May mà có em... đời còn dễ thương...
(Còn Một Chút Gì Để Nhớ- Phạm Duy phổ nhạc theo thơ Vũ Hữu Định)
NÊN EM MỀM NHƯ... CÁI GÌ ĐÂY?
*Phạm Hoài Nhân
Không cần phải nhắc hay khen Còn chút gì để nhớ nữa, vì đó đã là bài thơ, ca khúc tuyệt vời sống mãi trong lòng nhiều người. Thế nhưng có một câu trong bài hát - bài thơ này khiến tui có một chút phân vân. Đó là câu:
"Nên em mềm như mây chiều trong"
Xét trong nguyên khổ thơ thì ý thơ tuyệt hay:
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong
Riêng ở câu cuối, có cảm giác như "Nên em mềm như mây chiều" là đủ ý rồi, thêm chữ "trong" không bổ nghĩa thêm cho mềm chút nào. Vì nhịp điệu của bài thơ và của bài hát nên ở đây cần có thêm một chữ, và tác giả chọn chữ "trong". Dù sao đi nữa, chữ "trong" cũng không làm bài thơ hoặc bài hát dở đi, và mọi người đều hát như thế suốt bao lâu nay. Tui cũng chấp nhận nghe quen như thế bao lâu nay.
Thế nhưng tình cờ tui đọc một bản viết lại câu này như sau:
"Nên em mềm như mây chiều buông"
Chữ "buông" dùng ở đây có vẻ hợp lý hơn, vì nó là động từ, bổ nghĩa cho mây chiều. So với chữ "trong" là tính từ đối ứng với tính từ "mềm" không có vẻ hợp lý lắm. Thế nhưng điều khiến tui chú ý đến dị bản này là nó không phải do tay bá vơ nào viết ra, mà chính là do... Phạm Duy viết! Dưới đây là lời kể của Phạm Duy trong tập ký Vang vọng một thời của ông:
Chúng ta để ý câu ông viết: "Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ".
Điều này khiến tui phải loay hoay đi tìm lại xem bài thơ gốc của Vũ Hữu Định đã viết như thế nào. Và kết quả là sau khi xem xét, đối chiếu nhiều bản thì có bản gốc bài thơ như sau:
CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ
phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên
VŨ HỮU ĐỊNH
Như vậy, câu đúng của nhà thơ Vũ Hữu Định là "da em mềm như mây chiều trong". Câu nhạc của Phạm Duy đã sửa chữ đầu câu thành "nên", đoạn sau giữ y nguyên. Trong các sheet nhạc thời đó còn lưu lại ta đều thấy in đúng y như vậy: "nên em mềm như mây chiều trong".
Còn có vài chỗ thay đổi nho nhỏ giữa thơ và nhạc (cũng có thể là do ca sĩ tự sửa) như: "đi dăm phút đã về lối cũ" thay vì "đi dăm phút đã về chốn cũ", "mai xa lắc bên đồn biên giới" thay vì "mai xa lắc bên đồi biên giới"...
Chắc nhiều người sẽ nói tui tào lao, nói chuyện đã đời rốt cuộc hổng có gì lạ hết. Ừa, tào lao thiệt, nhưng thông cảm đi, cuối tuần nói chuyện cho vui thôi mà ...
Phạm Hoài Nhân
*Trích trên nguồn http://phnhan.vncgarden.com/.../nen-em-mem-nhu-cai-gi-ay....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét