Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

THỦ PHỦ J'RAI *Amai H’ Blan

 

21 tháng 10, 2019 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Người Jrai đã từng là chủ vùng đất này (tên Gia Lai đọc từ chữ “J'rai” mà ra). Tổ tiên họ đã sống và đã chết ở đây. Họ có cách sống và văn hóa của riêng họ. Không ai cảm thấy lạc lõng trong buôn làng của mình...
THỦ PHỦ J'RAI
*Amai H’ Blan
(Trích bút ký "Nước mắt của rừng")
Tôi tới Ayunpa khi nắng chiều vừa chạm đỉnh núi. Từ đèo Chưsê nhìn xuống, lòng chảo Cheo Reo hiện ra rõ rệt. Cả thung lũng giờ đây đã thành cánh đồng thẳng cánh cò bay lớn nhất Tây Nguyên. Con đường dẫn vào thị xã Ayunpa xuyên qua đồng lúa chín vàng đẹp như tranh vẽ, may mà khung cảnh nên thơ xoa dịu phần nào cái nắng bỏng rát không hề dễ chịu ngay cả với người bản xứ. Thời điểm này đang là cuối mùa khô nên tôi có cảm tưởng như bao nhiêu nắng nóng ông trời tranh thủ xài cho bằng hết trước khi mùa mưa tới vào đầu tháng sáu. Nhưng khi mưa vượt qua được đèo Chưsê thì đã rơi rụng gần hết, Ayunpa chỉ còn hưởng xái được chút ít. Cho nên, cũng từ đèo Chưsê ấy, đất đai trở nên khác biệt. Bên kia đèo trở ra Pleiku là đất đỏ bazan màu mỡ có thể trồng các loại cây công nghiệp như café, hồ tiêu. Còn bên này đèo đổ vào Ayunpa cho tới Phú Yên lại là đất cát pha chỉ trồng được các loại cây lương thực ngắn ngày. Vì vậy, người ta còn gọi người Jrai ở vùng Ayunpa là Jrai Čor. Čor nghĩa là rừng mọc trên cát.
Xe thả tôi xuống trước một ngôi nhà xây cấp bốn cũ kỹ, mái hiên phía trước dây leo rủ xuống như mái rèm làm tôi chẳng biết đây có phải là địa chỉ tôi cần tới hay không. Đang khi tôi lúng túng không biết phải làm sao thì trong nhà có tiếng đàn ông vọng ra:
- Có phải bạn Mơai đấy không?
Thì ra Mơai đã gọi điện báo cho bố mẹ bạn ấy biết chiều nay tôi tới, nên khi tôi vừa xuống xe với một đống hành lý lỉnh kỉnh thì hai bác biết tôi là ai liền. Thoạt đầu gặp gỡ, tôi hơi ngỡ ngàng vì ba má của Mơai còn rất trẻ, nhất là bác gái, dù đã năm mươi nhưng nhan sắc còn mặn mà, làn da mịn màng lắm, đặc biệt, đôi mắt to như hút hồn người khác. Lạ một điều là hầu như người Jrai nào tôi gặp cũng có đôi mắt to nhưng buồn vời vợi, một nỗi buồn không sao tả được.
Bác trai tên là ama H’siu. Bác gái tên là ami H’siu. Người Jrai sau khi sinh con đầu lòng, thì lấy tên con làm tên mình. Vì vậy tên hai bác có nghĩa là ba của H’siu và má của H’siu. Hai bác vui tính hỏi han tôi đủ chuyện. Nhà bác đông người nhưng con cái lập gia đình và đi học xa hết rồi, giờ nhà chỉ còn hai bác nên có vẻ quạnh hiu. Nay tôi tới, hai bác rất vui vì có người ra vào. Tôi sẽ ở đây ít ngày để học về phong tục tập quán, cách ăn ở và ngôn ngữ Jrai trước khi về Krông Pa.
Thời Pháp, vùng này có tên là Cheo Reo. Hỏi thăm người dân tôi được biết, Cheo Reo là tên của hai anh em Čruh và Čreo đến lập cư tại đây vào đầu thế kỷ 19. (Một số tài liệu ghi là Chu và Chreo). Lúc đầu, hai anh em ông lập làng tại Rongol–por–klang, nay là là vùng đất gần đập tràn Ia Hiao. Sau đó, cả làng di chuyển đến vùng đất gần sông Ayunpa, nay là thị trấn Ayunpa. Trước năm 1900, làng này có tên là Bon Chư. Năm 1904, người Pháp ký nghị định giao Tây Nguyên cho triều đình Huế, và đặt tên cho vùng đất này theo cách gọi của người Kinh là Cheo Reo (đọc trại từ hai chữ Čruh và Čreo). Như vậy, về mặt pháp lý (của chính quyền thực dân), từ năm 1904, Tây Nguyên mới chính thức thuộc về Việt Nam. Ngày 1.9.1962, chính quyền Sài Gòn lập tỉnh Phú Bổn, đặt tỉnh lị tại Cheo Reo và đổi tên là thị xã Hậu Bổn. Chính điều này khiến cư dân vùng Cheo Reo có điều kiện ăn học hơn hẳn các vùng khác, sinh ra nhiều trí thức, phần lớn làm việc cho Tây (để sau 75 cũng bị đi cải tạo nhiều hơn các vùng khác). Sau năm 1975, thị xã Hậu Bổn đổi tên thành thị xã Ayunpa. Người Jrai thích gọi vùng này là Cheo Reo hoặc Ayunpa vì những cái tên này vốn dĩ của người Jrai. Trong khi đó, người Kinh thích gọi là Phú Bổn vì dễ đọc, và vì muốn thể hiện quyền làm chủ trên mảnh đất này. Dù sao thì tôi vẫn thích cái tên Ayunpa vì nghe có vẻ như… ở nước ngoài.
Ayunpa là tên gọi nơi giao nhau của hai con sông: sông Ayun và sông Pa (người Kinh gọi là sông Ba). Đoạn chảy qua thị xã Ayunpa được gọi là sông Ayunpa. Từ cầu Bến Mộng nhìn xuống, có thể thấy rất rõ Ayunpa mang trong mình hai dòng chảy, một nửa trong vắt của sông Pa và một nửa đục ngầu của sông Ayun, giống như sông Thương bên đục bên trong ở Bắc Giang của người Kinh vậy. Người ta có thể lí giải nguyên nhân tại sao dòng nước lại đục trong như thế một cách rất khoa học và hợp lý, nhưng với người Jrai, mọi sự trên đời đều được giải thích bằng akhan (truyền thuyết, huyền thoại, sử thi, chuyện cổ tích, thần thoại…). Mọi gốc cây ngọn cỏ, từng ngọn núi dòng sông, đến những vật dụng trong nhà…đều có một gốc tích huyền thoại riêng của nó, và con sông Ayunpa này cũng được lý giải theo cách đó.
Trên trang web của thị xã Ayunpa có kể rằng: “Ngày xưa, xưa lắm có một đôi trai gái yêu nhau say đắm. Chàng trai tên Pa. Còn cô gái tên Ayun. Chàng Pa sức khoẻ như con voi rừng, mũi tên của chàng bắn ra cùng lúc rụng 10 con chim đang bay trên trời. Nhác thấy bóng chàng Pa trên lưng ngựa, là con cọp, con beo trên rừng đều tháo chạy. Còn nàng Ayun có nước da trắng như bông hoa ê ban, giọng nói trong trẻo tựa tiếng hót của con chim Kơ tia. Tình yêu của đôi trai giá rất nồng thắm, song họ không lấy được nhau bởi chàng Pa chỉ là tôi tớ giúp việc trong gia đình của nàng Ayun. Đau khổ vì không lấy được nhau, Ayun và Pa rủ nhau cùng chết để giữ trọn mối tình đẹp đẽ ấy. Sau khi chết, hai người hoá thành hai dòng sông Ayun và sông Ba. Nhiều người cho rằng, hàng năm có một ngày vào mùa xuân, chàng Pa và nàng Ayun vẫn hẹn hò nhau tại thung lũng Hồng dưới chân đèo Tô na. Ngày ấy mưa nhẹ, nước sông xanh trong vời vợi. Hoa đua nhau nở, chim đua nhau hót. Khi ấy là mùa xuân về…”
Câu truyện nghe từa tựa như truyện Ngưu Lang – Chức Nữ của người Kinh, và thật ra, trong kho truyện dân gian của người Jrai, có nhiều truyện na ná như của người Kinh, không biết ai mượn của ai, chỉ có điều, những địa danh trong câu truyện này tôi được diễm phúc đặt chân đến, chúng có thật. Do đó, tôi cảm thấy một sự linh thiêng và gần gũi với thị xã huyền thoại này. Nếu người Kinh tự hào có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và không ngại ngần diễn nó ra bằng giấy mực, bút viết, các cuốn sách dày cộm thì người Jrai lại rất khiêm tốn, giấu tư tưởng, nhân sinh quan của dân tộc mình ở lỗ tai và truyền lại cho con cháu bằng những akhan. Một người Kinh đọc akhan của người Jrai xong, sẽ chỉ thấy đó là những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn kiểu liêu trai chí dị chứ không thấy tư tưởng của người Jrai đâu cả. Phải gạt bỏ hết những lớp màng huyễn hoặc đi và phải dùng cái nhìn của người Jrai thì mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của những akhan. Cái thẳm sâu của người Jrai là ở đó. Còn không, có đọc hàng trăm akhan cũng không hiểu, có được nghe kể hàng ngàn câu chuyện cũng chẳng biết gì về người Jrai.
Nhắc tới Ayunpa là nhắc tới một nhân vật quyền lực bậc nhất trong xã hội Jrai và toàn cõi Tây Nguyên: Pơtao Apui. Quê thương của Pơtao Apui bây giờ thuộc Plei ơi, xã Chư Athai, huyện Phú Thiện, cách Ayunpa chừng 20km. Người Jrai có tới ba vị Pơtao và mỗi vị hùng cứ một phương trời: Pơtao Ia (Pơtao nước) phía Tây, Pơtao Angin (Pơtao gió) phía Nam và Pơtao Apui (Pơtao lửa) phía Đông. Nhưng Pơtao Apui là vị Pơtao cuối cùng và cũng là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất nơi người Jrai đến nỗi người ta xem vùng Cheo Reo là thủ phủ của người Jrai. Truyền thuyết về thanh gươm thần của Pơtao Apui càng làm cho sức ảnh hưởng của ông bao trùm lên toàn bộ các dân tộc khác trên Tây Nguyên. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình “ Pơtao, một lý thuyết về quyền lực của người Jrai Đông Dương”, cha Jacques Dournes cũng chỉ trình bày về Pơtao Apui mà thôi. Sở dĩ người Jrai có tới ba vị Pơtao là do xuất phát từ vũ trụ quan của người Jrai. Họ coi vũ trụ được cấu tạo từ ba yếu tố vật chất: nước (lỏng) – lửa (nóng) – gió(khí). Khi ba yếu tố này hài hòa, ổn định thì cuộc sống đẹp tươi, con người hạnh phúc. Pơtao là người điều hòa các yếu tố tự nhiên này bằng cách hằng năm, cứ đầu mùa gieo hạt, ông tuần du qua các buôn làng cúng cầu mưa, hoặc cúng cầu yên khi thiên tai dịch bệnh. Làm sao cho nước không quá mạnh kẻo thành lũ lụt, lửa không quá nóng sinh ra hỏa hoạn, hạn hán, gió không quá lớn biến thành bão tố. Điều thú vị là người Jrai xem ba yếu tố này là một, trong một lại có ba. Có lẽ vì vậy mà khi chỉ còn một mình Pơtao Apui, người Jrai vẫn thấy bình thường.
Người Jrai tin rằng, môi trường sống của họ là một môi trường toàn linh, có nghĩa là mọi sự vật quanh họ đều có thần linh trú ngụ, nên muốn chặt một cây rừng, họ cũng phải làm lễ cúng xin thần tha lỗi rồi mới chặt chứ không chặt tầm bậy. Nên biết rằng trong xã hội Jrai có nhiều vị thần, và Ơi Adai là vị thần tối cao nhất. Có thể nói, người Jrai là một dân tộc tâm linh. Cho nên, những người cử hành nghi lễ cúng tế được kính trọng và tiếng nói có sức mạnh nhất trong xã hội Jrai. Pơtao là người đứng đầu về sức mạnh ấy vì ông là người lắng nghe và chuyển lời khẩn cầu của dân làng lên Ơi Adai cũng như ngược lại. Mọi người nhìn vào ông. Mọi người nghe lời ông. “Nghe” ở đây không phải là nghe những lời ông nói, mà nghe Ơi Adai nói qua ông, ông chỉ là người phát ngôn của Ơi Adai mà thôi. Hãy thử tưởng tượng hàng trăm ngàn người Jrai sống theo thiết chế thần quyền đặc sắc này hằng nghìn năm, không cần nhà tù, cảnh sát, quân đội mà vẫn ổn định vững bền thì đủ biết Pơtao ảnh hưởng như thế nào. Một xã hội quyền lực – phi quyền lực. Sức mạnh của ông là ở đây. Quyền bính của ông là ở đây.
Chính vì ảnh hưởng to lớn của Pơtao ở Tây Nguyên, mà người Kinh, người Pháp, người Mỹ đều muốn nắm lấy Pơtao để làm chủ Tây Nguyên. Vì thế, họ phong tước, ban tặng phẩm, đối xử với Pơtao như một vị vua. Người Pháp dịch Pơtao là Roi, người Mỹ dịch là King, còn người Kinh thì dịch là Thủy Xá, Hỏa Xá. Thật ra, chẳng có cách dịch nào đúng và cũng chẳng có thế lực bên ngoài nào nắm được Pơtao. Đối với người Jrai, Pơtao không hề là vua, mà là một người do dân bầu lên dựa vào những dấu chỉ tâm linh. Đó có thể là một người nghèo nhất làng và chẳng có quyền lợi đặc biệt gì khác mọi người. Do đó, Pơtao chỉ có quyền trên dân khi đề cập tới thần linh. Cho dù ông có nhận các chức tước này nọ thì người Jrai cũng nhìn ông như không có gì. Các thế lực ngoại lai tới, dùng não trạng thế quyền của mình để đối xử với một xã hội thần quyền mà họ không hề hay biết. Nhưng điều đặc biệt thú vị chính là các vị Pơtao cũng a dua theo, cũng nhận quà tặng và triều cống lại y như một chư hầu, hòng làm cho các thế lực bên ngoài tưởng rằng đã thu phục được dân tộc Jrai, đã nắm được Tây Nguyên trong tay. Thực chất, họ chỉ nắm được cái bóng của người Jrai mà cứ huênh hoang ra vẻ ta đây. Còn người Jrai thì im lặng, không phản bác, nhưng cười thầm trong bụng, và kín đáo giữ lấy sự tự do nội tâm của mình. Thật là một dân tộc khôn ngoan!
Những điều bí ẩn về kết cấu xã hội Jrai cộng với vô số huyền thoại càng làm cho tôi tò mò muốn biết Ayunpa như thế nào. Ngay chiều hôm đó, tôi dong bộ ra thị xã. Trung tâm Ayunpa bắt đầu từ bến xe khách và kết thúc là doanh trại quân đội. Thị xã nhỏ nhưng nhiều quán cafe, có một cái sân bay được trưng dụng làm sân phơi thóc. Nhà nước cho xây một công viên văn hóa to đùng nhưng chỉ thấy cỏ mọc um tùm và chó mèo lai vãng. Ở Ayunpa bạn chẳng thể nào lạc đường được vì chỉ có một trục đường chính do quốc lộ 25 chạy qua mang tên Trần Hưng Đạo, mọi con đường khác đều đổ về đây. Trên con đường này có tất cả những cơ quan nhà nước, ngân hàng, trường học, nhà thờ Phú Bổn. Nếu đi ngang qua Ayunpa trên một chiếc xe khách, người ta sẽ không thấy dấu vết ngự trị của người Jrai, vì nhà cửa, trường học, đường xá… đều theo lối sống của người Kinh, nhìn chán ngắt. Tôi muốn tìm một cái gì đó thuộc về Jrai, nên những buổi chiều sau tôi đạp xe ra bờ sông Ayunpa. Từ đây phóng tầm mắt ra xa là cánh đồng lúa chín vàng đang mùa gặt hái, giữa đồng lúa bằng phẳng nhô lên một ngọn núi lẻ loi, người dân gọi đó là Čǔ Mỗ (tức là núi Vợ). Tôi ngồi trên bờ đê nhìn xuống cánh đồng, hương lúa thoảng bay. Mặt trời sắp tàn đỏ thắm một khoảng không. Gió trong lành, mát mẻ. Vài chú chim sẻ tung tăng bay lượn. Khung cảnh làng quê êm đềm khiến tôi nhớ nhà. Chỉ có điều, cánh đồng quê tôi mùa này không làm lúa. Ayunpa có một hệ thống thủy lợi dẫn từ Phú Thiện về dài chừng 20km, cho phép người dân làm một năm ba vụ, nhưng người Jrai chỉ làm hai vụ thôi, họ nói vụ thứ ba để cho đất nghỉ. Kiểu canh tác nhân ái này có nguồn gốc từ nền văn hóa thảo mộc, nghĩa là mượn tài nguyên của mẹ tự nhiên để xin cái ăn rồi trân trọng trả lại.
Nhìn bề ngoài, Ayunpa cũng bình thường như bao thị xã khác, nhưng người dân nơi đây chưa quên mùa hè đỏ lửa 1975. Quốc lộ 25 từ ngã ba Chư Sê về Tuy Hòa bây giờ, trước kia là đường số 7, là con đường kinh hoàng của chính quyền Sài Gòn tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Đi qua khỏi Ayunpa chừng 10 cây số, sẽ thấy trước mặt một dãy núi dài, người Jrai gọi đó là Čư Ă, tức là núi Quạ. Người dân giải thích tại sao lại gọi là núi Quạ như sau: “Khi Ban Mê thất thủ, cả Tây Nguyên chỉ còn một con đường thoát hiểm là đường số 7. Con đường này dẫn về Tuy Hòa, từ đây người ta sẽ chạy ra Nha Trang, nhưng con đường này lại vô cùng hiểm trở. Biết thế mà người ta cứ chạy. Nhiều người chạy đến đèo Tôna thì bị phục kích. Người chết nhiều đến mức nghẽn cả dòng chảy sông Pa. Quạ thấy xác chết tới ăn đen cả bầu trời, đậu đầy núi. Vì vậy người ta mới gọi núi này là núi Quạ”. Hôm về Krông Pa, tôi nhìn lên núi không thấy con quạ nào nhưng chỉ tưởng tượng đến tháng ngày chiến tranh đó đã không khỏi rùng mình. Người dân nơi đây đã phải trả một cái giá quá đắt cho nền độc lập, để rồi hơn 30 năm sau, họ mất luôn quyền tự chủ dân tộc.
Ở đây và cả những vùng khác ở Gia Lai, người Kinh sống xen kẽ với người Jrai và làm chủ hầu hết mặt tiền những con đường, những khu đất màu mỡ. Nói tóm lại là chỗ nào “ngon” thì người Kinh “gắp” hết vì người Kinh khôn (lỏi) hơn. Người Jrai gọi người Kinh là người Yuăn, và từ Yuăn bây giờ mang nghĩa không tốt, xấu. Điều này hoàn toàn ngược lại với truyền thống văn hóa của người Jrai. Với người Jrai trước kia, khi có một ngôi nhà mới, họ đọc lời cầu khẩn trong đó có đoạn: “Cho khách Kur (Cao Miên) lên đến gãy thang, khách Yuăn (người Kinh) lên đến sập thềm, người tứ xứ đến đầy nhà”. Điều đó có nghĩa được đón người Yuan lên nhà là một vinh dự, một nguồn phúc cho cả gia đình người Thượng . Thế tại sao bây giờ cái nhìn của người Jrai về người Yuăn lại xoay 180 độ như vậy? Một phụ nữ Jrai kể cho tôi nghe về những tháng ngày sau giải phóng, khi người Kinh ồ ạt di cư tới đây, họ xem người bản địa như một giống người mọi rợ đáng khinh đến mức, ngay giữa chợ, một người Kinh có thể tát người Jrai chỉ vì người Jrai này không bán cho họ thứ họ muốn. Bây giờ sự kỳ thị đã giảm nhiều nhưng sự phân biệt vẫn còn đó. Bước vào một tiệm cơm, nếu để ý một chút, bạn có thể thấy thái độ của người bán hàng đối với người Kinh và người Jrai khác hẳn. Họ luôn tỏ ra vồn vã chiều lòng người Kinh nhưng lại thờ ơ lạnh nhạt với người Jrai.
Người Jrai đã từng là chủ vùng đất này (tên Gia Lai đọc từ chữ “Jrai” mà ra). Tổ tiên họ đã sống và đã chết ở đây. Họ có cách sống và văn hóa của riêng họ. Không ai cảm thấy lạc lõng trong buôn làng của mình. Mọi người gắn kết với nhau bằng truyền thống tâm linh vô cùng sâu sắc. Trên đầu họ là bầu trời tự do. Dưới chân họ là đất rừng linh thiêng. Họ đã sống như thế biết bao thế hệ. Mọi chuyện cứ diễn ra như thuở ban đầu cho tới khi người Kinh tới.
Người Kinh tới, đặt ra những chủ trương ngu ngốc và vơ vét mọi thứ về mình vì họ có quyền lực trong tay. Số liệu thống kê năm 2008 cho thấy ở Gia Lai, người Kinh chiếm 52% dân số, trong khi người Jrai chỉ còn 33,5%. Người Kinh nghiễm nhiên trở thành ông chủ trên mảnh đất của người Jrai, làm giàu trên sự lạc hậu của người bản địa nhưng không lúc nào ngớt lời chê bai. Những người Jrai hiền lành và thật thà nhanh chóng trở nên trắng tay và bị kinh hóa. Hãy thử tưởng tượng một người “khách” đến nhà mình, ăn uống no say ở nhà mình, rồi chiếm đoạt toàn bộ tài sản của mình, sau đó đá đít đuổi mình ra khỏi nhà. Một người như thế thì có đáng bị gọi là “ăn cháo đá bát”, “vong ân bội nghĩa” không?
Nhà Ami H’siu thuộc Buôn Ama Djong, trước đây có tiếng là đạo đức và truyền thống. Khi nhắc đến một buôn thì có nghĩa dân cư trong đó hầu hết là người Jrai, sống theo kiểu của người Jrai. Nhưng bây giờ đi vào Buôn Ama Djong, tôi chỉ thấy vài ba căn nhà dài. Người ta đã thay nhà sàn bằng nhà xây, vật dụng trong nhà cũng là của người Kinh. Giới trẻ thay cái váy truyền thống bằng quần Jean bó sát. Ở một góc của buôn, đàn ông tụ tập gầy sòng bạc, uống rượu rồi chửi tục… Người trong buôn nói: “Người Jrai bây giờ đã biết học theo người Kinh rồi. Con gái Jrai đã biết làm đĩ còn con trai đã biết ăn cắp rồi”. Tôi nghe mà sượng sùng không biết giấu mặt đi đâu. Vừa xót xa cho họ và tủi hổ cho mình. Buôn Ama Djong đã bị lai căng nhanh hơn những buôn khác vì nằm ngay trung tâm thị xã. Ngặt nỗi, người Jrai nếu bị tha hóa thì lại bị nặng hơn cả người Kinh. Nó không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của cuộc sống hiện đại, cũng như không thể cưỡng lại những chủ trương, chính sách của nhà nước.
Trong bài viết có tên “Phát triển bền vững ở Tây Nguyên”, nhà văn Nguyên Ngọc chỉ rõ: “Ngộ nhận lớn nhất và tai hại nhất khi lập chủ trương, chính sách với Tây Nguyên là ta hầu như hoàn toàn không biết, không hề quan tâm đến quyền sở truyền thống ở Tây Nguyên đối với đất và rừng. Ta đã ngộ nhận đất, rừng Tây Nguyên là vô chủ, là đất giữa trời chẳng của ai hết. Ta đã hành động ở Tây Nguyên như trên một vùng đất không có người, lấy đất và rừng từ ngàn đời nay đã “được Yang giao cho làng”, đem giao cho các đơn vị làm kinh tế mới được lập lên và đưa hàng triệu người từ nơi khác đến, một cách hết sức “vô tư”. Đây là điều chưa từng diễn ra trong suốt lịch sử lâu dài ở Tây Nguyên từ xưa tới nay”. “Ta” ở đây có nghĩa là nhà nước, vì chỉ có nhà nước mới “sáng suốt” làm những việc như vậy, và đây cũng là lí do khiến người tây nguyên đi biểu tình vào năm 2001.
Và hậu quả tiếp theo của việc mất đất và rừng là tổ chức làng bị tan vỡ, tế bào cơ bản nhất của Tây Nguyên bị bứng đi, thêm vào đó, cơ cấu dân cư bị đảo lộn mạnh và đột ngột khiến người bản địa trở thành lang bạt ngay trên chính quê hương ngàn đời của mình. Tất cả những điều này đưa đến việc đổ vỡ về văn hóa. Nói đến người Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay tới nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, các nhạc cụ độc đáo, các lễ hội… không sai, nhưng đó là những biểu hiện ra bên ngoài, trên bề mặt của văn hóa, nếu tách những cái đó ra khỏi làng và rừng thì tất cả chỉ còn là những cái xác không hồn. Mà ai cũng biết văn hóa là hồn chứ không phải xác. Cho nên Unesco rất tinh ý khi công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản văn hóa chứ không phải cồng chiêng. Cái làm cho cồng chiêng trở thành di sản chính là không gian, là rừng, là làng. Chỉ khi nào cồng chiêng được chơi trong một không gian như thế thì cồng chiêng mới thực sự có hồn. Nhưng bây giờ tìm đâu ra được một môi trường toàn linh cho người bản địa khi rừng không còn. Có phải vì thế mà sau khi Pơtao Apui mất vào năm 1999, thì chẳng còn vị Pơtao nào kế tục nữa. Tôi vẫn nhớ câu nói: “Sự ngu dốt cộng với lòng nhiệt tình sẽ trở thành kẻ phá hoại”. Nhìn lại, sao đúng với nơi đây quá.
Tôi đã tới nơi cần tới sau nhiều ngày mơ tưởng về thủ phủ của người Jrai, về vùng đất của Pơtao Apui, về những căn nhà sàn đêm đêm bập bùng ánh lửa kể akhan, về một dân tộc có đời sống tâm linh vô cùng sâu sắc, nhưng sao cảm giác trong tôi thật lạ, có gì đó như là tan vỡ. Jrai ơi!
Amai H’ Blan
(Nguồn: VRNs – Gia Lai )
Bo Dao, Thom Tran và 116 người khác
39 bình luận
7 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

39 bình luận

  • Con Thần Gio
    E đọc và theo dõi từng chi tiết rằng mới biết a Xứ Thượng yêu mến Tây nguyên đến lạ thương
    2
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Không có mô tả ảnh.
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Không có mô tả ảnh.
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Thi-Nga Nguyen
    Gửi tặng anh nhé
    Con gái và 2 bạn thành lập nhóm lao động nghệ thuật nghiên cứu vế JRAI
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Chúc mừng nhóm lao động nghệ thuật nghiên cứu về JRAI... 
      Chúc mừng
       cô Thi-Nga Nguyen có con gái thật tuyệt vời... phải là người có tâm hồn yêu thiên nhiên, con người J'rai lắm mới có được sự dũng cảm và hy sinh để thực hiện công việc này.
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Thi-Nga Nguyen
      Xứ Thượng cảm ơn anh, dự án của các bạn có sự cố vấn của nhà văn Nguyên Ngọc ạ
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Rất nghiêm túc và ấn tượng! Cám ơn nhà văn, nhà dân tộc Nguyên Ngọc.
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Thi-Nga Nguyen
      Xứ Thượng hình avarta của anh là một phần trong dự án 😊
      1
      • Wow
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Mà cũng đúng thôi... không thể nhắc đến nghệ thuật khắc tượng nhà mồ... bí ẩn, hoang sơ, mộc mạc, và gì gì nữa không thể nói nên lời...
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
  • Nguyễn Tuyết
    Nhìn cảnh núi rừng của Gia Lai rất đẹp hèn chi anh lấy tên Xứ Thượng làm biệt danh riêng của anh
    Nhãn dán Những người bạn thân thiết Happy, dog making a rainbow
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Nguyễn Dung
    Hay quá anh
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Le Ngoc Hoa
    Cám ơn Đạt đã post bài viết này cho mọi người được đọc.Đọc xong , cảm giác trái tim như bị thắt lại vì sự tan vỡ của 1 nền văn hóa độc đáo.
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Dạ, Cô .
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Hien Tranthikim
      Le Ngoc Hoa Cô ỏi sau biến cố 75 BanMê ơi tôi đã mất người trong cuộc đời ... ngày xủa chuyêjn gì cũng đẹp , ngày ni đọc tới đâu buồn tới đó Cô Hoà yêu qúy của chúng em ỏi ời 😘❤️😢😢😢😢
      2
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Le Ngoc Hoa
      Hien Tranthikim Bao giờ cho đến ngày xưa?
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
  • Nguyễn Thái
    Đọc xong tôi cảm thấy con tim như bị bóp nghẹt ,thương cho đồng bào miền TN guyên hùng vĩ một thời giờ trắng tay lẽ loi quạnh quẽ đơn độc.....xin cảm ơn tg và anh Đạt rất nhiều
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • San Lê Thị
    Bài đai quá chưa đọc được bạn tôi ơi nhưng mình đã đến ở lại nhà già làng ở khu vực này, con trai già làng đưa mình với HL đến một dòng sông rộng mênh mông câu cá,chùi ui...câu một tí cá nhiều ơi là nhiều...cô bạn mình đẹp hay sao ấy nên chàng ta cứ rủ đi câu mãi...ở được vài ngày chào tạm biệt ...buồn...chàng không ra chỉ đứng lấp ló sau cột nhà mặt buồn rười rượi...tớ mới chọc HL:ai bảo mi đẹp làm chi..cũng là một kỷ niệm bạn nhỉ?
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Xứ Thượng
      Những kỷ niệm thoáng qua ... mà lại khó quên!
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
  • San Lê Thị
    Viết lộn nhé: Bài dài quá ...
    • Thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Bạch Yến
    Vùng Tây Nguyên, Cheo reo, Phú Bổn là ít tài liệu nói đến nhất, cám ơn anh Thượng Xứ đã chia sẻ, Em có giấc mơ đến vùng đất này, hùi xưa Ba em từng đóng quân ở đây. Ông kể có lần hành quân qua một đồi hoang phủ đầy ớt sim chín đỏ, có cả bầy két lớn ăn ớt và hạt rơi ra cứ thế mà phủ cả cánh đồi. Ông nói lúc dừng quân đã trời chiều cảnh ớt chín đỏ rừng đẹp lắm.Trong trận chiến ông đã mơ đến thanh bình ông sẽ trở lại đây... Hòa bình rồi khó khăn quá ông chưa kịp đi đâu đã mất. Em muốn một lần thay Ba trở lại mà chưa thực hiện được.
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Đã chỉnh sửa
    • Xứ Thượng
      Còn chờ gì nữa Bạch Yến ! Cứ khăn gói quả mướp là lên đường thôi em ơi.
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Trần Bắc Tiến
      Bạch Yến ơi ba của Ngọc Hải bây giờ ở mỹ hồi đó làm trưởng ty cảnh sát phú bổn Hải ở đó cũng lâu và Chu thị Hạnh cũng ở phú bổn đó
      2
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
    • Bạch Yến
      Trần Bắc Tiến tụi mình là dân cao nguyên nên những vùng đất đó rất thân thương. Trước năm 68 chú của mình là phó tỉnh trưởng Phú Bổn ,mấy đứa em họ mình sinh ra ở đó, giờ ông mất rồii, còn em họ mình tụi nó cũng đi ra nước ngoài , Phú Bổn cũng là vùng đất duyên nợ của gia đình mình. Năm 75 gia đình bên ngoại mình ở Kon Tum chạy loạn theo tỉnh lộ 7 về Sài Gòn, nghe nói đó cũng là tỉnh lộ của Phú Bổn.
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
      • Đã chỉnh sửa
  • San Sam
    Day y nghia nguoi tay nguyen dat ba gian
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Phạm Thuy Huong
    Cám ơn anh XT nhiều nha...đọc hết bài này...TH mới hết cái tức anh ách của đoạn mở đầu hồi ký...đoạn này tuyệt quá...chắc sẽ có nhiều bạn đọc giống TH...đọc đi đọc lại nhiều lần...rất kỹ những tiểu đoạn miêu tả chân thực đan xen cảm xúc...cảm quan...cả cảm thán chân thành tha thiết của tác giả...chạm đến nỗi đau mất mát đến xot́ xa của những người con Xứ Thượng và những người từng biết từng yêu Xứ Thượng biết bao...TH cũng cảm thấy rất biết ơn những người con Xứ Thượng đã miệt mài tâm huyết đi tìm lại từ nỗi nhớ...ghi chép lại thành văn...để ghi dấu lại , lưu giữ lại ký ức về con người và văn hóa bản địa...đang dần khép lại với thời gian và vô thức...TH lưu và hóng tiếp nha...cám ơn anh.
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Trần Thị Nhẫn
    Năm 1962 N cũng ở đây một năm nên cũng có kỷ niệm , sau lưng nhà vẫn còn là rừng ....Cheo Reo , Phú Bổn nghe cũng thân thương .
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
  • Lo Lem
    Đường số 7 !...Tôi nhớ mãi, con đường kinh hoàng của năm 1975.Tôi đã từng đi lên xuống cung đường này những 7 năm từ Tuy hòa đến huyện Củng sơn. Đoạn đường này có 3 trại tập trung cải tạo ngụy quân: trại 51,52 và 53 . Bao cay đắng, gian lao, mồ hôi và nước mắt. Những chuyến xe khách chuyên chở chúng tôi đi thăm nuôi ì à ì ạch luôn đổ nghiêng về một bên như muốn lật rải rác. bên đường xác xe nhà binh nầm ngổn ngang, đường thì gập ghềnh, khúc khuỷu, nhiều lần chúng tôi phải xuống đi bộ lội qua cả mấy cái ngầm cạn.Qua bao tháng ngày cải tạo rồi cũng được về, ( 7 năm )Rồi người thân cũng không còn nữa, tất cả gói gọn trong một chữ " BUỒN" !!!.
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 năm
    • Co Doc Soi
      Lo Lem nhà cách ly chờ chôn người tù k18. Chết vội vàng manh chiếu rách bó thây ( trích bài hát em về đi của Phan Văn Hưng)
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm
      • Thích
      • Phản hồi
      • 2 năm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét