Giữa xã hội hiện đại, âm nhạc Chăm vẫn lặng yên và phát triển, như một suối nguồn âm ỉ, nhưng vẫn mạnh mẽ...
TRỐNG GINENG, TRỐNG PARANƯNG & KÈN SARANAI
* Minh Khôi - Tuấn Lê
...
Âm nhạc truyền thống của người Chăm vẫn còn được bảo tồn trải qua hàng trăm năm dâu bể, vẫn giữ được những giai điệu huyền bí, đẹp tuyệt diệu dưới những bóng tháp ngà. Vẫn được cất lên mỗi mùa Lễ hội Katê, vẫn được cất cao hàng ngày trong những giờ làm gồm, dệt vải, trên chiếc võng ru nôi bà mẹ Chăm nuôi con lớn lên…
Người Chăm sử dụng nhiều loại nhạc cụ trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và thường được xếp thành ba nhóm chính là bộ gõ, bộ hơi và bộ dây. Trong đó được sử dụng nhiều và phổ biến nhất là trống Gineng, trống Baranưng và kèn Saranai.
TRỐNG GINENG
Trống Gineng có hình dạng giống như trống cơm của người Việt nhưng kích thước lớn hơn, thân trống làm bằng gỗ lim hay trắc dài khoảng 0,7 m, được bào trơn nhẵn cả trong lẫn ngoài. Hai mặt trống được căng da, mặt nhỏ thường được căng da dê hay da nai và đánh bằng tay không, mặt lớn được căng da trâu và đánh bằng dùi. Trống Gineng bao giờ cũng dùng đôi, diễn tấu trong tư thế ngồi với trạng thái tĩnh, hai chiếc đặt chéo nghiêng áp sát nhau trên mặt đất, do nghệ nhân dân gian sử dụng.
Với người Chăm, tiếng trống Gineng ngân lên, đó là âm hưởng linh thiêng, báo hiệu mùa lễ hội sắp đến và ai nấy cũng vui vẻ phấn khởi để hòa mình vào các lễ hội của cộng đồng. Để đánh được loại nhạc cụ này, học viên cần bái một nghệ nhân làm thầy với lễ vật bái sư gồm trứng, rượu, cau trầu. Sau khi bái sư, học viên sẽ được nghệ nhân dạy đánh từ âm cơ bản đến các điệu trống phức tạp. Muốn trở thành một nghệ nhân trống Gineng thành thục thì không hề dễ mà phải trải qua một quá trình tập luyện tích cực. Theo quan niệm người Chăm, những người có tâm hồn thanh thản, trong sáng thì đánh trống mới nghe rộn ràng, hùng hồn, còn những người có bụng dạ hẹp hòi, ích kỷ thì tiếng trống khó đi vào lòng người được.
TRỐNG BARAPƯNG
Trống Baranưng vừa là nhạc cụ vừa là vật tổ linh thiêng của ông Maduen (thầy vỗ). Thân trống làm bằng gỗ đục rỗng có đường kính khoảng 0,4 mét, một mặt trống được căng bằng da dê hay da nai và được căng bằng hệ thống dây mây với mười hai con nêm bằng gỗ. Mười hai con nêm này là bộ phận tăng giảm âm theo tùy người sử dụng.
Khi sử dụng trống Baranưng nghệ nhân đặt trống trước ngực, vành trống tỳ vào đùi trái trong tư thế ngồi xếp bằng hai chân, cánh tay trái đặt lên vành trống vừa để giữ trống, vừa để vỗ, tay phải để tự do. Với thủ pháp rung ngón và đôi khi dùng cả bàn tay trái bịt mặt trống tạo thành âm thanh ngắt, tay phải vỗ vào mặt trống với thủ pháp vỗ trọn bàn để tạo âm thanh trầm, đánh nửa bàn tay tạo âm thanh bổng… Tùy theo điệu nhạc mà nghệ nhân phối hợp các thủ pháp trên một cách thích hợp để tạo sắc thái âm điệu trầm bổng khác nhau. Bananưng là loại nhạc cụ đơn giản nhưng sử dụng khó nhất, để đánh thành thạo loại trống này, người đánh trống phải trải qua thời gian dài theo học ở thầy vỗ trống Maduen.
KÈN SARANAI
Đây là loại nhạc cụ có tên rất gần gũi với sarunai của người Ba Tư, surunai của người Mã Lai, nhưng Saranai của người Chăm có nét đặc trưng riêng. Kèn Saranai có ba phần gắn liền nhau gồm phần chuôi làm bằng đồng để gắn lưỡi gà bằng lá buông, phần thân làm bằng gỗ đục rỗng có bảy lỗ chính phía trên và một lỗ phụ phía dưới, và phần loa làm bằng gỗ quý, sừng trâu hay ngà voi đục rỗng ruột để khuếch đại âm thanh.
...
Người Chăm có nền âm nhạc phát triển từ rất sớm và gắn liền với đời sống và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng. Thú vị hơn, người Chăm xem bộ nhạc cụ trống Gineng, kèn Saranai, trống Baranưng tượng trưng cho các bộ phận của cơ thể con người, trong đó trống Gineng tượng trưng cho đôi chân, Baranưng là thân thể, Saranai là phần đầu của con người. Do đó mỗi khi sử dụng phải có đủ bộ các loại nhạc cụ này.
Như vậy, ta có thể thấy những thanh âm dập dìu của âm nhạc truyền thống không thể nào thiếu được ba loại nhạc cụ chủ đạo nói trên. Dù là âm nhạc cổ truyền được truyền từ nghìn xưa lại hay là âm nhạc hiện đại, tất cả đều phảng phất nền tảng của ba loại nhạc cụ trên, để rồi, khi ở bất kì phương trời nao, nghe được tiếng trống Baranưng hay tiếng kèn Saranai phảng phất vào trong giai điệu, người Chăm lại bồi hồi xúc động trước những thanh âm bật nên từ hồn cốt dân tộc.
Minh Khôi & Tuấn Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét