìm chỗ đi tiểu. Mới thấy tấm lưng thù lù của “đại ma đầu” ngồi sau tấm vách...
Những trận đánh kinh thiên động địa
Khoảng năm 1980, “song kiếm hợp bích” Lê Nhị Trí - Trần Quới ra giang hồ và được Thập Tam tìm đến. Lúc này, có cao thủ Hồng “quán trọ” mới ngoài Bắc vô đòi cáp độ với Thập Tam để đánh lớn. Thập Tam sức cờ yếu, thua Hồng “quán trọ” khoảng một nước rưỡi, bèn nhờ “nhị sát”. Cuộc đấu được diễn ra ở một căn nhà yên tĩnh. Ông Trí nhớ lại: “Hồng “quán trọ” cực kỳ khôn ngoan, đánh cờ chỉ cho hai người vô phòng. Trước lúc đánh ổng cũng đi một vòng kiểm tra trần nhà, bức vách xem có bị hở khe nào không”. Phải đợi cho hai bên đang say máu thì “nhị sát” mới lẻn vô phòng sát bên. Trần Quới phải khẽ khàng trèo lên cao, nhìn qua bức vách để xem thế trận. Ở bên dưới, ông Trí mới luồn qua đáy bức vách một sợi dây. Chờ lúc Hồng “quán trọ” mất cảnh giác, Thập Tam ngoắc đầu sợi dây vô ngón chân cái. Thế là Trần Quới ở trên cao “morse” xuống cho ông Trí, ông Trí lại giật dây “morse” sang cho Thập Tam. Trận đó thắng lớn, sau này Hồng “quán trọ” mới biết chuyện. “Đi dạo gặp nhau, ổng chỉ mặt tụi tôi là ba con vịt khôn nhất Sài Gòn!”, “Nhị ca” nhớ lại.
Cũng phải nhắc lại rằng vào những thập niên 70 - 80, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiều ông chủ Việt, nhiều “xì thẩu” người Hoa giàu có và rất mê cờ tướng, thích chơi độ lớn. Đây có thể coi là “nguồn thu” chủ yếu của giang hồ cờ độ. Chưa kể nhiều đại phú miệt đồng bằng sông Cửu Long cũng xách tiền xuống Sài Gòn, tìm gặp đánh độ với các “kỳ vương”. Tất nhiên là họ thua nhiều nhưng ông Trí lý giải: “Mấy ổng vẫn thích gặp tụi tôi, có người coi đánh độ là học hỏi, có người lại coi được đánh với Trần Quới là vinh dự, cũng có người mê quá, thua rồi ghiền, đòi đánh hoài”.
Kể ra thì có ông T.Th. Lúc đầu, ổng được Trần Quới chấp... cặp mã, rồi chấp hẳn pháo - mã, ổng vẫn thua, Trần Quới phải chấp lên 1 xe, vẫn thua, Trần Quới phải chấp thêm 1 xe đánh phân tiên, ổng cũng thua tiếp. Ấy vậy mà chỉ thích đánh với Trần Quới. Đến mức, Trần Quới phải chấp thế này: Nếu đánh hòa, ông T.Th sẽ được thắng. Nếu ông T.Th thắng bằng chiếu bí, Trần Quới thua hết, ngoài ra phải mất thêm 20% số tiền cược coi như “thưởng ông T.Th đánh giỏi”.
Một lần, “nhị ác” ngồi ở hội cờ Q.5, nhác thấy bóng ông T.Th đậu xích lô ngoài đường, ông Trí nói: “Lác chảy (biệt danh Trần Quới) chuẩn bị nha”. Y như rằng, T.Th xộc vô hối: “Lác chảy hôm nay dám “cự” không?”. Hôm đó “thiên tài” mệt mỏi, với lại cũng không có nhiều tiền nên nói “không”. “Suốt cả buổi sáng, thấy ổng cứ đi ra đi vô xem cờ nhưng vẫn rủ thằng Quới miết” - ông Trí kể: “Tới buổi trưa, thấy ổng ngoắc xích lô, chắc là đi ăn, tụi tôi mới gọi lại kêu ổng ăn xong rồi đánh. Tính giờ đó, người già không minh mẫn, ăn xong sẽ buồn ngủ”. Chẳng dè, ông T.Th tỉnh queo, hối sắp bàn cờ đánh luôn. Anh em ông Nhị mới hùn tiền vô, “đậu” ra cho ổng coi trước rồi mới được đánh. Rồi ông T.Th lại thua tiếp...
Nguyễn Lê Nguyên

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

"DIỆT TUYỆT SƯ THÁI" LÊ THỊ HƯƠNG

Tìm hiểu về cờ thế giang hồ độ ở Sài Gòn...
"DIỆT TUYỆT SƯ THÁI" LÊ THỊ HƯƠNG
... Vì coi thường “bóng hồng” lẻ loi mà không biết bao kẻ trượng phu đã phải thất cơ. Cảm phục tài năng, “nhất sát” Lê Thiên Vị đã gọi cô là “Diệt tuyệt sư thái”. Cô là Lê Thị Hương, hiện là tuyển thủ Hội cờ TP.
...
Lê Thị Hương sinh năm 1961, đàn bà tuổi con trâu, Tân Sửu. Nghe nói, hồi nhỏ bé Hương nghịch ngợm khác người, ông bố muốn con đằm tính lại nên dạy cho cô chơi cờ tướng. Chẳng ngờ bé Hương lại có năng khiếu bẩm sinh. Khi đã lần lượt vượt qua bố, qua các anh thì tên tuổi Hương cũng đã lẫy lừng cả xóm, đánh đâu thắng đó. Mê cờ, bé Hương bỏ học sớm, vừa phụ giúp gia đình buôn bán vừa kiếm tiền từ đánh cờ độ. Rồi biến cố đã ập đến với Hương khiến đời cô chuyển hẳn sang ngã rẽ khác. Năm 1976, mẹ cô mất. Rồi đến năm 1978, bố Hương qua đời. Hương bỏ hẳn buôn bán, mưu sinh bằng đánh cờ độ. “Đánh độ, lúc thắng, lúc thua. Thua hết tiền lại về buôn bán kiếm tiền đánh tiếp. Cả chục năm trời”, Hương kể. Khi quanh khu vực nhà cô ở đã không còn đối thủ, mình Hương thân gái dặm trường đã dám tìm tới khiêu chiến ở những sòng cờ khác quận. Tiền lận lưng cũng đâu có nhiều, giỏi ra thì được khoảng 1 chỉ vàng vào thời đó. Vừa mưu sinh, vừa mê cờ, bẵng đi một quãng đời thanh xuân tươi đẹp, Hương mới lấy chồng, sinh con...
...
Có một lần “nhớ đời” trong quãng thời gian hành hiệp, Hương nói “đến già cũng không dám đi nữa”. Đó là lần cô được ông anh giang hồ dẫn vô đánh cờ độ trong một hẻm lạ. Tin tưởng tài nghệ Hương, ông anh quả quyết: “Đi kiếm tiền, chắc chắn ăn được”. Hai anh em tướng tá ốm yếu mới liều mạng “vào hang bắt cọp”. Đối thủ sức cờ không cao nhưng đòi đánh “đôn”, tiền độ ván sau gấp đôi ván trước. Hương dễ dàng thắng ngay hai ván. Đến lúc này, đối thủ bắt đầu nóng mặt. Trong khi, dân trong hẻm chẳng biết ở đâu bu lại như kiến, chửi thề rần rần bởi tưởng bị gài độ. Bị cả chủ lẫn khách gây sức ép, ván thứ 3 Hương tiếp tục phải đánh “đôn”. Cô buộc phải xin thua rồi đứng dậy, “bận chuyện đi về”. Trả lại hết tiền, qua khỏi hẻm mà trống ngực vẫn đập thình thình vì sợ: “Sợ dân xóm đánh ông anh thôi, họ nghĩ ổng gài độ mình vô đây để lấy tiền người xóm”... Mới biết, bản lĩnh giang hồ cũng như sức cờ của Hương lúc đó đã mạnh như thế nào.
Đến năm 1993, TP bắt đầu có giải cờ nữ, bên Q.4 thấy Hương đánh hay nên kêu vô đội. Tất nhiên là Hương vô đội. Rồi cô được diện kiến “ngũ ca” Quách Anh Tú của nhóm Thất Đang, lúc đó làm Chủ tịch Hội cờ TP. Chỉ qua vài nước đi, “ngũ ca” đã phát hiện ngay tài năng đầy hứa hẹn của “con họa mi đá”. Chẳng cần tuyển trạch, ông Tú cất luôn Lê Thị Hương vào đội tuyển TP, năm đó cử đi ngay Bắc Kinh thi tài. Trời chẳng phụ lòng người. Ngay lần đầu tiên bước khỏi thế giới cờ độ giang hồ đến với sân chơi quốc tế, “Diệt tuyệt sư thái” đạt hạng 4 giải vô địch thế giới. Cùng năm đó, cô giành luôn hạng 3 giải Các danh thủ châu Á tại Thái Lan, rồi được phong ngay là Quốc tế đại sư. Từ đó đến năm 2001, Lê Thị Hương đăng đàn, liên tục giành các danh hiệu vô địch trong nước, giải thứ hạng cao cấp quốc tế...
...
Nguyễn Lê Nguyên
Theo báo Thanh Niên
(Tham khảo thêm trên nguồn https://danhthucotuong.blogspot.com/)