Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

THĂM LẠI THÁC LƯU LY

Xứ Thượng ...
THĂM LẠI THÁC LƯU LY
Cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 40km, tới địa bàn xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, mọi người sẽ bắt gặp thác Lưu Ly, là thắng cảnh có vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ.
Đẹp như một bức tranh sơn thủy mà thiên nhiên ban tặng, quần thể thác Lưu Ly nằm trong Khu du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Nâm Nung có tổng diện tích lên tới trên 5.000ha. Thác Lưu Ly là một trong số những hạng mục thuộc dự án đã được UBND tỉnh Đăk Nông xây dựng đường nhựa xuống tận chân thác, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Vào những dịp cuối tuần hay lễ tết, du khách có thể tới để nghỉ dưỡng hoặc tham quan.
Trên đỉnh thác là những bậc đá tự nhiên tạo thành những hồ nước với mặt nước xanh trong, là nơi lý tưởng để vui đùa tắm mát. Chân thác là dòng nước từ trên cao hơn 50m ồ ạt đổ xuống mặt hồ sâu rộng, tung bọt trắng xóa rồi sau đó lại hiền hòa chảy dài, dịu dàng uốn lượn như mái tóc của thiếu nữ.
Có thể nói thác Lưu Ly không những có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, khai thác du lịch mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, giáo dục truyền thống... Các giá trị đó được thể hiện qua những huyền thoại, truyền thuyết dân gian đầy tính nhân văn của người dân tộc bản địa.
(Theo Du lịch, GO!)

GIÁO XỨ VINH AN ở Đăk Mil

Xứ Đạo trên cao nguyên...
GIÁO XỨ VINH AN ở Đăk Mil
Năm 1956, dưới sự hướng dẫn của cố Linh Mục JB Nguyễn Quang Diệu, khoảng gần 1500 giáo dân gốc địa phận Vinh thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, sau khi di cư vào Nam năm 1954, lập nghiệp ở nhiều nơi như Phan Thiết, Bình Tuy, Lagi, Bình Đông, Xoài Minh… đã quy tụ về vùng Dak Mil, tỉnh Dak Lak định cư và thành lập giáo xứ vào ngày 19/03/1956.
Giáo xứ có tên gọi là Vinh An, vì muốn giáo dân và con cháu luôn nhớ mình là con cái Địa Phận Vinh và quê quán là Nghệ An.
...
Sáng Chúa Nhật 29.09.2013, tại nhà thờ giáo xứ Vinh An, khoảng 10 ngàn giáo dân xứ nhà và các các giáo xứ phụ cận thuộc giáo hạt Đakmil hân hoan đón chào Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli viếng thăm, đây là lần thứ hai ngài đến với Giáo phận Ban Mê Thuột.
...
Phái đoàn Tòa thánh đã đến thăm mục vụ vùng đất xa xôi, phía Nam của Giáo phận, đặc biệt là Giáo xứ Vinh An, hạt Đăk Mil, một Giáo xứ được khai sinh và phát triển từ 58 năm qua. Đây là vùng đất mộ đạo, đa số tín hữu đã đến từ các Giáo phận miền Trung và miền Bắc, sôi động có nhiều đóng góp về Linh mục và tu sỹ cho Giáo hội, tạo nên một khí thế truyền giáo sôi động, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển đức tin trên vùng đất Tây Nguyên.

THIÊN VIỆN TRÚC LÂM ĐẠO NGUYÊN

Thiền phái Trúc Lâm...
THIÊN VIỆN TRÚC LÂM ĐẠO NGUYÊN
Thiền Viện Trúc Lâm Đạo Nguyên thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Khuôn viên Thiền viện có diện tích khoảng 40 ha, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, thuộc xã Nâm N’jang, huyện Đăk Song, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 40 km, nằm dưới chân phía nam, có thế tựa lưng vào dãy núi Nâm Nung cao hơn 1.500m, hiện đang được đầu tư xây dựng...là một điểm tham quan du lịch mới của Đăk Nông. 
(nguồn : Đăk Nông Online)
...thiền phái Trúc Lâm khá phong phú, đa dạng, được thể hiện ở ba vị tổ sư như: Phật hoàng Trần Nhân Tông là nhà bác học, tinh thông Tam giáo (Phật, Lão, Nho); Phật học siêu việt, nhưng rất thực tiễn. Còn thiền sư Pháp Loa không chỉ tinh thông Tam tạng kinh điển Phật giáo, mà rất giỏi ứng dụng trong công tác giáo dục, giảng dạy. Riêng thiền sư Huyền Quang với tư tưởng hòa quang đồng trần, hài hòa giữa đạo và đời, vận dụng phương tiện tối đa trong việc hoằng pháp độ sinh. (Thượng tọa Thích Thanh Đạt)
... đối với lịch sử và văn hóa Phật giáo thì thiền phái Trúc Lâm vẫn để lại dấu ấn thiêng liêng trên dãy núi Yên Tử mà ngàn đời sau con cháu người Việt dù có phải là tín đồ của Phật giáo hay không thì cũng luôn hướng về nơi đó, nơi có một vị vua của dân tộc Việt đã để lại những giá trị quý giá mà không phải đất nước nào cũng có được. (Thích Pháp Như)
...“Trần Nhân Tông mở ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trên cơ sở những nhận thức thu được từ ông của mình Trần Thái Tông và cha của mình. Từ đó, ông đã đẩy lên thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và nghĩ đến những đặc trưng cơ bản trước hết là tinh thần nhập cuộc, hòa quang đồng trần, tính chất nhập thế. Phật giáo mà lại nhập thế gắn với quốc gia, với dân tộc và gắn ngay với bản thân mình, ý thức, con người mình, tâm thế của mình với đời sống xã hội cho nên Trần Nhân Tông luôn nói về ý thức, đời sống, cuộc sống tu hành nhưng không xa thế gian”.(Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn)

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

BIA HENRY MAITRE (Di tích của tỉnh Đăk Nông)

Theo dòng lịch sử...
BIA HENRY MAITRE (Di tích của tỉnh Đăk Nông)
Henri Maitre, một viên chức của Pháp sinh năm 1883 tại Toulon (Pháp), năm 1905 bắt đầu đến Việt Nam và được giao nhiệm vụ khảo sát về địa lý, dân cư khu vực rừng Trường Sơn để phục vụ cho công việc đặt chế độ cai trị của thực dân Pháp tại nơi này. Bắt đầu từ ngày 7 tháng 2 năm 1909, Henri Maitre đặt chân lên Tây Nguyên và theo nhật ký của ông thì công cuộc khảo sát kết thúc vào ngày 10/2/1910. 
...
Henri Matre được nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “người lạ” sau khi ông đọc tác phẩm Rừng người Thượng và tìm hiểu về cuộc đời của tác giả. Nếu nhiệm vụ chính của Henri Maitre là nghiên cứu về núi rừng Tây Nguyên để phục vụ cho công tác cai trị của chế độ thực dân thì tác giả nhìn nhận về các dân tộc Tây Nguyên theo lối của một thực dân chiếm hữu khi đến đây.
Với tư duy đó, hoặc là bằng sự khéo léo mua chuộc người dân bản địa với những món đồ mỹ nghệ rẻ tiền hoặc bằng súng ống của quan binh (Pháp), dần dần Henri Maitre đã quy phục được nhiều buôn làng mà ông ta đến.
Tuy nhiên, đối với người M’Nông, Ê Đê hay bất kỳ dân tộc Tây Nguyên nào khác, Henri Maitre chỉ là kẻ xâm lược. Và cũng chính bởi thái độ “thực dân” của tác giả, cách cai trị của Henri Maitre đối với đồng bào trong suốt cuộc khảo sát và kể cả sau khi trở thành đồn trưởng không tránh được những đụng độ với những người bản địa. Và cuối cùng ông ta đã bị giết trong một lần bị phục kích bởi một tù trưởng người M’Nông có tên là Nơ Trang Lơng (hay còn gọi là Long). Khi ấy Henri Maitre 31 tuổi.
(Trích theo "Sách “lạ” của viên đồn trưởng bị anh hùng Nơ Trang Lơng tiêu diệt" của Đỗ Hoàng Hà Châu )
Dấu tích bia tưởng niệm Henri Maitre (do Pháp xây dựng năm 1946)
Bia do thực dân Pháp xây dựng năm 1946 khi quay lại đánh chiếm Tây Nguyên lần thứ hai tại khu vực Đồn 9, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (ngày nay) để tưởng niệm Henri Maitre – người cầm đầu phái bộ khảo sát hành chính Đông Cao Miên, trưởng đồn Bu Méra, một tên thực dân có tiếng và lợi hại trên vùng đất Cao nguyên M’nông lúc bấy giờ. Ngày 24/12/2008, được Công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, theo quyết định số 1923/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông.
(Theo Đăk Nông Online)

Nhớ TUỔI NGỌC ngày xưa...

Nhớ TUỔI NGỌC ngày xưa...
BÌA SỐ 50, có bài thơ QUA MẤY NGÕ HOA - MƯỜNG MÁN
... mơ có ngày được cùng o nớ o tê theo nhau về như sáo sang sông, như chuồn chuồn có đôi có cặp. Bài tình đầu ngỡ ngây ngô ngượng ngùng ngập ngừng ngớ ngẩn không ngờ được lắm bạn đọc đồng cảm, tin cậy , đón rước ,cho chọn lòng mình làm quê hương lâu đến thế
Thoáng chốc mấy mười năm đã trôi qua,bài thơ vẫn còn nán lại như hạnh phúc của bao đôi lứa do nó bắc cầu mãi còn đó, mong bạn xem Qua Mấy Ngõ Hoa nhu là món quà tác giả riêng tặng những mối tình đầu nghìn lần thơ dại , vạn lần trong trẻo của bao đôi lứa đã, đang và sẽ đi qua mặt đất muôn màu này.
(Trích theo Linh Phương- Vài hàng về thơ)
t h ơ
QUA MẤY NGÕ HOA
(Mường Mán)
chim vỗ cánh nắng phai rồi đó
về đi thôi o nớ chiều rồi
ngó làm chi mây trắng xa xôi
mắt buồn quá chao ơi là tội
tay nhớ ai mà tay bối rối
áo thương ai lồng lộng đôi tà
đường về nhà qua mấy ngõ hoa
đừng có liếc mắt nhìn ong bướm
có chi mô mà chân luống cuống
cứ tà tà ta bước song đôi
đi một mình tim sẽ mồ côi
tóc sẽ lệch đường ngôi không đẹp
để tóc rối cần chi phải kẹp
nắng sẽ chia nghìn sợi tơ huyền
buộc hồn o vào những cánh chim
bay lên đỉnh lòng anh ngủ đậu
cứ mím môi rứa là rất xấu
o cười tươi duyên dáng vô cùng
cho anh nhìn những hạt răng xinh
anh sẽ đổi ngàn ngày thơ dại
mi khẽ chớm nghĩa là sắp háy
háy nguýt đi giận dỗi càng vui
gót chân đưa guốc mộng bồi hồi
anh chợt thấy trần gian quá chật
không ngó anh, răng nhìn xuống đất
đất có chi đẹp đẽ mô nờ?
theo nhau từ hôm nớ hôm tê
anh hỏi mãi răng o không nói
tình im lặng: tình cao vời vợi
hay nói ra sợ dế giun cười
sợ phố ghen đổ lá me rơi
sợ chân bước sai hồi tim nhịp?
cứ khoan thai rồi ra cũng kịp
vạn mùa xuân chờ đón chung quanh
vạn buổi chiều anh vẫn lang thang
vẫn theo o về giờ tan học
từ bốn cửa đông tây nam bắc
tới bốn mùa xuân hạ thu đông
theo nhau về như sáo sang sông
như chuồn chuồn có đôi có cặp
chim chìa vôi chuyền cành múa hát
trên hư không ve cưới mùa hè
o có nghe suốt dọc đường về
sỏi đá gọi tên người yêu dấu
hoa tầm xuân tím hoang bờ dậu
lòng anh buồn chi lạ rứa thê!
nón nghiêng vành nắng chết đê mê
anh mê sảng theo chiều tắt chậm
chiều đang say vì tình vừa ngấm
hai hàng cây thương nhớ mặt trời
chiều ni về o nhớ thương ai
chiều ni về chắc anh nhuốm bệnh
thuyền xuôi dòng ngẩn ngơ những bến
anh như là phố đứng trông mưa
anh như là quế nhớ trầm xưa
sợ một mai o qua mất bóng
một mai rồi tháng năm sẽ lớn
o nguôi quên những sáng trời hồng
o sẽ quên có một người mong
một kẻ đứng dọc đời trông đợi
còn nhớ chi ngôi trường con gái
lớp học sầu, ô cửa, giờ chơi
cặp sách quăng mô đó mất rồi
vì o bận tay bồng tay bế
chuyện hôm nay sẽ thành chuyện kể
những lúc chiều đem nắng sang sông
o bâng khuâng nhè nhẹ hỏi lòng
mình nhớ ai mà buồn chi lạ!
chim vỗ cánh nắng phai rồi đó
về đi thôi o nớ chiều rồi
ngó làm chi mây trắng xa xôi
mắt buồn quá chao ơi là tội!
MƯỜNG MÁN

BOH PANG (Trái Cứt Quạ)

Xứ Thượng
BOH PANG
Đồng bào dân tộc Ê Đê thường hái boh pang về làm món ăn cho gia đình. Dây trái này mọc tái sinh rất mạnh trên các nương rẫy bỏ hoang. Chỗ nào có dây boh pang, chỗ đó gà rừng rất nhiều vì chúng rất thích hạt boh pang. Hiện nay, trong ẩm thực nhà hàng trên Tây Nguyên đã xuất hiện món boh pang non xào với thịt bò...

NGỌT NGÀO BÁNH TRÁNG KHOAI LANG

NGỌT NGÀO BÁNH TRÁNG KHOAI LANG
Đêm đầu tiên xa nhà, tôi không thể nào chợp mắt. Nằm trằn trọc trên chiếc giường, tôi chợt nhớ đến người bạn học xuất hiện bất ngờ sáng nay. Tôi rón rén mở ba lô tìm lại gói giấy mà Liên trao. Thật bất ngờ, những chiếc bánh tráng khoai lang tròn đều trông đẹp mắt vẫn còn giòn tan, thơm lừng. Tôi ăn liên tiếp bốn năm cái bánh cùng lúc. Vị ngọt của khoai lang được trồng trên chính quê hương mình làm tôi thêm ấm lòng.
3 năm sau...Đến nhà Liên, tôi thấy mẹ con Liên đang loay hoay làm bánh tráng khoai lang. Không ngần ngại, tôi lấy khoai luộc chín cho vào cối giã thật nhuyễn theo hướng dẫn của mẹ Liên. Còn Liên thì nhanh tay lấy từng chén khoai đã nhuyễn trải lên tấm nilon và dùng thanh gỗ tròn cán mỏng đều đặn, đồng thời rắc lên trên những hạt mè đen. Sau đó, Liên dùng nắp xoong nhỏ úp vào để cắt thành những chiếc bánh tròn đều nhau và mang ra phơi giữa cái nắng thu khô ráp...
Hôm nay, nhận được món đặc sản bánh tráng khoai lang của một người bạn cũ trong chuyến du lịch đến Nha Trang, những ký ức năm nào lại chợt ùa về... Đặt vài cái trên bếp than hồng, mùi cháy sém thơm, vị ngòn ngọt, giòn tan trong miệng làm tôi nhớ lại hương vị đồng quê nơi tôi đã từng sinh ra và lớn lên... Câu nói của cô bạn thuở nào bỗng như văng vẳng bên tai: “Mai này, có đi đâu, cũng đừng quên bánh khoai lang quê mình, bạn nhé!”.
(Trích trong " Ngọt ngào bánh tráng khoai lang" của Long Mỹ)

HANG ĐỘNG NÚI LỬA ĐĂK NÔNG SẼ TRỞ THÀNH CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT

Tạm biệt núi lửa Čư B'Luk...
HANG ĐỘNG NÚI LỬA ĐĂK NÔNG SẼ TRỞ THÀNH CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT
Quần thể hang động núi lửa tại Đắk Nông có đầy đủ tiềm năng để được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Hàng năm, UNESCO đều dành nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ các quốc gia xây dựng các dự án trình UNESCO, trong đó có các dự án công viên địa chất.
Khu vực hang động núi lửa vùng Krông Nô có kiến tạo khá đặc biệt, đa dạng về địa chất, sinh học, lịch sử, văn hoá xã hội.
Do vậy nơi đây sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển thành Công viên địa chất cấp quốc gia, hướng đến xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu.

SINH VẬT SỐNG TRONG HANG

Hang động núi lửa Čư B'Luk, Krông Knô...
SINH VẬT SỐNG TRONG HANG
Bản tin đầu tiên về hang động núi lửa ở Đắk Nông đến với nước Nhật- nơi hơn 200 triệu dân đang sống trên vành đai núi lửa, lập tức được các chuyên gia hang động đặc biệt chú ý, và TS Tachihara Hiroshi - khi đó đang là Chủ tịch Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản đã sang Việt Nam, đến tận các buôn làng định cư dọc sông Sêrêpôk trò chuyện với đồng bào các dân tộc bản địa.
Đối với đồng bào, các hang đá sâu hun hút khuất sau cây lá rừng già và những rèm thác nước Day Sap, Dray Nu, Gia Long nhiều thập kỷ qua đơn giản chỉ là nơi quen thuộc mà họ thường vào giăng lưới bắt dơi về làm thức ăn. Nghe nhà khoa học hỏi , họ thật thà trả lời: “Hang động quanh vùng này nhiều lắm, toàn dơi trong đó, có gì lạ đâu?”.
Hang C9 cách miệng hang C8 khoảng 300 m, có nhiều chú dơi non phủ đầy lông tơ nâu mịn bám chặt trên trần. Thi thoảng vệt đèn pin lướt nhanh bỗng khựng lại, soi chụp tỉ mỉ những động vật lạ mắt: mấy chú nhện chân dài đầy lông lá, loài sên lạ có viền trắng xòe nở ở đầu các sợi râu như vành mũ, cuốn chiếu sợ hãi cuộn tròn, rắn cạp nia dài thườn thượt luồn nhanh không tiếng động…
Một loài ếch được phát hiện trong hang C7 (Ảnh TCĐC)
(Theo Hoàng Thiên Nga - Hường Thảo/ Tiền Phong)

HANG C9

Hệ thống hang động Chư B'Luk ở Đăk Nông
HANG C9
Trong ngày, đoàn đã phát hiện thêm hai hang C9 và A2. Hang C9 cách miệng hang C8 khoảng 300 m, có nhiều chú dơi non phủ đầy lông tơ nâu mịn bám chặt trên trần. Thi thoảng vệt đèn pin lướt nhanh bỗng khựng lại, soi chụp tỉ mỉ những động vật lạ mắt: Mấy chú nhện chân dài đầy lông lá, loài sên lạ có viền trắng xòe nở ở đầu các sợi râu như vành mũ, em cuốn chiếu sợ hãi cuộn tròn, mụ rắn cạp nia dài thườn thượt luồn nhanh không tiếngđộng…
(Theo Hoàng Thiên Nga – Hường Thảo (Tiền Phong)
Từ đỉnh núi Chư B’luk, bấm máy định vị cầm tay GPS có thể thấy hệ thống hang động hình thành bởi dòng nham thạch phun, trong đó hang A1 được xem là gần núi lửa nhất. Riêng dòng chảy về hướng tây nam (thác Đraysap) khá mạnh nên hình thành vô số hang động lớn nhỏ khác nhau dài 25km. Và hang gần núi lửa nhất được đánh số là C9.
Phần lớn các hang dung nham có hình dạng ống nhưng mỗi nơi mang một nét độc đáo khác nhau. Nếu hang A1 nổi tiếng vì nhiều ngóc ngách, ngã rẽ trổ ra các hướng, thì cửa hang C9 xuất lộ trên ngọn đồi có độ cao 530m so mới mặt biển, hang cao nhất quần thể. Điều thú vị là hang này dài vỏn vẹn 200m thông nhau từ hai cửa luôn được ánh sáng trời rọi vào nên dễ tạo ảo giác là lòng hang rất ngắn. Ngoài ra nó còn sở hữu những vách đá đầy vết đá trượt trông khá ấn tượng.
(Theo Du lịch., GO! : Khám phá miệng núi lửa Chư B'Luk)
*Hang C9 vòm cao và 2 cửa thông nhau (Ảnh Trần Thế Dũng)
*Vết trượt trong lòng hang C9 (Ảnh Trần Thế Dũng)
*Cuối đường hầm có vòm sáng dẫn ra một cửa hang khác (Ảnh TCĐC)