Khi Thạch Lam khen tác phẩm của Thanh Tịnh "Truyện ngắn nào hay đều có chất thơ, và bài thơ nào hay đều có chất truyện", tôi đồ chừng ông muốn nhắc tới hai thi phẩm "Rồi một hôm" và "Mòn mỏi" ...
MÒN MỎI
*Thanh Tịnh
- Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.
- Xa nhìn trong cõi trời mây
Chị ơi, em thấy một cây liễu buồn.
- Bên rừng em hãy lặng nhìn theo
Có phải chăng em ngựa xuống đèo ?
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi
Trên mình ngựa hí, lạc vang reo.
- Bên rừng ngọn gíó rung cây
Chị ơi, con nhạn lạc bầy kêu sương.
- Tên chị ai gieo giữa gió chiều
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu
Trên giòng sông lặng em nhìn thử
Có phải chăng người của chị yêu ?
- Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan
Chị ơi, con sáo gọi ngàn bên sông
Ôi kìa bên cõi trời Đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa.
- Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống
Chị sợ bên sông bóng ngựa chìm.
- Ngựa hồng đã đến bên hiên
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên .... vắng người.
Thanh Tịnh
Khi Thạch Lam khen tác phẩm của Thanh Tịnh "Truyện ngắn nào hay đều có chất thơ, và bài thơ nào hay đều có chất truyện", tôi đồ chừng ông muốn nhắc tới hai thi phẩm "Rồi một hôm" và "Mòn mỏi" - một bài từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Hà Nội báo năm 1936, và một bài đã được đưa vào bộ hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân....
Cả hai bài đều có chung đặc điểm là thơ phóng tác. Bài "Mòn mỏi" được phóng tác theo truyện "Barbe bleue" của nhà văn Pháp Charles Perrault. Bài "Rồi một hôm" được phóng tác theo bài "Nếu một ngày" của nhà thơ Bỉ viết tiếng Pháp Maurice Maeterlinck (giải thưởng Nobel văn học 1911).
Tôi chưa được đọc truyện của Perrault để đối chiếu xem khả năng phóng tác của Thanh Tịnh đến đâu, song tôi tin vào nhận định của các tác giả "Thi nhân Việt Nam", rằng "Thanh Tịnh đã tạo ra một không khí rất Á Đông". Cái không khí ấy nó không chỉ được thể hiện ở các hình ảnh cây liễu, con chim nhạn - những chất liệu đậm chất Á Đông, mà nó còn thể hiện ở việc tác giả cho xen vào phần thơ thất ngôn những cặp câu lục bát - là thể thơ chỉ riêng Việt Nam mới có. Bài thơ không chỉ hay ở cái tứ, với sự bất ngờ của hình ảnh chiếc yên ngựa vắng người trong câu kết, mà còn quyến rũ người đọc bởi giọng thơ da diết, chìm ngập nỗi buồn của người thiếu phụ mòn mỏi đợi chờ bóng tình quân.
(Trích trong bài "Nhà thơ Thanh Tịnh: Một đoạn tơ trời lững thững bay" của Phạm Khải đăng trên http://www.honvietquochoc.com.vn/.../1058-nh-th-thanh-tnh...)
---oOOOo---
II / THỂ CÁCH THƠ ĐỐI THOẠI.
Làm sao tránh được sự sơ sài khi viết về một tác giả nổi tiếng mà bài viết chỉ giới hạn trong một hai trang báo. Ngoài cách kể vài kỷ niệm hay vài giai thoại quen biết với tác giả để đóng góp một chút tư liệu liên quan đến cuộc đời, qua đó soi rọi sự hiểu biết về văn thi nghiệp - muốn giúp gì thêm thì chỉ còn cách là từ một bài thơ hay một đoạn văn của tác giả, nhân đó bàn về vấn đề văn chương có tính cách tổng quát. Ví dụ viết về nhà thơ Thanh Tịnh thì không thể trong một bài báo quá ngắn nhìn được dù chỉ vài khía cạnh trong tổng thể thi nghiệp của Thanh Tịnh. Vì vậy nhân bài thơ "Mòn Mỏi" của ông, ta bàn về thể thơ đối thoại, một thể thơ tưởng đã lãng quên nhưng đôi khi còn thấy xuất hiện trong văn chương Việt Nam hải ngoại hiện nay. Thể thơ đối thoại thường được áp dụng ở những thi phẩm trường thiên như Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên, trong đó gồm nhiều nhân vật với nhiều dịp đối thoại với nhau qua diễn tiến của một câu chuyện dài, lắm tình tiết, làm nên thứ tiểu thuyết văn vần. Thể đối thoại ít khi dùng trong bài thơ ngắn, vì nhà thơ thường độc thoại, có khi còn làm đại diện nói giùm cảm nghĩ của người khác:
Nếu anh còn trẻ như năm trước
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh. .
(Hoàng Cầm)
Khi làm thơ với cấu trúc gồm hai nhân vật thì có ba cách: Một là đặt câu nói nhân vật vào hai dấu ngoặc kép, như trong bài thơ "Đi Chùa Hương" với lời cô gái và lời của chàng trai thỉnh thoảng được ghi nguyên văn bằng thể thức trên, còn tất cả là lời tác giả như một kẻ thứ ba đứng ngoài cuộc. Hai là dùng một dấu gạch ngang ngắn, như trong bài "Tình Già" của Phan Khôi: lời của người tình già 25 năm gặp lại thỉnh thoảng được chen vào, ngoài ra là lời của Phan Khôi như một kẻ đang chứng kiến câu chuyện. Bài thơ "Tình Sầu" của Huyền Kiêu là điển hình của thể thơ đối thoại với cách áp dụng dấu gạch ngang ngắn dành cho lời của một người trong cuộc:
Xuân hồng có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
- Chị tôi hoa thắm cài đầu
Đi đuổi bướm vàng ngoài nội.
Hạ đỏ có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
- Chị tôi tóc xõa ngang đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối.
Thu biếc có chàng tới hỏi
Em thơ chị đẹp em đâu?
- Chị tôi hoa thắm quàng đầu
Đi hát tình sầu trong núi.
Đông xám có chàng tới hỏi
Em thơ chị đẹp em đâu?
- Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã ngủ trong lòng mộ tối.
Đoạn cuối bài thơ của Huyền Kiêu thật u buồn nhưng không đến nỗi bất ngờ, vì ta có thể đoán trước điều gì tác giả muốn nói qua diễn tiến của thời gian bốn mùa, nằm trong chủ đề có tính cách siêu hình - đôi khi ứng nghiệm nhưng không phải thường hằng - nhưng thi nhân thường làm nguồn cảm hứng: chủ đề hồng nhan bạc phận....
Bài thơ "Mòn Mỏi" của Thanh Tịnh có được điều này. Và đến đây ta nói cách thức thứ ba trong thể đối thoại: mỗi đoạn thơ dành cho lời nói của từng nhân vật, đối đáp nhau một cách thứ tự. Ngôn ngữ thơ của Thanh Tịnh trong bài này như thuộc về thời "Chinh Phụ Ngâm", lùi xa hơn giai đoạn thơ mới tiền chiến mà ông đang ở trong dòng, có lẽ vì ông muốn trở về ngôn ngữ xưa cho thích hợp những hình ảnh cổ thời: ngựa hí sa trường, chinh phụ thềm rêu ngóng chồng, xưa nay chinh chiến mấy ai về:
- Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.
- Xa nhìn trong cõi trời mây
Chị ơi, em thấy một cây liễu buồn.
- Bên rừng em hãy lặng nhìn theo
Có phải chăng em ngựa xuống đèo ?
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi
Trên mình ngựa hí, lạc vang reo.
- Bên rừng ngọn gíó rung cây
Chị ơi, con nhạn lạc bầy kêu sương.
- Tên chị ai gieo giữa gió chiều
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu
Trên giòng sông lặng em nhìn thử
Có phải chăng người của chị yêu ?
- Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan
Chị ơi, con sáo gọi ngàn bên sông
Ôi kìa bên cõi trời Đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa.
- Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống
Chị sợ bên sông bóng ngựa chìm.
- Ngựa hồng đã đến bên hiên
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên .... vắng người.
Thể thơ đối thoại tưởng chừng đã lãng quên vì ít ai dùng, bẵng đi một thời gian dài, nay gặp lại, ta có cảm nghĩ như tìm được một cuốn sách cũ trong nhà kho không người lai vãng. Với thể cách đối thoại bằng từng đoạn như bài thơ trên, ta lại thấy trong bài thơ "Tại Sao": Những đối thoại giữa cô gái bán bar Việt Nam và anh lính Mỹ trước giờ lên đường về nước. (Xin xem tạp chí Khởi Hành số 12, bài thơ do Susan Wallace sưu tầm trong "250 Years Of Wartime Love Letters", không thấy ghi tên tác giả bài thơ).
Khởi điểm là bài thơ "Mòn Mỏi", nhân đó lại bàn về một vấn đề văn chương: Thể thơ đối thoại. Như vậy muốn viết về Thanh Tịnh mà thật ít lời. Không còn cách nào khác hơn khi người viết không có ý định viết thành bài nghiên cứu hay nhận định tác giả, chỉ nương nhờ một khía cạnh trong thơ để cảm nghĩ về văn chương.
TRẦN VĂN NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét