Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

CẢM THỨC MÙA THU TRONG THƠ XƯA *Vũ Hồng

 

17 tháng 8, 2019 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
“Hiu hắt đêm qua trận gió vàng
Ngồi buồn như gợi tấm lòng thương“( Tuyết Giang Phu Tử)
CẢM THỨC MÙA THU TRONG THƠ XƯA
*Vũ Hồng
...
Thơ xưa dùng những hình ảnh ước lệ, tượng trưng, mượn cảnh mà tỏ tình, trang trải nội tình ẩn khuất của mình. Một lẻ là người xưa gắn với thiên nhiên, cho nên thiên nhiên trở thành đối tượng thẩm mỹ quen thuộc, là nguồn đề tài phổ biến, và thơ xưa thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để nói đến con người. Đây chính là đặc trưng của “cổ thi” vậy. ...
Ngay từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497), Ngô Chi Lan- nhà thơ nữ đầu tiên của nước ta đã viết bài thơ “Mùa Thu”: “Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ/ Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa/ Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm/ Rừng phong lá rụng tiếng như mưa”. Bài thơ ra đời khi thơ ca còn bị gói buộc trong niêm, luật. Mặc dù vậy, thu vẫn hiện ra với những “Sen tàn, cúc nở hoa“, vẫn “bóng nhạn, giếng ngọc, rừng phong, lá rụng…“. Ẩn sau cánh thu rất ước lệ ấy, người đọc nhận ra phảng phất, thấp thoáng một người con gái dù e thẹn nhưng đã dám lộ trình cái cảm xúc của mình trước thiên nhiên trong sắc thu, vườn thu. Và thật thú vị, những hương sắc của mùa Thu cổ điển ấy còn được giữ lại đến những thu sau, và nó đã trở thành nét thu truyền thống, thu của muôn đời, thu ” Đại Việt”.
Tuyết Giang Phu Tử ( Nguyễn Bỉnh Khiêm, 1491-1585) đã tả cảnh một đêm thu thật độc đáo: “Hiu hắt đêm qua trận gió vàng/ Ngồi buồn như gợi tấm lòng thương“( Thu tứ). Ở đây không phải là màu vàng của lá, màu vàng của nắng trời, mà là màu vàng của gió ( kim phong). Ta nhận ra ngay đó không phải là trận cuồng phong trong ” Gió thu tốc nhà” ( Đỗ Phủ), mà cũng không phải là ngọn gió đưa vèo chiếc lá của Nguyễn Khuyến, đó chỉ là gió thu tải đậm sắc vàng. Từ “hiu hắt” làm nhẹ đi từ “trận“. Gió thu thường được trình đạt với chuẩn độ “hây hây” chứ không hề nặng trĩu. Người đọc hiểu, chấp nhận và cảm được cái nghĩa sâu xa của “trận gió vàng” của một đêm mùa Thu. “Trận” có phải là tâm trạng, nỗi niềm u uất của Nguyễn Bỉnh Khiêm? Còn “gió vàng“, phải chăng là hương của chiếc lá ngô đồng vừa mới rụng ( Ngô đồng diệp lạc)? Tính độc đáo về ngôn từ là cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không dùng “lá vàng” mà là “gió vàng“. Liệu ông có nhầm lẫn giữa sắc của lá và hương của gió không? Chắc chắn là không! Một cụ Trạng nước Việt thì không thể nhầm được. Vậy là gió đã đưa mùa Thu tới. Dùng “gió vàng” để chỉ gió của một đêm thu, quả thật khó có mấy ai! Gió thu hẳn phải mang theo sắc vàng của những chiếc lá khô và hương của hoa mùa Thu. Hương và sắc của vạn vật đã tạo nên một gió thu vàng rất riêng trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cho nên chắc chắn ai cũng hiểu được đó là một đêm của mùa Thu, với nỗi buồn miên man, nhà thơ thấy như in màu vàng của mùa Thu đất trời. Tiếp câu thơ ta sẽ thấy rõ hơn đó là tâm trạng: “Ngồi buồn như gợi tấm lòng thương“. Rõ là con người và thiên nhiên đã hoà quyện như người bạn biết sẻ chia và cảm thông.
Nguyễn Du cũng bộc bạch riêng mình. Ông đã có lúc thốt lên rằng: ” Ba thu dồn lại một ngày dài ghê“. Là độ dài của tâm trạng chứ không phải của thời gian. Tâm trạng của Nguyễn Du chính là tâm cảnh, là tác động của màu sắc thu cộng hưởng với nỗi niềm của thi nhân mà nên. Ta còn bắt gặp tâm trạng như vậy trong ca dao: “Một ngày đằng đẵng xem bằng ba thu“. Điều này càng làm rõ đặc trưng của mùa Thu.
Tải trọng đêm thu của Nguyễn Bỉnh Khiêm hay là độ dài của một ngày thu của Nguyễn Du đều đằng đẵng, trì nặng.
Đến với Nguyễn Khuyến ta nhớ đến chùm thơ Thu ( Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm) nổi tiếng. Mỗi bài mỗi vẻ, nhưng có cùng nét chung là cảnh vật vắng vẻ, cô quạnh, lòng người rười rượi đầy tâm trạng trong khoảng trời bao la, xanh ngắt vời vợi. Con người như chơi vơi, vô bờ. Với mấy nét chấm phá của bức tranh sơn thuỷ, lá vàng mùa thu hoà giữa những nét xanh của ngõ trúc, của cái sóng gợn mặt nước hồ, của mây, làm cho dáng thu của vùng quê Việt Nam trở nên thướt tha hơn “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” ( Thu điếu), “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao” ( Thu vịnh), “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt“( Thu ẩm ). Và cụ Tam Nguyên Yên Đỗ thật xứng danh là nhà thơ của thu. Qua những nét vẽ của nhà thơ dễ khiến lòng ai đã yêu phong cảnh trù phú đặc trưng của nông thôn bắc bộ, lại càng thêm yêu quê hương mình hơn.
Thoáng cảm trước cảnh trời cuối thu với những dòng thơ xưa, trở về thực tại, tôi nghĩ lại lời văn của K. Pauxtôp-xki ( 1892-1968) trong tác phẩm Một mình với mùa Thu( 1963): “…Mùa Thu lao xao trò chuyện với những chiếc lá cuối cùng đang lác đác rơi xuống… Và anh sẽ cảm thấy đó là một tuyệt tác vĩ đại vô cùng của thiên nhiên, món quà nâng đỡ tâm hồn anh, gợi cho anh nhớ rằng cuộc đời chung quanh chứa đầy giá trị và ý nghĩa”
Năm nay, đất trời như vội lập đông, trong tôi còn vương mãi cái cảm thức về mùa Thu quê hương, Thu nước Việt thật đẹp, thật lãng mạn, đã gợi men cho hồn thơ của bao thi nhân. Chế Lan Viên phải tiếc nuối, đã thốt lên lời nhắn gởi : “Ai đâu trở lại mùa Thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng“.
VŨ HỒNG
(Trích đoạn trong bài "Cảm thức mùa thu trong thơ xưa" của Vũ Hồng đăng trên https://datdung.com/cam-thuc-mua-thu-trong-tho-xua-vu-hong/)
* Ảnh "Độc Hành" của Thái Bích Thuận.
Không có mô tả ảnh.
Bo Dao, Kim Thoa Pham và 107 người khác
9 bình luận
4 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

9 bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét