Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VIỆT NAM *Nguyễn Trường Thăng

 

23 tháng 9, 2019 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Nhìn lại hình ảnh của những nẻo đường xứ buồn muôn thuở...
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VIỆT NAM
*Nguyễn Trường Thăng
Trưa nay, một số các cháu từ miền Nam về thăm, không rõ đang nói chuyện gì, tôi bỗng sực nhớ lời một bài hát khi còn trẻ “những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan”, hỏi các cháu có biết bài hát đó không? Các cháu sinh sau năm 1975, lắc đầu nói: Không!
Lời bài hát còn vang vọng trong tôi với những ca từ và hình ảnh quá xúc động “ánh chiều dần rơi, bờ lúa thương nhau”…”xóm nghèo, ánh trăng soi lối vào”, “sao người ơi đành tâm chia đường cách đôi”. Chiều nay, tìm lời bài hát và nghe các ca sĩ trình bày, tôi cảm thấy rất buồn vì nhiều lời đổi thay “ánh chiều dần rơi bờ lúa nương dâu” sao bằng “bờ lúa thương nhau”, và câu kết “yêu là yêu là yêu chúng mình quá yêu” thay thế câu “Sao người ơi đành tâm chia đường cách đôi”.
Hình như nữ ca sĩ Thanh Thúy trình bày đúng lời ban đầu của nhạc sĩ Thanh Bình (1933-2014), cảm thấy thật hạnh phúc.
Người ta đang tàn phá những làng quê Việt Nam nhân danh tiến bộ, văn minh…cả vật chất lẫn phi vật chất…
Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Những nẻo đường về đâu?
Ánh chiều chìm rơi bờ lúa thương nhau
Ôi những nẻo đường về đâu?
Ôi những nẻo đường về đâu?
Ôi ta đắp đường làng ta
Nhắn ai đi chớ quên quê nhà
Con đường về thôn vui quá
Ôi ta bước trên đồi cao
Xóm nghèo, ánh trăng soi lối vào
Những nẻo đường gặp gỡ duyên nhau.
ÐK::
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Yêu là yêu là yêu những nẻo đường ấy,
Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi
Sao người ơi đành tâm chia đường cách đôi.
Viết ra cho thanh thỏa nỗi lòng, dù bị gán cho là kẻ lẩm cẩm, hoài cổ… Mong cũng có người đồng cảm.
Antôn Nguyễn Trường Thăng
TẢN MẠN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VIỆT NAM
*Thanh Nguyên
Gần bốn mươi năm trước. Trong khung cảnh những buổi chiều hè miền Trung, thanh bình và êm đềm như trong giấc mộng. Cứ đúng năm giờ chiều, tôi lại được nghe giọng hát của Thái Thanh. Chỉ một đoạn ngắn thôi, lúc mở đầu chương trình “những nẻo đường Việt Nam” . Rằng : “…Những nẻo đường Việt Nam. Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan. Ôi những nẻo đường Việt Nam…” .
Giọng hát của Thái Thanh và giai điệu của những nẻo đường Việt Nam cứ đeo đẳng tôi mãi từ tuổi thơ cho đến giờ. Cứ có chuyến đi đâu xa, qua bất kỳ vùng nào của quê hương, nó cũng trỗi dậy, rung động và réo rắc trong lòng. Rằng :“…Những nẻo đường về đâu ? Bóng chiều chậm rơi bờ lúa nương dâu. Ôi, những nẻo đường về đâu ?…”.
Câu hỏi hay quá. Những nẻo đường về đâu ? Không biết vì sao, tôi cứ muốn hỏi mãi, hỏi hoài cái câu “những nẻo đường về đâu” khi nhìn thấy một con đường rẽ ra từ con đường mình đang qua.
Trên con đường thiên lý Bắc Nam. Chân tôi lướt qua khắp nẻo. Qua vùng này là bỏ lại sau lưng vùng nọ. Sông núi cứ vươn dài ra, nối tiếp với nhau triền miên không dứt. Từ cao nguyên đại ngàn gió núi, đến vùng trung du cô liêu, đến bình nguyên màu mỡ mượt mà. Biển xanh ngoài kia cũng đuổi theo bước chân đi, gặp đó, rồi ly biệt, rồi thỉnh thoảng hiện ra, chào nhau, hội ngộ…
Những con đường cứ nối tiếp nhau, tạo thành muôn mạch, muôn nhánh. Nhánh nào cũng chạy đến vô cùng. Mỗi con đường là có muôn lối rẽ. Đi đường này thì phải ly biệt với con đường kia. Những con đường phải ly biệt đó rồi sẽ đi về đâu? Băng qua những gì kể từ nơi cuối tầm nhìn hút mắt? Cứ mỗi một ngã rẽ, tôi lại nhìn theo bóng chúng cho đến khi hút bóng tầm nhìn . Khi nó khuất xa rồi, thì lại tiếp tục tưởng tượng ra bao nhiêu điều mà nó đã từng lưu dấu. Lưu dấu trong hiện tại và lưu dấu suốt tự ngàn xưa, từ thưở nó mới hình thành.
Một buổi nọ đi qua vùng đồng bằng. Mênh mông bạt ngàn lúa chín. Lòng đang hân hoan với cảm giác của sự trù phú ấm no, bỗng lại chùng xuống vì một niềm thương cảm mông lung về cái vòng đời lam lũ đã truyền đời, nối tiếp ...
Một chiều kia đi ngang qua vùng quan họ, ngắm những bóng áo nâu chàm khom khom trên đồng lúa, chợt thấy thương những cô Tấm tự ngày xửa, ngày xưa. Những cô Tấm đảm đang kia rồi. Có phải chính các nàng đã tạo nên hồn tranh Tố Nữ ?
Những kiếp nghèo nơi tôi đang đi qua, vùng xa kinh kỳ ánh sáng, những muộn phiền từ sự cơ cực lam lũ phải chăng đã làm nhuốm màu buồn cô liêu khắp không gian, trong buổi chiều tà một vùng thôn ổ xa xôi.
Nhìn về chốn xa kia, dưới những quầng sáng đô thành, đang chứa những mảnh đời nào ? Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu mảnh đời đang buồn hay đang vui nơi ấy ?
Đâu chỉ có những mảnh đời kiếp này, rồi kiếp khác, muôn màu sắc, lưu dấu trên những nẻo đường ta đi qua ? Còn dấu tích lịch sử nữa. Những dấu tích lịch sử đã gợi biết bao nỗi niềm trong một cuộc đi. Và chính những con đường kia là người khơi gợi và nhắc nhớ .
Rồi lại còn thơ nữa. Những con đường là kẻ tạo hồn thơ cho tôi.
Thả hồn trôi bâng quơ theo những gì quanh những con đường đi qua, một cách tự nhiên những dòng thơ vô tình hình thành và đọng lại. Những câu thơ về cảnh trí non sông bao giờ cũng khiến tôi rưng rưng xúc cảm.
Từ đó, tôi chợt nhận ra rằng tình quê hương đã âm thầm mà thấm đẫm trong hồn tôi từ những nẻo đường đã đi qua. Đi qua và hỏi mãi “những nẻo đường về đâu ?” “Những nẻo đường về đâu ?”.
...
Thanh Nguyên
Lo Lem, Bo Dao và 179 người khác
144 bình luận
13 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

144 bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét