Vào năm 1969, một người nước ngoài đã ghi lại những khoảnh khắc về địa danh, con đường, cảnh sinh hoạt của người dân Ban Mê chân thật và hiếu khách...(Bộ ảnh của Chú Tom)
TÂM SỰ VỚI BAN MÊ THUỘT
*Nguyễn Vũ Trâm Anh
Ban Mê Thuột dấu yêu ơi! Tôi đã ở thật xa bạn, cách nửa vòng trái đất nhưng rồi mỗi khi nhìn thấy tên bạn trên bất kỳ tờ báo nào hay nghe ai nhắc đến, tôi lại nhớ bạn da diết.
Thắm thoát tôi xa rời Ban Mê Thuột đã hơn ba mươi năm rồi nhỉ. Quay ngược lại thời gian xa xưa bạn nhé. Ngày ấy tôi còn là một con bé sống cùng với bố mẹ và các chị em tại căn nhà số 43 Hàm Nghi. Đường phố còn thưa thớt người. Phương tiện di chuyển thông dụng nhất là xe đạp, xe xích lô và xe ngựa. Đa số đi bộ vẫn là chính. Tôi nhớ năm lên bốn tuổi, một buổi chiều sau khi làm xong bài, mẹ đã cho hai chị em tôi xuống nhà bác tôi ở đường Trần Bình Trọng chơi. Lần đầu tiên được đi bộ mà không có người lớn, mẹ dặn chị em tôi kỹ càng. Nắm tay chị vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Mỗi nhà cách nhau một khoảng đất nhỏ, có những nhà liền vách, nhưng ít có bóng người qua lại trên đường nhất là vào buổi trưa. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ tích “Cô bé quàng khăn đỏ và con chó sói” và thầm nghĩ: “May quá không có rừng ở đây”. Ngày xưa những câu chuyện cổ tích mẹ kể cứ theo tôi vào trong từng giấc mơ, đưa trí tưởng tượng của tôi đi khá xa. Ban Mê Thuột của tôi ngày ấy yên tĩnh, trầm lặng lắm.
Rồi tôi lớn dần lên, về sinh sống tại khu cư xá Độc Lập. Khu cư xá im lặng quá. Chỉ có buổi chiều giờ tan sở mới có những xe nhà binh chạy ngang qua nhà thôi. Những con đường trải nhựa nhưng hai bên vẫn là bờ đất, mỗi khi cơn gió lùa về, bụi tung bay mù mịt. Mùa mưa đến thì sao nhỉ. Ái chà, giá được tắm mưa thì thú vị lắm, nhưng bố mẹ tôi cấm tuyệt. Vậy chỉ còn cách là gấp thuyền giấy thả theo giòng nước mưa từ ống máng chảy ra trên sân xi măng ngập nước. Đủ loại thuyền, đủ màu sắc trôi khắp mặt sân. Một bức tranh được các chị em tôi vẽ trong mưa. Mấy chị em ngồi nhìn mưa rơi, nhìn thuyền giấy trôi, thỉnh thoảng xen lẫn sấm chớp đùng đùng trên bầu trời xám xịt. Chị em tôi có sợ thật nhưng nỗi sợ chỉ thoáng qua trong chốc lát, mà mưa rơi thì tôi lại nghĩ đến truyện cổ tích “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Hôm nào có mưa bong bóng thì thật là dễ thương, những bong bóng rớt trên sân rồi vỡ tan. Năm lớp Sáu được mặc áo dài giống như người lớn tôi thích thú làm sao. Nhưng mà mùa mưa đến thì đi học vất vả thật, gấu quần trắng chuyển sang màu đỏ của đất trộn với nước mưa.Tôi cố gắng đi nhẹ nhàng cách mấy cũng vẫn bị đất bắn tung lên quần trắng, lên vạt áo dài sau. Chưa kể nếu mà dẫm phải bùn nhão thì guốc dép bỗng thấy nặng chịch vì bị cả tảng bùn dính vào. Những chiều cuối tuần bố tôi chở hai chị em bằng xe Lambretta ra phi trường chơi. Ngang qua khu vườn trồng cà phê hít thở mùi hoa thơm dịu tôi thấy thích thú làm sao. Hay đi qua khu rừng cao su tôi lại hơi sợ ma khi nhớ đến câu ca dao: “Cao su đi dễ khó về” hay như “ Mỗi cây là một xác người công nhân.” Dù vậy Ban Mê Thuột của tôi vẫn còn đẹp và nên thơ có lẽ vì sự tĩnh mịch ấy.
Sau năm 1975, gia đình tôi về ở tạm tại đường Tôn Thất Thuyết rồi sau đó chuyển lên đường Lý Thường Kiệt. Những ngày gần Noel cho đến Tết, gió lạnh ùa về. Sáng nào đi học vừa tới ngã tư Ama Trang Long để hướng về con đường đến trường, từng cơn gió thổi lùa vào tận cổ lạnh tái tê. Thỉnh thoảng lại có kèm theo gió bụi nên dù trời lạnh vẫn phải gội đầu mỗi chiều vì một lớp bụi mỏng phủ trên da đầu. Đường sá cũng chưa đông đúc, đi bộ và xe đạp vẫn là chính, xe lam, xe xích lô, xe ngựa cũng còn hoạt động. Chín giờ tối nhà nhà đã đóng cửa, đường phố buồn hiu hắt. Những đêm mưa bão, nằm nghe tiếng mưa rơi như trút nước xuống mái nhà tôn, tôi thiếp dần vào giấc ngủ. Nhưng trong tôi Ban Mê Thuột vẫn còn dễ thương lắm.
Tôi theo gia đình chuyển về Sài Gòn sinh sống vào mùa hè năm 1979. Nhìn thành phố này ồn ào tôi lại càng nhớ bạn nhiều. Ao ước được về sống với bạn không bao giờ thành hiện thực vì nhiều lý do ngoài ý muốn. Trời mưa, trời lạnh, trời gió, trời nắng tôi đều nghĩ về những ngày tháng sống tại Ban Mê Thuột. Cứ vài năm tôi về thăm bạn để tìm lại những kỷ niệm dấu yêu. Ban Mê Thuột vẫn giữ nét hiền hòa mà khó tìm ở đâu được.
Sau mười lăm năm sống tại xứ người, lần đầu tiên tôi quay về thăm Ban Mê Thuột. Tôi ngỡ ngàng quá, sao bạn thay đổi nhanh chóng đến như vậy. Chợt giật mình nghĩ lại. Bạn phải thay đổi kịp theo tốc độ tiến triển của thành phố chứ. Bạn đâu còn là thị xã nữa. Kỷ niệm của ngày xưa tưởng như đã nằm yên trong tâm trí tôi chợt thức giấc. Con đường Hùng Vương mà hàng ngày tôi đi bộ mòn dép đến trường của ba năm cấp Ba thật là xa lạ, tôi không nhận ra được. Chưa kể khu phố Lý Thường Kiệt nơi gia đình tôi đã ở đó từ năm 1977 cũng khác nữa. Nhiều và nhiều thay đổi lắm bạn ạ. Giờ chỉ còn xe hơi và xe máy, lâu lâu mới thấy bóng chiếc xe đạp, còn người thì đông quá. Băng qua đường mà tôi còn cảm thấy sợ khi xe cộ nối đuôi nhau. Tiếng còi xe hơi vang lên nghe chát chúa, tiếng rú của động cơ xe máy nghe nhức óc. Bất giác tôi tự hỏi buổi trưa ở Ban Mê Thuột giờ có còn êm ả không, có còn tiếng rao hàng của những gánh chè bán rong hay gánh đậu hũ nước đường không. Khi màn đêm xuống có còn nghe tiếng rao buồn của người bán hột vịt lộn không nhỉ. Ban Mê Thuột đã thật sự chuyển mình rồi.
Nếu bạn biết rằng nơi đây có những buổi chiều cuối tuần nhất là những ngày gần cuối năm, tôi vẫn lặng lẽ hướng về quê nhà, nhớ về gia đình, nhớ về bạn đã gói ghém trong đó bao nhiêu kỷ niệm buồn nhiều hơn vui đối với tôi. Tôi nhớ đến hương hoa cà phê thơm dịu quyện vào gió mỗi khi đi ngang qua những vườn cà phê, đặc sản của thành phố Ban Mê Thuột đấy. Tôi đã mang theo hình ảnh êm đềm của thành phố tuổi thơ. Giờ đây trên xứ người tôi luôn cảm thấy tự hào khi mình đã được sống trên vùng đất đỏ mang tên Ban Mê Thuột. Cho dù Ban Mê Thuột chỉ chiếm một phần thật khiêm tốn trong bản đồ Việt Nam hình cong như chữ S. Dù hôm nay bạn đã không còn được như những ngày xưa nữa nhưng đâu đó, tôi nghĩ, vẫn có thể tìm được nét đáng yêu của Ban Mê Thuột.
Mãi mãi nhớ về Ban Mê Thuột-thành phố tuổi thơ của tôi.
Nguyễn Vũ Trâm Anh
*Bộ ảnh của Chú Tom ((Chú Tom hiện nay là Giáo Sư Đại Học Ngành Kế toán của trường ĐH Northeastern University thuộc Tiểu Bang Massachusett).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét